1Khi ấy, Đức Giê-su đang đứng ở bờ hồ Ghen-nê-xa-rét, dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa. 2Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. 3Đức Giê-su xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Si-môn, và Người xin ông chèo ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông.
4Giảng xong, Người bảo ông Si-môn: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.” 5Ông Si-môn đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.” 6Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. 7Họ đã làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm.
8Thấy vậy, ông Si-môn Phê-rô sấp mặt dưới chân Đức Giê-su và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi !” 9Quả thế, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Si-môn và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. 10Cả hai người con ông Dê-bê-đê, là Gia-cô-bê và Gio-an, bạn chài với ông Si-môn, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ, Đức Giê-su bảo ông Si-môn: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.” 11Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.
CÓ TẤT CẢ VÀ BỎ TẤT CẢ
“Vào lúc khởi đầu thiên niên kỷ mới và đóng lại cuộc Đại Toàn xá, trong đó chúng ta đã cử hành lễ tưởng niệm 2000 năm Đức Giê-su giáng sinh, để bắt đầu một giai đoạn mới trong cuộc hành trình của Giáo Hội, lòng chúng ta lại vang lên lời mời của Đức Giê-su mà ngày nọ, sau khi đã giảng dạy đám đông từ trên thuyền của Si-môn, Người đã ngỏ với vị Tông đồ: “Chèo ra chỗ nước sâu” mà thả lưới bắt cá: “Duc in altum” (Lc 5,4). Phê-rô và các bạn của ông đã tin và lời Đức Ki-tô mà “làm như vậy, và họ đã bắt được rất nhiều cá” (Lc 5,6)”. Đó là câu khai mở Tông thư “Khởi đầu thiên niên kỷ mới” mà Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô đã ban hành ngày Lễ Hiển Linh 6-1-2001. Trong Tông thư này, dài 31 trang, với 4 chương, 59 số và 32 đề mục, Đức Thánh Cha nêu ra những nhận định tổng kết về các hoạt động Năm Thánh và về tình hình Giáo Hội cũng như của thế giới hiện nay và tương lai. Người cũng vạch ra những đường hướng và chỉ ra những phương thế để Giáo Hội sống thiên niên kỷ mới cách tốt đẹp. Và ĐTC kết luận (số 58): “Chúng ta hãy tiến tới trong niềm hy vọng ! Một thiên niên kỷ mới đang mở ra trước mắt Giáo Hội như một đại dương mênh mông mà dựa và sự trợ giúp của Chúa Ki-tô, chúng ta sẽ mạo hiểm đi vào.”
Một phần tư thiên niên kỷ mới, Năm thánh 2025 hiện thời, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô cũng viết trong Sắc chỉ Spes non confundit (Hy vọng không làm thất vọng): “Trong những thế kỷ đầu tiên của Ki-tô giáo, nhiều công nghị được tiến hành cả ở phương Đông lẫn phương Tây, làm nổi bật tầm quan trọng của việc duy trì sự hiệp nhất của Dân Thiên Chúa và lòng trung thành với việc loan báo Tin Mừng. Năm Thánh có thể là một cơ hội quan trọng để cụ thể hóa hình thức hiệp hành này, vốn được cộng đồng Ki-tô hữu ngày nay coi là một biểu hiện ngày càng cần thiết để đáp ứng tốt hơn trước tính cấp bách của việc truyền giáo: tất cả những người đã được rửa tội, mỗi người với đặc sủng và nhiệm vụ của mình, đều có trách nhiệm trở nên những dấu chỉ hy vọng làm chứng cho sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới.” (số 17).
1. Có Thầy là có tất cả
“Với sự trợ giúp của Chúa Ki-tô, chúng ta sẽ mạo hiểm đi vào.” Đó chính là ý nghĩa thứ nhất của bài Tin Mừng hôm nay. Một cái hồ nhỏ, một hải cảng nhỏ, một nhà giảng thuyết trẻ, vài ngư phủ quê mùa, cuộc phiêu lưu của Giáo Hội đã khởi đầu như vậy theo Lu-ca thánh sử. Khi mô tả khởi điểm này, ông đã thấy những “mẻ người” đầu tiên, những bước đầu của Giáo Hội trong thế giới dân ngoại. Tin Mừng lúc ấy đã vượt Địa Trung Hải và tới Rô-ma. Phần lớn chúng ta, làm sao không nghĩ đến những đoàn tín hữu mênh mông ?
Nhưng cũng phải nghĩ đến những kẻ đang chờ các ngư phủ. Đoạn Tin Mừng này là dành cho mỗi người chúng ta, như Tông thư và Sắc chỉ trên có nói rõ, thậm chí cả câu 10 thời danh, tiêu điểm của cả đoạn: “Từ nay anh sẽ là kẻ lưới người”, câu nói đã đi vào lòng nhiều bạn trẻ nay trở thành Linh mục và thừa sai truyền giáo.
Và khi đọc lại hôm nay trang Tin Mừng của Lu-ca, có lẽ họ cũng cảm thấy dâng lên một nỗi thất vọng: thu phục ở đâu, như thế nào ? Đó chính là đích nhắm trình thuật này: niềm tin tưởng vào Đức Giê-su chính là phương thuốc chống lại sự thất vọng. Khi khai mạc cuộc “lưới người” mênh mông, cuộc truyền giáo vĩ đại, Đức Giê-su tung ra một lời cảnh cáo mà ta chớ có bao giờ quên: không có Thầy, lưới của chúng con sẽ rỗng. Chân lý căn bản này, chúng ta không luôn thấy rõ lúc 20 tuổi. Một khi đã dấn thân vào sứ vụ tông đồ, chúng ta lao nhọc ngày đêm nhưng không làm việc đủ với Đức Giê-su. Chúng ta nới lỏng việc cầu nguyện, chúng ta xem thường đời sống bí tích, chúng ta máy động, chúng ta vùng vẫy, và một hôm nào đó, chúng ta cảm thấy nản lòng: mình đã nhọc công vô ích.
Để phòng ngừa nỗi thất vọng đó, hãy suy niệm trang Tin Mừng hôm nay, nơi Đức Giê-su cho thấy cái chúng ta có thể làm khi tin tưởng Người. Người chọn cái có thể đánh động Phê-rô và các tông đồ đầu tiên hơn cả: nghề của họ. Và Người đã làm cho họ phải bực tức. Một tay thợ mộc như Người mà dám đưa ra lời khuyên cho những tay đánh cá chuyên nghiệp, cho những kẻ đã quá mệt mỏi vì cả một đêm gắng sức vô ích.
Các tông đồ chuyên nghiệp sẽ thấy mình trong cảnh đó. Kiệt lực vì những cố gắng cũng vô ích như thế, họ sẽ bị cám dỗ đẩy lùi ý tưởng phó thác cho Đức Giê-su, nghĩa là nại đến việc cầu nguyện. Mà chắc rằng mọi Ki-tô hữu, trong công việc tông đồ hạn hẹp nhất và không chính thức nhất của mình, cũng có ước muốn buông xuôi hay tìm những kỹ thuật khác hơn là gieo mình vào lời cầu nguyện. Tuy nhiên, chỉ duy nhất việc này mới có thể đem lại cho chúng ta nhiệt tình của vị Tông đồ trưởng. Dù là thợ mộc hay không, ĐGS đã chinh phục ông: “Vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.”
Chúng ta sẽ không đem về những lưới đầy cá và những chiếc thuyền nặng trĩu, chúng ta không còn ở vào cái thời mà Đức Giê-su dùng đến một phép lạ để củng cố niềm tin tưởng mới thành hình. Nhưng chúng ta biết, qua các mẻ lưới truyền giáo vĩ đại, cái mà người đã có thể làm với Đức Giê-su. Chúng ta có Công vụ Tông đồ, các trình thuật truyền giáo và mọi cuộc sống của các thánh để làm sống dậy niềm tin tưởng của chúng ta. Chỉ duy thái độ này mới có thể biến chúng ta thành những tông đồ chịu khó nhưng biết nhìn Đức Giê-su luôn mãi: Vâng lời Thầy, và vâng cho đến cùng, con sẽ thả lưới. Có Thầy là có tất cả.
2. Theo Thầy phải bỏ tất cả
Nhờ “vâng lời” Đức Giê-su đến độ liều lĩnh như thế, Phê-rô đã thu được một bất ngờ và kỳ diệu. Bấy giờ câu chuyện chuyển sang ý nghĩa thứ hai: trình bày một ơn gọi điển hình, vì tập chú vào những lời tiêu biểu của mọi ơn gọi : “từ bỏ và bước theo.”
Như I-sai-a trong bài đọc thứ nhất (Is 6,1-2a.3-8: “Tôi là một người môi miệng ô uế…”), Phê-rô cũng cần phải nhận ra sự nhơ bẩn của mình để được thanh tẩy: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi !”, trước khi, như I-sai-a, bước vào một viễn ảnh tông đồ lớn lao, được giao phó một sứ mạng cứu rỗi khó khăn, một công cuộc vô cùng vinh quang nhưng cũng vô cùng đòi hỏi. Chính vì thế, duy nhất trong các tác giả Tin Mừng, Lu-ca ghi chú ở đoạn cuối: “Họ bỏ hết mọi sự.” Sự từ bỏ chân thật, đức khó nghèo triệt để, việc chọn lựa hoàn toàn Nước Thiên Chúa là những đòi hỏi cần thiết trong ơn gọi Ki-tô hữu. Trong lúc hai tác giả Tin Mừng khác như Mt và Mc chỉ ghi chú: “Họ bỏ thuyền và cha mà theo Người”, thì Lc ngược lại, ông vạch một ranh giới rõ ràng và toàn diện hơn: “Họ bỏ hết mọi sự mà theo Người.” Từ “mọi sự” này sẽ được lặp lại trong chuyện ơn gọi của Mát-thêu, tay thu thuế: “Ông bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người” (5,28), và sẽ được lặp lại cho mỗi môn đệ: “Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được” (14,33).
Đây là bước khó khăn phải hoàn thành, vì chúng ta bị ràng buộc bởi một mạng lưới chằng chịt gồm vô số mối lợi, sở hữu, lưu luyến, thậm chí sợ hãi đối với nhiều người và nhiều vật. Trong cái xã hội mà quyền lực thế gian đang dùng những mối lợi nhỏ nhoi như phương thế công cụ hóa tôn giáo này, sự từ bỏ đó càng thêm khó khăn. Tuy nhiên, như các môn đệ sẽ khám phá, ơn gọi theo Chúa là một sự “từ bỏ”, “mất mát” khá lạ lùng vì sau đó họ “sẽ được anh chị em gấp trăm” thật sự trong những con người mà họ sẽ “thu phục”.
Đối với mỗi người trong chúng ta cũng vang dội tiếng gọi đã ngỏ với I-sai-a và Phê-rô, dầu dưới những hình thức khác nhau. Thiên Chúa chờ đợi câu trả lời của chúng ta. Bất chấp các lần lữa, từ chối, ngập ngừng, trốn chạy, Người vẫn kiên nhẫn theo chúng ta, chờ đợi quyết định của chúng ta. Trong tiểu thuyết “Ai nấy có đêm của mình”, văn sĩ Julien Green từng viết đại ý: “Đúng thế, Thiên Chúa theo chúng ta từng bước. Dĩ nhiên bạn không dễ chấp nhận điều đó đâu. Có những lần bạn muốn xua Người đi, như thể đó là một kẻ ăn mày: “Chúa đi đi. Hãy để con vui chơi giải trí. Chúa làm con quá nản ! Để con yên nào !” Người sẽ đi xa một chút, nhưng không bỏ hẳn. Sau đó Người sẽ trở lại. Người đã quen với những lăng nhục và khước từ rồi.”