Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS

17/11/2018

“Giảm bớt ánh mắt kỳ thị là đem lại một tia hy vọng cho những người bị nhiễm HIV”. Kỳ thị và phân biệt đối xử đang là rào cản, ảnh hưởng đến người nhiễm và những người có nguy cơ cao (người đồng tính, tiêm chích ma túy…), không được hưởng các quyền cơ bản về chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội, đồng thời cản trở bước tiến của những hoạt động phòng chống, làm cho HIV âm thầm lây lan trong cộng đồng.

Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS là chủ đề được Caritas Huế kết hợp với phòng khám Từ thiện Kim Long (thuộc Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Huế), tổ chức vào ngày 10/11/2018 tại Trung Tâm Mục Vụ TGP Huế.

Đến với ngày tập huấn, có sự hiện diện của Cha Antôn Nguyễn Ngọc Hà, Giám đốc Caritas Huế; Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Giảng viên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Xã hội – Hà Nội; Quý Cha, Quý Nữ Tu của các Dòng trong Giáo phận và các Nhóm Bác Ái; đặc biệt là có sự tham gia của các thành viên Ban Bác Ái đến từ các Giáo xứ, Nhân viên và Tình Nguyện Viên Ban HIV, Bảo vệ sự sống và Văn phòng Caritas Huế.

Sau phần giới thiệu các thành phần tham dự, Cha Antôn mở đầu phần phát biểu khai mạc với lời chào và chúc sức khỏe đến giảng viên cùng các tham dự viên. Tiếp đến, Ngài chia sẻ: “Có đi vào thực tế mới găp những mảnh đời đau khổ; có đồng hành với những người nhiễm H mới nhận ra những thao thức của anh chị em. Quý anh chị em nhiễm H, một mặt, vừa bị cơn bệnh hoành hành; mặt khác, lại gặp khó khăn về sự kỳ thị và phân biệt đối xử, làm cho nỗi đau của anh chị em thêm chồng chất. Vì vậy, người nhiễm H cần lắm những tấm lòng cảm thông, yêu thương, giúp đỡ; những lời khích lệ, động viên như tiếp thêm nghị lực để vươn lên trong cuộc sống. Mục đích của ngày gặp mặt hôm nay giúp chúng ta có thêm kiến thức về HIV, hiểu thế nào là kỳ thị và phân biệt đối xử: nguyên nhân và hậu quả. Hơn nữa, theo tinh thần Kitô giáo, người làm bác ái phải biết đào tạo con tim, để làm sao để trái tim mình biết “chạnh lòng thương” trước anh chị em đang đau khổ. Ước mong những kiến thức học hỏi trong ngày này, sẽ giúp chúng ta rộng mở tâm hồn, biết sống quảng đại, nhân ái đối với các anh chị em đang đau khổ của chúng ta”.

Nhân dịp này, Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh đã đến thăm và nói chuyện với các tham dự viên. Với tấm lòng của Vị Cha chung Giáo phận, Ngài chân thành chia sẻ và đồng cảm với nỗi đau của người có H, nỗi đau ấy sẽ càng lớn hơn nếu gặp phải sự kỳ thị và phân biệt đối xử trong cuộc sống mỗi ngày. Và Ngài mời gọi các tham dự viên tích cực học hỏi để sống, để giúp đỡ những người bị phân biệt và bị kỳ thị trong xã hội. Kết thúc những lời chia sẻ, Đức TGM Giuse nhắc lại đoạn Tin mừng của Thánh Matthêu: “…những gì các ngươi đã làm cho một người trong các anh em hèn mọn nhất này của Ta, là các ngươi đã làm cho chính mình Ta” (Mt 25, 40).

Điểm chính yếu của ngày Tập huấn là phần trình bày của Tiến sĩ Khuất Thu Hồng với các nội dung như: Kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS, tìm hiểu sự kỳ thị với nhóm có nguy cơ cao, nguyên nhân và hậu quả của việc phân biệt đối xử. Buổi sáng kết thúc với những chia sẻ và hoạt động ý nghĩa, mỗi người dành thinh lặng trong ít phút để trải nghiệm về những ký ức do sự kỳ thị – phân biệt trong quá khứ, cũng như chính bản thân đã kỳ thị và phân biệt đối xử với người khác, hầu giúp mỗi người hiểu rõ hơn cảm giác đau đớn khi bị kỳ thị và phân biệt đôi xử. Trong khi đáng lẽ ra họ (người có H) đang cần đến sự nâng đỡ, hỗ trợ và những lời khích lệ, động viên!

Buổi chiều, bắt đầu với phần trình bày về hoạt động của Ban HIV/Caritas Huế, có những điểm nổi bật như: công tác truyền thông với các Nhóm – các Giáo xứ, thăm viếng các gia đình, hỗ trợ sinh kế – học tập, chăm sóc cuối đời cho bệnh nhân H và nâng cao năng lực cho đội ngũ Tình nguyện viên, nhóm Tự lực nhằm giúp các tham dự viên biết về các hoạt động của Ban. Tiếp đến, Giảng viên tiếp tục trình bày về nguyên nhân và hậu quả của kỳ thị và phân biệt đối xử. Do thiếu hiểu biết và lo sợ lây nhiễm, do tác động không mong muốn của một số hoạt động giáo dục truyền thông như: những hình ảnh tiêu cực, đưa các thông điệp còn mù mờ, thiếu rõ ràng, những câu chuyện về những hành vi không lường trước được của người nhiễm H khiến cho mọi người xung quanh sợ hãi, hoang mang, gây sự nghi ngờ trong cộng đồng, tăng thêm kỳ thị, hạn chế sự chăm sóc và hỗ trợ. Những điều ấy dẫn đến hậu quả đối với gia đình người có H về gánh nặng chăm sóc. Những điều ấy cũng hạn chế các cơ hội cho gia đình: như việc làm, học tập, các dịch vụ y tế, tương quan xã hội, con cái mất sự thương yêu của cha mẹ. Riêng với cộng đồng, vô tình chúng ta đã tiếp tay làm tăng sự lây truyền HIV!

Để có giải pháp tiến tới việc xoá bỏ rào cản về sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người có H, cần tăng cường hoạt động tại cộng đồng: cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về HIV/AIDS; hỗ trợ xét nghiệm và điều trị HIV bằng thuốc ARV; cởi mở, gần gũi với người có H; tăng cường chăm sóc tâm lý; hỗ trợ về kinh tế và xã hội; hỗ trợ việc thành lập và duy trì hoạt động của các nhóm Tự lực để giúp họ kết nối với các dịch vụ giảm hại và hòa nhập cộng đồng. Để đạt được các mục tiêu này, hiện còn nhiều khó khăn, thách thức cần phải vượt qua.

Sau phần Giảng viên đúc kết và lượng giá, Nữ tu Catarina Thảo, thay lời Ban tổ chức, chân thành cám ơn Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Giảng viên và quý tham dự viên. Qua ngày tập huấn, quý tham dự viên được trang bị cho mình những kiến thức, cách riêng về HIV/AIDS, hơn thế, đây cũng là dịp giúp mỗi người đào tạo con tim của mình để biết chạnh lòng thương, từ đó có thể sống đức Bác ái mà chính Thiên Chúa đã dạy cho chúng ta: “Con Người đến không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ …” (Mt 20,28).

Ước mong ngọn lửa dấn thân phục vụ luôn cháy mãi trong tâm hồn mỗi tham dự viên! Để xã hội ngày càng bớt đi những rào cản ngăn cách giữa con người với nhau, tạo nên sự cảm thông, giúp đỡ để cùng nhau vượt qua những khó khăn, bệnh tật trong cuộc sống.

Văn phòng Caritas Huế