Chúa Nhật III Thường Niên B – Hãy Theo Sau Tôi – Giải thích bản văn Tin Mừng

18/01/2024

Mc 1,14-20: Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa, Người nói: “Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm”. Đang lúc đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy Simon và em là Anrê đang thả lưới xuống biển, vì các ông là những người đánh cá. Chúa Giêsu bảo các ông: “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người”. Lập tức các ông bỏ lưới theo Người. Đi xa hơn một chút nữa, Người thấy Giacôbê con ông Giêbêđê và em là Gioan đang xếp lưới trong thuyền, Người liền gọi các ông. Hai ông bỏ cha là Giêbêđê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người.

Nằm trong phần nói về những sinh hoạt đầu tiên trong đời công khai của Chúa Giêsu (1,14-38), đoạn 1,14-20 gồm hai phần chính: – Chúa Giêsu đi rao giảng (1,14-15), – Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên để tiếp tục công việc của Người sau nầy (1,16-17 và 19-20).

Gioan đã rao giảng để dọn đường Chúa đến. Nay Chúa Giêsu đến, ông thinh lặng lui vào trong ngục tù tối tăm. Lời rao giảng và con người của Chúa Giêsu thay vào chỗ của ông (1,14). “Tin Mừng của Thiên Chúa” trước tiên là tin vui, tin lành về việc Thiên Chúa đang làm cho nhân loại trong Chúa Giêsu Kitô (1,1.15). Hơn nữa, “Tin Mừng của Thiên Chúa” là chính Chúa Giêsu, Đấng đến từ Thiên Chúa Cha và đang thực hiện công việc của Người. Bởi đó, “Tin vào Tin Mừng” (1,15) là tin vào lời Chúa Giêsu rao giảng và cũng tin vào chính Chúa Giêsu (xem thêm 8,35; 10,29; 13,10; 16,15).

Lời rao giảng của Chúa Giêsu gồm hai phần: một sứ điệp “Thời kỳ đã mãn, và Vương quốc Thiên Chúa đã đến gần”, và một mệnh lệnh “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (1,15). Về sứ điệp, chính Thiên Chúa sắp đặt và quyết định thời gian cho vương quốc của Người trong Chúa Giêsu đến trần gian. Đó là lúc Người đã có thể bắt đầu một giai đoạn khác trong chương trình cứu độ (x. Gal 4,4; Ga 7,8). Thời gian nầy mang tính quyết định và cánh chung (x. 12,2; 13,33). Vương quốc của Người không được hiểu là lãnh thổ, mà là vương quyền và sự cai trị của Thiên Chúa trên mọi thực tại. Vương quốc của Thiên Chúa cũng chính là Thiên Chúa. Vương quốc nầy đang đến gần trong thời gian và sẽ hoàn tất trong một thời gian ngắn thôi (1,15; 9,1). Về mệnh lệnh, vì vương quốc của Thiên Chúa đang đến, nên cần có một thái độ tương xứng: trở lại với Thiên Chúa và cụ thể là chấp nhận vương quyền ấy qua việc tin vào Chúa Giêsu và lời rao giảng của Người.

Bốn môn đệ đầu tiên được Chúa Giêsu chọn trực tiếp (so sánh với Ga 2,35-42). Người kêu gọi họ bằng một mệnh lệnh trực tiếp: “Hãy theo sau tôi” (1,17) và họ “đi theo sau Người” (1,20). Chữ “sau”, opixō, không thừa. Nó vừa chỉ vị trí không gian của người môn đệ đối với thầy mình là luôn luôn đi theo đằng sau, chứ không đi đằng trước hay đi ngang hàng, vừa chỉ vai trò hướng đạo của người thầy là luôn đi trước các môn đệ. Nên “đi theo sau” nghĩa là chấp nhận làm môn đệ và làm theo mẫu gương và giáo huấn của người thầy. Nói cách khác, muốn làm môn đệ là phải “đi theo sau” Chúa Giêsu và làm theo ý của Người. Phêrô đã quên vị trí “đi theo sau” nầy của mình. Ông muốn “đi phía trước”, nghĩa là làm thầy thay vì làm môn đệ của Chúa Giêsu, nên ông  đã can ngăn Người thực hiện ý Chúa Cha, khi Người tiên báo về cuộc tử nạn của Người. Bởi đó, Chúa Giêsu đã trách ông và bảo ông về lại vị trí đằng sau của mình: “Satan, lui lại sau Thầy” (8,33).

Tin Mừng Chúa Giêsu rao giảng liên quan đến Thiên Chúa và Vương quyền của Người. Hành động và lời của Chúa Giêsu sẽ cụ thể hóa việc Vương quyền của Thiên Chúa đang đến. Vương quyền ấy sẽ hoàn tất trong cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu. Do đó, mọi người được kêu gọi trở nên môn đệ để cộng tác làm cho Vương quyền ấy đến, bằng việc vác thánh giá đi theo sau Người (8,34).

Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến