Chúa Nhật (06-10-2019) – Trang suy niệm

05/10/2019

Lời Chúa Hôm Nay

Chúa Nhật Tuần XXVII Mùa Thường Niên Năm C

BÀI ĐỌC I: Kb 1, 2-3; 2, 2-4

“Người công chính sẽ sống được nhờ trung tín”.

Trích sách Tiên tri Khabacúc.

Lạy Chúa, con kêu cầu Chúa cho đến bao giờ mà Chúa không nghe? Con phải ức ép kêu lên cùng Chúa, mà Chúa không cứu con sao? Cớ sao Chúa tỏ cho con thấy sự gian ác và lao khổ, cướp bóc và bất lương trước mặt con? Dù có công lý, nhưng kẻ đối nghịch vẫn thắng.

Chúa đáp lại tôi rằng: “Hãy chép điều con thấy, hãy khắc nó vào tấm bảng, để đọc được dễ dàng. Bởi hình lạ còn xa, nó sẽ xuất hiện trong thời sau hết, và sẽ chẳng hư không. Nó kết duyên với ngươi, hãy chờ đợi nó, vì nó sẽ đến không trì hoãn. Chắc chắn nó sẽ đến, không sai. Người không có lòng ngay thì ngã gục, nhưng người công chính sẽ sống nhờ trung tín”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9

Đáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: “Các ngươi đừng cứng lòng!” (c. 8).

Xướng:

1) Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Đá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người. – Đáp.

2) Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lạy; hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Đấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người. – Đáp.

3) Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: “Đừng cứng lòng như ở Meriba, như hôm ở Massa trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta; họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: 2 Tm 1, 6-8, 13-14

“Con chớ hổ thẹn làm chứng cho Chúa chúng ta”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Timô-thêu.

Con thân mến, cha khuyên con hãy làm sống lại ơn Thiên Chúa đã ban cho con do việc đặt tay của cha. Vì chưng, Thiên Chúa không ban cho chúng ta một thần khí nhát sợ, mà là thần khí dũng mạnh, bác ái và tiết độ. Vậy con chớ hổ thẹn làm chứng cho Chúa chúng ta, và cho cha nữa, là tù nhân của Người, nhưng con hãy đồng lao cộng tác với cha vì Tin Mừng, nhờ quyền năng của Thiên Chúa.

Con hãy lấy những lời lành lẽ phải, con đã nghe cha nói, làm mẫu mực trong đức tin và lòng mến nơi Đức Giêsu Kitô. Con hãy cậy nhờ Thánh Thần là Đấng ngự trong chúng ta mà gìn giữ kho tàng tốt đẹp. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 10, 27

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta: Ta biết chúng và chúng theo Ta”. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 17, 5-10

“Nếu các con có lòng tin”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, các Tông đồ thưa với Chúa Giêsu rằng: “Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con”. Chúa liền phán rằng: “Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải, thì dẫu các con khiến cây dâu này rằng: ‘Hãy bứng rễ lên mà đi trồng dưới biển’, nó liền vâng lời các con.

“Ai trong các con có người đầy tớ cày bừa hay chăn súc vật ngoài đồng trở về, liền bảo nó rằng: ‘Mau lên, hãy vào bàn dùng bữa’, mà trái lại không bảo nó rằng: ‘Hãy lo dọn bữa tối cho ta, hãy thắt lưng và hầu hạ ta cho đến khi ta ăn uống đã, sau đó ngươi mới ăn uống’. Chớ thì chủ nhà có phải mang ơn người đầy tớ, vì nó đã làm theo lệnh ông dạy không? Thầy nghĩ rằng: Không. Phần các con cũng vậy, khi các con làm xong mọi điều đã truyền dạy các con, thì các con hãy nói rằng: ‘Chúng tôi là đầy tớ vô dụng, vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm'”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

06/10/2019 – CHÚA NHẬT TUẦN 27 TN – C

Kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi

Lc 1,26-38

ĐẤNG BA LẦN PHÚC

“Kính mừng Ma-ri-a đầy ơn phúc…, Mẹ có phúc lạ hơn mọi người nữ…” (Kinh Kính Mừng)

Suy niệm: Trong chuỗi Mân Côi, kinh Kính Mừng là kinh được lặp đi lặp lại nhiều hơn cả. Kinh này có hai phần. Phần một suy niệm về ân phúc nhờ đó Mẹ được ca tụng; phần hai là lời khẩn nguyện của mỗi tâm hồn. Ở phần một, tiếng phúc được nhắc đến ba lần. “Phúc”, vì Thiên Chúa ở cùng Mẹ. “Phúc”, vì Mẹ được chọn giữa các người nữ. “Phúc”, vì Đức Giê-su ở trong lòng Mẹ. Nếu suốt chuỗi dài của lịch sử dân tộc mình, người Do Thái đã thấy hạnh phúc và bình an khi có Hòm Bia Thiên Chúa ở giữa họ, dù Hòm Bia chỉ là dấu chỉ, là sự thông báo có Đấng ban muôn ân phúc cho họ, thì nay, Đấng ấy đến trong lịch sử nhân loại, hiện diện trong lòng Mẹ. Mẹ là kho tàng ân phúc, bởi Đức Giê-su trong lòng Mẹ là nguồn mạch mọi ân phúc. Do đó, khi xướng kinh Kính Mừng, tín hữu vừa ca tụng tình yêu Chúa, vừa chúc mừng Mẹ, vừa nhận ra mình đang hạnh phúc như Mẹ: Chúa đang ở trong mình.

Mời Bạn: Mỗi khi hiện ra, Mẹ luôn kêu gọi siêng năng lần hạt Mân Côi, và Thánh giáo hoàng Phao-lô VI đã nói: Sau giờ kinh phụng vụ, chuỗi Mân Côi là cao điểm của kinh nguyện gia đình. Vậy bạn còn trung thành lần chuỗi Mân Côi không?

Sống Lời Chúa: Bạn dâng một chuỗi cầu nguyện cho một người hay một gia đình đang xa Chúa. Xin cho họ được phúc có Thiên Chúa ở cùng.

Cầu nguyện: Lạy Mẹ, Mẹ được hạnh phúc vì Thiên Chúa ở cùng Mẹ và Mẹ sống tận hiến đáp lại tình Chúa yêu. Xin cho con đừng quên lãng hạnh phúc này, nhất là khi rước Thánh Thể con Mẹ. Xin cho con biết tận hiến như Mẹ.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

6 THÁNG MƯỜI

Bánh Nuôi Nhiệm Thể Đức Kitô

Thánh Thể là bí tích của sự hiệp thông sự sống với Chúa Kitô. Đó cũng là bí tích xây dựng cộng đoàn. Cây nho và những cành nho là hình ảnh của cộng đoàn này, bao gồm tất cả những ai được liên kết trong Đức Kitô nhờ ân sủng và sự thật. Hình ảnh cây nho và các cành nho nhắc chúng ta về nhu cầu phải sống thực tại Giáo Hội trong mối hiệp thông sâu xa với Đức Kitô và với anh chị em mình. Giáo Hội là Nhiệm Thể của những nguời tin – trong đó Chúa Kitô là Đầu và tất cả các tín hữu là những chi thể.

Sự sống của thân thể này đến từ mạch nhựa sống siêu nhiên là ân sủng và thân thể này lớn lên nhờ ánh sáng của Chúa Thánh Thần. “i” (2 Tm 3,5) của đức tin chúng ta nằm trong chính thân thể này; cũng chính trong thân thể này chứa đựng các mô liên kết giúp đem lại ý nghĩa và mối hiệp nhất cho các cộng đoàn Kitô hữu trên khắp cùng thế giới.

Chân lý này được minh họa bằng một hình ảnh rút ra từ một kỹ thuật nông nghiệp, gọi là “ghép”. Nhờ Phép Rửa, chúng ta được ghép vào với Đức Kitô (Rm 1,17). Chúng ta trở nên những cành nho, được nuôi sống bởi cây nho. Vì thế chúng ta đuợc mời gọi sống hiệp nhất với Đức Kitô và với anh chị em mình. Như vậy, chúng ta là cộng đoàn của những người đã được nhận Phép Rửa và được cứu chuộc. Chúng ta vẫn còn thuộc về cộng đoàn này bao lâu chúng ta còn ở lại trong mối hiệp thông với Đức Kitô và với anh chị em mình. Đức Giêsu vạch cho chúng ta thấy rõ điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta tự tách mình ra khỏi Ngài và anh chị em. Hình ảnh minh họa của Thánh Kinh giải thích điều này hết sức rõ: Nếu cành nho không ở lại trong mối liên kết với thân nho thì nó sẽ khô héo đi. Nó bị chặt đi và bị quăng vào lửa.

Nhưng Thánh Thể không chỉ hàm chứa mối tương quan mật thiết giữa Đức Kitô và mỗi người tín hữu. Thánh Thể còn được thiết lập để hiệp nhất mọi Kitôhữu trong tư cách là thân thể của Chúa. Thánh Thể tạo lập trong chúng ta một ý thức sâu xa về mối dây hiệp nhất, về tình huynh đệ, về sự liên đới trong Đức Kitô. Thánh Thể tác động trong chúng ta một cảm thức sâu xa mối gắn bó thiêng liêng, bởi lẽ chúng ta là những người được nuôi dưỡng bởi cùng một bánh để làm nên một thân thể duy nhứt trong Đức Kitô.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 06/ 10

Chúa Nhật XXVII thường niên

(Được kính trọng thể lễ Đức Mẹ Mân Côi)

Cv 1, 12-14; Gl 4, 4-7; Lc 1, 26-38.

LỜI SUY NIỆM: “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” Bấy giờ bà Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lới sứ thần nói.”

          “Vì sự hoàn toàn gắn bó của Đức Mẹ với thánh ý Chúa Cha, với công trình cứu chuộc của Con mình, và với mọi tác động của Chúa Thánh Thần. Đức trinh Nữ Maria là gương mẫu về đức tin và đức mến của Hội Thánh. Vì vậy, chính Đức Mẹ là thành phần ưu việt và tuyệt đối độc nhất vô nhị của Hội Thánh, và Đức Mẹ cũng là “sự thực hiện mẫu mực” là “điển hình của Hội Thánh.” (Gl 967)

          Lạy Chúa Giêsu, trong Hội Thánh, Đức Trinh Nữ diễm phúc được kêu cầu bằng các tước hiệu là: Trạng Sư, Đấng Cứu Giúp, Đấng Phù Hộ, Đấng Trung Gian. Xin cho chúng con vâng nghe lời Đức Mẹ qua tràng hat kinh Mân Côi.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 06-10

Thánh BRUNÔ
Linh Mục (1035 – 1101)

Thánh Brunô sinh khoảng năm1035 tại Cologne, nước Đức và từ trần năm 1101 tại Calabria, miền nam nước Ý. Chúng ta biết được rất ít và đời sống thơ ấu của Ngài. Có lẽ Ngài thuộc gia đình quý phái Der Hautenfaust và được giáo dục ở truờng thánh Cunibert tại sinh quán.

Sau đó dường như Ngài đã bỏ Cologne để theo học tại Reims và từ đó tiếp tục học triết ở Tours. Sau này chúng ta biết Ngài làm thủ lãnh các trường Reims, làm chưởng ấn địa phận và làm kinh sĩ toà tổng giám mục. Chắc chắn Ngài là một trong những học giả lừng danh thời đó. Nhiều người đã tới Reims để thụ giáo với Ngài, trong số đó có Eudes de Chantaillen là người sẽ trở thành giáo hoàng với danh hiệu Urbano II. Các sách chú giải về thánh vịnh và các thư thánh Phaolô là những tác phẩm chúng ta còn lưu giữ được, chứng tỏ thánh nhân là một học giả có thế giá và là người hiểu biết tiếng Hy lạp và tiếng Do thái. Vào thời của Ngài ít có người hiểu biết được như vậy.

Các thử thách đổ xuống cuộc đời thánh Brunô, kể từ khi Đức Tổng giám mục Gevase qua đời năm 1068 và Manasses được đặt kế vị. Manasses là một người khô khan và hung bạo, đã chiếm đã ngai tòa giám mục nhờ việc buôn thần bán thánh. Brunô đứng đầu những nhóm kinh sĩ chống lại và bị triệu về Roma. Manasses trả thù bằng cách tịch biên tài sản và buộc các Ngài phải trốn khỏi thành phố. Brunô trốn về một nơi gọi là Rocher, ở tại nhà một người bạn tên là Adam. Lần kia, trong khi đi dạo tại vườn nhà Adam, Brunô với hai người bạn là Ralph và Fulcius đã bàn về bản chất giả tạo của các thú vui trần thế và niềm vui của đời sống chiêm niệm. Lửa nhiệt tình bùng cháy, họ quyết định sẽ bỏ thế gian để sống đời cầu nguyện, ngay khi nào hoàn cảnh cho phép. Nhưng rồi Fulcius phải đi Roma để trình bản cáo trạng tổng giám mục. Brunô không thể bỏ Reims khi Đức tổng giám mục còn tại vị. Cuối cùng, khi Đức Tổng giám mục bị truất ngôi, chi còn Brunô trung kiên với dự tính.

Sau khi Manasses bị truất ngôi, vị đặc sứ tòa thánh muốn đặt Brunô làm tổng giám mục. Nhưng lúc ấy thánh nhân đã trốn khỏi Reims cùng với sáu người bạn, tới một nơi gọi là Sèche-Phontaine. Ngài ở gần tu viện Molesme là nơi thánh Robertô làm đan viện phụ. Có lẽ Brunô là tu sĩ của tu viện này một thời gian ngắn.

Tuy nhiên Brunô đã không ở lâu tại Sèche-Phontaine. Ngài muốn tìm một nơi xa vắng hơn để khỏi bị du khách quấy rầy. Năm 1084, Ngài cùng với sáu người bạn tìm đến miền núi Savoy. Trên đường đi, các Ngài dừng chân tại Grenoble để tham khảo ý kiến Đức Cha Hugues de Chateaineuf, một học trò cũ của Ngài. Vị giám mục thánh thiện đã mơ thấy bảy ngôi sao sáng trên một miền xa thuộc dẫy núi Cjartreuse. Biết rằng Brunô cùng với sáu người bạn của Ngài là những ngôi sao ấy, đức cha đã không chần chờ dẫn họ ngay tới nơi mà giấc mơ đã chỉ cho Ngài. Đây là một nơi đủ yên tĩnh. Brunô và các bạn liền cư ngụ tại đó. Các Ngài làm một nhà nguyện nhỏ và bảy cái lều chung quanh. Đó là bước đầu của một tu viện lớn vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay, là nhà mẹ của một hội dòng mang tên CHARTREUSE.

Nhưng rồi thánh Brunô đã quá lừng danh và không thể yên thân được lâu. Năm 1090, Đức Urbanô II, một học trò cũ của Ngài đã nhớ đến thày cũ và triệu về Roma làm cố vấn. Dầu vậy, đức giáo hoàng cũng sớm nhận ra rằng: không có chỗ trong giáo triều dành cho Brunô. Ngài ban phép cho thánh nhân rời Roma, với điều kiện là phải có mặt tại nước Ý.

Trong thời gian vắn vỏi tại giáo triều, thánh Brunô đã gặp nhà quý tộc Roger miền Sicily. Khi rời Roma, Ngài đến cư ngụ ở nơi nhà quý tộc hiến cho, tại La Torre miền Calabria. Ngài thiết lập ở đó một tu viện thứ hai, theo kiểu mẫu dòng Chartreuse. Ngày 6 tháng 10 năm 1101, Ngài từ trần, khi chưa có dịp trở về thăm tu viện thứ nhất của Ngài.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

06 Tháng Mười

Bưu Ðiện Lớn Nhất Thế Giới 

Có lẽ bưu điện lớn nhất thế giới phải là bưu điện trước cổng Thiên đàng… Mỗi ngày có không biết bao nhiêu thư viết bằng không biết bao nhiêu ngôn ngữ được gửi đến… Tất cả đều là những lời cầu xin. Theo sự phân loại của các thiên thần, thì ba vị nhận được nhiều thư nhất đó là Ðức Maria, rồi đến thánh Antôn và thánh nữ Rita.

Một ngày kia, không còn cầm được tính tò mò, các thiên thần không những đã mở thư gửi cho các thánh, mà ngay cả các lá thư gửi đến cho Ðức Mẹ, các vị cũng không tha. Nhưng các vị thiên thần đã thất vọng bởi vì nội dung và cách viết thư đều giống nhau. Ðại khái thì cũng chỉ là: Lạy Mẹ, xin chữa cho con chóng lành bệnh… Xin cho con của con được khỏe mạnh… Xin cho con tìm được việc làm… Xin giúp con thi đỗ… Xin cho con tìm lại được chồng con…

Cả một loạt kinh cầu mà các vị thiên sứ cũng đành phải nhàm chán, đến độ các vị phải thốt lên: dường như Thiên Chúa chỉ tạo dựng con người có một cái miệng, một cái bụng. Họ không có linh hồn, bởi vì tất cả những lời cầu xin của họ đều qui về hai bộ phận ấy.

Ðức Maria ngày nào cũng như ngày nào đều phải đọc lại những lá thư có cùng nội dung và một công thức. Tình cờ, có một là thư làm Mẹ chú ý. Lá thư đó viết như sau: “Lạy Trinh Nữ rất thánh, con chỉ xin Mẹ một điều mà thôi, xin Mẹ cho con mỗi ngày được nên giống Chúa Giêsu hơn”.

Ðọc xong lá thư, Ðức Maria bật khóc vì cảm động. Ngài nói với các thiên sứ phục vụ tại bưu điện: “đây là lá thư mà Mẹ mong đợi từng ngày”.

Theo sự thăm dò của nhiều tờ báo lớn trên thế giới, thì tước hiệu “Người đàn bà của năm 1987” đã được dành cho thủ tướng nước Anh là bà Margueret Thatcher, người đã đắc cử vào chức vụ này liên tiếp trong ba nhiệm kỳ.

Ðứng hàng thứ hai trong danh sách những người đàn bà trong năm là nữ tổng thống Aquinô của Phi Luật Tân, người đang đương đầu với không biết bao nhiêu xáo trộn trong nước.

Người thứ ba trong danh sách là Mẹ Têrêsa thành Calcutta (người đã được lãnh giải thưởng Nobel về hòa bình năm 1979). Kế đó là nữ hoàng Elizabeth II của nước Anh, bà Simone Veil, chủ tịch quốc hội Âu Châu v.v…

Ðối với chúng ta, những người Kitô, thì người đàn bà trong năm và nhứt là trong tháng mười này phải là Mẹ Maria, người Mẹ không phải của một gia đình, một dân tộc. Vị nữ hoàng không phải của một dân tộc, nhưng là của tất cả nhân loại… Mẹ đang lắng nghe chúng ta trong suốt tháng 10 này. Chúng ta hãy thưa với Mẹ tất cả những gì chúng ta đang cần.

Nhưng điều mà Mẹ luôn chờ đợi để trợ giúp chúng ta: đó là mỗi ngày chúng ta nên giống Chúa Giêsu con Mẹ. Bởi vì, trong tất cả mọi ơn cần cho chúng ta, đó là ơn cao trọng nhứt. Càng nên giống Chúa Giêsu, chúng ta càng nên giống Mẹ và được đến gần Mẹ.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật 27 Thường Niên, Năm C

Bài đọc: Hab 1:2-3; 2:2-4; 2 Tim 1:6-8, 13-14; Lk 17:5-10.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Kiên nhẫn và trung thành bước theo đường lối của Thiên Chúa.

 Khi chứng kiến những bất công hay tai nạn xảy ra cho người vô tội, con người thường hay đặt những câu hỏi có khuynh hướng nghi ngờ uy quyền và tình thương của Thiên Chúa. Ví dụ, biến cố 9/11, cơn bão Katrina, hay trận động đất tại Haiti, nhiều người đặt 2 câu hỏi: (1) Nếu một Thiên Chúa uy quyền, Ngài phải ngăn cản không cho những chuyện đó xảy ra; nếu Ngài không thể ngăn cản, Ngài không có uy quyền. (2) Nếu Ngài có uy quyền mà không ngăn cản những chuyện đó đừng xảy ra, Ngài là một Thiên Chúa quá ác. Cả hai lý do đều là cớ cho họ không còn tin tưởng nơi Thiên Chúa nữa!

Các bài đọc hôm nay tập trung trong 3 thái độ đe dọa đức tin cho các tín hữu và những lời khuyên cần thiết để thoát khỏi. Trong bài đọc I, con người thường có khuynh hướng bắt Thiên Chúa phải làm ngay. Khi ngôn sứ Habakkuk chứng kiến những cảnh bất công xảy ra cho người lành, ông thắc mắc tại sao Thiên Chúa không ra tay tiêu diệt bọn ác nhân! Thiên Chúa trả lời: Chuyện đó chắc chắn sẽ xảy ra, bổn phận của con người là phải kiên nhẫn chờ đợi với lòng trung thành. Thiên Chúa có thời gian của Ngài, con người không được bắt Thiên Chúa phải làm ngay. Trong bài đọc II, Phaolô khuyên môn đệ Timothy phải kiên nhẫn chịu đau khổ vì Tin Mừng, vì ông đã được Thiên Chúa chuẩn bị để làm chuyện đó. Khi con người mất kiên nhẫn chờ đợi và không trung thành làm theo ý Thiên Chúa, họ sẽ tự giải quyết lấy theo kiểu của họ, và sẽ phải mang lấy hậu quả khốc hại muôn đời. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu khuyên các môn đệ phải biết thân phận của mình trước mặt Thiên Chúa để đừng đòi quyền lợi như: nếu làm điều này thì phải được Thiên Chúa thưởng công cái này. Tất cả đều là ân huệ Thiên Chúa ban, khi con người đã chu toàn tốt lành mọi bổn phận, con người vẫn chỉ là những người đầy tớ giả sử phải làm những việc được trao phó cho mình.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Người công chính sẽ được sống nhờ lòng thành tín của mình.

1.1/ Sao Ngài lặng thinh khi kẻ gian ác nuốt trửng người chính trực hơn mình?

Tiên tri Habakkuk có lẽ họat động đồng thời với tiên tri Nahum, trong thời gian từ 640-598 BC, thời kỳ lưu đày của Israel bên Assyria. Lý do vương quốc Israel bị thất thủ và vua quan cùng dân chúng bị lưu đày là tội bất trung với Chúa chạy theo các thần ngoại như tiên tri Hosea đã tuyên cáo, và tội bất công chèn ép dân nghèo như tiên tri Amos đã tuyên cáo.

Tiên tri Habakkuk đã mất kiên nhẫn chờ đợi khi thấy Assyria tội lỗi hơn Israel, tại sao Chúa lại để những đứa ác nhân như thế mặc sức chà đạp Dân Chúa và ông đặt câu hỏi với Thiên Chúa: “Từ muôn thuở, Ngài chẳng là Đức Chúa, là Thiên Chúa con thờ, là Đức Thánh của con, là Đấng Bất Tử sao? Lạy Đức Chúa, chính vì để xét xử mà Ngài đã đặt dân ấy lên. Lạy Đức Chúa là đá tảng, chính vì để thi hành án phạt mà Ngài đã cho nó được mạnh sức. Mắt của Ngài thật quá tinh tuyền không thể chịu được điều gian ác, Ngài không thể nhìn xem cảnh khốn cùng, tại sao Ngài cứ đứng nhìn quân phản bội, sao Ngài lặng thinh khi kẻ gian ác nuốt trửng người chính trực hơn mình?”

1.2/ “Ai không có tâm hồn ngay thẳng sẽ ngã gục, còn người công chính thì sẽ được sống, nhờ lòng thành tín của mình.”

Habakkuk, cũng như Job, muốn hiểu lý do tại sao Chúa lại làm như thế. Ông nói: “Tôi sẽ ra đứng ở chòi canh, đứng gác trên tường luỹ canh chừng xem Người nói với tôi điều gì và đáp lại nỗi bất bình của tôi ra sao!” Và Đức Chúa trả lời và nói với Habakkuk: “Hãy viết lại thị kiến và khắc vào tấm bia cho ai nấy đọc được xuôi chảy. Đó là một thị kiến sẽ xảy ra vào thời ấn định. Nó đang tiến nhanh tới chỗ hoàn thành, chứ không làm cho ai thất vọng. Nếu nó chậm tới, thì cứ đợi chờ, vì thế nào nó cũng đến, chứ không trì hoãn đâu.”

Chúa có chương trình và thời giờ của Chúa, Ngài không cần ai làm cố vấn cho Ngài. Chúa có thể dùng kẻ gian ác như Assyria như cái roi để sửa phạt Israel, Ngài cũng có thể dùng quân thù khác để trừng trị kẻ cầm roi, như Ngài sẽ dùng Babylon để sửa phạt Assyria. Con người có tội không có quyền để tra vấn Chúa, nhưng phải kiên nhẫn chờ đợi trong đức tin ngày Chúa cất đi những hình phạt cho mình: “Này đây, ai không có tâm hồn ngay thẳng sẽ ngã gục, còn người công chính thì sẽ được sống nhờ lòng thành tín của mình.”

Người nào mất kiên nhẫn rồi sinh ra bất bình với Thiên Chúa và không tin tưởng và đi theo đường lối của Ngài nữa, người ấy sẽ bị ngã gục và lãnh hình phạt của những kẻ bất lương.

Người nào kiên trì trong đau khổ và nhất quyết bước theo đường lối của Thiên Chúa, người đó sẽ sống và sẽ nhìn thấy sự công thẳng của Thiên Chúa.

2/ Bài đọc II: Anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng.

2.1/ Thiên Chúa đã trang bị cho con người đầy đủ để sống và làm chứng cho Tin Mừng.

Thiên Chúa không bao giờ bắt con người làm chuyện không thể, khi muốn con người làm chuyện gì, Ngài ban đầy đủ ơn thánh qua các bí tích để con người có thể làm chuyện đó. Trong trình thuật hôm nay, Phaolô nhắc nhở cho môn đệ Timothy những gì Thiên Chúa đã ban cho ông trong ngày lãnh nhận chức Giám-quản (episcopos): “Tôi nhắc anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh. Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ.”

Thánh Thần của Thiên Chúa đã ban cho Timothy những ơn thánh sau đây qua việc đặt tay của Phaolô: (1) Ơn sức mạnh để sống và làm chứng cho sự thật. Lãnh đạo một giáo đoàn đòi Timothy phải có sức mạnh để dám sống và làm chứng cho sự thật giữa bao đe dọa của các thế lực ma quỉ và của thế gian. (2) Tình yêu (agapê) đến từ Thiên Chúa để ông sẵn sàng hy sinh cho đoàn chiên. (3) Tự chủ hay tự kỷ luật: Đây là nhân đức cần thiết cho mọi người, đặc biệt cho các nhà lãnh đạo, vì họ phải đương đầu với rất nhiều cám dỗ và phải nêu gương sáng cho các tín hữu.

Tất cả các nhân đức này được ban cho Timothy là để ông sống và làm chứng cho Tin Mừng. Phaolô khuyên Timothy: “Vậy anh đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, người tù của Chúa; nhưng dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng.”

2.2/ Chịu đau khổ vì Tin Mừng: Khi phải đương đầu với đau khổ, con người dễ mất kiên nhẫn và niềm tin của họ vào Thiên Chúa. Phaolô cũng nhắc nhở cho Timothy hai lý do tại sao ông phải kiên nhẫn trung thành với Tin Mừng:

(1) Trọng tâm của Tin Mừng là Đức Kitô. Ngài đã chết, đã sống lại, đã hiện ra với Phaolô trên đường đi Damas, và sẽ đến trong Ngày Phán Xét. Vì Đức Kitô đã sống lại, ơn cứu độ chắc chắn được ban cho những ai đặt niềm tin nơi Ngài. Phaolô xác quyết: “Chính vì lý do ấy mà tôi phải chịu những đau khổ này; nhưng tôi không hổ thẹn, vì tôi biết tôi tin vào ai, và xác tín rằng: Người có đủ quyền năng bảo toàn giáo lý đã được giao phó cho tôi, mãi cho tới Ngày đó.”

(2) Đức Kitô vẫn đang hoạt động nơi người rao giảng qua Thánh Thần: Tuy Đức Kitô không còn công khai hoạt động, nhưng Ngài vẫn liên kết với các môn đệ qua sự hoạt động của Thánh Thần. Bổn phận của những người rao giảng là phải lắng nghe sự hướng dẫn của Thánh Thần và trung thành với Tin Mừng được lãnh nhận.

 

3/ Phúc Âm: Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.

3.1/ Chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi: Để hiểu ý nghĩa câu truyện dẫn chứng của Chúa Giêsu, chúng ta cần phân biệt 2 hành động:

(1) Bổn phận phải làm: Bổn phận của đầy tớ là phải phục vụ chủ, không cần biết việc phải làm nhiều đến đâu. Chúa Giêsu kể cho các môn đệ một câu truyện thực tế, để các ông luôn biết nhận ra vai trò của mình trong mối liên hệ với Thiên Chúa: “Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: “Mau vào ăn cơm đi!” chứ không bảo: “Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau!” Dĩ nhiên là chủ sẽ làm theo thái độ thứ hai. Ông làm mà không hối hận vì đó là đầy tớ của ông; hơn nữa, ông cũng chẳng nghĩ đến việc ơn nghĩa, vì đó là bổn phận của đầy tớ phải làm.

(2) Việc thiện nguyện: Nếu một người không phải là đầy tớ, nhưng tình nguyện phục vụ người khác; đó mới là việc thiện nguyện. Người lãnh nhận phải biết ơn người tình nguyện phục vụ giúp mình.

Cũng vậy, con người có bổn phận phục vụ Thiên Chúa, vì Ngài đã dựng nên con người. Hơn nữa, Thiên Chúa còn đầu tư vào con người tất cả những gì cần thiết để làm việc sinh lời cho Ngài như: ơn thánh, thời gian, sức khỏe, tài năng… Khi con người ra sức làm việc để sinh lời tương xứng cho Chúa, đó mới chỉ là hoàn tất bổn phận hay công bằng, vì mượn vốn thì phải trả cả lời lẫn vốn. Vì mọi sự trên đời là của Thiên Chúa, nên Ngài không cần phải biết ơn con người như Chúa Giêsu nói hôm nay: “Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.”

Tuy nhiên, nếu Thiên Chúa ưu đãi và đối xử tốt với con người như trong trình thuật khác của Lucas: “Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ” (Lk 12:37). Đó hoàn toàn vì Ngài rộng lượng và quá thương yêu con người mà thôi. Đây là điều tối quan trọng mà con người cần xác tín, để rồi đừng bao giờ bắt Thiên Chúa phải làm theo ý mình, phải ban ơn khi mình cầu xin, hay ngã lòng không thờ phượng Thiên Chúa nữa khi phải chịu đau khổ.

3.2/ Cần có một đức tin vững mạnh: Đức tin của con người rất yếu kém và dễ bị lung lay giữa bao cám dỗ của ma quỉ, thế gian, và xác thịt. Điều cần là con người phải nhận ra điều đó và cầu xin như các Tông Đồ hôm nay: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con.” Tuy nhiên, ngoài việc cầu nguyện, con người còn phải luyện tập bằng cách kiên trì trong những đau khổ; nếu không chịu tập luyện, đức tin dần dần sẽ mất.

Một đức tin vững mạnh sẽ giúp con người vượt qua mọi thử thách của cuộc đời để trung thành với Thiên Chúa. Chúa Giêsu dạy các tông đồ: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây vả này: “Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc”, nó cũng sẽ vâng lời anh em.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta cần biết thân phận của mình chỉ là loài thọ tạo hèn hạ. Đừng bao giờ làm quân sư hay cố vấn cho Thiên Chúa, hay bắt Thiên Chúa phải làm theo ý định “khôn ngoan” của mình.

– Bổn phận của con người là khiêm nhường làm theo những gì Thiên Chúa dạy, trung thành trong ơn gọi, và kiên nhẫn đợi chờ. Vội vàng quyết định bất trung sẽ tự chuốc cho mình và gia đình những thảm bại cả đời này và đời sau.

– Khi bị cám dỗ để trách Chúa, nghi ngờ Ngài, hay nguy cơ bị đánh mất đức tin, hãy cầu nguyện như các tông đồ: “Lạy Thầy, xin ban thêm đức tin cho con.”

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************