Chúa Nhật V Mùa Chay Năm B – Xin Tôn Vinh Danh Cha – Giải thích bản văn Tin Mừng

14/03/2024

Ga 12,20-33: Khi ấy, trong số những người lên dự lễ, có mấy người Hy-lạp. Họ đến gặp Philipphê quê ở Bêtania, xứ Galilêa, và nói với ông rằng: “Thưa ngài, chúng tôi muốn gặp Đức Giêsu”. Philip-phê đi nói với Anrê, rồi Anrê và Philipphê đến thưa Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đáp: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh. Quả thật, quả thật, Ta nói với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó. Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến, và biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ này. Nhưng chính vì thế mà Con đã đến trong giờ này. Lạy Cha, xin hãy làm vinh danh Cha”. Lúc đó có tiếng từ trời phán: “Ta đã làm vinh danh Ta và Ta còn làm vinh danh Ta nữa”. Đám đông đứng đó nghe thấy và nói đó là tiếng sấm. Kẻ khác lại rằng: “Một thiên thần nói với Ngài”. Chúa Giêsu đáp: “Tiếng đó phán ra không phải vì Ta, nhưng vì các ngươi. Chính bây giờ là lúc thế gian bị xét xử, bây giờ là lúc thủ lãnh thế gian bị khai trừ và khi nào Ta chịu đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta”. Người nói thế để chỉ Người phải chết cách nào.

Giờ của Chúa Giêsu lần đầu tiên được loan báo đã đến (12,23; x. 8,20). Bước sang chương 13 giờ của Người về với Chúa Cha bắt đầu được thực hiện dần. Bố cục của chương 12: – Xức dầu (cc. 1-8), – Vào Giêrusalem (cc. 9-19), – Loan báo sự chết và vinh quang (cc. 20-36), – Kết luận về sứ vụ của Người (cc. 37-50). Có thể chia 12,20-33 làm hai phần: đoạn 12,20-28 với dẫn nhập (cc. 20-22) và đoạn 12,28b-33 với kết luận (c. 33). Ngoài dẫn nhập và kết luận là lời của thánh sử, phần còn lại của đoạn tin mừng nầy được kể là lời của Chúa Giêsu. Có hai lưu ý: 1- Người nói theo cách trực tiếp, ở ngôi thứ nhất; 2- Có những chỉ dẫn về thời gian như “giờ” (cc.23.27[2x]), “bây giờ” (c.27.31[2x]) liên quan đến sự chết và sống lại của Người.

  Người Hy lạp tìm đến và muốn gặp Chúa Giêsu (cc.20-22). Điều nầy ám chỉ ơn cứu độ của Người đã đến lúc mở ra cho mọi người; chỉ được bắt đầu từ “giờ” của Người. Đoạn 12,23-28 được đóng khung bởi câu 23 và 28, nói đến “giờ” và “sự tôn vinh” của Chúa Giêsu; đoạn nầy có thể chia thành hai: cc. 23-26 và cc 27-28. Trong cc. 23-26 Chúa Giêsu đưa ra ba quy luật về sự chết và sự sống: – Nếu không chết đi không thể sống lại (c. 24; x. 1 Côr 15,36); – Nếu từ bỏ sự sống đời nầy đi sẽ tìm thấy sự sống lại ngay trong đó (c. 25); – Nếu theo Chúa sự sống lại sẽ được bảo đảm (c. 26; x. 14,3; 17,24).

Chúa Giêsu áp dụng các quy luật nầy cho chính mình trước tiên. Thánh Gioan không thuật lại cảnh Người trong vườn Giệtsêmani, mà chỉ có các câu 12,27-28a. “Giờ” mà Người xin Chúa Cha cứu khỏi là giờ chết. Giờ nầy chính là “chén” mà Người xin khỏi uống (x. Mc 14,36). Tuy nhiên, Người đã xin Chúa Cha tôn vinh chính danh của Người, nghĩa là thực hiện ý định cứu chuộc nhân loại bằng sự chết của Người (c. 28a; x. 18,11).

Đoạn 12,28b-33 ghi lại lời của Chúa Cha và kết quả sự chết của Chúa Giêsu. Chỉ trong phúc âm Gioan mới có tiếng Chúa Cha đáp lại Chúa Giêsu trong cơn hấp hối. Động từ “tôn vinh” được dùng hai lần, ở thể chủ động, và ở thì quá khứ và tương lai. Chúa Cha chuẩn nhận lời cầu xin của Chúa Giêsu, và xác nhận là Người đã tôn vinh danh của Người qua những việc Chúa Giêsu đã làm và sẽ còn làm vinh danh Người nữa trong sự chết và sống lại của Con của Người. Như thế, trong phúc âm nhất lãm, sự im lặng của Chúa Cha trước lời cầu xin của Chúa Giêsu hàm ý là Người muốn Chúa Giêsu phải chết để tôn vinh danh Người.

Việc Chúa Giêsu chết có hai kết quả đối nghịch nhau: kéo những người tin đến với Người (cc. 30.32), và loại ra ngoài những ai không tin (cc. 31-31). Xét theo thời gian, việc Chúa Cha tôn vinh danh Người (c. 28), việc phán xét thế gian (c. 31), việc mọi người được hưởng ơn cứu độ (c. 32) diễn ra cùng lúc khi Chúa Giêsu bị treo cao trên thánh giá, chết và được tôn vinh (c.23.32).

          Vì yêu thương và muốn cứu thế gian mà Thiên Chúa đã ban Người Con. Đừng để Người Con ấy phán xét vì đã không tin vào tình yêu của Cha Người.

Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến