Bí quyết hạnh phúc – Suy niệm Chúa Nhật 4 thường niên – Năm A

26/01/2023

Tin Mừng Mt 5,1-12A

Khi ấy, thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người lên tiếng dạy họ rằng:

“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. Phúc thay ai khao khát nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng. Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao”.

************************************

BÍ QUYẾT HẠNH PHÚC

Thomas Anthony Dooley III (1927-1961, quen gọi là Tom Dooley) là một nhà hoạt động nhân đạo Công giáo Hoa Kỳ nổi tiếng thế giới thập niên 40-50 thế kỷ trước. Sau khi tốt nghiệp y khoa, Dooley đăng ký vào hải quân với tư cách một bác sĩ. Một buổi chiều tháng 7 năm 1955 nóng bức ở ngoài khơi Việt Nam, một biến cố trọng đại trong đời chàng xảy đến. Đó là lúc chiếc tàu của chàng vớt được một toán người tỵ nạn từ miền Bắc đang trôi vật vờ vô vọng trên một chiếc mảng không buồm. Nhiều người tỵ nạn đã lâm vào tình trạng ốm đau. Vì là bác sĩ duy nhất trên tàu, chàng phải đích thân loay hoay điều trị thuốc men cho đám người khốn khổ. Công việc vất vả nhưng Dooley đã cảm thấy một cái gì mới mẻ trong tâm hồn mình. Chàng kể lại “Nhiều giờ sau đó, khi ngừng tay một chút để vươn vai, chợt tôi khám phá ra một điều, điều vĩ đại nhất trong đời tôi, đó chính là lúc vất vả điều trị cho đám người khốn khổ, tôi mới cảm thấy hạnh phúc, hạnh phúc hơn bao giờ hết”.

Cảm nghiệm có được buổi chiều nóng nực tháng 7-1955 ấy đã vĩnh viễn thay đổi cuộc đời Dooley. Sau khi rời hải quân, chàng trở lại rừng rậm Đông Nam Á (Muong Sing bên Lào) và dựng lên một bệnh viện nhỏ, phục vụ cho những người nghèo. Một trong những đoạn Thánh Kinh được Dooley yêu thích nhất là bài Tin Mừng hôm nay. Chàng nói : làm việc giữa đám dân nghèo giúp chàng thấu hiểu một cách mới mẻ và sâu sắc về các mối phúc thật. Mối phúc thứ ba “Phúc thay ai sầu khổ” được chàng giải thích như sau : “Sầu khổ là ý thức về nỗi cùng khốn trên trần gian chứ không phải là mơ tưởng lạc thú mình chưa được hưởng hay đã bị mất. Nếu bạn cực kỳ nhạy cảm với nỗi khổ của tha nhân và sẵn lòng làm một điều gì đó, dù nhỏ nhoi cách mấy, để làm dịu bớt nỗi khổ ấy thì bạn không thể nào không hạnh phúc được”.

1- Bảng giá trị ngược đời trước mắt thiên hạ…

Cảm nghiệm như bác sĩ Tom Dooley thì chắc không phải là tất cả mọi người. Nên Chúa Giê-su quả đã chẳng tâm lý chút nào và thực sự thiếu chiến thuật khi đưa ra lời “hiệu triệu quần chúng”, “hiến chương lập quốc” mở đầu sứ vụ hôm nay. Khác mọi thủ lãnh trần gian luôn đề cao thịnh vượng, phú túc, hùng cường và hứa hẹn một tương lai huy hoàng sắp đến (“những ngày mai ca hát” như K. Marx nói) trong những tuyên ngôn chính trị hào hứng nẩy lửa, Chúa Giê-su chỉ đưa ra một bảng giá trị và những nhận định quá ư ngược đời ! Thiên hạ chẳng cho là hạnh phúc những ai giàu có, thành công, hùng mạnh, cười vui, khôn khéo, quyền lực và an nhàn hưởng thụ đó sao ? Thế mà Chúa lại bảo là phúc thay hạng người có những nhân đức bị triết gia vô thần Friedrich Nietzsche bảo là “nhân đức súc vật” (nghĩa là hèn yếu, tầm thường, đáng khinh bỉ).

Thật ra Chúa Giê-su không đề cao sự bần cùng vô sản, cũng chẳng bảo rằng muốn hạnh phúc thì phải là kẻ khố rách áo ôm, luôn lo âu phiền muộn (Nghèo khó là nghèo khó trong tinh thần, nghĩa là có ý thức siêu thoát, từ bỏ. Sầu khổ là đau đớn vì những bất công bất hạnh xảy đến cho tha nhân hay vì những lỗi lầm thiếu sót mà bản thân mắc phải trong tình mến). Người cũng không nói hạnh phúc đó là hạnh phúc tương lai như một thứ thuốc phiện ru ngủ, một kiểu đền bù cho cuộc đời hôm nay thiếu thốn, lao nhọc, khốn khổ; nhưng là hạnh phúc hiện tại, ngay bây giờ. Chúng ta tất cả được kêu gọi tiến về thế giới mới của niềm vui vô biên (Nước Trời vĩnh cửu). Nhưng chúng ta bây giờ đã là những con người của tương lai đó. Chúng ta sẽ không nhận một phần bánh ga-tô Thiên đàng được phân chia tương ứng với kiếp sống lo lắng, đau khổ hiện tại. Chúng ta sẽ mãi mãi là khả năng vui tươi mà chúng ta đã thủ đắc và đào sâu trong bản thân trên trái đất này. Hạnh phúc Thiên đàng chỉ là sự tiếp nối và triển nở đến vô cùng hạnh phúc đang được nghiệm thấy khi ta sống các Mối phúc thật. Nói một cách nào đó, người ta không được Thiên đàng song trở nên Thiên đàng !

2… nhưng nằm trong “lôgích” của tình yêu và hạnh phúc.

Suy cho cùng, sở dĩ 8 hạng người trên được Chúa Giê-su nhận định là có phúc (ngay từ đời này), bởi lẽ 8 thái độ đó là những khía cạnh khác nhau của tình yêu đích thật. Thiên Chúa Tình Yêu đã định rằng chúng ta chỉ hạnh phúc khi sống yêu thương (vật chất đem lại khoái lạc, kiến thức đem lại vui thú, quyền lực đem lại thỏa mãn, nhưng chưa hẳn mang lại hạnh phúc; bạn cứ nhìn nhân tình thế thái thì rõ, cứ quan sát cuộc đời hay ít nhất kết thúc bất hạnh của bao người quyền cao chức trọng của đầy trong lịch sử sẽ hay). Mà yêu thương thì không thể gắn bó với của cải, sống tranh chấp với người khác, thờ ơ trước nỗi bất hạnh của tha nhân, gây bất hòa chia rẽ để thủ lợi, ngày đêm suy tính những mưu đồ để thêm quyền và thêm tiền, trấn áp những ai nghĩ khác, nói khác, làm khác với mình, và đóng kín trong tháp ngà sung túc cá nhân. Hạnh phúc nằm ở chỗ ra khỏi chính mình, đi tìm hạnh phúc cho anh em và vinh quang cho Thiên Chúa, nhiều khi đến độ lãnh lấy thiệt thòi cho bản thân, y như chính Chúa Giêsu và bao vị thánh trong lịch sử Giáo hội. Người ta trở nên Thiên đàng là trạng thái yêu thương tuyệt đối nhờ đã sống yêu thương trong cõi tương đối này.

Một khi ta đã gia nhập Nước Trời (Giáo hội), thì các Mối phúc trở thành bí quyết hạnh phúc đích thật và chương trình sống như sau: nếu tin vào Chúa Giê-su thì nghèo khó, hèn mọn, sầu khổ không hẳn là bất hạnh, mà trái lại, của cải, danh vọng và sung sướng lại có thể thành trở ngại cho con người tiến lên hạnh phúc. Ba mối phúc đầu dạy phải vượt qua được những trở ngại đó. Ba mối phúc tiếp theo giúp xây dựng đời sống trên ba cơ sở vững chắc, theo ba hướng căn bản: Thiên Chúa (khát khao nên công chính), tha nhân (xót thương người) và bản thân (tâm hồn trong sạch). Phúc thứ bảy nói đến sứ mệnh hòa giải của người môn đệ : biến cả thế giới thành một gia đình, trong đó mọi người đều là anh em cùng một Cha với nhau trong Chúa Giê-su. Cuối cùng, phúc thứ tám là tuyệt đỉnh đời sống người môn đệ: được đồng hóa với Thầy, Đấng đã chết vì tình yêu, công lý và sự thật. Và đó cũng sẽ là tuyệt đỉnh của hạnh phúc.

Gandhi, một thánh nhân của Ấn giáo, Cha già dân tộc của nước Ấn Độ, đã say mê Tám mối phúc thật này. Ông đã lấy nó làm tinh thần cho thuyết bất bạo động của ông để tranh đấu giành độc lập cho tổ quốc. Ông cũng đã trả lời cho Nietzsche qua câu nói : “Bạo lực là lối ứng xử của thú vật. Tình thương là lối ứng xử của loài người”. Các thánh của chúng ta là những đấng đã thực hiện Bát phúc trong cuộc đời, đã nhờ đó cảm nghiệm được hạnh phúc và đã đem lại hạnh phúc cho kẻ khác. Còn bạn, bạn nghĩ sao ?

Lm. Phê-rô Phan Văn Lợi