Tập sách Hành Hương Đức Mẹ La Vang – Tập 4 – Chương 21 – Phần 2

26/09/2021

TẬP SÁCH

HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG

TRẦN QUANG CHU (Biên soạn)

*****************

TẬP 4

CHƯƠNG HAI MƯƠI MỐT

HÀNH HƯƠNG LA VANG THỜI ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC TÊPHANÔ NGUYỄN NHƯ THỂ (Tiếp theo)

CÙNG MẸ LA VANG TIẾN VỀ NGÀN NĂM THỨ BA

I. HÀNH HƯƠNG LA VANG ĐẦU THIÊN NIÊN KỶ.

II. LA VANG THÁNG 7 NĂM 2001.

III. HÀNH HƯƠNG LA VANG THƯỜNG NIÊN THÁNG 8-2001 – KỶ NIỆM 100 NĂM ĐẠI HỘI LA VANG (1901-2001).

1. Chuẩn bị Hành hương La Vang thường niên – Kỷ niệm Bách chu niên Đại hội La Vang.

a/ Chương trình hành hương La Vang thường niên tháng 8-2001 (14 và 15-8-2001) – Kỷ niệm 100 năm Đại hội La Vang, kể từ Đại hội lần 1 vào năm 1901(10).

Ngày 14-8-2001

14.00: Các sinh hoạt riêng của hội đoàn, đặc biệt Giới trẻ.

16.00: Nghi thức khai mạc hành hương cộng đoàn tại Linh đài Đức Mẹ.

16.30: Thánh lễ đồng tế – Lễ vọng kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời – tại Lễ đài.

18.30: Giờ rước và chầu Thánh Thể.

20.30: Giờ canh thức bên Mẹ.

21.30: Chầu riêng tại Linh đài. Giải tội cho cộng đoàn hành hương.

22.30: Yên lặng, nghỉ ngơi tại các vị trí tạm trú.

Ngày 15-8-2001

05.00: Rước và dâng hoa tôn vinh Đức Mẹ La Vang.

05.30: Thánh lễ đồng tế kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

06.30: Sau thánh lễ rước kiệu Đức Mẹ. Nghi thức bế mạc.

b/ Nhật ký hành hương La Vang(11).

Tin từ Trung tâm Thánh Mẫu La Vang cho biết từ tháng 6-2001 đến cuối tháng 7-2001 đã có trên 200 đoàn hành hương từ nhiều nơi, trong cũng như ngoài nước, đến kính viếng, tạ ơn và cầu khẩn Mẹ La Vang.

Hằng đêm, có rất đông giáo dân thuộc các đoàn, nhóm hành hương vây quanh Linh đài Mẹ, cùng nhau sốt sắng đọc kinh cầu nguyện.

+ Ngày thứ hai – 30-7-2001.

Từ con đường đổ dốc trước cổng tam quan nhìn xuống, đập vào mắt mọi người, các bức tường thành và cổng cửa vừa được sơn quét lại sáng sủa. Tháp cổ cũng vừa xong việc duy tu, bảo dưỡng, vươn mình sừng sững trong màu vôi mới. Rải đều trong Linh địa, 100 lều trại bằng vải xanh, hình tròn, cộng với hai dãy lán hình chữ nhật, mỗi dãy dài 48 mét, lợp vải cứng…, đỡ bớt mưa nắng cho khách hành hương.

Linh đài Đức Mẹ, cũng như mọi ngày, tiếp đón các đoàn hành hương dồn dập đổ về khấn xin, cầu nguyện. Lễ đài được trang hoàng lại, rực rỡ đèn hoa, cờ xí. Quanh nhà nguyện, hai khu vực dành riêng để đặt 30 tòa giải tội đang được chuẩn bị. 31 chiếc dù đủ màu sắc sẽ là 31 điểm rước lễ…

Những thùng inox lớn, trắng bóng, loại 1000, 2000, 3000 lít được lắp đặt nhiều nơi sẵn sàng cung cấp nước cho khách hành hương. Các giếng vừa được vét, mạch thông, nước sẵn. Hai bồn nước lớn vừa xây xong cũng đã được đổ đầy. Nhiều phương tiện cấp nước khác cũng được triển khai, không để tái diễn tình trạng thiếu nước như những mùa hành hương trước.

Vấn đề an ninh trật tự đã được hơn 1000 thanh niên trong Giáo phận Huế tự nguyên đảm trách, lo lắng hết mình. Bên cạnh đó vấn đề vệ sinh môi trường – Sạch phong cảnh – cũng được Ban Tổ chức nghiên cứu kỹ lưỡng.

Cũng trong ngày 30-7-2001, hơn 100 nữ tu thuộc các cộng đoàn Mến Thánh Giá Huế, cộng đoàn Thánh Phaolô, cộng đoàn Con Đức Mẹ Vô Nhiễm và cộng đoàn Con Đức Mẹ Đi Viếng đã đến cầu nguyện và chuẩn bị cho Đêm Canh thức sẽ được cử hành vào tối 14-8-2001. Đức TGM Têphanô cũng đến tham dự buổi cầu nguyện và chúc lành cho công việc chuẩn bị Đại lễ sắp tới.

Tất cả đều cùng mục đích: Hy sinh cho Mẹ, để cuộc hành hương kỷ niệm 100 năm Đại hội La Vang diễn ra vào hai tuần tới thành công tốt đẹp như ý Mẹ muốn.

+ Ngày thứ hai – 13-8-2001.

Ban Tổ chức rụng rời nghe tin Đài Khí tượng Thủy văn: “Hôm thứ sáu 10-8-2001, cơn bão Usagi đã tàn phá các tỉnh phía bắc Quảng Trị gồm Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Ngày thứ bảy, bão Usagi đang chuyển dần về phía nam, có khả năng ảnh hưởng, mưa to gió lớn tại Quảng Trị”.

May thay, ngày Chúa nhật trôi qua, ngày thứ hai cũng không thấy gì, ngoại trừ một vài cơn mưa nhẹ đủ làm mát dịu đất La Vang!

Nhật ký hành hương La Vang ghi nhận, cho đến 10 giờ đã có 24 đoàn đến từ TP.HCM, 11 đoàn đến từ Xuân Lộc, 6 đoàn đến từ Đà Lạt, 5 đoàn đến từ Ban Mê Thuột, 3 đoàn đến từ Nha Trang, 1 đoàn đến từ Kontum, 1 đoàn đến từ Phan Thiết, 1 đoàn đến từ Phú Cường… Đó là chưa kể nhiều đoàn đến từ Huế, và nhiều đoàn khác đang trên đường trực chỉ La Vang.

Ban âm thanh đã thiết kế xong một hệ thống truyền thanh phủ sóng toàn bộ lãnh thổ Linh địa La Vang rộng lớn. Những chiếc loa Optimus xinh xắn được treo rải rác khắp khu vực Linh địa để khách hành hương dù ở bất cứ vị trí nào trong Linh địa cũng có thể dễ dàng thông công với Đại lễ.

Hằng trăm trật tự viên y phục xanh, mũ vàng đã sẵn sàng vào cuộc. Họ chia nhau tỏa ra khắp nơi trong Linh địa nhằm bảo vệ an ninh trật tự.

Nhìn ra đường cái khách hành hương đang tấp nập đổ về. Nhìn lên Linh đài lớp lớp đang cầu nguyện. Trong các lều trại người người đang xếp chỗ…

Mọi việc đang diễn ra tốt đẹp.

+ Số liệu thống kê từ nhật ký hành hương.

– 180.000 khách hành hương.

– 378 đoàn, trong đó có: TP.HCM: 24, Xuân Lộc: 11, Đà Lạt: 6, Ban Mê Thuột: 5, Nha Trang: 3, Kontum: 1, Phan Thiết: 1, Phú Cường: 1, và nhiều đoàn từ Huế.

– Đến từ 21 giáo phận.

– Một số đông từ hải ngoại về.

– 100 linh mục đồng tế.

2. Tường thuật Đại lễ Hành hương La Vang – Kỷ niệm Bách chu niên Đại hội La Vang(12).

a/ Ngày thứ ba 14-8-2001 – Lễ vọng kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời – Ngày khai mạc.

HUY HIỆU KỶ NIỆM BÁCH CHU NIÊN ĐẠI HỘI HÀNH HƯƠNG LA VANG (1901-2001)

Ban sáng, nhiều đoàn hành hương từ khắp nơi trong nước lũ lượt đổ về La Vang. Nhiều linh mục trong và ngoài giáo phận cũng đã đến. Các tòa giải tội đã chật ních người đến nhận bí tích Hòa giải. Các đoàn hành hương thay phiên nhau cầu nguyện trước Linh đài Đức Mẹ.

+ Giờ cầu nguyện dành cho Giới trẻ.

Ban chiều, đúng chương trình, buổi sinh hoạt và cầu nguyện dành riêng cho Giới trẻ tại Linh đài Đức Mẹ bắt đầu lúc 14 giờ. Trong lúc Giới trẻ đang chỉnh tề hàng ngũ cùng mọi thành phần hành hương tham dự thì nhiều đám mây đen kéo đến bao phủ bầu trời La Vang. Cơn mưa đổ xuống càng lúc càng nặng hạt. Tuy mưa to nhưng các bạn trẻ nam nữ và toàn thể anh chị em hành hương vẫn giữ nguyên vị trí, chăm chú tham gia sinh hoạt và cầu nguyện, với sự hiện diện của Đức TGM Têphanô Nguyễn Như Thể, cha Tổng Đại diện Stanilaô Nguyễn Đức Vệ và một số quý cha khác.

Buổi cầu nguyện dành cho Giới trẻ vừa dứt thì trời cũng vừa quang, mưa cũng vừa tạnh. Nhiều người tham dự ướt hết, nhưng ai nấy cảm thấy vui vì được tham dự một buổi cầu nguyện sốt sắng, đồng thời “quên ướt”, chuẩn bị tham dự nghi thức khai mạc sắp diễn ra.

Trong âm thanh nền nã của bài hát Từ bốn phương trời chúng con về bên Mẹ. Từ bốn phương trời chúng con về La Vang, khoảng 50.000 giáo dân đã vây quanh Linh đài chờ giờ khai mạc.

+ Khai mạc.

Đúng 16 giờ, Đức TGM Huế Têphanô Nguyễn Như Thể bước lên máy vi âm đọc diễn văn khai mạc. Nguyên văn như sau:

“Kính thưa quý cha, quý tu sĩ nam nữ, chủng sinh và anh chị em giáo dân thân mến,

Chốn này, ngày này, hội này,

Lòng này ghi tạc dám phai đá vàng!

Câu thơ lục bát mộc mạc của vị linh mục lừng danh xứ Huế – cha JM Nguyễn Văn Thích – quả thật đã làm chúng ta nhớ mãi chốn này: La Vang của Mẹ, La Vang của Giáo phận Huế, La Vang của Hội Thánh Công giáo Việt Nam. Tuy chưa phải là Đại hội Hành hương định kỳ ba năm một lần, nhưng chúng ta vẫn rủ nhau về sum vầy bên Mẹ. Tuy chưa phải là Đại hội mà quanh đây vẫn thấy nhiều khuôn mặt, những giọng nói không chỉ là Huế, Quảng Trị, mà từ xa, rất xa, cứ nhớ ngày này mà về với Mẹ.

Thay mặt Hội đồng Giám mục Việt Nam và Tổng Giáo phận Huế tôi thân ái chào mừng anh chị em từ khắp các miền đất nước, từ muôn phương trời về với Mẹ La Vang hôm nay.

Chúng ta kỷ niệm Bách chu niên Đại hội Hành hương Đức Mẹ La Vang, kể từ lần đầu tiên năm 1901.

Từ đó, dọc dài thế kỷ XX, thế kỷ nhiều biến động, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của nhân loại. Giáo phận Huế nói riêng và Hội Thánh Công giáo tại Việt Nam nói chung vẫn kiên trì tổ chức những cuộc Đại hội Hành hương Đức Mẹ La Vang, lúc đều đặn, lúc gián đoạn vì thời cuộc, lúc đông vui vì con cái Mẹ về được nhiều, lúc thưa thớt vì phân ly cách trở… Vào buổi bình minh của thế kỷ XXI, của ngàn năm thứ ba này, với sự độ trì của Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu chúng ta hy vọng rằng những cuộc gặp gỡ đều đặn tại Thánh địa La Vang này sẽ mỗi ngày một sốt sắng hơn.

Kính chúc anh chị em những giờ phút êm ả, bình an và thánh thiện bên Mẹ La Vang.

Giờ đây, tôi long trọng tuyên bố khai mạc cuộc Hội ngộ La Vang 2001, để cầu nguyện cho quê hương và đồng bào, cho Hội Thánh và cho mỗi người chúng ta.

Xin chân thành cảm ơn”.

Sau tuyên bố khai mạc, Đức TGM Huế trao huy hiệu Đại lễ cho các linh mục. Tiếp đó, đoàn thiếu nhi Công giáo trình diễn vũ khúc Về bên Mẹ theo nền nhạc bài Từ bốn phương trời.

Một rừng bong bóng đủ màu sắc tượng trưng lòng mến Chúa, yêu Mẹ của đoàn hành hương được thả bay lên bầu trời La Vang quang đãng. Tiếp đến, linh mục Tổng Đại diện Huế Stanilaô Nguyễn Đức Vệ trình bày lược sử và ý nghĩa các cuộc hành hương trong vòng 100 năm qua (1901-2001).

+ Thánh lễ đồng tế Vọng kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

Đúng 17 giờ, thánh lễ đồng tế khai mạc bắt đầu tại Lễ đài, do linh mục Tổng Đại diện Huế Stanilaô Nguyễn Đức Vệ chủ tế. Cùng đồng tế có Đức TGM Huế Têphanô Nguyễn Như Thể và 86 linh mục trong ngoài Giáo phận Huế.

Trong khi thánh lễ đang diễn ra trong không khí trang nghiêm trật tự thì nhiều đoàn hành hương ùn ùn như thác nước cuồn cuộn đổ về. Chỉ trong vòng hơn một tiếng đồng hồ số người đến La Vang đã tăng gấp đôi = 100.000!

Thánh lễ khai mạc kết thúc lúc 18 giờ 30. Mọi người nghỉ ngơi và cơm tối. Chuẩn bị tham dự cuộc rước kiệu Thánh Thể và Đêm Canh thức bên Mẹ.

+ Kiệu Thánh Thể.

Đến 20 giờ, cuộc rước kiệu Thánh Thể bắt đầu. Đức TGM Huế Têphanô làm chủ sự. Đêm La Vang  trời trong gió nhẹ, không khí mát mẻ, rực rỡ muôn ánh đèn đủ màu sắc. Hơn 100.000 giáo dân tụ tập dưới chân ngôi Tháp cổ vừa được trùng tu, điểm khởi hành kiệu.

Trên xe kiệu Đức TGM Têphanô quỳ chầu Thánh Thể. Xe chuyển bánh chậm rãi từ Nhà nguyện Đức Mẹ ra đến Quảng trường Thánh Tâm Chúa Giêsu vừa được tái thiết sau gần 30 năm tan hoang vì bom đạn chiến tranh.

Người tham dự kiệu đông như kiến, chia làm hai dạng: “Dạng động” với hàng ngũ chỉnh tề đi theo đoàn kiệu, đọc kinh lần chuỗi, hát thánh ca. Dù đông đúc và kéo dài vẫn không xảy ra cảnh chen chúc và mất trật tự. “Dạng tĩnh”, vì không nhập được vào đoàn kiệu, đứng chật ních hai bên đường, cung kính thờ lạy mỗi khi xe hoa Thánh Thể đi qua. Có người, nhóm quỳ rạp dưới đất lạy chầu Thánh Thể.

Ban hát, với 120 ca viên được tuyển chọn từ các ca đoàn giáo xứ hạt Quảng Trị, hát vang những bài thờ lạy Chúa Giêsu Thánh Thể. Hệ thống âm thanh hiện đại đưa lời kinh tiếng hát vang dội khắp bầu trời La Vang, giúp mọi người, bất kỳ ở đâu trong Linh địa, dễ dàng thông công.

Tại Quảng trường Thánh Tâm Chúa Giêsu, đoàn kiệu dừng lại, Đức Tổng Giám mục long trọng ban phép lành Mình Thánh Chúa. Tất cả mọi người hướng về Thánh Thể thờ lạy và cầu nguyện cho Giáo hội toàn cầu, Giáo hội Việt Nam, Tổ quốc Việt Nam và cầu nguyện cho mỗi người trong cộng đoàn hành hương.

+ Đêm Canh thức bên Mẹ.

Sau kiệu, khoảng hơn 21 giờ, một rừng người bao phủ Quảng trường Mân Côi bao la trước Lễ đài. Làn sóng người hành hương cứ tiếp tục cuồn cuộn đổ về La Vang. Nhật ký hành hương cho biết đã có khoảng 150.000 người hiện diện, cả lương lẫn giáo.

21 giờ 15, giờ Canh thức bắt đầu, Đức TGM Huế, cha TĐD Huế và nhiều linh mục đã có mặt trên khán đài cùng tham dự. Cha Quản nhiệm Trung tâm Thánh Mẫu La Vang xướng kinh Cầu xin Chúa Thánh Thần. Đức TGM Huế ban lời khai mạc. Sau đó là phần diễn nguyện do bốn hội dòng nữ trong Giáo phận Huế đảm trách.

Tiết mục Một trời La Vang mở đầu chương trình diễn nguyện do hội dòng Mến Thánh Giá biểu diễn với những kiểu y trang đặc thù biểu trưng cho ba miền đất nước.

Tiếp đến, dòng Thánh Phaolô với vũ khúc Năm Sự Vui diễn tả mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế. Mẹ đã cúi đầu xin vâng theo lời sứ thần truyền. Chỉ một tiếng “Xin Vâng” của Mẹ, Ngôi Hai đã nhập thể làm người. Chỉ một tiếng “Xin Vâng” của Mẹ lịch sử loài người mở sang trang mới.

Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng với chủ đề Năm Sự Thương, diễn tả sống động hình ảnh Mẹ Sầu Bi theo chân Chúa Giêsu suốt con đường thương khó cho đến khi Chúa tắt thở trên Núi Sọ.

Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm thật xuất sắc với chủ đề Năm Sự Mừng. Trong tiếng sáo trúc dìu dặt thay nền nhạc, giọng ngâm bài thánh vịnh Suy tôn Thập Giá Chúa Giêsu. Các nữ tu vũ viên đã làm cảm động, đưa cộng đoàn hướng về Mẹ, cùng với Mẹ tôn vinh Chúa Giêsu Phục Sinh.

Giờ canh thức kết thúc sau hơn một tiếng đồng hồ, sốt sắng và cảm mến. Đức TGM Huế ban lời kết thúc, chúc lành cho cộng đoàn hành hương, rồi xướng bài Lạy Mẹ là ngôi sao sáng. Cả cộng đoàn bắt nhịp hòa theo, âm thanh vang vọng, bay bổng tới những ngôi sao đêm lấp lánh trên bầu trời cao. Lạy Mẹ là ngôi sao sáng! Soi lối cho đoàn con La Vang đang vượt biển thế gian…

Giờ canh thức kết thúc lúc mười giờ rưỡi đêm.

Từ 23 giờ mọi người đi vào yên lặng, ai nấy tự tìm một chỗ tạm nghỉ qua đêm dưới chân Mẹ. Nhiều nhóm, đoàn hành hương vẫn tiếp tục cầu nguyện tại Linh đài, tại nhà nguyện, tại nơi nghỉ… Và tại các tòa giải tội nhiều người vẫn kiên trì chờ tới phiên mình.

b/ Ngày thứ tư 15-8-2001 – Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời – Ngày bế mạc.

Vừa 4 giờ sáng, những bài ca tạ ơn Chúa, tạ ơn Đức Mẹ từ loa phóng thanh đã vội vã đánh thức khách hành hương. Tạ ơn Chúa đã qua một đêm bình yên dưới chân Mẹ, và giờ đây, bắt đầu một ngày mới bên Mẹ.

+ Thánh lễ đồng tế mừng kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

Đúng 5 giờ, tiếng kèn trống vang lên báo hiệu giờ rước đoàn đồng tế. Thánh Giá dẫn đầu đi từ Nhà Trung tâm đến Lễ đài. Tiếp theo là các đội kèn, đội trống, đội ngũ các thầy đại chủng sinh, các lễ sinh, các đoàn dâng lễ vật, đoàn các tu sĩ. Đoàn đồng tế gồm Đức TGM Huế chủ tế và 100 linh mục. Ca đoàn nhà thờ Chính tòa Phủ Cam hát bài ca nhập lễ: Một điềm lạ vĩ đại.

Đoàn đồng tế tiến lên Lễ đài trong tiếng chiêng trống rộn rã. Thánh lễ bắt đầu lúc rạng đông – Đức Mẹ là rạng đông của ơn Cứu Độ – Đức TGM chủ tế niệm hương trước bàn thờ rồi hướng về cộng đoàn giục lòng mọi người sốt sắng tham dự thánh lễ:

“Thiên Chúa đưa Đức Mẹ hồn xác về trời sau khi Đức Mẹ đã trải qua một cuộc đời đầy thánh thiện, đầy ân sủng. Công đồng Vaticanô II nói về Đức Mẹ hồn xác lên trời trong huy hoàng rực rỡ, là hình ảnh mai sau của Hội Thánh. Hai trăm năm qua tại La Vang, và từ 100 năm Đại hội (1901-2001) chứng minh Đức Mẹ là niềm hy vọng của Dân Chúa và niềm cậy trông cho mọi thế hệ. Chúng ta hãy xin Đức Mẹ biến đổi chúng ta thành những người con của Tin Mừng, đem tin yêu và hy vọng đến cho mọi người…”.

Bài đọc I do một giáo dân giáo xứ Chính tòa Phủ Cam tuyên đọc. Bài đọc II do một giáo dân Vân Kiều đọc bằng thổ ngữ Vân Kiều. Một giáo dân kinh đọc lại bằng Việt ngữ.

Trong bài giảng lễ, Đức TGM chủ tế chia sẻ:

“Thật là một quang cảnh kỳ diệu và đầy phấn khích: Con cái Mẹ từ khắp nơi hành hương tuôn về bên Mẹ La Vang, bất chấp nắng nôi cực nhọc, thiếu thốn tiện nghi, bởi vì ai ai cũng nặng lòng với quê hương Mẹ La Vang, ai ai cũng chín nhớ mười mong về Mẹ La Vang, và hằng năm mong sao chóng đến ngày đoàn tụ tháng Tám mẹ con sum vầy, hàn huyên bên nhau.

Chúng ta về đây giữa muôn lời kinh tiếng hát, hòa quyện những giây phút trầm lắng bên Mẹ để sống đức tin một cách mãnh liệt và tuyên xưng đức tin một cách vui tươi, bình an. Đặc biệt, chúng ta được sống một cảm nghiệm thiêng liêng về mầu nhiệm Hội Thánh. Hội Thánh không phải là một thế lực trần gian nhưng là một mầu nhiệm tình yêu phát xuất từ Chúa Ba Ngôi và có sứ mạng phục vụ trần gian theo gương Thầy chí thánh là Chúa Giêsu Kitô.

Chúng ta cùng nhau, không những tuyên xưng: “Tôi tin có Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, Công giáo và tông truyền”, mà còn xây dựng Hội Thánh ngay trong những ngày hành hương này, bằng cách sống tinh thần hiệp thông với Đức Thánh cha, với Hội Thánh toàn cầu, với các giáo phận trên đất nước Việt Nam, bằng cách sống tinh thần gia đình chan hòa yêu thương, tha thứ, phục vụ, quảng đại, giúp đỡ lẫn nhau, bằng cách loan truyền những kỳ công của Chúa qua việc công bố Lời Chúa, rao giảng tình yêu Chúa, ngọi khen chúc tụng Chúa…

Hôm nay cộng đoàn phụng vụ chúng ta đang say sưa choáng ngợp như trong một lễ Hiện Xuống mới. Lòng mỗi người chúng ta đang rộn rã một niềm vui khôn tả, đang dạt dào những mơ ước thánh thiện. Một điều gì rất linh thiêng lan tỏa khắp châu thân, làm phấn chấn, làm thỏa thuê tâm hồn. Một cảm nghiệm thiêng liêng thấm đượm lòng tin, lòng cậy, lòng mến đang nâng con người chúng ta lên. Ai ai cũng muốn ngước lên cao hơn những cái dung tục, nhỏ nhen, quanh quẩn để đi vào mầu nhiệm rộng lớn, bao la của Hội Thánh Chúa.

Có Mẹ Maria, Mẹ Hội Thánh đang hiện diện giữa cộng đoàn chúng ta, một hiện diện ân cần giúp đỡ cho mỗi người biết cầu nguyện, biết sống bác ái và biết loan báo Tin Mừng, như Mẹ đã hiện diện chăm sóc cộng đoàn Hội Thánh sơ khởi tại Giêrusalem.

Mẹ La Vang âu yếm nhìn đoàn con yêu dấu đang quấn quýt bên Mẹ để cùng Mẹ ca ngợi tạ ơn Chúa… Vâng, lòng thương xót Chúa đang bao phủ lấy đoàn con đang quy tụ nhau đây, bên Mẹ La Vang, từ những vùng địa lý khác nhau, với nhiều lứa tuổi khác nhau, với những phong tục tập quán khác nhau, nhưng hiệp nhất nên một, chia sẻ cùng ‘một Thánh Thần, một đức tin, một Phép Rửa, một Thiên Chúa là Cha của mọi người’ (Ep 4, 4-5).

Đức Maria là phần tử ưu việt và độc nhất vô nhị của Hội Thánh, đồng thời cũng là hình ảnh, là khuôn mẫu và là Mẹ của Hội Thánh.

Chúng ta hãy tạ ơn Chúa đã ban cho một bà Mẹ sinh thành như thiên thần hộ mạng của chúng ta. Càng xin tạ ơn Chúa vô vàn đã ban Mẹ Hội Thánh nuôi dạy chúng ta lớn khôn trong đức tin. Và tạ ơn Chúa ngàn trùng đã ban Đức Maria làm Mẹ suốt mọi chặng đường Vui, Thương, Mừng của chúng ta.

Lạy Mẹ La Vang, Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu, Mẹ hằng chăm sóc lo lắng cho chúng con, xin Mẹ giúp chúng con sống mật thiết với Chúa Giêsu và gắn bó sắt son với Hội Thánh là nhiệm thể của Người.

Xin Mẹ làm cho cuộc hành hương này sinh hoa kết quả dồi dào trong tâm hồn chúng con, trong đời sống chúng con. Xin Mẹ cùng về với chúng con trong cuộc sống hằng ngày, để chúng con an tâm vững dạ bước đi trên các nẻo đường yêu thương và phục vụ. Amen”.

Sau bài giảng, đã 6 giờ kém 15, trời sáng hẳn, mát mẻ lạ thường. Dòng người vẫn tiếp tục đổ về La Vang hối hả như sợ mất phần. Ước lượng số người tham dự đã lên tới 180.000 người(13). Tuần báo Công giáo và Dân tộc (số 1321, tr.18) = 170.000 người. Đức TGM Têphanô, trong thư gởi HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG dè dặt hơn: quãng 160.000 người.

31 địa điểm của 31 chiếc dù đủ màu sắc bỗng trở thành 31 đoàn người xếp hàng rồng rắn, trong trật tự trang nghiêm, chờ rước Mình Thánh Chúa. Do số lượng người rước lễ quá đông nên thánh lễ đồng tế kết thúc trễ hơn dự kiến – 6 giờ 35 – lúc mặt trời đã lên cao.

+ Rước kiệu Đức Mẹ La Vang.

Bảy giờ kém, biển người hành hương tiếp tục tham dự cuộc rước kiệu Đức Mẹ La Vang. Đoàn kiệu khởi từ Lễ đài ra Quảng trường Mân Côi về Linh đài Đức Mẹ. Không một chút gì vội vã, không một chút gì ồn ào. Không một ai dức lác. Tất cả theo nhịp trống, nhịp kèn, điệu nhạc vừa đi vừa đọc kinh, lần chuỗi, hát vang những bài thánh ca ca tụng Mẹ.

Đội trống “Cà rừng” của đoàn thiếu nhi Mỹ Chánh dễ thương làm sao, vô hình trung là nhịp cầu nối bầu khí rước kiệu tôn giáo với bầu khí lễ hội dân gian. Đội kèn đồng giáo xứ An Bằng phớn phở như tiếng kèn thắng trận. Vâng, tiếng kèn thắng trận, vì Đức Mẹ La Vang luôn là Nữ Vương chiến thắng.

Cùng với âm vang dồn dập của tiếng kèn thắng trận, từ đoàn kiệu cất cao lời hát: “Kìa Bà nào đang tiến lên như rạng đông. Đẹp như mặt trăng, rực rỡ như mặt trời, oai hùng như đạo binh xếp hàng vào trận…”.

Vâng, tại La Vang hôm nay, giờ này có đội quân hùng hậu 180.000 người đang xếp hàng vào trận. Nhưng đó không phải là thứ mặt trận chiến tranh, hận thù, chém giết lẫn nhau, mà là mặt trận của lòng đạo đức, sốt mến; mặt trận của sự cầu nguyện, sám hối; mặt trận của sự rao giảng Tin Mừng; của sự canh tân hòa giải; của tình huynh đệ tha nhân; của “nền văn minh tình thương và sự sống”.

+ Bế mạc.

Kiệu tất, linh mục Quản nhiệm Trung tâm Thánh Mẫu La Vang Giuse Dương Đức Toại thay mặt Ban Tổ chức Đại lễ cảm ơn Đức TGM Huế, các linh mục và mọi thành phần Dân Chúa đã tề tựu về La Vang hành hương tôn vinh Mẹ nhân kỷ niệm Bách Chu niên Đại hội La Vang. Đồng thời xin cảm ơn chính quyền các cấp tỉnh Quảng Trị đã giúp đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để việc tổ chức Đại lễ thành công tốt đẹp.

Đức TGM Têphanô thay mặt Tổng Giáo phận Huế và Ban Tổ chức tuyên bố bế mạc Đại lễ Kỷ niệm 100 năm Đại hội La Vang. Ngài nói:

“Kính thưa quý cha, quý tu sĩ nam nữ, chủng sinh và anh chị em giáo dân thân mến,

Thế là kết thúc những giờ phút vắn vỏi bên Mẹ La Vang năm 2001, kỷ niệm 100 năm Đại hội Hành hương lần thứ nhất (1901). Chúng ta bùi ngùi tạm biệt La Vang và lưu luyến chia tay nhau.

Trong những ngày vừa qua anh chị em đã phải chịu đựng nhiều vất vả trên đường về với Mẹ, những thiếu thốn của Linh địa, thời tiết khắc nghiệt của vùng Quảng Trị vào mùa nóng nực này. Anh chị em đã chịu đựng tất cả vì Mẹ, chú tâm vào một việc duy nhất là cầu nguyện, cầu nguyện cho Hội Thánh, cho đồng bào, cho quê hương Việt Nam thân yêu. Chúng ta về đây chỉ để cầu nguyện, sám hối và canh tân đời sống.

Thay mặt Giáo phận Huế, thay mặt Ban Tổ chức tôi thân ái gởi đến anh chị em lời chào tạm biệt. Chúc anh chị em được bình an trên đường trở về nhà mình và hẹn gặp lại anh chị em vào những ngày này năm tới – 2002, tại Đại hội Đức Mẹ La Vang lần thứ 26.

Nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ La Vang – Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu – xin Thiên Chúa ban tràn đầy hồng ân xuống trên anh chị em và gia đình, hôm nay và trong suốt cuộc đời.

La Vang của Mẹ và Giáo phận Huế một lần nữa xin cảm ơn anh chị em.

Xin tạm biệt và hẹn tái ngộ”.

Mọi người sung sướng vì đã được tham dự một cuộc hành hương sốt sắng tại Linh địa La Vang năm nay. Giờ chia tay ai nấy lưu luyến; nhiều người, nhiều nhóm còn nấn ná muốn ở thêm với Mẹ một ít thời gian nữa, chẳng là xa xuôi cách trở, lần đi lần khó.

Và ở Linh đài Mẹ, chiều hôm ấy, ngày hôm sau vẫn còn đông người quây quần kinh nguyện, khấn xin dù chương trình Đại lễ đã khép lại, từ lâu…

IV. HÀNH HƯƠNG LA VANG SAU ĐẠI LỄ KỶ NIỆM 100 NĂM ĐẠI HỘI LA VANG.

1. Hành hương La Vang mùa đông mừng lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (8-12-2001)(14).

+Rước kiệu Đức Mẹ.

Thứ bảy, ngày 8-12-2001, mặc dù trời mưa lạnh do ảnh hưởng cơn bão số 9 nhưng vẫn có độ 5.000 giáo dân, một số từ ngoài giáo phận Huế, hành hương La Vang mừng lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Đúng 8 giờ, cuộc rước kiệu Đức Mẹ khởi đi từ Nhà Trung tâm đến Linh đài. Các đoàn thể tham gia đi sau Thánh Giá đèn chầu, tuần tự: Mẹ gia đình (mang cờ Đức Mẹ hai màu xanh trắng), đội kèn giáo xứ An Bằng, các đoàn thể giáo phận Huế, đoàn giáo lữ hành hương từ các giáo phận khác và từ hải ngoại, cộng đoàn tu sĩ giáo phận Huế, đội trống giáo xứ Mỹ Chánh, đoàn lễ sinh, linh mục đoàn với 36 vị, cùng với linh mục Tổng Đại diện (TĐD) Huế Stanilaô Nguyễn Đức Vệ và Đức Tổng Giám mục Huế Têphanô Nguyễn Như Thể.

Tại Linh đài, Đức TGM Huế niệm hương và dâng hoa tôn vinh Mẹ La Vang. Tiếp đó, linh mục TĐD Huế dâng hoa, một đại diện linh mục đoàn và một đại diện nam tu sĩ dâng hoa kèm theo lời nguyện.

Cộng đoàn hành hương lần hạt Mân Côi qua những bài suy niệm Năm Sự Vui, theo ý Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) ngày 22-9-2001. Cứ sau mỗi bài suy niệm và một chục kinh Kính Mừng, các cộng đoàn nữ tu Mến Thánh Giá, Con Đức Mẹ Đi Viếng, Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, dòng Thánh Phaolô cùng các đoàn thể Giới trẻ, Dân tộc thiểu số, Mẹ gia đình, Đạo binh Đức Mẹ và đoàn Tổng Giáo phận Sài Gòn, đại diện các đoàn từ phương xa đến thay nhau dâng hoa và dâng lời nguyện lên Đức Mẹ La Vang.

Chủ đề của các bài suy niệm Năm Sự Vui:

– Thứ nhất: TRUYỀN TIN – ĐỐI THOẠI.

“Đối thoại để hiểu biết, để chấp nhận nhau, để yêu thương nhau, để cùng nhau xây dựng tương lai và thăng tiến cuộc sống. Phúc Âm Chúa Giêsu, Giáo huấn của Công đồng Vaticanô II, Tông huấn Giáo hội tại Á Châu cùng thôi thúc chúng ta mở rộng lòng mình ra để đối thoại với mọi người, hầu chia sẻ niềm hy vọng về sự sống viên mãn do Đức Kitô Phục Sinh đem lại cho mọi người”.

– Thứ hai: ĐI VIẾNG – ĐỒNG HÀNH.

“Để yêu thương và phục vụ, trước hết chúng ta phải tiếp tục đường hướng đồng hành cùng dân tộc, chia sẻ hy vọng và lo âu của dân tộc trong tiến trình phát triển xã hội và thăng tiến con người… Chúng ta không thể thờ ơ với những chương trình phát triển cũng như tình trạng nghèo đói và những tệ nạn xã hội, bởi vì chúng ta là thành viên của cộng đồng dân tộc, với tất cả quyền lợi và nghĩa vụ của mình”.

– Thứ ba: GIÁNG SINH – ĐỔI MỚI.

“Việc đổi mới phải lan tràn tới mọi cộng đoàn Hội Thánh, từ giáo dân đến giáo xứ, từ dòng tu đến các giới, các nhóm, các đoàn thể, làm sao cho tất cả trở thành những cộng đoàn hiệp thông và hiệp nhất, chung sức thi hành sứ mạng yêu thương và phục vụ, đặc biệt đối với người nghèo, người bị bỏ rơi, người bị loại trừ. Bài học trang trọng và tha thiết hơn cả mà Chúa Giêsu dạy nhiều lần chính là bài học về khiêm tốn và phục vụ, loại trừ óc địa vị và cục bộ”.

– Thứ tư: DÂNG CON VÀO ĐỀN – PHỤC VỤ CON NGƯỜI.

“Hội Thánh không ngừng rao giảng rằng con người là đối tượng của Tình Yêu sáng tạo và Cứu Độ của Thiên Chúa… Thiên Chúa đã yêu thương con người đến đỗi đã sai Ngôi Lời xuống thế làm người để ở cùng chúng ta… Vì thế con người phải là đối tượng phục vụ của mọi chế độ chính trị, xã hội và của mọi hoạt động kinh tế. Tất cả là để giúp con người sống và sống dồi dào”.

– Thứ năm: ĐI TÌM CON – GIA ĐÌNH.

“Trong truyền thống dân tộc Việt Nam chúng ta thì gia đình là rường cột của xã hội. Giáo huấn của Hội Thánh coi gia đình là chiếc nôi của sự sống, coi gia đình như nhà giáo dục đầu tiên… Chúng ta cần tìm đủ mọi phương thế để bảo vệ và củng cố sự bền vững của gia đình: Các bậc cao niên cần được chăm lo, các trẻ em cần được đùm bọc, các gia đình trẻ cần được chuẩn bị hôn nhân kỹ hơn và cần được giúp đỡ để vượt qua những khủng hoảng thường xảy ra trong những năm đầu của đời sống hôn nhân… Mỗi giáo phận nên có một Văn phòng Mục vụ về hôn nhân gia đình”.

Lần hột xong, Đức TGM Huế xướng kinh Thánh Mẫu La Vang. Kết thúc cuộc rước kiệu Đức Mẹ.

+ Thánh lễ đồng tế.

Lúc 9 giờ 10, Đức TGM Huế chủ tế thánh lễ đồng tế cùng cha TĐD Huế và 36 linh mục.

Mở đầu thánh lễ, Đức TGM chủ tế lấy lời Đức Thánh cha Phaolô VI, trong tông huấn về “Lòng sùng kính Đức Mẹ”, dạy rằng: “Phụng vụ Mùa Vọng nhiều lần nhắc đến hình ảnh Đức Mẹ Maria, nhất là trong lễ trọng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Bài học Đức Mẹ mong đợi Con Chúa ra đời dạy chúng ta hãy tỉnh thức và cầu nguyện trong hân hoan. Mẹ được đầy ơn phúc, Mẹ được Vô Nhiễm Nguyên Tội là do được hưởng trước những ơn Chúa Giêsu ban cho Mẹ một cách đầy tràn. Xin Đức Mẹ ban cho chúng ta được đầy tràn ơn Chúa. Xin Đức Mẹ thôi thúc chúng ta luôn sống sạch tội, luôn sống thánh thiện đẹp lòng Chúa, xứng đáng với ơn mà bí tích Rửa tội đã ban cho chúng ta”.

Trong bài giảng lễ, Đức TGM chủ tế chia sẻ:

“Hôm nay, Hội Thánh cầu nguyện và chiêm ngưỡng Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội. Hội Thánh hướng lòng chúng ta ca ngợi tạ ơn Thiên Chúa đã gìn giữ Đức Mẹ khỏi tội tổ tông và khỏi mọi tì ố của tội lỗi.

Bài Phúc Âm thuật lại biến cố Sứ thần của Chúa kính chào Trinh Nữ: ‘Hãy vui lên! Thiên Chúa ở cùng Bà!’ Thiên sứ không kính chào Đức Mẹ bằng danh xưng Maria, nhưng dùng danh từ ‘Đấng Đầy Ơn Phước’ để gọi Đức Mẹ.

Ngày 8-12-1854, Đức Giáo hoàng Piô IX công bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Như vậy, Đức Mẹ mới là Đấng Đầy Ơn Phước. Đây mới là ơn đặc biệt Thiên Chúa ban cho Đức Mẹ một cách tràn đầy, vì công nghiệp của Chúa Giêsu, Con của Mẹ.

Bốn năm sau, năm 1858, khi hiện ra tại Lộ Đức – Pháp, Đức Mẹ xưng Ngài là Đấng ‘Vô Nhiễm Thai’ để xác nhận tín điều này.

Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội hôm nay nhắc chúng ta nhớ đến tình trạng của con người: Đầu tiên, khi mới được Thiên Chúa dựng nên, con người vô tội, tốt đẹp, thánh thiện, nhưng sau đó đã phạm tội. Chỉ có Đức Mẹ không mắc tội tổ tông truyền, không phải do quyền năng của riêng mình, nhưng do công nghiệp của Con Mẹ. Từ thuở đời đời Thiên Chúa đã chọn Mẹ và cho Mẹ tham gia vào công cuộc cứu chuộc. Đức Mẹ Vô Nhiễm là tạo vật hoàn toàn mới, là cung lòng tuyệt hảo đón nhận Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể. Mẹ khởi đầu một thế giới mới. Mẹ sống đời thánh thiện, luôn luôn vâng theo thánh ý Chúa, chẳng chậy tơ hào.

Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì Ngài đã ban cho chúng ta một Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, một Đấng không mắc một tội lỗi nào. Chúng ta hãy nhìn lên Đức Mẹ Vô Nhiễm, Mẹ đầy ơn phúc, Người đầu tiên được hưởng ơn Cứu Chuộc một cách sung mãn. Đức Mẹ là mẫu mực vẹn toàn, là sự thánh thiện. Chúng ta phải sống noi gương hằng ngày…”.

Trước khi ban phép lành kết thúc thánh lễ và bế mạc Hành hương La Vang, Đức TGM chủ tế kêu gọi cộng đoàn hành hương hôm nay hãy nhớ thực hiện những lời ĐTC Gioan Phaolô II mời gọi các tín hữu Công giáo ăn chay và bố thí vào ngày thứ sáu sắp đến là ngày 14-12-2001. Mục đích là để xin Thiên Chúa ban cho thế giới một nền hòa bình bền vững, xây dựng trên công lý, và để xin Thiên Chúa giúp cho con người tìm ra những giải pháp tương ứng cho nhiều cuộc tranh chấp đang gây nhiều đau khổ cho thế giới, vì lời cầu nguyện có sức mạnh lạ lùng nếu được kèm theo bằng việc ăn chay, bố thí. Và, cũng theo ý ĐTC Gioan Phaolô II, những gì dành được từ ngày ăn chay này sẽ dùng để giúp đỡ những người nghèo túng, và nhất là để giúp đỡ những người đau khổ vì chiến tranh và những nạn nhân của nạn khủng bố.

Thánh lễ hành hương kết thúc lúc 10 giờ 25 trong khí trời bỗng ấm lên một tí.

2. Kiệu Minh niên mồng ba Tết Nhâm Ngọ (14-2-2002)(15)

+Rước kiệu Đức Mẹ.

Đoàn hành hương có mặt rất sớm, cầu nguyện và chờ đợi. Đúng 8 giờ 30 cuộc rước kiệu bắt đầu, khởi hành từ Nhà Trung tâm đến Linh đài Đức Mẹ trong tiếng kèn, tiếng trống giục giã và tiếng mọi người sốt sắng đồng ca bài Nữ Vương Hòa Bình.

Đức TGM Huế chủ sự cuộc rước kiệu. Trong đoàn rước có cha TĐD Huế, cha Đan Viện phụ Thiên An Têphanô Huỳnh Quang Sanh, 50 linh mục trong và ngoài giáo phận Huế, cùng khoảng 6.000 giáo dân, trong đó có đoàn giáo dân sắc tộc, các hội đoàn và nhiều bệnh nhân. Tất cả vừa đi vừa đọc kinh và hát những bài thánh ca ca tụng Đức Mẹ.

Khi bàn kiệu đến Linh đài, Đức TGM Huế niệm hương và dâng hoa lên Mẹ. Tiếp đến là phần dâng hoa của cha TĐD Huế, cha Đan Viện phụ Thiên An, đại diện linh mục đoàn và đại diện các hội đoàn: Giáo lý viên, Giới trẻ, Sinh viên học sinh, đoàn Dân tộc Vân Kiều, các nữ tu Mến Thánh Giá, Đức Mẹ Vô Nhiễm, Đức Mẹ Đi Viếng, Thánh Phaolô, các bệnh nhân, đại diện các dòng nam: Chúa Cứu Thế, Thiên An, Thánh Tâm. Đặc biệt có ba đại diện các đoàn hành hương đến từ TGP Sài Gòn, TGP Hà Nội và giáo xứ Hà Lời, một giáo xứ trước thuộc GP Huế, nay thuộc GP Vinh.

Kinh Thánh Mẫu La Vang kết thúc cuộc rước kiệu.

+ Thánh lễ đồng tế.

Thánh lễ Minh niên kính Đức Mẹ bắt đầu cũng là lúc ánh sáng mặt trời chiếu soi rực rỡ một cách lạ thường. Cả vùng trời La Vang tràn đầy ánh sáng xuân.

Đức TGM Huế chủ tế mở đầu thánh lễ:

“Ngày kiệu Minh niên hôm nay, chúng ta về nhà Mẹ, quây quần bên Mẹ, tỏ lòng hiếu thảo yêu mến Mẹ. Xin dâng lên Mẹ những lo âu và hy vọng, những trăn trở trong năm mới này. Chúng ta cầu nguyện cho Giáo hội, giáo phận, cho công việc mục vụ và truyền giáo. Chúng ta cầu nguyện cho tổ quốc, cho quốc thái dân an, cho mưa thuận gió hòa, cho mọi người ấm no, làm ăn phát đạt. Cầu cho gia đình, cầu cho ông bà cha mẹ còn sống hay đã qua đời, cầu cho các ân nhân xa gần… Chúng ta xin Đức Mẹ giúp chúng ta vững bước đi vào năm mới, mặc dù sẽ có những thách đố mới, nhưng chúng ta hy vọng có Mẹ cùng đi với chúng ta”.

Trong bài giảng lễ, Đức TGM chủ tế chia sẻ:

“Trong cõi trời đất này, mọi vật có khởi đầu thì có cùng tận. Vòng thời gian có khởi tất có kết. Nhưng kết là để chuyển qua một dạng mới, một chu kỳ mới. Nếu mùa đông kết thúc một năm cũ thì mùa xuân đến khởi đầu một năm mới.

Đây là những ngày đầu của năm mới Nhâm Ngọ, với vòng lưu chuyển của thời gian, của cảnh vật thiên nhiên, của đời sống con người trên dương thế. Sau những giây phút giao thừa thiêng liêng trong bầu không khí gia đình đầm ấm trước bàn thờ Chúa và tổ tiên, để tạ ơn Chúa và tưởng nhớ công ơn ông bà, cha mẹ, hôm nay chúng ta hành hương về La Vang, quây quần bên Mẹ để chiêm ngắm Mẹ và xin Mẹ cùng đi với chúng ta trong suốt năm mới này.

Nếu mùa xuân là khởi đầu một năm mới tinh khôi, thì Mẹ Maria là người tín hữu khởi đầu của thời đại cứu độ và là gương mẫu cho một đức tin trọn hảo như Chúa mong muốn.

Nếu mùa xuân là khởi đầu một chu kỳ mới của thiên nhiên, người ta bắt đầu các sinh hoạt của mình trong năm mới, thì sau khi được truyền tin, Mẹ Maria bắt đầu sinh hoạt của kẻ đã đón nhận Lời Chúa, bằng việc chỗi dậy lên đường đi thăm viếng bà Elisabét, bởi từ cuộc thăm viếng đó Mẹ đã trở thành vị tông đồ đầu tiên đem Tin Mừng đến cho người khác, đã trở thành hình ảnh Hội Thánh đem Tin Mừng Chúa Kitô đến cho muôn người. Mẹ đã đi từ tư thế ‘Người tín hữu đón nhận Lời Chúa’ đến tư thế ‘Người tôi tớ hành động cho Lời Ngài’.

Chúng ta cũng hành động như Mẹ… Hãy làm những việc bác ái cụ thể. Tìm những cung cách lời nói, thái độ thích hợp để chuyển đạt Tin Mừng bình an hạnh phúc của Chúa đến cho anh chị em mình.

Lạy Mẹ La Vang hiền dịu và nhân ái vô song, ngày đầu xuân mới này, chúng con đến đây cúi đầu tôn kính Mẹ với hết tình con thảo. Xin Mẹ thương tha thứ những lỗi lầm đã làm cho Mẹ buồn lòng, và xin Mẹ luôn ở bên chúng con để dắt dìu chúng con trong suốt năm mới này. Amen”.

Sau thánh lễ, cha Quản nhiệm thay mặt cộng đoàn hành hương chúc tết Đức TGM Huế. Đức TGM Huế đáp từ và ban Phép lành Tòa Thánh. Thanh tuyển dòng Mến Thánh Giá Huế trình bày vũ khúc “Mừng xuân” trước Linh đài.

10 giờ 30, bế mạc kiệu Minh niên Nhâm Ngọ 2002.

3. Hành hương đầu Tháng Hoa – Khai mạc chầu Thánh Thể quanh năm tại La Vang (4-5-2002).

+ Chương trình.

Ngày 6-3-2002, linh mục Quản nhiệm Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang (TTTMTQLV) thông báo về ngày hành hương La Vang đầu Tháng Hoa, thứ bảy 4-5-2002:

08.30: Khai mạc.

– Cộng đoàn lần chuỗi Mân Côi.

– Dâng hoa tôn vinh Mẹ.

– Thánh lễ đồng tế do ĐTGM Huế chủ tế.

– Khai mạc chầu Thánh Thể quanh năm.

+ Hành hương đầu Tháng Hoa – Khai mạc chầu Thánh Thể quanh năm tại La Vang (4-5-2002)(16)

Hành hương La Vang đầu Tháng Hoa.

Ngày 4-5-2002, ngày đầu Tháng Hoa, đông đảo giáo dân tề tựu về La Vang tham dự nghi thức dâng hoa, thánh lễ đồng tế và khai mạc chầu Thánh Thể quanh năm.

Đúng 8 giờ 30, bắt đầu nghi thức rước kiệu Đức Mẹ từ Nhà Trung tâm qua Linh đài. ĐTGM Huế dâng hoa lên Đức Mẹ. Tiếp đó đại diện linh mục đoàn, các hội dòng, các đoàn thể lần lượt lên dâng hoa kính Đức Mẹ.

Đức TGM Huế chủ tế thánh lễ đồng tế cùng cha TĐD và 30 linh mục trong ngoài giáo phận Huế.

Đức TGM chủ tế mở đầu thánh lễ:

“Chúng ta đã đi vào Tháng Hoa, tháng đặc biệt dành riêng kính Đức Mẹ. Hãy hiệp một lòng một ý để chúc tụng ngợi khen Đức Mẹ và để phó thác trong tay Mẹ mọi nỗi lo toan trong cuộc sống.

Trong thánh lễ này, chúng ta đặc biệt cầu nguyện cho ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận ở Rôma đang lâm bệnh nặng…”.

Trong bài giảng lễ, ĐTGM chủ tế chia sẻ về nguồn gốc Tháng Hoa, khuyên mọi người không chỉ dâng lên Mẹ những đóa hoa tươi xinh đẹp mà còn dâng lên Mẹ những đóa hoa lòng của mình. Ngài kết thúc bài giảng bằng lời cầu nguyện:

“Lạy Mẹ La Vang, xin Mẹ hãy nhận lấy những đóa hoa lòng của chúng con, tuy đơn sơ, chân thành nhưng đượm tình yêu mến. Xin Mẹ chúc lành cho chúng con”.

Khai mạc chầu Thánh Thể quanh năm tại La Vang.

Sau thánh lễ, Đức TGM Huế cung nghinh Thánh Thể từ Linh đài vào Nhà nguyện Đức Mẹ, long trọng khai mạc chầu Thánh Thể quanh năm. Mỗi ngày đều có các phiên chầu từ 9 giờ đến 16 giờ dành cho các cộng đoàn tu sĩ nam nữ trong GP Huế, dành cho các địa sở và các giáo xứ thuộc GP Huế, thay mặt cho các đoàn hành hương trong nước và hải ngoại, giáo dân hoặc các đoàn thể tự nguyện đăng ký.

Với ngày chầu Thánh Thể khai mạc chầu Thánh Thể quanh năm tại La Vang, do Đức TGM Huế chủ sự hôm nay, Linh địa La Vang thật sự trở nên một Trung tâm của sự cầu nguyện theo đúng ý nghĩa Trung tâm Thánh Mẫu, nơi Đức Mẹ muốn dẫn đưa mọi người đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, là trung tâm điểm của Giáo hội tại thế.

Khoảng 1.000 người có mặt trong ngày đáng ghi nhớ này.

4. Khánh thành nhà nguyện Thánh Thể tại Trung tâm Thánh Mẫu La Vang (14-6-2002).

Vào lúc 9 giờ ngày thứ sáu 14-6-2002, Đức TGM Huế Têphanô Nguyễn Như Thể chủ sự Lễ Khánh thành Nhà nguyện Thánh Thể vừa xây dựng xong.

Trước hết, tại Nhà nguyện Đức Mẹ, Đức TGM Huế đặt Mình Thánh Chúa trên bàn thờ, niệm hương thờ lạy Thánh Thể. Cộng đoàn hát bài Thờ Lạy Chúa. Tiếp theo là cuộc rước, cung nghinh Mình Thánh Chúa từ Nhà nguyện Đức Mẹ sang Nhà nguyện Thánh Thể. Cuộc rước tuy không đông nhưng trang nghiêm sốt sắng với đầy đủ các thành phần Dân Chúa trong GP Huế.

Sau 15 phút đi kiệu, đoàn rước Thánh Thể đến nhà nguyện mới. Đức TGM chủ sự đặt Mình Thánh Chúa vào nhà chầu, niệm hương tôn vinh Thánh Thể. Cộng đoàn hát bài Đây lòng Chúa ái tuất. Đức TGM quỳ trước Thánh Thể dâng lời cầu nguyện:

“Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, thế là niềm mong ước của chúng con bao lâu, nay trở thành hiện thực. Chúng con được đặt Mình Thánh Chúa hằng ngày tại Thánh địa La Vang, trong Nhà nguyện Thánh Thể này.

BÊN TRONG NHÀ NGUYỆN THÁNH THỂ

(Ảnh: Trần Quang Chu, 2002)

Từ đầu tháng năm đến nay, chúng con đã được chiêm ngưỡng Chúa hằng ngày tại nhà nguyện Đức Mẹ, nhưng hôm nay, chúng con cung nghinh Chúa đến nhà nguyện mới này. Tuy đây chỉ là một nhà nguyện đơn hèn, nhưng chúng con tin Chúa chỉ nhìn vào tâm hồn chúng con. Chúa chỉ muốn những tâm hồn biết cầu nguyện, những tâm hồn sống trong sạch, sống thánh thiện.

Chúng con xin Chúa cho chúng con siêng năng chầu Thánh Thể tại Thánh địa La Vang này, theo phiên của các cộng đoàn, các giáo xứ của chúng con.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin Chúa chúc lành cho những ai đang hiện diện cũng như những người vắng mặt. Xin Chúa làm cho sinh hoa kết quả công việc siêu nhiên của chúng con tại Thánh địa La Vang này…”.

Đức TGM chủ sự ban Phép lành Mình Thánh Chúa trọng thể, sau đó ngài đặt hào quang Thánh Thể vào nhà chầu bằng gỗ quý được chạm trổ công phu, có mái cong kiểu Á Đông. Phía trên nhà chầu Thánh Thể có hai dòng chữ màu vàng:

THÁNH THỂ CHÚA GIÊSU –

NGUỒN MẠCH ƠN CỨU ĐỘ.

Phiên chầu khai mạc trong Lễ Khánh thành Nhà nguyện Thánh Thể kết thúc, nhưng các phiên chầu luân phiên vẫn tiếp tục như đã bắt đầu từ tháng năm.

Hết Chương 21.

Xem tiếp Chương 22.

———————————————————————————-

 

(10) Ghi lại từ bảng thông báo trên Linh đài Đức Mẹ, đầu tháng 7-2001.

(11) Lm. Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang (chủ biên): Nội san Sống Tin Mừng. Số 14, th.8-2001, tr.17-22.

(12) Lm. Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang (chủ biên): Nội san Sống Tin Mừng. Số 14, th.8-2001, tr.22-31 + Tb. Công giáo và Dân tộc. Số 1321, th.8-2001, tr.18.

(13) Số liệu từ Lm. Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang: Nội san Sống Tin Mừng. Số 14, th.8-2001, tr.31.

(14) Lm. Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang (chủ biên): Nội san Sống Tin Mừng. Số 18, th.12-2001, tr.15-23.

(15) Lm. Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang (chủ biên): Nội san Sống Tin Mừng. Số 18, th.2-2002, tr.8-13.

(16) Lm. Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang (chủ biên): Nội san Sống Tin Mừng,số 22, th.5-2002, tr.21-22.

=> Tài liệu dạng Word, xin nhấn vào đây để tải Tập 4 – Chương 21 – Phần 2