Chúa Nhật (03-09-2023) – Trang suy niệm

02/09/2023

Lời Chúa Hôm Nay

CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN – NĂM A

BÀI ĐỌC I: Gr 20, 7-9

“Lời Chúa làm cớ cho tôi bị nhục nhã“.

Bài trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Lạy Chúa, Chúa đã khuyến dụ tôi, và Chúa đã khuyến dụ được tôi. Chúa đã hùng mạnh hơn tôi và thắng được tôi: suốt ngày tôi đã trở nên trò cười, và mọi người đều chế nhạo tôi. Mỗi lần tôi nói, tôi phải la lớn và loan báo sự hung bạo và điêu tàn, cho nên lời Chúa làm cớ cho tôi bị nhục nhã và bị chế nhạo suốt ngày. Tôi đã nói rằng: “Tôi sẽ không nhớ đến Người nữa, sẽ không nhân danh Người mà nói nữa, thì lúc đó trong lòng tôi như lửa đốt nóng, âm ỉ trong xương cốt tôi, tôi kiệt sức, không chịu nổi nữa”.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 62, 2. 3-4. 5-6. 8-9

Đáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa con, linh hồn con khát khao Chúa (c. 2b).

1) Ôi lạy Chúa, Chúa là Thiên Chúa của con, con thao thức chạy kiếm Ngài. Linh hồn con khát khao, thể xác con mong đợi Chúa con, như đất héo khô, khát mong mà không gặp nước!

2) Con cũng mong được chiêm ngưỡng thiên nhan ở thánh đài, để nhìn thấy quyền năng và vinh quang của Chúa. Vì ân tình của Ngài đáng chuộng hơn mạng sống, miệng con sẽ xướng ca ngợi khen Ngài.

3) Con sẽ chúc tụng Ngài như thế trọn đời con; con sẽ giơ tay kêu cầu danh Chúa. Hồn con được no thỏa dường như bởi mỹ vị cao lương, và miệng con ca ngợi Chúa với cặp môi hoan hỉ.

4) Vì Chúa đã ra tay trợ phù con, để con được hoan hỉ núp trong bóng cánh của Ngài. Linh hồn con bám thân vào Chúa, và tay hữu Chúa nâng đỡ người con.

BÀI ĐỌC II:  Rm 12, 1-2

“Anh em hãy hiến thân làm của lễ sống động”.

Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, tôi nài xin anh em vì lượng từ bi Thiên Chúa, hãy hiến thân anh em làm của lễ sống động và thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là việc phụng thờ hợp lý anh em phải làm. Anh em đừng theo thói đời này, nhưng hãy canh tân lòng trí anh em, để anh em biết đâu là thánh ý Chúa, biết điều gì tốt lành đẹp lòng Chúa và hoàn hảo.

Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 6, 64b và 69b

All. All. – Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có những lời ban sự sống đời đời. – All.

PHÚC ÂM: Mt 16, 21-27

“Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, sẽ bị giết và ngày thứ ba thì sống lại. Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: “Lạy Thầy, không thể thế được! Thầy sẽ chẳng phải như vậy đâu”. Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng: “Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, con làm cớ cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những gì thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người”.

Bấy giờ Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy. Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ được sự sống. Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình? Bởi vì Con Người sẽ đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ trả công cho mỗi người tuỳ theo việc họ làm”.

Thầy bảo thật các con: trong những kẻ đang đứng đây, có người sẽ không nếm sự chết trước khi xem thấy Con Người đến trong Nước Người.

Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

03/09/2023 – CHÚA NHẬT TUẦN 22 TN – A

Mt 16,21-27

TỪ BỎ CHÍNH MÌNH

Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” (Mt 16,24)

Suy niệm: Chúa không “mị dân”, không chơi trò ú tim, nhưng đòi hỏi cách quyết liệt: “Ai muốn theo Thầy thì phải từ bỏ chính mình, vác thập giá hàng ngày mà theo”. Chúa không chỉ nói mà nêu gương: 1/ “Phận là một vì Thiên Chúa, nhưng không đòi hỏi được ngang hàng với Thiên Chúa, mà tự hạ, mang thân phận tôi đòi, vâng phục đến chết và chết trên thập giá” (Pl 2,6-8). 2/ Khi được dân ngưỡng mộ muốn suy tôn, Chúa đã lánh đi nơi khác. 3/ Trong cầu nguyện trong vườn Cây Dầu, Chúa vẫn quyết liệt từ bỏ tới cùng: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39).

Mời Bạn: Để có thể từ bỏ hoàn toàn, bạn phải tập từ bỏ dần dần, mỗi ngày một chút, từ những việc nho nhỏ. Điều khó nhất là từ bỏ bản thân, ý riêng mình: “Chiến thắng chính mình là chiến thắng vẻ vang nhất”.

Chia sẻ: Một nghịch lý : càng “mất” thì lại càng “được”. Dám mất sự sống thì lại được nó cách toàn vẹn. Các thánh là những người thành công trong việc từ bỏ: Càng bỏ mình, các ngài càng giống Chúa. Tưởng rằng thánh giá đè bẹp con người, không dè nó lại nâng con người lên. Chia sẻ cảm nhận của bạn về những tư tưởng trên đây.

Sống Lời Chúa: Tập từ bỏ bằng cách nén lại một tiếng than vãn, nhịn một câu nói trả đũa, kiềm chế một phản ứng nóng giận.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã dạy và nêu gương từ bỏ cho chúng con. Trên con đường đi theo Chúa, xin giúp con quyết liệt và mau mắn đáp lại những khi Chúa muốn con từ bỏ một điều gì khiến con không hoàn thiện. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

3 THÁNG CHÍN

Chúng Ta Quì Gối Trước Chúa Cha

“Vì lý do đó, tôi quỳ trước mặt Chúa Cha …bởi trong vinh quang dư dật của Người, Người củng cố anh em nên vững mạnh nhờ Thánh Thần của Người trong lòng anh em.”(Ep 3,14.16 RSV). Đó là lời cầu nguyện của Tông Đồ Phaolô trong thư gửi tín hữu Eâphêsô.

Tôi muốn đưa những lời đó của Thánh Tông Đồ vào lời cầu nguyện của chúng ta khi chúng ta quây quần với nhau và với Đức Ma-ri-a, Mẹ Chúa Kitô. Bởi ai có thể gần gũi với trái tim của Chúa Con hơn là Thánh Mẫu? Vì thế, cùng với Mẹ, “chúng ta quỳ gối trước mặt Chúa Cha”. Và cùng với Mẹ, chúng ta cầu xin để nhờ Thánh Thần, tấâm lòng của chúng ta đối với trái tim Đấng Cứu Độ sẽ củng cố con người nội tâm của hết thảy chúng ta được nên mạnh mẽ. Vâng, đó chính là công việc của Thánh Thần.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 03/9

CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN

Gr 20, 7-9; Rm 12, 1-2; Mt 16, 21-27.

Lời Suy niệm: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy. nhưng Đức Giêsu quay lại bảo ông Phêrô: Xatan, lui lại đằng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”

Sau khi Chúa Giêsu  tỏ cho các môn đệ biết Người phải lên Giêrusalem và sẽ bị thượng tế và kinh sư giết chết. Với một tâm tình yêu thương đầy lo lắng, Phêrô đã kéo Người về phía mình và cố can ngăn Người: “ Nhưng Chúa Giêsu đã nặng lời với Phêrô. Đối với Chúa Giêsu những gì đi ngược lại với ý muốn của Chúa Cha hay là xúc phạm đến Chúa Cha, Người liền có thái độ dứt khoát xua đuổi tức khắc. Điều này chúng ta cũng đã thấy sau khi Người ăn chay bốn mươi đêm ngày; ma quỷ cám dỗ Người: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi.” Đức Giêsu liền nói: “Xa-tan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.” (Mt 4,9-10).

Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con nhận ra những cơn cám dỗ ẩn khuất sau những lời yêu thương, lo lắng của những người thân, nhất là những người thân trong gia đình, để biết dứt khoát không để mình sai phạm làm mất lòng Chúa; làm trái Thánh ý Chúa. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

NGÀY 03.09 THÁNH GIÊGÔRIÔ CẢ – GIÁO HOÀNG, TIẾN SĨ HỘI THÁNH (540 – 604)

Trong lịch sử, ít có người được mang danh Cả, và đáng được danh dự ấy một cách hoàn toàn như thánh Grêgôriô, giáo hoàng và tiến sĩ Hội Thánh. Ngài sinh tại Roma. Khoảng năm 540. Là con của một nghị viên danh giá và giầu có, ông Gordianô. Chúng ta không biết gì về thời thơ ấu của Ngài, nhưng ít ra là Ngài đã phải kinh nghiệm về những hậu quả do những cuộc chiến của vua Cothic với các tướng lãnh của hoàng đế Lussinianô, mà chính thức Roma đã bị cướp phá.

Thánh Grêgôriô đã thủ giữ một chức vụ trong xã hội. Năm 573, Ngài được đặt làm tổng trấn thành phố. Nhưng Ngài luôn nuôi lý tưởng tu trì. Đó là lý do khiến Ngài không lập gia đình, và năm 574 Ngài đã rút lui khỏi đời sống công cộng để mặc áo tu sĩ.

Ông Gordianô từ trần, thánh Grêgôriô thừa kế gia tài, nhờ thế Ngài đã có thể thiết lập 6 tu viện tại Sicily và biến nhà trên đồi Copelia thành tu viện thứ 7 dâng kính thánh Andre. Tại đây Ngài sống như một thầy đơn sơ. Có lẽ bộ luật Ngài thiết lập chính là luật dòng Bênedicto. Đây là những năm hạnh phúc nhất mà Ngài không bao giờ quên được. Nhưng lại chẳng kéo dài được lâu.

Năm 578, Ngài được phong chức phó tế cai quản một trong bảy miền ở Romas. Năm 579 Ngài được gởi đi Constantinopple làm đại diện Đức giáo hoàng. Ngài mang theo một ít thày dòng và có rộng thì giờ để giảng cho họ về sách Giop, những bài giảng được thu góp lại thành cuốn luân lý.

Thánh Grêgôriô làm đại sứ trong khoảng 7 năm. Sau đó trở về Roma, Ngài trở lại tu viện thánh Andrê làm viện trưởng (50 tuổi). Năm 590 Pêlagiô II từ trần và thánh Grêgôriô được chọn lên kế vị. Roma lúc ấy bị một cơn dịch tàn phá. Vị giáo hoàng được chọn tổ chức những cuộc hành hương trong thành phố, Ngài thấy tổng lãnh thiên thần hiện ra ở một địa điểm nay gọi là Custel Saint Angele, đứng tuốt gươm ra, cơn dịch tự nhiên bị chận lại và dân Roma chào mừng Đức giáo hoàng mới, như một người làm phép lạ.

Triều đại đức giáo hoàng Grêgôriô kéo dài trong mười bốn năm, đòi hỏi trọn sức mạnh tinh thần và ý chí lẫn kinh nghiệm quản trị và ngoại giao của Ngài. Đế quốc Roma đang suy sụp. Dầu vậy hoàng đế ở Constantinople chỉ hiện diện tại Ý bởi một phó vương với một triều đình nhỏ, Ravenna có rất ít quyền lực về luân lý và vật chất. Quân đội Bonabardô cướp phá bán đảo và Roma bị chiếm đóng năm 593. Đức Grêgôriô thấy phải lập quân đội để bảo vệ Roma và đặt điều kiện với quân xâm lược. Mọi việc thuộc đủ mọi phương diện trong quốc gia đang suy đồi đều đổ trên đức giáo hoàng.

Trong khi đó đức Grêgôriô lo chấn chỉnh Giáo hội. Các địa phận lộn xộn, Ngài ấn định lại ranh giới. Các đất đai thuộc giáo hoàng được quản trị hữu hiệu. Chính nhà ở của đức giáo hoàng cũng cần phải tái thiết. Nhưng không có gì đáng ghi nhớ hơn trong cách Đức giáo hoàng đương đầu với các vấn đề Giáo hội Đông và Tây, là việc Ngài nhấn mạnh đến quyền tối thượng của tòa thánh Roma. Rất tôn trọng quyền của các giám mục trong các giáo phận, gài kiên quyết bênh vực nguyên tắc tối thượng của thánh Phêrô. Đối với hoàng đế, Ngài rất tôn trọng uy quyền dân chính, nhưng cũng bảo vệ quyền lợi mình và của các dòng trong Giáo hội.

Thánh Grêgôriô canh tân phụng vụ rất nhiều. Ít nhất là Ngài đã đặt các “điểm” hành hương. Dầu qua nhiều lần tranh cãi, nhưng dưới ảnh hưởng của Ngài, ngày nay nhạc và nghi lễ Giáo hội vẫn còn mang danh Ngài: nhạc Grêgôriô, lễ Grêgôriô.

Thánh nhân còn là văn sĩ rất phong phú. Ngoài cuốn luân lý Ngài còn viết hai cuốn gồm những bài giảng về sách Ezechiel, một cuốn khác về những bài Phúc âm trong ngày, 4 cuốn đối thoại và một cuốn sau tập các phép lạ do các thánh người Ý thực hiện. Cuốn sách chăm lo mục vụ trình bày những điều mà cuộc sống một giám mục và một linh mục phải làm. Sau cùng là một sưu tập thư tín.

Thánh Grêgôriô còn được gọi là tông đồ nước Anh. Chính Ngài đã muốn đi truyền giáo để cải hóa luơng dân Saxon. Nhưng không đi được, năm 596 Ngài đã trao phó nhiệm vụ cho các tu sĩ dòng thánh Adrê do thánh Augustinô Conterbury dẫn đầu.

Thánh Grêgôriô cả qua đời ngày 12 tháng 3 năm 604. Ngài được mai táng trong đại giáo đường thánh Phêrô. Nấm mộ đầu tiên của Ngài mang bản chữ Latin tóm gọn đời Ngài, Ngài được gọi là “chánh án của Chúa”. Các chánh án của Roma đã qua đi. Chính đế quốc Roma đang hồi hấp hối nhưng thánh Grêgôriô là điểm nối giữa thời các giáo phụ với thời các giáo hoàng, giữa vinh quang của thành Roma lịch sử với vinh quang của kinh thành Thiên Chúa.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

03 Tháng Chín

Ði Một Ngày Ðàng, Học Một Sàng Khôn

Cách đây không lâu, một cặp thanh niên người Pháp đã đến Phi Luật Tân bằng chiếc xe đạp riêng của họ. Nước Phi là quốc gia thứ 31 họ dùng xe đạp để đi tham quan. Trong vòng 7 năm qua, họ đã không ngừng di chuyển một cách thích thú trên hầu hết các nước và đã học hỏi nhiều kinh nghiệm khác nhau. Họ đã bỏ ra 3 năm để đạp từ Pháp xuyên qua đến Thái Lan. Họ dành một năm làm việc trong các trại tị nạn dọc biên giới Thái, chín tháng để đi xuyên qua Trung Hoa Lục Ðịa, sáu tháng để tham quan Nhật Bản, Ðại Hàn và Ðài Loan.

Người con gái tên là Claude đã giải thích mục đích của cuộc mạo hiểm như sau: “Kể từ thời của Marco Polo, con người không ngừng đi thám hiểm thế giới với nhiều lý do và với nhiều phương tiện khác nhau. Trong thời đại du hành vũ trụ này, việc đi vòng quanh thế giới bằng phương tiện thô hiển như xe đạp vẫn không ngừng thu hút nhiều người… Mạo hiểm như thế để giúp thay đổi cuộc sống của chúng tôi, để cùng trải qua một kinh nghiệm quá lớn lao”.
Cuộc mạo hiểm nào cũng thích thú và nguy hiểm. Claude kể lại rằng tại Thái Lan, họ đã bị hai tên cướp chận đường toan hành hung. Tại Trung Ðông, họ đã chứng kiến cảnh chết chóc hằng ngày. Và nhất là tại Ấn Ðộ, sau khi đã trải qua vài tuần lễ tại một vài trại cùi, họ đã ghi lại trong các sổ ghi niệm của các trung tâm này như sau: “Sau khi đã đến đây, chúng tôi cảm thấy không còn gì để than phiền trong cuộc sống này nữa”.

Có lẽ đó là kinh nghiệm lớn lao nhất mà những người trẻ này đã cảm nhận được trong cuộc sống. Chạm chán với bao nguy hiểm, sờ được từng nỗi đau khổ, cảm nghiệm được niềm vui của từng dân tộc khác nhau… Tất cả những kinh nghiệm ấy cho họ thấy rằng: người ta có thể vượt qua được tất cả mọi hàng rào ngăn cách để đến với nhau và nơi nào con người cảm thấy mình đang sống trong gia đình, thì đó là nhà của họ, là quê hương của họ.

Ðời là một chuyến đi… Không những đi một ngày đàng, học một sàng khôn, mà đi để tiến gần đến mục đích của cuộc sống.

Tổ phụ Abraham đã được Chúa gọi để bỏ quê hương, bỏ tất cả mọi sự và lên đường đến một nơi vô định. Dân Do thái đã được Chúa mời gọi rời bỏ Ai Cập để tiến về đất hứa.

Ra đi là chết trong lòng một ít. Cuộc ra đi nào cũng đòi hỏi con người phải dứt khoát, có khi phải từ bỏ những gì mình yêu thích nhất trong cuộc đời. Abraham đã từ bỏ quê hương. Có gì quý giá và thân yêu bằng nơi chôn nhau cắt rún… Tiên tri Êlisê đã phải giết bò và dùng cày để nướng thịt bò trước khi lên đường theo tiên tri Elia… Các môn đệ của Chúa Giêsu đã bỏ nghề nghiệp, vợ con, tất cả mọi sự để lưu lạc nay đây mai đó với Chúa Giêsu. Cuộc ra đi nào cũng là một mất mát… Nhưng có mất mát mới tìm lại được những gì quý hóa hơn.

Giáo Hội đã được định nghĩa như dân Chúa trên đường lữ thứ trần gian hướng về Thiên Quốc. Mỗi người Kitô được mời gọi để tham dự vào cuộc lữ hành này.

Họ không trẩy đi cô độc một mình. Nhưng bên cạnh họ, từng đoàn người tiến bước trong hân hoan. Người ta không tiến bước trong buồn bã bởi vì đích điểm đang chờ đợi họ là cả một khung trời của an vui, hạnh phúc…

Cuộc lữ hành nào cũng đầy cam go. Nhưng người Kitô không tiến bước với đôi tay trơ trọi. Hành trang của họ chính là Sức Sống mà Ðức Kitô hằng thông ban cho họ. Cũng giống như người Do Thái trên đường trở về đất hứa luôn được nuôi dưỡng bằng manna và được hướng dẫn bởi cột lửa giữa đêm thâu, người Kitô cũng tiến bước bằng sức mạnh của Chúa Kitô.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật 22 – Năm A – Thường Niên

Bài đọc: Jer 20:7-9; Rom 12:1-2; Mt 16:21-27.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Xung đột ý kiến.

Xung đột ý kiến xảy ra ở mọi nơi mọi thời: Ở nhà, các em bé muốn tiếp tục xem phim trong khi bố mẹ bảo tắt đi ngủ. Ngoài đường, người lái xe cứ phải đứng chờ khi đèn đỏ tại các ngã tư trong khi ngã bên kia vắng tanh. Nơi công sở, công nhân muốn làm theo ý mình mà cứ bị buộc phải làm theo ý chủ. Khi xung đột ý kiến xảy ra, đương sự nên theo ý của ai? Và dựa vào đâu để biết ý kiến đúng?

Các bài đọc hôm nay cho chúng ta thấy xung đột ý kiến xảy ra ở mọi thời và cách chọn của các nhân vật trong các bài đọc: họ chọn để sống theo ý Thiên Chúa. Trong bài đọc I, sự xung đột ý kiến xảy ra giữa Thiên Chúa và ngôn sứ Jeremiah. Thiên Chúa muốn ông nói những điều mà dân chúng không thích nghe, và vì không thích nghe nên họ đấu tố ông. Jeremiah nhiều khi không muốn nói lời Thiên Chúa truyền, nhưng sau cùng, ý Thiên Chúa toàn thắng. Trong bài đọc II, người môn đệ của Đức Kitô bị đòi hỏi để hiến dâng toàn bộ cuộc đời mình để làm của lễ hiến dâng thánh thiện lên cho Thiên Chúa. Điều này không dễ, vì những cám dỗ của thế gian vẫn dằng dai đeo đuổi để bắt người môn đệ phải lựa chọn. Trong Phúc Âm, Matthew tường thuật sự xung đột giữa Chúa Giêsu và tông đồ Phêrô. Chúa báo trước Ngài sẽ lên Jerusalem để bắt đầu Cuộc Thương Khó theo ý định của Thiên Chúa, Phêrô kéo Chúa Giêsu ra một nơi và khuyên Ngài đừng chọn con đường ấy. Chúa Giêsu mắng Phêrô: “Satan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Xung đột ý kiến giữa Jeremiah và Thiên Chúa.

1.1/ Ý của Thiên Chúa: Chúa muốn chọn Jeremiah làm tiên tri của Chúa. Jeremiah từ chối nại cớ ông không biết ăn nói vì ông còn trẻ con. Chúa phán: “Đừng nói ngươi còn trẻ. Tất cả những ai Ta sai ngươi tới với họ, ngươi phải tới; và tất cả những gì Ta muốn ngươi nói, ngươi phải nói. Đừng sợ họ, vì Ta sẽ ở với ngươi để cứu chuộc ngươi.” Rồi Đức Chúa giơ tay ra và chạm vào miệng Jeremiah và phán: “Hãy coi, Ta đã đặt Lời Ta vào miệng ngươi, hôm nay Ta đã đặt ngươi có quyền trên các quốc gia và vương quốc, để nhổ lên và tàn phá, để phá hủy và dẹp đi, để xây dựng và vun trồng” (Jer 1:6-10). Ông đã trở thành tiên tri của Chúa từ đó. Chính Jeremiah trong Bài đọc I hôm nay đã thốt lên: “Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng.”

Ông dùng động từ “quyến rũ,” là động từ thường dùng trong lãnh vực tình cảm lãng mạn, và ông đã rơi vào “bẫy” của Thiên Chúa. Một khi đã trở thành tiên tri là ông phải nói và làm những điều Thiên Chúa muốn. Tuy nhiên, nếu hiểu theo mục đích của cuộc đời, thì đây là một sự “quyến rũ tốt lành” để bị rơi vào.

1.2/ Ý của tiên tri Jeremiah: Làm tiên tri là phải nói những gì Chúa muốn nói, dẫu mình không thích nói những điều đó, hay con người không thích nghe. Con người muốn nghe những lời xây dựng hòa bình mà ông buộc phải nói tới lưu đày chiến tranh. Đó là lý do mà ông nêu lên: “Suốt ngày con đã nên trò cười cho thiên hạ, để họ nhạo báng con. Mỗi lần nói năng là con phải la lớn, phải kêu lên: “Bạo tàn! Phá huỷ!” Vì lời Đức Chúa mà con đây bị sỉ nhục và chế diễu suốt ngày.” Chẳng những ông bị nhạo cười chế diễu, mà còn bị quăng xuống giếng bùn và đe dọa bị giết chết nữa.

1.3/ Cách chọn lựa: Nhiều lần ông muốn nổi lọan và có lần ông đã tự nhủ: “Tôi sẽ không nghĩ đến Người, cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa.” Nhưng Lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt. Ông nén chịu đến phải hao mòn, nhưng làm sao nén được!

2/ Bài đọc II: Xung đột ý kiến giữa cách sống cho Thiên Chúa và cho thế gian.

2.1/ Cách sống cho Thiên Chúa: Ai trong chúng ta cũng đều biết biến cố ngã ngựa trở lại của ngài trên đường đi Damascus. Ý của Phaolô là muốn đi tìm bắt các tín hữu tin vào Chúa Giêsu để giải về Jerusalem tống ngục hay xử tử. Nhưng ý Thiên Chúa lại muốn ngược lại, muốn biến Phaolô thành Tông Đồ của Ngài để rao truyền Tin Mừng cho Dân Ngọai. Biến cố ngã ngựa đã thay đổi hòan tòan cuộc đời Phaolô, và ngài đã dành tất cả cuộc đời cho việc rao giảng Tin Mừng. Những gì hôm nay chúng ta đọc diễn tả sự nhiệt thành của ngài: “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người.”

Của lễ dâng lên Thiên Chúa theo Phaolô không còn là những con chiên, con dê, hay bất cứ những gì con người có thể mua ngòai chợ, nhưng là tòan diện con người với đầy đủ tự do, ước muốn, suy nghĩ, và tình cảm. Của lễ dâng lên Thiên Chúa không chỉ giới hạn vào cuối tuần, hay mỗi sáng chiều nữa, mà bao gồm tất cả mọi giây phút của cuộc đời. Những đòi hỏi này là một thách đố to lớn của cuộc đời tận hiến, và chỉ có những người nào cảm nhận trọn vẹn được lòng thương xót của Chúa hay tình yêu vô bờ bến của Ngài mới dám hy sinh đáp trả.

2.2/ Cách sống của thế gian: Là con người, ai cũng muốn đua nhau chạy theo tiền để trở nên giầu có và hưởng thụ các tiện nghi vật chất; người môn đệ Chúa được đòi hỏi phải từ bỏ tất cả các tiện nghi để sống đức khó nghèo. Mang trong con người một thân xác đòi hỏi để được nâng niu ôm ấp, để có một mái ấm gia đình sau những lúc làm việc vất vả mệt nhọc; người môn đệ Chúa được đòi hỏi phải bỏ tất cả tình cảm hôn nhân để sống đức khiết tịnh. Và, cái phải hy sinh khó nhất là hy sinh tòan bộ con người của mình qua việc bỏ ý riêng của mình để làm theo ý của các Bề-trên cũng là con người với mọi yếu đuối như mình qua đức vâng lời.

Sống trong thế gian với đầy đủ những nhu cầu và cám dỗ khắp nơi, thánh Phaolô khuyên tất cả chúng ta: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo.” Dĩ nhiên, lời khuyên này không phải chỉ dành cho những người muốn sống cuộc đời tận hiến, mà còn cho tất cả các Kitô hữu của mọi bậc. Mỗi người trong hòan cảnh riêng của mình đều mang trong mình chức vụ tư tế và cũng phải dâng lên Chúa những lễ vật tinh tuyền, thánh thiện, và hòan hảo bằng những hy sinh trong đời sống.

3/ Phúc Âm: Xung đột ý kiến giữa Phêrô và Chúa Giêsu.

3.1/ Ý Chúa Giêsu: Ngài bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết kế họach cứu độ của Thiên Chúa. Theo kế họach này, Ngài phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại.

Khi bị Phêrô can ngăn, Ngài đã nghiêm khắc quở trách ông: “Satan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.” Qua lời sửa phạt của Chúa Giêsu cho chúng ta thấy có sự xung đột ý kiến giữa lòai người và Thiên Chúa; nhưng để hòan tất chương trình cứu độ, Chúa Giêsu phải làm theo ý định của Thiên Chúa.

3.2/ Ý của Phêrô: Ông kéo riêng Người ra và trách: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” Phêrô cũng giống bao người Do-Thái đương thời, ông không thể hiểu nổi một Đấng Thiên Sai phải chịu đau khổ mới cứu được con người. Bằng việc can ngăn Chúa, ông đang làm công việc của Satan cám dỗ Chúa trong sa mạc và trong vườn Ghetsemane: Hãy chọn con đường khác, con đường chiến thắng mà không phải đương đầu với đau khổ và cái chết.

Rồi Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” Giống như Jeremiah và Phaolô, Phêrô và các môn đệ cảm thấy điều khó khăn nhất là phải bỏ ý riêng mình để làm theo ý Chúa. Chúa Giêsu đưa ra những lý do tại sao phải làm như thế:

(1) “Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy.” Lý do này thọat nghe khó hiểu, nhưng con người có thể tìm ra không thiếu những ví dụ cụ thể trong cuộc sống: Nếu ai cũng chỉ lo cho mình thì lấy ai bảo vệ kẻ thù xâm lăng? Và khi kẻ thù tiến vào lãnh thổ, họ có thể bảo vệ mạng sống được không? Nếu ai cũng khinh thường luật lệ thì trật tự xã hội sẽ bị rối lọan, một khi xã hội mất an ninh mạng sống con người sẽ không được bảo vệ. Cũng vậy trong đời sống thiêng liêng, chỉ một mình Thiên Chúa biết con người phải sống làm sao để đạt tới Nước Trời. Ngài biết con người không thể đạt đích với lối sống dễ dãi buông thả và truyền con người phải đi qua cửa hẹp: bỏ ý riêng, vác thập giá hằng ngày, và theo Chúa. Con người vẫn có tự do để chọn lựa, nhưng Ngài nêu vấn nạn để con người suy nghĩ: Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?

(2) Tất cả các việc làm của con người sẽ bị xét xử bởi Thiên Chúa: “Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm.” Ngay khi còn ở trong trần thế, con người đã phải lãnh nhận hậu quả do các việc mình làm: làm tốt sẽ lãnh nhận hậu quả tốt, làm xấu sẽ lãnh nhận hậu quả xấu. Những gì con người có thể không bị lãnh nhận hậu quả đời này, nhưng chắc chắn họ sẽ bị xét xử và lãnh hậu quả tương xứng ở đời sau.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Không thể không có xung đột trong cuộc sống vì mỗi người mỗi ý, trăm người trăm ý; nhưng phải tìm ra ý nào tương đối tốt đẹp nhất để làm theo. Điều này tương đối không khó nếu chúng ta tuân theo các luật lệ trong gia đình, xã hội, và quốc gia.

– Khi có sự xung đột trong lãnh vực luân lý và thiêng liêng, chúng ta phải tìm ra thánh ý Chúa để làm theo; vì chỉ có Chúa mới có đủ khôn ngoan để hướng dẫn con người. Tiếng nói của Chúa được mặc khải trong Thánh Kinh và Thánh Truyền qua sự hướng dẫn và bảo vệ của Giáo-Hội.

– Con người dễ nổi lọan vì bị ảnh hưởng của môi trường: khí hậu, áp lực của gia đình, bạn bè, công sở, xã hội… nên thường có khuynh hướng làm theo ý mình và không muốn bị người khác chi phối. Tuy nhiên, chúng ta cần khôn ngoan để nhận định: khả năng con người mình rất giới hạn, cần rộng mở tâm hồn để đón nhận cái hay của người khác, để bảo vệ trật tự, và nhất là để đạt được mục đích của cuộc đời bằng cách làm theo ý Chúa.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************