Chúa Nhật (03-10-2021) – Trang suy niệm

02/10/2021

Lời Chúa Hôm Nay

Chúa Nhật Tuần XXVII Mùa Thường Niên Năm B

BÀI ĐỌC I: St 2, 18-24

“Cả hai nên một thân thể”.

Trích sách Sáng Thế.

Chúa là Thiên Chúa phán: “Đàn ông ở một mình không tốt. Ta hãy tạo dựng cho nó một nội trợ giống như nó”. Sau khi lấy bùn đất dựng nên mọi thú vật dưới đất và toàn thể chim chóc trên trời, Thiên Chúa dẫn đến trước mặt Ađam để coi ông gọi chúng thế nào, và sinh vật nào Ađam gọi, thì chính đó là tên nó. Ađam liền đặt tên cho mọi súc vật, chim trời và muông thú. Nhưng Ađam không gặp một người nội trợ giống như mình.

Vậy Thiên Chúa khiến cho Ađam ngủ say, và khi ông đang ngủ, Người lấy một xương sườn của ông, và đắp thịt lại. Thiên Chúa làm cho chiếc xương sườn đã lấy từ Ađam trở thành người đàn bà, rồi dẫn đến Ađam. Ađam liền nói: “Bây giờ đây xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi. Người này sẽ được gọi là người nữ, vì bởi người nam mà ra”. Vì thế, người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, và cả hai nên một thân thể. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 127, 1-2. 3. 4-5. 6

Đáp: Nguyện Chúa chúc phúc cho chúng con hết mọi ngày trong đời sống chúng con! (x. c. 5).

Xướng: 1) Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người! Công quả tay bạn làm ra bạn được an hưởng, bạn được hạnh phúc và sẽ gặp may. – Đáp.

2) Hiền thê bạn như cây nho đầy hoa trái, trong gia thất nội cung nhà bạn. Con cái bạn như chồi non của khóm ô-liu, ở chung quanh bàn ăn của bạn. – Đáp.

3) Đó là phúc lộc dành để cho người biết kính sợ Chúa. Nguyện Chúa từ Sion chúc phúc cho bạn, để bạn nhìn thấy cảnh thịnh đạt của Giêrusalem, hết mọi ngày trong đời sống của bạn. – Đáp.

4) Và để bạn nhìn thấy lũ cháu đàn con. Nguyện xin bình an đến trên đất Israel. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: Dt 2, 9-11

“Đấng thánh hoá và những người được thánh hoá, tất cả đều do một nguồn gốc”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, Đấng trong một thời gian bị hạ xuống kém các Thiên Thần, là Đức Giêsu, chúng ta thấy Người được triều thiên vinh quang và danh dự vì cuộc tử nạn của Người, để nhờ ơn Thiên Chúa, Người chịu chết thay cho mọi người. Quả vậy, thật là thích hợp việc Chúa là nguyên nhân và cùng đích mọi vật, đã dẫn đưa nhiều con cái đến vinh quang và đã lấy cuộc khổ nạn mà làm cho Đấng đem lại ơn cứu rỗi được hoàn hảo. Vì chưng, Đấng thánh hoá và những người được thánh hoá, tất cả đều do một nguồn gốc. Vì thế, Người không hổ thẹn gọi họ là anh em. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 17, 17b và a

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Lời Cha là chân lý; xin hãy thánh hoá chúng trong sự thật”. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mc 10, 2-12 hoặc 2-16

“Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, những người biệt phái đến gần và hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Người ta có được phép ly dị vợ mình chăng?” Người đáp: “Môsê đã truyền cho các ông thế nào?” Họ thưa: “Môsê cho phép làm giấy ly dị và cho ly dị”. Bấy giờ Chúa Giêsu đáp lại: “Chính vì sự cứng lòng của các ông, mà Môsê đã viết ra điều luật đó. Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Như thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ”.

Về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điểm đó. Và Người bảo các ông: “Ai bỏ vợ mình và lấy vợ khác, thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ trước. Và người nữ bỏ chồng và lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình”.

Bấy giờ người ta đưa những trẻ nhỏ đến cùng Chúa Giêsu để Người đặt tay trên chúng, nhưng các môn đệ khiển trách họ. Thấy vậy, Chúa Giêsu bất bình và bảo các ông rằng: “Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng. Thầy bảo thật các con: Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó”. Rồi Người ôm chúng, đặt tay ban phép lành cho chúng. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

03/10/2021 – CHÚA NHẬT TUẦN 27 TN – B

Kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi

Lc 1,26-38

PHÚC ĐƯỢC ĐỌC KINH MÂN CÔI

“Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” (Lc 1,28)

Suy niệm: Thánh giáo hoàng Gio-an Phao-lô II trong tông thư “Kinh Mân Côi Đức Trinh Nữ Ma-ri-a”, nói rằng: “Kinh Mân Côi là kinh tôi ưa thích. Một lời kinh kỳ diệu! Kỳ diệu qua vẻ đơn sơ và chiều sâu của nó” (số 2). Với lời xác định này, chắc chắn đức giáo hoàng cảm nhận được hạnh phúc khi đọc kinh Mân Côi. Bởi lẽ khi chúng ta đọc kinh Mân Côi là chúng ta được chào Đức Ma-ri-a bằng chính lời chào của sứ thần Gáp-ri-en: “Kính Mừng Ma-ri-a đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ.” Kinh Mân Côi quả thật vô cùng quý giá đối với chúng ta vì như thánh Bô-na-ven-tu-ra nói: “Mẹ Ma-ri-a chúc phúc cho chúng ta với ơn lành, nếu chúng ta kính chào Mẹ bằng kinh Kính Mừng.”

Mời Bạn: Khi hiện ra với các trẻ Lu-xi-a, Phan-xi-cô và Gia-xin-ta ở Fa-ti-ma, Đức Ma-ri-a đã tự xưng mình là Mẹ Rất Thánh Mân Côi. Lúc ấy Đức Mẹ cũng nhắc lại sứ điệp ở Lộ Đức là kêu gọi con cái Mẹ năng lần hạt Mân Côi. Bởi đó, chúng ta lần hạt Mân Côi và lập đi lập lại lời sứ thần Gáp-ri-en không chỉ có giá trị do thiện chí của mình, mà còn có giá trị là thực thi mệnh lệnh của Mẹ Ma-ri-a. Thế nên, việc đọc kinh Mân Côi vừa là việc làm vui lòng Đức Mẹ, vừa là một hạnh phúc cho người đọc.

Sống Lời Chúa: Trung thành với việc đọc kinh Mân Côi mỗi ngày, đặc biệt với ý cầu xin Đức Mẹ chuyển cầu cho cơn đại dịch sớm chấm dứt, và tìm ra những sáng kiến đưa kinh Mân Côi vào trong đời sống.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con mỗi lần đọc kinh Mân Côi là đọc trong tư cách người con yêu mến Mẹ Ma-ri-a và chào Mẹ bằng lời chào trang trọng, thiêng liêng đối với Mẹ.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm

“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phép phân ly.”
Lời của Đức Giêsu đã vang vọng qua hai mươi thế kỷ,
và vẫn thường được chọn để in trên thiệp cưới.
Phải chăng người ta ngầm nhắc nhau rằng
ly dị là từ không nên có trong từ điển của các đôi vợ chồng.
Tiếc thay số vụ ly hôn nơi các kitô hữu đã gia tăng đáng kể.
Sống với nhau đến đầu bạc răng long lại trở thành một giấc mơ.

Có mấy người Pharisêu đến hỏi Đức Giêsu về chuyện chồng ly dị vợ.
Đức Giêsu hỏi ngược họ xem ông Môsê đã truyền dạy thế nào (c. 3).
Những người Pharisêu trích sách Đệ Nhị Luật (24, 1)
để cho thấy ông Môsê cho phép viết giấy ly dị và sau đó ly dị (c. 4).
Dĩ nhiên, cho phép không phải là truyền dạy!
Đức Giêsu đã trích sách Sáng Thế (2, 24)
để nhấn mạnh sự hiệp nhất vĩnh viễn giữa đôi vợ chồng.
“Cả hai thành một xương một thịt” không chỉ về mặt thân xác (c. 8),
mà còn trở nên một lòng, một ý, một ước mơ, một hành động.
Ngài khẳng định điều này đã có từ thuở ban đầu (c. 6)
và nằm trong ý định nguyên thủy của Thiên Chúa.
Việc Môsê cho phép ly dị chỉ là một nhượng bộ tạm thời (c. 5).
Đức Giêsu mới là Đấng đến để hoàn chỉnh Luật Môsê
và khai mở ý muốn trọn vẹn của Thiên Chúa về hôn nhân.

Trong xã hội, văn hóa và Do Thái giáo thời Đức Giêsu,
người phụ nữ không được bình đẳng với nam giới.
Vì vợ là một thứ tài sản thuộc sở hữu của người chồng,
nên thực tế chỉ vợ mới có thể phạm tội ngoại tình đối với chồng,
và chỉ người chồng mới có quyền ly dị vợ.
Đức Giêsu không chấp nhận chuyện coi vợ như một món hàng,
mua về, thích thì dùng, không thích thì bỏ đi.
Vợ đã trở nên xương thịt của chồng, ngang hàng với chồng,
nên khi chồng thiếu chung thủy với vợ, ly dị vợ mà cưới vợ khác
thì anh ta cũng phạm tội ngoại tình đối với vợ (c. 11).

Hôn nhân không phải chỉ là chuyện của hai người yêu nhau và lấy nhau.
Trong Lễ Cưới có sự hiện diện của Thiên Chúa là Đấng phối hợp.
Ngài tiếp tục bảo vệ tình yêu, cả khi hai người cùng muốn chia tay.
Hôn nhân không phải là một bản hợp đồng
mà hai bên được phép xé bỏ khi muốn.
Chung thủy mãi mãi là chuyện khó đối với con người thời nay.
Khi thịnh vượng, lúc gian nan, khi mạnh khỏe, lúc đau yếu,
khi buồn chán và thất vọng về nhau, khi yếu đuối và vấp ngã,
khi đổ vỡ quá lớn tưởng như không sao hàn gắn được,
khi đời sống vợ chồng thành như hỏa ngục trần gian…
khi ấy người ta cần Thiên Chúa để tiếp tục yêu thương và kính trọng nhau.

Xin bớt một chút ích kỷ tự ái, thêm một chút khiêm hạ yêu thương,
bớt một chút tự do đam mê, thêm một chút hy sinh tha thứ…
để gìn giữ tình nghĩa vợ chồng như quà tặng mong manh của trời cao.

Cầu nguyện

Lạy Cha nhân ái, từ trời cao,
xin Cha nhìn xuống
những gia đình sống trên mặt đất
trong những khu ổ chuột tồi tàn
hay biệt thự sang trọng.

Xin thương nhìn đến
những gia đình thiếu vắng tình yêu
hay thiếu những điều kiện vật chất tối thiểu,
những gia đình buồn bã vì vắng tiếng cười trẻ thơ
hay vất vả âu lo vì đàn con nheo nhóc.
Xin Cha nâng đỡ những gia đình đã thành hỏa ngục
vì chứa đầy dối trá, ích kỷ, dửng dưng.

Lạy Cha, xin nhìn đến những trẻ em trên thế giới,
những trẻ em cần sự chăm sóc và tình thương
những trẻ em bị lạm dụng, bóc lột, buôn bán,
những trẻ em lạc lõng bơ vơ, không được đến trường,
những trẻ em bị đánh cắp tuổi thơ và trở nên hư hỏng.

Xin Cha thương bảo vệ gìn giữ
từng gia đình là hình ảnh của thánh Gia Thất,
từng trẻ em là hình ảnh của Con Cha thuở ấu thơ.
Xin Cha sai Thánh Thần Tình Yêu
đem đến hạnh phúc cho mỗi gia đình;
nhưng xin cũng nhắc cho chúng con nhớ
hạnh phúc luôn ở trong tầm tay
của từng người chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

3 THÁNG MƯỜI

Khuôn Mặt Nhân Loại Của Thiên Chúa

Thánh Kinh đưa ra câu trả lời rất phong phú cho câu hỏi: “Con người là ai?” Chúng ta tìm thấy câu trả lời này trong Sách Huấn Ca : “Đức Chúa tạo dựng con người từ bùn đất, và Ngài tạo nên họ giống hình ảnh Ngài. Ngài cho họ sống đời tạm trên trần gian và rồi lại trở về với đất bụi. Ngài ban tặng con người sức mạnh của Ngài, Ngài trao cho họ quyền thống trị mọi sự trên mặt đất.” (Hc 17,1-3)

Ở đây chúng ta có câu trả lời cho vấn nạn con người và định mệnh của họ. “Ngài tạo nên con người giống hình ảnh Ngài”. Vì thế, theo cách diễn tả rất khéo của thánh Gregory thành Nyssa (PG 44,446), con người là “khuôn mặt nhân loại của Thiên Chúa”. Để hiểu biết đúng đắn về con người, chúng ta không bao giờ được phép đánh mất quan điểm này của mạc khải Thánh Kinh; từ Sách Sáng Thế đến Sách Khải Huyền, Thánh Kinh khai mở đầy đủ chiều kích đích thực của con người. Con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Và để cứu độ và giải phóng con người khỏi tội lỗi, Thiên Chúa đã đi vào thân phận con người.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 03/10

Chúa Nhật XXVII Thường Niên

St 2, 18-24; Dt 2, 9-11; Mc 10, 2-16.

LỜI SUY NIỆM: “Lúc khởi đầu công trình tạo dựng. Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.”

          Đây là một đặc tính ưu việt của “Hôn Nhân Công Giáo”: “Tự bản chất của nó, tình yêu phu phụ đòi hỏi đôi phối ngẫu phải chung thuỷ một cách bất khả xâm phạm. Đây là hệ quả của việc chính đôi phối ngẫu đã tự hiến cho nhau. Tình yêu phải là vĩnh viễn, tình yêu không thể có tính cách “cho tới khi có một quyết định mới”. Sự nên  một thân mật, nghĩa là việc hai người trao hiến cho nhau, cũng như lợi ích của con cái, đòi hỏi đôi phối ngẫu phải hoàn toàn chung thuỷ và đòi buộc nơi họ sự duy nhất bất khả phân ly.” (GLHTCG 1646)

          Lạy Chúa Giêsu. “Nhờ bí tích Hôn Phối, đôi phối ngẫu được ban ơn để thực hiện và làm chứng cho sự chung thuỷ đó. Do Bí tích, tính bất khả phân ly của hôn nhân đón nhận một ý nghĩa mới mẻ và sâu xa hơn.” (GLHTCG 1647). Xin cho mọi gia đình Công Giáo luôn tôn trọng và gìn giữ trọn vẹn Luật Hôn Phối của Giáo Hội. Giúp cho gia đình luôn được hạnh phúc trong Chúa.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

03 Tháng Mười

Báu Vật Cuối Cùng

Ngày 10 tháng 3 năm 1615, tại Glasgow bên Tô Cách Lan, một vị thừa sai lừng danh là cha Ogilvie bước lên máy chém vì tội rao giảng Phúc Âm.

Trong giây phút cuối đời, đứng trên đoạn đầu đài thấy hàng ngàn người đứng coi, muốn để lại cho họ một kỷ niệm và một bảo đảm đức tin, vị tử đạo lấy ra vật cuối cùng còn lại trong mình: đó là một cỗ tràng hạt… Ngài cố sức ném tràng chuỗi vào giữa biển người. Tràng chuỗi đã rơi xuống trúng một ông hoàng xứ Hungary đang trên đường chu du học hỏi, tình cờ ghé qua Glasgow.

Chuỗi tràng hạt này đã bám riết ông khắp nơi, mãi đến ngày ông quyết định rời bỏ giáo phái Calvin để quay trở lại với Công Giáo.

Những mẩu chuyện trên đây không phải là ít trong lịch sử Giáo Hội. Việc sám hối luôn gắn liền với kinh Mân Côi. Ðó là mệnh lệnh mà Mẹ Maria đã ban bố tại Fatima năm 1917: “Hãy năng lần hạt Mân Côi”.

Thánh Grêgoriô thành Nysse thường dùng thí dụ sau đây để nói về ảnh hưởng của kinh Mân Côi trong đời sống Kitô của chúng ta: “Mỗi người chúng ta được ví như một họa sĩ, linh hồn chúng ta là một khung vải còn nguyên vẹn, màu sắc được dùng là các nhân đức Kitô giáo, hình ảnh phải họa theo là chính Chúa Giêsu Kitô, hình ảnh sống động của Chúa Cha. Họa sĩ nào càng muốn hình ảnh họa lại được giống hình mẫu, càng phải năng ngắm nhìn mẫu khi đặt bút vẽ”.

Mẹ Maria là mẫu gương của đời sống Kitô. Qua kinh Mân Côi, chúng ta chiêm ngắm các biến cố trong cuộc đời của Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Nhờ ôn đi, đọc lại nhiều lần, các biến cố đó sẽ thấm nhập tâm hồn chúng ta để dần dần biến chúng ta theo khuôn mẫu của các Ngài.

Kinh Mân Côi không những là hình thức đạo đức có tính cách cá nhân, nhưng còn là chất keo nối kết mọi người trong gia đình lại với nhau. Còn hình ảnh nào được ghi đậm trong tâm khảm chúng ta cho bằng những giờ kinh Mân Côi đọc chung trong gia đình… Gần đây, người ta phát động việc đọc kinh Mân Côi trong gia đình với khẩu hiệu: “Một gia đình cầu nguyện chung với nhau là một gia đình đứng vững”.

“Nơi nào có hai hay ba người ngồi lại với nhau vì danh Ta, Ta sẽ ở giữa họ”. Mà nơi nào có Thiên Chúa, nơi đó cũng sẽ có Tình Yêu. Vì Tình Yêu là chất men liên kết mọi người trong gia đình lại với nhau.

Việc cầu nguyện trong gia đình, nhất là với kinh Mân Côi, là yếu tố bảo đảm sự bền vững của hôn nhân và khơi dậy ơn gọi trong gia đình.

Trong tông huấn về việc tôn kính Mẹ Maria, Ðức Phaolô VI đã nhắn nhủ chúng ta như sau: “Những điều kiện sinh sống đổi thay của ngày nay khiến việc hội họp gia đình không được dễ dàng và dù khi sum họp được thì nhiều hoàn cảnh lại làm cho cuộc họp mặt khó biến thành một dịp nguyện cầu. Các gia đình muốn sống trọn vẹn ơn gọi và tinh thần của gia đình Công Giáo phải tận lực lướt thắng những áp lực cản trở gia đình không thể hội họp và cầu nguyện chung”.

Tinh thần đạo đức của các phần tử trong gia đình được thể hiện và tăng triển trong những giờ cầu nguyện chung, gồm cả việc đọc kinh hay đọc sách Thánh, chia sẻ lời Chúa, nhưng thuận lợi hơn cả đối với các gia đình Việt Nam đó là việc đọc kinh Mân Côi. Cũng chính Ðức Cố Giáo Hoàng VI khuyên nhủ chúng ta: “Sau việc đọc kinh Nhật Tụng thì việc đọc kinh Mân Côi được coi như một trong những kinh cầu nguyện chung tốt đẹp nhất, hữu hiệu nhất mà gia đình Công Giáo được khuyến khích đọc”.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật 27 – Năm B – Thường Niên

Bài đọc: Gen 2:18-24; Heb 2:9-11; Mk 10:2-16.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lý tưởng của Thiên Chúa và khuyết điểm của con người.

Khi Thiên Chúa truyền cho con người làm điều gì, con người có thể hay có khả năng làm điều đó; vì Ngài không thể truyền cho con người làm điều gì họ không thể làm. Có nhiều lý do khiến con người không làm điều Thiên Chúa truyền: (1) Con người không muốn làm điều Thiên Chúa truyền, mà chỉ muốn làm điều con người muốn, vì nó phù hợp với con người hơn. (2) Con người có khả năng làm; nhưng không chịu cố gắng làm vì lười biếng, sợ khó khăn, sợ gian khổ, hay sợ chết. (3) Có những điều con người chỉ có thể làm được với ân sủng Thiên Chúa ban qua các Bí-tích.

Các Bài Đọc hôm nay đặt trọng tâm trong sự trung thành của ơn gọi gia đình, điều mà nhiều người cho là không thể thực hiện được. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Sáng Thế xác nhận ơn gọi hôn nhân nằm trong kế-hoạch của Thiên Chúa cho con người ngay từ đầu. Thiên Chúa không muốn cho con người sống đơn độc một mình; nhưng muốn con người có một người bạn đồng hành. Ngài đã dùng một xương lấy ra từ cạnh sườn con người, và lấp đầy thịt vào để tạo nên người đàn bà. Ngài dẫn người đàn bà đến trước mặt người đàn ông, và người đàn ông đã nói: “Này đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra.” Họ là cặp vợ chồng đầu tiên; và từ đó đến nay, các đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một thịt. Trong Bài Đọc II, sức mạnh và ơn thánh giúp con người có thể làm điều Thiên Chúa truyền đến từ Đức Kitô. Qua Cuộc Thương Khó và cái chết của Ngài, con người được tha tội và thánh hóa nhờ các Bí-tích Đức Kitô đã thiết lập. Con người phải xử dụng nguồn năng lực này, để có thể sống theo Lề Luật của Thiên Chúa và những lời dạy dỗ của Đức Kitô. Trong Phúc Âm Marcô, khi mấy Biệt-phái đến hỏi thử Chúa Giêsu về việc có được ly dị vợ không; dù Chúa Giêsu biết Moses cho phép ly dị vì sự cứng lòng của dân chúng, Ngài vẫn xác quyết ý định của Thiên Chúa khi dựng nên con người ngay từ thuở ban đầu là không được. Lý do: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Giao ước hôn nhân nằm trong ý định của Thiên Chúa ngay từ đầu.

1.1/ Ý định của Thiên Chúa cho con người: Đây là trình thuật thứ hai về việc tạo dựng; tác giả chú trọng đặc biệt đến sự kết hiệp giữa người nam và người nữ trong ơn gọi gia đình.

+ Thiên Chúa không muốn con người ở một mình: Trước tiên chúng ta cần chú ý: đây là thánh ý của Thiên Chúa, chứ không phải do ý con người muốn. Con người đầu tiên không than phiền Thiên Chúa vì không có đàn bà; nhưng chính Thiên Chúa nhận ra con người ở một mình là không tốt. Thiên Chúa muốn tìm cho con người một “trợ giúp tương xứng với nó.”

+ Chữ người trợ giúp (bôêthos trong LXX, và hêzer trong MT) cũng gây ra nhiều bàn cãi. Có người cho đàn bà chỉ là người trợ giúp của đàn ông; vì thế, các bà không bao giờ được coi là ngang hàng với các ông. Cách cắt nghĩa này không có cơ sở, vì Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần cũng được gọi là Đấng Trợ Giúp con người. Các Ngài phải có uy quyền hơn thì mới trợ giúp con người được.

+ Khó khăn không ở chỗ dùng danh từ người “trợ tá, bạn đồng hành;” nhưng ở chỗ cắt nghĩa cho đúng giới từ trong tiếng Do-thái (kenegdô) và Hy-lạp (kat’ auton). Bản Việt-nam của Nhóm PVCGK dịch tương đối sát nghĩa là “tương xứng hay thích hợp;” nhưng tương xứng theo ý nghĩa nào: cách thể lý, trí tuệ, luân lý, hay tinh thần.

1.2/ Tìm một “trợ tá tương xứng” cho con người:

(1) Thiên Chúa thử các thú vật trước: ”Đức Chúa là Thiên Chúa lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời, và dẫn đến với con người, xem con người gọi chúng là gì: hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế. Con người đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú, nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng.” Loài vật cho dù có nhiều điểm thích hợp với con người như đẹp đẽ, hiền lành, dễ thương, trung thành; nhưng không thể nào so sánh với con người. Việc đặt tên theo truyền thống Do-thái có nghĩa người đặt tên có quyền trên người bị đặt tên.

(2) Thiên Chúa tạo dựng đàn bà: ”Đức Chúa là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi. Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, và lắp thịt thế vào. Đức Chúa là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người.”

(3) Phản ứng của người đàn ông: Con người nói: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra.” Ông nhận ra ngay nàng là một phần của thân thể mình. Ông muốn sống gắn bó với nàng hơn bất kỳ ai khác. Trình thuật kết thúc với kết luận: ”Bởi thế, đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một thịt.”

2/ Bài đọc II: Đức Giêsu trải qua gian khổ để dẫn đưa con người tới nguồn ơn cứu độ.

2.1/ Đức Kitô trải qua Cuộc Thương Khó để đền tội cho con người: Bản dịch của PVGK có thể gây hiểu lầm khi dùng chữ “con người;” bản Hy-lạp nói rõ là Chúa Giêsu: ”Nhưng Chúa Giêsu đã bị hạ thấp hơn các thiên thần trong một thời gian ngắn, thì chúng ta lại thấy được Thiên Chúa ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, bởi vì Ngài đã cam chịu tử hình: Con Người đó, chính là Đức Giêsu. Thật vậy, Đức Giêsu đã phải nếm sự chết, là để cho mọi người được cứu độ, nhờ ơn Thiên Chúa.”

Để con người đạt được ơn cứu độ, trước tiên, Chúa Giêsu phải gánh tội và hình phạt cho con người, bằng cách chấp nhận đau khổ qua Cuộc Thương Khó của Ngài. Một khi đã được tha tội, con người được hòa giải với Thiên Chúa.

2.2/ Đức Kitô không chỉ tha tội; nhưng còn thánh hóa con người: Tác giả Thư Do-thái xác quyết điều này: ”Thật vậy, Đấng thánh hoá là Đức Giêsu, và những ai được thánh hoá đều do một nguồn gốc. Vì thế, Người đã không hổ thẹn gọi họ là anh em.” Mặc dù Chúa Giêsu đã gánh tội và ơn cứu độ giờ đây là của con người; nhưng họ vẫn phải chứng minh cho Thiên Chúa niềm tin vào Đức Kitô bằng cuộc sống chứng nhân; chẳng hạn, trung thành trong ơn gọi gia đình, tu sĩ, hay linh mục. Để có sức mạnh làm những điều này, Đức Kitô thiết lập các Bí-tích.

Nhiều người ngày nay đã quên hay không biết sự cần thiết của các Bí-tích trong cuộc đời; nhất là hai Bí-tích: (1) Thánh Thể: Đây là Bí-tích ban sức mạnh để con người có thể đương đầu với các cám dỗ, khó khăn, và thử thách trong cuộc đời. (2) Hòa Giải: giúp con người nhận ra các tội lỗi mình đã xúc phạm đến Thiên Chúa và đến tha nhân; đồng thời nó cũng giúp con người dễ thông cảm, tha thứ, và giải quyết các xung đột trong đời sống gia đình.

3/ Phúc Âm: Vấn đề ly dị và có con.

3.1/ Yếu đuối của con người: Có mấy người Pharisees đến gần Đức Giêsu và hỏi rằng: “Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không?” Họ hỏi thế là để thử Người.

(1) Luật của Moses: Chúa Giêsu hỏi: “Thế ông Moses đã truyền dạy các ông điều gì?” Họ trả lời: “Ông Moses đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ.” Đức Giêsu nói rõ lý do có luật này của Moses:: “Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Moses mới viết điều răn đó cho các ông.”

(2) Tại sao Giáo Hội cho phép ly dị, nếu đó là Luật Thiên Chúa? Chúng ta cần phân biệt hai điều: Thứ nhất, lý tưởng mà Thiên Chúa muốn con người đạt tới. Lý tưởng này không bao giờ thay đổi; và thực tế cũng chứng minh nhiều người đã đạt tới lý tưởng này. Nhiều cặp vợ chồng đã trung thành với nhau đến khi chết, dù phải trải qua bao gian khổ. Thứ hai, yếu đuối và tội lỗi làm con người không đạt tới lý tưởng của Thiên Chúa. Khi con người không đạt được lý tưởng, không có nghĩa là lý tưởng của Thiên Chúa muốn không thể thực hiện được, hay Lề Luật của Thiên Chúa sai; nhưng con người phải khiêm nhường thống hối vì yếu đuối tội lỗi của mình. Hội Thánh gỡ dây hôn phối là vì những tội lỗi, yếu đuối, và cứng lòng của con người. Có nhiều lý do để gỡ; một cách tổng quát là không chịu học hỏi hay coi thường Bí-tích Hôn Phối như:

– Cha mẹ ép buộc con cái phải lấy người chúng không muốn, vì cha mẹ tham quyền cao, chức trọng, hay lợi nhuận vật chất. Trường hợp này, con cái thiếu tự do để kết hôn.

– Con người kết hôn bừa bãi: Đa số trường hợp Giáo Hội giải quyết là trường hợp “lack of form,” có nghĩa: không theo Lề Luật của Giáo Hội, không thành Bí-tích. Chẳng hạn, làm hôn thú giả vì muốn xuất ngoại, vì tham tiền, hay vì bất cứ lý do nào khác.

– Vợ chồng không chịu tìm hiểu nhau kỹ lưỡng trước khi kết hôn: lấy người đã có gia đình, lấy người bị ngăn trở không được kết hôn, lấy người không cùng tôn giáo.

– Vợ chồng không sống đức tin và không chịu lãnh nhận ơn thánh từ các Bí-tích: Làm sao có khôn ngoan, sức mạnh để vượt qua khó khăn trong cuộc sống?

– Con người không có sức chịu đau khổ: Trường hợp của những người bị người phối ngẫu ly dị. Với ơn thánh, con người có thể vượt qua sự cô đơn và những đòi hỏi của thân xác.

3.2/ Vấn đề với con trẻ: Người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giêsu, để Người đặt tay trên chúng. Nhưng các môn đệ la rầy chúng. Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào.” Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng.

Một vấn đề khó khăn nữa mà các vợ chồng ngày nay hay than phiền là không muốn có con, hay chỉ muốn có 2, 3 con; một số lý do họ nêu ra:

(1) Sợ con trẻ gây phiền hà: Đây là lý do các môn đệ sợ ngăn cản chúng đến với Chúa Giêsu. Người lớn hôm nay sợ trẻ con hàn nhà làm họ phải thu dọn tối ngày, sợ con trẻ ồn ào làm mất sự yên tĩnh, sợ chúng khóc đêm làm mất giấc ngủ, sợ chúng phá phách làm hư hại đồ dùng trong nhà.

(2) Sợ phải săn sóc con trẻ: Con trẻ không tự săn sóc chúng, mà chỉ trông cậy hoàn toàn vào người lớn. Nhiều cặp vợ chồng sợ phải tốn thời gian để chăm sóc trẻ em sẽ không còn giờ lo cho bản thân họ.

(3) Những ngụy biện của con người ngày nay để không có nhiều con trẻ: Sinh nhiều quá lấy chỗ đâu mà sống; khả năng tài chánh không có để lo cho con; sợ con trẻ hư, nên thà đừng có tốt cho chúng hơn.

Đàng sau những lý do này là chủ nghĩa cá nhân và tính ích kỷ. Con người hôm nay sợ phải tốn thời gian săn sóc và dạy dỗ con trẻ, sẽ không còn giờ để săn sóc mình và đi đây đó. Họ sợ sinh con vóc dáng sẽ xấu đi. Họ sợ tốn tiền cho con sẽ không còn thời giờ lo cho mình.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Khi Thiên Chúa truyền chúng ta làm điều gì, chúng ta có khả năng làm chuyện đó. Chúng ta cần phải tin tưởng và làm theo những gì Chúa dạy, tập luyện để sống nhân đức, và tận dụng các ơn thánh Thiên Chúa ban qua các Bí-tích.

– Chúng ta cần học hỏi để biết cách lãnh nhận và hiệu quả của các Bí-tích mang lại; nhất là phải biết thường xuyên lãnh nhận các Bí-tích mỗi khi có thể.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************