Tư liệu:
Đức Cha Eugène-Marie-Joseph Allys (Lý) (1852 - 1936)
Vị Giám Mục thứ 5 cai quản Giáo Phận Huế (1908 - 1931)
Eugène-Marie-Joseph Allys sinh ngày 12/02/1852 trong một thôn xóm của giáo xứ Paimpont, gần cánh rừng danh tiếng Brocéliande (trung tâm vùng Bretagne) được các nhà thơ xứ Bretagne ca tụng.
Nhà thờ giáo xứ Paimpont cách Paris 347 km về phía tây
Cha mẹ thực sự nghèo khó, nhưng là Kitô hữu rất đạo đức, và trong 8 người con của gia đình này, có 2 linh mục, vị đầu đã mất cách đây vài năm, nguyên là cha sở Langon địa phận Rennes, và một nữ tu, sơ Eulalie, mất tại Pléchatel. Eugène bắt đầu học tại nhà xứ Paimpont, sau đó được gửi vào Tiểu chủng viện Saint-Méen, hiện nay đã chuyển đến Châteaugiron, và sau thời gian ngắn lưu trú tại Đại chủng viện Rennes, Eugène vào Chủng viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại.
Chủng viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris
Thụ phong linh mục ngày 10/10/1875, cha Allys lên đường ngày 16/12 năm đó đến Miền Truyền Giáo Bắc Đàng Trong. Đức Cha Sohier, hồi đó làm Đại Diện Tông Toà, trao phó cho vị thừa sai trẻ nhiệm sở nhỏ bé là Viện Dục Anh Kim Long, gần kinh đô Nước Việt.
Nhà thờ Viện Dục Anh Kim Long
Ngài lo các trẻ mồ côi, nhưng bổn phận trước tiên của ngài là học Tiếng Việt. Đức Cha Sohier đã nhanh chóng nhận thấy và đánh giá cao vị linh mục này. Vui thích vì các đặc tính của trí óc và con tim vị thừa sai, một ngày kia, Đức Cha Sohier nói với một linh mục người Việt rằng: “Người đồng sự trẻ này sẽ trở thành Bề trên của Miền Truyền Giáo”. Một lời tiên tri sẽ ứng nghiệm vào 32 năm sau.
Trong thời kỳ này, Việt Nam hưởng được yên bình tương đối, nhờ hoà ước 1874, chấp nhận cho người dân được tự do tôn giáo. Nhân cơ hội đó, Đức Cha Sohier thực hiện một chuyến thăm viếng mục vụ tại Quảng Bình.
Mệt nhọc vì những năm khắc khổ hoạt động tông đồ, trong đó hầu như ngài luôn bị buộc phải sống ẩn nấp, ngài đã bị bệnh tiêu chảy nặng tại Kẻ Sen, một giáo xứ kỳ cựu đã thường làm chỗ trú ẩn cho vị Giám mục trong những cuộc bách hại khủng khiếp của Thiệu Trị và Tự Đức.
Được tin đó, cha Allys đi liền ra Quảng Bình và đến đúng lúc để nhận phép lành của Giám mục mình và trao ban cho ngài những bí tích cuối cùng. Đức Cha Đại Diện Tông Toà qua đời ngày 3/9/1876. Sau khi dự lễ An táng, cha Allys trở về Huế và tiếp tục việc mục vụ bên các trẻ mồ côi cho đến lúc Đức Cha Pontvianne đặt ngài làm Bề trên Đại chủng viện. Nói đúng ra, nhiệm vụ này không làm cho ngài vui thích bao nhiêu, dầu ngài vẫn hết sức chu toàn, nhưng lâu sau ngài mới được đổi đi xứ. Ao ước này được thực hiện sau cái chết bất ngờ của Đức Cha Pontvianne xảy đến vào ngày 30/7/1879.
Quả thực vào năm 1880, Đức Cha Caspar đã chỉ định cha Allys về nhiệm sở Dương Sơn, giáo xứ kỳ cựu và là cánh đồng hoạt động của Chân Phước Jaccard Phan. Dưới sự hướng dẫn của một linh mục người Việt đáng kính (cha Thường), vị thừa sai trẻ đã bắt đầu học được rất nhanh các phong tục tập quán của xứ sở.
Vào năm 1883, hoà bình lại bị khuấy động: nơi này nơi khác các Kitô hữu bị bách hại. Đến lượt giáo xứ Dương Sơn bị hăm dọa. Một ngày kia cha Allys nhận được một lá thư của Đức Cha Caspar nội dung như sau:
“Một lệnh của quan nhiếp chính Tường truyền cho tất cả mọi người khoẻ mạnh phải ở trong tư thế sẵn sàng để được trưng dụng cùng vũ khí và lương thực. Chúng ta chỉ hy vọng được cứu thoát nơi Chúa mà thôi. Chờ dấu hiệu đầu tiên là bắt đầu chém giết. Chúng ta chỉ còn chuẩn bị các tín hữu chết lành mà thôi”.
Tháp chuông cổ giáo xứ Dương Sơn (1833)
Sau này Đức Cha Allys nói: “Ôi những ngày khắc khoải cho các Kitô hữu. Không gì kinh khủng bằng những sự hăm dọa chết chóc như thế mà âm vang không ngừng đến với chúng tôi và gieo rắc sự kinh hoàng giữa các Kitô hữu; không gì làm cho mất tinh thần hơn sự bất định liên tục về ngày mai !”
Trong suốt thời gian đó, cha Allys thi hành một hoạt động mục vụ đầy hiệu quả và mang đến cho các tín hữu thật dồi dào an ủi tinh thần nâng đỡ họ trong cơn thử thách. Những người còn sống sót từ thế hệ này thích ca tụng sự hoà mình, lòng nhân ái và tình thương của vị thừa sai là người đã chiếm trọn cõi lòng của họ.
May thay Dương Sơn được miễn trừ. Chỉ có một vài giáo xứ phía nam và phía tây tỉnh Huế đã bị hầu như hoàn toàn triệt tiêu. Lúc đó ông Tricou đến Huế như bộ trưởng đặc mệnh toàn quyền phiền trách quan nhiếp chính Tường và chính quyền Việt Nam. Vị quan này mạnh mẽ chối bỏ những sự kiện rất tỏ tường và phản đối cho rằng chẳng ai thèm để ý đến người công giáo làm gì!
Sự can thiệp của vị đại diện Pháp ít nữa cũng có một kết quả tốt: đó là ngăn cản những bách hại khác.
Nhưng than ôi! Cơn gió lặng tạm thời do sự can thiệp của Pháp kéo dài không lâu. Quả thực, ngày 5 tháng 7 năn 1885, sau khi tướng de Courcy chiếm Huế, vị vua trẻ Hàm Nghi và quan nhiếp chính thứ hai Tôn Thất Thuyết đã chạy trốn ra thành Cam Lộ khoảng 80 km về phía đông bắc Huế. Vị nhiếp chính thứ nhất không hề rời kinh thành, nhưng đã thoả thuận với đồng bạn, ông truyền lệnh cho các nho sĩ nổi dậy chống Pháp và các Kitô hữu. Lệnh này được thực thi từng điểm một. Trong tỉnh Quảng Trị, ở phía bắc Huế, thật là cả một tai họa thực sự!
Một đoàn quân Pháp lên đường từ Huế tiến chiếm tỉnh lị Quảng Trị, nhưng đã quá chậm. Trong vòng vài tiếng đồng hồ, hơn một nửa Kitô hữu đã bị tàn sát và tất cả các họ đạo đều bị phá huỷ. Theo chỉ thị của Đức Cha Caspar, cha Allys đi theo đoàn quân viễn chinh. Ngài viết:
“Trong đêm 7 rạng ngày 8 tháng 9, chúng con thấy đám cháy thiêu rụi họ đạo Kẻ Văn. Sáng ngày 8, chúng con đi qua các làng đã bị đốt cháy là Ngô Xá và Tri Lễ.
Trước mặt Cổ Vưu, chúng con thấy 8 xác trẻ em bị chặt đứt chân tay cách dã man. Phần đông các Kitô hữu cư trú bên bờ trái con sông đều đã có thể thoát được. Nhưng những giáo xứ lớn và đẹp đẽ ở bờ phải chỉ còn là đống tro tàn và la liệt nhiều xác chết .Nhất là ở trong và chung quanh các nhà thờ, các tử thi chất đống. Sau khi đã mất hy vọng thoát khỏi cái chết hoặc chạy trốn, hoặc bằng cách nào khác, một số lớn, nhất là phụ nữ và trẻ em tìm một chút an ủi là được chết dưới
bóng Thánh giá và được chôn lấp dưới những đổ nát của nhà thờ, nơi họ đã lãnh nhận phép Rửa và thường xuyên đến cầu nguyện.
Trong nhiều nơi người người đã bị thiêu sống và các người Pháp ở Quảng Trị xúc động biết được rằng cách thành đó khoảng một giờ đi bộ, người ta đã thiêu sống 176 người thuộc họ đạo An Lộng.
Trong họ Dương Lộc, cuộc tàn sát thật kinh khủng. Chắc hẳn không thấy rõ nguy hiểm đang bao quanh, hoặc nghĩ rằng hợp lực lại họ có thể chống cự quân cướp dễ dàng hơn, nên các Kitô hữu thuộc 5 họ đạo lớn, 4 linh mục và khoảng 50 nữ tu họp nhau tại Dương Lộc. Họ đã có thể đẩy lui nhiều cuộc tấn công của loạn quân. Nhưng những loạn quân này đã gọi thêm tăng viện và đã dẫn đến cả 1 con voi trận. Trước những sức mạnh đó, các người trong vòng vây chắc hẳn đã mất can đảm. Sau khi phá bỏ các chướng ngại vật, loạn quân xâm nhập vào trong lũy nhỏ bảo vệ yếu ớt của các Kitô hữu.
Lửa cháy, gươm đao, giáo mác tất cả hợp nhau tàn sát 2 hoặc 3 ngàn Kitô hữu tụ họp nơi đó”.
Tuy nhiên giữa mọi đổ nát đó, tâm hồn vị thừa sai đã cảm nhận được một niềm an ủi dịu dàng. Cha Allys kể tiếp:
“Sẽ không bao giờ con quên được câu trả lời của một bà cụ trên 70 tuổi gặp thấy nằm bên đường, trước ngôi nhà bị thiêu cháy và rất gần với khoảng chục xác chết đã đông cứng, người đàn bà đó có hai má và lưỡi bị giáo đâm qua, con không kể đến các vết thương khác. Dầu đã 5 ngày nằm đó không ăn không uống, bà vẫn sống và tỉnh táo. Quỳ xuống bên cạnh bà, con hỏi bà chắc đau lắm và bà muốn xưng tội không. Hoặc bà đã không nghe các câu hỏi của con, hoặc bà đã tưởng điều gì khác, bà chỉ trả lời con bằng những tiếng này: “Tôi sẽ không bỏ đạo”.
Cha Allys nhờ các người Việt tháp tùng hỏi bà và cũng nghe một câu trả lời như thế. Ngài liền ban phép giải tội lòng lành cho bà và bà chết tử đạo.
Cha Allys còn ở lại Quảng Trị một ít thời gian rồi ngài tiếp tục đi đến An Ninh đã bị loạn quân bao vây suốt ba tuần và vừa được giải thoát.
Nhà Nguyện Tiểu Chủng Viện An-Ninh
Ngài ở lại một tháng với cha Dangelzer, cha Chính Miền Truyền Giáo tại Di Loan, một họ đạo gần Tiểu chủng viện đã bị quân Văn thân tàn phá rồi ngài trở về Huế tường trình lại cho Đức Cha Caspar.
Toàn cảnh giáo xứ Di Loan
Bấy giờ ngài được đặt làm cha sở Phủ Cam và quản hạt Bên Thuỷ. Phủ Cam lúc đó có gần 500 giáo dân và giáo hạt được hình thành từ một ít giáo xứ nghèo mà nhiều xứ đã mất đi một phần mười trong cuộc bách hại.
Cha Allys can đảm bắt tay vào việc để dựng lại những đổ nát chất đống do cuộc bách hại; ngài đã làm việc rất tốt đến nỗi vào năm 1910, khi ngài rời nhiệm sở này, giáo xứ Phủ Cam có gần 2.400 giáo dân sống đạo và cả giáo hạt có hơn 11.000 người.
Các cuộc trở lại này được thực hiện nhất là trong tầng lớp nghèo khổ. Cha Allys thích nói: “Lời Chúa “pauperes evangelizantur” (rao giảng Tin Mừng cho người nghèo) được minh chứng mỗi ngày” .
Nhưng không phải chỉ có những người nghèo mới trở lại; cũng có những cuộc trở lại trong hàng ngũ cao hơn của xã hội Việt Nam, và ngay cả trong những phần tử của hoàng gia. Đó là một người cháu gái của vua Minh Mạng là người đầu tiên đến xin trở lại đạo.
Bao lâu chỉ có công chúa công giáo này thôi, thì người ta không ái ngại gì nơi chốn quan quyền đó. Nhưng khi Triều đình biết được cuộc trở lại đạo của 2 hoàng tử khác, bà con cô cậu với công chúa này, Triều đình nghĩ rằng đó là một nguy cơ lớn cho đất nước. Hai người mới trở lại này bị bắt như những kẻ âm mưu nổi loạn và bị kết án tử hình.
Cha Allys can thiệp bên cạnh Toàn Quyền Đông Dương de Lanessan, và nhờ sự can thiệp này, bản án tử hình được đổi thành lưu đày suốt đời trong tỉnh Quảng Nam, rồi sau ít thời gian, hai vị hoàng tử đã được gia ân cho về.
Mặc dầu có những cuộc bách hại và ngay cả lúc các cuộc bách hại khủng khiếp đó đang xảy ra, một nhà sư (bonze) tên Thuyền, cũng là cháu của Minh Mạng, đã học thấu đáo đạo công giáo và xin trở lại.
Ông đã được Đức Cha Caspar rửa tội long trọng với cả gia đình sau khi học giáo lý tại Phủ Cam.
‘Mệ’ Hường Thuyền (thân phụ cụ Ưng Trạo)
Gia đình cụ Ưng Trạo (con “Mệ” Hường Thuyền)
Hiện nay dòng dõi ông có nhiều và một chi tiết đáng được nêu lên, một trong những người con của ông là Ưng Trạo, đã kết hôn với một người chắt của Chân Phước Phaolô Bường. Gia đình có 15 người con (sau là 16): một người là đệ tử Dòng Phanxicô Thanh Hoá (anh Sao, sau về lập gia đình, rồi vợ mất và nay đang tu một dòng ở Pháp), hai ái nữ đi tu, một ở Dòng Cát Minh Huế (chị Uyên, sau ra lập gia đình), và một tại Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm (chị Luyến).
(Người dịch bổ túc: hai người làm linh mục giáo phận Huế ( cha J.B.Bửu Đồng và cha Rap.Bửu Hiệp), một ái nữ nhập Dòng Mến Thánh Giá Di Loan (chị Khương), một ái nữ khác đi tu Dòng Mến Thánh Giá Cải Cách Kim Đôi, nay là Con Đức Mẹ Đi Viếng (chị Tuyệt Diệu); ngoài ra nhiều người con khác cũng đi tu các dòng một thời gian, sau ra lập gia đình hoặc sống độc thân: Dòng Phước Sơn (anh Thiều), Dòng Kín Hà Nội (chị Duân), Dòng Nữ tữ Bác Ái Sài Gòn (chị Như))
Từ ngày ông Thuyền và cả gia đình trở lại Công giáo, các ông hoàng bà chúa cũng trở lại nhiều và không bị gây khó dễ nữa. Sư lôi cuốn về với đạo bắt đầu trong giáo hạt Bên Thuỷ nhanh chóng phát triển trong cả Miền Truyền Giáo.
Nhưng khổ thay phong tráo này bị một số nhân vật có thế giá kìm hãm lại, vì họ sợ thấy lương dân bị chìm ngập giữa những người có đạo và sợ mất ảnh hưởng làm cho Miền Truyền Giáo được lợi.
Những năm 1898, 1899, 1900 thật đáng buồn. Trong thời kỳ này những người mới theo đạo là nạn nhân không được xét xử tỏ tường. Một số quá lớn, còn yếu đức tin, miễn cưỡng nghĩ rằng mình bị buộc phải chối đạo.
Chính lúc đó cha Allys, tất cả các thừa sai và vị Giám mục đi đầu, thực hiện vô số can thiệp bên cạnh các cấp chính quyền để bênh vực những Kitô hữu nạn nhân của một cuộc bách hại quỷ quyệt, nhưng không phải các vị luôn thành công như lòng mong ước.
Tuy nhiên, chắc chắn rằng nếu nhiều giáo xứ, nhất là ở Thừa Thiên, đã không hoàn toàn bị tiêu diệt trong cơn biến loạn và nếu các người mới theo đạo biểu tỏ một sự cương nghị tuyệt vời trước mặt các quan toà, đó là nhờ vị lãnh đáo giáo hạt Bên Thuỷ đã biết cho họ những lời khuyên thích hợp trong những hoàn cảnh nặng nề và can thiệp theo bổn phận để bênh vực những Kitô hữu đáng thương đó.
Bình yên trở lại, cha Allys không bao giờ chán nản, vẫn chăm lo làm việc cho các lương dân trở lại, đồng thời lo xây dựng tại Phủ Cam một ngôi nhà thờ rộng lớn được Đức Cha Caspar làm phép long trọng vào tháng 8 năm 1902 và 30 năm sau được Đức Cha Chabanon cung hiến.
Nhà Thờ Phủ Cam do cha Allys xây dựng
Chính trong thánh đường này, nay là nhà thờ chính toà của giáo phận Huế, ngày 24/5/1908 Đức Cha Allys được tấn phong Giám mục do tay Đức cố Giám mục Mossard, Đại Diện Tông Toà Sài Gòn.
Chúng ta đã biết Đức Cha Allys như là linh mục thừa sai thế nào, ngài cũng như thế khi làm Giám mục, nghĩa là một vị tông đồ được xâu xé bởi lòng nhiệt thành thánh thiện lo cho lương dân trở lại và thao thức tìm kiếm những trẻ em bị bỏ rơi hoặc lâm cơn nguy tử.
Qua nhiều cuộc viếng thăm của các linh mục trong giáo phận đến với ngài, ngài không ngừng khích lệ họ thực sự là những người thừa sai làm cho người ta trở lại đạo, dùng hầu bao của ngài (sa bourse) một cách hết sức quảng đại để giúp họ dạy các tân tòng, hình thành các họ đạo mới, xây dựng các nhà nguyện và những phòng cầu nguyện (oratoires)...Thế nên trong 33 năm điều khiển giáo phận Huế, ngài vui mừng thấy hơn 37.000 người lớn và trẻ em con cái các tân tòng vào trong Giáo hội Công giáo.
Không cho rằng mình có công trạng gì trong các cuộc trở lại đó, ngài chỉ biết tạ ơn Chúa nhân lành “đã yêu thương Miền Truyền Giáo Huế thật nhiều”. Ngài cám ơn các người cộng sự của ngài, Tây cũng như Việt với nhiệt tình đã làm nên bao điều kỳ diệu, những tâm hồn đạo đức và đặc biệt nhất là Con cái thánh Têrêxa đã dâng các lời cầu nguyện và hy sinh lôi kéo phúc lành của Chúa xuống trên giáo phận, còn về phần ngài, ngài cho rằng mình chẳng có gì.
Nhà Nguyện Đan Viện Cát-Minh Huế
Chính vì yêu mến các linh hồn mà năm 1921 ngài đã thiết lập tại Huế Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.
Các Nữ tu Việt nam này đã được đào luyện về đời sống thiêng liêng do Đức Cha Chabanon, hồi đó làm Bề trên Đại chủng viện, và về các phương pháp sư phạm do các Chị Em dòng thánh Phaolô thành Chartres. Trong suốt triều Giám mục của Đức Cha Allys, họ đã mở được nhiều trường học sơ đẳng và tiểu học, và phụ trách hai cô nhi viện, hơn nữa họ còn coi sóc một bệnh xá và một trạm khám do cha Fasseaux lập nên với sự trợ giúp của Hội Bảo Trợ Y Tế ( Assistance médicale). Mới đây, họ đã đến ở trong một khu vực đông đúc người Việt và người Hoa sinh sống của thành phố Huế và dạy dỗ cho khoảng một trăm thiếu nhi hầu như hoàn toàn lương dân.
Cũng chính vì lý do đó mà Đức Cha Allys lập nên dòng bản xứ các Anh Em Hèn Mọn Thánh Tâm Chúa Giêsu.
Có lẽ ngài đã muốn phó thác việc huấn luyện các người này cho các Anh Em dòng Huấn Giáo Kitô (Instruction Chrétienne) ở Ploërmel, rủi thay các Anh Em này đã không thể đáp ứng lời mời gọi của vị Giám mục và ngài đã trao trách nhiệm cho cha Cẩn, sau này làm Giám mục Đại Diện Tông Toà Bùi Chu ở Bắc Kỳ, để giúp các giáo giảng viên này. Hiện nay các thầy đang điều hành 4 trường và có thể hy vọng rằng trong một tương lai gần, họ sẽ có thể chăm lo việc dạy giáo lý cho các tân tòng theo ước mong của vị sáng lập.
Thiên Hựu Học Đường ở Huế, trường cấp 2 Công giáo đầu tiên ở Đông Dương cũng là công trình của Đức Cha Allys.
Trường Thiên Hựu
Các cha Dòng Chúa Cứu Thế Canadiens-français tỉnh dòng Sainte-Anne de Beaupré đến Đông Dương vào năm 1925 luôn gặp được nơi vị Giám Mục đáng kính này một người Cha rất quí mến và người che chở trung thành. Tuy nhiên, không phải ngài chờ đợi các Tu sĩ này đến để thoả mãn giới trẻ Việt Nam ao ước sống đời chiêm niệm.
Dòng Chúa Cứu Thế Huế
Sau thời gian dài thử thách Cha “thánh” Denis là người đã được Chúa nhân lành khấn chọn cho một công trình đầy giá trị, cuối cùng ngài đã cho phép Cha Denis đến sống trên những ngọn đồi hoang vu Phước Sơn và thiết lập tại đó Đan viện Xitô đầu tiên ở Đông Dương.
Các thầy dòng Phước Sơn đi lao động về
Ngài vẫn luôn là người nâng đỡ họ ngày tốt cũng như ngày xấu, và để bảo đảm sự bền vững bao nhiêu có thể cho Đan viện mới khai sinh này, ngài đã không do dự ban cho họ một trong những vị thừa sai tốt nhất, cha Mendiboure, nay là Cha Bernard, Đan viện trưởng. Nhánh xitô này rất phát triển và đã nở hoa trong sa mạc như là bằng chứng tỏ tường đây là điều Chúa muốn.
Các đức tính tốt lành của Đức Cha Allys, nét duyên dáng khi ngài nói chuyện, vẻ đơn sơ dễ mến của ngài, lòng tận tâm hoàn toàn của ngài cho người Việt cũng như người đồng hương, những việc phục vụ ngài đã thực hiện cho hai chính phủ trong nhiều trường hợp khác nhau làm cho các cấp chính quyền Việt Nam và nước Pháp đều được lôi cuốn đến với ngài.
Theo đề nghị của Toàn Quyền Đông Dương Albert Sarraut, Đức Cha Allys được truy tặng Bắc Đẩu Bội Tinh (Chevalier de la Légion d’honneur) do sắc lệnh ký ngày 5/2/1921.
Cửa Ngọ Môn xưa
Ngày 14 tháng 7 cùng năm đó, ông Pierre Pasquier, hồi đó làm Khâm Sứ Pháp tại Việt Nam, long trọng gắn huy chương này cho ngài trước mặt đội quân danh dự, với sự hiện diện của Hoàng Đế Việt Nam và cả Triều đình, tại cửa Ngọ Môn ngay chính nơi mà 90 năm về trước, vào ngày 30/11/1835 Chân Phước Joseph Marchand bị kết án khổ hình bá đao đã được dẫn đến trước mặt vua Minh Mạng, ròi đi đến ngọn đồi gần kinh thành để chịu thi hành án vài giờ sau đó.
Chân Phước Joseph Marchand Du
Cũng chính năm 1921 này, ngày 16 tháng tư, vua Khải Định đã trao tặng ngài huy chương Kim Khánh ngoại hạng (hors classe), một sự tưởng thưởng cao nhất của vương triều cho những nhân vật cao cấp.
Bốn năm sau, vào năm 1925, dịp lễ mừng 50 năm linh mục, vị Giám mục đáng kính đã được đặt làm Đại Quan Nam Long Bội Tinh (Grand Officier du Dragon d’Annam) .
Đức Thánh Cha trao tặng ngài tước hiệu “Assistant au Trône pontifical” (Phụ tá Ngai Toà Thánh).
Cuộc lễ mừng Kim Khánh thật rực rỡ. Cảnh “cor unum et anima una” (một lòng một ý) của sách Tông Đồ Công Vụ được thể hiện giữa những người Pháp lẫn người Việt mang lại cho cuộc lễ Kim Khánh những dấu chỉ quí mến rất xứng với công đức của ngài.
Khâm Sứ Pasquier nhân dịp này đã phát biểu rất hay để diển tả diện mạo đích thực của ngài. Ông nói:
“Khi Chính phủ Cộng Hoà gắn vào chiếc áo tím của ngài chấm đỏ của Bắc Đẩu Bội Tinh là muốn tưởng thưởng trong ngài những đức tính mạnh mẽ và vững chắc ở nơi chúng ta (de chez nous), Những đức tính ngài đang mang theo phong cách Pháp với một lòng gan dạ không bao giờ để mất đi nụ cười, với một sự hăng hái đi đến chỗ táo bạo (pétulence),với một sự lạc quan làm cháy lên các ngọn lữa còn chập chờn...”
Trong bài tường thuật các cuộc lễ này được đăng trong tờ báo của Hội Thừa Sai Hải Ngoại tháng 12 năm 1925, người viết đã biểu lộ ước mong Miền Truyên Giáo có thể cử hành lễ mừng Ngân khánh Giám Mục của vị Bề Trên đáng kính này vào năm 1935. Ước mong này đã được thực hiện, nhưng lúc đó Đức Cha Allys không còn lãnh đạo giáo phận nữa. Hầu như bị mù, ngài phải từ chức Đại Diện Tông Toà vào năm 1931 và trao quyền cai quản giáo phận cho Giám mục phó là Đức Cha Chabanon.
Tình trạng mù loà này thật nặng nhọc cho ngài như ngài nói: “Chúa nhân lành không thể gửi cho tôi một thập giá nào nặng hơn”; nhưng ngài vác lấy cách dũng cảm, vui vẻ, và lòng vẫn nhẹ nhàng.
Các tín hữu thăm viếng Đức Cha Allys trong thời gian hưu dưỡng
Trong 5 năm hưu dưỡng, ngài đã là một tấm gương đạo đức sâu xa cho tất cả các linh mục Miền Truyền Giáo Huế. Cũng như trong quá khứ, cửa phòng ngài luôn rộng mở cho mọi người viếng thăm. Giờ rảnh rỗi, ngài thích đi đến nguyện đường để thờ lạy Chúa Giêsu Thánh Thể và trình bày với Chúa những nhu cầu của Hội Thừa Sai và của cả Miền Truyền Giáo.
Vào đầu tháng tư năm 1936, Đức Cha đáng kính có vẽ mệt hơn thường và cuộc lữ hành trần thế của ngài hầu như sắp phải kết thúc. Thế nên, thứ Năm Tuần Thánh, ngày 9 tháng tư, Đức Cha Chabanon ban phép Xức Dầu Thánh cho ngài. Cuối các kinh nguyện, người bệnh rất đáng kính đã xin lỗi tất cả các linh mục về nhiều lầm lỗi mình đã xúc phạm đến họ.
Rồi 14 ngày sau, vào buổi sáng ngày mất, ngài được niềm an ủi nhận ra người bạn cũ của ngài là Đức Cha Marcou và còn có thể chuyện vãn giây lát với nhau. Năm giờ sau, vào lúc 11 giờ, ngài nhẹ nhàng trủt hơi thở cuối cùng, bên cạnh có Đức nguyên Giám mục Phát Diệm, cha Chính Lemasle và cha Etchebarne, Quản lý Miền Truyền Giáo. Còn Đức Cha Chabanon bị bệnh nặng đã lên đường đi Tourane (Đà Nẵng) ngày 24 để đáp tàu “Cap Varella” và đành phải hy sinh không dự được lễ an táng vị tiền nhiệm.
Thánh lễ an táng được cử hành ngày thứ hai 27 tháng 4. Đơn sơ như ngài đã yêu cầu: “không vòng hoa, không diễn từ, không đội chào danh dự”. Nhưng sự hiện diện của 5 vị Giám mục Marcou, Gouin, Tardieu, Jannin và Cẩn, nhiều linh mục thừa sai và bản xứ, mà nhiều vị đến từ các giáo phận khác của Việt Nam; sự hiện diện của các cấp lãnh đạo dân sự và quân sự, của tất cả các bộ trưởng Triều đình Huế và nhiều nhân vật Việt Nam mang lại cho nghi lễ một dấu ấn hết sức long trọng và trầm lắng, thực xứng với “vị Giám mục lớn lao và người công dân Pháp dũng cảm, mà cả Đông Dương nghiêng mình cung kính tưởng nhớ ” như lời Toàn Quyền Đông Dương Robin đã viết cho vị Bề Trên Miền Truyền Giáo.
Di hài của ngài nay an nghỉ trong một nghĩa trang khiêm tốn, nấp bóng nhà thờ chính toà Phủ Cam đã được ngài xây dựng, ở giữa cộng đoàn giáo dân mà ngài đã thương mến biết bao và ngày nào họ cũng đến bên mộ ngài để cầu nguyện cho linh hồn ngài được nghỉ yên và cũng để xin ơn lành với Đấng mà họ sùng kính như một vị thánh.
Trước tiền đường nhà thờ Phủ Cam dịp lễ an táng Đức Cha Allys
Phần mộ Đức Cha Allys tại nghĩa trang Phủ Cam trước khi cải táng lên Thiên Thai
(Dịch từ nguyên văn Pháp ngữ trong Archives des Missions Etrangères de Paris, No 1272, Pays: Vietnam)
Linh mục Stanislaô Nguyễn Đức Vệ