Chúa Nhật XII Thường Niên B – Vẫn Chưa Có Lòng Tin? – Giải thích bản văn Tin Mừng

20/06/2024

Mc 4,35-41: Ngày ấy, khi chiều đến, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ”. Các ông giải tán đám đông; vì Người đang ở dưới thuyền, nên các ông chở Người đi. Cũng có nhiều thuyền khác theo Người. Chợt có một cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước. Và Người thì ở đàng lái dựa gối mà ngủ. Các ông đánh thức Người và nói: “Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?” Chỗi dậy, Người đe gió và phán với biển rằng: “Hãy im đi, hãy lặng đi”. Tức thì gió ngừng biển lặng như tờ. Rồi Người nói với các ông: “Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?” Bấy giờ các ông kinh hãi và nói với nhau rằng: “Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?”   

Nằm trong văn mạch 4,35-5,43, trình thuật 4,35-41 là một trong những đoạn trình bày quyền năng của Chúa Giêsu được biểu lộ cho các môn đệ sau khi Người đã giảng dạy (4,1-34): giải thoát khỏi nguy hiểm sự chết (4,35-41); khỏi quyền lực thù nghịch với Thiên Chúa (5,1-20), khỏi bệnh tật (5,25-34), và khỏi sự chết (5,21-24.35-43). Điểm chung của các trình thuật nầy là: – sự hiện diện của các môn đệ ( 4,35; 5,13; 5,31.37); – sự bất lực của con người – cầu cứu ở Chúa Giêsu (4,38; 5,3; 5,23; 5,26); – Chúa Giêsu giải thoát mọi sự dữ (4,39; 5,12-13; 5,29; 5,41tt); – Người đòi hỏi lòng tin (4,40; 5,34.36). Cấu trúc của đoạn 4,35-41 có thể phân ra như sau: 1- Nhập đề: bối cảnh và nhân vật (cc. 35-36); 2- Chúa Giêsu làm sóng gió lặng yên (cc. 37-29); 3- Kết luận: Thắc mắc của cả Chúa Giêsu và các môn đệ (cc. 40-41).

Câu 4,34 là móc nối giữa hai đoạn 4,1-34 và 4,35-5,43. Như khi ở riêng với các môn đệ, Chúa Giêsu đã thường cắt nghĩa mọi sự cho họ, Người cũng sẽ tỏ chân dung của Người qua những việc quyền năng Người thực hiện khi Người và họ đã tách khỏi dân chúng (x. 3,9.20.32; 4,1). Họ cần “ở với Người” (c. 36) như lần đầu tiên họ được kêu gọi để có thể có kinh nghiệm sâu đậm về Người (3,14; x. 5,37). “Buổi chiều” trong Marcô thường là khung cảnh của những việc không tốt lành sẽ xảy đến (4,35; x. 6,47; 11,11; 14,17; 15,42). Đây là lần duy nhất Marcô nói là các môn đệ “đem Người theo” (paralambanō). Động từ nầy nói đến quan hệ giữa Chúa Giêsu-môn đệ. Thông thường Người đem các môn đệ theo để tỏ cho họ chân tính của Người (9,2), cho họ hiệp thông vào cuộc thương khó của Người (10,32; 14,33). Ngược lại, các môn đệ đem Người theo và cuối cùng tỏ lộ cho Người thấy sự yếu đuối của họ (4, 40).

Trong hành trình sang bờ bên kia, các môn đệ kinh nghiệm ba điều: vũ lực của gió bão kéo theo nguy hiểm chết người, sự bất lực của con người và quyền năng của Chúa Giêsu (cc. 37-39). Gió bão được kể là quyền lực thù nghịch gây hại cho con người. Chúa Giêsu ngăm đe và ra lệnh “Im đi!” cho ma quỷ và gió bão (x. 1,25; 3,12; 4,38; 8,33; 9,25). Các môn đệ thấy lâm nguy cho tất cả “chúng ta”, nhưng lại tỏ ra bất lực chế ngự gió bão, nên phải làm Người chỗi dậy (egeirō). Mỗi lần Chúa Giêsu “làm ai chỗi dậy” là Người đã chữa lành người đó (x. 1,31; 5,41; 9,27). Trái lại, các môn đệ chờ đợi sự can thiệp từ phía Người. Việc Người ngủ trong khi thuyền gặp bão tố cho thấy Người không sợ bị hại do những gì có thể xảy ra (x. 13,36; 14,37.40tt). Không cần ngăn ngừa và tránh né, vì Người làm chủ trên gió bão.

Khi gió bão đã biến mất, Chúa Giêsu đặt câu hỏi với các môn đệ, cũng như họ cũng tự hỏi về Người là ai. Hai câu hỏi của Người không mâu thuẫn nhau; trái lại, mở một con đường. Trong tình huống gió bão có thể gây chết người, vì đã để mình cuốn lôi bởi vũ lực vô nhân tính, nên các môn đệ đã cảm nghiệm cách thâm sâu sự bất lực mà biểu hiện của nó là sự sợ hãi. Trái lại, cũng trước nguy hiểm ấy, nếu để Chúa Giêsu và sự hiện diện của Người dẫn dắt vô điều kiện, sẽ không cảm thấy bị đe dọa và không sợ hãi. Đó là đức tin vô điều kiện Người muốn nơi môn đệ của Người (x. 11,22). Còn câu tự hỏi của các môn đệ rất giống với những câu hỏi của dân chúng trước đây, chỉ sự kinh ngạc và thán phục trước công cuộc cao cả tỏ hiện quyền năng của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu (x. 1,27).

Biết Chúa Giêsu không chỉ bằng tri thức, mà cả kinh nghiệm bản thân. Đức tin cần thiết để nhận biết Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa đang thực hiện những điều không thể cho con người, và để sống hiệp thông với Người (x. 4,11).

Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến