Lc 21,25-28.34-36: Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến.
Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề, vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con, như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!”
Văn mạch của đoạn Lc 21,25-28.34-36 là giáo huấn của Chúa Giêsu về những biến cố sau cùng của vũ trụ trước khi Người Con Nhân Loại đến (21,5-38). Đoạn 21,25-28 nói đến việc phán xét các dân tộc và việc Người Con Nhân Loại sẽ đến. Đoạn nầy có thể phân chia ra: 1- Các hiện tượng vũ trụ và tác động của chúng trên con người (21,25-26); 2- Người Con Nhân Loại đến mang theo ơn cứu độ (21,27-28). Và đoạn 21,34-36 kêu gọi tỉnh thức và cầu nguyện khi trông đợi Người đến. Đoạn nầy cũng chia có thể phân làm hai dựa trên hai mệnh lệnh (21,34 và 36): 1- Những điều phải tránh (21,34-35); 2- Việc phải làm là cầu nguyện (21,36).
Việc Người Con Nhân Loại đến là cao điểm của diễn từ về các biến cố cùng tận. Bối cảnh dẫn nhập vào giáo huấn của đoạn nầy là lời tuyên sấm của Chúa Giêsu về sự sụp đổ của đền thờ Giêrusalem (x.21, 4-6; 21;20-24). Đền thờ bị sụp đổ và chiến tranh giữa các dân tộc cùng với những khốn khổ xảy ra trước đó được xem như là giai đoạn chuẩn bị cho Người Con Nhân Loại đến (21,27). Những hình ảnh dùng trong hai câu 21,25-26 được lấy từ Cựu Ước (x.Is 13,9-11; Ezek 32,7-8; Amos 8,9; Hab 3,11; Gioel 2,10, 30-31; 3,15). Chúng mô tả những điều sẽ xảy ra trên trời (c. 25a), trên mặt đất (c. 25b) và nơi con người (c. 26). Những biến cố ấy thật đáng sợ, vì chúng làm cho con người kinh hoàng. Khi so sánh giữa những điều đã xảy ra trước (21,5-24) và sự xuất hiện của Người Con Nhân Loại được mô tả dựa trên bối cảnh của Đaniel 7,13-14, sẽ thấy cách rõ ràng sự tương phản của hai bên. Trong khi các dân tộc gây chiến với nhau và tiêu diệt lẫn nhau để dành quyền bá chủ, vương quyền của Người Con Nhân Loại bao trùm trên mọi dân tộc và họ phải tùng phục Người. Trong khi trời đất cùng quyền lực trong đó và Giêrusalem bị lay chuyển và sụp đổ, vương quyền của Người tồn tại mãi mãi và không bao giờ bị phá hủy (x.Daniel 7,14). Người Con Nhân Loại chính là Con Thiên Chúa. Nhiều lần Luca nói đến việc Người sẽ đến (9,26; 12,40; 17,24, 26, 30; 18,8), và cũng cho thấy các môn đệ của Người ước ao thấy ngày ấy đến (x.17,22-37). Ngày Người đến sẽ là ngày lịch sử trần gian khép lại, cũng là ngày người môn đệ được cứu độ. Người là sự cứu độ của Israel mà nhiều người đang trông đợi (x.1,68; 2,38; 24,21). Hai mệnh lệnh đầy khích lệ kết thúc đoạn nầy, “Hãy đứng thẳng lên” và “ngẩng đầu lên” (c. 27). Người môn đệ không để mình bị còng lưng nữa do sợ hãi những điều đã xảy ra trong trời đất (x.13,11); trái lại, phải ngẩng đầu hướng lên trời mà sẵn sàng đón Người đến và cầu xin sự giải thoát (x.16,23; 18,13). Vậy điều nghịch lý ở đây là một đàng những tai ương sẽ xảy đến vào những ngày tận cùng và mang lại cho họ những đau khổ (21,12-19). Đàng khác, phải có xảy ra như thế, những tai ương ấy mới bảo đảm cho họ là ơn cứu độ toàn vẹn và sau cùng sẽ đến.
Giữa hai đoạn nầy dụ ngôn được cây vả chen vào (21,29-33). Đoạn 21,34-36 đưa ra hai mệnh lệnh nữa để xác định thái độ người môn đệ phải có khi trông chờ Người Con Nhân Loại đến. Mệnh lệnh “Hãy đề phòng” (c.34) được hiểu là đề phòng với chính bản thân (x.12,1; 17,3). Cụm từ “để lòng mình ra nặng nề” ám chỉ Pharaon. Ông nên “cứng lòng”, vì không nghe lời Môsê để cho dân ra đi (Xh 7,14; 8,32). Luca dùng nó với “vì say sưa và lo lắng việc đời” để diễn tả sự nguy hiểm của những thú vui và lo lắng trần gian (x.8,14). Chúng có thể làm cho người môn đệ ra đần độn và chậm hiểu mà không tỉnh thức và sẵn sàng cho ngày Người Con Nhân Loại đến (x.Mt 26,34; Mc 14,40; Is 24,20). Ngày ấy sập xuống bất thần như cái bẫy (x.Is 24,17); chỉ một sự nguy hiểm không nghĩ đến trước, như những tai họa đã xảy đến thình lình cho Sôđôma (10,12). Mệnh lệnh thứ hai là “Hãy tỉnh thức trong cầu nguyện luôn”. Động từ “cầu nguyện”, “khẩn nài” (deomai) nầy khác với động từ “cầu nguyện” (proseuchomai) theo nghĩa thông thường (1,10; 3,21; 5,16; 18,1.10…). Nó chỉ sự khẩn nài để được mạnh mẽ cả phần thể lý lẫn thiêng liêng (21,36) Các bệnh nhân khẩn nài Chúa Giêsu chữa họ lành (x.5,12; 8,28.38; 9,38.40). Chúa Giêsu khẩn nài cho Phêrô để đức tin ông khỏi sa ngã (22,32). Chúa Giêsu bảo các môn đệ của Người cũng phải khẩn nài như thế để họ được thoát khỏi những tai ương ấy và có thể đứng trước mặt Người Con Nhân Loại. Như thế, cả trong đoạn nầy, Luca đều kết thúc bằng một lời kêu gọi phải “đứng thẳng” bằng cách tỉnh thức trong khi cầu nguyện luôn để có thể đón Con Thiên Chúa đến và ơn cứu độ của Người (21,28 và 36).
Gian nan, khốn khổ hiện tại không thể dập tắt niềm hy vọng vào Chúa Giêsu, Đấng sẽ đến và ban ơn cứu độ cho những ai đang cầu nguyện để đón chờ Người.
Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến