Tập sách Hành Hương Đức Mẹ La Vang – Tập 3 – Chương 17 – Phần 2

11/05/2021

TẬP SÁCH

HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG

TRẦN QUANG CHU (Biên soạn)

*****************

TẬP 3

CHƯƠNG MƯỜI BẢY

HÀNH HƯƠNG LA VANG THỜI ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC PHILIPPHÊ NGUYỄN KIM ĐIỀN

(Tiếp theo)

HÀNH HƯƠNG LA VANG THỜI “KHÓ KHĂN VÀ TẾ NHỊ”

I. LA VANG SAU BIẾN CỐ 30-4-1975.

II. HÀNH HƯƠNG LA VANG THỜI “KHÓ KHĂN VÀ TẾ NHỊ”- HÀNH HƯƠNG LA VANG SAU 30-4-1975.

1. Hành hương La Vang sau 30-4-1975.

2. Đại hội La Vang 18 (Chúa nhật 20-8-1978, nhằm17-7 Mậu Ngọ) – Đại hội La Vang đầu tiên sau ngày thống nhất đất nước (30-4-1975).

3. La Vang – Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc.

4. Đại hội La Vang 19 (Chúa nhật 16-8-1981, nhằm17-7 Tân Dậu).

a/ Hành hương La Vang -Đại hội La Vang 19 (1981).

+ Chủ đề Đại hội La Vang 19 (1981):

“Lời Chúa, ánh sáng dẫn đưa về trời”.

Không có logo cho mọi người, chỉ có một hình minh họa ý nghĩa chủ đề Đại hội được vẽ trên bục giảng: Một quyển Thánh Kinh tượng trưng Lời Chúa, một cây nến đang cháy, tượng trưng ánh sáng, bên cạnh là dòng chữ rõ ràng: “Lời Chúa, ánh sáng dẫn đưa về trời”.

+  Đôi nét về Đại hội La Vang 19 (1981).

So với Đại hội 18 thì Đại hội 19 có vẻ khởi sắc hơn, mặc dù cũng chỉ diễn ra trong một ngày, 16-8-1981, và thu hẹp trong phạm vi Giáo phận Huế.

Từ chiều thứ bảy,15-8 áp lễ, đã có vài ngàn giáo dân lặng lẽ đi bộ đổ về Thánh địa La Vang. Khoảng 20 giờ 30, Ban trật tự đến giúp họ đăng ký tạm trú,nhưng tới 22giờ, hết hạn đăng ký, mới chỉ ghi tên được mấy trăm người. Đêm về, giáo dân quây quần quanh Đền Mẹ nghỉ ngơi và bảo vệ lẫn nhau, từng nhóm thay nhau đọc kinh, lần chuỗi suốt đêm.

Cha sở E. Nguyễn Vinh Gioang, từ chiều áp lễ luôn túc trực bên dàn máy phóng thanh thời đệ nhất thế chiến để hướng dẫn mọi người hành hương theo chương trình đã định. Gần nửa đêm còn nghe tiếng cha sở nhắc nhở qua loa phóng thanh: “Anh chị em lưu ý… Lưu ý tập trung nghỉ ngơi quanh đài Mẹ. Đừng đi riêng lẻ, đừng ra ngoài khu vực Trung tâm … Đề phòng kẻ gian trộm cắp đồ đạc… Ai cần nhắn tin, tìm người thân, xin mời đến bàn liên lạc đặt gần cổng chào trước Linh đài”.

LM. E. NGUYỄN VINH GIOANG BÊN GIÀN MÁY PHÓNG THANH CỔ LỖ SĨ TRONG ĐẠI HỘI 19

(Ảnh: Lm. E. Nguyễn Vinh Gioang)

Cổng chào đã có từ Đại hội trước, được sơn quét lại. Tấm bảng nhỏ ở giữa được hạ xuống vì đã hết tính thời sự, thay vào đó là số 1798 được gắn vào nóc cổng, ý muốn nhắc nhở khách hành hương nơi đây Đức Mẹ đã hiện ra vào năm 1798.

Quảng trường Mân Côi, vẫn còn đầy dẫy dấu tích hoang tàn, vừa được quét dọn lại. Hai tấm băng rôn chăng ngang, với hai dòng chữ rõ ràng:

LẠY ĐỨC MẸ LA VANG CẦU CHO CHÚNG CON.

ĐỨC TGM PHILIPPHÊ NGUYỄN KIM ĐIỀN GIẢNG LỄ TRONG ĐẠI HỘI LA VANG 19 (1981)

(Ảnh: Lm. E. Nguyễn Vinh Gioang)

Rạng sáng ngày 16-8, từng đoàn người vội vã đổ về La Vang, đa số đi bộ, lác đác vài người đi xe đạp, họa hoằn lắm mới thấy chiếc Honda Dame hoặc 67. Ngộ nghĩnh nhất, có lẽ là lần đầu tiên xuất hiện trong các kỳ Đại hội La Vang, hình ảnh cả gia đình đi hành hương La Vang bằng xe cải tiến”- một loại xe kéo tay hạng nhẹ ở nông thôn hay dùng chở lúa, chở phân.

Nhóm hành hương đến sớm nhất có lẽ là các giáo dân Thuận Nhơn, Kim Long, Hội Yên… của cha sở Giuse Hoàng Cẩn. Đơn giản vì họ đi theo đường tắt, không bị xét hỏi. Một số khác từ Thanh Hương, Đại Lược, Mỹ Chánh… ra, hay Đại Lộc, Đông Hà vào, Kẻ Văn, Trí Bưu, Thạch Hãn lên. Hơi bị rắc rối, nhưng cũng đến được La Vang nhờ nhiều lý do: đi thăm bà con, đi viếng mộ, đi rẫy… Riêng các giáo dân từ Huế ra, số nào lọt được cứ đi, số nào bị chặn hỏi, dừng đọc kinh tại chỗ rồi tùy cơ ứng biến”. Tuy nhiên, tinh thần chung vẫn là vui vẻ, vừa đi vừa ca hát, cầu nguyện, mệt đâu nghỉ đó, hết mệt lại đi.

Linh mục E. Nguyễn Vinh Gioang, chứng nhân, đã ghi bút ký hình ảnh giáo dân đi hành hương La Vang dịp Đại hội 19 (1981), như sau:

MỘT GIA ĐÌNH HÀNH HƯƠNG LA VANG BẰNG XE KÉO

(Ảnh 1+2: Lm. E. Nguyễn Vinh Gioang)

Tới giờ khai mạc, con số giáo dân hiện diện phỏng chừng từ mười đến mười hai ngàn người. Hai Đức cha Philipphê Nguyễn Kim Điền và Têphanô Nguyễn Như Thể có mặt đúng giờ, không gặp rắc rối gì vì đã xin phép trước khi đi. Đúng 8 giờ 10, Đoàn đồng tế được rước lên Lễ đài. Lễ đài là một bàn thờ gỗ trải khăn trắng đặt trên Linh đài Đức Mẹ. Bàn thờ chỉ đủ chỗ cho ba bốn vị đứng đồng tế. Các vị khác đứng vòng sau và hai bên. Đức cha Philipphê chủ tế thánh lễ đồng tế. Cùng đồng tế có Đức cha phó Têphanô Nguyễn Như Thể, các cha Phêrô Hoàng Kính (Mỹ Chánh), Tôma Lê Văn Cầu (Trí Bưu), PX. Lê Văn Cao (Đại Lộc), Giuse Hoàng Cẩn (Thuận Nhơn), Giuse Trần Đức Tuyên (Kẻ Văn), Phaolô Nguyễn Kim Bính (Phủ Cam), Tađêô Nguyễn Văn Lý (Đốc Sơ), Têphanô Huỳnh Quang Sanh (Thiên An)…

Đức cha chủ tế với bài giảng “Lạy Nữ VươngMẹ nhân lành làm cho chúng con được sống được vui, được cậy”,vừa ngọt ngào vừa sâu lắng, vừa êm dịu, vừa hùng hồn làm xao xuyến mọi tấm lòng tin, cậy, mến yêu Mẹ.

Sau giảng, đoàn dâng lễ vật bước lên đài. Lễ vật trong thời khốn khó, có gì mà dâng Chúa đâu? Một mâm trầu và một mâm buồng cau do hai giáo dân nam, khăn đóng áo dài đại diện tiến dâng. Bánh rượu, hương, hoa… do các chị phụ nữ trong y phục áo dài Việt Nam đại diện tiến dâng. Đoàn thiếu nhi dâng hoa cũng được tập tành thuần thục, trong y phục khăn đóng áo dài Việt Nam, theo đội ngũ tiến tới trước Lễ đài múa hát, dâng hoa, vãi hoa mừng kính Đức Mẹ.

Lối 9 giờ 30 ngày 16-8, khởi đầu cuộc rước kiệu Đức Mẹ. Thánh giá nến cao dẫn đầu, đoàn thiếu nhi đi trước bàn kiệu, thỉnh thoảng dừng lại múa hát, dâng hoa, vãi hoa. Đoàn đồng tế đi sau bàn kiệu, các cha rồi hai Đức cha. Hầu bàn kiệu và hai Đức cha chủ tế chỉ vỏn vẹn có 6 chiếc lọng cũ. Bốn cho bàn kiệu và hai cho hai Đức cha. Một trong sáu chiếc lọng, chính xác là chiếc theo hầu Đức cha Philipphê bị gió đánh tơi tả, lật nóc ngay khi đoàn đồng tế bước lên lễ đài, nhưng chiếc lọng vẫn trung tín theo hầu chủ nhân cho đến khi hoàn thành cơ cuộc.

Sau đoàn đồng tế, lác đác mấy thầy đại chủngsinh, các nữ tu, chức việc và giáo dân. Đoàn kiệu không đều hàng nhưng trang nghiêm trật tự đi từ Lễ đài (Linh đài), vòngquanh Quảng trường Mân Côi về lạiLễ đài.

Đức cha Philipphê ban huấn từ bế mạc rồi ban Phép Lành Toà Thánh. Đại hội La Vang 19 bế mạc lúc 11 giờ trưa. Giáo dân lần lượt từ giã Mẹ ra về. Đây đó còn người ở lại quanh đền, đọc kinh và…giở cơm ra ăn!

+ Hình ảnh Đại hội La Vang 19 (1981):

ĐOÀN ĐỒNG TẾ TRONG ĐẠI HỘI LA VANG 19 – 1981 (H.1)

ĐÓN RƯỚC ĐỨC TGM PHILIPPHÊ NGUYỄN KIM ĐIỀN CHỦ TẾ VÀ ĐOÀN ĐỒNG TẾ TRONG ĐẠI HỘI LA VANG 19 – 1981 (H.2)

ĐOÀN ĐỒNG TẾ TRONG ĐẠI HỘI LA VANG 19 (H.3)

ĐỨC TGM PHILIPPHÊ VÀ ĐỨC TGM PHÓ TÊPHANÔ TRONG ĐOÀN ĐỒNG TẾ (H.4)

ĐOÀN THIẾU NHI DÂNG HOA, VÃI HOA (H.5)

ĐOÀN THIẾU NHI DÂNG HOA, VÃI HOA (H.6)

ĐOÀN KIỆU SÁNG 16-8-1981 (H.7)

ĐOÀN KIỆU SÁNG 16-8-1981 (H.8)

(Ảnh 1+2+3+4+5+6+7+8: Lm. E. Nguyễn Vinh Gioang)

b/ Hành hương La Vang sau Đại hội 19 (1981).

+ Chúa nhật 13-12-1981 (18-11 Tân Dậu). Hành Hương La Vang mừng lễ Đức Bà Vô Nhiễm Nguyên Tội.

+ Thứ hai 25-1-1982 (mồng hai Tết Nhâm Tuất). Kiệu Minh niên dâng năm mới cho Đức Mẹ.

+ Chúa nhật 15-8-1982 (26-6 Nhâm Tuất). Hành Hương La Vang thường niên mừng lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

+ Chúa nhật 12-12-1982 (28-10 Nhâm Tuất). Hành Hương La Vang mừng lễ Đức Bà Vô Nhiễm Nguyên Tội(18):

– Thứ bảy áp lễ: Thời tiết thay đổi đột ngột, gió mạnh, mưa lất phất mang theo luồng khí lạnh. Bất chấp thời tiết, một số giáo dân từ Huế đạp xe ra. Một số khác đi bộ, đi xe đạp từ Quảng Trị lên. Vài bậc cha mẹ can đảm bồng con theo. Người hành hương được ghi nhận đến sớm nhất (trước trưa) là hai thanh nữ họ Thanh Hương. Phía các Linh mục, cha Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ cũng đến từ chiều thứ bảy, ngồi tòa giải tội.

Chiều áp lễ, UBND xã Hải Phú đến đọc cho giáo dân nghe thông báo của UBND huyện và tỉnh cho biết đây chỉ là một cuộc lễ tư, mang tính địa phương, cấm tập trung đông người, nhất là người từ các địa phương khác đến. Tối áp lễ, lối 10 giờ đêm, ba ông Hà, Tửu, Hội, đại điện UBND xã Hải Phú vào kiểm tra đăng ký tạm trú. Các ông chỉ thị, từ nay về sau, phải nộp danh sách tạm trú tại nhà ông Mẫn, trước 9 giờ rưỡi tối.

– Chúa nhật chính lễ: Thời tiết xấu hơn, gió càng mạnh, trời càng lạnh. Từ 22° tối thứ bảy hạ xuống 18° sáng Chúa Nhật. Theo kế hoạch, thánh lễ sẽ được cử hành tại Linh đài Đức Mẹ. Ban tổ chức đã cho giăng bức màn xanh để che mưa trên bàn thờ, chỗ định làm lễ. Nhưng gió quá mạnh, mưa tạt ngang, đành phải dời chỗ hành lễ qua nhà thờ.

Các cha đến vào sáng Chúa nhật trúng mưa, ướt như chuột lột.

Thánh lễ đồng tế khởi sự lúc 10 giờ, trễ hơn dự định. Hai Đức cha không ra được, vì không xin được phép. Cha Tôma Lê Văn Cầu chủ tế. Cùng đồng tế có các cha: Phêrô Phan Xuân Thanh, Augustinô Hồ Văn Quý, Giuse Hoàng Cẩn, Antôn Dương Quỳnh, Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ.

Giáo dân hiện diện được khoảng 1.000 người, trong đó có một người từ Thanh Hóa vào. Thật cảm phục tấm lòng yêu mến Mẹ của người anh em phương xa!

Nhà thờ nhỏ, không đủ chỗ, giáo dân đến muộn phải đứng ngoài hàng hiên, ngoài sân, chịu mưa, chịu lạnh.

Trước khi bế mạc, trời càng lạnh, nhiệt độ hạ xuống 16°. Âm u, mù mịt! Một giáo dân nói: “Mẹ thử chúng ta đây!” Một giáo dân khác: “Có lụt cũng đi!”.

+ Chúa nhật 14-2-1983 (mồng 2 Tết Qúy Hợi). Kiệu Minh niên dâng năm mới cho Đức Mẹ(19).

Những ngày Tết Quí Hợi tại Quảng Trị diễn ra trong mưa to và gió lạnh. Chiều mồng một Tết, người đầu tiên đến La Vang là hai chị em dòng Bãi Dâu từ Huế ra. Một nữ giáo dân khác cũng từ Huế ra. Tiếp đó, cụ Trần Lài, 75 tuổi, người Thanh Hương chống gậy lên đài Đức Mẹ. Cụ cho biết, đi bộ từ 8 giờ sáng.

Tối mồng một, ghi tên tạm trú được 6 người. 9 giờ rưỡi tối đến trình tại nhà ông Chủ nhiệm, nhưng không có ai làm việc cả.

05.00: Chúa nhật chính lễ. Chuông nhịp một, trời vẫn mưa. Những băng, cờ ướt hết, nhưng vẫn hiện rõ những dòng chữ:

GIỜ, XUÂN VỚI MẸ DƯỚI ĐẤT – SAU, XUÂN VỚI MẸ TRÊN TRỜI.

Nơi giảng đài:

SỐNG THEO LỜI CHÚA MỚI HẠNH PHÚC.

05.00: Nhận được thư khẩn của Đức TGM:

“Kính cha Gioang thân mến. Xin mừng tuổi mới của cha, của anh chị em giáo xứ La Vang, Diên Sanh, Cây Da, Càng Mỹ Chánh… Đây, ít lời của tôi chào thăm và thông hiệp với đoàn người hành hương Minh niên. Xin cha vui lòng đọc cho anh chị em nghe vào lúc thuận tiện…”(20).

05.30: Trời tạnh hẳn.

06.30: Cha PX. Lê Văn Cao hướng dẫn đoàn kiệu khởi hành. Một đại diện giáo xứ Trí Bưu cầm Thánh Giá đi đầu. Tiếp theo là thiếu nhi, thanh niên nam nữ, các bà, các ông, đoàn vãi hoa dâng lễ của giáo xứ Trí Bưu. Bàn kiệu do bốn giáo dân Trí Bưu gánh. Ca đoàn Trí Bưu hát kiệu và lễ. Tham gia kiệu, ngoài cha Tôma Lê Văn Cầu hướng dẫn còn có các cha: Giuse Hoàng Cẩn, Phêrô Hoàng Kính, Batôlômêô Nguyễn Phùng Tuệ, Augustinô Hồ Văn Quý, Giuse Trần Đức Tuyên, Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ.

05.30: Thánh lễ đồng tế. Sau bài Tin Mừng, cha sở La Vang đọc thư của Đức TGM Philipphê(21):

“Anh chị em thân mến,

Đức cha phó và tôi thân ái kính chào anh chị em đang hiện diện tại Linh đài Đức Mẹ La Vang trongngàytruyền thống Kiệu Minh niên này. Chúng tôi hiệp lòng với anh chị em dâng lên Thiên Chúa Ba Ngôi và Đức Mẹ La Vang năm Quý Hợi này với tất cả tâm tình con thảo, thờ lạy và cảm tạ vì muôn hồng ân đã lãnh nhận trong năm qua. Cùng xin Chúa tha thứ bao nhiêu lỗi lầm và thiếu sót. Và xin Chúa, nhờ lời cầu bàu của Đức Mẹ La Vang ban muôn hồng ân mới cho Hội Thánh hoàn vũ và cho ĐTC Gioan Phaolô của chúng ta, xin ban hòa bình, thịnh vượng cho tổ quốc và dân tộc Việt Nam, xin ban ơn trung kiên, thánh thiện cho Hội Thánh Việt Nam và cho Giáo phận Huế chúng ta. Xin Chúa chúc phúc cho mỗi giáo xứ, mỗi gia đình và cho mỗi người Kitô hữu trong giáo phận.

Anh chị em thân mến,

Giữa cơn bách hại 1798, Đức Mẹ đã đến nơi đây an ủi và khích lệ cha ông chúng ta hãy kiên trì giữ vững đức tin, đức tin mà Chúa Giêsu con của Đức Mẹ đã chết để chuộc lại cho chúng ta,vìnhư Chúa đã dạy:‘Đặng lợi lộc cả thế gian mà rồi chết mất linh hồn nào ích lợi gì’(Mt 16, 26). Từ đó đến nay việc hành hương kính viếng Đức Mẹ La Vang đã là một truyền thống của Giáo hội Việt Nam và là một nhu cầu của Kitô hữu Việt Nam.

Lịch sử cho thấy, trên trái đất này, nơi nào được Đức Mẹ đặt chân tới thì nơi đó sẽ được tồn tại mãi mãi. Hoàn cảnh có thể gây gián đoạn chớ không bao giờ bôi xóa được, vì ai chống lại được ý muốn của Đức Mẹ Chúa Trời?

Hôm nay đến đây là anh chị em đến thay cho bao nhiêu người không đến được. Anh chị em là đại biểu của giáo phận mình, của giáo xứ mình, của gia đình mình. Vậy hãy sốt sắng đại diện cho anh chị em mình ở nhà, nhận lãnh mọi ơn lành hồn xác Chúa ban cho dịp đầu năm, nhờ lời cầu xin của Đức Mẹ La Vang.

Phần chúng tôi, chúng tôi xin mừng tuổi năm mới của mỗi người trong anh chị em. Xin thông hiệp với mỗi gia đình của mỗi giáo xứ trong mọi biến cố lớn nhỏ trong năm. Cách riêng, chúng tôi xin thăm hỏi sức khỏe của lão ông, lão bà, các anh chị em đang bệnh hoạn đau yếu, và nhất là chúc lành cho các cháu thiếu nhi, thiếu niên…

Sau cùng, xin Thiên Chúa toàn năng là Cha và Con và Thánh Thần ban phúc lành cho anh chị em. Amen”.

Philipphê Nguyễn Kim Điền

Tổng Giám mục.

Ký tên.

+ Chúa nhật 21-8-1983 (13-7 Quý Hợi). Hành hương La Vang lễ Đức Bà Mông Triệu(22).

Một tuần trước lễ, ngày 13-8-1983, ông Dương Minh Xướng, đại diện cơ quan Công an tỉnh Bình Trị Thiên, trong cuộc gặp gỡ với các linh mục hạt Quảng Trị có nói không cấm vềvấn đề La Vang. Nhưng sau đó rải rác một vài địa điểm tại Thừa Thiên hành vi cản trở người hành hương vẫn diễn ra: Lúc 2 giờ sáng ngày chính lễ, tại Cầu Mới An Hòa… giáo dân hành hương bị chặn xét, đuổi lui. Một em Phủ Cam bị đánh ở đầu và chân. Một chị phụ nữ bị hất đổ hết đồ đạc rơi vãi lung tung giữa đường… Tuy nhiên, phần đông vẫn ra được La Vang với các lý do đi ăn cưới, ăn kỵ, đi chạp, đi giỗ… Nhiều chị phụ nữ đạp xe đạp hơn 100 cây số Huế – La Vang – Huế, ra vô trong ngày. Giáo dân Quảng Trị hầu hết đi bộ theo đoàn thể, giáo xứ. Có tốp tranh thủ lên với Mẹ ngay chiều tối hôm trước, nhiều tốp khác lên vào buổi sáng chính lễ.

– Ngày 19-8-1983 có khoảng 100 giáo dân đến. Tối, mưa to, họ ngủ lại trong nhà thờ.

– Ngày 20-8-1983 áp lễ: 19 giờ, cầu nguyện chung tại đài Đức Mẹ. Giảng về Đức Mẹ. Dọn mình lãnh ơn Toàn Xá. Hơn 1.000 người tham dự.

Sự cố: Lưu manh trộm cắp vào phòng giữ xe đạp tháo 2 bánh xe đạp mang số 55 của một thanh niên người Đại Phong.

Sau lễ, 20 giờ 45 Ủy ban xã mời cha sở đến họp tại nhà Đội tới 22 giờ 30. Tiếp theo, đi kiểm tra tạm trú đến nửa đêm. Mọi sự bình yên.

– Ngày 21-8-1983 chính lễ: Thánh lễ đồng tế bắt đầu lúc 9 giờ sáng. Hai Đức cha đều không ra được. Cha Giuse Trần Đức Tuyên bận ngồi tòa và cha Batôlômêô Nguyễn Phùng Tuệ có ra nhưng không đồng tế. Lễ đồng tế còn lại 8 cha: Tôma Lê Văn Cầu, PX. Lê Văn Cao, Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang, Augustinô Hồ Văn Quý, Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ, Gioan Nguyễn Đức Tuân, Giuse Hoàng Cẩn, Antôn Dương Quỳnh. Giáo dân tham dự khoảng hơn 4.000 người.

Về nhà, tại một số địa phương như Tây Lộc họp khu phố, tổ dân phố, điều tra kiểm điểm về việc đi La Vang.

+  Chúa nhật 11-12-1983 (8-11 Quý Hợi). Hành hương La Vang lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm(23).

Đúng 40 ngày trước lễ, Bình Trị Thiên vấp trận lụt lớn. Tại huyện Triệu Hải, thiệt hại nhiều về nhân mạng và tài sản. Sợ do ảnh hưởng hậu quả lũ lụt không tổ chức hành hương La Vang được. Vả lại, những ngày cuối năm dương lịch này mưa phùn gió bấc, thời tiết cực xấu.

Nhưng ba ngày trước lễ, thời tiết khá hơn: Thứ năm 8-12-1983 có nắng đôi chút, trời sáng, nhiệt độ 19°. Thứ sáu 9-12-1983, vẫn 19°, nắng hé. Thứ bảy 10-12-1983 nhiệt độ không thay đổi, vẫn 19°, sáng tạnh ráo, chiều mưa, tối mưa nặng hột.

Chúa nhật 11-12-1983 chính lễ, trời bớt mưa nhưng vẫn lất phất kéo dài. Giáo dân tơi nón lục tục từ Quảng Trị lên. Chỉ độ non một ngàn, nhưng cũng đủ chật nhà thờ. Thánh lễ khởi sự lúc 10 giờ sáng. Trang trọng và ấm cúng trong một ngày thời tiết không mấy ấm cúng.

+ Thứ sáu 3-2-1984 (mồng 2 Tết Giáp Tý). Kiệu Minh niên dâng năm mới cho Đức Mẹ(24).

Tháng 11 và 12 âm lịch là tháng mưa dầm, tạnh vài ngày rồi lại mưa. Càng mưa càng lạnh. Chiều mồng một Tết, áp lễ, hết mưa nhưng vẫn lạnh. Mừng hụt, vì sáng mồng 2 Tết mưa lại, mưa to, lạnh dữ.

Băng: LẠY NỮ VƯƠNG BAN SỰ BẰNG AN –
CẦU CHO CHÚNG CON.

Cuộc kiệu bắt đầu lúc 10 giờ thay vì 9 giờ. Các em thiếu nhi trong đội Thiên Thần, đội vãi hoa đi trước bàn kiệu. Giáo xứ Mỹ Chánh lo kiệu và hát. Giáo dân khoảng 2.000, trong đó có một số từ Huế ra, và các nữ tu tự động vào hàng ngũ đi sau kiệu.

Trời mưa tầm tã. Ai cũng ướt. Vừa ướt vừa lạnh. Tội nghiệp các em thiếu nhi đội Thiên Thần, đội vãi hoa ướt hết, run cầm cập, nhưng cố chịu đựng, vui vẻ, sốt sắng dự kiệu, dự lễ, không bỏ vị trí. Sau kiệu các cha hỏi: “Lạnh ri chịu nổi không?”. Có em thưa: “Chúng con vui lòng chịu cực vì Mẹ!”. Người lớn nghe, cảm động, chào thua!

Thánh lễ đồng tế có các cha: E. Nguyễn Vinh Gioang, Phêrô Hoàng Kính, Aug.Hồ Văn Quý, Tôma Lê Văn Cầu, Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ, Antôn Dương Quỳnh. Cha PX. Lê Văn Cao và bổn đạo Đại Lộc, do mưa quá, đường trơn lên trễ.

5. Đại hội La Vang 20 (Chúa nhật 19-8-1984, nhằm23-7 Giáp Tý).

a/ Ghi nhận từ Đại hội La Vang 20 (1984)

+ Những tờ bướm viết tay(25).

Bấy giờ là thời kinh tế khó khăn, các phương tiện in ấn đơn giản như máy đánh chữ, máy quay ronéo, máy photocopy đều không có. Để có được hàng ngàn tờ bướm về kinh sách, thông cáo, về lịch sử Đức Mẹ La Vang, về chương trình Đại hội… là điều không hề dễ dàng, ngoài cách duy nhất: viết tay! Muốn vậy phải nhờ đến các cháu học sinh cấp 2, cấp 3 là lực lượng có sẵn, vì lòng yêu mến Đức Mẹ La Vang, sẵn lòng giúp cha sở mình trong mỗi dịp hành hương.

 NHỮNG TỜ BƯỚM VIẾT TAY VỀ LỊCH SỬ ĐỨC MẸ LA VANG, DẤU TÍCH LA VANG, THÔNG BÁO VỀ ĐẠI HỘI LA VANG… TRONG THỜI KỲ “KHÓ KHĂN VÀ TẾ NHỊ”

(Ảnh tư liệu của Lm. E. Nguyễn Vinh Gioang)

Những tờ bướm viết tay độc đáo này xuất hiện nhiều trước và trong Đại hội La Vang 20 là những hình ảnh sống động chứng minh La Vang đang trong giai đoạn khó khăn và thiếu thốn nhiều mặt.

+ Đại hội La Vang 20 (1984) không có Giám mục tham dự.

– Ngày 21-11-1983, Tòa Thánh chấp nhận đơn xin từ nhiệm của Đức Giám mục phó Têphanô Nguyễn Như Thể. Việc từ nhiệm được chính thức công bố ngày 13-4-1984, trước Đại hội La Vang 20 (1984) bốn tháng.

– Trong khi đó, do bệnh cũ tái phát, sức khoẻ không cho phép nên Đức Tổng Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền cũng không thể ra La Vang tham dự Đại hội.

+ Vài ghi nhận về Đại hội La Vang 20 (1984)(26).

Giáo dân hành hương đã quá quen với cảnh bị chặn hỏi dọc đường nên dễ dàng đối phó, qua mặt. Thường là né tránh hoặc bổn cũ soạn lại: ăn cưới, ăn kỵ, chạp giỗ…

Đúng 8 giờ sáng Chúa nhật 23-7, đoàn đồng tế hơn mười linh mục được rước từ nhà nguyện ra Lễ đài. Dễ dàng nhậnra các cha Tôma Lê Văn Cầu (Trí Bưu), Phêrô Hoàng Kính (Mỹ Chánh), Giuse Hoàng Cẩn (Thuận Nhơn), PX. Lê Văn Cao (Đại Lộc), Giuse Trần Đức Tuyên (Kẻ Văn), Aug. Hồ Văn Quý (Bố Liêu) và một số cha khác từ Huế ra:Tađêô Nguyễn Văn Lý (Đốc Sơ),Phaolô Nguyễn Kim Bính (Phủ Cam), Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ (Thanh Hương), Anrê Ngô Văn Nhơn (Kim Đôi), Phêrô Phan Xuân Thanh (An Vân), Têphanô Huỳnh Quang Sanh (dòng Thiên An)…

Sau thánh lễ đồng tế là cuộc rước kiệu Đức Mẹ. Giáo dân được hướng dẫn vào hàng ngũ nghinh rước tượng Mẹ vòng quanh Quảng trường Mân Côi, về lại Lễ đài. Tuy đơn giản, gọn nhẹ, nhưng Ban Tổ chức cũng cố gắng tối đa thể hiện tất cả những gì có thể: đội dâng hoa, vãi hoa, ca đoàn thiếu nhi, thanh niên, Con Đức Mẹ … Và hầu như không lúc nào vắng mặt đội trống giáo xứ Mỹ Chánh…

10 giờ 30 bế mạc Đại hội.

Cha sở La Vang E. Nguyễn Vinh Gioang lưu luyến tiễn chân mọi người:

“Đức Mẹ La Vang nhìn đoàn con ra về, nhìn theo từng người một. Ai đến với Mẹ, Mẹ không nỡ để về không. Mẹ ban ơn lành cho mỗi người, mỗi gia đình, mỗi giáo xứ. Bình an đời này, vinh phúc đời sau”.

b/ Hành hương La Vang sau Đại hội 20 (1984)(27):

+ Chúa nhật 9-12-1984 (7-10 Giáp Tý): Hành hương La Vang mừng lễ Đức Bà Vô Nhiễm.

+ Thứ năm 21-2-1985 (mồng 2 Tết Ất Sửu): Hành hương La Vang. Kiệu Minh niên dâng năm mới cho Đức Mẹ.

+ Chúa nhật 18-8-1985 (mồng 3-7 Ất Sửu): Hành hương La Vang thường niên mừng kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

+ Chúa nhật 8-12-1985 (22-7 Ất Sửu): Hành hương La Vang mừng lễ Đức Bà Vô Nhiễm.

+ Thứ hai 10-2-1986 (mồng 2 Tết Bính Dần): Kiệu Minh niên dâng năm mới cho Đức Mẹ.

+ Chúa nhật 17-8-1986 (12-7 Bính Dần): Hành hương La Vang thường niên kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

+ Chúa nhật 14-12-1986 (13-11 Bính Dần): Hành hương La Vang mừng lễ Đức Bà Vô Nhiễm.

+ Thứ sáu 30-1-1987 (mồng 2 Tết Đinh Mão): Kiệu Minh niên dâng năm mới cho Đức Mẹ.

c/ Hình ảnh Hành hương La Vang sau Đại hội 20 (1984):

THÁNH LỄ GIẢN ĐƠN THƯỜNG THẤY TRONG THỜI KỲ KHÓ KHĂN VÀ TẾ NHỊ (H.1)

HÀNH HƯƠNG LA VANG – CẢNH SINH HOẠT TRONG THỜI KỲ KHÓ KHĂN VÀ TẾ NHỊ (H.2)

HÀNH HƯƠNG LA VANG – CẢNH SINH HOẠT (H.3)

 (Ảnh 1+2+3: Lm. E. Nguyễn Vinh Gioang)

d. Di tích Tháp cổ.

Tháng 9-1985, một cơn bão lớn đổ bộ vào duyên hải miền Trung tàn phá nặng nề khúc ruột Bình Trị Thiên.

Tại La Vang, di tích đền thờ “tróc hết mái, còn lại ít đòn tay rui mè đan vào nhau như một lưới nhện tả tơi”.

Từ 1972 chưa kịp thu dọn, nay bị bão lôi xuống, chỉ còn mấy bức tường lỗ chỗ dấu vết đạn bom. Để đảm bảo an toàn cho khách hành hương, bề trên địa phận đã cho phép triệt hạ và tháo dỡ dần dần, chỉ chừa lại phần tháp chuông, di tích của một cuộc chiến tranh khốc liệt đã đi qua nơi này.

DI TÍCH THÁP CỔ (HÌNH 1)

(Ảnh: Lm. E. Nguyễn Vinh Gioang)

DI TÍCH THÁP CỔ (HÌNH 2)

(Ảnh: Lm. E. Nguyễn Vinh Gioang)

6. Đại hội La Vang 21 (Chúa nhật 16-8-1987, nhằm 22-6 Đinh Mão).

a/ Tình cảnh trước Đại hội:

Tháng 12-1986, Việt Nam thực hiện chính sách Đổi mới, xóa bỏ chế độ Bao cấp đã lỗi thời. Ngày 11-3-1987 Chính phủ ban hành quyết định 80/CT bãi bỏ các hình thức ngăn sông cấm chợ. Từ điểm mốc thời gian này đất nước gặt hái được nhiều thành tựu trên nhiều lãnh vực.

Việc hành hương La Vang đã bắt đầu có dấu hiệu thoải mái hơn, đã bớt cảnh ngăn sông cấm chợ.Tuy nhiên, không phải là không có vài địa phương còn mang nặng đầu óc bao cấp, bảo thủ, thị uy tìm cách cản trở khách hành hương La Vang.

Nhưng đáng nói là cảnh ngày càng thưa thớt của Giáo phận Huế. Do nghèo đói, giáo dân Huế phải tản mác tha phương kiếm sống. Họ đi vào Tây Nguyên kiếm đất trồng cà phê, vào miền Đông Nam Bộ làm công nhân ở các nông trường cao su, vào TP.HCM với hy vọng “giàu thôn quê không bằng lê thành phố”, vào miền Tây Nam Bộ gởi nhờ cuộc sống cho vựa lúa miền Nam… Vì nghèo đói, người dân Huế bỏ xứ ra đi, người Công giáo bỏ địa phận ra đi. Gồng gánh nhau đi. Đi đâu cũng được miễn là qua khỏi đèo Hải Vân. Số người có tiền bạc thì đi xa hơn, hy vọng một cuộc sống tốt đẹp nơi quê người.

Phong trào vượt biên, di dân tự do tự phát này đã khiến giáo dân Huế giảm sút đáng kể và điều đó tất yếu sẽ ảnh hưởng đến những sinh hoạt của cộng đồng, nhất là với những cuộc lễ lớn như Đại hội La Vang.

b/ Vài ghi nhận về Đại hội La Vang 21 (1987)(28):

Đêm áp lễ – thứ bảy 15-8-1987 – đã có vài ngàn giáo dân tụ tập trong khuôn viên nhà thờ, quanh Linh đài Đức Mẹ. Từng gia đình, từng nhóm nhỏ quây quần đọc kinh, lần hạt, hát thánh ca chờ đêm canh thức.

Cả La Vang không có điện. Đêm canh thức chỉ thắp đèn đốt nến. Theo sự hướng dẫn của Ban Tổ chức, mọi người tập trung quanh đài Mẹ nghe hướng dẫn suy niệm về ý nghĩa việc Đức Mẹ hiện ra tại La Vang năm xưa. Từ hoàn cảnh năm xưa liên hệ đến hoàn cảnh hiện nay, tuy không cơ cực chết người, nhưng đoàn con Mẹ vẫn còn cơ cực lầm than, hiểm nguy đe dọa…

Lời cầu nguyện: “Lạy Mẹ là ngôi sao sáng. Soi lối cho con lúc vượt biển thế gian…”.

Cộng đồng cùng bắt nhịp hát bài Lạy Mẹ là Ngôi Sao Sáng. Đêm canh thức cầu nguyện kết thúc lúc 23 giờ. Ban Tổ chức yêu cầu mọi người tập trung nghỉ ngơi trong khu vực nhà thờ, quanh Linh đài Mẹ để bảo vệ lẫn nhau, coi chừng kẻ lưu manh, trộm cắp.

Sáng 16-8 chính lễ, giáo dân từ Huế ra, từ Quảng Trị lên, từng đoàn, từng nhóm, từng gia đình lần lượt cuốc bộ đổ về La Vang chuẩn bị tham dự thánh lễ và rước kiệu Đức Mẹ. Theo cha sở La Vang, số giáo dân hành hương “độ mười ngàn”, nhưng theo chúng tôi, những người đã tham dự, thì không tới, chỉ lưa thưa khoảng bảy, tám ngàn.

Linh mục niên trưởng Phêrô Hoàng Kính – cha sở Mỹ Chánh – trong bài giảng lễ, với chất giọng đặc trưng Quảng Trị, dõng dạc:

“Đi hành hương là đi về nhà mạ. Nhà mạ ta ta về, không sợ ai và không ai có quyền cấm cản. Mà dù cấm cản ta vẫn cứ về. Nhà mạ ta ta về…”.

c/ Hình ảnh Đại hội La Vang 21 (1987):

CẢNH SINH HOẠT TRONG ĐẠI HỘI LA VANG 21 – 1987 (H.1)

ĐOÀN ĐỒNG TẾ TRONG ĐẠI HỘI LA VANG 21 – 1987 (H.2)

NHÓM HÀNH HƯƠNG ĐI BỘ VÀO THÁNH ĐỊAĐẠI HỘI LA VANG 21 – 1987  (H.3)

(Ảnh 1+2+3: Lm. E. Nguyễn Vinh Gioang)

d/ Hành hương La Vang sau Đại hội La Vang 21:

+ Chúa nhật 13-12-1987 (23-1 Đinh Mão): Hành hương La Vang mừng lễ Đức Bà Vô Nhiễm.

+ Thứ năm 18-2-1988 (Mồng 2 Tết Mậu Thìn): Hành hương La Vang. Kiệu Minh niên dâng năm mới cho Đức Mẹ.

+ Chúa nhật 21-8-1988 (10-7 Mậu Thìn): Hành hương La Vang thường niên mừng lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

+ Chúa nhật 11-12-1988 (3-11 Mậu Thìn): Hành hương La Vang mừng lễ Đức Bà Vô Nhiễm.

+ Thứ ba 7-2-1989 (mồng 2 Tết Kỷ Tỵ): Hành hương La Vang. Kiệu Minh niên dâng năm mới cho Đức Mẹ.

+ Chúa nhật 20-8-1989 (19-7 Kỷ Tỵ): Hành hương La Vang thường niên mừng lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

+ Chúa nhật 10-12-1989 (13-11 Kỷ Tỵ): Hành hương La Vang mừng lễ Đức Bà Vô Nhiễm.

+ Chúa nhật 28-1-1990 (mồng 2 Tết Canh Ngọ): Hành hương La Vang. Kiệu Minh niên dâng năm mới cho Đức Mẹ.

7. Đức Hồng y Roger Etchegaray, đại diện của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II kính viếng Đức Mẹ La Vang(29).

Ngày 1-7-1989, Đức Hồng y Roger Etchegaray, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Công lý – Hòa bình, đại diện Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã có mặt ở Việt Nam, thực hiện chuyến thăm 11/25 giáo phận Việt Nam từ ngày 1-7-1989 đến ngày 13-7-1989.

Ngày 8-7-1989, đang ở thăm Giáo phận Huế, ĐHY R. Etchegaray đã ra La Vang kính viếng Đức Mẹ. Ngài vô cùng xúc động khi tận mắt chứng kiến những đổ nát hoang tàn còn đọng lại sau chiến tranh, nhưng ngài cũng không khỏi sững sờ ngạc nhiên cảm phục khi nhìn thấy trong tang thương con cái Việt Nam vẫn một lòng tin yêu sùng kính Đức Mẹ La Vang.

8. Hành hương La Vang – Chấm dứt thời kỳ “khó khăn và tế nhị”.

a/ Vài ghi nhận về các lần Đại hội La Vang diễn ra trong thời kỳ “khó khăn và tế nhị”:

Trong bốn kỳ Đại hội liên tiếp từ Đại hội 18 (1978) đến Đại hội 21 (1987) có mấy điểm tương đồng đặc trưng:

+ Chỉ diễn ra ở cấp Giáo phận Huế.

+ Vào buổi sáng Chúa nhật lễ Đức Mẹ Lên Trời.

+ Trong hoàn cảnh thiếu thốn đủ mọi thứ.

+ Giáo dân tham dự chỉ trên dưới 10.000. Một số bị khó dễ trên đường đi: chặn xe, xét tàu, đuổi lui. Số khác bị kiểm điểm khi về đến nhà…

+ Các linh mục đồng tế, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có mấy cha hạt Quảng Trị: Gioang (Diên Sanh kiêm La Vang), Cầu (Trí Bưu), Kính (Mỹ Chánh), Cao (Đại Lộc), Quý (Bố Liêu), Cẩn (Thuận Nhơn), Quỳnh (phó Trí Bưu), Tuyên (Kẻ Văn rồi Đông Hà), Tuệ (Phú Xuân tức Phường Thuốc)… và một số cha, không thường xuyên từ Huế ra: Giải (Chủng viện Hoan Thiện rồi Lương Văn), Lý (Đốc Sơ), Kim Bính (Phủ Cam), Minh (phó Phủ Cam), Khôi (Sơn Công), Huy (phó Trí Bưu rồi Cự Lại), Tuân (Thanh Hương rồi Nhứt Đông), Mỹ (Thanh Hương), Nhơn (Kim Đôi), Thanh (An Vân), Lành (dòng CCT), Sanh (dòng TA)…

b/ Tâm tình của Đức TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền – Chủ chăn Giáo phận Huếtrước, trongsauĐại hội La Vang 21 (1987)(30) – Tâm tình ước nguyện cuối cùng về La Vang.

Tháng 5-1988, Đức cha Philipphê Nguyễn Kim Điền lâm trọng bệnh, Giáo phận Huế đưa ngài vào Sài Gòn chữa chạy. Tại đây, dù đang đau đớn, nhưng trong các cuộc tiếp xúc ngài vẫn luôn chuyện trò vui vẻ như không có gì xảy ra. Ngài cho biết:

“Trước, trong và sau Đại hội La Vang 21 (1987) tôi bệnh, yếu, không ra viếng Đức Mẹ La Vang được, nhưng đây cũng chính là lúc tôi thật sự được ở bên Mẹ một cách thắm thiết. Tôi tin chắc chính Mẹ đã đến với tôi. Bất cứ ở đâu, khi nào, hễ tôi thành tâm kêu xin tôi thấy Mẹ sẵn sàng đến nâng đỡ, phù hộ, chở che tôi, giúp tôi vượt thắng mọi khổ đau phần xác và phần hồn”.

Cũng theo ngài: “Chính trong những lúc gian khó là lúc người Kitô hữu sống Tin Mừng, sống trọn lòng tin tưởng, mến yêu Mẹ Maria, sống phó thác vào tình thương vô biên của Đức Mẹ La Vang”…

Khi được hỏi về những ước mong của Đức cha dành cho Thánh địa La Vang, ngài nói:

“Điều thứ nhất, tôi luôn ước mong người Công giáo Việt Nam nhớ rằng năm 1961 Đền thánh Đức Mẹ La Vang đã được các Đức Giám mục chọn làm Đền thờ toàn quốc dâng kính Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ và Thánh địa La Vang là Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc. Ngày 1-5-1980 tại Hà Nội, các Giám mục Việt Nam họp hội nghị toàn quốc đã đồng thanh biểu quyết tái chấp thuận La Vang là Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc. Vì chiến tranh, nhà thờ đã đổ nát. Chúng ta hãy quyết tâm cùng nhau chung sức xây cất lại một Đền thánh để tôn kính Đức Mẹ La Vang cho xứng đáng”.

“Điều thứ hai, người Công giáo Việt Nam có tin Đức Mẹ La Vang không? Nếu tin thì phải luôn yêu mến Mẹ và luôn cầu xin với Mẹ, vững lòng vâng theo lời Mẹ đã phán bảo: ‘Từ nay về sau, hễ ai đến kêu xin Mẹ nơi đây sẽ được toại nguyện’…”.

Khoảng một tháng sau, ngày 8-6-1988, Đức cha qua đời tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM. Linh cữu được đưa bằng đường bộ từ Sài Gòn ra Huế, an táng trong cung thánh nhà thờ Chánh tòa Phủ Cam, hoàn tất cuộc hành hương thánh thiện về Quê Mẹ La Vang trên thiên quốc.

NƠI AN NGHỈ CỦA ĐỨC TGM PHILIPPHÊ NGUYỄN KIM ĐIỀN TRÊN CUNG THÁNH  NHÀ THỜ CHÁNH TÒA PHỦ CAM – HUẾ

(Ảnh: Nguyễn Châu)

Hết Chương 17

Xem tiếp Chương 18

———————————————————–

(18) Bút ký của Lm. E. Nguyễn Vinh Gioang.

(19) Bút ký của Lm. E. Nguyễn Vinh Gioang.

(20) Bút ký của Lm. E. Nguyễn Vinh Gioang.

(21)Thư, văn thư của Đức TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền gởi Lm. E. Nguyễn Vinh Gioang, quản xứ Diên Sanh kiêm La Vang.

(22) Bút ký của Lm. E. Nguyễn Vinh Gioang.

(23) Bút ký của Lm. E. Nguyễn Vinh Gioang.

(24)Bút ký của Lm. E. Nguyễn Vinh Gioang.

(25)Tài liệu chép tay của Lm. E. Nguyễn Vinh Gioang.

(26) Tổng hợp từ các tài liệu của Lm. E. Nguyễn Vinh Gioang.

(27) Lm. E. Nguyễn Vinh Gioang.

(28) Tổng hợp từ tài liệu của Lm. E. Nguyễn Vinh Gioang + Ký ức của một số thân hữu lớn tuổi đã từng tham dự đầy đủ các kỳ Đại hội La Vang trong những năm tháng đầy khó khăn và tế nhị.

(29)Công giáo và Dân tộc: Công giáo Việt Nam sau quá trình 50 năm (1945-1995), tr.126-127.

(30) Dẫn lại Trần Văn Trí: Năm Thánh Mẫu La Vang. Sách đã dẫn, tr.78-79.

=> Tài liệu dạng Word, xin nhấn vào đây để tải Tập 3 – Chương 17 – Phần 2