Tập sách Hành Hương Đức Mẹ La Vang – Tập 3 – Chương 15 – Phần 1

25/01/2021

TẬP SÁCH

HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG

TRẦN QUANG CHU (Biên soạn)

*****************

TẬP 3

CHƯƠNG MƯỜI LĂM

THÁNH ĐỊA LA VANG

THỜI ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC PHÊRÔ MÁCTINÔ NGÔ ĐÌNH THỤC

A. GIỚI THIỆU ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC PHÊRÔ MÁCTINÔ NGÔ ĐÌNH THỤC(1).

Đức Tổng Giám mục Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục sinh ngày 6-10-1897 tại giáo xứ Phủ Cam, thuộc làng Phước Quả, tổng Cư Chánh, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên(2). Nguyên quán làng Đại Phong, tổng Đại Phong, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình.

1904-1908: Học sinh trường Pellerin – Huế.

1909-1917: Vào TCV An Ninh – Quảng Trị.

1917-1919: Lên ĐCV Phú Xuân – Huế.

1919-1927: Du học trường Truyền giáo Rôma, đậu ba bằng Tiến sĩ: Triết học, Thần học và Giáo luật. Tại đây, ngày 20-12-1925 ngài được thụ phong linh mục.

1927-1929: Qua Pháp học ở trường Institut Catholique de Paris, đỗ Cử nhân Văn chương Pháp.

1929: Trở về Địa phận Huế, lần lượt giữ các chức vụ: Giáo sư dòng Thánh Tâm, Giáo sư Đại Chủng viện Phú Xuân, Giám đốc trường Thiên Hựu, Chủ nhiệm báo Sacerdos Indosinensis…

ĐỨC TGMPHÊRÔ MÁCTINÔ NGÔ ĐÌNH THỤC

(Ảnh: Internet)

Năm 1938, Toà Thánh thành lập Giáo phận Vĩnh Long, bổ nhiệm linh mục Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục làm Giám mục hiệu tòa Saesinensi lãnh đạo tân Giáo phận Vĩnh Long.

Năm 1960, Toà Thánh thiết lập hàng Giáo phẩm Việt Nam với ba Tổng Giáo phận: Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Đức cha Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục được bổ nhiệm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế.

Với thời gian ngắn ngủi non 3 năm (1961, 1962, 1963), Đức Tổng Giám mục Phêrô Máctinô đã thực hiện nhiều công trình vĩ đại: Xây mới nhà thờ Chính toà Phủ Cam (dang dở); trùng tu Toà Tổng Giám mục và Nhà Chung; trùng tu Đại Chủng viện Phú Xuân – thành lập Liên Đại Chủng viện Xuân Bích – Huế, mời các cha Hội Saint Sulpice giảng dạy, thành lập Tiểu Chủng viện Hoan Thiện; hiệp nhất Dòng Mến Thánh Giá…Đặc biệt hơn cả là với Thánh địa La Vang:

– Theo đề nghị của ngài, Hội đồng Giám mục Miền Nam đã chấp thuận La Vang là Trung tâm Thánh Mẫu toàn quốc.

– Theo kiến nghị của ngài, Toà Thánh đã nâng tước hiệu Đền thờ La Vang lên bậc Tiểu Vương Cung Thánh Đường.

– Dốc hết sức lực để xây dựng Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang trở nên một nơi xứng đáng của sự tôn sùng Thánh Mẫu, thành trì của sự cầu nguyện và đền tạ toàn quốc, là tấm bia hùng vĩ lưu truyền cho con cháu mai sau.

Mặc dù vì thời cuộc, công việc kiến thiết nhà Mẹ phải dở dang, và tiếp đến, chiến tranh tàn phá gần hết, nhưng hình ảnh một La Vang đầu thập niên 60, thế kỷ XX, của Đức Tổng Phêrô Máctinô sẽ mãi mãi là tấm bia hùng vĩ lưu truyền trong lòng mọi người dân lương giáo toàn quốc.

Trước biến cố 1-11-1963, lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm, theo lời khuyến cáo của Đức Khâm Sứ Asta, Đức Tổng Phêrô Máctinô bay sang Rôma dự họp Công đồng Vaticanô II, và sau đó, do tình thế không thuận lợi ngài đã không thể trở về việt Nam.

Ngày 26-8-1968, nhận thấy không còn cơ hội trở về Việt Nam, Đức cha P.M. Ngô Đình Thục xin từ chức Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế. Thay thế ngài, Đức Giám quản Philipphê Nguyễn Kim Điền chính thức trở thành Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế.

Từ năm 1976, do khủng hoảng tinh thần, Đức Tổng Phêrô Máctinô đã theo Giám mục Lefèbvre lập phong trào “Giáo Hội La Mã Chính Thống” (Orthodox Roman Catholic Movement = ORCM), chống lại Giáo hội Rôma và bị Toà Thánh ra vạ tuyệt thông.

Nhưng ơn Mẹ La Vang đã dẫn dắt ngài ra khỏi cuộc khủng hoảng, hoà giải với Giáo hội và trở về với cộng đồng Công giáo người Việt Nam tại Hoa Kỳ năm 1984.

Tháng 8-1984, bốn tháng trước khi qua đời Đức Tổng Phêrô Máctinô đã đến chủ toạ đại lễ ngày Thánh Mẫu ở Carthage. Trước lễ, ngài nói (có lẽ là lời nói cuối cùng với cộng đoàn giáo dân người Việt):

“Từ 20 năm nay tôi chưa hề thấy người Việt đông như thế này. Nay Mẹ đưa tôi về đây gặp anh chị em lần sau hết. Xin phú thác anh chị em và cũng là đại diện cho dân Việt Nam trong Thánh Tâm Mẹ. Xin mọi người cầu nguyện cho tôi được chết lành”(3).

Ngày 13-12-1984, Đức Tổng ra đi bình an trong Chúa, hưởng thọ 87 tuổi. Thi hài được an táng tại nghĩa trang Resurrection Cemetary, Springfield, Missouri, Orléans. USA.

B. KIẾN THIẾT TRUNG TÂM THÁNH MẪU TOÀN QUỐC LA VANG.

I. NHẬN THỨC NHIỆM VỤ KIẾN THIẾT TRUNG TÂM THÁNH MẪU TOÀN QUỐC LA VANG.

1. Thư chung của Hàng Giáo phẩm Việt Nam gởi các linh mục, tu sĩ nam nữ và anh chị em giáo hữu về việc thi hành lời khấn hứa với Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ.

a/ Thư chung của Hàng Giáo phẩm Việt Nam(4):

NHẬN THỨC NHIỆM VỤ

“Ngày 24 tháng 11 năm 1960, Đức Thánh cha Gioan XXIII đã ban phép thiết lập Phẩm trật Giáo hội trên toàn lãnh thổ Việt Nam, và đã long trọng công bố vào ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội năm ấy.

Sự kiện lịch sử này làm cho mọi người, giáo phẩm cũng như giáo dân, nhận thức nhiệm vụ riêng của mình trong Giáo hội Việt Nam và nhiệm vụ chung của Giáo hội Việt Nam trong đại gia đình Công giáo thế giới, dưới quyền lãnh đạo tối cao của vị Đại diện Thiên Chúa ở trần gian.

Nhiệm vụ của chúng ta là gắng sức củng cố Đức tin đã được thừa hưởng qua bốn thế kỷ truyền giáo, hầu cho Đức tin ngày càng đâm rễ sâu trong tâm hồn và biểu dương bằng việc làm trong mọi phương diện của đời sống cá nhân, gia đình, quốc gia và xã hội.

Mặt khác, chúng ta phải truyền bá Đức tin không những giữa đồng bào ta, mà còn cho hết mọi người Chúa Cứu Thế muốn nhờ chúng ta chinh phục về cho Người.

Làm tròn nhiệm vụ cao cả ấy trong hoàn cảnh thái bình thuận tiện còn khó khăn thay, huống hồ trong tình trạng đất nước bị chia đôi, đang gặp nhiều trở ngại như hoàn cảnh của tổ quốc chúng ta ngày nay…

DÂNG HIẾN GIÁO HỘI VÀ TỔ QUỐC VIỆT NAM CHO TRÁI TIM VÔ NHIỄM ĐỨC MẸ.

“Chính vì nhận thức nhiệm vụ nặng nề của mình trong hoàn cảnh hiện thời của đất nước, và thể theo nguyện vọng của toàn dân Công giáo, nên sau khi Toà Thánh thiết lập Phẩm trật Giáo hội tại Việt Nam, các Đức Tổng Giám mục và Giám mục, trong phiên họp bất thường ngày 18 tháng 12 năm 1960, với một lòng tin tưởng vô biên đối với Đức Mẹ, đã đồng thanh quyết định xác nhận lại việc dâng hiến Giáo hội và Tổ quốc Việt Nam cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ.

Cuộc dâng hiến này đã được cử hành long trọng tại nhà thờ Chính toà Sài Gòn, chiều ngày 18 tháng 12 năm 1960, trong buổi lễ Tạ ơn lịch sử”.

Ý NGHĨA VÀ TINH THẦN CỦA SỰ DÂNG HIẾN

“Sự dâng hiến của chúng ta có nghĩa là chúng ta long trọng tuyên bố lòng tin tưởng tuyệt đối của chúng ta đối với lòng yêu thương không bờ bến của Đức Mẹ.

Đức Mẹ đã nhiều lần cứu vãn Giáo hội và các dân tộc. Chúng ta công khai đặt để vào trong tay quyền phép Đức Mẹ tiền đồ của Giáo hội và vận mệnh của Tổ quốc. Ta thành khẩn cầu xin Đức Mẹ bảo tồn Giáo hội Việt Nam và thống nhất giang sơn trong tự do và hoà bình.

Sự dâng hiến của chúng ta cũng có nghĩa là chúng ta cương quyết tôn trọng lời đã thề hứa ngày chịu Phép Rửa tội, đặt quyền lợi của Chúa và Giáo hội lên trên tất cả, sống một đời sống hoàn toàn ăn khớp với tinh thần Phúc Âm và trở thành những chiến sĩ của công cuộc truyền giáo.

Sự dâng hiến của chúng ta còn có nghĩa là chúng ta sẵn sàng đáp lại lời thiết tha kêu gọi của Đức Mẹ khi Người hiện ra tại Lộ Đức, tại Fatima và các nơi khác. Đức Mẹ kêu gọi phải hy sinh, đền tội. Tất cả mọi thảm hoạ của thế giới đều do tội lỗi mà ra. Ta muốn Đức Mẹ cứu vãn Giáo hội và ban tự do, hoà bình cho Tổ quốc thì trước hết phải hy sinh đền tội, đền tội của bản thân và đền tội của xã hội.

Chính trong tinh thần ấy mà năm 1942 Đức Thánh cha Piô XII đã dâng hiến Giáo hội Công giáo và thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ. Cũng trong tinh thần ấy, sự dâng hiến của chúng ta thế nào cũng đẹp lòng Đức Mẹ và thế nào Đức Mẹ cũng nhậm lời chúng ta”.

THI HÀNH LỜI KHẤN HỨA.

“Để lưu truyền cho các thế hệ sau này ơn che chở đặc biệt của Đức Mẹ, toàn thể Giáo hội Việt Nam đã khấn hứa sẽ góp công, góp của thực hiện một công trình dâng kính trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ.

Chúng ta không chờ đến ngày đất nước được thực sự hoà bình và thống nhất mới khởi sự thi hành lời khấn hứa nói trên. Một khi toàn dân, dưới sự hướng dẫn của Hàng Giáo phẩm, đã đặt tất cả lòng tin tưởng vào Đức Mẹ thì chúng ta phải tin chắc Đức Mẹ sẽ nhậm lời chúng ta, vì ‘xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ xin bầu chữa cứu giúp mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhậm lời’.

Vì thế, các Đức Tổng Giám mục và Giám mục, thể theo nguyện vọng của toàn thể giáo sĩ và giáo hữu, đã quyết định thi hành ngay từ bây giờ lời khấn hứa cùng Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ”.

TRUNG TÂM THÁNH MẪU TOÀN QUỐC.

“Trên lãnh thổ Việt Nam, không nơi nào có thể tiêu biểu lòng tin cậy và tôn sùng của toàn dân Công giáo đối với Đức Mẹ cho bằng La Vang.

Vì thế, trong phiên họp bất thường ngày 13 tháng 4 năm 1961 tại Huế, Đức Tổng Giám mục Huế đã có nhã ý đặt Thánh đường La Vang dưới quyền sử dụng chung của Giáo hội Việt Nam. Các Đức Tổng Giám mục và Giám mục đã hoan hỷ tiếp nhận và đồng thanh quyết định thiết lập tại La Vang một Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc, đồng thời chấp thuận một chương trình mở rộng địa điểm Thánh đường La Vang khả dĩ xứng đáng với Giáo hội Việt Nam trong giai đoạn mới.

Về phương diện địa dư, La Vang gần thị xã Quảng Trị, ở vào trung độ nước Việt Nam, tính từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau.

Về phương diện lịch sử, La Vang là nơi, theo lời truyền tụng, Đức Mẹ đã hiện ra với giáo hữu trong thời kỳ Hội Thánh bị bách hại.

La Vang là nơi, từ ngày gót chân Mẹ đạp đến, Đức Mẹ đã thi thố biết bao ơn phần hồn, phần xác cho con cái Bắc Trung Nam”.

CHƯƠNG TRÌNH ĐẠI CƯƠNG MỞ RỘNG THÁNH ĐỊA LA VANG.

“Hiện nay tại La Vang đã có một thánh đường rộng lớn mới được trùng tu. Đức Tổng Giám Mục Huế đã khẩn cầu Toà Thánh tôn thánh đường này lên hàng Vương Cung Thánh Đường. Hy vọng một ngày gần đây Toà Thánh sẽ vui lòng chấp thuận.

Bên cạnh thánh đường, một ngôi nhà lầu đã được xây cất, có thể làm nơi ăn chốn ở cho một trăm linh mục trong các dịp lễ lớn.

Các công tác mới cần phải thực hiện gồm có:

+ Một bàn thờ chính gọi là bàn thờ dâng hiến Giáo hội và Tổ quốc Việt Nam cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ và ba bàn thờ phụ dâng kính các Chân phước Tử Đạo Việt Nam tại ba miền Bắc Trung Nam. Đá cẩm thạch của Ngũ Hành Sơn dùng làm bàn thờ tượng trưng non nước Việt Nam.

+ Một quảng trường rộng lớn, ở giữa có Lễ đài theo kiểu đàn Nam Giao. Quảng trường này sẽ dùng vào những ngày Đại hội.

+ Tiếp theo các công tác trên đang được xúc tiến và sẽ hoàn thành trong một thời gian ngắn, các Đức Tổng Giám mục và Giám mục đã định xây cất trong địa điểm Thánh đường La Vang một ngôi nhà lớn cho anh chị em giáo hữu thập phương về kính viếng Đức Mẹ, dự các kỳ tĩnh tâm và tham gia việc chầu Mình Thánh Chúa thường xuyên.

+ Đồng thời cơ sở của một tu viện sẽ được thiết lập tại đây. Các linh mục thuộc tu viện này sẽ chuyên lo tổ chức việc chầu Mình Thánh Chúa đêm ngày trong Thánh đường La Vang và hướng dẫn các tuần tĩnh tâm cho mọi hạng người.

Các Đức Tổng Giám mục và Giám mục khi cùng nhau phác hoạ những công tác này, rất lấy làm an ủi vì biết mình đáp lại lòng mong mỏi của mọi người từ Nam chí Bắc và thiết tha kêu gọi mọi người bất luận là lương hay giáo, kẻ nhiều người ít, góp phần vào công việc trọng đại này.

Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang sẽ là một tấm bia hùng vĩ, nghìn năm lưu truyền cho con cháu chúng ta biết, chúng ta đã kêu đến Đức Mẹ, và Đức Mẹ đã nhậm lời”.

b/ Năm Trái Tim Đức Mẹ.

“Để thực hiện các công tác kể trên và nhất là để phát động lòng tin cậy và tôn sùng đối với Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ, các Đức Tổng Giám mục và Giám mục quyết định dâng một năm gọi là Năm Trái Tim Đức Mẹ.

Năm Trái Tim Đức Mẹ sẽ được khai mạc một ngày sẽ định sau. Và nếu đẹp lòng Đức Mẹ, Đại hội Thánh Mẫu toàn quốc lần thứ hai, sẽ được tổ chức tại Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang để bế mạc Năm Trái Tim Đức Mẹ.

+ Chương trình đại cương Năm Trái Tim Đức Mẹ:

“Mọi người sẽ cố sức học tập và cầu nguyện. Học tập về Trái Tim Đức Mẹ, về các mệnh lệnh của Đức Mẹ tại Fatima, ngõ hầu nhận định sứ mệnh của Đức Mẹ trong giai đoạn hiện tại và để tuyệt đối tin tưởng vào ơn phù hộ đặc biệt của Đức Mẹ. Cầu nguyện riêng, cầu nguyện chung, cầu nguyện cho Giáo hội, cho Tổ quốc. Nên tổ chức các ngày lễ Đức Mẹ một cách đơn giản nhưng sốt sắng. Nên có những giờ thánh, những buổi chầu chung.

Mọi người tự vấn lương tâm mình và nhất quyết cải thiện đời sống. Cải thiện đời sống cá nhân, đời sống gia đình, đời sống chức nghiệp, để đáp lại lời thống thiết kêu mời của Trái Tim Cực Thánh Chúa và Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ. Nhận định nhiệm vụ của mình trong giai đoạn lịch sử của Giáo hội và Tổ quốc, người Công giáo không có quyền sống một đời sống lừng chừng. Các cha sở, các cha Tuyên úy phải tổ chức những tuần tĩnh tâm cho mỗi hạng người.

Mọi người tham gia các cuộc hy sinh đền tội công cộng. Sự hy sinh, đền tội phải đi đôi với lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện của toàn dân đòi hỏi sự hy sinh đền tội tập thể, như ăn chay, như đi bộ, đi chân không đến các thánh đường dâng kính Đức Mẹ…

Để biểu dương ý chí hy sinh, đền tội của toàn dân Công giáo, các Đức Tổng Giám mục và Giám mục thiết tha yêu cầu tất cả các giáo hữu có đủ điều kiện ăn chay mọi ngày thứ bảy đầu tháng.

Mọi người phải ý thức nhiệm vụ Tông đồ. Các họ lớn nhỏ, các hội đoàn Công giáo Tiến hành sẽ nhờ dịp này chỉnh đốn hàng ngũ và đặt nặng tinh thần Tông đồ, khả dĩ trở thành những đoàn thể truyền giáo thật sự. Chúng ta phải quên những lo âu và đau khổ riêng của chúng ta để cố gắng mở mang Nước Chúa, Nước Đức Mẹ thì Chúa và Đức Mẹ sẽ thương đến chúng ta.

Mọi người phải trở thành những chiến sĩ của đức bác ái, Đức Mẹ là Mẹ của tình yêu. Dưới con mắt dịu dàng của Đức Mẹ, chúng ta sẽ cố gắng thủ tiêu mọi mầm móng chia rẽ và hơn nữa, chúng ta sẽ thực hiện sự đoàn kết giữa tất cả các con cái Chúa như lòng Chúa ước ao. Chúng ta cũng sẽ đem tình yêu ấy lại với tất cả mọi người không Công giáo, bằng một chiến dịch tương thân tương ái.

Mặt khác, Năm Trái Tim Đức Mẹ sẽ là dịp tốt để phát huy các phong trào xã hội, bác ái.

Các Đức Tổng Giám mục và Giám mục đặt tin tưởng vào lòng nhiệt thành của các linh mục để, theo chỉ thị của đấng Bản quyền, phổ biến và thực hiện chương trình đại cương này bằng những sáng kiến thích ứng với từng địa phương. Trong mỗi họ cũng như mỗi tu viện, chủng viện và trường học sẽ tổ chức một tuần lễ học tập, cầu nguyện và hy sinh.

Khi các họ trong một địa phận đã thực hiện xong tuần lễ nói trên, nếu có thể được, nên có một Đại hội toàn địa phận kính Trái Tim Đức Mẹ, trước ngày cử hành Đại hội Thánh Mẫu toàn quốc.

Trong những tuần lễ hay Đại hội này, nên giảm bớt những sự long trọng bên ngoài để đặt nặng vấn đề chính yếu là học tập, cầu nguyện và hy sinh thật sự”.

+ Các Ủy ban phụ trách Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc và Năm Trái Tim Đức Mẹ:

“Để thi hành những điều nói trong thư chung này, các Đức Tổng Giám mục và Giám mục đã chỉ định một Ủy ban phụ trách Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc đồng thời có nhiệm vụ đôn đốc việc thực hiện chương trình Năm Trái Tim Đức Mẹ.

Mỗi địa phận sẽ lập một Ủy ban Địa phận và mỗi họ sẽ tùy nghi cử một Ủy ban Họ.

Trước hoàn cảnh của Giáo hội Việt Nam, mọi người sẽ nhận thức rằng thi hành lời khấn hứa cùng Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ theo chương trình đại cương nói trên là cả một cuộc vận động thiêng liêng lịch sử.

Do lòng lân tuất hải hà của Đức Mẹ Maria đối với con cái Việt Nam, do lòng tin tưởng vô biên của con cái Việt Nam đối với Đức Mẹ, chúng ta đoan chắc Giáo hội Việt Nam sẽ thấy một ngày hưng thịnh chưa từng có vàTổ quốc Việt Nam sẽ được thống nhất trong tự do và hoà bình”.

Làm tại ĐàLạt, ngày 8 tháng 8 năm 1961.

Hội đồng Giám mục Việt Nam (Miền Nam)

2. ĐứcTổng Giám Mục Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục – người khởi xướng – và công cuộc kiến thiết Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang.

a/ Công cuộc kiến thiết nhà Mẹ(5):

Trong bài diễn văn chào mừng các giới ngày về nhận toà 12-4-1961, Đức Tổng Giám Mục Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục đã nói: “Trong giây phút này, đứng trước một nhiệm vụ mới, lòng tôi không thể không hướng về La Vang. Đức Mẹ La Vang là Đức Mẹ của tổ tiên, Đức Mẹ La Vang là Đức Mẹ của những ngày đạo thánh bị bách hại, là Đức Mẹ của toàn dân Việt Nam…”.

Ngay hôm sau, 13-4-1961, trong phiên họp bất thường của Hội đồng Giám mục Miền Nam tại Huế, Đức Tổng Giám Mục Phêrô Máctinô đã đề nghị và đã được sự đồng ý của các Đức Tổng Giám mục: La Vang sẽ trở nên đền thờ của lời thề nguyền toàn quốc dâng kính Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ.

Và không chút trì hoãn, Đức Tổng Giám mục Phêrô Máctinô đã bắt tay vào việc kiến thiết Đền thánh Mẹ để có thể mau chóng trở nên một Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc, xứng đáng như lòng mong muốn của mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo hội Việt Nam.

Một mặt, Đức Tổng Giám mục đã mời gọi các nhà chuyên môn giỏi: kỹ sư, kiến trúc sư…Mặt khác, ngài đã kêu gọi, huy động mọi nguồn nhân lực, vật lực có thể có để thực hiện các đề án đã vạch ra.

Nhưng đề án thì to tát, tài chính thì eo hẹp, biết lấy đâu? Đức Tổng Giám mục rất tự tin: “Nếu mỗi người Công giáo trưởng thành trong toàn quốc ủng hộ cho Nhà Mẹ số tiền tương đương một ngày công lao động (=50 đồng) thì lo gì không đủ tiền mà trang trải mọi chi phí…”.

Quả vậy, chỉ trong vòng hai tháng khởi công, với sự hiện diện thúc đẩy của Đức Tổng Giám mục Phêrô Máctinô, công cuộc kiến thiết Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang đang tiến hành tốt đẹp.

Được như thế, ngoài sự tài tình phải nói đến nhiệt tâm của Đức Tổng Giám mục Phêrô Máctinô đối với Đức Mẹ La Vang. Chỉ hơn ba tháng nhận nhiệm vụ lãnh đạo Tổng Giáo phận Huế, người ta đếm được đã có ít nhất 25 lần Đức Tổng có mặt ở La Vang: Có những lần đến để được đón rước trong các kỳ lễ lớn, vào các dịp ban phép Thêm Sức…, có những lần ghé nghỉ đêm sau một ngày vất vả đi kinh lý năm sáu họ đạo miền Dinh Cát, Bái Trời…, nhiều nhất vẫn là những lần ngài đến để hướng dẫn công cuộc kiến thiết nhà Mẹ, động viên người điều hành, đôn đốc kẻ thợ thuyền…

Trong hơn hai năm trời, Đức Tổng Giám mục Phêrô Máctinô cứ đều đặn ra La Vang vài lần mỗi tuần, bất luận mưa nắng. Nhờ thế, công việc kiến thiết Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang diễn ra muôn phần tốt đẹp và bộ mặt La Vang đang thay đổi từng ngày…

Bộ mặt La Vang đang như một công trường rộn rịp: “La Vang rộn rịp với các loại xe móc đất, đổ đất, bang đất để mở các đại lộ. La Vang rộn rịp với từng trăm người bổn đạo nam nữ với cuốc xẻng đào hồ Tịnh Tâm, gánh đất lấp ruộng để kiến thiết đàn Nam Giao tế lễ Chúa Trời… La Vang đang tổ chức những phiên chầu Mình Thánh. La Vang đang lo vẽ bản đồ thiết kế nhà Tĩnh Tâm rước được mỗi lần 100 người đến cấm phòng kín…”.

Nhưng chẳng may, ngày 1-11-1963 xảy ra cuộc đảo chánh lật đổ chế độ của Tổng thống Ngô Đình Diệm, bào đệ Ngài. Bấy giờ Đức Tổng Phêrô Máctinô đang họp Công đồng Vaticanô II tại Rôma đã không thể trở về, mãi mãi không thể trở về Việt Nam. Công cuộc kiến thiết Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang đành chịu dở dang.

b/ Sáng lập Nguyệt san Đức Mẹ La Vang.

Song song với công cuộc kiến thiết Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang, một tờ nguyệt san, với tên gọi Nguyệt san Đức Mẹ La Vang ra đời.

Mục đích của tờ Nguyệt san này, như lời Đức Tổng Giám mục Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục đã viết trong “Mấy lời phi lộ”(6), ngày 20-7-1961:

“La Vang là của chung của toàn thể quốc dân Việt Nam, cả lương lẫn giáo. Quốc dân có quyền đòi hỏi cho biết công việc mỗi ngày xúc tiến thế nào, nên cần ra ít nhất là một Nguyệt san đăng tin sốt dẻo cho thấu các làng mạc về công trình đang thực hiện ở đó.

Đối với Mẹ lành, ông già một trăm tuổi Mẹ cũng âu yếm như trẻ con mới lên hai. Trẻ con không có chi quý dâng biếu Mẹ, một cành hoa, một viên sạn Mẹ cũng nhận. Cành hoa đó, viên sạn đó là Nguyệt san bé mọn này, xin biếu dâng.

Vinh hạnh của chúng tử là được mở miệng ngợi khen Mẹ, xin Mẹ khấng ban cho chúng tử được vinh hạnh ấy: Dignare Me Laudate Te Virgo Sacrata.

Đối với độc giả Nguyệt san Đức Mẹ La Vang chúng tôi không sợ hãi, vì với Nguyệt san này, độc giả không phải là quan đoán như các báo khác. Độc giả là anh em một nhà. Người ở xa nhà cha mẹ (được báo như) được thư kẻ ở nhà cho biết việc trùng tu, cải thiện nhà cha mẹ đã tiến đến đâu rồi, để phụ công giúp của vào việc chung. Ai nấy chỉ có một mục đích duy nhất là làm sao dâng Mẹ một ngôi nhà vừa ý Mẹ… ”.

BÌA Ns.ĐỨC MẸ LA VANG. Số 1. THÁNG 8-1961

Nguyệt san Đức Mẹ La Vang ra đời – Số1, tháng 8 năm 1961 – với thành phần tòa soạn như sau:

Chủ nhiệm:      Cha Giuse Trần Văn Tường.

Chủ bút:          Cha Giuse Nguyễn Văn Trinh.

Thư ký:           Cha Phaolô Nguyễn Kim Bính.

Tổng quản lý:   Ông Phạm Quang Lộc.

Những kỳ gần cuối thời gian đình bản, thành phần toà soạn có sự thay đổi, với cha Phaolô Nguyễn Kim Bính thay cha Giuse Nguyễn Văn Trinh làm chủ bút, ông Khổng Trung Lưu phụ trách biên tập…

Nguyệt san Đức Mẹ La Vang hoạt động liên tục trong 3 năm (1961-1964), mỗi tháng 1 số. Riêng số 7 = 2 tháng (2 và 3-1962). Tổng cộng phát hành được 36 số. Kết thúc vào số 36 (tháng 8-1964). Trong “Lá thư tạm biệt” (số 36) tòa soạn đã viết:

“Trong ba năm qua, kể từ lúc khai sinh cho đến hôm nay, Nguyệt san nhỏ bé này đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ tinh thần và vật chất của quý bạn đọc. Nhưng hôm nay chúng tôi bùi ngùi loan báo sự tạm thời đình bản Nguyệt san này với quý bạn đọc”.

II. KIẾN THIẾT TRUNG TÂM THÁNH MẪU TOÀN QUỐC LA VANG(7).

Thi hành các quyết định của Hội đồng Giám mục Miền Nam, sau hơn 2 năm xây dựng, tính tới biến cố ngày 1-11-1963, công tác kiến thiết Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang bị đình đốn, gồm những công trình đã thực hiện, những công trình dở dang và những công trình chưa thực hiện.

1. Những công trình đã thực hiện:

+Bốn bàn thờ cẩm thạch.

Đá cẩm thạch được lấy từ núi Ngũ Hành Sơn – hay Non Nước – tượng trưng cho non nước Việt Nam.

Bàn thờ chính dâng kính Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ, do tu viện Mến Thánh Giá La Vang dâng cúng, trị giá 55.000 đồng.

Ba bàn thờ phụ dâng kính các Chân phước Tử Đạo Việt Nam Bắc, Trung, Nam. Mỗi bàn thờ trị giá 22.000 đồng. Riêng bàn thờ kính các thánh Tử Đạo miền Trung do con cháu của Chân phước Matthêô Nguyễn Văn Phượng dâng cúng.

BÀN THỜ CHÍNH DÂNG KÍNH ĐỨC MẸ (H1)

BÀN THỜ CÁC CHÂN PHƯỚC TỬ ĐẠO MIỀN NAM (H2)

BÀN THỜ CÁC CHÂN PHƯỚC TỬ ĐẠO MIỀN BẮC (H3)

BÀN THỜ CÁC CHÂN PHƯỚC TỬ ĐẠO MIỀN TRUNG (H4)

(Ảnh 1+2+3+4: Linh địa La Vang)

+ Quảng Trường Mai Khôi (Mân Côi).

Khuôn viên trước đền thờ, diện tích 30x480m, tráng nhựa. Hai bên là mười lăm pho tượng bằng đá cẩm thạch, tạo hình theo kiểu cổ điển, diễn tả Mười lăm Mầu nhiệm Mân Côi.

+ Hai hồ Tịnh tâm.

Đó là hai khoảng ruộng trước đền thờ, rộng 6 ha, đã đào xong, tạo hình theo kiểu hồ Tịnh Tâm Thành Nội Huế. Công trình này được hoàn thành bởi 30.000 ngày công do giáo dân Địa phận Huế tự nguyện.

Theo thiết kế, giữa mỗi hồ có một cù lao nhỏ, một bên xây đài kỷ niệm các Đấng Chân phước Tử Đạo Việt Nam, một bên xây đài kỷ niệm các Đấng Bổn mạng xứ Truyền giáo. Phần này chưa thực hiện.

MỘT TRONG MƯỜI LĂM MẦU NHIỆM MÂN CÔI

(Tác giả: Lê Ngọc Huệ. Ảnh: Ngô Thế Vinh)

+ Linh đài Đức Mẹ.

Là công trình mới lạ, tân kỳ bằng bê tông cốt thép của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Công trình tái tạo lại cảnh quan nơi Đức Mẹ hiện ra, với ba cây đa nhân tạo, cao từ 16,50m đến 21,00m, vươn mình trên một đồi đá hình đa giác, với những bậc thềm to nhỏ, rộng hẹp, cao thấp khác nhau. Chính giữa là bàn thờ bằng đá cẩm thạch nguyên khối, cũng được lấy từ núi Ngũ Hành Sơn – Non Nước, Đà Nẵng. Thánh tượng Đức Mẹ La Vang uy nghi và hiền hậu ngự trên một khối đá cẩm thạch vuông vắn khác.

Đây là bức thánh tượng thứ ba được tôn kính tại La Vang. Thánh tượng mới theo mẫu tượng“Đức Bà Xuống Ơn” hay “Đức Bà Xuống Tuyết”.

LINH ĐÀI ĐỨC MẸ LA VANG 1963,VỚI THÁNH TƯỢNG ĐỨC BÀ XUỐNG ƠN

(Ảnh: Phòng Lưu trữ MEP: https://archives.mepasie/fr)

Mẫu tượng này hoàn toàn khác với hai mẫu tượng cũ do Đức cha Caspar Lộc và cha sở Giuse Tường sắm, theo chủ đề “Đức Bà Chiến Thắng”. Mẫu tượng Đức Bà Xuống Ơn qua nét bút của họa sĩ Phi Hùng, con họa sĩ Nguyễn Khắc Nhân, được in trên bìa Nguyệt san Đức Mẹ La Vang – Số 1, tháng 8-1961. Pho tượng này bị đạn lạc, hư hỏng trong chiến cuộc Mùa Hè Đỏ Lửa 1972. Được cha sở Trí Bưu Tôma Lê Văn Cầu sửa chữa lại, giữ gìn như một kỷ vật của Thánh địa La Vang…

Công trình Linh đài Đức Mẹ “Ba cây đa nhân tạo chỉ mới hoàn thành giai đoạn đúc bêtông cốt thép, còn giai đoạn mỹ thuật chưa bắt đầu thì do những biến cố thời cuộc đành để dở dang.

Ngày nay (năm 2003), sau 40 năm phong sương, ba cây đa nhân tạo đã bắt đầu phủ rêu xanh, tạo dáng tự nhiên, gần gũi với cây đa cổ thụ tương truyền. Một ngày nào đó, có thể vài ba mươi năm nữa, toàn bộ ba cây đa nhân tạo đều bọc rêu xanh, dây leo mọc quanh, chùm gởi bám đầy… dễ có ai đó cho rằng không phải là cây đa truyền thuyết?

+ Nhà Tĩnh tâm.

Ngày 24-4-1962, Đức TGM Huế Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục đã chủ tọa lễ đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng nhà Tĩnh Tâm. Đó là ngôi nhà lầu một tầng bêtông, tường gạch, mái ngói, hình chữ U, ngang l0m, dài 36m, cộng với 2 cánh, mỗi cánh 12m. Nhà Tĩnh Tâm được thiết kế gồm nhiều phòng ngủ cá nhân, phòng ngủ tập thể, một hội trường lớn dành cho các buổi hội họp, thảo luận trong các chương trình cấm phòng, hành hương viếng Mẹ.

Ngoài ra, nhà Tĩnh Tâm còn có phòng đọc sách, phòng giải trí, nhà xe, nhà bếp, nhà ăn có thể cùng lúc phục vụ 500 khẩu phần.

NHÀ TĨNH TÂM

(Ảnh: Linh địa La Vang)

Tháng 10 năm 1963, trong khi chờ đợi quy định của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức TGM Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục đã cho phép tạm sử dụng ngôi nhà Tĩnh Tâm để tổ chức các cuộc cấm phòng tháng và ngài đã bổ nhiệm hai vị linh mục chuyên trách việc tĩnh tâm tại La Vang.

+ Nhà Hành hương hay nhà Đại chúng.

Đối diện nhà Tĩnh Tâm, được xây dựng theo hình dáng và kích thước như nhà Tĩnh Tâm, được dùng làm nơi tạm trú công cộng cho các đoàn thể hoặc cá nhân, nhóm nhỏ hành hương viếng Mẹ.

NHÀ HÀNH HƯƠNG

(Ảnh: Đức Mẹ La Vang 200 năm)

+ Quảng trường Thánh Tâm.

Đã hoàn thành. Tọa lạc ở khu vực phía sau đền thánh. Quảng trường Thánh Tâm với ba phần nội dung rõ rệt:

– Tượng đài Kitô Vua: gồm tượng Thánh Tâm Chúa Giêsu đứng trên quả địa cầu hình bán nguyệt, và một đế hình trụ. Tượng đài cao chừng 5 mét, nổi bật lên giữa cảnh rừng La Vang hoang vu. Dưới chân tượng đài là một bàn thờ bằng đá cẩm thạch.

– Quanh tượng đài là một hoa viên, với đầy đủ hoa cỏ tứ mùa được chăm sóc cẩn thận.

– Trước tượng đài là một hồ nước trong xanh, hình chữ nhật được xây dựng kiên cố. Bờ hồ được kè đá, thành hồ có hàng rào bảo vệ chắc chắn, tăng thêm phần mỹ quan cho Quảng trường Thánh Tâm.

TƯỢNG ĐÀI KITÔ VUA HOANG PHẾ TRONG CHIẾN TRANH

(Ảnh: Nhà Truyền thống La Vang)

+ Hồ Giênêzarét.

Hồ chứa nước không rộng lắm nằm phía sau đền thánh. Có hai cầu vồng bắc qua hồ, mỗi cầu rộng 6 mét, dài 30 mét, nối liền lộ trình đi và về: đền thánh – đồi Calvariô – đền thánh. Đây là lộ trình chính, dài hơn 4 km, dành cho các cuộc kiệu lớn.

+ Đường sá.

Ngoài con đường chính có sẵn nối từ quốc lộ 1A vào đền thánh, Đức TGM Phêrô Máctinô đã cho kiến thiết thêm hai con đường khác song song với con đường chính: “Một đường đi sát đồi mít phía tây, một đường băng qua ruộng phía đông, nối liền con đường từ ga La Vang vào tận lũy tre đền thánh, đã được đắp gần xong, chỉ còn chờ đặt mấy ống nước, đổ đá lên là xe có thể vùn vụt chạy qua để đi vào phía sau đền Mẹ. Từ đây khi đã đắp xong hai con đường hông này, thì con đường chính giữa sẽ không còn là đường cho xe hơi chạy nữa. Xuống xe ở ngoài cổng tam quan, người lữ khách sẽ đi bộ vào đền Mẹ… Khoảng đường 200 thước tây cách đền Mẹ ấy sẽ được nới rộng ra bằng 3 lần con đường hiện tại”(8) (tức là Quảng trường Mai Khôi hay Quảng trường Mân Côi sau này).

+ Điện.

Hệ thống lưới điện tại Trung tâm Thánh Mẫu La Vang đã được cơ quan Quốc gia Trùng tu Điện lực cuộc thiết lập năm 1962. Đây là một hệ thống lưới điện tương đối hoàn chỉnh thời bấy giờ. Ngành điện dự trù đưa công trình vào kế hoạch kinh doanh, nhưng do những khó khăn của ngành điện nên họ đã ký hợp đồng chuyển nhượng lại cho Trung tâm Thánh Mẫu La Vang với thời hạn 5 năm. Trung tâm trả cho ngành điện phí tổn xây dựng gần 5 triệu đồng.

+ Nước.

Một hệ thống dẫn nước sạch gồm thủy tháp, máy bơm, ống dẫn. Một hệ thống khác cũng sắp được đưa vào sử dụng, gồm giếng nước, bơm gió, ống dẫn.

Trước đó, trong gần 60 năm (1903-1961), khách hành hương chỉ biết một nguồn nước duy nhất: Giếng Mẹ! Giếng Mẹ được cha phó Cổ Vưu Giuse Nguyễn Xuân Cảnh cho đào vào năm 1903. Giếng ấy ngày nay vẫn còn. Ngoài việc cung cấp nước sinh hoạt, nước chữa bệnh (thường gọi là nước Đức Mẹ(9)), giếng Mẹ còn là một di tích không thể thiếu tại Thánh địa La Vang.

Cả hai hệ thống cung cấp nước kể trên đã hư hỏng hoàn toàn trong chiến tranh. Nay (2003), mặc dù Giáo phận Huế đã cố gắng cật lực, nhưng nước vẫn là sự “hãm mình” của khách hành hương vào các kỳ Đại hội.

+ Mương, cống.

Theo đồ án, Trung tâm sẽ thực hiện 6 km mương cống thoát nước, nhưng mới được 1/3 công trình, khoảng 2.000m, thì vì thời cuộc phải ngưng.

+ Xây xong nhà vệ sinh công cộng 120 phòng/ 500 phòng dự trù.

+ San ủi mặt bằng, trồng cây tạo cảnh.

  1. Những công trình chưa thực hiện:

+ Xây cổng tam quan.

Sẽ xây cổng tam quan kiên cố, nghệ thuật, làm cổng ra vào công trường Mai Khôi, cổng này cách đền thờ khoảng 500m.

+ Xây Lễ đài.

Một Lễ đài hay Nghinh đài lớn sẽ được xây dựng chính giữa công trường Mai Khôi, trước đền thờ. Lễ đài này vừa là nơi đặt tượng Mầu nhiệm thứ Mười lăm (“Khi Đức Bà lên trời thì Đức Chúa Trời thưởng Người lên tòa cao trọng… và ban mũ triều thiên, cùng phong quyền Nữ Vương cai trị trên trời và phù hộ các giáo hữu dưới đất…”), Đức Mẹ đội mũ triều thiên (Coronatio Marioe in Coelis) ngự trên Lễ đài, vừa là nơi cử hành các thánh lễ long trọng, đông người, như các kỳ Đại hội.

+ Nới rộng đền thờ, nâng cao tháp chuông(10).

Nâng cao tháp chuông đền thờ lên 37m (cũ 25m). Mở rộng nhà thờ theo hai hướng: mở rộng chiều dài 15m; và mở rộng chiều ngang, hai cánh nhà thờ, mỗi bên 5m. Dự án này đang được kiến trúc sư Ngô Viết Thụ nghiên cứu thiết kế, với kinh phí dự trù 300.000 đồng. Dự tính, sau khi hoàn thành công trình này, Thánh Thể sẽ được đặt thường trực, để giáo dân luân phiên chầu ngày đêm, cho đến khi một ngôi thánh đường nhỏ hơn, lộng lẫy hơn được xây dựng, chuyên sử dụng vào việc chầu kính tôn sùng Thánh Thể.

+ Lập dòng chuyên trách Chầu Thánh Thể.

Dự tính xây dựng cơ sở vật chất cho một hội dòng Chầu Thánh Thể sẽ được thành lập tại La Vang. Hội dòng sẽ có nhiệm vụ hướng dẫn tĩnh tâm, chầu Mình Thánh Chúa ngày đêm cho khách hành hương.

Ngày 27-7-1961, trước Đại hội La Vang 15, cha Roserio Monin, thuộc dòng Chầu Thánh Thể đã được bề trên cử đến La Vang để xem xét thành lập tại đây một chi nhánh dòng.

Trước khi rời La Vang, cha Monin hy vọng có thể lập một chi nhánh dòng tại đây”. Nhưng thời gian sau, do những biến cố thời cuộc và chiến tranh đã khiến ý định bề trên không thể thực hiện.

+ Lập dòng Thừa sai tại La Vang(11).

Ngọn đồi phía Tây – một khu đất khoảng 50ha, ngoài phạm vi Trung tâm Thánh Mẫu La Vang sẽ dành một phần để lập dòng Thừa sai cho vùng Đông Nam Á. Từ khi hai xã Hải Phú và Hải Lệ đồng thuận nhượng khu đất đồi cho Đức Mẹ, thì một con đường quanh co bao bọc vùng đồi đã được san lấp xong. Đồng thời lô đất 1.000m2, nơi sẽ xây dựng trụ sở dòng cũng đã được ủi bằng. 30.000 cây xanh các loại (thông Thiên An, dương liễu Mỹ Thủy, hột mát Bái Trời, đào, mít, bạc hà…) đã phủ kín ngọn đồi. Nơi đây, trong tương lai sẽ mọc lên một “Hội Thừa sai Hải ngoại đầu tiên của Việt Nam, để đào tạo các nhà truyền giáo cho các nơi ít linh mục hơn: Lào, Cao Mên, Miến Điện, Thái Lan…

Song song với việc lập dòng Thừa sai Việt Nam, chương trình gởi các nữ tu Việt Nam qua truyền giáo ở quốc gia Lào cũng đã bắt đầu thực hiện: “Hôm nay chúng ta phải hoàn thành sứ mệnh đem Tin Mừng đến cho thế giới. Chúng ta phải cam kết sống vai trò chứng tá tình yêu của Đức Kitô, cộng tác với tất cả anh chị em chúng ta để biến đổi xã hội xứng đáng với phẩm giá con người”(12).

+ Quảng trường Đàn tế Nam Giao.

Sau đền thờ sẽ lập một Đàn tế 200×150 mét theo kiểu Đàn Nam Giao Huế hay Bắc Kinh. Công trường rộng khoảng 6 ha, chia làm 3 lô dành cho 3 giáo tỉnh Việt Nam. Mỗi lô lại chia làm nhiều lô nhỏ theo số địa phận của mỗi giáo tỉnh. Mỗi lô của địa phận có diện tích khoảng 35x25mét, trong đó có thể trồng một cây lớn tượng trưng cho địa phận và độ 40 cây nhỏ tượng trưng cho giáo xứ hoặc đoàn thể trong địa phận. Riêng khu vực trước Đàn tế sẽ trồng 2 cây lớn, một cây tượng trưng cho Giáo hội và một cây tượng trưng cho Tổ quốc Việt Nam. Phương tiện và cách thức trồng thì tùy mỗi địa phận. Những nơi xa không thể đến trồng được thì nhờ cha xứ La Vang thuê người trồng và chăm sóc hộ. Đến những kỳ Đại hội, nơi mỗi cây sẽ treo tấm bảng ghi tên giáo xứ hoặc giáo phận chủ nhân cây ấy(13).

+ Diễn đài(14).

Trong quần thể đàn tế Nam Giao sẽ kiến tạo một Diễn đài có nhiều bậc cấp h́nh bán nguyệt, theo kiểu hí trường La Mã. Đã có bản thiết kế của KTS Ngô Viết Thụ.

+ Thánh Giá trên đỉnh đồi Calvariô.

Trên đỉnh đồi Calvariô sẽ dựng một bàn thờ làm như chiếc đế lớn, cặm một cây thánh giá khổng lồ…

THÁNH GIÁ TẠM TRÊN ĐỈNH ĐỒI CALVARIÔ

(Ảnh: Lê Ngọc Bưu)

+ Mười Bốn Chặng đường Thánh Giá.

Trên con đường lên đỉnh đồi Calvariô sẽ đặt tượng Mười bốn chặng đàng Thánh Giá. Đó sẽ là nơi giáo hữu hành hương chiêm ngắm sự thương khó Chúa Giêsu. Trong khi chờ thực hiện công trình mỹ thuật kiên cố, Trung tâm đã cho dựng tạm 14 cây thánh giá bằng gỗ, theo lòng mong mỏi của khách hành hương.

+ Hồ nhân tạo(15).

Phía tây bắc, một chiếc hồ nhân tạo mới mọc lên, nước không sâu nhưng cũng vừa đủ tạo cho cảnh quan chung màu trong xanh dễ chịu. Chung quanh hồ, một con đường chừng hơn cây số vừa cày ủi xong. Hàng dừa mới trồng, hứa hẹn những ngày hè dừa soi bóng nước. Nơi đây, tương lai sẽ vừa là một thắng cảnh để khách hành hương dạo mát, câu cá, chèo ghe…, vừa là một công trình thủy lợi, cung cấp nước tưới cho đất ruộng thôn Tích Tường. Dự trù một đập nước bằng bê tông cốt thép sẽ đắp qua phía dưới hồ, giữ cho hồ có nước quanh năm.

Ngoài ra, Trung tâm cũng có kế hoạch làm mới, nâng cấp, sửa chữa hệ thống kiều lộ, điện khí, dẫn thủy, vệ sinh và tường rào bảo vệ… Chỉ riêng hệ thống kiều lộ, với ba con đường lớn nối bên ngoài với Trung tâm: đường chính từ quốc lộ 1 vào đền thờ sẽ mở rộng 10m, một đường khác chạy qua thôn La Vang Thượng, dành cho khách đi xe lửa, và con đường thứ ba từ Quảng Trị lên dòng Thừa Sai hơn 10km và hệ thống đường sá nội bộ trong Trung tâm khoảng 20km + 10 cầu lớn nhỏ (đã làm 4 cầu nhỏ), đủ thấy khối lượng công việc của nhà Mẹ lớn lao đến chừng nào!

Ngân sách địa phận eo hẹp, hỗ trợ ngoài địa phận có hạn, công đức trong các kỳ hành hương không nhiều (tiền hòm cúng trong Đại hội 15 được khoảng 2 triệu đồng)… Vì vậy công trình không thể hoàn thành trong một sớm một chiều. Đã thế, biến cố 1-11-1963 xảy ra làm đình đốn kế hoạch kiến thiết Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang.

C. ĐẠI HỘI LA VANG 15 (1961) – LỄ XỨC DẦU ĐỀN THÁNH VÀ ĐÓN NHẬN TƯỚC HIỆU VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG.

QUANG CẢNH ĐẠI HỘI LA VANG 15 (1961)

(Ảnh: Nhà Truyền thống La Vang)

Ngày 9-8-1961 trên làn sóng đài Phát thanh Huế, Đức Tổng Giám mục P.M. Ngô Đình Thục đọc lời hiệu triệu gởi đến mọi thành phần lương giáo, trong ngoài giáo phận tham dự Đại hội La Vang lần thứ 15:

“Ngày 18-12-1960, chính chúng tôi, Giám mục Niên trưởng, đại diện toàn thể Giáo hội Công giáo tại Việt Nam đã long trọng khấn hứa dâng kính Đức Mẹ một Đền thờ làm nơi đặc biệt cầu nguyện và hy sinh, với mục đích xin Đức Mẹ ban ơn thống nhất lãnh thổ trong tình huynh đệ tương thân tương ái.

XE HOA TRONG ĐẠI HỘI LA VANG 15 (1961)

(Ảnh: Nhà Truyền thống La Vang)

Để thực hiện lời khấn hứa nói trên, chúng tôi đã định đến ngày 21 và 22-8-1961 này, nhân dịp Đại hội Hành hương ba năm một lần sẽ long trọng công bố dâng Đền thờ La Vang làm TRUNG TÂM THÁNH MẪU TOÀN QUỐC.

Chúng tôi trân trọng kính mời anh chị em toàn quốc, bất luận tôn giáo, bất phân đảng phái chính trị tham gia cuộc hành hương để kính viếng Đức Mẹ tại Đền thờ của Người, là Đền thờ đã được xây dựng nhờ sự góp công góp của của anh chị em lương giáo Bắc, Trung, Nam”(16).

—————————————————————————————–

(1) Lê Ngọc Bích: Các vị Giám mục một thời đã qua. Lưu hành nội bộ, tr.179.

(2) Nay thuộc phường Phước Vĩnh, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế.

(3)Trúc Long (Lm. Nguyễn Phương): Những ngày tháng cuối cùng của Đức Tổng Giám mục Ngô Đình Thục. Ns. Đất Mẹ, tr.32.

(4) Bán Ns. Tông đồ. Số 286, ngày 1-9-1961, tr. 427-428, 446-447.

(5)Ns. Đức Mẹ La Vang. Số 1, th.8-1961, tr.3-4+16-18.

(6) Ns.Đức Mẹ La Vang. Số 1, th.8. 1961, tr.4.

(7) Ns. Đức Mẹ La Vang. Số 1, th.8-1961, tr.16-17 + Số 9, th.5-1962, tr.62-65 + Lm. Nguyễn Văn Ngọc: Linh đia La Vang,tr.117.

(8) BLB (Bảo Lộc Bính: Lm. Phaolô Nguyễn Kim Bính): Đây, La Vang – Tháng Bảy1961. Ns. Đức Mẹ La Vang. Số 1, th.8-1961, tr.12.

(9)Theo Lm. Stanilaô Nguyễn Văn Ngọc thì “vẫn biết nước giếng này theo sự thường chẳng có sức chữa được các bệnh tật, nhưng bởi lòng tin cậy quyền phép Đức Mẹ La Vang, có nhiều người uống nước ấy mà đặng lành các bệnh tật nguy hiểm (Linh địa La Vang, tr.64).

(10) Ns. Đức Mẹ La Vang. Số 9, th.5-1962, tr.62-63.

(11) Ns. Đức Mẹ La Vang. Số 5, th.12-1962, tr.13 + Số 9, th.5-1962, tr.64-65.

(12) ĐHY PX. Nguyễn Văn Thuận: Sứ điệp Đức Mẹ La Vang, tr.29.

(13)Ns. Đức Mẹ La Vang. Số 1, th.8-1961 + Số 9, th.5-1962, tr.64.

(14)Ns. Đức Mẹ La Vang. Số 9, th.5-1962, tr.64.

(15) Ns. Đức Mẹ La Vang. Số 5, th.12-1962, tr.13-14.

(16) Bán Ns.Tông đồ. Số 286, ngày 1-9-1961, tr.449.

=> Tài liệu dạng Word, xin nhấn vào đây để tải Tập 3 – Chương 15 – Phần 1