Tập sách Hành Hương Đức Mẹ La Vang – Tập 2 – Chương 10 – Phần I

14/06/2020

TẬP SÁCH

HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG

TRẦN QUANG CHU (Biên soạn)

*****************

CHƯƠNG MƯỜI 

HÀNH HƯƠNG LA VANG THỜI ĐỨC GIÁM MỤC CHABANON GIÁO

A. GIỚI THIỆU ĐỨC GIÁM MỤC PAUL MARIA CHABANON GIÁO(1)

Năm 1930, sức khỏe Đức cha Allys Lý giảm sút trầm trọng, mắt yếu đến độ lòa. Theo đệ trình của ngài, Tòa Thánh bổ nhiệm Linh mục Thừa sai Tổng Đại diện Giáo phận Huế, Alexandre Paul Maria Chabanon Giáo làm Giám mục phó kế vị.

Đức cha Alexandre Paul Maria Chabanon Giáo sinh ngày 7-7-1873 tại Antrenas thuộc Địa phận Mende, tỉnh Lozère, miền Nam nước Pháp. Gia nhập Hội Thừa sai Paris và được thụ phong linh mục ngày 28-6-1896. Ngài đáp tàu đi Việt Nam và có mặt tại Huế ngày 26-8-1896.

Tại Giáo phận Huế, ngài lần lượt đảm nhiệm các chức vụ: Phó xứ Trí Bưu, giáo sư Đại chủng viện Phú Xuân, quản xứ Tam Tòa kiêm quản hạt Quảng Bình, quản xứ Di Loan kiêm quản hạt Đất Đỏ, đồng thời giữ chức Tổng Đại diện Giáo phận Huế. Cùng với cương vị Tổng Đại diện, ngài được bổ nhiệm bề trên Đại Chủng viện Phú Xuân liên tục trong 12 năm.

Năm 1930, ngài được Tòa Thánh sắc phong Giám mục phó kế vị Đức cha Allys Lý. Lễ tấn phongngày 28-10-1930 tại nhà thờ Chính tòa Phủ Cam, do Đức Khâm sứ Dreyer chủ phong.

ĐỨC GIÁM MỤC ALEXANDRE

 PAUL MARIA CHABANON GIÁO

(Ảnh: Wikipedia)

Tháng 6-1931, Đức cha Allys Lý vì già yếu xin từ nhiệm, Đức cha Chabanon Giáo lên thay quyền lãnh đạo Giáo phận Huế.

Đức cha Chabanon Giáo là người thông thái, am hiểu thần học, giỏi văn chương, thạo ngoại ngữ, tính tình trầm lặng, ít nói, nhưng bên trong chứa đựng sự sáng suốt của nhà lãnh đạo, sự nhiệt thành của nhà truyền giáo và sự tinh tường của nhà cách tân. Ngài là người kế thừa tuyệt vời đấng tiền nhiệm, đưa Giáo phận Huế đến thời kỳ trưởng thành, cùng với sự trưởng thành của Giáo hội Việt Nam.

Nhưng không may, nguyên đã mệt nhọc lại lo lắng trăm bề mà bao giờ ngài cũng cố gắng hết sức theo phận sự chủ chăn nên ngã bệnh, sau 5 năm lãnh đạo Giáo phận Huế.

Buổi sáng thứ năm Tuần Thánh 23-4-1936, Đức cha Chabanon Giáo chủ lễ Xức dầu thánh cho Đức cha Allys Lý đang hấp hối, có khoảng 30 linh mục tham dự. Khi đang cho rước lễ thì ngài đột ngột bị choáng. 11 giờ trưa hôm ấy, Đức cha Allys Lý qua đời. Theo lời trối, Đức cha Allys không muốn tổ chức tang lễ rình rang tốn kém, nhưng Đức cha Chabanon Giáo và cả Địa phận Huế không lòng dạ nào để người cha chung, vị đại ân nhân của giáo phận ra đi trong lặng lẽ!

Theo chỉ thị của Đức cha Chabanon Giáo, một lễ tang trọng thể được cử hành tại nhà thờ Chính tòa Phủ Cam. Đức cha Marcou Thành, Giám mục Phát Diệm, chủ tế thánh lễ mồ hát, cùng với sự tham dự của nhiều vị Giám mục đến từ các giáo phận khác, nhiều linh mục trong ngoài Giáo phận Huế, quý nữ tu, thầy Dòng La San, Dòng Thánh Tâm, Dòng Chúa Cứu Thế và đông đảo giáo dân. Phía chính quyền có ông Khâm sứ, đại diện chính phủ Bảo hộ, nhiều viên chức cao cấp đại diện chính phủ Nam triều.

Đang lễ, Đức cha Chabanon Giáo trở bệnh trầm trọng khiến ngài không thể trì hoãn vài hôm để tiễn đưa đấng tiền nhiệm đáng kính về nơi an nghỉ cuối cùng. Theo lời bác sĩ, các cha đưa ngài vào Đà Nẵng xuống tàu về Pháp chữa chạy, nhưng ngài chỉ tới được cảng Marseille rồi qua đời vào ngày 4-6-1936, hưởng thọ 63 tuổi, 40 năm linh mục, 6 năm Giám mục. Thi hài được an táng tại khu hầm mộ Hội Thừa sai Paris ở Marseille.

Tuy thời gian lãnh đạo Giáo phận Huế chỉ ngắn ngủi 5 năm, nhưng Đức cha Chabanon Giáo cũng đã để lại nhiều công trình đáng kể: Xây mới trụ sở Tòa Giám mục Huế (nay vẫn còn), xây trường Providence Thiên Hựu, tái thiết Đại Chủng viện Phú Xuân, hoàn chỉnh các công trình phụ ở La Vang và tổ chức hai kỳ Đại hội La Vang, 1932 và 1935, thành công rực rỡ. Trong suốt Tam nhật Đại hội Đức cha ở luôn La Vang, giữa những người hành hương, sốt sắng tham gia các giờ lễ, giờ lần hạt, cầu nguyện chung, rước kiệu, ngồi tòa…

B. HÀNH HƯƠNG LA VANG THỜI ĐỨC GIÁM MỤC CHABANON GIÁO

I. ĐẠI HỘI LA VANG 10 (1932)

1. Hiệu đính, xuất bản La Vang sự tích vãn

Sau Đại hội La Vang lần thứ 9 (1928), linh mục Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn, nhà văn, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu đã bỏ nhiều công sức sưu tầm, hiệu đính La Vang sự tích vãn, thường gọi tắt là Vãn La Vang.

Không ai rõ Vãn La Vang có nguồn gốc từ đâu, ai là tác giả? Chỉ biết vãn này được lưu truyền từ sau Đại hội La Vang lần thứ nhất, 1900, và sau đó thất truyền.

Tìm lại được bộ Vãn La Vang, cha Đôminicô dựa vào đó viết và giới thiệu trên tuần báo Nam Kỳ địa phận bài La Vang tự tích. Tiếp đó, ngài hiệu đính và lần lượt trích giới thiệu Vãn La Vang trên tuần báo đã dẫn.

Ngày 20-7-1932, tại Huế, Đức cha Chabanon Giáo đã ban phép Imprimatur, xuất bản và lưu truyền cho đến ngày nay.

Đành rằng, theo tác giả hiệu đính – Đức cha Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn – “Văn chương không tao nhã là bao, song vì thuật mấy điều tự tích La Vang thiệt hư mặc dầu, cũng nên in lại cho người sau đặng biết mấy điều cổ nhân lưu truyền. Tôi cứ để nguyên văn hầu hết, chỉ sửa mấy tiếng trúc trắc quá và bỏ bớt mấy khúc không cần. Xin khán giả biết cho như vậy”.

Vãn La Vang, mặc dù được sáng tác vừa theo hiện thực vừa theo tương truyền, và quả thật “văn chương không tao nhã là bao”, nhưng lại mang một giá trị không thể chối cãi về mặt lịch sử, cần thiết cho những ai muốn nghiên cứu Thánh địa La Vang.

a/ Giải thích La Vang sự tích vãn: “La Vang tự tích(2):

“Ở nước Nam, tại Địa phận Huế, về tỉnh Quảng Trị, có một nơi xưa nay cũng rạng tiếng, chẳng những con nhà bên giáo, lại có nhiều kẻ bên lương cũng đều xưng rằng: Hữu cầu tất ứng. Nơi ấy là nơi La Vang, còn chốn ấy tự tích thế nào ấy là một điều còn chưa rõ. Đã lâu ngày tôi cũng quyết truy tầm cho ra tự tích, song vì truy chưa ra gốc ngọn nên cũng khó dọn nên bài. Phải chi mà có xem được các thơ Đức cha Gioan (Mgr. Gioan Labartette) gởi về Hội Giảng đạo hoặc gởi về Tòa Thánh thì họa may ngài có nói gì về chốn La Vang chăng. Vì chưng mấy năm sau hết thì ngài ở tại Cổ Vưu và ly trần tại đó năm 1822, cùng táng tại nhà thờ Cổ Vưu. Vả, từ năm 1805 thì đã có người Cổ Vưu vào canh khẩn đất La Vang, cho nên có lẽ mà đoán rằng khi ấy có nhà thờ La Vang rồi, song chưa gặp bút tích gì cho đành rành về chốn La Vang xưa, chỉ nghe được một ít lời truyền vậy thôi.

Trong sách cha Joseph Trang đã dọn có nói đến ‘Vãn La Vang dân xứ Quảng Trị hay đọc’. Song hẳn thật dân Quảng Trị đời nay chẳng ai thuộc vãn ấy. Chỉ nghe rằng xưa có kẻ đã làm vãn mà kể tự tích La Vang mà không ai còn nhớ câu nào sốt. Cha Philipphê Bá, quê quán là người Cổ Vưu cũng đã nghe nói đến vãn ấy nên cũng quyết hỏi han cho ra, song cũng không gặp được một ai biên ký, chỉ nghe họ truyền lại một đôi truyện, như những chuyện rằng: ‘Chỗ ấy nguyên xưa có một cây đa, có một chùa thờ Phật, thờ thần, sau có một bà bên đạo xuống đánh tan thần Phật nên làng cúng lại cho bên giáo để làm nhà thờ kính Bà bên đạo’…

Vậy thì bổn văn ấy mất tuyệt đi rồi chăng? Không, tôi đã gặp được rồi, ít nữa đây có khi sẽ xuất bản cho chư vị xa gần đồng lãm. Song trước hết tôi xin phân phô rằng: Các điều nói trong đó có thiệt chăng chăng thiệt thì tôi không vị quyết, chỉ đoán rằng có tích mới dịch ra tuồng, nguyên có làm sao đó mới truyền lại làm vậy. Vả, vãn ấy ai đã làm và làm đời nào không rõ, chỉ biết rằng vãn ấy đã có trước khi kiệu La Vang lần thứ nhất, và sau kiệu La Vang thì người ta đã tiếp thêm sau mà thuật việc làm nhà thờ và cuộc đi kiệu đời cha Bonin năm 1901. Vậy trong quyển vãn ấy nói làm sao về nhà thờ Đức Mẹ La Vang thì tôi xin lược ra đây cho chư tôn đặng rõ, còn nghĩ tưởng làm sao thì để mặc tình ai nấy:

– Chốn La Vang rày, nguyên xưa là một cái nền không, tư vi có rào sơ li, bên lương đã làm để thờ vọng vậy thôi. Ở bên chỗ ấy có một cây đa lớn lại có lùm rậm nên ngày thì chim chóc thường bữa líu lo, đêm thì hùm beo ghe phen gầm thét. Vả, chỗ ấy gần giữa đàng lên rú nên hễ ai đi đốt than, đốn củi, bứt tranh cũng đi ngang qua đó. Người bên lương vẫn hay tin thần Phật thì kiêng sợ dường bằng là một chốn linh thiêng, nên mới gọi là chỗ Linh Hoàng. Còn người bên giáo, mấy kẻ yếu vía non gan cũng kiêng dè úy kị. Đến sau làng đã nhóm nhau làm một cái chùa tranh, đốn cây bứt tranh cùng chung làm với nhau mất ba tháng mới rồi, mua tượng Phật về đặt lên, lư hương, bát nước cũng chưng ra. Làng cúng cấp lạc thành rồi ai về nhà nấy ngủ ngáy ngon giấc. Bấy giờ mấy ông chức việc đều nằm thấy chiêm bao có Bà bên đạo phép tắc đại tài vào chùa tranh đánh đuổi thần Phật chạy tan hoang, ra nằm ngoài đường ngoài sá. Mấy ông ấy đều chiêm bao như vậy, song ai nấy cũng ngờ một mình chiêm bao vậy thôi, hay đâu sáng ngày dậy ra đi lên chùa, bèn gặp nhau hỏi ra cũng đồng chiêm bao một việc. Thẳng lên tới sở chùa liền thấy hẳn như chiêm bao là tượng Phật đã ra nằm ngoài ngõ. Các ông thất kinh sự lạ bèn nhóm nhau tính việc làm sao thì ai nấy đồng thuận cúng cho bên đạo để làm nhà thờ mà kính Đức Bà, còn làng thì làm một chùa khác ở miền xứ Ran, nghênh Phật về mà thờ. Làng sai ít ông chức xuống Thạch Hàn (nay là Thạch Hãn) bàn việc với một ông chức việc họ, Ổng vào thưa cha sở thì cha cười, song sau hết cha cũng tin và nhận lấy chùa làng đã cúng và cho người ở canh giữ chùa ấy để làm nhà thờ kính Đức Mẹ.

Vậy kẻ giữ nhà thờ Đức Mẹ thấy không có mùng màn gì để treo giăng một chút nơi bàn thờ ngó cho sạch sẽ, thì đi xuống thưa cha sở xin ngài cho tiền bạc ít nhiều để may sắm. Ai hay ổng đi ra chừng nửa đỗi đàng thì có sương vãi vào nhà thờ La Vang, có một bà trả giá cả rồi thì mua vải cất để vào hòm cùng nói với chủ bán mai sớm ghé lại đây lấy tiền. Chủ bán sẵn lòng vậy, đến mai ghé lại hỏi tiền thì kẻ giữ nhà thờ bỡ ngỡ mà rằng: Tôi có mua vải bà bao giờ? Bà kia nói: Bữa qua có bà mua và đã cất để trong hòm kia đó. Cả hai lại giở hòm ra thì thấy có hai cây vải thật và một bó tiền đồng 30 quan. Bấy giờ kẻ giữ nhà thờ tin thật Đức Mẹ đã mua vải ấy và đã cho tiền đó mà trả. Đoạn ông ấy về thưa cha sở được biết. Cha sở liền gởi thơ cho mọi nơi được hay việc làng đã cúng cái chùa ấy thế nào và việc mua vải xảy ra làm sao. Từ đó về sau dẫu bên giáo bên lương cũng đem lòng tin Đức Mẹ nhà thờ nhỏ ấy linh lắm nên đua nhau khấn vái, hái lá cây lá cỏ ở đó đem về làm thuốc linh đơn, đến đỗi cây đa một bên đó phải gãy nhành trụi lá, lần hồi thì chết mất.

Bởi người ta khấn vái mà được như ý sở cầu nên đã cúng tiền cúng bạc nhiều, được bao nhiêu thì cha sở ở tại Cổ Vưu cất lấy, còn nhà thờ nhỏ ấy lợp tranh, mỗi năm cứ tu bổ. Lúc cha sở thấy tiền cúng cũng đã có nhiều thì muốn làm nhà thờ ngói cho xong. Vậy ngày kia cha sở với bề trên và hai thầy đem nhau lên viếng nhà thờ coi thử, hay đâu lên rú thì lạc đàng, vì khi ấy còn bụi bờ lúp xúp, không có đàng sá gì cho thiệt, lại có nơi cũng có cọp, bỗng chốc các ngài lại nghe tiếng cọp kêu nên ai nấy thất kinh hồn vía. May đâu gặp một đứa giữ bò, hỏi nó thì nó chỉ đàng cho mà đi tới nhà thờ La Vang. Khi tới nhà thờt hì hai thầy thấy Đức Mẹ hiện ra uy nghi đứng giữa bàn thờ. Bởi nghe đồn phép lạ ấy ra thì thiên hạ càng thêm lòng sốt sắng cậy trông Đức Mẹ La Vang hơn nữa và năng có kẻ đến viếng thăm khẩn cầu.

Vì vậy bề trên đã nhất định làm nhà thờ ngói. Khi đã làm xong rồi thì Đức cha thân hành đến làm phép nhà thờ, có các cố, các cha cùng các giáo hữu khắp ba tỉnh Địa phận Huế tựu hội đông vô số mà chầu lễ và kiệu ảnh Đức Mẹ từ Cổ Vưu lên nhà thờ La Vang cách linh đình trọng thể, cổ nhạc lừng vang, ca xang thánh thót…

Ấy, tự tích thánh điện Đức Mẹ La Vang cứ theo quyển vãn ấy thì như vậy. Còn sự thật hư thể nào để mặc người nghĩ xét. Lời truyền khẩu thì có khi sai, có khi thêm thắt, thì trong việc này cũng có lẽ vậy…

Làng La Vang hẳn thật là không có trong Châu bộ. Có lời truyền rằng: Xưa có một xóm gọi là xóm Lá Vằng, vì ở đó có nhiều cây lá vằng lắm, sau lần hồi sinh ra tiếng La Văng, rày lại nói dịu rằng: La Vang. Còn tiếng làng nói trong vãn đó có kẻ nói rằng: Làng Cổ Vưu, làng Long Hưng và làng Thạch Hàn. Khi ấy có ba làng quen đi làm tranh làm củi ngã ấy và thấy cây đa đại thọ gần bên đàng thì làm một cái nền thờ vọng ở đó. Sau thì chung nhau làm một cái am. Làng Cổ Vưu rày đạo gần hết, mà thuở ấy có nhiều người ngoại, nhứt là xóm Ba Trừ ở gần La Vang là ngoại, cho nên có lẽ xóm ấy làm cái am hay cái chùa nói đó.

Sau hết, tiếng bề trên và cha sở đi xem La Vang thì không hiểu bề trên là ai? Cha sở là ai? Chắc rằng, có một lúc Đức cha Labartette ở Cổ Vưu và có cha sở ở đó nữa. Lại có một lúc có cha Tây ở Cổ Vưu làm cha sở và cũng làm bề trên địa phận. Khi ấy cũng có một cha sở ở Thạch Hàn, gần Cổ Vưu, không biết họ nói bề trên và bổn sở cùng hai thầy đi La Vang thì có ý nói ai đó?

Vậy, tôi còn nói lại một lần nữa: Chốn La Vang tự tích sơ khai làm sao thì chưa tìm ra cái gì cho đắc thật, chỉ biết rằng từ đời cấm cách đạo thánh, trong đời vua Tự Đức (đúng là Cảnh Thịnh) thì đã có bổn đạo trốn ẩn trong La Vang, và bổn đạo vào ra khấn vái, thì nhứt là mới thạnh là đời cha Bonnand làm cha sở họ Cổ Vưu, và chính ngài đã lo mua săng súc để làm nhà thờ Đức Mẹ La Vang”.

b/ Bản văn La Vang sự tích vãn hay Vãn La Vang(3):

Trời sinh cái chốn lạ lùng

Tự nhiên giữa núi nên cung Chúa Bà.

Truyền rằng có một cây đa,

Mọc lên giữa núi diềm dà tốt tươi.

Ngày thì hạc phụng dạo chơi,

Đêm thì hổ báo chầu nơi linh hoàng.

Chốn này thanh vắng nghiêm trang,

Hai bên khe ruộng giữa làng La Vang.

Bên lương chức dịch nhộn nhàng,

Đắp nền thờ vọng rào hàng sơ li.

Rằng: Này một chốn uy nghi,

Ngoại mình khấn vái điều gì cũng linh.

Dân thôn chớ khá nại tình,

Công lao khó nhọc thần linh phù trì.

Qua đây thì phải kiêng vì,

Chốn này linh ứng nhiều khi lạ lùng.

Dầu ai vào chốn sơn trung,

Hễ đi đến đó nguyện cùng được an.

Những người mót củi, đốt than,

Cũng đều đến đó kêu van khẩn hoài.

Dân ta chứ khá công nài,

Bứt tranh đốn gỗ để mai làm chùa.

Làm rồi khi ấy đi mua,

Hương đèn lễ vật dọn chùa sửa sang.

Dọn ra Thần, Phật hai hàng,

Lư hương bát nước nghiêm trang đề huề.

Làm rồi chức việc mới về,

Nhơn dân lao khó, ê hề bấy lâu.

Về nhà ngủ giấc canh thâu,

Tự nhiên mộng mị chiêm bao rập ràng:

Trên chùa Thần Phật nhộn nhàng,

Về bắt chức dịch mấy làng xôn xao. 

Rằng Thần rằng Phật lao đao,

Có Bà trên đạo phép cao lạ lùng.

Bà vào Bà đánh tứ tung,

Bao nhiêu Thần Phật đều tuôn ra ngoài.

Tiếng Bà thật đã linh oai,

Lư hương, bát nước, đền đài đều hư.

Chức làng thức dậy lao lư,

Hỏi sao coi thử cũng như một điềm.

Sáng mai chức việc đi liền,

Kêu nhau đến thử sự thiềng làm sao. 

Xét coi trong việc chiêm bao,

Hoặc hư hoặc thiệt thế nào cho yên. 

Đem nhau mới tới ngoại viên,

Thấy ngôi Thần Phật ngả nghiêng ngoài đàng.

Kêu nhau khi ấy rộn ràng,

Kẻ sương người vác về làng cho mau.

Tưởng rằng Thần Phật linh mầu,

Đem về cúng tế mấy lâu nay tròn.

Không hay Phật giả yêu ngôn,

Tiếc vàng quang thiếp, tiếc son, tiếc dầu.

Linh Bà người hóa phép mầu,

Thôi, ta phải kíp chạy mau về làng.

Cùng nhau bàn bạc rộn ràng,

Chùa này để cúng về đàng đạo nhơn.

Dỡ đi thì sợ người hờn,

Phá không dám phá thiệt hơn thể nào.

Tiếc công dân sự lao đao,

Ăn làm ba tháng lại hao của tiền.

Bây giờ Phật ở không yên,

Lo làm nơi khác tìm miền xứ Ran.

Sai người xuống dưới Thạch Hàn,

Tìm ông đạo cựu hỏi han một lời.

Ông chức nghe tiếng làng mời,

Tức thì vội vã gót dời ra đi.

Tới nơi hiệp mặt một khi,

Thuật ra tự sự vân vi cho tường. 

Chỗ này linh ứng phi thường,

Chúng tôi xin cúng về đường đạo ông.

Chùa tranh một cái đã xong,

Vườn thời một bức trong vòng một nơi.

Bên ông gìn giữ cho Người,

Để lo vun quén tài bồi cây đa. 

Chỗ này là chốn Chúa Bà,

Cho nên Thần Phật quỷ ma kiêng dè.

Ông chức khi ấy liền nghe

Về thưa bổn sở cũng y mấy lời.

Bổn sở nghe nói liền cười,

Chúa Bà hóa phép ngoại người mới tin

Sai người lên ở giữ gìn,

Để lo kinh nguyện dầu đèn hôm mai.

Nay ta lo lắng thơ bài,

Phải làm mà gởi các nơi nhà dòng.

Cùng đều khắp các nhà chung,

Mấy đời mà có lạ lùng như ri.

Các người đều lãnh thơ đi,

Kẻ thời ra Nghệ, người đi kinh thành.

Nghe thơ kể việc đành rành,

Thảy đều khen ngợi thánh danh Đức Bà.

Tiếng đồn chóng thổi gần xa,

Thông qua biển cả huống là non sông. 

Chùa tranh mưa tạt gió lồng,

Bốn bề trống trải màn mùng cũng không.

Người bèn ái ngại trong lòng,

Về thưa bổn sở để hòng tính phương.

Đi ra gần đỗi nửa đường,

Trên chùa Bà đã khiến sương vãi vào.

Hai người buôn bán với nhau,

Tính toan giá vải trước sau cho rồi. 

Mua rồi sắp sửa mọi nơi,

Để trong thùng nọ ngoài thời niêm phong.

Dặn dò mai sớm rạng đông,

Đến đây sẽ trả cho xong giá tiền.

Hai người chuyện vãn hàn huyên

Vải này tôi sắm để riêng may màn.

Truyện rồi từ giã lên đàng,

Sớm mai lui lại hỏi han lấy tiền.

Ông từ bỡ ngỡ nói liền,

Bữa qua đi khỏi vải tiền ai mua, 

Chốn này là chốn linh chùa,

Đi ra cho khỏi, bèn xua tức thì.

Mụ ấy mới nói một khi,

Không tin chú giở hòm này cho coi. 

Giở ra thật đã hẵng lời,

Tiền đồng một bó, vải thời năm cây.

Tức thì lấy trả tiền ngay,

Cùng ngồi nhắc lại cho hay sự tình.

Chú từ nghe nói thất kinh,

Về thưa cha sở cho minh việc này.

Bấy giờ cha sở mới hay

Kể trong các việc là ngày bữa qua.

Liền làm thơ gởi gần xa,

Đưa tin cho biết Đức Bà linh thiêng.

Nhận thơ liền đọc lên liền,

Kẻ nghe người đọc hiệp tình chung vui.

Thơ rằng: “Chúa Cả Ba Ngôi

Hộ phù giáo hữu, vài lời thông tin .

Rằng: Đức Mẹ hiện xuống thánh đền, 

Bồng Thánh Tử trọng nên là trọng.

Đội mão vàng sang quá đỗi sang.

Rất oai vang chữa người bệnh hoạn,

Hóa phép lạ cứu kẻ gian nan.

Những chúng sinh lâm nạn khổ bức,

Đều nhờ Mẹ trăm thức nhiệm mầu.

Dẫu lương giáo khắp xứ đâu đâu,

Đều đến đó khẩn cầu khấn vái.

Chốn Sơn Đài thế giái âu ca,

Có cây đa tươi tốt diềm dà,

Mọc trên rú nọ hiệu là La Vang.

Các làng phù hiệp tính toan,

Làm chùa thờ phật hỉ hoan tấm lòng.

Hay đâu sự rất đỗi lạ lùng,

Bà hóa phép, Phật cùng tan tác.

Đi về bắt làng nước thất kinh. 

Bấy giờ mới rõ biết sự tình,

Xin cúng lại chùa tranh một cái.

Bức thơ này gởi cho ai nấy, 

Đặng thông tin việc ấy cho tường. 

Ngợi khen Thánh Mẫu Nữ Vương, 

Oai quờn phép tắc độ lường khoan nhơn”.

Nay thơ. 

Xem thơ mới biết nguồn cơn,

Chọn nơi thanh vắng cao sơn cứu người.

Từ ấy đồn thổi khắp nơi,

Bên lương bên đạo mọi người kính tin. 

Từ quan cho đến dân tình,

Không con không cháu khẩn nguyền cũng cho. 

Thiên hạ nhiều kẻ âu lo,

Dẫu đi không thấu cũng cho như lời.

Miễn là kêu đến tên Người,

Xin Người phù hộ một nơi linh đền. 

Dầu ai cúng bạc cúng tiền,

Gởi đem vào đó khẩn liền được an. 

Bà này phép tắc khôn đang,

Chết rồi cho sống mạnh an như thường. 

Có người thất vận lạc đường

Lâm cơn túng rối lo lường kêu xin. 

Bà cùng dắt díu giữ gìn,

Đưa về đến chốn bình yên như lời. 

Có người vượt biển xa vời,

Lâm cơn sóng gió mở lời kêu van. 

Bà cho gió lặng sóng tan,

Có lòng trông cậy trăm đàng được xuôi. 

Bất kỳ bất tiện, ngái ngôi,

Bất câu lương giáo khẩn rồi đặng yên.

Dầu ai bệnh hoạn tật nguyền,

Đến nơi đền ấy khẩn liền cũng cho.

Dầu ai miệng méo tay co,

Dầu mà suyễn tức hen ho lành liền.

Ấy là Thánh Mẫu Thượng Thiên.

Chọn nơi thanh vắng giữa miền La Vang.

Ai lâm hoạn nạn gian nan

Đem lòng tin cậy đến van cùng Bà.

Kẻ thì trảy lá cây đa,

Kẻ thì nhổ cỏ đem ra theo mình.

Thuốc đâu hiệu nghiệm oai linh,

Cho bằng lá cỏ xung quanh đền Bà, 

Bứt lâu trụi lá cây đa,

Cây lâu cũng rụi, nay đà mất tang.

Miễn trong vườn thánh La Vang

Sim, me, tràm, chủi, lá vằng cũng hay.

Dầu lá nọ, dẫu cỏ này,

Đem về sắc uống, kíp chầy bệnh thuyên.

Giáo lương năng đến khẩn nguyền,

Thấy nhà tranh tạm không yên tấm lòng.

Giáo nhơn Dinh Cát giúp công,

Tiền dâng bạc cúng cũng không thiếu gì. 

Phen này chẳng dám diên trì,

Quyết làm đền ngói thay vì chùa tranh. 

Đã lâu phép lạ vang danh,

Bề trên coi bộ chưa đành vội tin. 

Truyền rằng: Đức Mẹ hiện hình

Tay bồng Ấu Chúa oai linh vô cùng.

Cứu người vô chốn sơn trung

Khỏi lâm vuốt hổ, miệng hùm, răng beo. 

Truyện này hư thiệt khó theo,

Làm nhà ở đó cheo leo trăm bề.

Ra vào hiểm hóc gớm ghê,

Nhà thờ làm đó nào hề ai vô. 

Trước khi khỉ việc trình đồ

Để ta bàn tính hỏi dò bề trên.

Bề trên bổn sở hai bên,

Bàn rồi đi với mấy tên theo cùng,

Đi lên vừa giữa sơn trung

Sai đàng lạc nẻo, lạ lùng thể nao.

Lại nghe tiếng cọp nghêu ngao,

Hồn bay phách lạc, xôn xao bồi hồi.

Bây giờ trở đứng trở ngồi,

Ngồi đây cũng khốn, khứ hồi nan di,

May đâu hai gã đồng nhi,

Kêu nhau hí hó mà đi tìm bò.

Hai ngài trong bụng bớt lo,

Hỏi han hai đứa chỉ cho khúc đàng. 

Lên vừa tới điện La Vang,

Thấy hình Đức Mẹ duông nhan tốt lành.

Nay đà mắt thấy đành rành,

Lòng bắt cảm động phục tình chẳng nghi. 

Ra về trò chuyện vân vi,

Phen này ta phải tức thì lo toan.

Đền thờ Đức Mẹ La Vang

Phải xây chỉnh đốn, bạc vàng Chúa lo.

Nay mai ta phải làm thơ,

Để khuyên giáo hữu thuận tờ việc quan.

Nghe thơ ai nấy hỉ hoan,

Không tiền dâng cúng, sẵn sàng dâng công. 

Súc săng, gạch ngói gánh gồng,

Đàng xa khó nhọc, cũng không nề hà.

Sáu năm ngày lụn tháng qua,

Nhà thờ xây lợp cũng đà sự thanh. 

Nay lo đến việc lạc thành,

Sắm sửa soạn sành để kiệu cho luôn. 

Khắp nơi dưới biển trên nguồn,

Thôn quê dinh liễu cũng đồng đua tranh.

Kinh kia bài nọ tập tành,

Chế bài cách kiểu cho hoanh đội hàng. 

Cân y mão phục đoan trang,

Náp, hèo, cờ, quạt, lọng tàn ba đăng.

Soạn sành tập luyện mấy trăng,

Mười ba tháng Bảy lòng hằng đợi trông.

Có nơi nổi tính hăng nồng,

Lại thêm tập múa đội bông đội hèo. 

Người đi bộ, kẻ thuyền chèo,

Trên đất dưới nước, cứ theo phận mình. 

Mười ba tháng Bảy thanh minh

Cổ Vưu sở tại đến trình thưa cha: 

Chúng con xin kiệu Đức Bà,

Một vòng khắp họ kẻo mà nhớ thương.

Bấy lâu Mẹ ngự thánh đường,

Mai thì đưa Mẹ lên phường La Vang. 

Kiệu quanh khắp họ khắp làng,

Viếng thăm con cái họ hàng chúng con. 

Cha nghe họ nói thon von

Cũng cho như ý kẻo còn nhỏ to.

Vậy thì đội ngũ kéo vô,

Truyền cho các chị các cô theo chầu.

Hoa đèn sắm dọn đã lâu,

Nay đem đấu xảo, lại chầu một khi. 

Dẫu ai có tập đội chi,

Hoặc đèn hoặc náp cũng thi tối ngày.

Họ nào kinh nguyện tập hay,

Đem vô đấu xảo, sánh bày chê khen. 

Cổ Vưu, Ngô Xá đội đèn

Đem ra múa lộn, khá khen giải đầu. 

Phủ Cam quyển sáo thổi chầu

Trống, đờn, sanh, quyển khá âu rập ràng. 

Bố Liêu kinh nguyện chững chàng.

Cung hay giọng tốt khá đang thuôn lề,

Kẻ Văn cờ ảnh đã bề,

Hội ven cung cách ai chê được rày.

Họ này họ nọ sánh bày,

Hoa đèn trau dọn là ngày mười ba, 

Truyền về mười bốn sáng ra

Giờ Dần giờ Mẹo các Cha dặn dò. 

Họ nào đình trú ở mô,

Đêm ra hiệu lệnh phải lo ra dàn.

Người ta trên bộ vô vàn,

Dưới sông dưới bến chứa chan thuyền đò.

Người qua kẻ lại trầm trồ,

Cùng nhau truyện vãn nhỏ to rộn ràng. 

Vừa nghe lệnh, thảy lặng an

Sắp đâu có thẻ, cứ hàng mà đi. 

Từ đàng quan tới rú ri,

Hai hàng đội ngũ uy nghi chững chàng 

Trống chiêng, pháo lói đầy vang,

Ca ngâm hát xướng nhịp nhàng êm tai.

Đỗi đàng ước bảy dặm dài

Người ta sắp đội gần hai phần đàng. 

Các cha lễ lạc vừa an,

Cũng đều áo mão sắp hàng đi ra. 

Giữa thì lại có Đức cha,

Các thầy các chú điều hòa bước đi.

Sáu giờ chuông đánh một khi

Mới xem bàn kiệu uy nghi rõ ràng. 

Cổ Vưu đội ngũ nghiêm trang,

Hầu cận bên bàn đưa Mẹ ngự lên. 

Mặt trời mới mọc chênh chênh,

Nắng lò ánh dọi chói bên mặt người.

Đám mây đâu phút dạo chơi,

Khắp cả hướng trời im mát lạ thay! 

Để cho ai nấy đặng hay,

Nay thật là ngày Đức Mẹ đã ban.

Kiệu vô vừa đến La Vang,

Liền chưng ảnh Mẹ trên bàn đặt cao.

Hoa đèn kế tiếp sắp vào,

Đoạn làm lễ hát, rồi sau phép lành.

Mười giờ cơ cuộc hoàn thành,

Lao xao liến xiến, lữ hành kêu nhau. 

Người bẻ lá, kẻ hái rau…

Đem về cất lấy khi đau mà dùng.

Kéo nhau vào tạ thánh cung,

Tuy dầu lui gót dạ không muốn về.

Ơn trên đượm nhuần phủ phê,

Một phen viếng Mẹ, mựa hề dám quên.

CHUNG (324 câu)

2. Diễn tiến Đại hội La Vang lần thứ 10(4)

Đại hội La Vang lần thứ 10 là Đại hội đầu tiên được tổ chức dưới thời Đức Giám mục Chabanon Giáo. Đại hội diễn ra trong 3 ngày 17, 18 và 19-8-1932.

+ Ngày vọng lễ 16-8-1932

Bằng đủ mọi phương tiện người hành hương đã có mặt đông đảo tại La Vang. Chiều hôm đó, Đức cha Chabanon Giáo, cha Morineau Trung và cha Benoit Thuận, bề trên Dòng Phước Sơn cũng đã có mặt. Cha Benoit chủ lễ chầu Mình Thánh Chúa.

+ Ngày thứ nhất 17-8-1932

Từ 3 giờ sáng đã có thánh lễ do cha Chapuis (cố Châu) chủ tế. Đức Khâm sứ Tòa Thánh Dreyer từ Huế ra chủ lễ buổi rước kiệu Đức Mẹ. Buổi rước kiệu kết thúc bằng bài giảng của cha Phêrô Ngô Đình Thục: “Kêu gọi mọi người hãy noi gương Mẹ Maria bằng lời cầu nguyện, bằng việc Tông đồ và chịu khổ đau vì Đức Giêsu, Con Mẹ”. Sau rước kiệu, Đức Khâm sứ khoác áo choàng phụng vụ vào đền thờ cử hành lễ hát trọng thể.

Trong ngày thứ nhất của Đại hội có 36 linh mục, trong đó có một số cha từ xa đến: Cha Lebourdais từ Hà Nội vào, cha Philipphê từ Miến Điện qua, Một cha đến từ Địa phận Vinh, hai cha đến từ Địa phận Qui Nhơn, nhiều thầy đại chủng sinh đến từ các giáo phận khác. Số giáo dân từ 7.000 buổi sáng tăng lên 15.000 buổi chiều.

+ Ngày thứ nhì18-8-1932

Cha Lebourdais chủ tế thánh lễ 3 giờ sáng. Cha Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn giảng lễ nói vể “Truyền thuyết Đức Mẹ La Vang”. Buổi chiều có chương trình diễn nguyện (ca, vũ, dâng hoa, nguyện ngắm…) do đoàn Thanh niên Công giáo Huế phụ trách. Gần 20.000 khách hành hương trật tự chú tâm theo dõi buổi diễn nguyện của đoàn 180 thanh niên quàng khăn xanh có thêu chữ “AVE MARIA” và đội mũ có hàng chữ “TNCG HUẾ”.

Được biết, Đoàn Thanh niên Công giáo Huế được tập hợp từ các họ đạo chung quanh thành phố Huế. Họ làm thành một đoàn xe đạp khoảng 200 chiếc đi từ Huế ra La Vang, gần 60 km để tham dự Tam nhật đại lễ kính Đức Mẹ La Vang. Đi mỗi chục kilomètres họ dừng lại đọc kinh lần hột, rồi tiếp tục đi lần tới… Đoàn đến La Vang bình yên vào lúc 5 giờ chiều ngày 18-8-1932.

Chập tối, bắt đầu cuộc rước kiệu Thánh Thể. Sân nhà thờ rực rỡ đèn hoa. Đức cha Chabanon tay cầm hào quang mặt nhật Mình Thánh Chúa có lọng che đi giữa đoàn kiệu. Theo sau hào quang Mình Thánh Chúa có 75 linh mục Tây, Nam vừa đi vừa hát thánh ca. Cụ Nguyễn Hữu Bài cũng có mặt trong đoàn. Đoàn kiệu như một con rồng lửa uốn mình trên ngọn đồi sau nhà thờ, vòng quanh rồi trở lại. Cuộc kiệu Thánh Thể kết thúc bằng bài giảng của cha Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn về “Đức Mẹ và Thánh Thể”.

ĐOÀN THANH NIÊN CÔNG GIÁO HUẾ HÀNH HƯƠNG BẰNG XE ĐẠP- ĐAỊ HỘILA VANG 10

(Ảnh: Đức Mẹ La Vang 200 năm)

Cha Giuse Nguyễn Văn Linh, cha sở Cây Da, chủ sự đêm canh thức chầu Mình Thánh Chúa luân phiên.

+ Ngày thứ ba19-8-1932

Lại một ngày mới bắt đầu với thánh lễ lúc 3 giờ sáng. Số giáo dân rước lễ đông ngoài dự kiến đã khiến thánh lễ kéo dài đến khi mặt trời mọc. Một ngày dành cho xưng tội, dâng lễ. Trong ngoài đền thờ đều có cử hành thánh lễ. Riêng tại Linh đài – một điện thờ bằng gỗ vuông vắn 10 m2, giáo dân tề tựu đọc kinh, lần hạt, hát mừng Đức Mẹ liên hồi.

Tối đến, bắt đầu cuộc kiệu ảnh Đức Mẹ. Cha GB Lương Văn Thế, cha sở Ngô Xá, chủ sự buổi rước kiệu. Đức cha Chabanon và cụ Nguyễn Hữu Bài theo hầu bàn kiệu. Dù đã qua 3 ngày mệt mỏi, nhưng số người tham dự vẫn không giảm mà ngược lại còn đông hơn, khoảng 25.000 người. Cha Phêrô Ngô Đình Thục giảng kết thúc. Đức Khâm sứ Tòa Thánh ban phép lành cho cộng đoàn hành hương.

Bế mạc Đại hội La Vang lần thứ 10.

Từ Đại hội 10, Đức cha Chabanon bỏ lệ kiệu từ Cổ Vưu lên La Vang.

3. Phóng sự Đại hội La Vang lần thứ 10

a/ “Cuộc Đại hành hương Đức Mẹ La Vang”(5):

“Tam nhật Đại hội ba năm một lần đã không tổ chức đúng định kỳ, 1931, do thời thế bất an, được lùi về năm nay, diễn ra trong các ngày 17, 18 và 19-8-1932.

Thời tiết thật tốt, Đại hội thật vĩ đại và huy hoàng vượt hẳn những Đại hội đã diễn ra từ trước tới nay. Cha Morineau xem đền thờ La Vang như hòn ngọc trong giáo xứ của ngài. Cha đã đem tất cả sự hiểu biết và tấm lòng của cha để tổ chức cuộc Đại Hành hương này như cha đã từng tổ chức trong quá khứ. Nhiều linh mục bản xứ đến hỗ trợ ngài, đặc biệt có cha Chuyên (Phaolô Nguyễn Văn Chuyên, cha sở An Lộng), như một nghệ sĩ đích thực chuyên lo về khánh tiết. Tại La Vang, trong nhiều tuần lễ, ngài đã xả thân không ngơi nghỉ để chăng cờ quạt và giúp tổ chức Đại hội. Theo ý kiến nhiều người, ngài đã hoàn thành mọi mặt.

Trong ba ngày Đại hội, các đại chủng sinh Huế đảm trách các nghi thức một cách trịnh trọng, sốt sắng theo đúng phụng vụ, được mọi người khen ngợi. Ca đoàn họ Cổ Vưu dưới sự chỉ huy của một chủng sinh đã hát những bài bình ca bằng tiếng La Tinh hoàn hảo, đúng giọng và trầm bổng. Cha Patrice Gagné, Dòng Chúa Cứu Thế, nổi danh về âm nhạc, đã đệm dương cầm.

Tiền đường nhà thờ và trên con đường dài cả cây số dẫn vào thánh đường có nhiều cờ ngũ sắc đủ cỡ. Về đêm, suốt thời gian mừng Đại hội, tất cả đã biến thành một bãi ánh sáng với vô vàn đèn lồng chiếu ánh sáng lung linh. Trước tiền đường nhà thờ là một bức họa lớn với hình Đức Mẹ Vô Nhiễm giữa các thiên thần. Ban ngày đã tuyệt vời, về đêm càng thần tiên.

Tam nhật có một ngày vọng lễ với thánh lễ mừng Đức Mẹ Lên Trời tại họ Cổ Vưu do cha Morineau cử hành và có đặt Mình Thánh Chúa để giáo dân thờ kính suốt ngày.

Ngày 17-8, khách hành hương bắt đầu đổ về và trong suốt ba ngày họ đổ về không ngớt. Người đi bộ, kẻ đi xe đạp, ô tô, xe kéo, xe khách… Thật tuyệt diệu, các tòa giải tội đã chật kín người vây quanh. Các tín hữu Việt Nam đã có một ý niệm chân chính về đời sống Kitô: Không thể đi hành hương Đức Mẹ mà không xưng tội rước lễ tại đền thờ.

Buổi chiều, Đức Giám mục Huế Chabanon đến La Vang. Cùng đi với ngài có cha Morineau và cha Dom Benoit, Đan Viện phụ Dòng Phước Sơn. Chuông đổ dồn dập đón Đức cha. Mọi người đều tỏ lòng cảm phục đối với Đức cha khi thấy ngài tham dự vào tất cả các nghi thức và trong suốt mấy ngày tận tụy không những để thực hành các nghi lễ mà còn ngồi tòa cáo giải nữa.

Sau kinh chiều, cha Đan Viện phụ Phước Sơn ban Phép lành Mình Thánh Chúa khai mạc Tam nhật. Ngày 18-8, với số linh mục đã đông thêm, các thánh lễ khởi sự từ 3 giờ sáng. Nhiều người rước lễ. 6 giờ 30, rước kiệu Đức Mẹ lần thứ nhất qua đường kiệu ngắn. Đức Giám mục tham dự. Sau kiệu là bài giảng của cha Thục (Phêrô Ngô Đình Thục, giáo sư ĐCV Phú Xuân). Sau đó Đức cha bước vào nhà thờ và dâng lễ đại trào.

Suốt ngày hôm nay cũng như ngày hôm qua không lúc nào nhà thờ dư chỗ. Lời cầu nguyện không lúc nào ngớt, đêm cũng như ngày. Lần chuỗi, kinh cầu, các kinh nguyện…, tất cả như lời van nài, khẩn cầu dâng lên Mẹ lành. Thật là cảm đông, các cha giải tội không lúc nào rảnh, đêm cũng như ngày, các ngài bị bao vây, tràn ngập… Buổi chiều lần chuỗi, kinh cầu Đức Mẹ, bài giảng do cha Lucien Olivier, Dòng Chúa Cứu Thế, và phép lành trọng thể. Đã có 36 linh mục, trong đó có cha Lebourdais đến từ Hà Nội, cha Philipphê đến từ Birmani, một cha đến từ Vinh và hai cha đến từ Qui Nhơn có đem theo chủng sinh.

Ngày 18-8, các thánh lễ bắt đầu từ 3 giờ sáng, người rước lễ còn đông hơn hôm trước. Lúc 8 giờ, lễ đại trào do cha Lebourdais chủ tế. Lúc 3 giờ chiều, cha Cẩn (Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn, Bề trên Dòng Thánh Tâm) diễn thuyết về ‘Đức Mẹ La Vang’ được mọi người chăm chú nghe bởi vì nhiều người có lòng sùng kính Đức Mẹ La Vang nhưng lại không biết gì về lịch sử La Vang.

Vào lúc 5 giờ rưỡi chiều, đang khi người về đông như kiến, theo cách nói của người Việt Nam, thì bỗng có một cái gì náo động và người ta nhìn thấy một đoàn hành hương có vẻ khác thường: Một nhóm giới trẻ gồm 180 người cỡi xe đạp, do cha Kinh (Giacôbê Nguyễn Linh Kinh, tuyên úy trường Pellerin), theo trật tự hàng hai mà đi với ngọn cờ phất phới nơi tay lái. Họ đeo một băng vải choàng qua vai có ghi chữ AVE MARIA và trên mũ có trương chữ GIỚI TRẺ CÔNG GIÁO HUẾ.

Rời Huế từ sáng sớm, các bạn trẻ đã đạp xe qua gần 60 cây số đường trường dưới nắng hạ chói chang. Với trật tự và tác phong không trách cứ gì được, các bạn đã gây chấn động ở những nơi làng mạc họ đi qua. Người đã tổ chức đoàn hành hương này là cha Kinh, tuyên úy trường Pellerin. Vị linh mục nhiệt thành này đã muốn đặt nền móng cho một tổ chức Giới trẻ Công giáo sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cố đô, nhờ cuộc hành trình hơi bạo gan này. Có một số đáng kể các bạn tham gia cuộc hành hương là người ngoài Công giáo, nhưng chắc chắn được Đức Mẹ chúc lành. Đặt chân đến Linh địa, các bạn trẻ xuống xe và dâng lên Mẹ lời chào vang động AVE MARIA trước khi tìm chỗ nghỉ ngơi để kịp tham dự buổi rước kiệu Mình Thánh Chúa.

Tôn sùng Thánh Thể là nét canh tân rất tốt đẹp mà Đức cha Chabanon đã đem lại cho Đại hội La Vang. Rất hợp lý bởi vì Đức Maria luôn đưa chúng ta đến với Chúa Giêsu (Ad Jesum Per Mariam). Cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa vào ban đêm thật là tuyệt vời. 8 giờ tối, miền La Vang rực muôn ánh sáng. Số người đi rước thật đông và trật tự, nhưng số người đứng hai bên đường kiệu còn đông hơn nhiều.

Sau Thánh Giá là đoàn Tây nhạc, rồi đến đoàn hành hương bằng xe đạp, có dẫn xe treo cờ và đèn tại tay lái, rồi đến các họ đạo thuộc hạt Dinh Cát trong nhiều trang phục khác nhau, cùng với cờ quạt và đèn đủ loại. Có 75 linh mục, một số mặc phẩm phục linh mục, với đèn trong tay. Đức cha Chabanon cầm mặt nhật và quanh ngài là các chủng sinh làm hàng danh dự.

Có bao nhiêu người tham dự? Mười ngàn hay hơn nữa? Làm sao phân biệt được người lương bởi họ cũng cung kính và làm như người Công giáo cất mũ, quỳ gối và cúi đầu khi Mình Thánh Chúa đi qua.

Thật là một cảnh tượng thần tiên khi nhìn thấy đoàn kiệu sáng trưng, lúc hàng hai, khi hàng tư, lúc hàng sáu, trật tự, sốt sắng, hát thánh ca bằng tiếng La Tinh hay tiếng Việt, lần chuỗi… Cuộc rước kéo dài hai giờ đồng hồ.

Sau cuộc rước là bài giảng của cha Cẩn nói về ‘Đức Trinh Nữ và Thánh Thể’. Cha Kinh chủ sự chầu Thánh Thể. Sau đó Thánh Thể được đặt để giáo dân canh thức chầu kính suốt đêm. Các linh mục ngồi tòa suốt đêm mà cũng không đáp ứng được nhu cầu của mọi người.

Ngày 19-8, từ 3 giờ sáng đã khởi sự các thánh lễ trong và ngoài nhà thờ. Mỗi nơi đều có các cha cho rước lễ không ngừng. Mặt trời ló dạng, cuộc rước kiệu Đức Mẹ lần thứ hai khởi sự, cha Thế (GB Lương Văn Thế, cha sở Ngô Xá) chủ sự. Mặc dù đã thấm mệt nhưng số người tham dự vẫn rất đông. Đi hàng đầu trong buổi kiệu là Đức cha Chabanon và cụ Thượng thư Nguyễn Hữu Bài. Cha Thục giảng về ‘Vai trò Đức Maria trong Hội Thánh’. Đức Giám mục cử hành thánh lễ đại trào. Phép lành Thánh Thể kết thúc Tam nhật Đại hội lần 10.

Có bao nhiêu người tham dự hành hương trong ba ngày này? Thật khó nói, dầu chỉ ước lượng. Theo một số người đáng tin cậy thì những con số sau này không quá đáng: Ngày khai mạc: 7.000 người, buổi chiều gấp đôi, và số người tăng lên 20.000 cho đến lễ Bế mạc. Buổi rước kiệu Mình Thánh Chúa chắc là phải trên 25.000 người tham dự.

Một số người bên lương có mặt trong đám đông. Có người đã phủ phục giữa cát bụi, hướng về đền thờ. Bởi vì rất nhiều người lương có lòng cậy trông Đức Mẹ La Vang và dâng lên Mẹ lời khấn xin của họ. Họ nói: ‘Đây linh lắm!’. Họ đã nhìn thấy nét thiêng liêng tỏ hiện nơi đây một cách thiết thực, và điều được để ý nhất đã làm cho nhiều người lương cảm phục là trong suốt ba ngày đêm này, mặc dù chỉ có vài người giữ trật tự, đã không hề xảy ra một sự lộn xộn, tranh chấp nhỏ nào., kể cả nơi vài cái quán dựng tạm quanh đó. Một người Hà Nội đã viết trong báo Avenir du Tonkin: ‘Người ta chỉ nghe toàn thánh ca và lời cầu nguyện’.

Sự bình thản, không khí cầu nguyện sốt sắng đã là nét độc đáo của ba ngày hành hương này. Nhà thờ không lúc nào thưa chỗ. Giáo dân vào qua một cửa, làm các công việc đạo đức xong lại qua cửa khác nhường chỗ cho kẻ đến sau. Cách nhà thờ không xa, những gia đình, hội đoàn, giáo xứ nghỉ ngơi, ăn uống và ngủ dưới đất. Ban đêm không một tiếng động. Nhiều người hành hương, Pháp và Việt, đã cảm kích mạnh mẽ: ‘Chúng tôi đã chứng kiến một cảnh tượng rõ nét Công giáo’.

Chúa Giêsu và Đức Maria đã mở rộng kho tàng trái tim các Đấng để ban biết bao hồng ân phần xác và nhất là phần hồn cho người ta trong ba ngày này. Đó là bí nhiệm của các tâm hồn, nhưng phải nói rằng các hồng ân đó thật tuyệt vời: 4.735 người xưng tội, 9.300 lượt người rước lễ.

Chúng tôi muốn dùng kết luận của người hành hương đã nói trên như sau: ‘Chúng tôi xin lập lại rằng đây là ba ngày tuyệt vời’.

Thật là ba ngày tuyệt vời! Những ngày này đem lại vinh dự cho những người tổ chức Đại hội. Những ngày này cũng đem lại vinh dự cho cáctín hữu Việt Nam yêu quý của chúng tôi. Một lần nữa họ chứng tỏ tinh thần kỷ luật, tình đoàn kết huynh đệ, lòng đạo đức chân tình và mãnh liệt, nhất là Đức Trinh Nữ Maria, Đức Mẹ La Vang được vinh dự, vì trong suốt những ngày này, tên Mẹ không ngớt được cầu khẩn, chúc tụng bởi hàng ngàn cung giọng, bởi hàng vạn tấm lòng.

Chắc rằng đã có nhiều hồng ân, nhiều phép lạ nhờ sự cầu bầu của Mẹ. Chỉ có trên trời mới biết được, nhưng chúng ta cũng đã nhận được chứng tá chắc chắn vững vàng khi thấy được niềm vui rạng rỡ trên mọi khuôn mặt, nơi những bảng tạ ơn và trong lời cầu nguyện chứng tỏ niềm hân hoan cảm tạ. Phải làm sao để từ Nam chí Bắc của toàn cõi Đông Dương, lòng tôn sùng Đức Mẹ Phù Hộ La Vang lan rộng, lớn lên hơn nữa để trong cuộc hành hương sau, chúng ta sẽ ít nhất có 50.000 người về đây để tôn kính và cầu khẩn Mẹ nơi đền thánh của Người”.

b/ “Cuộc Đại hội Tam nhựt tại La Vang 1932(6):

“Cuộc Đại hội Tam nhựt tại La Vang đã bắt đầu cử hành vào ngày 17 Août, theo như chương trình mà bổn báo đã có đăng lối trước thì cuộc Đại hội Tam nhựt năm nay thật là một cuộc sầm uất, long trọng và nghi vệ trỗi xa hơn các kỳ trước bội phần, vì không những năm nay các lễ nhạc đã bày thêm nhiều việc khácthường mà lại các cách tổ chức đội ngũ, những cuộc trần thiết, trau giồi rất có lắm điều đặc biệt. Vả, lòng nhiệt thành của giáo nhơn xem ra cũng đượm vẻ đặc sắc hơn. Một cuộc Đại hội cực kỳ sầm uất như thế há rằng nên gác bút làm thinh? Vậy nay tôi xin tường thuật lại ít hàng để hiến chư vị khán quan nhàn lãm.

Như chư vị đã biết là năm nay mọi lễ phép về cuộc Đại hội Tam nhựt này đều làm tại nhà thờ La Vang hết thảy, không phải do từ dưới Cổ Vưu mà kiệu lên như mấy năm xưa. Bởi đó nên sự nguy nga về cảnh địa, cuộc nghi vệ bởi trau giồi lại càng làm cho chốn đền thờ Đức Mẹ La Vang này trở nên một cõi tiên bồng cực lạc vậy.

Trong ngày 16Août, đội ngũ các họ đều đã đến đông đủ, các giáo hữu khắp nơi cũng đã có phần tới lui tấp nập ở đất La Vang rồi. Hai vung quán xá hai bên cũng đã sẵn sàng sắm dọn đủ điều để tiếp rước quan khách. Bởi đó nên cái quang cảnh ở đất La Vang lúc bấy giờ đã nên như một chốn phồn hoa thành thị, quán nhà vui thú nhộn nhàng, ‘ngựa xe như nước, áo quần như nêm’ vậy.

Đến ngày 17 Août, tức là ngày thứ nhứt trong kỳ Đại hội, lối 6 giờ mai, trống cờ đội ngũ các họ kiệu ảnh Đức Mẹ đi một vòng gần gần vậy. Khi trở về thì cha Thục lên tòa giảng một bài về sự ‘Người ta tuôn đến chốn La Vang vì mục đích gì’. Giảng đoạn, Đức cha làm lễ hát rất trọng thể. Ngày ấy thiên hạ tuôn đến kính viếng nhà thờ Đức Mẹ La Vang đã khá đông. Đến chiều tối, cha Thục còn giảng một bài về sự ‘Đức Mẹ có công giúp việc truyền giáo’, đoạn làm phép lành trọng thể.

Ngày 18 Août, độ 7 giờ rưỡi, hát Kinh cầu Đức Bà, rồi cha Thục còn lên tòa giảng một bài về sự “Thương khó Đức Bà”, đoạn làm lễ hát trọng thể. Lễ hát mai ấy hẳn là một lễ đặc biệt, xưa nay trong Địa phận Huế không mấy khi từng thấy. Lễ ấy cha Lebourdais, quản lý báo Trung Hòa ngoài Bắc đứng chánh tế, có Đức cha hiệp hành dự tế trong buổi lễ, cách ấy gọi là Assistance au trône. Ngày ấy bổn đạo tuôn đến càng đông vô số và hiệp nhau kinh nguyện rầm rĩ, inh ỏi cả ngày. Đến lối 3 giờ chiều, cha Cẩn lên tòa giảng, diễn thuyết một bài về ‘Ý nghĩa và tự tích chốn La Vang thế nào’. Lời diễn thuyết tuy đơn sơ, nhưng ý kiến nghe cũng ngộ, nhứt là về tự tích xưa rõ ràng và nhiệm lạ lắm. Đến độ 5 giờ chiều, đương khi mọi người đang say mê rầm rì kinh nguyện trong nhà thờ, phút đâu nghe vang lừng một đội nhạc Tây và xe máy đánh thổi cùng trỗi giọng hát Ave Maria trước cửa nhà thờ, rồi chuyển tay chuyền dội cất tiếng la lên: ‘Vạn tuế, vạn tuế La Vang’ nghe rất mặn nồng hăng hái, làm cho lòng trí mọi người đương chú mục trông xem bỗng được phấn khởi hỉ dạ cách lạ.

Đội xe máy(7)này hẳn là một đội đặc biệt chưa ai từng thấy, do cha J. Kinh, cha G. Hoằng và M. Nghè Tuần tổ chức, bài trí ở Huế mà đem ra.. Cả thảy 182 cái xe máy và hơn 20 người đánh thổi nhạc Tây. Tất cả hơn 200 người, y phục giốngnhau, áo trắng quần đen, đầu đội mũ trắng, trên mũ có vấn một cái bông màu hồng, trong đề mấy chữ CÔNG GIÁO THANH NIÊN HỘI, trên vai choàng ngang xuống dưới bên nách có mang một cái băng lớn bằng sắc xanh đề mấy chữ vàng AVE MARIA, và mỗi xe đều có cột một lá cờ tam sắc trông rất đẹp. Đội này không những hiệp đoàn làm sáng danh Đức Mẹ ở đất La Vang này mà thôi, bèn là đã làm cho danh Đức Mẹ được bành trướng vang lừng từ chốn thần kinh mà đi ra vậy. Bởi chưng đội này bắt đầu khởi hành từ giờ thứ bảy ban mai ngày ấy, đi theo thiên lý lộ trải qua một quãng đường trường 60 km mới tới đất La Vang. Trên đường thiên lý một đội xe máy hơn 200 cái, y phục trang hoàng kế nhau đi rập ràng cân cái, những ngọn cờ tam sắc đua nhau phất phới như một bầy bướm đủ sắc đủ màu bay theo trên đầu mọi người vậy. Những khách hành trình lữ thứ, đôi bên quán lá nhà tranh, trông thấy lũ lượt một đoàn xe đi ra kiệu ảnh Đức Mẹ thì ai mà chẳng ngạc nhiên sửng đứng được sao? Ấy, vinh danh Đức Mẹ biết chừng nào! Kèm theo đội xe máy ấy có một chiếc xe điện đi theo đề phòng có ai mỏi chơn lụy gối thì rước lên. Cũng có đem theo mấy vị thuốc cấp cứu như trặc xương, trợt da, đau đầu, chóng mặt…, đề phòng khi có ai lâm rủi. Xe đi thủng thẳng, khoan thai nên vừa lúc đến La Vang là đúng 5 giờ chiều vậy.

Đến giờ thứ 7, đèn hoa đội ngũ bắt đầu đi kiệu Mình Thánh Chúa. Cuộc kiệu đèn Mình Thánh Chúa đêm ấy thật rất đỗi làm cho thiên hạ sững sờ vì thấy sự cả sáng oai nghi lẫy lừng thánh danh đạo Chúa. Lối 6 giờ tối thì đèn đuốc trong các chỗ trau giồi đều đã thắp lên hết. Đặc sắc nhứt là ba cây đèn ở trên tháp nhà thờ, đứng xa xa trông thấytưởng như ba ngọn đèn lòa, nhưng bước vào cửa tam quan thì thấy cả chân dung Đức Mẹ hiện ra, tả hữu có hai thiên thần khép nép quỳ chầu. Kế đó mà xuống cho tới dưới nền lại có nhiều liễn hoành, đèn đối trông rất ngoạn mục. Xung quanh nhà thờ, cùng dõi theo hai bên đường kiệu đi vòng quanh trên núi thì khít đầy những đèn gương thắp sáng lòa đâu đó, xem qua tính số có thấu hai ngàn cái đèn gương. Lúc bấy giờ ở đất La Vang mà trông lui trông tới, trông xuống trông lên, trông quanh bốn bề thì thấy sự tốt lành đẹp đẽ chẳng khác nào thấy vừng sao tỏ giữa bầu trời lúc đêm thanh vậy.

Khi đèn hoa đội ngũ đâu đó đã dàn thứ lớp yên cả rồi thì Đức cha đứng chủ kiệu bắt đầu kiệu Mình Thánh Chúa đi ra. Ở khít trước bàn kiệu Mình Thánh Chúa có một đội 20 thầy cả (linh mục) mặc áo lễ đủ sắc màu, rồiđến một đội thầy cả khác mặc áo các phép trắng, đoạn tiếp các chú Nhà trường (Chủng viện) cả thảy đều có cầm đèn sáp thắp đỏ cả. Ấy là một tia sáng làm cho cuộc kiệu thêm chói ngời rực rỡ vậy.

Choán khắp một quãng đường dài độ hai cây số, lòa trời những đèn hoa nhiều cách tối tân tuyệt kiểu. Họ nào họ nấy đều đua nhau phô bày những kiểu đèn xinh ngộ, xảo nhứt là cây đèn cờ của họ Hưng Yên, nếu đừng dùng trí khôn mà xét nghĩ cứ cặp nhãn quan mà trông qua thì ai cũng ngộ nhận là một lá cờ gấm đỏ vậy. Mặt trước thêu hình Đức Mẹ hiện ra, mặt sau chạm ánh hào quang Mình Thánh Chúa. Đôi bên kết những hoa vàng tốt đẹp, trái ngọc sáng ngời, thòng xuống ba chĩa kết bằng những hột cườm nhiều sắc chói lói, nhưng thực sự ra thì chỉ là một cái đèn giấy chạm khắc vậy thôi. Thật là khéo lạ! Còn các nơi khác cũng có nhiều lá cờ, nhiều đôi phướn bằng đèn tinh xảo khéo léo lắm. Ở trên gò cao mà trông thì thấy một vòng chói lòa dường như một ngọn sông lửa, xí xăng lên xuống như sóng lượn ngòi xao, hay như là một con rồng lửa đương trương vi rởn gáy lượn giữa hai dãy đèn gương mà đi vòng quanh trên núi vậy. Nhưng xuống dưới đồng bằng mà nghiệm thì ra như một dãy núi cháy và phun lửa. Mấy chòm đèn cao hơn thì tựa như những vòi lửa bởi trong núi phun lên vậy. Ở giữa con đường vòng cung, bóng trăng vằng vặc, ngọn gió hiu hiu, cả vùng không khí đang êm đềm tịch mịch, côn trùng những gọi nhau ríu rít kêu sương mà bỗng dưng xảy đến cơ hội rất đỗi sầm uất khủng động quá vẻ nhộn nhã vang lừng. Tiếng trống kèn dội trời chuyển núi, giọng nguyện kinh thảnh thót vang dầy, thiên hạ hằng hà sa số lũ lượt chen chúc không thể kể được số cho rành. Thật cứ theo sức mọn phàm trần thì đã xứng đáng làm một đạo binh trước ngai vua Cả bởi đền thờ Đức Mẹ mà đi ra vậy.

Một điều quý nữa là Mình Thánh Chúa vừa ra khỏi nhà thờ thì ở hướng đông gương nga cũng vừa lộ bóng, máy nhiệm lạ kíp soi đèn. Mình Thánh Chúa càng đi tới thí ánh sáng vừng nguyệt càng chiếu lên làm cho ai nấy đã sẵn hấp thụ được khí mát đêm thanh lại thêm vui thú bởi đèn trời chiếu dọi, khác nào trên trời dưới đất đều ý hợp tâm đồng mà làm cho cuộc kiệu thêm vinh quang xán lạn vậy.

Khi Mình Thánh Chúa đã kiệu đi được một phần nửa đường tới chính giữa trung tâm đường vòng cung thì vừa gặp chốn thể lâu. Mình Thánh Chúa bèn ngưng lại đó mà ban phép lành.

Nói đến chốn thể lâu, tôi xin tạm ngưng cuộc kiệu để thuật ít hàng về chốn thể lâu làm sao. Chốn thể lâu làm ngay trước mặt nhà thờ Đức Mẹ, cách xa độ một cây số, chỗ đắp nền rộng rãi, cách sắp đặt vẻ vang, nhứt là cuộc trau giồi càng thêm tráng lệ. Thể lâu làm kiểulầu bốn mặt, ở tầng trên bốn góc có bốn ông thiên thần to lớn bằng bốn trẻ đương xuân, mình mặc áođỏ, đầu đội vành hoa, chắp tay quỳ gối trở mặt ra ngoài. Khắp bốn mặt kết những bức màn bằng tre tuyệt xảo, treo những liễn đối chạm long tối tân. Vì có thắp đèn ở trong nên ban ngày, ban đêm đều thấy được rõ ràng như nhau hết. Ở tầng dưới là chính chỗ dọn bàn để đặt Mình Thánh Chúa thì cách sắp đặt, trau giồi càng thêm nhiều cách xảo ngộ, nổi nhứt là mấy bức nệm bằng gót có rắc mạt cưa vào và vẽ bông hoa ngành lá, mấy bức nệm này trông qua không mấy kẻ nhận ra đồ mã, hầu hết đều tưởng là nệm bằng nhung thật mà thôi, thật là một thứ tinh xảo chưa mấy kẻ nghĩ ra vậy.

Khi Mình Thánh Chúa đã ngưng lại và ban phép lành rồi thì cứ tiếp nửa vòng đường cung bên kia mà kiệu về nhà thờ. Tới nhà thờ, cha Cẩn bước lên tòa giảng giảng một bài về ‘Đức Bà đối với phép Mình Thánh Chúa’. Lời giảng nghe hùng hồn làm cho ai nấy thêm lòng cảm động. Giảng đoạn, Đức cha tiếp làm phép lành trọng thể. Mọi sự xong thì vừa đúng 11 giờ đêm. Khi đó Mình Thánh Chúa lại được đặt ra ngoài cho bổn đạo chầu cách trọng thể cho tới 3 giờ sáng mới thôi. Trong bốn giờ đó có sáu họ luân phiên chầu Mình Thánh Chúa. Mỗi họ khi nghe hiệu tới phiên mình vào chầu thì có đèn đuốc, đội ngũ dànthứ lớp kéo đi vào chầu như lúc đi kiệu vậy. Hết phiên họ này tới phiên họ khác, cũng cứ đèn đuốc như thế mà đi. Thật cuộc kiệu và chầu Mình Thánh Chúa bằng đèn trong đêm ấy rất đỗi nguy nga xán lạn, làm cho mọi người phấn chí hưng tâm, đồng tình chan chứa và thánh danh Chúa cùng Đức Mẹ càng được vang lừng vinh hiển ở giữa chốn tam kỳ hiệp một vậy.

Đương giữa cuộc kiệu xán lạn nguy nga như thế bỗng dưng có xảy ra một việc không may đó là cái cửa tam quan rất khéo léo ở trước mặt nhà thờ bị cháy vì một sự sơ ý nào đó mà đã gây nên sự tai họa cả thể, vì đã cháy tan một cái cửa mà phải mất lắm công trình, lắm tài trí mới làm nên. Cái cửa ấy có 6 cột trụ to lớn, dưới có đế có chơn, trên có hoa có lá, ở xa xa trông như làm bằng thứ đá vân sắc vàng, nhưng tới gần thì thấy toàn làm bằng giống rơm rạ hết, bó thành từng con nhỏ kết lại làm cột đá xây, bốn phía trần thiết nguy nga, trên dưới trau giồi rực rỡ, thế mà khi không bị ngọn lửa phá tan, ai cũng chắc lưỡi tiếc thầm không hề ngớt.

Đến ngày 19, cũng là ngày sau rốt trong kỳ Đại hội. Lúc 3 giờ sáng bổn đạo thôi chầu đèn và Mình Thánh Chúa cũng đã cất đi rồi, thì các cha bắt đầu làm lễ và cho bổn đạo chịu lễ. Vì có gần 20 tòa giải tội, các cha cứ ngồi làm phước luôn trong suốt cả mấy ngàyđêm được 4.300 người, còn bổn đạo chịu lễ trong ba ngày đặng cả thảy 7.000 người. Mai ấy có sáu bảy cha bắt đầu cho bổn đạo chịu lễ từ 3 giờ sáng cho đến sáng ngày đi kiệu mới thôi.

Đến 5 giờ rưỡi, khi các họ đã dàn đội ngũ xong rồi thì bắt đầu nghênh bàn kiệu Đức Bà mà đi kiệu lần sau hết. Cuộc kiệu này cũng lắm vẻ nghi vệ, sầm uất như cuộc kiệu đèn đêm qua. Từ Thánh Giá tiên phong mà lui cho đến bàn kiệu thì liên kết nhau, những cờ xí đội ngũ trông như một dãy hoa đủ màu xinh tốt. Nhờ các họ lân cận đã tận tâm nỗ lực tổ chức bài trí nên họ nào họ nấy y phục đội ngũ đều được lấn trỗi hơn mấy năm xưa bội phần. Ban mai thái tảo, khí mát trời thanh, thiên hạ đô hội nô nức chen chơn nhau chật nêm một quãng đường gần hai cây số. Ở trên phất phơ phướn cờ gió đánh, bướm bay én liệng phô đỏ khoe vàng. Ở trên đường núi mấy tầng, lẫy lừng ca nhạc chuyển vang trống kèn. Kiệu đi đến nửa vòng đường cung, vừa đến chốn thể lâu thì bắt quày qua đường cái mà vào. Một điều bài trí cũng hay là lúc đoàn kiệu tới nhà thờ, vì đội xe máy đi trước nên tới trước, đội xe đi hai hàng vừa tới khít cửa nhà thờ thì xê ra hai bên mà ngăn người ta không cho lấn vào, để trống giữa một quãng đường rộng từ trong mà ra cho tới ngoài cửa tam quan, rồi vắt đuôi khoá ngăn đường lại không cho đội ngũ đi tới. Hàng đội đi dồn tới đều phải trẻ ra hai bên đường ngoài, hoặc đứng lại một bên, không đi vào trong sân nhà thờ được. Lúc bàn kiệu đã áp tới nơi thì đội xe máy mở cửa ra cho vào, đoạn cũng khóa lại như trước. Thế là bàn kiệu đã được đi thong thả giữa quãng đường rộng mà vào cho tới cửa nhà thờ thì mới ra hiệu cho đoàn xe giải tán.

Khi bàn kiệu đã được để yên trong nhà thờ thì cha Thục lên tòa giảng một bài về sự ‘Đức Bà có công trong việc bồi bổ đức tin truyền bá Công giáo’. Cha Thục giảng xong, Đức cha tiếp làm lễ hát và phép lành trọng thể mà giải tán. Trong buổi lễ mai ấy có ông bà cụ Võ (Võ Hiển điện Đại Học sĩ Nguyễn Hữu Bài) đồng dự.

Trong ba ngày Đại hội thiên hạ tuôn đến chốn La Vang càng ngày càng đông, nhứt là trong ngày 18 thời thật là đô hội. Ấy cũng là một dấu chứng tỏ lòng nhiệt thành của giáo hữu đối với Đức Mẹ La Vang. Kỳ năm nay có vẻ đặc sắc hơn mấy kỳ năm trước, bởi chưng cuộc kiệu năm nay dầu phải ở vào thời kỳ kinh tế khủng hoảng, nên đâu đó thiên hạ ngặt nghèo. Mặc lòng, vì sự thành kính Đức Mẹ thì dẫu ngặt nghèo mấy cũng tùy cơ liệu kế mà đến với Đức Mẹ cho được. Phần nhiều người không tiền đi xe lửa thì đã lo gạo bới cơm đùm mà quảy đi đường bộ, chẳng quản xa xôi mệt nhọc, băng núi trèo non mà tìm tới Mẹ.

Có một điều lòng tôi phải cảm động là có lúc tôi đi qua giữa đô hội thấy có một người bởi đường xa đi bộ mà tới, nhưng vì nghèo khổ không có cơm hòng bới đi ăn thì đã mang theo mình một xâu dài những củ khoai lang chín để ăn đỡ bữa qua ngày. Đó là một điều minh chứng người ta có lòng nhiệt ái với Đức Mẹ biết là chừng nào, đáng khen là dường nào!

Bởi một bức nhiệt tâm kính ái Mẹ lành như thế nên số người tuôn đến đông đúc thời không lạ. Cả ngày 18, nhất là lúc ban đêm tôi đã nhiều lần đi quan sát thấy khắp cùng cả vùng đất nhà thờ Đức Mẹ La Vang cho đến liền lỉ ra ngoài quán xá thì đâu đó đều chen chúc nhau, chòm thì lần hột đọc kinh, nơi thì bởi mệt đuối mà nằm lăn lóc kềnh càng không nơi chen chân lọt. Dầu thế mặc lòng cũng không đông bằng mai 19, mai ấy lúc bàn kiệu về tới nơi, đừng kể một phần người vì gấp việc mà kéo nhau về trước, chỉ kể số những người có mặt lúc bàn kiệu tới trước sân nhà thờ mà thôi thì ước số có thấu ba vạn người vậy.

Ở giữa đô hội người bởi tứ xứ hiệp mặt như thế, mà dầu trong ngày ấy, dầu mấy ngày trước cũng thảy đều được vẻ hòa bình, trật tự, không một chút gì dức lác ồn ào. Sự ấy vì đâu? Hẳn cũng vì sự anh linh hiển hách của Đức Mẹ mà ra chúc! Đã hay rằng nhờ có cái thế lực của nhà nước, nhờ có lính tráng nghiêm trấp, nhưng một phần lớn là bởi mọi ngườicó lòng sùng mộ mến yêu Đức Mẹ rất nhiệt thành. Lại cũng có kẻ sợ oai quyền Đức Mẹ, sợ chỗ linh thiêng nên không dám làm sự gì phi vi trái lẽ. Lạ thay! Giữa chốn đô hội bốn bề đều là những người biệt cảnh tha hương, vả lại nam nữ tương xen, sang hèn lẫn lộn thế mà đêm cũng như ngày tuyệt nhiên không có dấu gì ra vẻ bất bình thất lễ. Thật là một nơi Thánh địa, một chốn diệu quang chứng thực tâm lý mọi người đều công nhận Đức Bà là Mẹ riêng mình nên cùng nhau đã trọn câu:

Anh em một mẹ một cha,

Thương yêu giúp đỡ thuận hòa với nhau.

Than ôi! Phải mà mọi người ở cùng nhau trong thế giới thảy đều giữ được cái thái độ hòa bình trật tự, cứ một dạ tương ái tương thân như ở chốn La Vang này thì chắc cõi thế giới này sẽ nên một nơi phước lộc cho loài người vậy.

Vinh danh Đức Mẹ cõi trời Nam,

Vạn tuế La Vang cõi Thánh địa.

Nguyện xin đạo thánh càng đượcthái bình hầu con cái Đức Mẹ được toại tình nhiều phen khác. Amen”.

(Còn tiếp…)

=> Tài liệu dạng Word, xin nhấn vào đây để tải Tập 2 – Chương 10 – Phần I về máy tính