Chúa Nhật XVIII Thường Niên A – Năm Chiếc Bánh Và Hai Con Cá – Giải thích bản văn Tin Mừng

30/07/2020

Mt 14,13-21: Khi ấy Chúa Giêsu nghe tin Gioan Tẩy Giả đã chết, thì Người rời bỏ nơi đó, xuống thuyền đi đến nơi hoang địa vắng vẻ. Dân chúng nghe biết, thì từ các thành phố đi bộ theo Người. Ra khỏi thuyền, Người thấy dân chúng đông đảo, thì thương xót họ, và chữa những người bệnh tật trong họ.

Chiều tới, các môn đệ đến gần thưa Người rằng: “Đây là nơi hoang địa, mà giờ đã chiều rồi, xin Thầy giải tán dân chúng, để họ vào các làng mạc mà mua thức ăn”. Nhưng Chúa Giêsu nói với các ông rằng: “Họ chẳng cần phải đi, các con hãy cho họ ăn”. Các ông thưa lại rằng: “Ở đây chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá”. Người bảo các ông rằng: “Hãy đem lại cho Thầy”.

Khi Người đã truyền cho dân chúng ngồi trên cỏ, Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ, các ông này phân phát cho dân chúng. Mọi người đều ăn no. Và người ta thu lượm được mười hai thúng đầy những miếng bánh vụn. Số người ăn là năm ngàn người đàn ông, không kể đàn bà và con trẻ.    

Trình thuật phép lạ bánh cá hoá nhiều (14,13-21) nằm trong văn mạch của thắc mắc về căn tính của Chúa Giêsu (14,2). Đối với dân chúng, Ngài là một ngôn sứ (14,5), vì Ngài đã giảng dạy họ (xem chương 13). Trong trình thuật nầy, Ngài sẽ tỏ mình ra cho họ hơn là một ngôn sứ. Ngài là vị mục tử Thiên Chúa sai đến như Ngài đã hứa qua các ngôn sứ (Ezk 34,12-16). Từ xuất hiện nhiều nhất trong đoạn nầy làochlos, “dân chúng” (cc. 13.14.15.19 [2x]), và các từ liên quan đến việc ăn uống: brōma, “thức ăn” (c. 15), esthiō, “ăn” (cc. 16.20.21); artos “bánh mì”, ichthys, “cá” (c. 17.19), anaklinō,“nằm ngả” (c. 19), chotazō, “no nê” (c. 20), klasma, “mảnh vụn” (c. 20), “mười hai thúng đầy” (c. 20). Chúa Giêsu chủ động mọi sự trong trình thuật nầy. Dân chúng là đối tượng thi ân của Ngài. Họ đi theo Ngài, được Ngài chữa lành và cho ăn no nê.

Đoạn tin mừng nầy được phân chia dựa trên sự xuất hiện của ochlos, “dân chúng”: – Chúa Giêsu xót thương và chữa lành bệnh tật của dân chúng (cc. 13.14); – Chúa Giêsu làm bánh cá hoá nhiều cho dân chúng (cc. 15-21).

Chúa Giêsu xót thương và chữa lành bệnh tật của dân chúng (cc. 13-14)

So với các đoạn song song trong các tin mừng nhất lãm (Mc 6,32-44; Lc 9,10b-17) và cả Gioan (Ga 6,1-15), chỉ mình Matthêo đưa trình thuật tử đạo của Gioan Tẩy Giả vào trước trình thuật phép lạ nầy. Thánh sử nhập đề trình thuật nầy với câu: “Nghe được Chúa Giêsu bỏđó”, akousasanachōreō (c. 13). Chúa Giêsu nghe chuyện Gioan Tẩy Giả bị Hêrôđê giết (cc. 3-12), và Ngài bỏ đó mà đi vào hoang địa. Matthêô cố ý đưa câu chuyện tửđạo của Gioan vào đây, cũng như thánh sử đã làm ở 4,12. Thánh sử muốn cho thấy khi Gioan bị bắt, nghĩa là khi ông chấm dứt sứ vụ rao giảng của mình, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng công khai trước tiên ở Galilêa, và khi người ta bắt đầu thắc mắc về tên tuổi của Chúa Giêsu (14,1), Matthêô đưa vào câu chuyện Gioan bị giết. Cuộc đời Gioan Tẩy Giả phải hoàn toàn biến mất đi trước khi Chúa Giêsu mạc khải cách toàn vẹn mình là ai.

Khung cảnh không gian trình thuật là hoang địa. Trong câu 15-16, thánh sử chỉ cho thấy hai nhân vật là Chúa Giêsu và dân chúng; động từ anachōreō, “bỏ đó mà đi” số ít (c. 13). Câu dẫn nhập 13 gồm hai vế song song, có cùng một cấu trúc: bắt đầu bằng akousas/akousantes “nghe biết”, Chúa “rút lui”/dân chúng “đi theo” (động từ ở aorist), đi “bằng thuyền”/ “đi bộ”, “vào hoang địa”/ “từ các thành”.

Chúa Giêsu đi trước, dân chúng theo sau, cả hai cùng vào hoang địa; cách trình bày nầy vẽ lên hình ảnh người mục tử đi trước, đàn chiên theo sau. Matthêô rất thích nhắc đến “Dân chúng đi theo Ngài” (4,25; 8,1.10; 12,15; 14,13; 19,12). Lần nầy họ “từ các thành” theo Ngài vào hoang địa, cũng như trước đây “Giêrusalem và cả xứ Giuđê và khắp vùng giáp cận sông Giorđan trẩy đến” với Gioan Tẩy Giả trong hoang địa (3,5). Chúa Giêsu đã thay thế Gioan Tẩy Giả, và Ngài cao trọng hơn ông (11,7.9).

   Chúa Giêsu thấy và động lòng thương (c. 14). Động từ splanchnizomai, “chạnh lòng thương xót”, thường kèm theo việc chữa lành, therapeuō hoặc làm phép lạ (9,36; 14,14; 15,32; 20,34). Ngài đã hành động của một vị mục tử, dù Matthêô không trích dẫn ở đây câu “vì họ bơ phờ vất vưởng, như chiên không người chăn giữ” như trong đoạn song song của Marcô (Mc 6,34; x. Mt 9,36; Ds 27,17).

Chúa Giêsu làm bánh cá hoá nhiều cho dân chúng (cc. 15-21)

Bố cục của đoạn nầy: – Dẫn nhập với khung cảnh thời gian (c. 15a), – Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và các môn đệ (cc. 15b-18), – Phép lạ gồm chúc tụng, phân phát bánh (cc. 19), – Kết quả là dân chúng no nê, và tổng kết với những con số: 12 thúng đầy bánh vụn thừa (c. 20) và năm ngàn người ăn (c.21) cho thấy sự vĩ đại của phép lạ.

Sang đoạn nầy, Matthêô đưa vào đây chi tiết thời gian “Chiều đến”, cũng là thời gian của bữa Tiệc ly (26,20), và “các môn đệ” (c. 15a). Trong lời trình bày của các môn đệ, thánh sử cho thấy một tình huống thách đố, không thuận lợi cho dân chúng: “chiều đến”, nơi họ đang đứng là “hoang địa”, “giờ đã quá”; các môn đệ có mặt nhưng họ không giải quyết được gì cả, “Chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá” (c. 17). Họ yêu cầu Chúa Giêsu giải tán dân chúng, để họ vào làng mạc mua thức ăn cho mình (c. 15b). Chúa Giêsu hành động khác với các môn đệ của Ngài. Ngài nhận trách nhiệm cho dân chúng ăn. Một số thủ bản nêu tên Iēsous ở câu 16, nhấn mạnh sự hiện diện chủ động của Ngài.

Chúa Giêsu nói với các môn đệ, “Họ không cần phải ra đi” (c. 16). Cụm từ echō + cheia, “có nhu cầu” cũng gặp thấy ở 3,14; 6,8; 21,3,chỉ sự cần thiết không thể thiếu. Ngược lại, ở dạng phủ định (9,12; 14,16), cụm từ có nghĩa là không cần thiết chút nào. Dân chúng “không cần phải ra đi” vì ở đây họ vẫn có thức ăn. Vì thế, Chúa Giêsu ra lệnh cho các môn đệ “Các con hãy cho họ ăn” (c. 16b), như thể thức ăn đã có sẵn và chỉ cần các môn đệ dọn ra cho dân chúng mà thôi. Để có thể hoàn thành mệnh lệnh nầy, chính Chúa Giêsu sẽ ban/cho, didōmi, bánh và cá cho các môn đệ (c. 19) để họ trao lại cho dân chúng. Động từ didōmi “cho” (cc. 16 và 19) đóng khung lại hành động “cho họ ăn” của các môn đệ.

Với dân chúng, Ngài hành động như một vị mục tử đối với đàn chiên. Ngài trực tiếp “truyền lệnh dân chúng ngả trên bãi cỏ”; khác với Mc 6,39 và Lc 9,14 là Chúa ra lệnh cho các môn đệ để họ cho dân chúng nằm ngả trên bãi cỏ thành nhóm (x. Tv 23). Anaklivō, “nằm ngả” động từ nầy cũng được dùng trong khung cảnh bữa tiệc Nước Trời  (8,11).

Tiếp theo là phần cầm lấy bánh và chúc tụng. So sánh cc. 19-20 nầy với cc. 26,20-29 liên quan đến bữa Tiệc ly, có những từ ngữ chung như sau: “chiều đến”, nằm ngả”, “cầm lấy”, “bánh”, “chúc tụng”, “bẻ ra”, “cho/trao cho các môn đệ”, “ăn”.

Phép lạ nầy hoàn toàn làý của Chúa Cha. Câu 19 nầy có cấu trúc đối đảo:

a- Truyền cho dân chúng ngả mình trên cỏ,

b- cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá,

c- Ngài ngẩng mặt lên trời mà chúc tụng,

b’- bẻ ra, Ngài ban bánh cho môn đồ,

a’- và môn đồ cho dân chúng.

Giải thích cấu trúc:

Từ “dân chúng” đóng khung cấu trúc, và cho thấy việc ban bánh cho họ được thực hiện (a,a’);

Từ “bánh” đóng vai trò chính yếu trong b,b’, + hai phân từ “cầm lấy” và bẻ ra” tương hợp với nhau + “và ban”. Tất cả yếu tố nầy cho thấy Chúa Giêsu hoàn thành việc ban bánh;

Phần c gồm một câu bắt đầu bởi một phân từ “Ngẩng mặt lên trời” và động từ chỉ hành động đã hoàn thành “chúc tụng”. Hai phần nầy liên kết với nhau bởi trạng từ kai “và”. Như thế, hành vi “chúc tụng” diễn ra khi Chúa Giêsu “ngẩng mặt lên trời”. Điểm nhấn mạnh trong cấu trúc nầy chính là hành vi Ngài chúc tụng Chúa Cha.

Ouranos, “trời”, nơi Thiên Chúa ngự (5,45; 12,50; 18,10.14.19). Ngài “nhìn lên trời” nghĩa là nhìn lên Chúa Cha (x. Tv 123,1); và cử chỉ bên ngoài nầy cho thấy là Ngài hướng về Cha trước khi làm phép lạ (x. Mc 7,34). Ngài chỉ làm phép lạ vì Cha muốn. Nếu hiểu như thế nầy là đúng, động từ eulogeō có nghĩa là “chúc tụng/tạơn (Chúa Cha)”, chứ không phải là chúc tụng trên bánh; ý nghĩa của động từ cũng được hiểu như thế trong trình thuật về Tiệc ly (22,26). Ngoài 14,19 và 26,26, động từ nầy chỉ được dùng theo nghĩa “được Thiên Chúa chúc phúc” (x. 21,9; 23,39).

Bởi lòng nhân lành của Chúa Giêsu Kitô, dân chúng được chữa lành mọi bệnh tật và no thỏa bánh cá. Bữa tiệc Ngài đãi dân chúng trong hoang địa nầy báo trước bữa tiệc Thánh Thể, trong đó lòng nhân lành của Ngài biểu lộ cách vô biên đến nỗi Ngài lấy chính mình làm lương thực cho muôn người.

Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến