Mc 12,38-44: Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng trong khi giảng dạy rằng: “Các ngươi hãy coi chừng bọn luật sĩ. Họ thích đi lại trong bộ áo thụng, ưa được bái chào ngoài công trường, chiếm những ghế nhất trong hội đường và trong đám tiệc. Họ giả bộ đọc những kinh dài để nuốt hết tài sản của các bà goá: Họ sẽ bị kết án nghiêm ngặt hơn”.
Chúa Giêsu ngồi đối diện với hòm tiền, quan sát dân chúng bỏ tiền vào hòm, và có lắm người giàu bỏ nhiều tiền. Chợt có một bà goá nghèo đến bỏ hai đồng tiền là một phần tư xu. Người liền gọi các môn đệ và bảo: “Thầy nói thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống mình”.
Đoạn 12,38-44 nằm ở cuối những giáo huấn của Chúa Giêsu trong đền thờ (x. Chú giải bài Phúc âm Chúa Nhật XXXI Thường Niên B). Đoạn nầy gồm hai câu chuyện của các kinh sư (12,38-40) và bà goá nghèo (12,41-44), trong đó chân dung tương phản nhau của họ được mô tả. Trong câu kết luận của mỗi đoạn, một bên Chúa Giêsu loan báo sự phán xét của Thiên Chúa; bên kia, Người khen ngợi. Hai đoạn liên kết với nhau qua hạn từ “bà goá” (12,40 và 42.43).
Câu chuyện của các kinh sư mở đầu bằng một ngăn ngừa (12,38a) và kết thúc bằng một phán xét của Chúa Giêsu (12,40); phần chính là mô tả cách sống của các kinh sư (12,38b-39). Chúa Giêsu thường xuyên dùng cách ngăn ngừa “Hãy coi chừng” để kêu gọi các môn đệ của Người sẵn sàng nghe một điều gì (13,23.33), nhất là để giữ mình khỏi điều sắp được loan báo: men của người Pharisêu (8,15), cách sống của các kinh sư (12,38), những người bắt bớ ( 13,5.9). Các kinh sư là những người giảng dạy lề luật của Thiên Chúa cho dân chúng và phục vụ cho lề luật ấy. Thế nhưng họ đã lợi dụng vị thế của một kinh sư mà khai thác danh và lợi cho chính mình. Đến lúc nầy, qua lời phê phán của Chúa Giêsu, mới hiểu được tại sao dân chúng đã đánh giá Người trổi vượt hơn họ trong giáo huấn và quyền năng (1,22). Điều Chúa Giêsu trách họ là tham vọng của họ. Marcô mô tả cách sống của họ bằng ba động từ ở thể phân từ hiện tại “muốn” (12,38), “nuốt” và “đọc kinh, cầu nguyện” (12,40). Điều họ muốn trong đời sống thường ngày là mặc áo thụng, dành cho những người có chức tước (12,38; x. Lc 15,22; 20,46), để phân biệt mình trong địa vị so với người khác; muốn được chào nơi công cộng vì muốn xem mình là trung tâm chú ý nơi mà hình như chẳng ai để ý đến ai; muốn chỗ cao trong các đám tiệc, điều mà Chúa Giêsu khuyên các môn đệ của Người nên làm ngược lại (x. Lc 14,8). Trong đời sống tôn giáo, họ cũng muốn những chỗ vinh dự trong hội đường. Như thế, họ muốn phô trương chính mình ra ở mọi nơi và giữa mọi người để tìm vinh dự nhiều nhất có thể từ phía con người. Về việc làm, Chúa Giêsu trưng dẫn hai hành động cụ thể: nuốt nhà cửa của bà góa và giả bộ đọc kinh lâu giờ (1,40). Hai hành động nầy gắn liền với nhau. Làm như thế là họ khai thác Thiên Chúa và đánh lừa con người để kiếm lợi lộc vật chất ngay cả của những người nghèo khó nhất. Do đó họ bị kết án nặng nề (x. Xh 22,21-23; Is 1,17; 10,1-2). Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Người đừng bắt chước theo lối sống của các kinh sư, vì cách sống ấy đã bị kết án rồi (12,40).
Câu chuyện của bà goá nghèo có thể được phân chia thành hai phần: – Chúa Giêsu quan sát những người bỏ tiền vào hòm cúng (12,38-40); – Người đánh giá việc làm của họ, cách riêng của bà ấy (12,41-44). Khung cảnh của câu chuyện là sự quan sát của Chúa Giêsu và nhiều người đến bỏ tiền vào hòm cúng (12, 41). Sự tương phản giữa những người giàu và một bà góa nghèo được nêu nổi bật suốt câu chuyện. Đây là những tương phản: nhiều người giàu có (c. 41) – một bà goá nghèo (c. 42.43); họ bỏ nhiều tiền (c. 41) – bà bỏ hai đồng xu (c. 42); họ bỏ từ phần dư giả (c.44) – bà bỏ từ sự túng thiếu (c.44). Động từ “bỏ vào” dùng cho người giàu diễn tả sự liên tục và thời hạn; trong khi cũng động từ ấy dùng cho bà goá chỉ một hành động nhanh chóng và đã hoàn tất. Bà chỉ bỏ một lần thôi (cc. 42.43.44). Tuy nhiên, kết quả là một bà goá bỏ nhiều hơn tất cả những người bỏ tiền vào hòm cúng (c. 43).
Trong xã hội Israel thời ấy, bà goá được xếp bên cạnh những trẻ không cha mẹ. Cả hai thuộc về những người không thể tự vệ (Ex 22,22; Đnl 10,18; 14,29). Hơn nữa, bà goá nầy được xác định là nghèo (cc. 42.43). Chữ “nghèo” (ptōchos) nầy còn có nghĩa là “người ăn xin” (x. 10:21; Lc 14:13.21). Để ca ngợi là bà đã bỏ vào nhiều hơn tất cả những người đã bỏ vào đó, Chúa Giêsu dùng công thức long trọng “Thật, Thầy bảo các con”. Trong lý chứng đưa ra (12,44), Người cho thấy sự tương phản của hai việc làm: người giàu cúng đền thờ từ tiền dư thừa, trong khi bà góa từ sự thiếu thốn. Dư thừa là nhiều hơn mức cần thiết; trong khi, thiếu thốn là ít thua mức phải có. Người giàu có đã bỏ vào “nhiều” (12,41), trong khi bà goá nghèo đã bỏ vào “tất cả” (12,44). Tất cả những gì bà có cho đến lúc ấy chỉ là hai đồng tiền. Đó là tất cả phương tiện vất chất nuôi sống bà (x. Lc 8,43). Đối với Chúa Giêsu, điều Người quan tâm không phải là số lượng, vì chắc chắn là những người giàu có bỏ vào nhiều hơn bà, mà là sự trọn vẹn. Trong đoạn trước nói về giới răn yêu thương, Người đòi hỏi sự trọn vẹn (x. 12,30.33). Vậy, bà goá nghèo nầy đã thực hiện giới răn đó, khi dâng cho Thiên Chúa tất cả những gì bà có và đã không dành lại điều gì cho mình.
So sánh với các kinh sư bị phê phán trên, bà goá nghèo nầy rất tự do đối với tiền của và với chính mình. Bà không lo lắng cho chính mình, mà chỉ hướng về Thiên Chúa. Bà hoàn toàn yêu mến Người và lòng mến yêu ấy được biểu lộ qua việc dâng cúng tất cả những gì đang có cho đền thờ của Người. Trong khi đó, các kinh sư chỉ nghĩ đến mình và tận dụng mọi sự, mọi người và ngay cả việc thờ phượng Thiên Chúa cho tham vọng riêng mình. Vì lý do ấy mà trước mặt Thiên Chúa, các kinh sư ấy bị phán xét, còn bà goá nghèo nầy nên cao trọng.
Không phải số lượng việc làm hay tiền của dâng cúng mà Thiên Chúa yêu thích, nhưng là một tấm lòng thuộc trọn vẹn về Người.
Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến