Sự sống thực – Suy niệm Chúa Nhật 5 Mùa Chay – Năm A

24/03/2023

Tin Mừng Ga 11,3-7.17.20-27.34-45

Khi ấy, hai cô Mác-ta và Ma-ri-a cho người đến nói với Đức Giê-su : “Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng”. Nghe vậy, Đức Giê-su bảo : “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh”.

Đức Giê-su quý mến cô Mác-ta, cùng hai người em là cô Ma-ri-a và anh La-da-rô. Tuy nhiên, sau khi được tin ông La-da-rô lâm bệnh, Người còn lưu lại thêm hai ngày tại nơi đang ở. Rồi sau đó, Người nói với các môn đệ : “Nào chúng ta cùng trở lại miền Giu-đê !”

Khi đến nơi, Đức Giê-su thấy La-da-rô đã chôn trong mồ được bốn ngày rồi.

Vừa được tin Đức Giê-su đến, cô Mác-ta liền ra đón Người. Còn cô Ma-ri-a thì ngồi ở nhà. Cô Mác-ta thưa với Đức Giê-su : “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. Nhưng bây giờ con biết : Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy”. Đức Giê-su nói : “Em chị sẽ sống lại !” Cô Mác-ta thưa : “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết”. Đức Giê-su liền phán : “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không ?” Cô Mác-ta đáp : “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian”.

Đức Giê-su thổn thức trong lòng và xao xuyến. Người hỏi : “Các người để xác anh ấy ở đâu ?” Họ trả lời : “Thưa Thầy, mời Thầy đến mà xem”. Đức Giê-su liền khóc. Người Do-thái mới nói: “Kìa xem! Ông ta thương anh La-da-rô biết mấy !” Có vài người trong nhóm họ nói: “Ông ta đã mở mắt cho người mù, lại không thể làm cho anh ấy khỏi chết ư ?” Đức Giê-su lại thổn thức trong lòng. Người đi tới mộ. Ngôi mộ đó là một cái hang có phiến đá đậy lại. Đức Giê-su nói : “Đem phiến đá này đi”. Cô Mác-ta là chị người chết liền nói : “Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày”. Đức Giê-su bảo : “Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?” Rồi người ta đem phiến đá đi. Đức Giê-su ngước mắt lên và nói : “Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con. Phần con, con biết Cha hằng nhậm lời con, nhưng vì dân đứng quanh đây, nên con đã nói để họ tin là Cha đã sai con”. Nói xong, Người kêu lớn tiếng : “Anh La-da-rô, hãy ra khỏi mồ !” Người chết liền ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn. Đức Giê-su bảo : “Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi”.

Trong số những người Do-thái đến thăm cô Ma-ri-a và được chứng kiến việc Đức Giê-su làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người.

************************************

SỰ SỐNG THỰC

Robert Ingerson (1833-1899) là một luật sư, văn sĩ, hùng biện gia Hoa Kỳ thuộc phái “bất khả tri” rất nổi tiếng. Ông đã từng đi khắp châu Mỹ tấn công các tôn giáo, đặc biệt là đạo Ki-tô. Ông chủ trương rằng người ta không thể biết gì về Thiên Chúa hay đời sống mai hậu. Trong một lần diễn thuyết, ông cố gắng chứng minh câu chuyện Tin Mừng hôm nay là một phép lạ giả tạo, nhằm quảng cáo cho Chúa Giê-su. Theo Ingerson, La-da-rô đã làm cho người ta tưởng là mình ngã bệnh, đã chết hẳn. Các chị của ông sau đó đã giấu ông trong một nấm mồ và báo tin cho Chúa. Ông phải ở trong mồ cho tới khi Chúa Giê-su gọi : “La-da-rô ! Hãy ra đây !” Rồi muốn củng cố lập luận của mình, Ingerson hỏi : “Ai ở đây có thể nói cho tôi biết tại sao Đức Giê-su gọi ‘La-da-rô, hãy ra đây’ mà không nói đơn sơ là ‘Hãy ra đây’” ? Một cụ già đứng lên trả lời : “Thưa ông, nếu Chúa không kêu đích danh “La-da-rô” thì tất cả những người được chôn ở nghĩa địa lúc đó sẽ đi ra để gặp Đấng Cứu Thế của họ !”

1. Sống lại trong lúc này rồi.

Việc hồi sinh La-da-rô là “phép lạ cuối cùng” của Đức Giê-su trong Tin Mừng Gio-an[1], “dấu chỉ” sau hết và vĩ đại nhất mà Người đưa ra cho dân Do-thái trong vụ án giữa ánh sáng và tối tăm : ngay sau dấu chỉ này, theo Gio-an, là khởi đầu cuộc Khổ nạn (x. Ga 11,46.53). Khi đi sang Giu-đê để cứu anh bạn La-da-rô (tên này có nghĩa: “Xin Thiên Chúa cứu giúp”), Đức Giê-su đón trước cái chết của riêng mình. Chúng ta nhận thấy dù quý mến Mác-ta và Ma-ri-a, Đức Giê-su đã cố ý đến thăm họ trễ : dẫu là phàm nhân, Người chẳng bao giờ để mình bị hướng dẫn nguyên bởi tình cảm, nhưng là bởi thánh ý Chúa Cha (x. 4,34; 7,18; 8,29)… Người đã chờ cho La-da-rô chết, vì muốn cho thấy Người không đến để tránh cho chúng ta khỏi đau khổ và tang tóc, nhưng để dùng sự Phục sinh của mình mà biến đổi ý nghĩa các khổ đau và cái chết ấy, những thứ mà chính Người cũng phải cảm nghiệm !

Tuy nhiên, khi gọi cái chết là một “giấc ngủ” (“La-da-rô, bạn của chúng ta, đang yên giấc; Thầy đi đánh thức anh ấy đây”: 11,11; x. Mt 9,24). Đức Giê-su muốn mời gọi chúng ta thay đổi quan niệm về thực tại không thể tránh khỏi này : cái chết thể lý, đối với Đức Giê-su, chỉ là một giấc ngủ tạm thời… nấm mồ chỉ là một nơi người ta an nghỉ chờ lúc thức dậy, nghĩa trang (dịch chữ “coemeterium” tiếng La-tinh, chữ “coemeterium” lại dịch chữ “koimeterion” tiếng Hy-lạp) có nghĩa là phòng ngủ, phòng đợi. Thánh Phao-lô cũng sẽ mừng hát : “Tỉnh giấc đi, hỡi người đang ngủ ! Từ cõi chết, chỗi dậy đi nào ! Đức Ki-tô sẽ chiếu sáng trên ngươi” (Ep 5,14). Lạy Chúa Giê-su, xin giúp chúng con chia sẻ thật sự tư tưởng của Ngài, để cất khỏi cái chết tính cách bi thương của nó, hầu xem nó như một “phát minh thần linh” mầu nhiệm, một phát minh giúp chúng con rốt cục tham dự vào Sự Sống Hạnh Phúc của Thiên Chúa : “Nhờ Đức Giê-su, Thiên Chúa sẽ đưa những người đã an nghỉ về cùng Đức Giê-su…” (1Tx 4,14) “Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu…” (1Cr 15,20). Vâng, Chúa Giê-su có thể “vui mừng” vì cái chết của La-da-rô. Mặc khải thật lạ lùng ! Mặc khải duy nhất có ích… về cái chết.

Nhưng Mác-ta, như phần lớn dân Do-thái đương thời, chỉ tin có sự sống lại “ngày sau hết”. Cái mới mẻ Đức Giê-su yêu cầu cô tin, đó là một sự sống lại “ngay bây giờ”: Ta là sự sống lại ! Thành thử đây là câu trả lời của Thiên Chúa cho vấn nạn nghiêm chỉnh duy nhất của nhân loài, vấn nạn đặt ra cho mỗi người chúng ta khi đứng trước cái chết. “Ai tin vào Ta, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Ta, sẽ không phải chết bao giờ.” Thật hay giả ? Đáng tin hay chăng ? Kinh Tin Kính của chúng ta đơn giản và vắn gọn lạ lùng: “Đức Giê-su Na-da-rét đã chết và sống lại” rồi “tôi tin hằng sống vậy”. Trong khi chờ chết, chúng ta chỉ còn có việc phải “sống” điều này, “tin” điều này. Vì bất cứ ai tin vào Đấng Phục sinh chẳng còn có thể sống một cuộc sống không tình yêu, không hy vọng, không niềm vui đem chia sẻ, cuống cuồng hưởng thụ kẻo tử thần lấy đi tất cả. Nếu phải chết chiều nay, bạn sẽ muốn trải qua hôm cuối cùng này thế nào, trước khi ôm chầm lấy Thiên Chúa ? Đời sống một tín hữu luôn đầy sự sống lại, đầy sự sống, đầy niềm vui.

“Ta là sự sống lại và là sự sống”. Những lời thật tự phụ ! Một là thằng điên… hai là Thiên Chúa mới nói thế ! Sự sống Người nói đến dĩ nhiên có bản chất khác với “sự sống sinh vật” mà cái chết là tận cùng : đây là Sự sống Thần linh ! “Ai tin Ta, sẽ không bao giờ phải chết”. Đức tin ngay từ bây giờ đã là việc tham dự trước vào sự sống ấy, sự sống bất tử ấy, sự sống của chính TC hằng hữu. Nhưng rốt cục cũng sẽ là sự sống trong một thân xác biến đổi nhờ cuộc phục sinh.

2. Đánh thức niềm tin ngay đi.

Thế nhưng, sao Chúa Giê-su lại khóc, lại thổn thức và xao xuyến cõi lòng (cc. 33,35,38) đang khi sắp cho La-da-rô sống lại ? Đó chẳng phải vì Người cảm xúc theo tiếng khóc than của hai chị em cùng bằng hữu, nhưng là phẫn nộ trước thái độ không tin của người Do-thái, đức tin nửa vời của Mác-ta, trước nỗi sầu thảm tuyệt vọng của Ma-ri-a và những cử chỉ biểu lộ sự bất lực lẫn thiếu niềm hy vọng của tất cả họ khi đối diện với cái chết (TOB, Nil Guillemette). Tuy nhiên sau đó, Người lại dâng lời cảm tạ lên Thiên Chúa (cc. 41-42) chẳng phải vì phép lạ sắp thực hiện, nhưng vì phép lạ này sẽ giúp những kẻ không tin hay kém tin được tin vững. Họ là các môn đệ đã từng chống lại việc lên Giê-ru-sa-lem vì nghi ngờ, sợ hãi… ; là Mác-ta đã ngập ngừng chẳng muốn mở mộ, vì bán tín bán nghi : “Thưa Thầy, nặng mùi rồi…” ; là những người Do-thái dù thiện cảm với hai chị em, cũng chỉ đến để khóc lóc than vãn…

Nên trình thuật dài dòng này, dạo đầu cho việc hồi sinh La-da-rô, cho ta thấy mục tiêu đích thật của thánh Gio-an không phải là việc “đánh thức” La-da-rô khỏi cái chết thể lý, nhưng chính là sự “đánh thức niềm tin”, sự “tiến triển niềm tin” trong tất cả những kẻ vầy quanh Đức Giê-su. Đứng trước ngôi mộ, Người lấy lại quyền chủ tể của mình qua 3 cử chỉ : Cầu nguyện cảm tạ Chúa Cha trong sự kết hợp thân thiết và trong niềm xác tín vững chắc Cha sẽ nhậm lời – Tỏ uy quyền trên các chứng nhân bằng cách ra lệnh : “Cất phiến đá!” đoạn “Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi” – Can thiệp nhanh gọn và hữu hiệu: “Người kêu lớn tiếng : Anh La-da-rô, hãy ra khỏi mồ !” Tiếng kêu như ban một tính chất công khai cho dấu chỉ, đồng thời cho thấy giọng nói toàn năng của Người có thể thấu đến xứ sở kẻ chết.  

Đức Giê-su dâng lời cầu khẩn Cha và bày tỏ uy quyền mình cho tất cả những người ấy, cho tất cả những ai thấy khó lòng tin, cho tôi, cho bạn… Mà đức tin, đó là gì ? Đó là thừa nhận Đức Giê-su đến từ một chỗ khác, rằng Người đã “được sai đi” (xem bài Tin Mừng Chúa nhật tuần trước về anh mù ở hồ Si-lô-ác). Bạn tin điều đó chứ ? Bạn tin vào cái nơi từ đó Đức Giê-su đã tới chứ ? Trong trang Tin Mừng này (Ga 11,1-45), có 23 lần dời chỗ : ra khỏi Giu-đê, về lại Giu-đê, tới Bê-ta-ni-a, vào nhà, đến mộ, tiến về Giê-ru-sa-lem… nhưng trung tâm của mọi cuộc chuyển động này không phải là “ngôi mộ” đang thu hút mọi cái nhìn, nhưng là “một thế giới khác, thế giới của Chúa Cha”, Đấng sai phái Đức Giê-su ! Không có cái “nơi” này, vấn đề sự chết chẳng thể nào giải quyết được.

“Nhiều kẻ đã tin vào Đức Giê-su” : câu cuối cùng này cho thấy : theo Đức Giê-su, đối với con người, vấn đề chủ yếu trước hết không phải là có thể ra khỏi mộ một ngày kia, nhưng là ngay từ bây giờ, đi từ sự chết sang sự sống nhờ gắn bó đức tin vào bản thân Đức Giê-su.

– – – – – – – – – – – – – – – – – –

[1] Trong Tin mừng Gio-an (chỉ) có 7 dấu chỉ (phép lạ), có 7 lời Đức Giê-su tuyên bố: “Ta là…” và 7 thực tại mới mẻ. Đó là nét độc đáo của ông về mặt thần học.

Lm. Phê-rô Phan Văn Lợi