Tin Mừng Mt 17,1-9
Khi ấy, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng.Và bỗng các ông thấy ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người.
Bấy giờ ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô-sê, và một cho ông ông Ê-li-a”. Ông còn đang nói, chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người !”. Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất.
Bấy giờ Đức Giê-su lại gần, chạm vào các ông và bảo: “Trỗi dậy đi, đừng sợ !”. Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giê-su mà thôi.
Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông rằng: “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy”.
************************************
CÁI GIÁ CỦA VINH QUANG
Cả ba Tin Mừng Nhất lãm đều nhất trí đặt câu chuyện này ở khúc quanh sứ vụ Đức Giê-su. Thoạt đầu, quần chúng đã đi theo Người nhưng hoàn toàn lầm lẫn về Người. Việc hóa bánh ra nhiều, kéo theo dự tính của họ là tôn Người làm vua, đã nêu bật sự hiểu lầm đó. Đức Giê-su thật sự gặp thất bại. Cùng lúc, tất cả giới trí thức tôn giáo đương thời đã nhân danh giáo lý truyền thống mà khước từ Người : các ký lục và phái Pha-ri-sêu không ngừng giăng bẫy cho Người và tố cáo Người phá hoại tôn giáo (x. Mt 12,2.14.24.38; 15,2; 16,1.6). Nhận thấy việc rao giảng cho quần chúng của mình thất bại, Đức Giê-su nay tập trung vào việc huấn luyện môn đồ. Người loan báo cho Nhóm 12 biết thử thách lớn lao hòng đến sau khi đã nghe lời tuyên xưng của họ tại Xê-da-rê Phi-líp-phê (x. Mt 16,13-20). Phê-rô tìm cách lôi kéo Đức Giê-su khỏi viễn tượng cái chết đau đớn nhuốc nhơ này. Người liền quở trách ông và hứa rằng vinh quang thật sự sẽ tới, nhưng sau thập giá ô nhục. Đấy chính là bối cảnh bi thương của câu chuyện hôm nay.
1. Biến hình vinh quang.
Đức Giê-su đem ba môn đồ lên núi. Trong Mt, núi là một chủ đề thần học giàu ý nghĩa : núi Cám dỗ (x. Mt 4,8), núi Bát phúc (x. Mt 5,1), núi Hóa bánh ra nhiều (x. Mt 15,29), núi Đấng Phục sinh từ giã (x. Mt 28,16). Ở đây, trên núi Biến hình, cuộc thần hiển núi Xi-nai được lập lại; nhưng đó không phải là “núi Xi-on” tại Giê-ru-sa-lem vinh quang mà là một ngọn núi khiêm tốn của vùng “Ga-li-lê dân ngoại”. Thiên Chúa chỉ tỏ mình cách “thầm kín”. Người từ chối mọi danh dự, nghi lễ ngoạn mục.
Hơn hai thánh sử kia, Mt nói đến “ánh sáng”. Như Mô-sê trên núi Xi-nai đã nhận được phản ảnh vinh quang Thiên Chúa nên “da mặt ông đã nên chói lọi” (Xh 34,29), như Con Người trong Đa-ni-en 7,9 đã được mô tả với những hình ảnh khải huyền : lửa, ánh sáng, trắng tinh, chói ngời, Đức Giê-su ở đây cũng biến đổi hình dạng (chứ không chỉ khuôn mặt), trở về với nguyên phận “của một vị Thiên Chúa” mà Người đã từ giã để “đội lốt phàm nhân” (x. Pl 2,6.7). Khi thêm rằng: “Dung nhan Người chói lọi như mặt trời”, Mt nhắc lại lời đã hứa cho các tín hữu ở chương 13 câu 43; như thế, Đức Giê-su là người đầu tiên và là vị hướng dẫn những ai “sẽ chói lọi như mặt trời trong Nước của Cha họ”.
Người muốn cho ba môn đệ có trước một kinh nghiệm về vinh quang tương lai của mình, để dự phòng cho họ khỏi thất vọng khi ô nhục thập giá xảy đến, khi chứng kiến sự “biến dạng và đau khổ” của Người trong cuộc tử nạn. Người đồng thời cũng muốn dạy họ, và cả chúng ta, rằng vinh quang phục sinh chỉ đến cuối con đường thập giá gian nan. Muốn biến hình vinh quang thì trước đó phải chấp nhận biến dạng đau khổ đã. Mà vinh quang nào chẳng thế, phải không bạn ?
2. Cảm nghiệm tuyệt vời.
Phê-rô, con người đã lên tiếng tuyên xưng sáu ngày trước đó, nay cũng mở lời thay cho hai bạn. Đầy tự tin, bốc đồng, quảng đại. Ông đã nhận ra Đấng Mê-si-a mong chờ qua hai nhân vật chủ chốt của Cựu Ước đang chầu hầu Đức Giê-su : Mô-sê và Ê-li-a, Lề luật và các Ngôn sứ… Mô-sê là người đã thành lập dân Thiên Chúa ở hoang địa trên núi Xi-nai, còn Ê-li-a là người sẽ phải trở lại như tiền hô của Đấng Mê-si-a để khai mạc Thời Tận cùng (x. Mt 17,10.13). Quá sung sướng vì khám phá của mình, Phê-rô muốn khoảnh khắc hạnh phúc và vinh quang này ngưng đọng lại mãi mãi. Ông muốn dựng một ngôi nhà cho Thiên Chúa.
Nhưng chính Thiên Chúa lại đến dựng ngôi nhà của Người. Một đám mây bao phủ ba môn đồ, như Thánh Thần đã “phủ bóng trên Ma-ri-a” trong ngày Truyền tin, như đám mây bao phủ “Trướng tao phùng” (Lều hội ngộ) thời Xuất hành trong hoang địa. Rồi một tiếng nói từ đó phát ra. Tiếng nói lặp lại mạc khải ngày Đức Giê-su chịu phép rửa : Đức Giê-su không chỉ là con người, mà còn là Con Thiên Chúa, Con yêu dấu, Con độc nhất. Nhưng điều đã được nói trong thầm kín, dành cho một mình Đức Giê-su, khi Người bắt đầu sứ vụ… thì nay được nói lại cho các môn đệ với một hậu quả mới : “Hãy nghe lời Người”.
Các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất, vì nhận ra mình đang đứng trước một cuộc thần hiển. Họ thờ lạy ! Đây là phản ứng tôn giáo trước thiêng thánh ! Là hành vi cao cả nhất của con người. Sống. Mến yêu. Thờ lạy. Con người đâu được dựng lên để khép kín nơi chính mình trong một thứ tự hủy! Nó được tạo nên để mở ra với “kẻ khác” (tha nhân) bằng tình yêu. Và nó được kiện toàn khi mở ra với “Đấng hoàn toàn khác” (Toàn tha) bằng thờ lạy. Và điều đó luôn luôn mặc hình thức một thứ tự hủy : phải chết để sống… vì để “yêu” tha nhân cũng đã phải chết cho chính mình rồi ! Nhưng nếu con người tự hủy, sấp mặt xuống đất, khi đến gần Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ “lại gần … chạm vào… và nâng họ dậy”. Sở dĩ Thiên Chúa nói từ “đám mây”, thì không phải để đè bẹp con người xuống đất cho chết, nhưng là để phục sinh họ !
Nhưng trong lúc chờ đợi, Phê-rô cùng hai bạn lại phải xuống núi. Và nếu muốn, họ sẽ phải thay hình đổi dạng cái thường ngày. Phê-rô sẽ sống những ngày dài đơn điệu, gian khổ, thất bại, bắt bớ, tử đạo. Nhưng suốt đời ông, ông sẽ nhớ mãi giây phút thoáng qua trong đó ông “đã nghe thấy tiếng Thiên Chúa từ trời phán ra khi ở trên núi thánh với Thầy” (x. 2Pr 1,16.18). Mỗi một Thánh lễ của chúng ta là một cuộc dừng chân trên núi với Chúa Giê-su, một cuộc dừng chân để củng cố, để thêm hy vọng, để được an ủi. Nhưng rồi chúng ta phải trở lại với cuộc sống mỗi ngày, với niềm xác tín : các phận sự thường nhật, các thử thách và đau khổ của chúng ta rồi đây sẽ mặc tất cả ý nghĩa của chúng : dẫn tới vinh quang của cuộc biến hình muôn thuở.
Tuy nhiên, đôi khi để nâng đỡ đức tin chúng ta, Chúa cũng cho ta thấy trước chút ánh sáng của cuộc biến hình đó như nơi câu chuyện sau đây. Trong một bài báo tự thuật, Malcolm Muggeridge, một ký giả kiêm văn sĩ vô thần người Anh (1903-1990) về sau trở lại Ki-tô giáo, từng kể lại việc nhóm chuyên viên truyền hình của ông có lần cố gắng thực hiện một bộ phim tài liệu về Mẹ thánh Têrêsa Calcutta. Họ muốn quay cảnh Mẹ cùng các nữ tu Bác ái đang làm việc trong Nhà Hấp hối, bên cạnh những kẻ nghèo khổ sắp từ biệt cõi đời. Thế nhưng nhóm của Malcolm đã gặp phải một vấn đề khó khăn: căn phòng họ tính quay phim không đủ ánh sáng cần thiết cho việc thâu hình, mà trong nhà lại chẳng có một ổ cắm điện nào cả. Tuy nhiên, sau khi bàn thảo, họ quyết định cứ tiến hành thu hình trong cảnh tranh sáng tranh tối của căn phòng.
Nhưng rồi, trước bao cặp mắt ngạc nhiên, những thước phim thâu được lại tuyệt vời quá sức tưởng tượng. Ánh sáng trong các hình ảnh đạt đến mức độ hoàn hảo. Dường như đã có một luồng hào quang ấm dịu nào đó tỏa ra trong lúc họ đang quay phim. Malcolm lúc bấy giờ đã bị thuyết phục hoàn toàn với ý nghĩ là ánh sáng đã xuất phát từ tình thương mà người ta có thể bắt gặp khắp nơi trong căn Nhà Hấp hối. Malcolm viết lại trong nhật ký của mình: “Chính tình yêu đã chiếu sáng, một thứ ánh sáng giống như hào quang trên đầu các thánh mà tôi từng được xem thấy vậy”.
Lm. Phê-rô Phan Văn Lợi