Sự sống trường tồn – Đích thực – Suy niệm Lễ Mình Máu Chúa Kitô – Năm A

09/06/2023

Tin Mừng Ga 6,51-58

Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”

Người Do-thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” Đức Giê-su nói với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết. Vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời “.          

************************************

SỰ SỐNG TRƯỜNG TỒN – ĐÍCH THỰC

Gregory Spelkens là một cậu bé người Bỉ mắc bệnh bạch cầu từ thưở mới sinh. Muốn sống, cậu phải được cấp ghép tủy xương (nơi sản sinh các tế bào máu) của một người có những đặc điểm di truyền y như tủy xương của cậu. Sau bao năm tìm tòi, các bác sĩ được biết có một người đàn ông ở Đức thỏa mãn những điều kiện trên. Thế là họ vận động ông ta để xin rút một ít tủy sống. Nhưng mặc bao nài nỉ, van xin của gia đình cậu bé cũng như của các bác sĩ, người đàn ông họa hiếm kia vẫn khăng khăng chối từ, lấy cớ mình quá sợ gây mê toàn bộ, còn dọa kiện y sĩ phẫu thuật vì tội quấy rầy ông ta. Cậu Gregory cuối cùng đã chết vì một nỗi sợ hãi phi lý và một thái độ vô tâm ích kỷ. Câu chuyện đau thương này nêu bật một hành vi hoàn toàn trái ngược mà chúng ta kính nhớ hôm nay, hành vi của Đức Giê-su trao hiến trọn máu mình Người để tất cả chúng ta được sống.

1- Sự sống trường tồn…

“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống.” Bánh là một cái gì rất đơn giản và gần gũi con người. Nó là chính biểu tượng của sự sống: ai không ăn sẽ chóng chết… ai không thèm ăn phải đi bác sĩ, vì đó là dấu cho thấy sức khỏe gặp trục trặc… Nhưng ở đây Đức Giê-su muốn vượt lên trên ý nghĩa thông thường của ngôn từ và hình ảnh: Người nói mình là lương thực trường sinh… và còn quả quyết lương thực đó có một nguồn gốc thiên giới ! Thành thử đây là một thứ bánh chất vấn chúng ta về bản chất cơn đói của chúng ta. Đối với chúng ta, “sống” là gì ? Nếu tôi không muốn ăn Thánh Thể, bệnh thiếu máu nào, chứng suy dinh dưỡng nào rình rập tôi ? Tôi nuôi sống mình bằng gì ? Bằng chiếm hữu ? Hưởng thụ ? Tiêu pha ? Làm việc ?

“Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời.” Có nhiều “cấp độ” sống khác nhau. Trước hết là sự sống thể xác, sự sống sinh vật, xinh đẹp thật đấy nhưng mỏng dòn (sự sống con vật). Rồi đến sự sống đích thực của con người là sự sống lý trí: chính tư tưởng phân biệt người ta với thú vật (sự sống con người). Và Đức Giê-su đã đem đến cho chúng ta một sự sống mới: sự sống Thiên Chúa, “sự sống thần linh”, “sự sống đời đời”, “sự sống của Đấng đời đời”, sự sống tình yêu đích thực (sự sống con Chúa).

Và sự sống nào thì thức ăn ấy. “Để thế gian được sống, thì tôi sẽ ban tặng chính thịt tôi.” “Xác thịt” theo nghĩa Kinh Thánh trước hết không phải là yếu tố sinh hóa ta gọi là “thịt” như thịt vịt, thịt heo, mà là toàn thể sinh vật, toàn thể con người… “Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là bản thân tôi, là toàn thể cuộc sống tôi”. Thành ngữ “thịt tôi ban” ám chỉ việc Đức Giê-su sẽ chết. Đức GS cần phải đi qua cái chết để chúng ta có thể được nuôi sống nhờ Người…

2- …trao ban và gia tăng nhờ Thánh Thể.

Tuy nhiên, khi nghe thế, người Do-thái tranh luận sôi nổi với nhau. Vì hiểu các từ quá ư trực tiếp, cụ thể, họ hết sức kinh ngạc, nếu không muốn nói là phẫn nộ. Nhưng thay vì bớt, Đức Giê-su lại thêm ! Cho tới đây Người chỉ nói đến chuyện “ăn” thịt mình… giờ còn nhấn mạnh là phải “uống” máu mình nữa: “Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình các ông.” Đối với não trạng dân Ít-ra-en, uống máu là chuyện cấm kỵ: đó chẳng những là không phải phép, nhưng còn ghê tởm, phạm thượng ! Ngay cả thịt thú vật cũng phải được lấy hết máu mới được dùng… vì máu chính là sự sống (x. Lv 17,11.14; Đnl 12,23). Các quan niệm đặc trưng vừa nói hiển nhiên cho thấy đây không phải là chất lỏng màu đỏ gồm những hồng cầu và bạch cầu. Máu Đức Giê-su nói đến, đó chính là “sự sống mới” sẽ xuất phát từ cái chết của Người, từ và là “thân xác vinh hiển và thần thiêng” của Đức Giê-su khổ nạn và sống lại (x. 1Cr 15,37.42-44). Thân xác vinh hiển này mang tên Thân thể Mầu nhiệm trong ấy Chúa Ki-tô là Đầu còn mọi tín hữu đều là chi thể (mà đó cũng là Đức Ki-tô Toàn thể). Nên khi linh mục đọc lời truyền phép trên bánh lẫn rượu trong Thánh lễ để chúng được Thánh Thần thánh hiến và cùng lúc được đưa vào trong Nhiệm thể, thì chúng trở thành thịt và máu Chúa Kitô[1].

“Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết.” Chữ “ăn” ở đây lẽ ra phải dịch là “nhai”, một từ còn tả chân hơn nữa. Trong bữa tiệc chiên Vượt qua, con cái Ít-ra-en được căn dặn phải “nhai” thật kỹ thức ăn, như để thấm hơn vào người… Ám chỉ tập tục này, Đức Giê-su muốn nói: chính qua thân xác chúng ta mà sự sống thiêng liêng của chúng ta được nuôi dưỡng và biểu lộ, nghĩa là muốn gia tăng sự sống Thiên Chúa trong mình, bạn phải thường xuyên rước lễ. Tin đạo nhưng không hành đạo (croyant non pratiquant) là một mâu thuẫn, một ngụy biện. Người chủ trương như thế có thể cho rằng mình vẫn có lòng bác ái, sống tình huynh đệ. Nhưng có thật bác ái, thật huynh đệ được chăng khi muốn làm môn đệ Đức Giê-su, bắt chước Đức Giê-su mà chẳng nuôi dưỡng bằng sự sống của Người, chẳng ăn thứ bánh giúp chúng ta giết chết tính ích kỷ và kiêu căng vốn luôn tiềm tàng trong mọi tình yêu nhân loại ?

3- Và đó là sự sống đích thực.

“Vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống.” Lặp lại hai lần chữ “thật”, Đức Giê-su muốn dẫn chúng ta từ một thực tại tầm thường lên một thực tại cốt yếu hơn (x. Ga 1,9; 4,23; 6,32). Con người khao khát sự toàn mãn. Kinh nghiệm về niềm vui, tình yêu, cuộc sống luôn làm cho họ mong ước một niềm vui không pha lẫn, một tình yêu trọn vẹn tràn đầy, một cuộc sống chẳng chấm dứt với cái chết (x. bài hát “Làm sao dám mơ” của Lm nhạc sĩ Thành Tâm). Lịch sử nhân loại là lịch sử của những ước vọng bất thành, những khát khao chẳng bao giờ được thỏa mãn. Biết thế, Đức Giê-su đã đề nghị cho ta sự sống thật, của ăn thật.

Của ăn ấy sẽ cho ta được “ở lại” (sống mãi) trong Người: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái; vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5). Một trong những lời tự phụ nhất mà một phàm nhân đã thốt ra ! Một lời quá đáng, nếu không phải là của Thiên Chúa. Kết hiệp với Đức Giê-su thành thử chẳng phải trong một khoảnh khắc (sau khi ta rước lễ), nhưng suốt chiều dài và bề dày cuộc sống thường nhật, một cuộc sống dâng hiến cho tình yêu. Ở lại trong Đức Giê-su là thế. Sống theo Đức Giê-su là thế. Sự sống đích thực là thế ! Việc rước lễ chỉ có ý nghĩa nếu nó biểu lộ và nuôi dưỡng một sự thông hiệp giữa ta với Người và giữa mọi người với ta. Và mỗi chúng ta đều biết rõ cái đó là gì trong cuộc sống cụ thể thường nhật.

Bạn có muốn sống như thế không ? Bạn có đói Thiên Chúa không ? Hay chỉ muốn như người đời, tìm cách ngốn cho đầy thức ăn, của cải, lạc thú, thành công, danh vọng…? Mà rồi sẽ đi về đâu ? Khiến cho bạn thỏa mãn đến độ nào ? Phép Thánh Thể chiếm vị trí nào trong đời bạn ?

– – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – –

[1] Y như khi bánh và rượu được đưa vào thân thể tôi (qua hành vi ăn uống) thì chúng tất trở thành và phải được gọi là máu thịt tôi.

Lm. Phê-rô Phan Văn Lợi