Tập sách Hành Hương Đức Mẹ La Vang – Tập 2 – Chương 10 – Phần II

21/06/2020

TẬP SÁCH

HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG

TRẦN QUANG CHU (Biên soạn)

*****************

CHƯƠNG MƯỜI

 HÀNH HƯƠNG LA VANG THỜI ĐỨC GIÁM MỤC CHABANON GIÁO

II. ĐẠI HỘI LA VANG 11 (1935)

1. Đón mừng Đại hội La Vang lần thứ 11 trong niềm vui trưởng thành của Giáo hội Việt Nam

Sau Đại hội La Vang 10 (1932), có những sự kiện lớn đánh dấu bước trưởng thành của Giáo hội Việt Nam nói chung, Giáo phận Huế nói riêng:

+ Đó là việc lần đầu tiên Đức Giáo hoàng Piô XI sắc phong một linh mục Việt Nam lên hàng Giám mục vào năm 1933: Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng, hiệu tòa Sozopoli, Giám mục phó Giáo phận Phát Diệm, kế vị Đức cha Marcou Thành.

ĐỨC GIÁM MỤC GB NGUYỄN BÁ TÒNG

(Ảnh: Trang tin Giáo phận Phát Diệm – Internet)

Ngày 3-11-1933, trên đường ra Phát Diệm, Đức tân Giám mục đã ghé thăm Giáo phận Huế. Ngài được Đức cha Chabanon Giáo tiếp đónvà hướng dẫn đi thăm một số nơi trong Giáo phận Huế: Dòng Phước Sơn, cụ Nguyễn Hữu Bài đang nghỉ hưu ở Phước Môn, và kính viếng Đức Mẹ La Vang.

Cũng trong dịp này, một phái đoàn Giám mục gồm Đức Khâm sứ Dreyer, Đức cha Marcou Thành (ĐDTT Phát Diệm), Đức cha Chabanon Giáo và Đức cha mới GB Nguyễn Bá Tòng được vua Bảo Đại mời hội kiến tại điện Cần Chánh – Huế.

+ Đó là việc mở Công đồng Đông Dương tại Hà Nội, từ ngày 16-11 đến 6-12-1934, dưới sự chủ tọa của Đức Khâm sứ Colomban Dreyer, cùng với sự tham dự của 20 vị Giám mục, 5 bề trên dòng, 21 linh mục (10 Pháp, 3 Tây Ban Nha, 7 Việt Nam, 1 Thái Lan), Đức cha Chabanon Giáo, Giám mục Địa phận Huế, được cử vào Ủy ban Đặc trách về Các Phép Bí tích.

CÔNG ĐỒNG CHUNG ĐÔNG DƯƠNG HỌP TẠI HÀ NỘI TỪ 16-11 ĐẾN 6-12-1934

(Ảnh: Đức Mẹ La Vang 200 năm)

+ Đó là việc một linh mục khác thuộc Địa phận Huế được Đức Giáo hoàng Piô XI sắc phong Giám mục vào năm 1935: Đức cha Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn, hiệu tòa Zénobia, Giám mục phó Giáo phận Bùi Chu, kế vị Đức cha Munagorri Trung.

ĐỨC GIÁM MỤC ĐÔMINICÔ HỒ NGỌC CẨN

(Ảnh:Từ điển Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)

Hứng khởi trước tin vui này, cha Philipphê Lê Thiện Bá, bút danh Phêrô Nghĩa, đã viết về vị “Giám mục thứ hai người Việt Nam”:

“Đức cha GB Nguyễn Bá Tòng, Giám mục tiên khởi nước nhà đã làm cho Hội Thánh Việt Nam được vinh hạnh biết chừng nào…, thời nay bỗng nghe tin cha Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn được chọn phong làm Giám mục nữa thì ai mà chẳng công nhận là một tin vui mừng, lại làm cho hứng khởi tâm hồn dân Nam lần khác nữa. Thật là một sự hiển vinh đặc biệt, không những làm rung động quả tim trót triệu người giáo hữu Việt Nam, mà lại còn vinh hạnh riêng cho Địa phận Huế là đàng khác, vì Địa phận Huế đứng vào đia vị sinh sau trổ muộn. Từ ngày được Hội Thánh cho biệt xuất làm địa phận riêng tới nay, thấm thoắt mới độ 85 năm mà thôi. Một địa phận mới được biệt lập có 85 năm mà đã sản sinh ra được một vị chức Giám mục người bổn xứ thì há không phải là một sự vinh hạnh đặc biệt đó hay sao?”(8).

2. Đại hội La Vang 11 (1935)

a/ Chương trình:

Trong không khí phấn khích nhìn thấy Giáo hội Việt Nam đang trên đường trưởng thành, Đại hội La Vang lần thứ 11 (1935) được khai mạc nhằm tôn vinh, tạ ơn Đức Mẹ, Đấng bầu cử cho Giáo hội Việt Nam.

Áp dụng định lệ mới, không rước kiệu từ Cổ Vưu vào La Vang, thay vào đó là hai cuộc rước kiệu tại chỗ: Cuộc rước kiệu Thánh Thể vào ngày thứ hai và cuộc rước kiệu Đức Mẹ La Vang vào ngày thứ ba trong Tam nhật.

Chương trình Tam nhật Đại hội La Vang lần thứ 11 (1935) đại cương như sau:

+ Ngày vọng lễ 19-8-1935:

Từ ngày vọng lễ, các cha ngồi tòa giải tội suốt Tam nhật.

Chiều: Giảng. Phép lành Mình Thánh Chúa.

+ Ngày thứ nhất 20-8-1935 – Khai mạc

Sáng: Thánh lễ. Cho giáo dân rước lễ. Giảng. Kiệu Đức Mẹ quanh nhà thờ. Giảng. Lễ hát trọng thể.

Chiều: Đức cha diễn thuyết. Kinh chung. Giảng. Phép lành Mình Thánh Chúa.

+ Ngày thứ nhì 21-8-1935

Sáng: Thánh lễ. Cho giáo dân rước lễ. Kinh chung. Giảng. Lễ hát trọng thể. Kiệu Mình Thánh Chúa trọng thể.

Chiều: Diễn thuyết của Đức Giám mục. Tối: Rước kiệu Mình Thánh Chúa.

+ Ngày thứ ba 22-8-1935 – Bế mạc

Sáng: Thánh lễ. Cho giáo dân rước lễ. Kiệu ảnh Đức Mẹ La Vang. Giảng. Thánh lễ đại trào. Phép lành Mình Thánh Chúa. Bế mạc.

b/ Tường thuật Đại hội La Vang 11 (1935). “Tam nhựt Đại hội tại La Vang”(9):

“Cứ theo chương trình đã định, cuộc Tam nhựt Đại hội tại La Vang năm nay đã được cử hành suốt ba ngày 20, 21 và 22-8-1935 vừa rồi.

 Ngày 19-8, quang cảnh ở đất La Vang đã trở nên một chỗ rực rỡ, nguy nga và náo nhiệt khác thường. Về cuộc dọn dẹp trần thiết thì từ phía trong nhà thờ cho chí cả mặt trước sân, từ cửa tam quan mà ra thấu thể lâu là chỗ phân hai con đường kiệu vòng cung trên núi, thời cái sự trang hoàng lộng lẫy thật không lời nói xiết. Đến như khắp cả hai vung đất rộng khít trước lũy tre ở hai bên tả hữu đường, thời nào nhà nào cửa, nào quán nào hàng, người hèn xen lẫn kẻ sang, nơi mua chỗ bán nhộn nhàng xôn xao. Cái vẻ náo nhiệt thật không thua gì mấy chốn thị tứ, phồn hoa vậy. Các giáo hữu đâu đó đã thấy đua nhau tấp nập kéo tới điệp điệp trùng trùng mà làm cho cảnh đất La Vang càng lâu càng thêm vẻ vui thú mãi lên. Ngày ấy đã có các cha ngồi tòa làm phúc, đến chiều tối lại có Phép lành Mình Thánh Chúa. Trước phép lành, cha Kinh (Giacôbê Nguyễn Linh Kinh, cha sở Đại Lộc) đã giảng một bài về ‘Sự tội’, để dọn lòng giáo hữu lúc tới đất La Vang.

Qua ngày thứ nhứt là ngày 20-8, buổi mai các cha làm lễ sớm và cho bổn đạo rước lễ. Đến độ 6 giờ rưỡi sáng. Đội ngũ mấy họ gần hơn đã hiệp nhau rước kiệu Đức Mẹ đi một vòng quanh nhà thờ. Khi trở về, cha Kinh lại lên giảng một bài về ‘Sự xưng tội’. Giảng đoạn, cố Olivier, thuộc Dòng Redempstoris (Dòng Chúa Cứu Thế Huế), tiếp làm lễ hát trọng thể.

Đến chiều, lối 3 giờ, Đức cha địa phận diễn thuyết cho chức việc các họ về ‘Hội cầu cho dân Viễn Đông và Hội Truyền giáo’. Đến 5 giờ thì trong nhà thờ lần hột chung một chuỗi 53 và hát Kinh Cầu Đức Bà. Đoạn cha Chiếu (Phaolô Phạm Ngọc Chiếu, cha sở An Lộng) giảng một bài về ‘Sự chịu lễ’, rồi kế cha Tin (Tađêô Nguyễn Văn Tin, cha sở Ngô Xá) chủ sự Phép lành Mình Thánh Chúa. Ngày ấy bổn đạo các nơi đã kéo tới đất La Vang đông đúc lắm.

Bước sang ngày thứ hai 21-8, các cha cũng làm lễ sớm và cho bổn đạo rước lễ như ngày trước. Đến độ 7 giờ rưỡi sáng, trong nhà thờ hát Kinh Cầu Đức Bà, đoạn cha Chiếu lên tòa giảng một bài về ‘Sự Kính mến Chúa’. Giảng đoạn, cố Chính Lễ (cha Tổng đại diện Lemasle Lễ) chủ sự làm lễ hát trọng thể. Từ bữa mai ấy ở đất La Vang đã thấy chật cứng như nêm đóng, nhưng giáo hữu mọi nơi vẫn cứ dồn dập tuôn đến không hề thôi. Các xe điện cứ tranh nhau rước khách, đưa khách, lên xuống ồn ào không buổi ngớt.

Chiều lại, lối 3 giờ, Đức cha diễn thuyết cho các chức việc họ về việc ‘Phải xem sóc con em trong họ và lo chấn hưng phong hóa chính’. Đến tối, độ 6 giờ, sau khi đã đôi ba lần hiệu lệnh, dàn thứ lớp xong, thời đội ngũ đèn đuốc các họ đã hiệp nhau mà bắt đầu kiệu Mình Thánh Chúa rất trọng thể. Đức Giám mục địa phận đứng chủ sự, khít trước bàn kiệu có gần 30 vị linh mục mặc áo lễ đủ màu, cầm đèn đi hàng hai trông oai nghiêm long trọng lắm. Cuộc kiệu đèn này cũng như cuộc kiệu đèn trong kỳ Đại hội năm trước đây thật đã quá vẻ xán lạn nguy nga, cái sức ngọn bút không thể tả ra cho rành được. Cảnh trời tăm tối, ở giữa một vùng không khí mù mịt đen ngòm đương bao phủ cảnh vật thiên nhiên, bỗng thấy ức vạn ngọn đèn trăm thức ngàn kiểu chen chúc kế nhau mà kéo dài ra một đường dài có gần hai cây số, rồi cứ sấn tới, đi lượn vòng quanh trên mấy lèn núi trước mặt đất thánh La Vang, chẳng khác chi một con rồng lửa cực dài cứ từ từ bò quanh trên đỉnh núi vậy. Ở nơi con rồng lửa lạ lùng đó, suốt từ đầu cho chí mút cùng đuôi lại cứ liên thanh phát dội ra những cung thanh trầm bổng, hát những giọng rền rĩ nguyện kinh, hòa lẫn với tiếng âm nhạc vang lừng, trống chiêng inh ỏi mà chung đúc nên một hoàn cảnh huyên náo lạ lùng, làm rung động cả một góc trời phía trước xa đền thánh, khiến cho những ai trông thấy đều phải đánh động quả tim, nức lòng phấn khởi mà say mê theo cảnh tình cực lạc ấy không hề nguôi.

Ôi! Lạy Đức Mẹ La Vang, Mẹ trông thấy muôn vàn con cái đương làm cuộc biểu dương cực kỳ xán lạn mà ca ngợi tung hô quyền phép Đức Mẹ như thế, thời có lẽ nào Mẹ chẳng chạnh lòng thương xót mà sẵn lòng ban phát mọi ơn lành cho những kẻ thành tâm khẩn nguyện với Mẹ sao? Ôi! Phước cho đất La Vang đã được phát xuất những cuộc biểu dương rực rỡ hiển vinh nhưthế. Phước cho những con cái Đức Mẹ đã được dự cuộc biểu dương hoạ hiếm này.

Lúc đoàn kiệu đã cứ đường vòng cung trên núi mà đi hết một nửa bên hữu rồi thì vừa gặp chốn thể lâu là chỗ phân hai con đường kiệu, cùng là chỗ giáp lại với con đường đi thẳng vào cửa nhà thờ, cách xa đền thánh gần một cây số. Khi đó Mình Thánh Chúa tạm đặt ở thể lâu mà làm phép lành. Xong rồi thì cứ đường thẳng ấy mà kiệu Mình Thánh Chúa về lại nhà thờ. Khi đã vào nhà thờ và Mình Thánh Chúa đã đặt trên bàn thờ, đoạn cha Trang (Giuse Trần Văn Trang, cha sở Thần Phù) lên tòa giảng một bài về ‘Sự tôn kính Phép Thánh Thể’. Giảng xong, Mình Thánh Chúa cứ đặt luôn trên bàn thờ, các họ cứ đội ngũ đèn đuốc thay phiên nhau mà chầu suốt cả đêm, mãi cho đến ba giờ sáng mới thôi. Khi ấy các cha khởi đầu làm lễ và cho bổn đạo rước lễ.

Sáng ngày thứ ba 22-8, lối 5 giờ rưỡi, đội ngũ các họ lại cứ hiệu lệnh dàn lớp mà hiệp nhau kiệu ảnh Đức Mẹ một lần sau hết rất trọng thể. Cha Thục (Phêrô Ngô Đình Thục, giáo sư trường Providence Thiên Hựu) đứng chủ sự. Cuộc kiệu mai ấy cũng không thua gì mấy kỳ kiệu lúc trước, thiênhạ nô nức hằng hà sa số chen chúc nhau hàng bảy hàng năm, đội ngũ trang hoàng, lọng tàn rực rỡ liên kế nhau, choán hết một quãng đường dài độ hai cây số. Cứ đường thẳngtrước cửa nhà thờ mà đi ra, lên cho tới thể lâu, rồi bắt quanh qua nửa phần đường vòng cung bên tả mà kiệu về nhà thờ. Ở giữa mấy gò núi trọc, giọng nguyện kinh chuyển dội, tiếng cổ nhạc vang dầy làm cho cả vùng không khí trước mặt đền thánh La Vang lại phải một phen xáo động lung lay cả thể nữa.

Lúc bàn kiệu về tới nhà thờ thời cha Kinh lên tòa giảng một bài về ‘Sự kính mến Đức Mẹ’, đoạn Đức Giám mục địa phận làm lễ hát Pontificale. Lễ hát xong tiếp làm Phép lành Mình Thánh Chúa cách trọng thể mà giải tán.

Trong ba ngày Đại hội La Vang năm nay, thật nói không xiết cái sự náo nhiệt và lòng sốt mến của con cái Đức Mẹ. Dẫu đương thời kinh tế khó khăn, dẫu năm nay hỏa xa không giảm giá và không có chuyến tàu riêng cho khách đi La Vang, dẫu mấy ngày đó trời đương hạn hán, nắng đốt như thiêu, cùng nhiều cái trở lực khác như thế mặc lòng, nhưng số người tuôn đến kính viếng Đức Mẹ La Vang trong cả ba ngày đó tưởng không thua gì mấy kỳ Đại hội lúc trước đâu. Vả, số người xưng tội chịu lễ kỳ này lại có phần tăng tiến hơn trước nhiều nữa. Cả ba ngày, số người xưng tội có đến 6.000, và số người rước lễ ước trên một vạn rưỡi. Còn các cha Tây, Nam trong địa phận tới dự cuộc năm nay kể được 70 đấng, thế là nhiều nhất so với mấy kỳ lúc trước vậy. Bởi đó, nói được rằng cuộc Tam nhật Đại hội La Vang năm nay, về đường tinh thần hẳn có phần tấn trỗi hơn xưa nhiều lắm.

3. Hành hương La Vang sau Đại hội La Vang lần thứ 11 (1935)(10)

a/ Kiệu Minh niên 1936

Những năm gần đây, mặc dù La Vang không có cha sở, trực thuộc cha sở họ Cổ Vưu, nhưng đúng định kỳ hằng năm vẫn tổ chức kiệu Minh niên.

Kiệu Minh niên 1936 được tổ chức vào mồng ba tết Bính Tý, nhằm ngày 27-1-1936 dương lịch. Hàng ngàn giáo dân từ Quảng Trị lên và từ Huế ra sốt sắng tham dự thánh lễ hát trọng thể, kiệu ảnh Đức Mẹ và Phép lành Mình Thánh Chúa, dâng năm mới cho Đức Mẹ.

b/ Kiệu Minh niên 1937

Năm 1936, Giáo phận Huế chịu hai đại tang: Đức cha Allys Lý mất vào tháng 4 và Đức cha Chabanon Giáo mất vào tháng 6. Giáo phận trống tòa. Nhưng để giữ truyền thống hành hương La Vang kiệu Minh niên vào dịp đầu xuân, cha Tổng đại diện Lemasle Lễ chỉ thị cho cha sở Cổ Vưu Reyne Phú vẫn tổ chức, không để cho kiệu Minh niên hằng năm bị gián đoạn.

Cha Reyne Phú, thay mặt cha Tổng đại diện Lemasle Lễ, gởi thư đến các cha sở, đồng thời gởi thư mời đăng trên tuần báoVì Chúa, mời cộng đoàn Dân Chúa trong toàn địa phận tham dự cuộc rước kiệu Minh niên vào mổng năm tết Đinh Sửu, nhằm ngày thứ hai 15-2-1937.

Thông báo số 1 từ La Vang – Cổ Vưu cho biết:

 Kiệu Minh niên sẽ được tổ chức như thường lệ vào mồng ba tết Đinh Sửu, nhằm ngày thứ bảy 13-2-1937 dương lịch. Nhưng sau đó, cha Reyne Phú, cha sở Cổ Vưu kiêm La Vang cải chính, tổ chức vào mồng năm tết Đinh Sửu, nhằm ngày thứ hai 15-2-1937. Bắt đầu lúc 8 giờ 30. Chương trình như sau:

+ Lễ hát trọng thể.

+ Kiệu ảnh Đức Mẹ.

+ Phép lành Mình Thánh Chúa. Bế mạc.

Tuy nhiên, tới ngày kiệu do trời mưa rét nên không kiệu ảnh được, chỉ cử hành lễ hát trọng thể, chầu Mình Thánh Chúa, Làm việc Đức Mẹ rồi Phép lành Mình Thánh Chúa. Bế mạc.

Dù trời mưa rét, giáo hữu vẫn đi đông, chật nhà thờ.

Dịp này có 4 cha địa phận Cao Miên, trong đó có cha Tứ đã ở Huế lâu năm đến chầu lễ.

c/ Đức Khâm sứ Drapier kêu gọi mọi người hướng về Đức Mẹ La Vang(11)

Năm 1937 Đức Khâm sứ Drapier đến Huế và ngài đã ở Tòa Khâm mạng suốt 13 năm. Ngài là người hết lòng tin yêu Đức Mẹ La Vang, vì thế trong những ngày tháng nguy nan do thế giới đại chiến thứ hai gây ra, ngài đã gởi thông cáo kêu gọi mọi người hướng về Đức Mẹ La Vang để xin ơn hòa bình.

Dịp Đại hội La Vang 12 (1938), ngài chủ tế thánh lễ Bế mạc sáng 19-8-1938 tại đền thờ Đức Mẹ La Vang. Đó cũng là kỳ Đại hội duy nhất mà ngài tham dự, bởi sau đó do hoàn cảnh chiến tranh, Đại hội La Vang bị gián đoạn suốt 17 năm.

Năm 1950, Đức Khâm sứ Drapier thuyên chuyển đi nơi khác. Tòa Khâm mạng Huế được dời ra Hà Nội. Năm 1959 bãi bỏ. Dưới chính thể VNCH, Tòa Khâm mạng được tái lập tại thủ đô Sài Gòn.

————————————————————-

(1) Lê Ngọc Bích: Nhân vật Giáo phận Huế. Tập II. 2000. Lưu hành nội bộ, tr.247-250 + Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia.

(2) Linh mục (sau là Giámmục) Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn: La Vang tự tích. Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 1031, ngày 24-11-1929, tr.53-54 + Số 1036, ngày 28-2-1929, tr.118-120.

(3) Imprimatur de Mgr. Alexandre Paul Maria Chabanon Giáo – Vicaire Apostolique de Huế, le 20 Juillet 1932. Linh mục (sau là Giám mục) Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn sưu tầm, hiệu đính, xuất bản.

(4) Tổng hợp tin từ Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 1215, ngày 1-9-1932, tr.535 + Bài Le Grand Pèlerinage de Notre Dame de La Vang của Thừa sai Antoine Jean Baptiste Henri Daniel Roux (cố Ngôn- Bề trên Đại Chủng viện Phú Xuân Huế) + Nguồn khác.

(5)Antoine Jean Baptiste Henri Daniel Roux (cố Ngôn- Bề trên Đại Chủng viện Phú Xuân Huế): Le Grand Pèlerinage de Notre Dame de La Vang. Tạp chí Bulletin de la Société des Missions Étrangères de Paris. No 131. Nov. 1932, p.832-841. Bản dịch của Lm. Nguyễn Tự Do, CSsR, trong Đức Mẹ La Vang 200 năm.

(6)Phêrô Nghĩa (Lm. Philipphê Lê Thiện Bá):Cuộc Đại hội Tam nhựt tại La Vang 1932. Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 1216, ngày 8-9-1932, tr.548-555.

(7) Xe máy: Từ cũ dùng chỉ chiếc xe đạp. Thời ấy chưa có xe máy (môtô) như bây giờ.

(8) Phêrô Nghĩa (Lm. Philipphê Lê Thiện Bá): Giám mục thứ hai người Việt Nam. Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 1394, ngày 2-5-1935, tr.288b.

(9) Phêrô Nghĩa (Lm. Philipphê Lê Thiện Bá): Tam nhựt Đại hội tại La Vang. Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 1368, ngày 12-9-1935, tr.563-564.

(10) Tổng hợp tin từ Tb. Vì Chúa. Các số: 16, ngày 8-1-1937, tr.1 + Số 18, ngày 22-1-1937, tr.1 + Số 21, ngày 19-2-1937, tr.1 + Nguồn khác.

(11) Lm. Sta. Nguyễn Văn Ngọc: Linh địa La Vang, tr.142.

Hết Chương 10.

=> Tài liệu dạng Word, xin nhấn vào đây để tải Tập 2 – Chương 10 – Phần II về máy tính