Chúa Nhật XXVI Thường Niên B – Đừng Ngăn Cản Họ – Giải thích bản văn Tin Mừng

26/09/2024

Mc 9,38-43.45.47-48: Khi ấy, Gioan thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo chúng ta, và chúng con đã ngăn cấm y”. Nhưng Chúa Giêsu phán: “Đừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi liền đó lại nói xấu Thầy. Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con. Ai nhân danh Thầy mà cho các con một ly nước vì lẽ các con thuộc về Đấng Kitô, Thầy bảo thật các con: kẻ đó sẽ không mất phần thưởng đâu. Nhưng nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn.

“Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi: thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hoả ngục, trong lửa không hề tắt. Và nếu chân con làm dịp tội cho con, hãy chặt chân đó đi: thà con mất một chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai chân mà phải ném xuống hoả ngục. Và nếu mắt con làm dịp tội cho con, hãy móc mắt đó đi, thà con còn một mắt mà vào nước Thiên Chúa, còn hơn là có đủ hai mắt mà phải ném xuống hoả ngục, nơi mà dòi bọ rúc rỉa nó không hề chết và lửa không hề tắt”.   

  

Cùng nằm trong văn mạch của những giáo huấn Chúa Giêsu dành riêng cho các môn đệ của Người, đoạn 9,38-43.45.47-48 đề cập đến việc Chúa Giêsu tiếp tục dạy nhóm Mười Hai phải đối xử thế nào với những người ngoài nhóm, với trẻ nhỏ và với chính bản thân; trong khi ở đoạn trước 9,33-37, Người dạy họ về tương quan lớn – nhỏ. Cách tổng quát đoạn nầy có thể phân chia như sau: 1- Cách đối xử với những người không thuộc nhóm môn đệ (9,39-41); 2- Với trẻ nhỏ; 3- Với chính bản thân (9,43-49).

Tương tự như chuyện tranh chấp lớn nhỏ, lần nầy các môn đệ muốn đặt mình hơn những người ngoài nhóm khi tự cho chỉ họ mới có quyền trừ quỉ. Lần đầu tiên có những người không thuộc nhóm môn đệ Chúa Giêsu lấy danh của Người mà trừ quỉ; nghĩa là trừ quỉ bởi quyền năng của Người (9,39-41). Cách phản ứng của các môn đệ là ngăn chận (kōlyō) nhiều lần – động từ nầy cũng có nghĩa là “cấm đoán” – những người ấy làm điều đó. Chúa Giêsu trừ quỉ bởi quyền năng thần linh của Người (1,34.39) và Người trao ban quyền ấy cho các môn đệ của Người khi họ đi thi hành sứ vụ rao giảng (3,15; 6,13; 16,17). Do đó, các môn đệ có lý để cấm những người ấy, vì “họ không đi theo chúng ta”, nghĩa là họ không được Chúa Giêsu ủy thác để làm điều ấy (9,38). Chúa Giêsu không cấm đoán họ, mà trái lại, Người cấm các môn đệ không được ngăn cản hoặc cấm những người đang làm điều ấy. Người dạy các môn đệ bằng hai câu, một liên quan đến Người, “tôi” (9,39), và một đến các môn đệ, “chúng ta” (9,40). Cụm từ “không ai…”  làm cho câu phủ định trở nên mạnh hơn; đồng thời, xác định là hai sự việc được nêu lên trong mệnh đề ấy “trừ quỉ” và “nói xấu” không thể đi chung với nhau được (x. 2,21.22; 3,27; 9,39; 10,18). Như thế, việc vừa nhân danh Người để trừ quỉ và vừa liền nói xấu Người là không thể xảy ra! Lý luận tiếp theo thì tích cực hơn: nếu không họ chống đối, nghĩa là họ đứng “về phía chúng ta” (9,40; x. Rom 8,31). Vậy, đối với Chúa Giêsu, có thể nhân danh Người mà trừ quỉ với điều kiện là đứng về phía Người, dù không phải là môn đệ của Người.

Đối với trẻ nhỏ (x. 9,36), Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ là đừng gây cớ vấp ngã (scandalizō) cho chúng (9,42). Ý nghĩa của động từ nầy được soi sáng rõ ràng hơn trong những câu 4,17 và 14,27.29. Theo câu 4,17, do gian nan và bách hại mà nhiều người đã vấp ngã (scandalizō), nghĩa là họ không trung thành giữ lời Chúa nữa. Cũng thế, theo câu 14,27.29, vì Chúa Giêsu bị bắt mà các tông đồ sẽ bỏ Người và không đi theo Người nữa. Như thế, gây cớ vấp ngã cho các trẻ nhỏ có nghĩa là làm cho chúng bỏ và không theo Chúa nữa, và hết giữ lời của Người. Theo mạch văn, những điều các môn đệ có thể gây cớ vấp ngã cho các trẻ nhỏ là việc tranh giành làm lớn giữa các ông mà không nghĩ đến việc phục vụ (x. 9,33-35). Hình phạt bị ném xuống biển với cối xay đá buộc vào cổ cho người gây vấp ngã là thật khủng khiếp. Điều nầy cho thấy Chúa Giêsu rất quan tâm đến việc tránh gây vấp ngã cho trẻ nhỏ, và Người xem việc ấy tương đương với cả mạng sống con người (x. 9,42).

Sau cùng, Chúa Giêsu dạy về các đối xử với chính bản thân (9,43-49). Ba câu 9,43.45.47 tương tự nhau về từ ngữ cũng như cấu trúc và nội dung. Tay, chân và mắt là những chi thể của toàn thân. Ở đây, được hiểu theo nghĩa bóng, chúng chỉ những gì có thể kết cấu cách thâm sâu nên chính con người sống trên đời nầy. Có khi những điều ấy có thể làm cho con người bỏ đức tin vào Chúa Giêsu và lời của Người. Trong văn mạch lớn của đoạn nầy (8,27-10,52), cho đến lúc nầy chúng có thể là việc bám chặt vào sự sống đời nầy – thay vì sự sống muôn đời (x. 8,35), việc chối bỏ Chúa Giêsu trước mặt người đời vì muốn được người đời chấp nhận (x. 8,38), việc tranh giành địa vị (9,34). Khi gặp những điều nầy, Chúa Giêsu đòi hỏi môn đệ của Người phải chọn lựa dứt khoát và rõ ràng: hoặc “sự sống” muôn đời (9,43.54) và “Nước Thiên Chúa” (9,47) hoặc “hỏa ngục” (9,43.45.47). Vậy, người môn đệ cũng phải phục vụ chính bản thân và liệu cho nó được vào Nước Trời.

Đề tài phục vụ vẫn còn kéo dài đến đây. Phục vụ những người ngoài nhóm, trẻ nhỏ và bản thân là quan tâm đến họ và chính mình để tất cả có thể đứng vững trong đức tin vào Chúa Giêsu và lời của Người.

Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến