Chúa Nhật IV Thường Niên Năm B – Người Giảng Dạy Với Uy Quyền – Giải thích bản văn Tin Mừng

25/01/2024

Mc 1,21-28: (Đến thành Capharnaum) ngày nghỉ lễ, Chúa Giêsu vào giảng dạy trong hội đường. Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Đấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ.

Đang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: “Hỡi ông Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai, là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Chúa Giêsu quát bảo nó rằng: “Hãy im đi và ra khỏi người này!” Thần ô uế liền dằn vặt người ấy, thét một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy. Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Cái gì vậy? Đấy là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả thần ô uế và chúng vâng lệnh Người”. Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Galilêa.

 Đoạn 1,21-43 nói đến những hoạt động đầu tiên của Chúa Giêsu. Trước tiên, trong hội đường Capharnaum (1,21-28), rồi đến tại nhà của Simôn và Anrê, (1,29-31), và trước căn nhà  ấy (1,32-34), sau cùng là những hoạt động tại miền Galilêa (1,35-45). Đoạn 1,21-28 trình bày hoạt động chính đầu tiên của Chúa Giêsu là giảng dạy (1,21-22), và sau đó là trừ quỷ (1,23-28).

Chúa Giêsu đã có các môn đệ. Họ theo Người vào Capharnaum (1,21), rồi vào hội đường (1,29). Họ đi theo Chúa Giêsu, tới nơi Người đến và luôn thuộc dưới quyền của Người (1,16-20). Trước tiên họ vào một hội đường ở Capharnaum; ở đó, Chúa Giêsu giảng dạy. Giảng dạy là hoạt động chính của Chúa Giêsu, từ đầu sứ vụ cho đến cuối đời: “Ngày ngày, tôi vẫn ở giữa các ông, vẫn giảng dạy ở đền thờ” (14,49). Bởi đó, chỉ mình Người được gọi là thầy, Thầy Giêsu. (x. Mt 23,8). Ở đây, tin mừng không nói đến nội dung giảng dạy, mà chỉ nêu sự kiện là Chúa Giêsu đã giảng dạy (x. 2,13; 6,2.6.34; 10,1). Hiệu quả giảng dạy của Người thấy được từ phản ứng của thính giả. Họ sửng sốt (1,22), đặt câu hỏi về Người (1,27), và nhận ra sự khác biệt lớn lao giữa Người và các kinh sư.

Các kinh sư dạy cho dân chúng các sách luật Môisen – nhất là Ngũ Kinh, khuyên bảo dân chúng giữ luật và làm theo giáo huấn dạy trong sách luật. Thế giá của các kinh sư dựa trên Môisen. Họ là những người đại diện của ông, nắm giữ và truyền lại những truyền thống trong dân. Phần Chúa Giêsu, Người không dựa trên thế giá của Môisen và lề luật. Người giảng dạy với tư cách là Con Thiên Chúa, Đấng được Thiên Chúa gởi đến, nên Người có uy quyền trong giảng dạy và những điều Người giảng dạy thì mới mẻ và hoàn hảo. Sự khác biệt nầy khiến dân chúng bỏ các kinh sư, mà đông đảo đi theo Chúa Giêsu để được nghe giảng dạy (1,32.45; 2,2.13; 3,20; 4,1; 6,33-34).

Lời giảng dạy của Chúa Giêsu gây sửng sốt và kinh ngạc như chính việc chữa bệnh của Người (1,27). Người trừ quỉ với quyền năng (1,23-27.34.39; 3,11-12; 5,1-20; 9,14-29), và các môn đệ của Người cũng được ban ơn nầy (3,15; 6,7.13). Ma quỉ được gọi là “thần ô uế”. “Ô uế” nghĩa là “trần tục, không tinh tuyền, bị tách ra khỏi Thiên Chúa, đối nghịch với Thiên Chúa – Đấng Thánh”. “Thần” vì có quyền lực mạnh mẽ, linh hoạt, sức người không kềm hãm chúng được (5,3-4). Trong tin mừng, các thần ô uế có những hoạt động mang tính cách người, làm những điều xấu, có những hiểu biết hơn người (1,24), và đối nghịch với Thiên Chúa. Chúng đối nghịch với Thánh Thần. Chúa Giêsu quyền năng hơn chúng. Chỉ một lời của Người, đủ để xua trừ chúng và phục hồi tự do cho người bị chúng ám. Xua trừ quỉ là cách Chúa Giêsu tỏ cho thấy Vương quốc Thiên Chúa đang đến trong quyền năng giải thoát.

Sứ mạng và căn tính của Chúa Giêsu được tóm tắt trong lời của ma quỉ: “Đấng Thánh của Thiên Chúa” (1,24). Vì là Đấng Thánh và cũng là Con của Thiên Chúa (3,11; 15,39), Chúa Giêsu lo giảng dạy, xua trừ ma quỉ và tội lỗi, để cứu chữa những người chưa thánh thiện, mà ban cho họ quyền làm con của Thiên Chúa như Người (2,17; 10,45).

Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến