Chúa Nhật II Thường Niên B – Chúng Tôi Đã Gặp Đức Kitô – Giải thích bản văn Tin Mừng

11/01/2024

Ga 1,35-42: Khi ấy, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giêsu đang đi mà nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo Mình, thì nói với họ: “Các ngươi tìm gì?” Họ thưa với Người: “Rabbi, nghĩa là: thưa Thầy, Thầy ở đâu?” Người đáp: “Hãy đến mà xem”. Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười.

Anrê, em ông Simon Phêrô, (là) một trong hai người đã nghe Gioan nói và đã đi theo Chúa Giêsu. Ông gặp Simon anh mình trước hết và nói với anh: “Chúng tôi đã gặp Đấng Messia, nghĩa là Đấng Kitô”. Và ông dẫn anh mình tới Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhìn Simon và nói: “Ngươi là Simon, con ông Gioan, ngươi sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Đá”.

Tiếp nối đoạn 1,1-28 trình bày về nguồn gốc của Chúa Giêsu, Lời của Thiên Chúa, đoạn 1,29-51 nói đến việc Gioan và một vài môn đệ làm chứng cho Chúa Giêsu. Đoạn 1,35-42 gồm hai phần song đối: – Gioan làm chứng cho hai môn đệ của mình: Chúa Giêsu là Con Chiên Thiên Chúa, và hai môn đệ đã đến với Chúa Giêsu (1,35-39), – Anrê làm chứng cho Simon Phêrô: Chúa Giêsu là đấng Messia – Kitô, và Simon Phêrô đã đến với Chúa Giêsu (1,36-42). Môn đệ của Gioan tiếp nối vai trò chứng nhân của thầy mình (x. 1,45).

Trong đoạn 1,29-52, tìm thấy những tước hiệu dành cho Chúa Giêsu: “Chiên Thiên Chúa gánh tội trần gian” (1,29.36), “Messia-Kitô”, “Giêsu, con của Giuse người Nazaret” (1,45), và “Con Thiên Chúa” (1,34.39), “vua của Israel” (1,49). Tước hiệu “Chiên Thiên Chúa gánh tội trần gian”, nhấn mạnh việc Chúa Giêsu hiến dâng chính mình như chiên Vượt Qua vẹn tuyền để gánh lấy mọi tội lỗi (19,14-16a; 1Gio 3,5). Do đó mà tin mừng thứ tư nhắc luôn đến lễ Vượt Qua và sự hiện diện của Chúa Giêsu trong dịp lễ nầy tại Giêrusalem (2,13, 23; 6,4; 11,55; 12,1; 13,1; 18,28, 39; 19,14). Hai tước hiệu “Messia-Kitô” và “Con Thiên Chúa” sẽ gây nhiều tranh luận giữa Chúa Giêsu và những người thời của Người (7,25-36. 40-52; 10,22-39). Tuy nhiên, chúng được trình bày để thuyết phục tin vào Chúa Giêsu là đấng Kitô, và cũng là Con Thiên Chúa (1,34.49; 11,27; 20,31; 1 Gio 2,22; 5,1; 3,8; 4,15; 5,5. 20).

Việc “nghe” và “thấy” trong tin mừng thánh Gioan rất quan trọng. Nó luôn kéo theo một hành động hoặc dẫn đến một kết quả. Nghe Gioan nói về Chúa Giêsu, hai môn đệ ông đã đi theo và ở lại với Người (1,37.40), Simon nghe Anrê nói, và ông đã đến với Chúa Giêsu (1,42). “Đi theo” (1,37.40.43) nghĩa là trở thành môn đệ. Họ đã trở thành môn đệ của Chúa Giêsu không bởi nghe Người kêu gọi trực tiếp, như được trình bày trong tin mừng nhất lãm (Mt 4,18-22; Mc 1,16-20), nhưng bởi nghe lời của chứng nhân và tiếp xúc trực tiếp với Chúa Giêsu.

Để có thể tiếp xúc trực tiếp, họ được Chúa Giêsu mời gọi: “đến mà xem”(1,39), cũng như Philiphê sẽ mời Nathanael “đến mà xem” Chúa Giêsu (1,46). Họ đã đến và đã thấy nơi Chúa Giêsu ở và hôm đó đã ở lại với Người (1,39). Không nơi nào trong tin mừng nói là Chúa Giêsu có nhà hoặc một nơi ở cố định để hai môn đệ có thể đến để tò mò xem (x. Mt 8,20). Bởi đó, “thấy nơi Người ở” không chỉ có nghĩa là biết chổ ở lúc ấy của Người, mà còn là biết Người là ai (x. 8,14; 9,12; 14,5). Và “ở lại với Người ngày hôm đó” không chỉ là một sự gần gũi trong không gian, mà còn là một sự gắn bó mật thiết trong hiểu biết và kinh nghiệm về Chúa Giêsu (x. 14,17.25). Nhờ đó, hai môn đệ đã tìm thấy Người là “đấng Messia” (1,41. 54), và đã trở thành môn đệ và chứng nhân của Người. Simon cũng đã đến và được biến đổi thành Kêpha-Phêrô.

Nghe và thấy Chúa Giêsu, nghĩa là kinh nghiệm trực tiếp với Người, đã trở thành những điều kiện cần thiết để trở thành môn đệ và chứng nhân cho Người (Gio 1,32; 1Gio 1,1.3).

Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến