Lược sử Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp

02/10/2019

LƯỢC SỬ

GIÁO XỨ ĐỨC MẸ HẰNG CỨU GIÚP

GIÁO HỌ VĂN DƯƠNG  –  GIÁO HỌ THANH DẠ

 Nhà thờ Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp

GIÁO XỨ ĐỨC MẸ HẰNG CỨU GIÚP

I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, thuộc Giáo hạt Thành Phố Huế, nằm trong khu vực được bao bọc bởi đường Bà Triệu, Đống Đa, Lý Thường Kiệt, Phan Đình Phùng, Hùng Vương. Phía bờ nam sông đào An Cựu, giáo dân ở dọc đường Phan Chu Trinh, một khúc đường Trần Phú, một khúc đường Duy Tân. Cũng có một số gia đình ở Phát Lát, Ngự Bình, ở Văn Dương và Thanh Dạ (2 nơi cuối cùng này làm thành 2 Giáo họ).

Nhà thờ Giáo xứ ở số 142 Nguyễn Huệ, phường Phú Nhuận, thành phố Huế, trong một khu đất hình tam giác mà đỉnh nhọn là điểm tiếp giáp của đường Nguyễn Khuyến với đường Nguyễn Huệ, cách Tòa Tổng Giám mục Huế chừng 1km về phía Đông.

II. NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

1. Từ việc thành lập Dòng Chúa Cứu Thế và giáo dân đến ở chung quanh.

Ngày 25-03-1929, Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) được chính thức thành lập tại Huế, đặt cơ sở không xa bờ Bắc của sông đào An Cựu. Năm 1933, Dòng xây một Nguyện đường chẳng những dành riêng cho tu sĩ của mình mà còn cho mọi tín hữu.

Thời đó, khu vực chung quanh nhà Dòng (vốn là những đám ruộng) có rất nhiều gia đình Công giáo thuộc các Giáo xứ vùng quê đến sinh sống và lập nghiệp. Họ từ các huyện Phú Vang, Phú Thứ, Quảng Điền, Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy… Vì thế, năm 1940 một cộng đoàn tín hữu (tiền thân của Giáo xứ ĐMHCG) hình thành do việc giáo dân ngày càng đông. Đa phần là dân lao động. Họ được đi tham dự phụng vụ trong Nguyện đường của nhà Dòng. Đặc biệt ngày Thứ Bảy, họ hòa nhập cùng nhiều giáo dân từ xa đến cầu nguyện với Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, một việc tôn sùng do các Cha Dòng khởi xướng và bắt đầu truyền bá rộng rãi.

Chẳng những thế, giáo dân nơi đây còn được chung hưởng những công trình văn hóa xã hội mà các tu sĩ DCCT xây dựng quanh nhà Dòng nhằm loan báo Tin Mừng cho lương dân. Chẳng hạn thư viện mang tên L’Accueil năm 1938 (L’Accueil, tiếng Pháp, đọc là Lắc Cơi, có nghĩa là “Đón tiếp”), nhà sinh hoạt cũng mang tên L’Accueil (nằm bên cạnh, to hơn) năm 1939, phòng đọc sách năm 1943, quán cơm xã hội Nguyễn Trường Tộ năm 1944. Cả 4 cơ sở đều tọa lạc bên kia đường Nguyễn Huệ, đối diện với Nhà thờ hiện thời.

Nhà sinh hoạt L’Accueil là một loại nhà đặc biệt vừa để chơi thể thao (bóng rổ, bóng chuyền), vừa để trình diễn văn nghệ. Đặc biệt, có những vở kịch hay “tuồng” mang tính tôn giáo như cuộc Thương khó của Chúa Giêsu. Nhờ đó, cộng đồng tín hữu quanh Dòng và giáo dân nơi khác đã hưởng thụ và chia sẻ những thú vui về tinh thần lẫn thể chất, vừa tao nhã vừa lành mạnh[1].

Còn quán cơm xã hội Nguyễn Trường Tộ nằm phía sau nhà L’Accueil, có mục đích phục vụ dân lao động nghèo qua những bữa cơm giá rẻ, người ăn chỉ phải trả tiền thức ăn. Sau năm 1960, quán được dùng làm trạm y tế, phát thuốc giúp người nghèo.

Vào những năm chiến tranh (1945-1954), một số giáo dân từ các họ đạo Hà Thanh, Hà Úc, Quy Lai, Vĩnh Lại… lên Huế ở. Cha Jean Viry (Cố Vị 1902-1926-1986), lúc bấy giờ làm hiệu trưởng trường Thiên Hựu, đã cho một số giáo dân Hà Thanh, Hà Úc, vốn là con chiên trước đây của ngài, làm nhà ở dọc các bờ thành của trường, phía đường Lý Thường Kiệt và Nguyễn Huệ. Sau này, lúc Cha Trần Hữu Tôn làm hiệu trưởng (1956), ngài đã lấy lại đất và số giáo dân này đã qua ở bên kia đường Nguyễn Huệ hiện thời, một số về quê. Lúc bấy giờ vùng đất ấy cũng là những đám ruộng sâu, có hồ nước. Họ đã đổ đất, làm nhà ở. Chúa nhật thì sang Nguyện đường Dòng CCT dự lễ.

Ngày 20-05-1953, Cha Bề trên Tổng quyền Dòng CCT ký văn kiện chuẩn y việc nhà Dòng ở Huế nhận coi sóc một Giáo xứ tại đất Thần Kinh.

2- Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ra đời (1954) và phát triển mọi mặt.

Ngày 05-06-1954, Giáo phận Huế -dưới đời Đức Cha JB. Urrutia Thi, Giám mục Đại diện Tông tòa- đã ký bản hợp đồng với Dòng CCT về việc giao và nhận Giáo xứ mới với tên gọi là Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, tọa lạc xung quanh nhà Dòng. Cha Bề trên nhà Dòng cũng là Cha sở của Giáo xứ. Vị Quản xứ tiên khởi là Cha Antôn Nguyễn Đức Tuyên (1954-1956), tiếp đó là Cha Phanxicô Xaviê Trần Văn Hưng (1956-1961) (lần I).

Bên cạnh các hoạt động mục vụ thông thường, các Cha DCCT còn có một hoạt động đặc biệt, đó là tổ chức những Tuần đại phúc vào Mùa chay cho tín hữu Giáo xứ ĐMHCG và tín hữu đến từ những Giáo xứ khác trong Giáo phận. Có lúc các ngài còn đi mở Tuần đại phúc tại các họ đạo nữa. Nói là Tuần đại phúc, nhưng thực sự chỉ kéo dài 3-4 ngày, gồm giảng thuyết, giải tội. Đặc biệt các Cha luôn thông qua Tuần đại phúc mà phổ biến và gây lòng mộ mến Đức Maria dưới tước hiệu Mẹ Hằng Cứu Giúp. Có thể nói, các Cha DCCT đã du nhập vào Việt Nam mẫu tượng Mẹ Hằng Cứu Giúp, Tuần cửu nhật kính Đức Mẹ, Giờ hành hương tôn sùng Đức Mẹ mỗi chiều thứ Bảy, và kiệu kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp vào ngày 27 tháng 06 hằng năm.

Giáo xứ đã có hân hạnh chia sẻ vinh dự tổ chức, tham dự vào kiệu kính Mẹ nầy. Kiệu tổ chức vào 1-2 giờ chiều Chúa nhật, tham dự đông đến cả vạn người, gồm đủ các họ đạo xa gần quanh thành phố Huế. Kiệu xuất phát từ Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp xuống bùng binh An Cựu, lên cầu Trường Tiền, đi dọc đường Lê Lợi, rồi bọc về đường Nguyễn Huệ, trở lại Nhà thờ. Sân trường tiểu học Việt Hương là điểm tập kết của kiệu. Đó là những năm trước 1963.

Năm 1960, Dòng CCT bán một số đất dọc đường Quỳnh Lưu (nay gọi là Nguyễn Khuyến) cho giáo dân (các khu vực Vinh-Sơn, An-Nà hiện thời). Giáo xứ ĐMHCG lại mở rộng và đông đúc thêm. Các Cha Bề trên Dòng kiêm Quản xứ lại có thêm nhân sự để hoạt động mục vụ.

Vì Nguyện đường ngày càng trở nên chật hẹp, nên Dòng CTT và Giáo xứ cùng và nhiều thành phần dân Chúa trong Giáo hội đã cộng tác để xây dựng một ngôi Nhà thờ rộng lớn và nguy nga hơn. Đó là Thánh đường ĐMHCG hiện tại với kiến trúc Âu-Á, được khởi công tháng 3-1959 (dưới thời Cha P.X. Trần Văn Hưng) và được cung hiến ngày 12-8-1962, dưới thời vị Quản xứ thứ ba là Cha P.X. Trần Tử Nhãn (1961-1964).

Thánh đường này được xây theo đồ án của kiến trúc sư Nguyễn Mỹ Lộc. Việc đốc công do tu sĩ Henri Bùi Văn Khắc của Dòng đảm nhận với sự hợp tác của 150 tay thợ. Và Bề trên-Chánh xứ đương thời, Cha P.X. Trần văn Hưng, chịu trách nhiệm. Ngôi Thánh đường được dâng kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Với các kích thước: tháp cao 53m, mái cao 32m, chiều dài trong lòng 70m, chiều ngang trong lòng 37m (chỗ rộng nhất) và 16m (chỗ hẹp nhất). Tổng chi phí theo thời giá là 47 triệu đồng (lúc bấy giờ giá vàng khoảng 3000 đồng/lượng)[2].

Nhà thờ mới xây trên khu đất nguyên là một đám ruộng nằm bên phải Nhà thờ cũ, với khuôn viên rộng thoáng, có tượng Chúa Giêsu Cứu Thế đằng trước, nơi đỉnh tam giác, và đã sớm trở nên một trong những Thánh đường đẹp nhất Giáo phận Huế nhờ những cấu trúc độc đáo bên ngoài và bài trí ý nghĩa bên trong.

Sau cuộc đảo chính ngày 01-11-1963 (Tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ), thêm một số gia đình quân đội, cảnh sát và dân chính đến nhập Giáo xứ. Đúng là đất lành chim đậu!

Năm 1968, biến cố Mậu Thân (thời Cha Lôrenxô Vũ Văn Phát 1967-1968 và Cha Christ Lê Huy Bảng 1968-1970), rất đông đồng bào lương giáo quanh Dòng đã chạy đến Nhà thờ để tránh bom đạn. Nhiều người sau đó bị bắt đưa đi mất tích, có kẻ tìm được xác, trong đó nổi tiếng nhất là Thượng nghị sĩ Trần Điền (1911-1968). Gia đình ông là thành viên của họ đạo. Nhà thờ thì bị bom đạn bắn trúng: nhiều vết nứt toác trên vách, nhiều lỗ hổng xuyên tiền đường, mái ngói tả tơi trơ những cây đà đen đúa… Không chỉ Thánh đường mà thê thảm hơn là gia cư tín hữu: có những nhà bị cháy rụi, có những nhà đổ nát thành đống hoang tàn.

Sau Mậu Thân, một số giáo dân mà nhà cửa bị bom đạn cháy sập, đến ở vùng đất ruộng thuộc cánh đồng An Cựu, quanh và sau quán cơm xã hội cũ Nguyễn Trường Tộ của Dòng[3].

Vào thập niên 1970, để tiếp tục các hoạt động văn hóa và xã hội của nhà Dòng và Giáo xứ, Cha cựu Bề trên-Quản xứ Vũ Văn Phát đã xây dựng trường tiểu học Việt Hương 2 tầng, bề thế, cạnh sân bóng đệ tử viện, nằm dựa lưng vào cánh đồng An Cựu (nay là trường tiểu học Vĩnh Lợi do nhà nước quản lý). Ngài còn xây cất cư xá học sinh phía trước Đệ tử viện của Dòng, bên kia đường Nguyễn Huệ (số 31), bên cạnh trường Việt Hương[4]. Còn Cha Ngà thì mở lớp dạy nghề giúp nhiều người về sau có công ăn việc làm ổn định.

Lúc sôi nổi khi lắng dịu, những hoạt động văn hóa, xã hội nói trên đã làm khởi sắc Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, đem lại sức sống cho giáo dân và lôi kéo nhiều người trở về với Chúa. Những yếu tố này, được kết hợp với và vận dụng bởi các yếu tố tinh thần, thiêng liêng của linh đạo Dòng Chúa Cứu Thế, đã biến Giáo xứ thành một trong những họ đạo sầm uất bậc nhất của Giáo phận Huế với rất nhiều hoa trái ơn gọi (xem dưới).

3- Tái xây dựng trong hoàn cảnh mới (1975)

Sau năm 1975, mọi sinh hoạt xã hội văn hóa hầu như chẳng còn, phần lớn các cơ sở dùng cho những sinh hoạt đó bị nhà nước quản lý. Việc giữ đạo cũng gặp không ít khó khăn. Tình thế mới, hoạt động mới. Các Cha Dòng lại tập chú vào đời sống thiêng liêng, mở lớp giáo lý cho các em từ mẫu giáo đến thanh niên, lớp dự bị hôn nhân cho những ai sắp lập gia đình…. Đặc biệt, Cha Phêrô Nguyễn Hoàng Diệp, một nhạc sĩ nổi tiếng, còn tổ chức trình diễn các buổi Dao ca vào dịp lễ Giáng sinh, Phục sinh. Một không khí đạo đức thổi qua Giáo xứ và lan qua các Giáo xứ bạn.

 Tháng 10-1994, các Cha DCCT lại tổ chức Tuần đại phúc tại Giáo xứ để mừng 70 năm các Thừa sai Dòng từ Canada đã đặt chân lên đất Huế đầu tiên (1925), đồng thời mừng thượng thọ Cha Micae Nguyễn Đình Lành (80 tuổi) và thất tuần Cha Bề trên Nguyễn Hoàng Diệp (70 tuổi). Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp có dịp sống lại những tâm tình tôn giáo đặc biệt của ngày nào, nhờ những buổi giảng, những giờ chầu đông đúc sốt sắng. Bốn vị Thừa sai DCCT từ Sài Gòn (trong đó có Cha Bề trên Giám tỉnh Cao Đình Trị) ra Huế hướng dẫn Tuần đại phúc. Có thể nói đây là Tuần đại phúc đặc biệt, được tổ chức sau năm 1975.

Năm 1994, Cha Lê Viết Phục (gốc Trí Bưu, Quảng Trị) từ Đà Lạt lại trở về nhà Dòng Huế. Mặc dầu đã hơn 60 tuổi, ngài vẫn rất năng nổ, đem lại cho Giáo xứ sức sống mới qua những sinh hoạt tinh thần và bác ái xã hội. Chẳng hạn Cha đã xin vài ân nhân nước ngoài một số tiền và đã đặt làm 17 chiếc xe xích lô (50 triệu đồng) để phát cho giáo dân. Người được cấp có nhiệm vụ hoàn lại vốn dần dà để những người khác cũng được cấp như mình. Cha còn sắm một projecteur (máy chiếu) với màn hình khoảng 100 inches và hàng tuần phục vụ phim đạo cho Giáo xứ. Cha lại mở nhóm Thomas, kêu gọi những giáo viên, sinh viên Giáo xứ tham gia vào việc dạy các lớp bồi dưỡng, phụ đạo nhằm nâng cao trình độ văn hóa cho con em trong họ đạo. Ngoài ra Cha còn cấp học bổng cho những em gia đình nghèo hiếu học. Và từ năm 1995, mỗi ngày, các phòng ốc của Giáo xứ tiếp gần 100 sinh viên, đa số không Công giáo đến học trong yên tịnh.

Cũng vì lòng mến Đức Mẹ, thời vị Bề trên-Quản xứ Phêrô Nguyễn Quang Duy (2011-2019), quần thể Nhà thờ và nhà Dòng biến thành nơi nghỉ chân cho những ai hành hương Thánh địa La Vang. Nhà mục vụ và đón khách hành hương tạm trú được khánh thành năm 2011. Nhiều giáo dân trong Giáo xứ phục vụ ẩm thực cho họ một cách chu đáo, tận tình. Sân Nhà thờ từ đó luôn thấy bóng dáng những chiếc xe ca đủ loại. Tinh thần hiếu khách này làm nên một nét đặc biệt của Giáo xứ, mặc dù giáo dân sống vất vả bằng đủ mọi ngành nghề: buôn bán, dạy học, làm nón, lái ôtô, chạy xích lô, đạp xe thồ… Cũng dưới thời Cha Duy, đài Thánh Giuse được xây dựng và khánh thành ngày 13-03-2013. Tiếp đó là trùng tu toàn diện ngôi Nhà thờ 50 tuổi, từ tháp đến mái, từ tường đến sân, từ hàng rào đến hệ thống điện (hoàn tất ngày 27-07-2013).

Nay thì bên cạnh một Cha Quản xứ (Giuse Đinh Tiến Đức) và nhiều Cha phó trẻ trung năng động, Giáo xứ hiện có một Hội đồng Giáo xứ cũng tương đối trẻ, nhiệt thành, đầy sáng kiến và chịu khó hợp tác với các Cha để lo việc Chúa. Một vị trong Hội đồng đã tâm sự và xem đó như phương châm hành động: Cha tạm thời, Giáo xứ vạn đại!

Bên cạnh HĐGX, các hội đoàn cũng cộng tác tích cực với Cha Quản xứ để sinh hoạt và làm cho Giáo xứ sống động hơn. Đặc biệt, các hội đoàn cũng góp phần không nhỏ trong công cuộc truyền giáo. Đó là giới gia trưởng, giới hiền mẫu, giới gia đình trung niên, gia đình trẻ, giới trẻ, ban giáo lý, ban lễ sinh, ca đoàn, âm công, trật tự, Dòng ba Cát minh, Phan sinh, Legio Mariae, Tông đồ Thánh Linh, Vinhsơn, Nicola, Hồn nhỏ, Nhóm hội thảo truyền giáo.

Hiện tại, Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Huế đang kính giữ hài cốt thánh Tử đạo Giuse Lê Đăng Thị, đặt ở trong phòng thánh cùng với tượng thờ. Khám thờ không lớn nhưng đủ vẻ tôn nghiêm. Đặt dưới Thánh hiệu Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, có Đức Mẹ làm bổn mạng, có thánh Giuse Lê Đăng Thị phù trì, Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp có lý do để trở thành vạn đại.

Giáo xứ hiện có một trang Facebook để thông tin và liên lạc trong lẫn ngoài Giáo xứ, phong phú và hấp dẫn, ở địa chỉ: https://www.facebook.com/gxducmehangcuugiuphue 

4- Tách hai Giáo họ thành Giáo sở mới (2020)

Ngày 06-11-2020, tại Linh địa La Vang, sau cuộc Tĩnh tâm Thường niên của Linh mục đoàn Giáo phận Huế, Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh đã quyết định tách hai Giáo họ Văn Dương và Thanh Dạ (xem dưới) thành Giáo sở Văn Dương và bổ nhiệm Cha Phaolô Nguyễn Tuyên (gốc Nước Ngọt), đang là phó xứ Trí Bưu, làm Quản sở tiên khởi.  

Chiều ngày 25-03-2021 (lễ Truyền tin, bổn mạng Giáo xứ Văn Dương), đích thân Cha Tổng Đại diện Antôn Dương Quỳnh đã đưa Cha Phaolô Nguyễn Tuyên về nhận xứ, có sự hiện diện của Cha Quản hạt Thành phố Antôn Nguyễn Văn Thăng, Cha Bề trên Dòng Chúa Cứu Thế Giuse Đinh Tiến Đức và vị nguyên Phụ trách 2 Giáo họ là Cha Giuse Phạm Đình Toàn, trong niềm vui của mọi giáo dân Giáo sở mới.

Bên trong Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp

III. CÁC LINH MỤC QUẢN XỨ

Stt Tên thánh – Họ và tên Thời gian Ghi chú
01 Antôn Nguyễn Đức Tuyên 1954 – 1956  
02 Phanxicô Xaviê Trần Văn Hưng 1956 – 1961  
03 Phanxicô Xaviê Trần Tử Nhãn 1961 – 1964  
04 Phanxicô Xaviê Trần Văn Hưng 1964 – 1967  
05 Lôrensô Vũ Văn Phát 1967 – 1968  
06 Christ Lê Huy Bảng 1968 – 1970  
07 Micae Nguyễn Đình Lành 1970 – 1972  
08 Đôminicô Đỗ Văn Thừa 1972 – 1974  
09 Micae Nguyễn Đình Lành 1974 – 1990  
10 Phêrô Nguyễn Hoàng Diệp 1990 – 1999  
11 Giuse Lê Viết Phục 1999 – 2005  
12 Gioakim Hồ Quang Tâm 2005 – 2006 Qua đời 7-2006 vì tai nạn
13 Giuse Lê Viết Phục

Giuse Nguyễn Quốc Việt

2006 – 2008 Phó Bề trên.

Xử lý thường vụ

14 GB. Nguyễn Minh Sang 2008 – 2011  
15 Phêrô Nguyễn Quang Duy 2011 – 2019  
16 Giuse Đinh Tiến Đức Từ 31-03-2019  

IV. HOA TRÁI ĐỨC TIN

Dù mới tồn tại 66 năm (1954-2020), Giáo xứ vẫn có hoa trái đức tin vô cùng phong phú (chánh quán, sinh quán và trú quán):      

1. Linh mục

Stt Tên thánh – Họ và tên Sinh/Chịuchức Giáo phận-Dòng Phục vụ
01 Têphanô Lê Công Mỹ 1942 – 1971 Gp. Phan Thiết Hưu dưỡng
02 Phabianô Lê Văn Hào …… – 1972 Don Bosco  
03 Phêrô Nguyễn Hữu Giải 1941 – 1972 Gp. Huế Hưu dưỡng
04 Giêrađô Lê Văn Hòa 1948 – 1993 Chúa Cứu Thế  
05 Gioakim Hồ Quang Tâm 1950 – 1994 Chúa Cứu Thế + 2006
06 P. Xaviê Nguyễn Hữu Hòa 1952 – 1994 Chúa Cứu Thế  
07 Phalô Ngô Thanh Sơn 1952 – 1994 Gp. Huế Hưu dưỡng
08 Phêrô Trần Ngọc Anh 1956 – 1995 Gp.Ban Mê Thuột  
09 P. Xaviê Trần Phương 1956 – 1996 Gp. Huế + 2018
10 P. Xaviê Hoàng Minh Đức 1965 – 1998 Chúa Cứu Thế  
11 Giuse Hồ Đắc Tâm 1961 – 2000 Chúa Cứu Thế  
12 GB. Dương Quang Đức 1958 – 2000 Hoa Kỳ  
13 Antôn Nguyễn Trần Tuấn 1966 – 2000 Chúa Cứu Thế  
14 Phaolô Đặng Văn Nam 1960 – 2001 Gp. Huế An Truyền
15 Phêrô Võ Xuân Tiến 1972 – 2001 Gp. Huế Giáo sư ĐCV
16 Bênêđictô Lê Quang Viên 1967 – 2001 Gp. Huế Trí Bưu
17 Phaolô Nguyễn Văn Châu 1963 – 2001 Chúa Cứu Thế  
18 Giuse Trần Đức Diễn 1971 – 2002 Gp. Huế Thần Phù
19 P. Xaviê Nguyễn Đức Hòa 1975 – 2002 Gp. Huế MEP
20 Don Bosco Dương Quang Niệm 1952 – 2003 Gp. Huế Dưỡng Mong
21 Matthêu Mai Nguyên Vũ Thạch 1972 – 2004 Gp. Huế Diêm Tụ
22 Micae Đinh Minh Hùng …… – 2008 Maryknoll  
23 Antôn Lê Văn Thắng 1975 – 2010 Gp. Huế Hương Lâm
24 Giuse Trần Văn Duy 1981 – 2015 Gp. Huế Mục vụ tại Pháp
25 Antôn Hồ Đắc Dũng 1985 – 2018 Gp. Huế Tu hội Xuân Bích
26 Phêrô Lê Văn Trung …… – 2018 Don Bosco  

2. Nam nữ tu sĩ

a/ Nam tu sĩ

Stt Tên thánh – Họ và tên Khấn dòng Dòng Phục vụ
01 Batôlômêô Huỳnh Viết Hiển 1959 Chúa Cứu Thế  
02 Đôminicô Nguyễn Hữu Tâm 2017 Học viện DCCT  

b/ Nữ tu sĩ

Stt Tên thánh – Họ và tên Khấn dòng Dòng Phục vụ
01 Catarina Dương Thị Thu Trang 1988 Mến Thánh Giá  
02 Têrêxa Nguyễn Thị Tường Vy 1991 //     //  
03 M. Goretti Võ Thị Sương 1993 //     //  
04 M. Goretti Nguyễn Thị Ngọc Lan 1993 //     //  
05 Maria Phan Phước Phượng Hoàng 2000 //     //  
06 Catarina Nguyễn Thị Xoan 1989 CĐM Đi Viếng  
07 Casimia Trần Thị Hải 1933 Phaolô Chartres  
08 Maria Trương Thị Hưởng 1943 //     //  
09 Maria Đặng Thị Tình 1966 //     //  
10 Magarita Lê Thị Kim Tuyến 1994 //     //  
11 Maria Trương Thị Hải Yến 2000 //     //  
12 Maria Đặng Thị Thanh 1960 Nữ tử BA. V.Sơn  
13       Nguyễn Thị Hiến 1961 //     //  
14 Thécla Đoàn Thi Vương 1962 //     //  
15 Anê Nguyễn Thị Quý 1962 CĐM Vô Nhiễm  
16 Monica Trương Thị Hoàng Oanh 1990 //     //  
17 Rôsa Nguyễn Thị Thu Bích 1992 //     //  
18 Ysave Trương Thị Diễm Lê 1921 //     //  
19 Xêxilia Trương Thụy Thùy Trâm 2007 //     //  
20 Uxula Lê Thị Thanh Dung 2011 //     //  
21 Têrêxa Lê Thị Hoài Nhi   //     // Tập sinh
22 Têrêxa Đặng Thị Hồng Linh 2008 Đa Minh  
23 Ysave Trương Thị Minh Thi   Phaolô Ch. HN Tập sinh

c/ Tu hội đời

Stt Tên thánh – Họ và Tên Tuyên khấn Tu hội Phục vụ
01 Matta Trần Thị Thành 1994 (vk) Nữ TTCG  
02 Têrêxa Nguyễn Thị Mỹ Dung 2012 (vk) //    //  
03 Anna Trương Thị Dược 2010 (vk) //    //  
04 Maria Nguyễn Thị Hồng 2011 (vk) //    //  
05 Têrêxa Trương Thị Thanh Thúy 1980 Tr. giáo TTCG  
06 Luxia Nguyễn Thị Ngọc Diệp 1986 //     //  
07 Maria Hồ Thị Tuyết Thanh 1987 //     //  
08 Maria Trần Thị Mỹ Nương 1994 Trợ tá Tông đồ  

3. Giáo dân

– Năm 2010     :           2120 người

– Năm 2015     :           2351 người

– Năm 2020     :           2268 người

**************************************************

GIÁO HỌ VĂN DƯƠNG

1. Vị trí địa lý

Giáo họ Văn Dương (Vân Dương) nằm trên địa bàn phường An Đông, thành phố Huế, cách Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp khoảng 2km5 về hướng Đông Đông Bắc. Nhà thờ ở kiệt 90 đường Tôn Thất Cảnh. Tọa độ: 16.4722  107.6177

2. Nguồn gốc hình thành và quá trình phát triển

Gốc tích ra đời của Giáo họ nầy không được rõ ràng. Chỉ biết rằng: tháng 08-1867, Đức Cha Joseph Sohier (Bình 1862-1878), sau khi hỏi ý kiến các Linh mục, đã ra Thông cáo biết các Giáo sở và Giáo xứ trong Giáo phận. Bấy giờ mới hay có Giáo họ Văn Dương, vốn cùng với 4 Giáo họ khác: Cự Lại, Đồng Di, Mà Á, Sư Lỗ[5] đều trực thuộc Giáo sở An Truyền với vị Quản sở tiên khởi là Cha GB. Nguyễn Văn Mộ (1867-1874).

Như thế, giáo dân Văn Dương có thể đã biết đạo dưới thời vua Tự Đức (1847-1883). Đây cũng là một giai đoạn khó khăn đối với đức tin do các vụ bách hại 1857, vụ Phân sáp 1861-1862. Trong bối cảnh đó, người Văn Dương đã đón nhận Tin Mừng một cách can đảm. Thời kỳ “Phân sáp”, chắc giáo dân Văn Dương cũng bị giam giữ cùng một nơi với giáo dân An Truyền tại Cồn Hến.

Như thế, tính đến lúc này, Giáo họ Văn Dương ít ra cũng đã có bề dài lịch sử 156 năm (1864-2020). Sau bao nhiêu biến cố thăng trầm, chiến tranh loạn lạc, họ Văn Dương vẫn còn tồn tại.

Bà Thượng thơ Ngô Đình Khả là người gốc Văn Dương. Cụ Khả là một tông đồ giáo dân tích cực đã cùng Đức Cha Antoine Caspar Lộc, Cha Eugène Allys Lý lập ban truyền giáo. Gia đình nầy đã có công rất lớn trong việc cộng tác với Đấng Bản quyền để mở đạo. Đặc biệt, bà Thượng thơ đã tạo điều kiện để cụ Khả làm việc tông đồ, đã cùng cụ ông nên thánh với công việc thường nhật.

3. Các Mục tử phụ trách

 Vì là Giáo họ trực thuộc Giáo sở An Truyền, nên Văn Dương hẳn được các vị Quản sở ở đấy coi sóc (xem Lược sử An Truyền), mà vị cuối cùng trước năm 1975 là Cha Phaolô Nguyễn Thanh Tiếp (Quản sở An Truyền từ 1971 đến 1995). Từ sau biến cố 1975, Cha Micae Nguyễn Đình Lành (DCCT) cùng với các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Huế phụ trách mục vụ tại đó.

Hàng tuần, Cha sở họ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp về Văn Dương dâng lễ vào chiều Chúa nhật và tối thứ Năm. Vì không có Nhà thờ, Nhà nguyện (do chiến tranh, từ năm 1968, toàn bộ Nhà nguyện bị sụp đổ, chỉ còn một kèo sắt với vài ba tấm tôn), Cha dâng lễ nơi mái hiên nhà che rộng ra của một giáo hữu.

Thể theo nguyện vọng của Giáo họ, và để các sinh hoạt tôn giáo, các lễ nghi phụng tự được thuận lợi hơn, năm 2009 các Cha Dòng Chúa Cứu Thế đã khởi công xây dựng ngôi Nhà nguyện mới ngay trên phần đất của Nhà nguyện cũ. Công việc được giao cho Cha Giuse Nguyễn Quốc Việt. Sau gần một năm xây dựng, Nhà nguyện mới đã hoàn thành và được Đức Tổng Giám mục P.X Lê Văn Hồng chủ lễ khánh thành vào ngày 17-04-2010.

4. Sinh hoạt của Giáo họ

Từ khi có Nhà nguyện mới, các sinh hoạt tôn giáo ở Giáo họ cũng trở nên có quy củ: Mỗi tuần có 2 Thánh lễ: một vào lúc 19g15 tối thứ Năm, và một vào lúc 8g sáng Chúa nhật. Cha Bề trên Chánh xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đã đặt một Linh mục phụ trách Giáo họ, đó là Cha Đôminicô Phan Văn Dũng.

5. Hoa trái đức tin:

Thánh Tử đạo: Gioan Đoạn Trinh Hoan (1798-1836-1861), sinh tại Kim Long

Linh mục tử đạo: Gioan Đoạn Trinh Khoan (1829-1863-1885), gọi thánh Hoan bằng chú ruột.

Nữ tu: Isave Trần Thị Sa, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.

Giáo dân: 26 gia đình, 88 người. (2020)

Hy vọng rằng, cùng với Giáo xứ mẹ (ĐMHCG), Giáo họ Văn Dương ngày càng kiên vững trong đức tin và phát triển hơn nữa hạt giống Tin Mừng đã được gieo trên mảnh đất thân thương nầy.

6. Tách thành Giáo sở mới (2020)

Ngày 06-11-2020, Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh đã quyết định tách hai Giáo họ Văn Dương và Thanh Dạ thành Giáo sở Văn Dương và bổ nhiệm Cha Phaolô Nguyễn Tuyên (gốc Nước Ngọt), đang là phó xứ Trí Bưu, làm Quản sở tiên khởi.  

Cha tân Quản sở đã đến nhận nhiệm vụ chiều ngày 25-03-2021 (lễ Truyền tin, bổn mạng Giáo xứ Văn Dương), trong niềm hân hoan phấn khởi của mọi giáo dân Giáo sở mới.

***********************************

GIÁO HỌ THANH DẠ

Nhà nguyện Giáo họ Thanh Dạ

1- Vị trí địa lý

Giáo họ Thanh Dạ, nằm ở phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, thành phố Huế, cách Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp khoảng hơn 4km theo đường chim bay về hướng Đông Nam. Nhà thờ ở số 88 đường Phùng Lưu, tọa độ: 16.4340  107.6142

2- Nguồn gốc hình thành và quá trình phát triển

Năm 1908, Cha Eugène Allys, Quản xứ Phủ Cam, được tấn phong Giám mục nhưng vẫn còn coi sóc họ đạo. Hai năm sau, có một toán dân làng Thanh Thủy (tên mới của làng Thanh Toàn, nay thuộc xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế, cách thành phố Huế khoảng 8 km về phía Đông Nam), đến gặp Đức Cha xin nhập đạo, đồng thời cậy nhờ ngài giúp họ được lập một ấp mới để ở, kẻo bị làng Thanh Thủy ức hiếp. Đứng đầu là ông bát Tứ và ông câu Qui, đã đem đến gần 200 người lớn bé già trẻ. Đức Cha bằng lòng nhận cho theo đạo, còn việc lập làng mới thì ngài thấy là khó nhưng cũng đã cố gắng giúp họ bằng cách nhờ viên công sứ Pháp và các quan An Nam yêu cầu làng Thanh Thủy nhượng cho họ 300 mẫu đất núi, gần Ngự Bình, còn ruộng khoảng 10 mẫu. Nhờ lời cầu nguyện cũng như uy tín của Đức Cha trước triều đình và chính phủ bảo hộ, đám dân Thanh Thủy tòng giáo cuối cùng đã được nhượng đất. Họ dời nhà đến lập ấp ở khu vực mới, lấy tên là Thanh Dạ, có lý trưởng, mộc triện riêng, hết còn lệ thuộc làng Thanh Thủy.

Đức Cha bèn cho 2 Cha phó của mình là Phaolô Nguyễn Văn Huồn và Mátthêu Nguyễn Thanh Bạch về dạy đạo. Sau một thời gian thì đã tổ chức lễ rửa tội cho hết thảy, thành lập một Giáo họ mới lấy cùng tên là Thanh Dạ, trực thuộc Giáo xứ Thần Phù. [6]

Ngày 16-8-1933, Cha Giuse Trần Văn Trang, Đấng sáng lập Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng (1924), về làm Quản xứ Thần Phù, chăm lo phần rỗi cho giáo dân trong Giáo xứ và các Giáo họ.

Cha đang dự tính xây một Nhà nguyện cho Thanh Dạ, thì may sao có một giáo dân Phủ Cam tên là Phaolô Nguyễn Văn Diêu (thường gọi là Bát Diêu), anh ông Nguyễn Văn Nghi (thường gọi là Hội Nghi), cúng một số tiền gần 500 đồng (rất to thời ấy) để làm Nhà nguyện.

Nhưng Cha Trang lại muốn có trên 1.000 đồng để xây nơi thờ tự cho tươm tất. Ngài bèn khấn với Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, đồng thời còn hứa rằng nếu được toại nguyện, sẽ dâng ngôi Nhà nguyện Thanh Dạ để kính Thánh nữ. Cha lại còn viết thư sang Mẹ Bề trên Dòng Kín  Lisieux bên Pháp (quê hương Thánh nữ) xin giúp thêm tài chánh. Mẹ Bề trên trả lời là chỉ có thể giúp bằng cách tới mộ Thánh Têrêxa cầu ngài “mưa hoa hồng tiền bạc” cho Cha thôi. Mà thật vậy, chỉ trong vòng mấy tháng, Cha đã kiếm đủ tiền, làm xong Nhà thờ tại vùng đồi núi Thanh Dạ. Cha Chính Arsène Lemasle (Giám mục tương lai) đến khánh thành năm 1936. Tuy Nhà thờ chẳng lớn, song kiểu cách xinh đẹp, trang nghiêm sáng sủa, xứng nơi thờ phượng, có tượng Thánh Têrêxa đứng bên trong, nhìn xuống cả thành phố Huế, đất Thần Kinh để chuyển cầu phù hộ.

Đồng thời Cha Trang cũng nhờ Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng đến Thanh Dạ giúp mục vụ. Quý chị phục vụ cho tới năm 1975.

Sau biến cố tháng 4 năm này, chỉ còn Nhà nguyện trong tình trạng xập xệ và vài gia đình gốc Công giáo, sinh hoạt tại Giáo xứ ĐMHCG. Bởi thế, Cha sở Thần Phù kế nhiệm đã nhờ Dòng Chúa Cứu Thế giúp. Các Cha đến dâng lễ cùng với nhóm Tông đồ Đức Maria (Đạo binh Đức Mẹ).

Từ từ Nhà thờ được tu sửa (xem hình). Có thánh lễ mỗi tuần một lần. Nhiều tín hữu lưu cư làm ăn (chủ yếu là nhân công xây dựng) từ Hà Tĩnh và cư ngụ gần đó cũng tham gia phụng vụ với bà con Giáo họ (vốn chỉ khoảng 12 gia đình), khiến có sự sum vầy đông vui một chút.

Các sinh hoạt đạo đức theo kiểu cách một xóm trong Gx ĐMHCG. Các lễ lớn và ngày bổn mạng Giáo họ (Thánh Têrêxa Hài Đồng Giê-su) đều có Thánh lễ. Tháng 5 có làm việc kính Đức Mẹ trước đài Đức Me vừa được xây dựng khang trang bên phải Nhà nguyện.

Nhà nguyện tuy nhỏ nhưng đẹp mắt và ấm cúng, ở cửa có 2 câu đối tiếng Việt khá hay nói về Đức Mẹ (hay về Thánh Têrêxa Hài Đồng): Giữa bùn mà rạng ngọc. Trong gai vẫn thơm hoa.

Tháng 5-2017, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng đã xin các Cha Dòng Chúa Cứu Thế, Quản xứ Thanh Dạ, được rước tượng Thánh nữ về Nhà mẹ của Hội dòng, nhưng giáo dân Thanh Dạ sùng kính ngài quá và cũng để ghi nhớ công ơn Cha Giuse Trần Văn Trang nên chẳng cho rước đi !!!

– – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – –

 [1] Nhà sinh hoạt này hai tầng, mái cao, bên trong có bậc thang để ngồi, có khoảng trống để đánh bóng chuyền bóng rổ. Có thể nói đây là trung tâm văn hóa duy nhất tại Cố đô Huế lúc bấy giờ. Ngoài nhà Dòng và Giáo xứ, các trường trung học và tiểu học Công giáo ở Giáo phận Huế thời ấy cũng thường mượn nhà L’Accueil nầy để làm văn nghệ và phát thưởng cuối niên khóa. Vào khoảng năm 1960, nó biến thành xưởng cưa gỗ, đóng ghế ngồi, bàn quỳ cho Nhà thờ vốn bắt đầu được xây dựng. Riêng phòng trệt có cửa lớn nhìn ra đường Nguyễn Huệ thì làm nhà sách Gió Lành, bán ấn phẩm và tượng ảnh đạo. Đến năm 1975, L’Accueil vẫn còn được sử dụng như nhà máy xẻ gỗ, do nhà nước quản lý. Hiện nó và thư viện được Ty thể dục thể thao Huế dùng làm nơi thi đấu các môn thể thao, cũng như để dạy võ thuật.

[2] Đặc điểm của thánh đường là không có cột. Trừ các đòn tay và rui ở mái, toàn bộ làm bằng xi-măng cốt thép hoặc đá xanh. Tháp hình bát giác với 4 quả chuông (nặng 1,5 tấn) được điều khiển bằng hệ thống điện tự động. Hai bên cánh Nhà thờ là hai hành lang, mỗi hành lang dài 26m, rộng 4,2m. Hai hiên rộng này có thể làm lối rước kiệu khi thời tiết xấu. Với kiến trúc cửa rộng, Nhà thờ rất thoáng khí; và khi đông người dự lễ, nếu có ngồi ngoài hiên, người ta cũng vẫn cảm nhận mình đang trong Nhà thờ. Cung thánh sâu 8,5m, bàn thờ chính giữa làm từ đá cẩm thạch được khai thác từ Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) với kích thước 3,6 x 1,2 x 0,29m. Cạnh đó có 2 bàn thờ nhỏ cũng làm bằng loại đá quý này.

[3] Thuở ấy, vùng đất này còn hoang sơ, nên việc tìm một chỗ làm nhà cũng dễ dàng, không ai tranh giành và chính quyền cũng thông cảm. Sau năm 1975, lại có một đợt di dân mới, góp mặt vào Giáo xứ. Đến khoảng năm 1994, Cha Bề trên Micae Nguyễn Đình Lành, vì thương con chiên bổn đạo khó khăn, đã cho một số gia đình tới ở ngay trên phần đất trong khuôn viên nhà Dòng, dọc đường Nguyễn Khuyến, quanh nhà chơi và trước Đệ tử viện cũ.

[4] Cư xá này, gồm nhà và đất, có diện tích 1672m2, vào tháng 6-2003, đã bị nhà nước tịch thu để xây một trung tâm nha khoa, sau đó biến thành một viện chữa trị mắt.

[5] Theo khảo sát năm 2013, Đồng Di (xã Phú Hồ, huyện Phú Vang) và Mà Á không còn giáo dân nào. Sư Lỗ từng là một Giáo xứ lớn (xem lược sử Giáo xứ Lương Văn và Thần Phù) nay chỉ còn 4 gia đình, với một nhà nguyện nhỏ. Cự Lại đã thành Giáo xứ chính. Vân Dương (quê hương của Thánh Linh mục Gioan Đoạn Trinh Hoan, tử đạo (1798-1861), nay là Giáo họ thuộc Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.

[6] Lưu Dấu Tình Cha, quyển 2, tr.377-380 (x. báo Nam Kỳ Địa Phận, 1937, tr. 726-727.733-736)

– – – – – – – – – – – – – – – – – – –

Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.

Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.