TẬP SÁCH
HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG
TRẦN QUANG CHU (Biên soạn)
*****************
CHƯƠNG MƯỜI MỘT
HÀNH HƯƠNG LA VANG THỜI ĐỨC GIÁM MỤC LEMASLE LỄ
A. GIỚI THIỆU ĐỨC GIÁM MỤC FRANÇOIS ARSÈNE JEAN MARIE EUGÈNE LEMASLE LỄ(1)
Trong không khí tưng bừng đón mừng xuân Bính Tý và kiệu Minh niên 1937, ngày 29 tháng Chạp, Địa phận Huế nhận được tin vui: Tòa Thánh sắc phong cha Tổng đại diện Lemasle Lễ làm Giám mục Đại diện Tông tòa Địa phận Huế. Kiệu Minh niên Bính Tý đặc biệt cầu nguyện cho vị tân Giám mục.
Sau tết, Địa phận Huế chuẩn bị mừng lễ tấn phong Giám mục Đức cha Lemasle Lễ vào ngày 27-5-1937.
Đức cha François Arsène Jean Marie Eugène Lemasle Lễ sinh ngày 19-12-1874 tại Servon, hải hạt Manche, Pháp. Gia nhập Hội Thừa sai Paris và được thụ phong linh mục tại Chủng viện Thừa sai Paris ngày 26-6-1898. Một tháng sau, ngày 27-7-1898, ngài cùng hai cha khác, Morineau và Guichard, đáp tàu đi Việt Nam. Cả ba vị cùng đến Huế ngày 2-9-1898. Do khí hậu khắc nghiệt, chưa hợp thủy thổ nên ngài ngã bệnh, Đức cha Caspar Lộc đưa ngài qua Hồng Kông chữa bệnh gần một năm mới về.
Trước khi được bổ nhiệm Giám mục, ngài đã lần lượt giữ các chức vụ: Giáo sư Tiểu Chủng viện An Ninh, giáo sư Đại Chủng viện Phú Xuân, cha sở Trí Bưu kiêm quản hạt Dinh Cát, cha sở Phanxicô kiêm tuyên úy Bệnh viện Huế, kiêm tuyên úy trường Jeanne d’Arc. Từ năm 1931 giữ chức Tổng đại diện Địa phận Huế.
ĐỨC CHA LEMASLE LỄ
(Ảnh tư liệu của Lê Ngọc Bích)
Năm 1933, sau khi về Pháp giải phẫu thận trở về, nhân trường Providence Thiên Hựu khai giảng khóa đầu tiên, ngài được cử làm Giám đốc, đồng thời vẫn giữ chức Tổng đại diện.
Với những công lao ấy, cộng với lòng nhiệt thành thánh thiện, ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm Giám mục Đại diện Tông tòa lãnh đạo Địa phận Huế. Lễ tấn phong tại nhà thờ Phủ Cam ngày 27-5-1937 do Đức cha Gouin, Giám mục Địa phận Lào chủ phong.
Thử thách lớn lao trong đời Giám mục của ngài không gì khác hơn là nạn chiến tranh: Chiến tranh thế giới lần II (1939-1945), Nhật đảo chánh Pháp (1945), chiến tranh Việt Pháp (từ 1946…). Chiến tranh đã cản trở mọi hoài bão, mọi hoạt động của ngài. Vì thế, tuy bề ngoài luôn tỏ vẻ lạc quan, bình tĩnh, nhưng bên trong không dấu được sự đau buồn, nỗi lo âu về một đại họa sắp xảy ra cho Giáo hội Việt Nam, cách riêng cho Địa phận Huế.
Tinh thần căng thẳng, sức khỏe giảm sút, bệnh cũ tái phát… Địa phận tìm cách đưa ngài vào Sài Gòn chữa chạy. Tại đây, bác sĩ cho biết ngài mắc chứng bạch cầu nan y.
Ngày 26-9-1946, Đức cha Lemasle Lễ qua đời tại bệnh viện Angier, hưởng thọ 72 tuổi, 48 năm linh mục, 9 năm Giám mục lãnh đạo Địa phận Huế. Thi hài được an táng tại khu nghĩa trang Lăng Cha Cả, Tân Bình, Sài Gòn. Năm 1983, hài cốt được cải táng đưa về Pháp.
Mặc dù Đức cha Lemasle Lễ là người có biệt tài tổ chức lễ hội, nhưng vì hoàn cảnh chiến tranh, nên trong gần 10 năm lãnh đạo Địa phận Huế, ngài chỉ tổ chức được một kỳ Đại hội La Vang: Đại hội La Vang lần thứ 12. Đó là một kỳ Đại hội thành công rực rỡ, với sự tham dự lần đầu tiên của các đoàn hành hương đến từ ba miền đất nước Bắc Trung Nam. Đặc biệt là sự có mặt của đoàn miền Nam, gồm cả giáo dân và lương dân hai địa phận Sài Gòn và Vĩnh Long, do giáo xứ Tân Định tổ chức, xuất phát từ gare Sài Gòn vào lúc 7 giờ tối ngày thứ hai 15-8-1938.
B. HÀNH HƯƠNG LA VANG THỜI ĐỨC GIÁM MỤC LEMASLE LỄ
ĐẠI HỘI LA VANG 12 (1938)
I. HÀNH HƯƠNG LA VANG TRƯỚC ĐẠI HỘI LA VANG LẦN THỨ 12 (1938)
1. Kiệu Minh niên 1938. “Đi kiệu Minh niên tại La Vang”(2):
“Năm nay cuộc kiệu La Vang ngày đầu năm có vẻ náo nhiệt hơn các năm. Ban mai, ngày mồng ba tết, tại sân nhà gare Huế đã hiện ra cái cảnh sầm uất. Hồi 5 giờ, trời ấm áp, quang cảnh vui vẻ, thiên hạ xô lấn nhau mua giấy xe lửa đi La Vang có đến ba bốn trăm người. Qua 6 giờ, xe khỉ sự bỏ Huế chạy ra Quảng Trị, đến những gare Kim Long, An Hòa, Văn Xá, và các gare lớn đều thấy bổn đạo các nơi càng lên xe lần lần đông đắn hơn. Sở xe lửa không ngờ là ngày kiệu La Vang Minh niên, nên không lo đủ giấy mà bán, và không có toa chở khách. Nhiều người phải đứng hoặc ngồi ở ngoài mái hiên xe, chờ đến Quảng Trị.
Trong xe, tuy người có đạo xen lộn cùng người ngoại, song họ tỏ đức tin vững vàng, hiệp nhau lần hột, làm việc Bảy sự Thương khó Đức Mẹ. Nhờ dịp đi viếng La Vang mà bà con, kẻ quen biết gặp nhau chúc mừng năm mới, chuyện trò vui vẻ hớn hở. Thật phước cho xứ Huế có chốn La Vang, trước là nhờ đó mà mua ích thiêng liêng ngày đầu năm, sau cũng có dịp mua vui gặp đô hội đông đảo kẻ xa người gần, chào hỏi nhau.
Gặp câu chuyện trên xe lửa, thuật lại đây cũng giúp vui, vì có liên hệ Nam Kỳ, Trung Kỳ tương đối nhau. Nghe một ông khách bộ hành hỏi một đấng rằng:
– Thưa ngài, mầng tuổi ngài! Lâu ngày gặp mặt, ngài công việc nhiều sao bỏ nhà mà đi La Vang? Ngài đi cầu nguyện Đức Mẹ La Vang kêu xin cho ai, xin ngài nói cho tôi nghe. Xin ngài cũng cầu nguyện cho tôi với nhé!
Đấng ấy trả lời đơn sơ rằng:
– Phải, tôi cầu nguyện giùm cho ông và cũng cầu nguyện giùm cho những người Nam Kỳ xin tôi cầu nguyện. Có những kẻ thân nghĩa như M. Denis, Père Đức, Hướng, Quận, Cậy, nhà phước Chợ Quán có mấy dì bà con.
Ông khách kia liền hô lên rằng:
– Tôi không dè người ta đi Huế đi cầu nguyện cho người Nam Kỳ. Hèn gì thiên cơ lại xui Đức cha Tòng Sài Gòn ra phía ngoài, mà nay mai người Huế là cha Thục làm Đức cha Vĩnh Long vô Sài Gòn. Có dây liên lạc Nam Trung với nhau.
Đàm luận trên xe một lúc hơn một giờ xe lửa đã đến Quảng Trị là 7 giờ rưỡi. Thiên hạ xuống xe lên đàng La Vang có gần 500 người. Lại gặp đoàn lũ người ta ở Quảng Trị kéo nhau đi đông đắn. Đáng khen bổn đạo và cũng lấy làm động lòng là thấy con nít đờn bà và nhiều kẻ danh sắc chức quyền có tiền mà cứ thả bộ từ gare Quảng Trị lên đến nhà thờ La Vang là 6 kilomètres. Ở giữa trời ban mai, dầu có xe kéo, xe hơi mời cũng chả thèm. Tôi tưởng đoàn lũ giáo dân dâng sự hãm mình chịu khó đầu năm cho Đức Mẹ để xin Người xuống ơn. Lại thêm điều hãm mình khác là ban mai ở Huế trời tốt, mà vừa đến Quảng Trị lại có mưa bấc, ướt át mà người ta cũng cứ chịu khó đi bộ mạnh mẽ cho đến chốn La Vang. Đoàn lũ ở Huế đến nơi thì thấy nhà thờ trong ngoài đã chật vì đoàn lũ bổn đạo các họ tại Quảng Trị có việc bổn phận đội ngũ đi hầu kiệu đã phải đến trước. Trong buổi ấy, nhờ cha sở La Vang Reyne Phú lo liệu thì bổn đạo Huế cũng chen lấn vào nhà thờ đặng, và cũng nhờ cha mà xưng tội chịu lễ đặng.
8 giờ rưỡi, Đức cha thân hành làm lễ hát Pontifical. Có cha Tin (Tađêô Nguyễn Văn Tin, cha sở Bố Liêu), cha Sanh (Phaolô Trần Văn Sanh, cha sở Phước Môn) làm thầy Năm, thầy Sáu, cha Tuyến (Phaolô Lê Quang Tuyến, cha sở Phương Gia) làm prêtre assistant, cha Thắng (GB Trương Đình Thắng, cha sở Linh Yên) làm thầy lễ nhạc, còn học trò trong họ Cổ Vưu giúp lễ và hát lễ.
Các cha quỳ trên cung thánh xem lễ độ gần 40 đấng. Khi hát Evang xong thì có cha Kinh (Giacôbê Nguyễn Linh Kinh, cha sở Đại lộc) lên tòa giảng, giảng bài hùng hồn về ‘Quyền phép Đức Bà’. Cha trưng tích truyện Evang và việc xảy ra xưa nay, Đức Mẹ hằng ban ơn cho thiên hạ. Lại cũng kể một hai tích người ta đặng ơn bởi chốn La Vang. Xin cho ai nấy hiệp một lòng một ý với nhau mà cầu cho nước Annam đặng thái bình, cho kẻ ngoại giáo đặng trở lại thêm số kẻ thờ phượng Chúa. Lại an ủi ai nấy lo phần rỗi mình: Những kẻ có mặt năm ngoái đến La Vang mà năm nay đi về kiếp khác, có kẻ không ăn năn trở lại mà đi hỏa ngục, những kẻ tính mê nết xấu cũng nên hồi tâm lại mà lo cải dữ về lành. Xin Đức Mẹ cầu cho chúng con khi này và trong giờ lâm tử.
Cha giảng sốt sắng, mạnh mẽ, tiếng nói to lớn ai cũng đều nghe rõ. Giảng xong kế tiếp theo làm lễ đến cùng. Cha sở thấy trời bớt mưa thì truyền đi kiệu. Có cha già Đông (Phanxicô Salêdiô Trần Văn Đông, cha sở Nhất Tây) làm chính sự đốc đoàn kiệu. Thiên hạ kéo nhau hàng tư, hàng tám đi theo hầu kiệu đông đắn sốt sắng, đi chung quanh nhà thờ. Khi được nửa đàng thì mưa xán xuống. Kiệu về đến nhà thờ thì hát Te Deum, đoạn Đức cha Lemasle ban Phép lành Mình Thánh Chúa. Trong buổi phép lành ban hát trỗi nhiều bài du dương động lòng.
Xong mọi sự là 11 giờ. Ai nấy lo ra lót lòng, ai lo lấy nấy, trừ các cha và Đức cha thì có cha sở lo riêng.
Mọi người ra về mà lòng còn riu ríu Đức Mẹ. Xin dâng năm mới cho Đức Mẹ để Ngài xuống ơn cho mình sở nguyện, đặng sống đến tết sang năm lại đến lần nữa. Các người ở Huế lo xuống gare kịp xe lửa một giờ rưỡi chiều mà vào Huế. Còn đoàn lũ bổn đạo Quảng Trị thì thả bộ mà về họ mình”.
2. Nhân dịp mừng lễ tấn phong Giám mục Đức cha Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục, “Đoàn giáo hữu Nam Kỳ đi viếng La Vang”(3):
Ngày thứ năm 5-5-1938
“Đã tới Huế thì lẽ nào mà không ra La Vang kính viếng Đức Mẹ. Ấy là sự lòng ai nấy đều ao ước, cho nên đã định trước, sáng ngày thứ năm thì các cha và giáo hữu lên xe ôtô mà ra viếng cung thánh La Vang là chỗ nổi danh bấy lâu, Đức Mẹ khấng ngự chốn ấy mà ban ơn giáng phước cho con nhà giáo hữu khắp tam kỳ vô vàn vô số, nên đã xin cha Josept Trang, linh mục Huế đi theo đoàn viếng. Ngài cũng đã chịu khó mà làm lễ tại cung thánh La Vang cho giáo hữu xem, trót cả trăm người. Đang buổi lễ thì các cha và giáo hữu hiệp nhau mà hát các kinh trong mùa lễ, ai nấy cũng bắt cảm động. Đoàn giáo hữu chúng tôi lấy làm cám ơn cha Josept Trang trong bữa ấy.
Tới La Vang ai mà không tỏ lòng hớn hở vui mừng vì được dịp tốt viếng thăm Mẹ lành để than thở khẩn cầu cùng Người điều kia chuyện nọ, kẻ hái lá người nhổ cỏ, bẻ cây để đem về làm dấu tích.
Viếng La Vang xong ai nấy lo từ giã Đức Mẹ mà lui gót. Giáo hữu thì lo lên xe trở về Huế, còn các cha đi qua xem sở Phước Môn là chốn cụ Quận công Nguyễn Hữu Bài đã khai lập. Chỗ này có nhà thờ, có cha sở và nhà nuôi trẻ mồ côi cũng đông. Ở đây các dì phước cũng lãnh con nít kẻ ngoại cho rửa tội nhiều.
Tới Phước Môn thì các cha lên viếng lăng mộ cụ Quận công Phước Môn Nguyễn Hữu Bài. Lăng cụ xây trên một gò nổng cao ráo, giữa khoảnh đất rộng lớn, kề bên thì có mả con trai cụ chết bên Tây mới đem về chôn hồi mấy tháng trước. Bấy giờ các cha hiệp nhau mà hát Libera cầu cho linh hồn cụ là một đấng ân nhân về phần đạo cả ba kỳ.
Trưa ấy cụ bà Nguyễn Hữu Bài đãi các đấng dùng cơm tại sở đồn điền của bà. Bà tiếp đãi các đấng một cách niềm nở, chu đáo.
Cơm trưa tại Phước Môn rồi thì các cha lại qua viếng dòng Phước Sơn. Tới nhà dòng, cha bề trên tiếp rước các đấng tử tế và dẫn các cha đi xem các sở trong dòng. Đoạn các cha từ giã cha bề trên Phước Sơn mà về Huế.
Tối ấy Đức cha Lemasle đãi các Đức cha và các cha đại biểu 12 địa phận Đông Pháp đi dự lễ phong chức dùng tiệc tại dinh ngài. Khi gần mãn tiệc thì có cha Garcia, dòng thánh Đôminicô Địa phận Thái Bình đứng dậy chúc mừng Đức cha Ngô Đình Thục, mà bởi lời ngài nói có duyên làm cho ai nấy vui cười vỡ lở. Ngài bèn ngồi xuống thì Đức Khâm sứ lại chọc cho ngài đứng dậy nói nữa, các đấng càng cười hơn. Ngài ngồi xuống thì các Đức cha lại khích cho ngài đứng lên nói nữa, ba bốn lượt như thế, các đấng cười rộ.
Thật là một bữa tiệc sum vầy vui vẻ, cột dây thân ái thêm bền chặt giữa hàng giáo sĩ Bắc Trung Nam”.
Ngày thứ sáu 6-5-1938
“6 giờ sáng ngày 6-5-1938, các cha và bổn đạo Nam Kỳ ra xe lửa đặng về Sài Gòn thì bổn thân Đức cha Ngô ĐìnhThục và anh em ngài đưa ra gare xe lửa. Rủi bữa ấy xe trễ tới một giờ rưỡi, ai nấy xin ngài trở về làm lễ, vì ngài chưa làm lễ, song Đức cha không chịu, ngài một nán lại cho đến khi xe lửa chạy khuất dạng thì mới chịu trở về. Cái cử chỉ ấy làm cho mọi người rất cảm động.
Sau hết, hàng linh mục Nam Kỳ chúng tôi đi dự lễ phong chức xin kính lời cám ơn cụ bà Nguyễn Hữu Bài, vì trong mấy ngày ở Huế bà đã tận tình lo cho các đấng một cách chu đáo hết mọi sự. Nguyện xin Chúa xuống phước lành cho bà và quý quyến đời này và đời sau.
Lại chúng tôi và đoàn giáo hữu Nam Kỳ hết lòng trân trọng cám ơn đến ngài Đức Giám mục Vĩnh Long và dâng tấm lòng mến yêu chí thiết. Nguyện xin Chúa ban ơn cho Đức cha đặng vĩnh viễn miên trường, đầy dẫy thánh sủng hầu cầm lái con thuyền Địa phận Vĩnh Long vững vàng, ngõ cho muôn vàn linh hồn người ngoại giáo được vào ràn chiên Chúa.
Sau nữa cũng cám ơn cụ bà sanh mẫu ngài và hai cụ lớn Ngô Đình khôi, Ngô Đình Diệm cùng bà con trong quý phủ đã tận tình lo lắng cho chúng tôi được mọi sự thỏa tình phỉ chí, ân sâu Đức Thầy và quý ngài chúng tôi khôngbiết bao giờ trả đặng. Nguyện xin Chúa tuôn muôn ơn phước lành xuống cho bửu quyến của ngài đời này và đời sau vô cùng”.
3. Những tâm tình trước Đại hội La Vang lần thứ 12 (1938)
a/ Từ các giáo phận
Nhận được thư mời, các Đức Giám mục các giáo phận toàn cõi Đông Dương đều nhiệt liệt hưởng ứng, thông báo đến các giáo xứ để giáo dân biết ngày giờ thu xếp đi tham dự. Đồng thời, nếu các Đức Giám mục không đi được thì cử phái đoàn đại diện, hoặc gởi điện tín chào mừng Đại hội…
Đây, bức điện tín của Đức cha Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn, Giám mục Bùi Chu, gởi Đức cha Lemasle Lễ(4):
“Monseigneur Lemasle, La Vang,
Avec chère Mission Huế, Bùi Chu et son Evêque unissent leur joie, prières et louanges devant Notre Dame de La Vang” (Một lòng một ý cùng Địa phận Huế, Địa phận và Giám mục Bùi Chu hiệp sự vui mừng, lời cầu nguyện và câu chúc tụng dâng lên trước tòa Đức Mẹ La Vang).
b/ Từ người hành hương lương giáo
Đại hội La Vang vào thập niên 30 của thế kỷ XX đã trở thành một ngày hội lớn của Công giáo Việt Nam nói riêng và lương giáo Đông Dương nói chung. Trước kiệu ai nấy bồi hồi, nôn nao, mong ngóng. Sau kiệu mọi người nuối tiếc, nhớ thương… Tác giả JL đã ghi lại tâm tình của những người chuẩn bị tham dự Đại hội 12 qua bài: “Vì sao tôi đi kiệu La Vang?”(5):
+ “Vì sao tôi đi kiệu La Vang?”:
“… Người đầu tiên tôi gặp là một ông chức dịch miền thôn dã. Người còn trẻ, bộ râu Nhật Bản lún phún ở môi trên. Người ta biết ông ở bộ áo Môi Khôi(6) và chùm ảnh gần chục cái đang đu đưa trên bộ ngực phốp pháp. Người ta còn biết ông ở lòng nhân từ, rộng rãi với người nghèo khó nữa.
Ông trả lời câu hỏi của tôi bằng một câu hỏi ngược lại:
– Thầy hỏi tôi đi kiệu để làm gì ư?
Rồi chẳng để tôi nhắc lại, ông nhìn qua bức ảnh ‘Nhà thờ ĐCB La Vang’ treo ở trên vách nói một mình:
– Tôi đi kiệu… Tôi đi kiệu hội chỉ là một sự thường. Gia thế này, ruộng vườn này và sức khỏe của cả nhà tôi, từ con cho chí cha, đến vợ, mọi sự đều nhờ ơn Đức Mẹ cả. Cách 7 năm trước đây nhà tôi bị cháy sạch, xây qua ông thân sinh mất, rồi anh em sinh sự kiện cáo nhau. Thật rối như tơ vò! Thế mà từ ngày tôi ra khấn Đức Mẹ La Vang mọi sự đều qua cả. Vợ tôi lại còn sinh luôn 3 cháu…
– Số người ở đây đi kiệu nhiều ít? Tôi hỏi.
– Cái ấy, ở họ đã có đội ngũ gần 50 người, song đi riêng cũng bằng ba như thế nữa. Có nhiều người cả ngày chằm nón đâu được giác tư, vừa đủ cơm hai bữa thế mà cũng dành dụm ngày 1 xu làm lộ phí đi La Vang. Thấy thế, mấy người như tôi gom góp một ít tiền cho con họ đi kiệu. Thế há chẳng ích hơn là ăn hàng ăn quà vặt phải không thầy?”.
+ Trên chuyến tàu hỏa
“… … …
– Tui cũng rứa. Bữa trước con tui đau, chạy đủ thầy đủ thuốc, nghe thầy mô hay cũng đi xin phái mà cháu cứ đau hoài. Sau nghe họ méc Đức Bà ngoài La Vang linh lắm, tôi cũng đi ra ngoài nớ hái nhúm lá rồi xin các ông Tây bận áo đen dài làm phép hẳn hoi, đem về nấu cho cháu uống. Chỉ một lần bệnh đã thuyên ngay. Bữa ni cháu sương (gánh) đồ nặng được rồi.
– Chỗ nớ linh lạ tề! Linh hơn mô hết mà không tốn kém chi cả. Bữa trước tôi đau bại nằm một xó, ông Khóa Đồng cũng chạy, ông Tôn Sung cũng chạy, rứa mà uống một chai nước La Vang liền mạnh ngay. Rứa mà thằng Tô, con mụ Ký Sê nói ở Tây có chỗ Luốc, Lùng chi đó linh hơn nữa tề!
– Ở mô hay nấy. Tui tưởng chỗ ni không có mô linh bằng hết. Mà qua tháng Bảy ở ngoài nớ kiệu to lắm tề. Tui định sắm sửa cho nhà tui đi. Uổng quá, tui không đi được. Rứa mấy bà có tính đi không?
– Tui với nhà tui đi!
– Tui đi, mấy cháu đi!
– Tui cũng đi!”.
+ Đức Mẹ sẽ nhậm lời chúng tôi
“Anh Phong, bạn thân tôi, một vị giáo sư, một nhà báo, là cháu đích tôn của một đại gia đình sùng Nho. Anh rất ước ao trở lại đạo thánh, song còn nhiều trở ngại lớn lao.
– Anh đi La Vang chứ?
– Vâng, tôi sẽ đi. Đúng hơn, chúng tôi sẽ đi. Thầy tôi đau nên mẹ tôi và Như Lan, vợ tôi, cũng sẽ đi để xin Đức Mẹ cho bệnh thầy tôi thuyên giảm. Nếu được toại nguyện, thầy mẹ tôi sẽ cho tôi và Như Lan tòng giáo ngay. Tôi biết thế nào Đức Mẹ cũng sẽ nhậm lời chúng tôi. Anh nhớ cầu nguyện cho tôi với nhé.
Anh nói mấy câu sau này với một sự tự tin chắc chắn, gương mặt phớt điểm nét vui mừng thiêng liêng đến đỗi tôi cũng cảm thấy mừng lây và tưởng chừng như thấy thân sinh anh vùng chỗm dậy và cho phép hai con chịu phép Rửa tội trong một thánh đường sáng láng đẹp đẽ.
– Nhớ cầu nguyện cho tôi với nhé!
– Vâng, anh Phong ạ! Anh có quyền và hy vọng lắm. Tất cả mọi người, hai, ba, bốn, năm vạn người cùng hoàn cảnh tương tự như anh”.
+ Đi La Vang cầu khẩn Mẹ lành
“Ai trong chúng ta lại chẳng có một hoài vọng ước ao? Một điều thiếu thốn? Một sự khó khăn? Ai trong chúng ta là hoàn toàn được thỏa mãn? Ai trong chúng ta lại chẳng có một chút sầu tư? Đau đớn? Trở ngại?
Tôi có thể quả quyết mà không sợ lầm rằng mọi phàm nhân đều nuôi một hoài bão, như Bossuet đã nói: ‘Souffet que je vous interroge en vérité et en conséquence: Avez-vous tout ce que vous demandez? N’avez vous aucune prétention en ce monde?’ (Tôi xin hỏi ai nấy và xin ai nấy cứ hỏi lòng mình mà trả lời cho thật: Ở đời ta không mong ước gì sao? Mọi điều ta ước muốn ta đã toại nguyện hết được chưa?).
Ai có thể cầu cho ta bằng Mẹ Chúa Trời? Ai có tình yêu ta, muốn sự tốt sự lành cho ta bằng người Mẹ chí thánh, nhân hậu?
Ta hãy xin ơn riêng cho ta. Ta hãy xin cho được mùa được màng. Ta hãy xin cho bớt bệnh bớt hoạn. Ta hãy xin cho gia đình bình yên. Ta hãy xin ơn chung cho hoàn cầu. Ta hãy xin cho nước Việt Nam được thái bình, thịnh vượng. Và hãy xin cho nhiều người trở lại đạo Chúa.
Bởi lẽ đó, chúng tôi sẽ đi La Vang!
Ở La Vang có một Người Mẹ đang gọi mời chúng tôi. Ai trong chúng ta là người có thể giả điếc làm ngơ trước lời mời gọi tha thiết của Người Mẹ nhơn lành, hiền hậu?
(Còn tiếp)
—————————————————–
(1) Lê Ngọc Bích: Nhân vật Giáo phận Huế. Lưu hành nội bộ. Tập II. 2000, tr.251-256 + Tư liệu Tòa TGM Huế.
(2) J. Huế (cha Giuse Trang): Đi kiệu Minh niên tại La Vang. Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 1492, ngày 17-2-1938, tr.95-97.
(3) J. Huỳnh Công: Đoàn giáo hữu Nam Kỳđi viếng La Vang. Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 1505, ngày 19-5-1938, tr.307-308.
(4) Tb. Vì Chúa. Số 93, ngày 26-8-1938, tr.1.
(5) JL: Vì sao tôi đi kiệu La Vang?Tb. Vì Chúa. Số 91, ngày 5-8-1938, tr.3.
(6) Môi Khôi hay Mai Khôi = Mân Côi.
=> Tài liệu dạng Word, xin nhấn vào đây để tải Tập 2 – Chương 11 – Phần I về máy tính