Trình diện – Hiến dâng – Tỏ lộ trong đề thờ – Suy niệm Lễ Thánh Gia Thất – Năm B

28/12/2023

Tin Mừng Lc 2,22-40

Khi đã đủ thời gian, đến ngày các ngài phải được thanh tẩy theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được thánh hiến, dành riêng cho Chúa”. Ông bà cũng lên để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non.

Hồi ấy, ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en. Và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh báo là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa. Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để làm điều người ta quen làm theo Luật dạy, thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en dân Ngài”.

Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những điều người ta nói về Người. Ông Si-mê-ôn chúc lành cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: “Cháu bé này được đặt làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà. Như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra”.

Lại cũng có một bà ngôn sứ là bà An-na, con ông Pơ-nu-ên, thuộc chi tộc A-se. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, rồi ở góa, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, đêm ngày thờ phượng Thiên Chúa. Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết thảy những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.

Khi hai ông bà đã hoàn tất mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về thành của mình là Na-da-rét miền Ga-li-lê. Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa”.

************************************

TRÌNH DIỆN – HIẾN DÂNG – TỎ LỘ TRONG ĐỀN THỜ

Phần cuối cùng trong Tin Mừng thời Thơ ấu theo Lu-ca được làm thành bởi hai giai thoại có chung một khung cảnh là Đền thờ Giê-ru-sa-lem (đoản văn hôm nay và chuyện cậu Giê-su ở lại tại đó). Chắc đây không phải là sự ngẫu nhiên. Tin Mừng Lu-ca đã được khai mào bằng một trình thuật có khung cảnh là Đền thờ: việc truyền tin cho Da-ca-ri-a, và chấm dứt bằng những tiếng liên quan tới Đền thờ: “Họ (các Sứ đồ) luôn ở trong Đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa” (24,53). Làm như thế, Lc muốn cho thấy con người của Đức Giê-su và Đền thờ có liên hệ mật thiết với nhau.

Chủ ý của Lc trong đoản văn hôm nay, vốn kết thúc câu chuyện Đức Giê-su giáng sinh, là nói tới việc Hài nhi Giê-su đến trong Đền thờ Giê-ru-sa-lem, những gì đã xảy tới cho Người, qua ba biến cố sống động và ba lời tiên tri ý nghĩa.

1- Ba biến cố sống động

Ba biến cố này thuộc về “ngày thứ bốn mươi”: “thanh tẩy” Đức Ma-ri-a ; “chuộc lại” con đầu lòng Giê-su bằng một lễ vật do luật quy định, và “trình dâng” Đức Giê-su trong Đền Thờ.

Trong toàn bộ câu chuyện thời thơ ấu, đặc biệt nơi đoạn này, dễ nhận ra nền tảng Ki-tô Do-thái xuất phát từ truyền thống của gia đình Đức Giê-su. Nhưng nó rõ ràng đã được tái diễn đạt bởi một người Hy-lạp là Lu-ca. Trong việc biên soạn này, một mặt, tác giả như thiếu hiểu biết chính xác về pháp luật Cựu Ước, và mặt khác, mối quan tâm của ông không nằm trên những chi tiết như thế, nhưng trên cốt lõi thần học của sự kiện mà ông muốn cho độc giả mình hiểu rõ ràng.

Trong sách Lê-vi có đặt ra quy tắc rằng sau khi sinh một bé trai, sản phụ bị ô uế trong vòng 7 ngày (nghĩa là không được tham gia việc thờ phượng), rằng em bé phải được cắt bì vào ngày thứ tám, và người đàn bà khi ấy phải ở nhà thêm 33 ngày nữa để máu được thanh tẩy (x. Lv 12,1-4). Sau đó bà phải dâng một hy tế thanh tẩy: một con chiên làm của lễ toàn thiêu và một con bồ câu non hay một con chim gáy làm của lễ tạ tội. Người nghèo thì chỉ cần mang tới một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non.

Đức Ma-ri-a đã dâng lễ vật của người nghèo (x. Lc 2,24). Nền thần học về người nghèo khó và sự khó nghèo của Lu-ca một lần nữa cho thấy hết sức rõ ràng gia đình Đức Giê-su thuộc hạng nghèo của Ít-ra-en và rằng chính ngay giữa những kẻ như họ mà các lời hứa được hoàn tất. Nơi đây cũng vậy, chúng ta tái khám phá câu “sống dưới Lề Luật” (Gl 4,4) có nghĩa là gì, và đâu là ý nghĩa việc Đức Giê-su nói với Gio-an Tẩy Giả rằng phải giữ trọn đức công chính (x. Mt 3,15). Đức Ma-ri-a không cần phải được thanh tẩy do việc sinh ra Đức Giê-su: sự giáng sinh của Người đã mở ra việc thanh tẩy thế giới. Nhưng bà đã vâng phục Lề luật, và bằng cách ấy giúp hoàn tất các lời hứa.

Biến cố thứ hai là chuộc lại con đầu lòng vốn thuộc về Thiên Chúa không hạn chế. Giá chuộc lại là năm đồng sê-ken và người ta có thể nộp cho bất cứ tư tế nào mình chọn trên khắp xứ sở. Lu-ca bắt đầu bằng cách trích dẫn rõ ràng luật liên quan đến việc thánh hiến con trai đầu lòng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa” (Lc 2,23; x. Xh 13,2; 13,12-13.15). Cái khác thường trong trình thuật này là lúc đó, thay vì kể lại việc chuộc lại Đức Giê-su, nó nói đến biến cố thứ ba: trình dâng Đức Giê-su.

Hiển nhiên Lu-ca muốn bảo rằng thay vì được “chuộc lại” và trả lại cho cha mẹ mình, đứa bé ấy được đích thân trao cho Thiên Chúa trong Đền thờ, dâng cho Thiên Chúa trọn vẹn. Động từ paristánai, ở đây dịch là “trình diện”, nhưng cũng có nghĩa là “dâng hiến”, theo cách các hy lễ được “dâng” trong Đền Thờ. Ngôn ngữ dâng hy lễ và chức tư tế được gợi lại ở đây. “Trình dâng” là vậy !

Thay vì nói đến hành động “chuộc lại” được luật quy định, Lu-ca cho thấy điều trái ngược: Hài nhi được trao cho Thiên Chúa, và từ nay em thuộc về Người hoàn toàn. Thật ra luật chẳng buộc phải đem con trẻ đến Đền thờ. Nhưng đối với Lu-ca, việc Đức Giê-su lần đầu tiên đi vào Đền Thờ như tâm điểm của biến cố là điều thiết yếu. Ở đây, nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa với dân Người, thay vì chuyện đòi lại đứa con đầu lòng, cái xảy đến là Đức Giê-su được trao công khai cho Thiên Chúa, Cha của Người.

Còn hơn thế nữa, Lc muốn cho thấy chuyện Đức Giê-su vào Đền thờ khai mào việc cư ngụ mang tính cánh chung của “Vinh quang” Thiên Chúa, việc cư ngụ mà các ngôn sứ từng hứa trước bao lần. Chẳng hạn lời tiên tri Ma-la-khi 3, lời nhắm đến Gio-an Tẩy giả và vai trò tiền hô của ông mà Lc đã trích nguyên văn một câu khi tường thuật cuộc truyền tin cho Da-ca-ri-a (x. Lc 1,17). Lời tiên tri đó viết như thế này: “Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta. Và bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào thánh điện của Người(Ml 3,1). Thành thử theo Lu- ca, việc Đức Giê-su vào Đền thờ dịp Trình dâng là dấu thực hiện nhiều sấm ngôn tiên báo việc Đức Chúa long trọng tiến vào Đền thờ Người khi chấm dứt thời kỳ trông đợi Đấng Mê-si-a. Vì thế ngày lễ Dâng Chúa Giê-su trong Đền Thánh (mồng 2 tháng 2), phụng vụ cho ta nghe đoạn Ml 3,1-3. Và cũng vì thế, ta hiểu tại sao ông Si-mê-on, khi thấy Vinh quang Đức Chúa rồi, liền tuyên bố là giờ đây mình có thể chết. Đó là ý nghĩa cuối cùng của kinh Nunc dimittis (An bình ra đi), bài thánh ca cánh chung tuyệt hảo, như thấy dưới đây.

2- Ba lời tiên tri ý nghĩa

Hành vi dâng trình ấy -một hành vi phụng tự và mang tính cánh chung theo ý nghĩa sâu xa nhất của từ ngữ– được tiếp nối trong Tin Mừng Lu-ca bởi một cảnh mang tính tiên tri. Cụ già Si-mê-ôn và nữ ngôn sứ An-na, được Thần khí Thiên Chúa thúc đẩy, xuất hiện trong Đền thờ ; và như những đại diện cho Ít-ra-en trung thành, họ đón chào “Đấng Ki-tô của Đức Chúa” (Lc 2,26).

Si-mê-ôn được mô tả là người công chính, sùng đạo và đang mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en. Toàn thể con người ông hướng về Thiên Chúa, sống trong sự gặp gỡ Thiên Chúa và luôn mong đợi Ít-ra-en được an ủi. Ông sống vì Đấng Cứu chuộc, vì Đấng phải đến. Trong từ “an ủi” (paráklēsis), chúng ta nghe các âm vang của tên mà thánh Gio-an dùng gọi Chúa Thánh Thần –Paraclete, Thiên Chúa an ủi. Ông Si-mê-ôn là một kẻ hy vọng và chờ đợi, và theo nghĩa này, ông đã có Thánh Thần trên mình. Có thể nói ông là một con người đầy Thần khí, và vì thế quen thuộc với tiếng gọi của Thiên Chúa, với sự hiện diện của Người. Nên nhân cơ hội này, ông nói như một ngôn sứ.

Trước tiên, ông ẵm Hài nhi Giê-su trong vòng tay và ca tụng Thiên Chúa mà rằng: “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi…” (Lc 2,29). Hình thức bản văn, như Lu-ca trình bày, đã mang tính phụng vụ rồi. Trong các Giáo hội Đông và Tây phương, nó đã làm nên thành phần kinh đêm của phụng vụ từ thời rất xa xưa. Trong lời dâng lên Thiên Chúa như thế, Hài nhi Giê-su được gọi là “ơn cứu độ của Ngài”, vang vọng từ ngữ sõtẽr (Đấng Cứu Độ) mà chúng ta đã gặp nơi sứ điệp của thiên thần trong đêm Giáng sinh (x. Lc 2,11)

Bài ca Si-mê-on chứa hai phát biểu Ki-tô học. Đức Giê-su là “Ánh sáng soi đường/mạc khải cho Dân ngoại” và ban “vinh quang cho Ít-ra-en, Dân Ngài” (Lc 2,32). Hai thành ngữ đều lấy từ ngôn sứ I-sai-a. Lời nhắc tới “ánh sáng soi đường cho Dân ngoại” đến từ bài ca thứ nhất và thứ hai về Người Tôi trung Đau khổ (x. Is 42,6; 49,6). Đức Giê-su được đồng hóa với Người Tôi trung Đau khổ của I-sai-a –một khuôn mặt bí ẩn, hướng về tương lai. Trung tâm sứ mạng của vị Tôi trung là tính phổ quát, là mạc khải cho lương dân, mang ánh sáng Thiên Chúa đến cho họ. Bản văn quy chiếu về vinh quang của Ít-ra-en được tìm thấy trong các lời ngôn sứ an ủi dân Ít-ra-en đang khốn khổ, hứa cho họ ơn trợ giúp từ quyền lực cứu độ của Thiên Chúa (x. Is 46,13).

Chúc tụng Thiên Chúa với Hài nhi trên tay xong, ông Si-mê-ôn quay sang Đức Ma-ri-a với một lời tiên tri khác. Sau mấy câu tràn đầy niềm vui về Hài nhi, điều ông nói với bà là một loại sấm ngôn về Khổ nạn (x. Lc 2,34-35). Đức Giê-su được đặt làm “duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên”, một dấu hiệu cho người đời chống báng. Thần học về Vinh quang luôn liên kết bất khả phân với thần học về Thập giá. Người Tôi trung Đau khổ có sứ mạng lớn lao là mang ánh sáng của Thiên Chúa cho trần gian. Nhưng chính trong bóng tối Thập giá mà sứ vụ này được hoàn thành.

Bên dưới ngôn ngữ về việc ngã xuống và đứng lên của nhiều người, có những âm vang của một lời tiên tri từ Is 8,14, trong đó chính Thiên Chúa được chỉ rõ như một hòn đá làm cho con người vấp và ngã. Như thế, bên trong lời nói về Khổ nạn, chúng ta thấy sợi dây sâu xa nối kết Đức Giê-su với chính Thiên Chúa. Thiên Chúa và Đức Giê-su, Lời của Người, là những “dấu chỉ”, thách thức chúng ta chọn lựa. Việc con người “chống đối” Thiên Chúa xuyên suốt cả lịch sử. Điều chứng tỏ Đức Giê-su như dấu chỉ đích thực của Thiên Chúa là Người mang lấy trên mình sự chống đối Thiên Chúa, kéo nó về mình suốt con đường cho đến sự chống đối bằng Thập giá trên đồi Can-vê.

Tất cả chúng ta biết rằng tới mức độ nào Đức Ki-tô vẫn là một dấu chỉ chống đối hôm nay, một sự chống đối mà suy cho cùng nhắm vào chính Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa luôn bị coi như một giới hạn đặt trên tự do của chúng ta, mà phải bị hất qua một bên nếu phàm nhân muốn hoàn toàn là chính mình. Thiên Chúa, với chân lý của Người, đứng đối nghịch với những lời nói dối đa dạng của phàm nhân, với việc nó tự tư tự lợi và tự kiêu tự hào.

Thiên Chúa là Tình yêu. Nhưng tình yêu cũng có thể bị ghét bỏ khi nó thách thức chúng ta siêu vượt chính mình. Đó chẳng phải là một “tình cảm” lãng mạn. Ơn cứu độ không hưởng đến một sự buông thả chính mình ; trái lại đó là một sự giải thoát khỏi nhà tù của thói chỉ quan tâm bản thân. Sự giải thoát này có một cái giá phải trả: đau khổ của thập giá. Lời tiên tri về ánh sáng và về Thập giá đi đôi với nhau vậy.

Cuối cùng, lời tiên tri về khổ nạn của Si-mê-ôn trở nên đặc thù trong những từ ngỏ trực tiếp với Đức Ma-ri-a: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà”. Sự chống đối Người Con cũng hướng đến người mẹ và xé nát trái tim bà. Đối với bà, Thập giá của sự chống đối triệt để trở thành lưỡi gươm xuyên qua tâm hồn bà. Từ Đức Ma-ri-a, chúng ta có thể học hỏi được sự đồng cảm đích thực là gì: đảm nhận, không vì đa cảm ủy mị, những khổ đau của kẻ khác như chính khổ đau của mình. Thiên Chúa của Ki-tô giáo là vị Thiên Chúa đau khổ với con người, và do đó kéo chúng ta vào trong “com-passion” (cùng chịu khổ=đồng cảm nhận) của Người. Mater dolorosa (Mẹ sầu bi), người Mẹ có trái tim bị một lưỡi gươm xuyên qua, là một ảnh thánh cho thái độ cơ bản này của đức tin Ki-tô giáo.

Và kề bên ngôn sứ Si-mê-ôn là “nữ ngôn sứ An-na (Lu-ca xác định), một phụ nữ tám mươi bốn tuổi, mà sau 7 năm hôn phối, đã sống nhiều thập niên như một góa phụ. “Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa” (Lc 2,37). Bà là mẫu gương của con người thực sự đạo đức. Trong Đền thờ, bà cảm thấy hoàn toàn như ở nhà. Bà sống với Thiên Chúa và cho Thiên Chúa, cả tâm hồn lẫn thể xác. Như thế, bà thật sự là một phụ nữ tràn đầy Thánh Thần, một nữ ngôn sứ. Vì trải qua cuộc đời nơi Đền thờ -trong sự thờ phượng- bà có mặt vào giờ Đức Giê-su xuất hiện. “Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem” (Lc 2,38). Lời tiên tri của bà nằm trong lời bà công bố: chuyển sang những người khác niềm hy vọng đã giúp bà sống thực.

Lm. Phê-rô Phan Văn Lợi