Chúa Nhật XVII Thường Niên A – Điều Mới và Điều Cũ – Giải thích bản văn Tin Mừng

23/07/2020

Mt 13,44-52: Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Nước trời giống như kho tàng chôn giấu trong ruộng, người kia tìm được, vội chôn vùi xuống, vui mừng trở về bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng ấy. Nước trời cũng giống như người buôn nọ đi tìm ngọc quý. Tìm được một viên ngọc quý, anh về bán mọi của cải mà mua viên ngọc ấy.

“Nước trời lại giống như lưới thả dưới biển, bắt được mọi thứ cá. Lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi đó mà lựa chọn: cá tốt thì bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài. Trong ngày tận thế cũng vậy: các thiên thần sẽ đến mà tách biệt kẻ dữ ra khỏi người lành, rồi ném những kẻ dữ vào lò lửa, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng. Các ngươi có hiểu những điều đó không?” Họ thưa rằng: “Có”.

Người liền bảo họ: “Bởi thế, những thầy thông giáo am tường về Nước trời cũng giống như chủ nhà kia, hay lợi dụng những cái mới, cũ trong kho mình”.  

Ba dụ ngôn trong đoạn tin mừng nầy nằm ở phần cuối của loạt bảy dụ ngôn về Nước Trời (13,2-50): – Dụ ngôn kho tàng ẩn giấu (13,44); 6- Dụ ngôn viên ngọc quý (13,45-46); 7- Dụ ngôn lưới cá và giải thích (13,47-50); và những câu cuối là phần kết luận chung của các dụ ngôn trong chương 13 nầy (cc. 51-52). Các diễn từ nầy ngỏ với các môn đệ (c. 36).  Từ thesaurus, “kho tàng” đóng khung đoạn nầy (cc. 44 và 53). Từ kryptō, “che giấu” liên kết các dụ ngôn nầy với dụ ngôn trước (cc. 35 và 44)

Hai dụ ngôn Kho tàng và Viên ngọc đắt giá (cc. 44 và 45-46)

Hai dụ ngôn ngắn có cấu trúc tương tự nhau, gồm nhập đề với “Nước Trời giống như…” + chủ đề của dụ ngôn, và tiếp theo là các hành động tương tự của người trong dụ ngôn. Hai câu chuyện nầy có những từ ngữ chung với các dụ ngôn trước: Homoios, basileia tōn ouranōn, “Nước Trời cũng giống như”, kryptō, “(chôn) dấu” (13,35), anthropos, “người” (13,24.25.28…), argos, “ruộng” (13,24.27.31), panta, “tất cả” (13,32.34.41), chara, “vui mừng” (13,20), aperkhomai, “đi khỏi đó” (13,25.28.46). Các từ ngữ nầy giúp giải thích hai dụ ngôn nầy trong tương quan với các dụ ngôn trước.

Chủ đề của hai dụ ngôn nầy tương tự nhau. Dụ ngôn đầu tiên nói về thesauros, “kho tàng”, hiểu hoặc là nơi cất giữ những điều quý giá (2,11), hoặc là vật/điều/người quý giá. Dụ ngôn thứ hai nói về kalous margaritas, “những viên ngọc quý”, và người tìm kiếm đã gặp thấy polytimon margaritēs, “viên ngọc đắt giá”. Một viên ngọc đắt giá cũng là một kho tàng. Cả hai đều quý giá (x. 7,6). Vậy có thể giải thích hai dụ ngôn nầy chung với nhau.

Vài nhận xét:

– Từ parabolē, “dụ ngôn” (13,3.10.13.18.24.31.33.34.36) không thấy trong cc. 44, 45-46, và cả trong 47-50, và nó xuất hiện lại vào phần kết luận ở cuối chương 13 (c. 53), mặc dù vẫn dùng cụm từ “Nước Trời giống như…”;

– Mục đích của việc dùng dụ ngôn là để cho các môn đệ biết “những mầu nhiệm Nước Trời” (13,10-11a; x. 11,25.27). Chúa Giêsu đã giải thích riêng dụ ngôn lúa và cỏ lùng cho các một đệ (13,36-43). Đối với dân chúng và người nghe “họ không được cho biết” (13,11b). Họ “nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu (13,13);

– Kết thúc dụ ngôn men trong bột (13,33), Chúa Giêsu tuyên bố là Ngài dùng các dụ ngôn để nói cho biết “những điều đã được dấu, kekrymmeva, từ lúc khởi nguyên vũ hoàn” (13,35; x. Tv 78,2).

– Và ở đây Ngài nói đến kho tàng được chôn dấu, krytō (c. 44 [2x]), trong ruộng, và hạt ngọc đắt giá phải đi tìm kiếm mới gặp; hành động “tìm kiếm” (c. 45) hàm ý sự “che dấu” đối với con mắt và hiểu biết.

Như thế, “điều che dấu” mà Chúa Giêsu nói ra trong các dụ ngôn, chính là “những mầu nhiệm Nước Trời”, cũng là “lời của Nước Trời” (13,11). Và hai câu chuyện kho tàng và viên ngọc đắt giá (cc. 44 và 45-46) được kể ra nhằm nhấn mạnh việc đi tìm kiếm và mua cho được những mầu nhiệm Nước Trời nầy.

Thái độ trước tiên của người nghe là đi tìm kiếm (c. 45). Ai tìm kiếm sẽ gặp được (cc. 44.46; 7,7; 13,45tt; 21,22). Và hiệu quả khi tìm thấy kho tàng Nước Trời là niềm vui lớn, chara (c. 44; x. 2,10; 25,21.23). Hậu quả nầy kéo theo hành động là “bán tất cả những gì mình có” để mua lấy kho tàng. Cụm từ “bán tất cả những gì anh có/đã có” (cc. 44.46), được dùng trong cả hai câu chuyện. Cụm từ nầy hiểu là tất cả những gì một người có trên trần gian nầy (18,25). Chúa Giêsu đòi hỏi bán đi tất cả. Trong 19,21 có cả hai cụm từ “bán đi tất cả những gì mình có” và “kho tàng trên trời”, và người môn đệ của Chúa Giêsu, khi chịu “bán đi tất cả những gì mình có”, như điều kiện tiên quyết, mới được “kho tàng trên trời” (19,22; x. 10,39; 16,25).

Kho tàng là “những mầu nhiệm Nước Trời”, là chính Chúa Giêsu. Ngài được “che dấu” trong ruộng trần gian (x. 13,38). Muốn gặp Ngài, phải cất công tìm kiếm, và khi đã gặp được, phải bán đi tất cả mới có được Ngài.

Dụ ngôn Lưới cá và giải thích (cc. 47-50)

Dụ ngôn nầy làm liên tưởng đến dụ ngôn cỏ lùng và cảnh ngày phán xét (cc. 36-43). Giữa hai dụ ngôn có những tương đồng về từ ngữ: angelos, “thiên thần”, dikaios, “người công chính”, aiōn, “thời tận thế”, syllegō,  “thu lại”, “khóc lóc và nghiến răng”. Dụ ngôn nầy tuy ngắn, gồm hai phần: Câu chuyện dụ ngôn (cc. 47-48), và Giải thích dụ ngôn (cc. 49-50). Dụ ngôn nầy tập trung nói về “kẻ dữ”, ponēros, và số phận của họ: bị tách ra khỏi “người công chính”, dikaios, và chịu hình phạt vào thời tận thế.

            Câu chuyện dụ ngôn chiếc lưới mô tả hình ảnh của phán xét. “Nước Trời được ví như chiếc lưới rùng thả xuống biển và bắt đủ các loại cá” (c. 47). Sagēnē, là một loại lưới cá thả sâu tận đáy nước; “lưới rùng” (Nguyễn Thế Thuấn). “Lưới rùng dùng ở hồ Giênnezaret dài khoảng 250 đến 450 mét và khoảng 2 mét chiều rộng. Mỗi bên lưới có một sợi dây thừng buộc vào. Một bên lưới buộc những vật nặng dọc theo lưới để làm cho lưới chìm xuống; bên kia buộc phao hoặc gỗ nhẹ để làm cho lưới nổi lên. Người ta dùng thuyền kéo lưới ra khơi, rồi kéo vào bờ” (Luz, U., Koester, H.,Matthew 8-20: A Commentary, Minneapolis, 2001, p. 283).

“Đủ tất cả các loại”, nghĩa là cả cá tốt, kalos, lẫn cá xấu, sapros. Hai hạn từ kalos – sapros nầy, bàn về cách sống của mỗi người, cũng được Matthêô dùng để nói về các cây và trái của chúng, “Cây tốt thì sinh trái tốt…” (7,16-22; 12,33). Bởi đó trong phần giải thích của dụ ngôn, chúng được thay thế bằng ponēros “kẻ dữ” và dikaios, “người công chính”. Trong ngày phán xét, kẻ dữ và người công chính chịu phán xét về việc mình làm (25,37.46). Aigialos, “bãi biển” (cc. 2.48), đóng khung chương 13. Như cá đủ loại được kéo lên bãi biển, dân chúng sẽ được phân loại theo tiêu chuẩn tốt-xấu/kẻ dữ-người lành. Hình ảnh “ngồi và lựa ra” (c. 47) ám chỉ việc xét xử (19,28; 25,31; 26,64). Điểm nhấn mạnh của dụ ngôn nầy là số phận của kẻ dữ. Thiên thần sẽ tách kẻ dữ ra khỏi người công chính, như thợ gặt gom cỏ lùng lại và đem đi đốt trước khi thu lúa vào kho lẫm (13.30). Dụ ngôn nầy là một lời cảnh báo, nên không nói nhiều đến người công chính.

Vậy trong khi hai dụ ngôn kho tàng và viên ngọc đắt giá nói về khía cạnh tích cực của người tin vào Chúa Giêsu và thực hành giáo huấn của Ngài về Nước Trời, dụ ngôn lưới cá chú tâm đến số phận của người không tin vào những mầu nhiệm Nước Trời, nên không sống như Chúa Giêsu dạy.

Kết luận (cc. 51-52)

Gồm một mẫu đối thoại ngắn giữa Chúa Giêsu và các môn đệ (c. 51), và một dụ ngôn ngắn minh họa (c. 52).

Trong câu 51, Chúa Giêsu đặt vấn đề với các môn đệ về “hiểu các dụ ngôn”. Động từ syniēmi, “hiểu”, ở đây có nghĩa là hiểu ý nghĩa của các dụ ngôn liên quan đến cách sống. Tauta panta ám chỉ những điều Chúa Giêsu đã nói trong các dụ ngôn (c. 34). Trong chương 13, động từ syniēmi được dùng đến 5 lần, và có thể chia ra làm hai: người nghe mà không hiểu (cc. 13.14.15.19), người nghe và hiểu (cc. 23.51). Người nghe mà không hiểu thì điều họ nghe sẽ bị ma quỉ lấy đi (c. 19), và tất nhiên là không thể sinh hoa trái. Còn người nghe và hiểu, họ sẽ sinh nhiều hoa trái (c. 23). Các môn đệ hiểu, nên họ thuộc hạng người nầy.

Trong câu 52 Chúa Giêsu nói về một dụ ngôn. Dia touto, “về điều nầy”, dùng để khai triển thêm ý tưởng đã nói ở câu trước (6,25; 12,31; 13,31), chỉ việc các môn đệ hiểu các dụ ngôn. Việc hiểu các dụ ngôn Nước Trời liên quan đến kinh sư, grammateus. Bởi hiểu được các mầu nhiệm Nước Trời, người nầy trở nên kinh sư của/cho Nước Trời. Động từ mathētēuōđược dùng ởđây như một nội động từ (13,52; và cũng ở 27,57), có nghĩa là “được làm/trở thành môn đệ”, cũng có nghĩa là “được giáo huấn”; vì nhờ được thầy giáo huấn mà một người có thể trở thành môn đệ. Sau nầy khi đã hiểu được các mầu nhiệm Nước Trời, họ sẽđi làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Nước Trời, lần nầy động từmathētēuōdùng như một ngoại động từ, “bằng cách dạy dỗ cho họ tất cả những điều Thầy đã truyền cho các con” (28,19-20).

Kinh sư nầy được ví như một oikodespotēs, “chủ nhà”, biết lấy điều mới điều cũ ra từ kho tàng mình. Chủ nhà là người biết biết rõ những gì thuộc về gia sản mình, biết khai thác và làm sinh hoa trái (20,1; 21,33). Kinh sư là người giảng dạy, giải thích đường lối của Thiên Chúa (23,10-12), biết rút ra từ kho tàng mầu nhiệm Nước Trời những điều mới vàđiều cũ. Hai tĩnh từ kainos, “mới” và palaios, “cũ” được dùng trong 9,16-17, nói về rượu mới (26,29), ám chỉChúa Giêsu. Như thế, điều mới ởđây chính là tin mừng của Chúa Giêsu; và điều cũ là“Lề luật và các ngôn sứ” (5,17). Chính việc hiểu các mầu nhiệm Nước Trời của các môn đệ làm cho họ trở thành kinh sư của/cho Nước Trời (23,34) và giúp họ biết sử dụng “điều mới” vàđiều cũ” cho tương hợp, “như rượu mới phải đổ vào bầu da mới” (9,14-17) trong vai trò kinh sự của họ.

Vậy ở các dụ ngôn cuối nầy, một đàng Chúa Giêsu nói đến sự vô giá của Nước Trời mà  mỗi người phải làm tất cả để có thể được kho tàng nầy. Đàng khác, sẽ đến ngày ai không có được Nước Trời sẽ bị loại ra ngoài. Vậy hãy tìm kiếm để gặp được Chúa Giêsu, vàđi làm cho người khác nên môn đệ của Ngài.

Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến