Chúa Nhật V Phục Sinh – Tôi Ở Đâu, Anh Em Cũng Ở Đó – Giải thích bản văn Tin Mừng

04/05/2023

Ga 14,1-12: Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không, Thầy đã nói với các con rồi; Thầy đi để dọn chỗ cho các con. Và khi Thầy đã ra đi và dọn chỗ cho các con rồi, Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó. Thầy đi đâu, các con đã biết đường rồi”. Ông Tôma thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường đi?” Chúa Giêsu đáp: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ các con biết và đã xem thấy Người”. Philipphê thưa: “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha, và như thế là đủ cho chúng con”. Chúa Giêsu nói cùng ông rằng: “Thầy ở với các con bấy lâu rồi, thế mà con chưa biết Thầy ư, Philipphê? Ai thấy Thầy là xem thấy Cha, sao con lại nói “Xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha”? Con không tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy ư? Những điều Thầy nói với các con, không phải tự mình mà nói, nhưng chính Cha ở trong Thầy, Ngài làm mọi việc. Các con hãy tin rằng Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy. Ít ra các con hãy tin vì các việc Thầy đã làm. Thật, Thầy bảo thật các con: Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm những việc Thầy đã làm. Người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha”.

Văn mạch của đoạn 14,1-15 là diễn từ giã biệt (13,33-1431). Đoạn nầy nằm ở phần đầu của diễn từ. Ở câu 13,33 và 36 Chúa Giêsu đã tiên báo là Người sẽ ra đi. Việc ra đi nầy gây nên một thử thách lớn cho các môn đệ của Người. Họ phải đối diện với sự vắng mặt của Người. Bởi đó mục đích của diễn từ nầy là củng cố lòng tin và hy vọng vào Người. Mệnh lệnh “Lòng anh em chớ xao động” ở câu 1 sẽ được lập lại ở câu 27, và đóng khung chương 14. Nội dung của chương 14 là những lời lẽ giải thích mệnh lệnh nầy.

Có thể phân chia chương 14 như sau: – Mở đầu diễn từ thứ nhất: Chúa ra đi và sẽ trở lại (14,1-4); – Chúa Giêsu ra đi và môn đệ kết hợp với Người trong đức tin (14,-14); – Chúa Giêsu trở lại và môn đệ kết hợp với Người trong tình yêu (14,15-24); – Kết thúc diễn từ thứ nhất (14,25-31).

Chúa ra đi và sẽ trở lại (14,1-4): – Củng cố các môn đệ (c. 1); – Lý do để các môn đệ tín thác: Chúa đi dọn chỗ và sẽ trở lại đem các môn đệ theo (cc. 2-3); – Chuyển tiếp sang đề tài “đường đi” (c. 4).

Đoạn mở đầu bằng hai mệnh lệnh liền nhau (c. 1), và tiếp theo đó là lời dẫn giải gây niềm tin nơi các môn đệ (cc. 2-3). Tarassō, “xao động”, được dùng theo nghĩa đen trong trình thuật nói về nước trong hồ các thiên thần đến khuấy động lên (x. 5,7). Trong mệnh lệnh “Đừng để tâm hồn bị xao động” động từ được hiểu theo nghĩa bóng, ám chỉ trạng thái đau buồn của tâm hồn. Chúa Giêsu “xao động” khi đứng mộ của Lazarô (11,33), khi đối diện với sự chết của chính mình (12,27), hay khi nói về người phản bội giữa các môn đệ (13,21). Sự xao động nầy gắn liền với sự mất mát, sợ hãi và đau buồn đến nỗi thân thể có thể run bật lên.

Đối lại mệnh lệnh tiêu cực trên là mệnh lệnh “Hãy tin vào Thiên Chúa và hãy tin vào Tôi” (c. 1b). “Thiên Chúa” được dùng một lần duy nhất ở đây trong chương nầy. Sau đó “Thiên Chúa” nầy được gọi là “Cha” hay “Cha Tôi”. Lời khuyến dụ “tin vào Thiên Chúa” là duy nhất ở đây.  Thông thường chỉ thấy lời mời gọi tin vào Chúa Giêsu trong tin mừng thánh Gioan. Pisteuō, “tin”, là đặt mình trong tương quan với Thiên Chúa và Chúa Giêsu, “tin vào tôi” (cc. 1.11.12), và giao phó chính mình cho Người.

Chúa Giêsu đưa ra những lý do để giải thích việc ra đi của Người, và như thế, các môn đệ có thể tin vào Người (cc. 2-3). Nằm ở vị trí trung tâm của hai câu 2-3, “ra đi và dọn chỗ” cho thấy mục đích của việc Chúa Giêsu làm: một đàng ra đi để dọn chỗ trong nhà Cha (vế trước), và đang khác Người trở lại để đem các môn đệ về nơi ấy với Người (vế sau).

“Ra đi” là đi về với Chúa Cha ngang qua cuộc khổ nạn (1,23.27; 13,1). Đó cũng là lúc Người được tôn vinh trong sự sống lại và lên trời (17,1). Người đi để chuẩn bị chỗ cho họ. Monē, “nơi để ở”, bởi động từ menō có nghĩa là cư ngụ, lưu lại. Nơi cư ngụ nầy được gắn liền với “nhà của Cha”. Điều nầy muốn nói là nơi cư ngụ ấy có sự hiện diện của Thiên Chúa, thuộc về Thiên Chúa. Như thế, “chuẩn bị một chỗ” có hiểu là chuẩn bị đưa các môn đệ vào một cách tương quan mới và một cách hiện diện mới. “Chỗ” ấy không mang tính cách không gian. “Chỗ” ấy sẽ là nơi thông hiệp giữa Thiên Chúa và những người yêu mến Chúa Giêsu và giữ lời của Người (x. 14,23). “Chỗ” ấy không bị giới hạn bởi bất cứ biên giới nào: Chúa Giêsu ở đâu, các môn đệ ở đó (c. 3b; 12,26.32). Động từ paralambanō có nghĩa là “nhận về nhà với mình”. Chúa Giêsu đã không được người nhà nhận về khi Người đến trần gian (1:11). Cụm từ pros emauton “nhà tôi” làm mạnh thêm ý nghĩa cho động từ đi trước. Chỗ mà Chúa Giêsu đi và chuẩn bị là nhà của Người, dù đó cũng là nhà của Cha.

Đường đi (c. 4). Từ đề tài “đi dọn chỗ”, Chúa Giêsu đề cập sang đề tài đường đi. Chủ để “đường đi” nầy liên kết đoạn nầy với đoạn tiếp theo (cc. 5.6). Theo lời của Chúa Giêsu, các môn đệ đã biết Người đi đâu. Chúa Giêsu nói nhiều lần cho họ biết là Người sẽ trở về với Đấng đã sai Người (7,33; 16,5), về cùng Cha (16,10.28), và về nhà Cha (14,2). Việc nói trước nầy đã làm họ một lần thắc mắc; nhưng lúc ấy họ đặt ra một vấn đề khác (x. 16,17-19). Lần nầy Tôma đặt ra vấn đề đường đi đến “nhà Cha” (c. 5); trong khi Chúa Giêsu sẽ cho thấy đường ấy chính là Người (14,6).

 Vậy việc Chúa Giêsu ra đi sẽ gây nên một mất mát, khiến các môn đệ phải buồn sầu và xao xuyến. Trái lại, việc ấy sẽ đưa các môn đệ thông hiệp cách trọn vẹn hơn với Thiên Chúa. Họ sẽ ở trong nhà Cha như là con cái, chứ không phải là nô lệ (8,35), vì nhờ sự ra đi của Chúa Giêsu mà họ được trở nên con cái của Thiên Chúa và ở trong nhà của Người.

“Con đường” Chúa Giêsu đi để thực hiện điều ấy, các môn đệ đã biết (c. 4). Người do thái không hiểu (x. 7,35; 8,22).

Chúa Giêsu đưa các môn đệ vào thông hiệp với Thiên Chúa

Chủ đề chính của đoạn 14,5-14 là kết hiệp với Chúa trong đức tin khi không còn thấy Người cách hữu hình.

Chúa cho các môn đệ thấy làm sao việc đến nhà Chúa có thể thực hiện: qua Chúa Giêsu: đường đến với Chúa Cha. Hình ảnh Chúa Cha trong Chúa Giêsu.

Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến

“tôi” có mặt trong mỗi câu của đoạn 14,1-15.

“tin vào tôi” (eis) c. 1;

Từ câu 10-14: “ trong tôi” (en me).

Tin : 14,1[2x].10.11.12

Tin vào Tôi (cc. 1.12)

Cha 14,2, 6.7.8.9.10.11.12.13, 16, 20f, 23f, 26, 28, 31

Chỗ ở: 14,2: di dọn chỗ; 14,23: Chúa đến ở trong tâm hồn.

Chúa Giêsu ra đi

Chữ “đường” (cc. 4.5.6) liên kết hai đoạn với nhau.

Hypago: ra di (cc. 4.5)

Oidate (cc. 4.5)