Chúa Nhật (03-11-2024) – Trang suy niệm

02/11/2024

Lời Chúa Hôm Nay

Chúa Nhật XXXI Niên – Năm B

BÀI ĐỌC I: Đnl 6, 2-6

“Hỡi Israel, hãy nghe đây: Ngươi hãy yêu mến Chúa hết lòng ngươi”.

Trích sách Đệ Nhị Luật.

Ông Môsê nói cùng dân chúng rằng: “Các ngươi hãy kính sợ Chúa là Thiên Chúa các ngươi, hãy tuân giữ mọi huấn lệnh và giới răn của Người mà tôi truyền dạy cho các ngươi, cho con cái cháu chắt các ngươi tuân giữ mọi ngày trong đời sống các ngươi, để các ngươi được sống lâu dài.

“Hỡi Israel, hãy nghe đây mà tuân hành các điều Chúa truyền dạy cho ngươi, thì ngươi được phần phúc và sinh sản ra nhiều hơn, như lời Chúa là Thiên Chúa tổ phụ ngươi đã hứa ban cho ngươi phần đất chảy sữa và mật.

“Hỡi Israel, hãy nghe đây, Chúa là Thiên Chúa chúng ta, là Chúa độc nhất. Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết sức ngươi. Những lời tôi truyền cho ngươi hôm nay, phải ghi tạc vào lòng”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 17, 2-3a. 3bc-4. 47-51ab

Đáp: Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Chúa (c. 2).

1) Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Chúa; lạy Chúa là đá tảng, chiến luỹ, cứu tinh.

2) Lạy Chúa là Thiên Chúa, là sơn động chỗ con nương mình, là khiên thuẫn, là uy quyền cứu độ, là sức hộ phù con. Con xướng ca khen ngợi cầu cứu Chúa, và con sẽ được cứu thoát khỏi tay quân thù.

3) Vạn tuế Thiên Chúa, chúc tụng Đá Tảng của con, ngợi khen Thiên Chúa là Đấng cứu độ con. Ngài đã ban cho đức vua được đại thắng, đã tỏ lòng từ bi với Đấng được xức dầu của Ngài.

BÀI ĐỌC II: Dt 7, 23-28

“Vì lẽ Người tồn tại đời đời, nên Người có một chức tư tế hằng hữu”.

Trích thư gởi cho tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, có nhiều người làm tư tế (của Giao Ước cũ), vì lẽ sự chết ngăn trở họ tồn tại lâu bền. Còn Đức Kitô, vì lẽ Người tồn tại đời đời, nên Người có một chức tư tế hằng hữu. Bởi đó, Người có thể cứu độ cách vĩnh viễn những ai nhờ Người mà đến với Thiên Chúa, vì Người hằng sống để chuyển cầu cho chúng ta.

Phải, vì chúng ta cần một vị Thượng tế thánh thiện, vô tội, tinh tuyền, tách biệt khỏi kẻ tội lỗi và đã được nâng cao trên các tầng trời. Người không cần phải như các tư tế hằng ngày dâng lên của lễ trước là đền tội lỗi mình, sau là đền tội lỗi dân chúng, vì Người làm việc ấy chỉ có một lần khi hiến dâng chính mình. Vì Lề luật thì đặt những người yếu đuối làm tư tế, còn lời thề có sau Lề luật thì đặt Người Con hoàn hảo làm Thượng tế đến muôn đời. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Mt 4, 4b

Alleluia, alleluia! – Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Mc 12, 28b-34

“Đó là giới răn thứ nhất, còn giới răn thứ hai cũng giống như giới răn thứ nhất”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, có người trong nhóm luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: “Trong các giới răn điều nào trọng nhất?” Chúa Giêsu đáp:

“Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó”.

Luật sĩ thưa Ngài: “Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất và ngoài Người chẳng có Chúa nào khác nữa. Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh”.

Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu”. Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa. Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

03/11/2024 – CHÚA NHẬT TUẦN 31 TN – B

Mc 12,28b-34

ĐẠO CHÚA LÀ ĐẠO YÊU NHAU

“Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” (Mc 12,33)

Suy niệm: Trong cuốn “Tản Mạn Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam” (nxb Tôn Giáo, 2008), cha Đỗ Quang Chính ghi lại bức thư của linh mục thừa sai Gaspar d’Amaral viết ngày 31/12/1632, trong đó cho biết “lương dân gọi bổn đạo là những người theo đạo yêu nhau” (tr. 61). Thật tuyệt vời! Đạo Chúa dạy đúng là đạo yêu nhau. Chúa Giê-su cho biết mọi giới răn của Ngài được tóm lại trong giới răn “mến Chúa, yêu người.” Gần 400 năm trước đây, các Ki-tô hữu cha ông chúng ta, đã sống trọn vẹn giới răn yêu thương của Chúa và trở thành chứng nhân mạnh mẽ đầy thuyết phục trước anh em lương dân.

Mời Bạn: Tiếc thay, 400 năm sau, không còn nghe thấy “lương dân gọi bổn đạo là những người theo đạo yêu nhau” nữa. Vì sao và từ bao giờ danh xưng ấy bị mai một vậy? Phải chăng vì các “bổn đạo” không còn thực thi giới răn mến Chúa yêu người nữa? Là hậu duệ của các bậc tiền nhân đáng kính đó, chúng ta phải thành tâm kiểm điểm mình đã sống đạo yêu nhau như thế nào: Gia đình, cộng đoàn chúng ta đã loại bỏ hết mọi ghen ghét, tỵ hiềm, xúc phạm lẫn nhau… để chân thành cảm thông và quan tâm phục vụ nhau chưa? Chúng ta đã biết nhận ra và đón nhận những người bé nhỏ nghèo hèn quanh ta đang cần sự cảm thông chia sẻ chưa?

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày một quyết tâm làm một việc phục vụ, dù âm thầm nhỏ bé, cho một người anh em bé mọn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết nhận ra Chúa nơi những anh chị em mà con gặp gỡ mỗi ngày, và cho con biết yêu thương họ như yêu mến Chúa.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

SUY NIỆM 

YÊU THA NHÂN NHƯ CHÍNH MÌNH

Ngoài Luật trong Ngũ Thư, người Do-thái thời Đức Giêsu

còn phải giữ hơn sáu trăm luật lệ khác.

Bởi đó có một người ngoại giáo xin với Rabbi Hillel:

“Xin thầy dạy tôi tất cả Lề Luật

trong thời gian tôi có thể đứng trên một chân.”

“Điều gì bạn không thích thì đừng làm cho người khác,”

vị Rabbi trả lời, “mọi điều khác chỉ là diễn giải thêm.”

Thánh Phaolô nói: “Yêu người thân cận là chu toàn Lề Luật.”

Khi được hỏi về điều răn thứ nhất trong mọi điều răn,

Đức Giêsu đã trả lời, không phải một, mà đến hai điều răn.

cả hai đều bắt đầu bằng câu “ngươi phải yêu mến”:

yêu mến Thiên Chúa và yêu mến người thân cận.

Đây là bản tóm của Mười Điều Răn được ban trên núi Sinai.

 

Yêu mến thoạt nghe tưởng là chuyện thuần túy tình cảm,

nhưng thật ra lại là một mệnh lệnh phải làm.

Phải yêu mến Thiên Chúa với tất cả khả năng Ngài ban:

với tất cả trái tim, linh hồn, trí khôn và sức lực.

Yêu đến mức như thế thì phải cố gắng suốt đời,

dần dần để Chúa chiếm lấy toàn bộ con người mình,

dần dần buông bỏ bản thân để tan hòa vào Chúa.

Nhưng Tân Ước với mầu nhiệm Nhập Thể

còn mở ra một đòi hỏi mới của tình yêu.

Đức Giêsu Nadarét là Thiên Chúa Con Một làm người.

Ngài cũng đòi ta yêu Ngài như yêu Thiên Chúa Cha,

yêu đến mức dám hy sinh mạng sống (Lc 14,26).

Ngài đã hỏi Simon Phêrô: “Anh có yêu mến Thầy không?”

và hôm nay Ngài cũng hỏi từng người chúng ta như thế.

Tương quan giữa ta với Ngài là tương quan tình yêu.

Ngài yêu ta và mong ta ở lại trong tình yêu đó (Ga 15,9).

 

Tình yêu của ta đối với Chúa như thanh dọc của thập giá.

Thập giá cần một thanh ngang là tình yêu cho tha nhân.

Thanh ngang trụ được là nhờ gắn vào thanh dọc.

Đức Giêsu nói đến hai điều răn mến Chúa yêu người

không tách rời nhau, như hai thanh của thập giá.

Không điều răn nào hoàn hảo nếu không có điều răn kia.

Yêu Đấng Tạo Hóa sẽ dẫn chúng ta đến chỗ yêu tha nhân

là những thụ tạo mang hình ảnh của Ngài.

Đức Giêsu còn đưa tình yêu tha nhân đi xa hơn

khi dạy ta không chỉ yêu người thân cận,

mà yêu bất cứ ai cần ta giúp đỡ (Lc 10,37),

yêu cả kẻ thù bằng cách cầu nguyện cho họ (Mt 5,44).

Hơn nữa, Ngài còn mời ta yêu bằng tình yêu lớn nhất,

đó là hy sinh mạng sống cho bạn của mình (Ga 15,13).

 

Chúng ta thường được dạy điều răn yêu Chúa và tha nhân,

nhưng không được dạy điều răn về yêu bản thân mình.

Có lẽ vì ai cũng nghĩ yêu bản thân là chuyện tự nhiên.

Thật ra “yêu mến người thân cận như chính mình”

hàm chứa việc phải yêu mến bản thân.

Không cần phải ghét bản thân thì mới yêu tha nhân được.

Trái lại, ai không biết yêu bản thân thì khó yêu tha nhân.

Chúng ta vẫn thường mắc tội xúc phạm đến bản thân:

làm hại thân xác bằng ô uế, nghiện ngập,

làm hại tâm hồn bằng thù ghét và khép kín.

Thật sự yêu bản thân mình là một điều răn khó giữ,

vì nó đòi ta phải mở ra trước Thiên Chúa và tha nhân.

 

Thánh Âu-tinh nói: Chúng ta sẽ bị Chúa xét xử về tình yêu.

Bởi vậy, cứ yêu đi, rồi muốn làm gì thì làm.

Hãy để tình yêu thấm vào từng chi tiết của cuộc sống.

Hãy để cuộc sống được dẫn lối bởi tình yêu.

“Ai không yêu mến, thì không biết Thiên Chúa,

vì Thiên Chúa là Tình yêu” (1 Ga 4,8).

 

 

LỜI NGUYỆN

Mỗi tối, trước khi đi ngủ,

con lại muốn tự khám trái tim của mình.

Con muốn biết điều gì đang chi phối trái tim ấy:

sợ hãi, âu lo, hay an bình, hy vọng,

chán chường, ganh ghét, hay chia sẻ, cảm thông

Con muốn xem trái tim con đang bị ai dẫn dắt:

chiếm đoạt, thèm muốn hay tự hiến, dâng trao.

 

Lạy Chúa,

con muốn mình có một trái tim khỏe khoắn,

vang những nhịp đập như trái tim của Chúa:

hiền lành và khiêm tốn, tha thứ và bao dung.

Con muốn bắt chước Chúa trên thập giá,

mở trái tim mình ra đến vô cùng,

trao tất cả mà chẳng hề giữ lại.

 

Lạy Chúa,

Xin cho con tựa đầu vào ngực Chúa,

để trái tim Chúa dạy con biết yêu thương.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

3 THÁNG MƯỜI MỘT

Hoa Trái Của Hiệp Nhất

Trong lời nguyện hiến tế của Người tại bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu nói: “Con xin thánh hiến chính mình con cho họ, để họ cũng được thánh hiến trong sự thật” (Ga 17,19). Mối hiệp nhất được xây dựng trên sự thật, trên sự thật của Lời mạc khải, trên sự thật của chính Lời của Cha là Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ chúng ta.

Sự thật của Lời này được trao ban cho Giáo Hội trong Đức Kitô và qua các Tông Đồ là những vị đã được sai đi để làm Phép Rửa và giảng dạy nhân danh Người: “Như Cha đã sai con đến trong thế gian, con cũng sai họ đi vào thế gian” (Ga 17,18). Sự hiệp nhất của chúng ta không chỉ nhằm cho chúng ta, nhưng đúng hơn cho toàn thế giới, để thế giới có thể tin rằng Chúa Cha đã sai Con của Ngài để cứu độ chúng ta (Ga 17,21.23).

Hiệp nhất là nguồn vui và nguồn an bình của chúng ta. Đàng khác, chia rẽ và bất hòa, nhất là thù hận, thì hoàn toàn đối nghịch lại hiệp nhất. Đó là sự dữ, và đầu mối của chúng là chính Satan.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 03/11

CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN

Đnl 6, 2-6; Hr 7, 23-28; Mc 12, 28b-34.

Lời Suy Niệm: Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?” Đức Giêsu trả lời: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ítraen, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta,  là Đức Chúa duy nhất, Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.” (Mc 12,28-31)

          Đối với người Do Thái, họ luôn cầu xin Thiên Chúa dạy bảo những đường lối, những giới răn và những ý muốn của của Ngài: “Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài” (Tv 25,4); “Điều đẹp ý Ngài, xin dạy con thực hiện, bởi Ngài là Thiên Chúa của con. Xin Thần Khí tốt lành của Chúa dẫn con đi trên miền đất phẳng phiêu” (Tv 143,10)….  Do đó người kinh sư này khi nhìn thấy nơi Chúa Giêsu có những giáo huấn và việc làm mà ông đã được học trong Kinh Thánh, nên đã tín nhiệm vào Người, đã đến gần và hỏi: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều nào đứng đầu?”. Và đã được Chúa Giêsu khai mở cho ông biết. Sau khi nghe lời Chúa Giêsu dạy bảo, ông tin vào điều đó nên đã được Chúa Giêsu khen: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!”

          Lạy Chúa Giêsu, xin cho các thành viên trong gia đình chúng con luôn sống điều Chúa đang truyền dạy cho chúng con. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 03-11

Thánh MARTINÔ PORRES

Tu Sĩ (1579 – 1639)

1579 là niên biểu ghi nhớ ngày sinh ra của Martinô ở Lima, Pêru con của một người mẹ da đen và của một người cha hiệp sĩ và 1639 là niên biểu ghi nhớ ngày qua đời của thánh nhân. Sáu mươi năm giữa hai niên biểu này là khoảng thời gian Martinô tiến tới miền ánh sáng, trong sự khiêm tốn và hiến mình trọn vẹn để phục vụ các bệnh nhân.

Cuộc tình của cha mẹ Ngài không suông sẻ lắm, vì màu da của mẹ Ngài đã đưa đến những hất hủi không những cho bà mẹ mà còn cho cả những đứa con xấu số của bà nữa. Nhưng hoàn cảnh đen tối ấy, Martinô lại coi như nén bạc trao tay để Ngài sinh lời, thành bông hoa khiêm tốn tuyệt vời.

Hồi còn là một thiếu niên, Martinô đã chứng tỏ lòng bác ái đầy khiêm tốn phục vụ của mình. Hôm ấy khi theo chị mang thức ăn cho gia đình, Ngài nghe thấy tiếng rên rỉ của một bà lão người da đỏ. Dừng lại Ngài kinh hãi khi thấy một người lính Tây Ban Nha đang hành hạ lão. Đầy thương cảm, cậu thiếu niên Martinô cúi xuống lão già người da đỏ. Nhưng ông thù ghét cự tuyệt: Thằng nô lệ… mày đen đủi. Bọn da đen tụi mày là kẻ thù của dân da đỏ.

Nhưng người thiếu niên da đen này đã không bỏ cậu đi. Cậu nói chuyện với lão già da đỏ cách dịu dàng đến nỗi lão đã thú nhận là ba ngày rồi không ăn thứ gì vào bụng lại chẳng có con cháu gì cả. Martinô đã khóc và đưa tất cả thực phẩm cả ngày đã mua được cho lão già.

Vào thời đó, chỉ cần học một chút nghề cạo gió, cắt lể như Martinô đã học thì đã được coi là đủ để chữa nhiều loại bệnh, như Martinô đã săn sóc các bệnh nhân. Và các con bệnh có thể là loài người hay loài vật, bởi vì mọi loài đau khổ đều có quyền được người bạn da đen này khiêm tốn tận tình săn sóc. Ngài đã chữa lành một con gà tây gẫy giò. Người ta còn nói rằng: Ngài đã làm cho nhiều con vật sống lại.

Vào tuổi 15, Ngài nhập dòng Daminh như một thày dòng ba. Thày thích làm những việc khiêm tốn đến độ đã được biệt danh là “thày chổi”. Tại nhà dòng Đức bà Mân Côi, Ngài vẫn tiếp tục nghề thuốc của mình với một đức ái nhẫn nại vô bờ, như là một y tá của nhà dòng. Ngài kín múc sức mạnh trong kinh nguyện và khổ hạnh, vừa dấu mình làm việc và lần hạt Mân côi, thức đêm để cầu nguyện rồi ngủ trên cái cáng dùng khiêng xác chết.

Trong dòng Ngài cũng vẫn tiếp tục lấy tình yêu để đáp lại những bất công. Một bệnh nhân giận dữ với Martinô, nhưng Ngài đã êm ái nói với họ: – Anh giận dữ phải lẽ lắm, nhưng cơn giận có thể gia tăng cơn bệnh của anh. Hãy dùng món ăn anh thích này đi và tôi thoa bóp chân cho anh.

Ngài không hề bất nhân, nhưng lại càng lo lắng săn sóc nhiều hơn cho những người tỏ ra độc ác bất công như Ngài.

Martinô đã từ chối không lãnh chức linh mục để có thể tiếp tục làm đày tớ mọi người. Để thưởng lòng trong trắng, đức bác ái và sự khiêm tốn, Thiên Chúa đã ban cho Ngài ơn chữa bệnh, nói tiên tri và làm nhiều phép lạ. Ngài qua đời trong hương thơm thánh thiện năm 1639.

Cuộc điều tra phong thánh cho Ngài đã sớm khởi sự từ năm 1657, nhưng mãi 200 năm sau, năm 1837, Đức Giáo hoàng Grêgôriô XVI mới phong Ngài lên hàng chân phước và 100 năm sau nữa, ngày 6 tháng 5 năm 1962, Đức giáo hoàng Gioan XXIII phong Ngài lên bậc hiển thánh. Hương thơm thánh thiện của Ngài quả là không thể tan loãng theo thời gian.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

03 Tháng Mười Một

Con Chỉ Là Một Tên Mọi Ðen

Hôm nay Giáo Hội kính nhớ thánh Martinô Porres.

Nhắc đến thánh nhân, người ta thường liên tưởng đến những ơn lạ lùng như xuất thần ngất trí trong khi cầu nguyện, như hiện diện ở hai nơi cùng một lúc, hoặc như có thể trò chuyện và điều khiển cả thú vật.

Vị thánh có lòng bác ái cao độ này lại xuất thân từ một hoàn cảnh vô cùng bi đát và đắng cay. Là con của một thiếu nữ da đen đã từng bị đem bán làm nô lệ vào một nhà quý tộc người Tây Ban Nha, Martinô đã được vị linh mục Rửa Tội ghi trong sổ bộ của giáo xứ là “con không cha”. Quả thật, con không cha như nhà không nóc. Martinô đa lớn lên trong cảnh thiếu vắng tình cha mãi cho đến năm 8 tuổi. Nhưng sau khi được chính thức thừa nhận không bao lâu, thì người cha lại bỏ rơi gia đình. Một lần nữa, cậu bé Martinô lại rơi vào cảnh khốn khổ như đa số các em bé nghèo của thành phố Lima, Pêru vào giữa thế kỷ thứ 16.

Nhưng cảnh nghèo ấy đã không gieo vào lòng cậu bé mang hai dòng máu này chút đắng cay nào. Trái lại, cậu tiếp nhận mọi biến cố xảy đến trong cuộc sống như một thách đố, như một ân sủng. 

Năm 12 tuổi, Martinô đã được học nghề hớt tóc và đôi chút xảo thuật của ngành giải phẫu. Vừa hành nghề như một người thợ hớt tóc, vừa như một y tá, Martinô đã đem hết sự hăng say và tận tụy của mình để phục vụ những người nghèo đồng cảnh ngộ.

Nhưng nhận thấy chỉ có thể sống trọn Ðức Ái trong một tu viện, Martinô đã đến gõ cửa một nhà dòng Ðaminh để xin được làm trợ sĩ trong nhà. Bí quyết nên thánh của thầy Martinô là sám hối cầu nguyện và phục vụ, nhất là phục vụ trong những công việc vô danh nhất. Lần kia, nhà dòng mang nợ đến độ không thể bảo đảm được các nhu cầu của các tu sĩ, thầy Martinô đã đến thưa với Bề trên như sau: “Thưa cha, con chỉ là tên mọi đen. Xin hãy bán con đi”. 

Sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình cho người khác, thầy Martinô cũng luôn nhận tất cả phần lỗi về mình. 

Ôn lại gương hy sinh, cầu nguyện và bác ái của thánh Martinô, không những chúng ta chỉ chạy đến xin ngài bầu cử trong những lúc gặp gian nan thử thách, nhưng quan trọng hơn cả vẫn là lòng tin thác vào Chúa quan phòng của thánh nhân mà chúng ta cần học hỏi, nhất là trong giai đoạn gặp khó khăn này. 

Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi con người. Ðó phải là niềm xác tín của chúng ta. Một Thiên Chúa quan phòng là Ðấng có thể biến tất cả những đắng cay, buồn phiền, thất bại, khổ đau trong cuộc sống con người thành khởi đầu của một nguồn ơn cao quí hơn. Cũng như loài ong chỉ rút mật ngọt từ bao nhiêu vị đắng cay của cánh hoa, cũng thế, người có niềm tin luôn có thể rút tỉa được những sức đẩy mới từ những thất bại rủi ro trong cuộc sống. Thánh Martinô đã không hận đời đen bạc vì bị người cha bỏ rơi, mà trái lại xem đó như một dịp may để cảm thông, để học hỏi và để phục vụ người khác hữu hiệu hơn. “Hạt lúa rơi xuống đất có mục nát đi mới trổ sinh được nhiều bông hạt”. Ðó là định luật của cuộc sống. Thập giá trong cuộc sống thường là khởi đầu và cơ may cho một vươn lên cao hơn. 

Chúng ta thường chạy đến khẩn cầu với thánh Martinô trong cơn hoạn nạn thử thách, chúng ta cũng hãy noi gương ngài để phó thác cho Tình Yêu quan phòng của Chúa, và nhất là xin Ngài cũng giúp chúng ta luôn biết lấy Tình Thương để thắng vượt những ngược đãi của người đời, cũng luôn biết sẵn sàng phục vụ và phục vụ bằng chính mạng sống của mình.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Hai – Tuần 31 – TN2

Bài đọc: Phil 2:1-4; Lk 14:12-14

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sống tinh thần bác ái của Đức Kitô

            Nhiều người trong chúng ta có khuynh hướng suy xét thật cẩn thận trước khi làm các việc thiện nguyện trong cộng đòan hay bác ái xã hội. Họ tính tóan xem những công việc này có đem lại những lợi ích cho cá nhân hay cộng đòan của họ; chẳng hạn: cho đi với hy vọng sẽ nhận lại, bố thí để tìm hư danh, chỉ đi cầu nguyện cho người chết nào mà mình hy vọng cũng sẽ được gia đình người chết đến cầu nguyện cho khi mình chết. Các Bài đọc hôm nay đề nghị chúng ta thay đổi hòan tòan những tính tóan ích kỷ này. Trong Bài đọc I, Thánh Phaolô liệt kê những thái độ cần có và việc làm cần thực hiện để sống đức bác ái tuyệt hảo theo gương Đức Kitô. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu khuyên cần làm ơn cho những người không thể trả ơn đời này; nhưng chính Chúa sẽ giúp họ trả ơn cho chúng ta đời sau.        

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Duy trì sự hiệp nhất trong tinh thần khiêm nhường.

            Thánh Phaolô có lẽ đã có kinh nghiệm nhiều về sự ghen tương, bất hòa, chia rẽ trong các cộng đòan ngài giúp để thành lập. Điều băn khoăn của ngài là làm sao thuyết phục các tín hữu bỏ đi những tật xấu đã ăn sâu vào cuộc đời các tín hữu? Ngài tìm ra chìa khóa duy nhất để giải quyết vấn đề là niềm tin vào Đức Kitô. Theo cách cấu trúc câu, ngài liệt kê liên tục 4 mệnh đề “nếu;” và 4 mệnh đề hậu quả theo sau sẽ tương xứng với 4 mệnh đề “nếu” này. Để dễ phân tích, chúng ta sẽ gom chung chúng lại một trước khi phân tích:

            (1) Nếu quả thật sự liên kết với Đức Kitô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, thì xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ. Theo thần học về thân thể của Thánh Phaolô, mọi người đều là những chi thể được liên kết trong cùng một thân thể của Giáo Hội, với Đức Kitô là Đầu. Nếu chỉ có một Đầu là Đức Kitô thì chuyện có cùng một cảm nghĩ (froneo = suy nghĩ) là điều tất yếu.

            (2) Nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, hãy có cùng một lòng mến. Bác ái Kitô Giáo phát xuất từ Thiên Chúa lan qua Đức Kitô, và chảy xuống mọi người. Chính Đức Kitô đã xác nhận điều này: “Như Cha đã yêu Thầy thể nào, Thầy cũng yêu anh em như vậy. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Jn 15:9). Sau đó, Chúa đòi các môn đệ: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Jn 15:12). Như thế, chỉ có một lòng mến (agape) đến từ tình yêu Thiên Chúa.

            (3) Nếu chúng ta được hiệp thông trong Thánh Thần, hãy có cùng một tâm hồn (sumpsukos = liên kết trong cùng một tinh thần). Chữ Hy-Lạp dùng ở đây là danh từ kép: “sum = cùng” và “psukos = tinh thần.” Nếu tất cả đều nghe theo sự hướng dẫn của cùng một Thánh Thần, tập thể sẽ hòa điệu và liên kết chặt chẽ với nhau trong cùng một tinh thần. Tinh thần đồng đội hay tinh thần ái quốc là những ví dụ điển hình của sự liên kết tinh thần này.

            (4) Nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau, hãy có cùng một ý hướng (to en fronountes) như nhau. Động từ dùng ở đây giống như động từ trong trường hợp (1), điểm khác biệt là ở chỗ là động từ dùng ở thời hiện tại phân từ và dùng với tĩnh từ “en.” Có lẽ trong trường hợp (1), Thánh Phaolô muốn nhấn mạnh tới một Đầu là Đức Kitô, và trong (4), ngài muốn nhấn mạnh tới một thân thể.

            Nếu các Kitô hữu đã được tháp nhập vào trong cùng một thân thể của Đức Kitô, họ có bổn phận xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô bằng cách: “không được làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác.”

2/ Phúc Âm: Làm ơn cho những người không có gì để trả.

2.1/ Hai thái độ sống: công bằng và bác ái:

            (1) Lợi nhuận của người đời: “Ăn miếng trả miếng. Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại.” Một ví dụ thực tế Chúa đưa ra hôm nay: Khi mở tiệc đãi khách, con người thường có khuynh hướng mời bạn bè, anh em, bà con, hoặc láng giềng giàu có, để đáp lễ hay hy vọng sẽ nhận được gì từ họ. Cách cư xử như thế mới chỉ là công bằng mà thôi.

            (2) Bác ái của người môn đệ Chúa Kitô: “Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.”

2.2/ Tại sao phải giúp đỡ người nghèo khổ? Vì chúng ta cũng đã từng nhận ơn trong những lúc gian nan tuyệt vọng. Chỉ cần hồi tưởng lại quá khứ đôi chút, chúng ta cũng nhận ra đã không biết bao lần chúng ta đã từng nhận ơn nhưng không từ:

            (1) Thiên Chúa: Ngài cho chúng ta có mặt trong cuộc đời, cho chúng ta hưởng tất cả những gì không do tay chúng ta làm ra, tha thứ tội lỗi khi chúng ta xúc phạm đến Ngài, và không ngừng gởi những người giúp đỡ tinh thần cũng như vật chất khi chúng ta cần đến… Chúng ta đã trả ơn được gì cho Ngài?

            (2) Tha nhân: Nếu không có các quốc gia mở lòng nhân đạo nhận người vào định cư, nếu không có các Hội Từ Thiện giúp đỡ những ngày chân ướt chân ráo đến định cư nơi đất khách quê người, làm sao chúng ta có thể sống ổn định như ngày hôm nay? Chúng ta đã trả lại được gì cho họ?

            Vì chúng ta đã từng nhận nhưng không nên việc cho đi nhưng không là điều phải làm để đền ơn những gì chúng ta đã lãnh nhận trong cuộc đời. Chưa chắc chúng ta đã đền trả đủ theo đức công bằng chứ chưa nói tới chuyện bác ái!

2.3/ Làm cho anh chị em túng nghèo là làm cho chính Chúa: May mắn cho chúng ta là những người được Chúa mặc khải trước cho biết tiêu chuẩn Chúa dùng để phán xét trong Ngày Tận Thế: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy… và mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy” (Mt 25:40, 45). Như thế, có thể nói đức bác ái là yếu tố quyết định để chúng ta vào hưởng nhan thánh Chúa hay sa hỏa ngục.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

            – Để có thể sống đức bác ái trọn hảo, chúng ta phải để Chúa Kitô thấm nhuần tòan bộ con người: từ tư tưởng, suy luận, cảm nghĩ, đến hành động.

            – Để có thể cho đi nhưng không, cần xét mình thường xuyên để đánh giá những gì mình đã nhận nhưng không nơi Thiên Chúa và tha nhân.

            – Để có thể giúp đỡ tất cả mọi người, phải tập nhìn thấy Chúa trong tha nhân. Đừng bao giờ quên đây là tiêu chuẩn Thiên Chúa sẽ dùng để phán xét. Nếu đã biết trước tiêu chuẩn mà vẫn không chịu làm theo; có sa hỏa ngục cũng là tự do lựa chọn của con người.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************