17Khi ấy, Đức Giê-su ở trên núi xuống cùng với Nhóm Mười Hai, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, có nhiều môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng đến từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đôn.
20Thấy vậy, Đức Giê-su ngước mắt nhìn các môn đệ và nói: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. 21Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc lóc, vì anh em sẽ được vui cười. 22Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xóa tên như đồ xấu xa. 23Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từ bị cha ông họ đối xử như thế.
24“Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi. 25Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói. Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than. 26Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế.”
PHÚC HỌA BỞI ĐÂU
Phụng vụ hôm nay trình bày cho ta một trang Tin Mừng nổi tiếng: các mối Phúc thật theo truyền bản Lu-ca. Nguyên thủy của diễn từ này, Đại Hiến chương đích thật của Ki-tô giáo, có lẽ là một loạt những lời Đức Giê-su đã nói trong nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng sau đó được “sưu tập” lại. Nó là sự tổng hợp dung mạo tinh thần luân lý của các môn đệ Đấng Ki-tô, là lời kêu gọi triệt để ngỏ với những ai đã chọn theo Đức Giê-su lẫn Nước Trời và giờ đây phải bày tỏ lối sống của mình như tân tạo vật.
Các mối phúc của Lu-ca nổi bật bởi tính vắn gọn của chúng (4 so với 9 trong Mát-thêu) và được cân bằng bởi 4 mối họa vắng bóng trong tác giả đầu, bởi đại từ “anh em” (hay “các ngươi”) trực tiếp thốt ra cho các thính giả, khác với giọng điệu chung “Phúc thay ai…” của Mát-thêu, bởi việc nhấn mạnh đến hoàn cảnh xã hội cụ thể của các thính giả. Nếu những “anh em” này ở trong hoàn cảnh nghèo khó, đói khát, khóc lóc và bị bách hại, thì lúc đó mối phúc của Đức Giê-su dành cho họ. Nếu ngược lại, họ nằm trong hoàn cảnh đối nghịch, thì dù có tự gọi là môn đệ và được thế gian coi như bạn hữu và khen là “có phúc”, họ vẫn ở dưới lời đe dọa của tiếng “khốn cho các ngươi.”
1. Phúc vì có Nước Trời
Như trong Mát-thêu, mối phúc cốt lõi xác định và bao trùm các mối phúc khác là mối phúc khó nghèo. Hiển nhiên nó gợi nhớ hạng “người nghèo của Đức Chúa” thời Cựu Ước, hạng được xác nhận cách sống động trong các bài ca của Ma-ri-a, Da-ca-ri-a và Si-mê-ôn. Họ biểu trưng cho một thái độ cá nhân tổng quát: dẫu gặp nhiều nghịch cảnh trong cuộc sống, dẫu cảm nghiệm tính cách bi thảm của niềm hy vọng vào Đấng Vô hình, họ vẫn duy trì nguyên vẹn niềm tin vào Thiên Chúa của các lời hứa, vào Đấng Mê-si-a và Vương quốc tương lai. Được giải thoát khỏi nỗi thất vọng, họ cũng xa thói kiêu căng tự mãn lẫn óc cuồng tín cố chấp, và như thế trở thành “những người công chính bởi đức tin” (kiểu nói của Phao-lô).
Dẫu sao, theo những chủ đề thường thấy trong Lu-ca, họ cũng là những người nghèo về mặt xã hội: những kẻ bị thua thiệt, bị gạt ra bên lề, bị áp bức, bị khinh bỉ, bị tước khỏi mọi quyền lợi dân sự. Đức Giê-su tung ra sứ điệp của Người cho chính họ, tỏ lòng quan tâm đến chính họ. Bằng không thì niềm hy vọng và lời mời xây dựng Nước Trời thiếu thực chất.
Người bảo họ “có phúc vì Nước Thiên Chúa là của họ.” Điều ấy có nghĩa gì ? Phải chăng Đức Giê-su hứa hẹn cho họ niềm an ủi và sự bù trừ trên Thiên Đàng tương lai ? Rất đúng, nhưng nếu chỉ hiểu theo nghĩa đó thôi thì ta quên mất thì hiện tại của động từ “là” (“là của” chứ không phải “sẽ là của anh em”) và thiên hạ sẽ có lý do để bảo “tôn giáo là thuốc phiện ru ngủ.” Có lẽ phải hiểu thêm rằng: những người nghèo (bao giờ cũng đầy rẫy trên trần gian) luôn gặp may vì có Giáo Hội (là Nước Trời dưới thế) luôn bên cạnh họ. Đức Giê-su đã lập ra Giáo Hội là để giúp họ được làm con người trước khi làm con Chúa. Họ hãy vui lên vì có một tổ chức mạnh mẽ sẵn sàng lên tiếng bênh vực, can thiệp, đấu tranh giải thoát cho họ khỏi mọi áp bức về chính trị, kinh tế, luân lý, đồng thời khỏi mọi kềm tỏa của thần chết và tội lỗi.
Đó là điều mà những mục tử chân chính mọi thời vẫn làm, điển hình là các vị Giáo hoàng thời hiện đại với những thông điệp hay hành động về xã hội (đặc biệt là Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, người đã cùng với tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan và lãnh tụ công đoàn Ba-lan Lech Walesa làm chập mạch toàn bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu năm 1991); là các Đức Giám mục Helder Camara và Oscar Romero bên Nam Mỹ (Đức Cha Romero vì thế bị ám sát năm 1980 và nay đã được phong thánh); gần ta thì có Đức Hồng y Jaime Sin (+2005) bên Phi-lip-pin, người đã cùng với 500.000 tín hữu thực hiện cuộc xuống đường mang tên “tuần hành Giê-ri-cô” nhằm lật đổ Joseph Estrada, một tổng thống tham nhũng và đồi bại đầu năm 2001, rồi có Đức Hồng y Giuse Trần Nhật Quân bên Hong Kong luôn lên tiếng phê phán nhà cầm quyền Hoa Lục và do đó gặp vô vàn khó khăn.
Chớ cho đấy là làm chính trị, vì Giáo Hội không tranh đấu cho kẻ nghèo để biến Công giáo thành quốc giáo, các chủ chăn không chống lại một chế độ áp bức để giành ghế các thủ lãnh chính trị. Giáo Hội hiểu tự do con người là tự do toàn diện và ở đâu có áp bức, dù dưới hình thức nào (kinh tế, chính trị, xã hội, tôn giáo…) thì Giáo Hội, đặc biệt qua các chủ chăn, có bổn phận đấu tranh (dĩ nhiên bằng đường lối bất bạo động của Tin Mừng). Lập luận “đó là làm chính trị” chỉ biến Giáo Hội trở thành thuốc phiện ru ngủ như các chế độ độc tài vẫn mong ước. Các chủ chăn nào, vì muốn an thân mà không hoàn tất nhiệm vụ đòi hỏi gian khổ này, hãy suy niệm câu chuyện sau: Có người nằm mơ thấy một ông vua ở trên thiên đàng và một linh mục ở dưới hỏa ngục. Đang khi đương sự tự hỏi làm sao chuyện này có thể xảy ra được, thì một giọng nói vang lên bên tai: “Vị vua ở trên thiên đàng vì đã kính trọng các linh mục. Còn vị linh mục ở dưới hỏa ngục vì đã thỏa hiệp với các ông vua.”
2. Họa vì có của cải
Sau bốn mối phúc là đến bốn mối họa. Xin lưu ý: đây không phải là những lời chúc dữ, cầu họa, nhưng chỉ là những lời than vãn thương hại giùm thôi. Dĩ nhiên khó có thể đón nhận cả tràng thương hại này: “Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê ! Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười ! Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng !”
Một kẻ không tin sẽ bỏ đi ngay. Một kẻ tin thì buộc phải đứng lại, ngần ngừ. Chúng ta cảm thấy đối với Đức Giê-su, các hạnh phúc và các tai họa lạ lùng này là một chuyện hiển nhiên, nhưng khi chúng ta nhìn cảnh mình sống, thì luật tiền bạc xem ra hiển nhiên hơn: phúc thay những người giàu, khốn thay những kẻ nghèo. Ai nấy đều nghĩ như vậy.
Ai nấy ! Đó là vấn đề. Các Ki-tô hữu đầu tiên đã gây kinh ngạc và thành lạc lõng đến độ đức tin mới của họ thật châm chích trong các môi trường ngoại giáo. Nếu bây giờ mà Ki-tô hữu trở nên “như mọi người”, đức tin của họ chỉ có thể để cho lương dân nghi ngờ rồi phê bình: thay đổi được gì, việc tin vào Đức Giê-su ? Thay đổi tất cả… khi ta tin vào Người. Chẳng hạn ở đây phải tin vào thái độ coi khinh tiền bạc của Đức Giê-su, phải bằng mọi giá đi vào thái độ coi khinh ấy.
Kể ra Người chẳng coi khinh tiền bạc “hữu ích”. Người tán đồng niềm vui của một phụ nữ tìm lại đồng bạc đã mất và khen lao những ai đã kinh doanh giỏi (x. Lc 19,16-17). Nhưng Người biết bao khinh bỉ tay phú hộ lo tích lũy mà tưởng vậy là đảm bảo được cuộc sống: “Đồ ngốc !” (Lc 12,20).
Cuộc sống không nằm ở đó. Mối họa giàu có là lầm tưởng cuộc sống dệt nên với những hạnh phúc nhỏ nhặt, cái mà Đức Giê-su gọi là “an ủi”: “Khốn thay cho các ngươi ! Các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi !” Các ngươi có tiện nghi, an ninh và lòng quý mến rồi.
Nhưng các ngươi không có Nước Trời. Cuộc sống thật là ở chỗ đó: đi vào Nước Trời, xứ sở của tình yêu: “Xin Chúa lấy tình thương mà an ủi, theo lời đã hứa với tôi tớ Ngài đây.” Thánh vịnh 118,76 từng nói như vậy. Sự sống thật, vì đó chúng ta được dựng nên, là yêu mến Thiên Chúa và yêu mến anh em mình. Hiển nhiên phải tin vào điều nầy ! Một cuộc sống Ki-tô hữu bắt đầu chính ở hành vi đức tin đó: tin Đức Giê-su khi Người nói hạnh phúc chính là lựa chọn tình yêu. Cuộc sống không nhất thiết là lựa chọn giữa hạnh phúc và bất hạnh, nhưng đúng hơn là chọn lựa giữa các hạnh phúc nhỏ bé có thể mua với hạnh phúc lớn lao là yêu mến.
Nhưng tại sao nói rằng tiền bạc làm cho chúng ta bỏ rơi Thiên Chúa và tình huynh đệ ? Vì khi chờ đợi tất cả từ tiền bạc, ta quen với việc chẳng còn chờ gì từ Thiên Chúa và lui tới với Người càng ít đi. Và khi trở nên hám tiền thì khó mà chia sẻ: càng giàu bao nhiêu, càng cho ít bấy nhiêu, điều này quá rõ ràng. Càng bám vào địa vị bao nhiêu (nhất là địa vị đó được thế gian củng cố cho), càng ít dấn thân bấy nhiêu cho những kẻ bị áp bức bóc lột.
Vậy thì vứt bỏ tiền bạc sao ? Hay vứt bỏ Tin Mừng ? Không, xin lặp lại rằng tiền bạc có thể hữu ích, nhưng vấn đề là giữ nó luôn hữu ích thực sự, chẳng giao phó cuộc đời ta cho nó, luôn có khả năng chế ngự lòng hám của. Tin Mừng là vậy !
Vì rất khó khăn, nên có thể nói cảnh nghèo khó cho ta lắm cơ may hơn để nên một đứa con đích thực của Tin Mừng. Nhưng chưa xong đâu. Cảnh nghèo khó vẫn có thể đẩy ta vào nhiều lo lắng và một lòng hám của có thể trục xuất ta khỏi Nước Trời cách chắc chắn y như cảnh sang giàu vậy. Không hoàn cảnh nào mang tính “tin mừng’ cả, một chân lý đôi khi bị lãng quên. Dù hoàn cảnh rất xấu về mặt thiêng liêng hay tốt một cách lý tưởng, thì chính trái tim và chỉ trái tim mới đi đến chỗ sống Tin Mừng trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Khi một người giàu yêu mến Thiên Chúa (phẩm chất lời cầu nguyện của đương sự là bằng cớ) và bị thiêu đốt bởi tình huynh đệ (việc chia sẻ và dấn thân xã hội là chứng minh), đương sự đã chiến thắng một trong những cuộc chiến khó khăn nhất của đời Ki-tô hữu: làm cho tiền bạc thành ngoan ngoãn và cao thượng !