Chúa Nhật XXIX Thường Niên – Của Thiên Chúa, trả cho Thiên Chúa – Giải thích bản văn Tin Mừng

19/10/2023

Mt 22,15-21: Khi ấy, các người biệt phái họp nhau lại bàn mưu để bắt bẻ Chúa Giêsu trong lời nói. Các ông sai môn đồ của các ông đi với những người thuộc phái Hêrôđê đến nói với Người rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người ngay chính, căn cứ theo sự thật mà dạy bảo đường lối Thiên Chúa. Thầy chẳng cần để ý đến ai, vì Thầy không tây vị người nào. Vậy xin Thầy nói cho chúng tôi biết Thầy nghĩ thế nào: Có được phép nộp thuế cho Cêsarê hay không?” Chúa Giêsu thừa hiểu ác ý của họ, nên nói: “Bọn người giả hình, các ngươi gài bẫy Ta làm gì? Hãy đưa Ta xem đồng tiền nộp thuế”. Họ đưa cho Người một đồng bạc. Và Chúa Giêsu hỏi họ: “Hình tượng và danh hiệu này là của ai?” Họ thưa rằng: “Của Cêsarê”. Bấy giờ Người bảo họ rằng: “Vậy, cái gì của Cêsarê thì hãy trả cho Cêsarê, và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa”.

Sau ba dụ ngôn (21,28-32;  22,33-41 và 22,1-14) liên quan trực tiếp đến các lãnh đạo tôn giáo: thượng tế, kỳ lão (21,23) và người Pharisêô (21,45), Matthêô trình bày bốn tranh luận giữa Chúa Giêsu với những người nầy trong phần còn lại của chương 22: 1/ Người Pharisêô và nhóm người Hêrôđê và việc nộp thuế cho Cêsarê (cc. 15-22), 2/ Người Sađucêô và sự sống lại (cc. 23-33), 3/ Người Pharisêô và điều răn trọng nhất (cc. 34-40), 4/ Người Pharisêô và nguồn gốc Đức Kitô (cc. 41-46). Từ logos, “lời”, (22.15 và 46) đóng khung phần nầy. Người Pharisêô, xuất hiện trong tranh luận thứ nhất và cuối cùng, đã tìm cách đặt bẫy Chúa Giêsu trong lời nói (c. 15), chính họ đã không thể nói lời nào. Họ đã không thể bắt bẻ những câu trả lời của Ngài; do đó không còn dám đặt vấn đề với Ngài nữa (c. 46).

Tranh luận đầu tiên là việc nộp thuế cho Cêsarê (22,15-22). Về mặt nội dung, đoạn nầy liên hệ về chủ đề vớicác dụ ngôn trên, cách riêng với dụ ngôn “Các tá điền vườn nho” (21,33-46): nộp/trả cho Thiên Chúa hoa trái/phần thuộc về Ngài. Có thể phân chia bố cục đoạn nầy như sau: Dẫn nhập (c. 15); tranh luận về việc nộp thuế (cc. 16-21); kết luận (c. 22).

Dẫn nhập (c. 15)

Người Pharisêô vẫn giữ ý định bắt Chúa Giêsu (x. 21,46). Matthêô cho thấy điều nầy ngay trong câu dẫn nhập (c. 15). Trước tiên, họ “bàn mưu”. Cụm từ nầy chỉ được dùng cho những người lãnh đạo. Họ chỉ “bàn mưu” để làm hại và giết Chúa Giêsu (12,14; 22,15; 27,1.7; 28,12). Ở đây họ bàn mưu “đặt bẫy Ngài trong lời nói”. Matthêô dùng động từ pagideuō, “đặt bẫy” thay vì anreuō trong Mc 12,13. “Đặt bẫy trong lời nói”, pagideusōsinen logō, nghĩa là người ta đặt ra một vấn nạn nào đó để cho người trả lời có thể bị tố cáo ngược lại căn cứ vào một vài lời nói trong câu trả lời của họ. Ở những chỗ khác, những người nầy  đặt cho Chúa Giêsu những câu hỏi để “thử” Ngài, peirazō, nghĩa là để biết Ngài suy nghĩ gì hoặc phán đoán như thế nào (x. 16,1; 19,3; 22,35). Trong ngữ cảnh của đoạn nầy, động từ peirazō, trong câu Chúa Giêsu tố cáo thâm ý của họ (c. 18), có nghĩa tương tự như động từ pagideusōsin.

Tranh luận về việc nộp thuế (cc. 16-21)

Phần chính của trình thuật nầy có thể phân chia làm hai: – Lời khen ngợi và câu hỏi về việc nộp thuế (cc. 16-17), – Lời tố cáo và câu trả lời của Chúa Giêsu (cc. 18-21). Cả hai bên, các đồ đệ của người Pharisêô và Chúa Giêsu, đều có nhận xét về nhau trước khi đặt câu hỏi và câu trả lời. Qua những lời nầy, Matthêô cho thấy sự tương phản giữa hai bên.

Lời khen ngợi và câu hỏi về việc nộp thuế (cc. 16-17)

Trước tiên, Người Pharisêô gọi Ngài là “Thầy” (c. 16); cách gọi nầy chỉ thấy trong các trình thuật tranh luận ở chương 22 nầy (22,16.24.36) và ở 12,38; nơi khác họ gọi Ngài là “Thầy của các anh (các môn đệ) (9,11). Tiếp đến, Ngài là “Đấng chân thật”, alēthēs, Ngài “dạy đường lối của Thiên Chúa trong sự thật”, alētheia; ở đây có một cấu trúc đối đảo nhỏ: a. “Thầy” – b. “chân thật” – c. “đường lối của Chúa” – b’. “sự thật” – a’. “dạy”; cấu trúc nầy nhấn mạnh ở “đường lối của Thiên Chúa”. Chúa Giêsu là thầy, là Đấng chân thật, vì Ngài dạy “đường lối của Thiên Chúa”; Gioan Tẩy giả được nói là “đến trong sự công chính” (21,32). Sau cùng, Ngài “không bận tâm người nầy người nọ, vì Ngài không nhìn vẻ bên ngoài”, nghĩa là Ngài không thiên vị; phẩm tính nầy của Thiên Chúa được áp dụng cho Ngài (x. Đnl 10,17; Cv 10,34; Rm 2,11; Giacôbê 2,9). Vậy họ xem Chúa Giêsu, ít là cách bên ngoài và qua những lời nầy, như là người của Thiên Chúa.

Người Pharisêô đặt với Chúa Giêsu câu hỏi về việc nộp thuế cho hoàng đế. Thuế nầy tính theo đầu người, được thu ngang qua các cuộc kiểm tra dân số (Lc 2,1-5; Cv 5,37). Mỗi năm là một đồng bạc (E. Schürer, The History of the Jewish People in the Age of Jesus Christ, ed. by G. Vermes – F. Millar, Edinburgh, 1973 -, 1, pp. 399–427). Vấn đế nộp thuế được đặt ra trong tương quan với lề luật của Thiên Chúa;  exestin có nghĩa là “được phép”, “đúng luật”.Mỗi lần đặt ra vấn đề “được phép/đúng luật”, người Pharisêo thường cho là không đúng luật. (12,2.10; 19,3; 22,17). Ở đây Chúa Giêsu đã không trả lời “có” (x. 12,2.10.12), mà cũng không trả lời “không” (x. 19,3). Nếu Ngài trả lời “có”, sẽ cóngười phản đối Ngài, vì nhiều người Do thái chống lại việc nộp thuế, như Giuđa người Galilê (x. Josephus, Bell, 2-118). Nếu Ngài trả lời “không”, họ có thể tố cáo Ngài là người nổi loạn. Chúa Giêsu trả lời theo cách của Ngài, chứ không đi vào trong cái bẫy “có” hoặc “không” của người Pharisêô.

Nhậnxét và câu trả lời của Chúa Giêsu (cc. 18-21)

Các câu 18-21 trình bày giải đáp của Chúa Giêsu. Tên của Chúa Giêsu, Iēsous, được đưa vào ngay đầu câu để đối lại với tên của nhóm người Pharisêô và Hêrôđê (c. 16). Họ đến hỏi chuyện nộp thuế cho hoàng đến, Chúa Giêsu nói thêm trách nhiệm cá nhân đối với Thiên Chúa.

Câu 18 trình bày nhận xét của Chúa Giêsu về người Pharisêô.Ngài nhận ra lòng “xấu xa”, ponēria, nơi họ (c. 18). Những điều họ nhận xét về Ngài rất đúng, nhưng vì những lời ấy phát xuất từ ý đồ “bàn mưu đặt bẫy”, nên đó là những lời bất lương, và “xấu xa” của họ là không có sự chân thật nơi mình.

Các câu 19-21 giải đáp câu hỏi về nộp thuế. Trước tiên, Ngài yêu cầu, bằng câu mệnh lệnh, người ta đưa cho Ngài một đồng tiền nộp thuế (c.19a). Rồi Ngài đặt câu hỏi và để họ trả lời (cc. 20-21a). Hình ảnh trên đồng tiền là của hoàng đế Tiberius (A.D. 14-37), với hàng chữ bằng tiếng Latinh: Augustus Ti(berius) Caesar Divi Aug(usti) F(ilius), “Tiberius Caesar, con thần linh Augustus”. Các chi tiết nầy muốn nói là đồng tiền nầy thuộc về Cêsarê, và khi người ta dùng đồng tiền nầy để đóng thuế, thì tiền thuế sẽ thuộc về ông, “Của Cêsarê trả lại cho Cêsarê” (c. 21a). Với khẳng định nầy, việc đóng thuế cho Cêsarê không trái với lề luật của Thiên Chúa (x. Rm 13,1-7; 1Pr 2,13.17).

Chúa Giêsu đã không dừng lại ở khẳng định nầy. Trong các cuộc tranh luật về lề luật, Chúa Giêsu thường không dừng lại ở “được phép/đúng luật, exestin” hay không. Ngài thường hành động vượt trên lề luật dựa vào lý do ưu tiên cho con người và Thiên Chúa (12,6; 12,11-12; 19,6). Trường hợp nầy cũng thế, tuy chỉ là tranh luận trên lý thuyết, Ngài đặt việc nộp thuế cho Cêsarê trong tương quan với Thiên Chúa. Câu trả lời quyết định của Ngài gồm hai vế đối nhau (c. 21), trong đó “Thiên Chúa”, có mạo từ xác định, đối lại với “Cêsarê”. Động từ apodidōmi, “trả lại” được dùng một lần chung cho cả hai vế. Cấu trúc nầy cho thấy nếu phải đóng thuế cho vua chúa trần gian, thì cũng phải làm điều nầy cho Thiên Chúa và làm một cách tuyệt đối, vì Thiên Chúa vượt trên hết mọi vua chúa, vương quốc trần gian (x. 4:10). Động từ apodidōmi được dùng nhiều lần trong tương quan giữa con người và Thiên Chúa. Matthêô cho thấy nhiều lần Thiên Chúa “trả lại” cho con người (6,4.6.18; 16,27; 20,8), trong khi đó, không một lần nào thấy con người làm điều nầy cho Thiên Chúa (18,25.34); điều nầy được nói cách hiển nhiên hơn trong dụ ngôn tá điền vườn nho (21,41). Bởi đó, Chúa Giêsu kêu gọi “Hãy trả lại cho Thiên Chúa điều thuộc về Thiên Chúa”.

Vậy Chúa Giêsu, vị Thầy “dạy đường lối của Thiên Chúa” (c. 16), đã chỉ cho người Pharisêô thấy điều họ phải làm đối với Thiên Chúa là “trả lại cho Thiên Chúa phần thuộc về Thiên Chúa” (c. 21b); Ngài cũng đã làm tương tự đối với ma quỉ (4,7.10).Trong dụ ngôn tá điền vườn nho, Ngài nói điều nầy bằng dụ ngôn (21,34.43). Người Pharisêô đã không chịu lắng nghe mà hoán cải (x. 21,46). Ở đây, Ngài khẳng định với họ trực tiếp và rõ ràng.

Kết luận (c. 22)

Trình thuật kết thúc với nhận xét của thánh sử (c. 22). Phản ứng của người Pharisêô là  “kinh ngạc”, “sững sờ”, thaumazō; ở đây được hiểu theo nghĩa của Is 52,15: “Cũng vậy, nó sẽ làm cho muôn dân phải sững sờ, vua chúa phải câm miệng, vì được thấy điều chưa ai kể lại,được hiểu điều chưa nghe nói bao giờ”. Câu trả lời quyết định của Chúa Giêsu đã làm cho người Pharisêô kinh ngạc. Họ nghe điều họ không chờ đợi và nghĩ tới. Sự kinh ngạc làm họ phải nín lặng (x. 22,46), và “bỏ” Chúa Giêsu mà đi. Hành động của họ được mô tả như hành động của ma quỉ là “bỏ Ngài mà đi” sau khi “thử” Ngài (4,7) mà không thành công (4,11).

Người Pharisêô đem chuyện nộp thuế cho hoàng đế Cêsarê đến với Chúa Giêsu. Ngài nói thêm việc “nộp thuế” cho Thiên Chúa. Bổn phận bắt buộc và không thể gỡ mình ra được nầy rơi ngược lại trên họ, và làm cho họ hiểu rằng họ đã không trả lại cho Thiên Chúa điều thuộc về Ngài.

Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến