Chúa Nhật (07-03-2021) – Trang suy niệm

06/03/2021

Lời Chúa Hôm Nay

Chúa Nhật Tuần III Mùa Chay Năm B

BÀI ĐỌC I: Xh 20, 1-17

“Luật do Môsê đã ban ra”.

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, Chúa phán bảo những lời sau đây: Ta là Thiên Chúa ngươi, Đấng đã dẫn dắt ngươi ra khỏi vùng Ai-cập, khỏi nhà nô lệ. Ngươi không được thờ thần nào khác trước mặt Ta, đừng chạm trổ tượng gỗ, hay vẽ hình các vật trên trời, dưới đất, trong nước, dưới lòng đất. Đừng thờ lạy và phụng sự các hình tượng ấy, vì Ta là Chúa, Thiên Chúa ngươi, Chúa hùng mạnh, Chúa ganh tị, trừng phạt con vì tội lỗi cha, cho đến ba bốn đời, những kẻ ghét Ta; Ta tỏ lòng nhân lành đến ngàn đời đối với những ai kính mến Ta và tuân giữ các giới răn Ta.

Ngươi đừng lấy danh Chúa, Thiên Chúa ngươi, mà lường gạt, vì Chúa không thể không trừng phạt kẻ nào lấy danh Người mà lường gạt.

Ngươi hãy nhớ thánh hoá ngày Sabbat. Ngươi làm lụng và làm tất cả mọi việc trong sáu ngày, còn ngày thứ bảy là ngày Sabbat, thì thuộc về Chúa, Thiên Chúa ngươi; trong ngày đó, ngươi, con trai, con gái, tôi tớ nam nữ, súc vật, ngoại kiều trọ trong nhà ngươi, tất cả không được làm việc gì. Vì trong sáu ngày, Chúa đã tạo dựng trời, đất, biển, và tất cả mọi vật trong đó, rồi Người nghỉ trong ngày thứ bảy: cho nên Chúa chúc phúc và thánh hoá ngày Sabbat.

Ngươi hãy tôn kính cha mẹ, để ngươi được sống lâu dài trong xứ mà Thiên Chúa sẽ ban cho ngươi. Ngươi chớ giết người, chớ phạm tội ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng dối hại anh em mình, chớ tham lam nhà của kẻ khác, chớ ham muốn vợ bạn hữu, tôi tớ nam nữ, bò lừa và bất cứ vật gì của bạn hữu. Đó là lời Chúa.

Hoặc đọc bài vắn này: Xh 20, 1-3. 7-8. 12-17

Trong những ngày ấy, Chúa phán bảo những lời sau đây: Ta là Thiên Chúa ngươi, Đấng đã dẫn dắt ngươi ra khỏi vùng Ai-cập, khỏi nhà nô lệ. Ngươi không được thờ thần nào khác trước mặt Ta. Ngươi đừng lấy danh Chúa, Thiên Chúa ngươi, mà lường gạt, vì Chúa không thể không trừng phạt kẻ nào lấy danh Người mà lường gạt. Ngươi hãy nhớ thánh hoá ngày Sabbat.

Ngươi hãy tôn kính cha mẹ, để ngươi được sống lâu dài trong xứ mà Thiên Chúa sẽ ban cho ngươi. Ngươi chớ giết người; chớ phạm tội ngoại tình; chớ trộm cắp; chớ làm chứng dối hại anh em mình; chớ tham lam nhà của kẻ khác; chớ ham muốn vợ bạn hữu, tôi tớ nam nữ, bò lừa và bất cứ vật gì của bạn hữu. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 18, 8. 9. 10. 11

Đáp: Lạy Chúa, Chúa có lời ban sự sống đời đời (Ga 6, 69).

Xướng:

1) Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt. – Đáp.

2) Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can; mệnh lệnh Chúa trong ngời, sáng soi con mắt. – Đáp.

3) Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thực, công minh hết thảy. – Đáp.

4) Những điều đó đáng chuộng hơn vàng, hơn cả vàng ròng, ngọt hơn mật và hơn cả mật tàng ong. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: 1 Cr 1, 22-25

“Chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho nhiều người, nhưng là sự khôn ngoan của Thiên Chúa đối với những người được gọi”. 

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, các người Do-thái đòi hỏi những dấu lạ, những người Hy-lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, còn chúng tôi, chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho người Do-thái, một sự điên rồ đối với các người ngoại giáo, nhưng đối với những người được gọi, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, thì Ngài là Đức Kitô, quyền năng của Thiên Chúa và sự khôn ngoan của Chúa Cha, vì sự điên rồ của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự khôn ngoan của loài người, và điều yếu đuối của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự mạnh mẽ của loài người. Đó là lời Chúa.

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Mt 4, 4b

Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. 

PHÚC ÂM: Ga 2, 13-25

“Các ngươi cứ phá huỷ đền thờ này, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Lễ Vượt Qua của dân Do-thái gần đến, Chúa Giêsu lên Giêru-salem. Người thấy ở trong Đền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc, người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ. Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ và bảo những người bán chim câu rằng: “Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”. Môn đệ liền nhớ lại câu Kinh Thánh: “Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi”.

Bầy giờ người Do-thái bảo Người rằng: “Ông hãy tỏ cho chúng tôi thấy dấu gì là ông có quyền làm như vậy”. Chúa Giêsu trả lời: “Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại”. Người Do-thái đáp lại: “Phải bốn mươi sáu năm mới xây được đền thờ này, mà Ông, Ông sẽ dựng lại trong ba ngày ư?” Nhưng Người, Người có ý nói đền thờ là thân thể Người. Vì thế, khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, các môn đệ mới nhớ lời đó, nên đã tin Kinh Thánh và tin lời Người đã nói.

Trong thời gian Người ở lại Giêrusalem mừng lễ Vượt qua, nhiều kẻ tin danh Người, vì mục kích những phép lạ Người làm. Nhưng chính Chúa Giêsu không tin tưởng họ, vì Người biết tất cả mọi người, và không cần ai làm chứng về người nào; Người biết rõ mọi điều trong lòng người ta. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

07/03/2021 – CHÚA NHẬT TUẦN 3 MC – B

Ga 2,13-15

PHỤC HỒI SỰ LINH THÁNH

Đức Giê-su liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra và lật nhào bàn ghế của họ. (Ga 2,15)

Suy niệm: Gio-an dùng những hình ảnh thật mạnh mẽ để mô tả cảnh Đức Giê-su phẫn nộ đánh đuổi những người buôn bán trong đền thờ. Lạ một điều là không ai trong bọn họ dám ‘hó hé’ phản đối. Giả như Đức Giê-su lật đổ bàn thờ dâng hương trong Nơi Thánh của Đền Thờ ắt họ đã chẳng để yên cho Ngài đâu. Đến như các thượng tế và kinh sư, mà thánh Gio-an gọi chung là “người Do Thái” cũng không dám manh động mà chỉ chất vấn: “Ông lấy quyền gì để làm như thế?” Phải chăng họ cũng thấy việc sử dụng sân đền thờ làm nơi buôn bán là một sự lạm dụng, xúc phạm đến chính Thiên Chúa là Đấng ba lần Thánh? Phục hồi ý thức về tính cách linh thánh, đó là điều ai cũng công nhận và là điều Đức Giê-su sẽ thực hiện bằng cái chết và sự phục sinh của Ngài.

Mời Bạn: “Đền thờ Thiên Chúa” còn là chính con người và cả vũ trụ. Trong thời đại tục hoá này, tính cách linh thánh của những đền thờ ấy đang bị coi thường, thậm chí bị phủ nhận. Mời bạn kiểm điểm bản thân và thảo luận trong cộng đoàn xem mình đang bị nhiễm tinh thần tục hoá đến mức nào: – trong cách ăn mặc cư xử trong nhà thờ, khi cử hành phụng vụ; – trong việc tôn trọng và bảo vệ sự trong sạch tâm hồn, thân xác của mình cũng như người khác; – trong cách sử dụng tài nguyên thiên nhiên, chia sẻ vật chất với người khác.

Sống Lời Chúa: Trước khi làm việc gì, bạn nguyện tắt xin ơn Chúa thánh hoá.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thánh hoá con, và dùng con như khí cụ để Chúa thánh hoá anh chị em con.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy Niệm

Trong sách Tin Mừng, hiếm khi ta thấy Ðức Giêsu nổi giận.
Ngài bình thản đón lấy nụ hôn phản bội của Giuđa.
Ngài lặng lẽ trước những lời cáo gian buộc tội.
Chính Ngài đã mời ta học nơi Ngài
bài học hiền lành và khiêm nhượng.
Vậy mà ở đây ta lại thấy Ðức Giêsu dùng roi
để đuổi những người buôn bán bồ câu, chiên bò,
Ngài còn lật nhào bàn ghế của những người đổi bạc!

Dù rằng những chuyện buôn bán này
chỉ diễn ra ở ngoài phạm vi Ðền Thờ,
nơi tiền đình dành cho dân ngoại,
nhằm phục vụ cho nhu cầu tế tự
của những người đi hành hương vào dịp lễ Vượt qua,
nhưng Ðức Giêsu vẫn thấy đó là một điều bất kính,
vì chúng tạo ra một bầu khí ồn ào, hỗn độn.
Ðức Giêsu vốn qúy trọng Ðền Thờ Giêrusalem.
Ngài gọi đó là nhà Cha của tôi, nhà cầu nguyện.
Ngài không muốn nơi Thánh này trở thành cái chợ.
Ngài không chấp nhận nhà của Cha Ngài bị xúc phạm.
Chính tình yêu đã khiến Ðức Giêsu nổi giận.
Ngài thấy cần phải thanh tẩy Ðền Thờ,
dù điều đó sẽ đưa Ngài đến chỗ thiệt thân.

“Cứ phá hủy Ðền Thờ này đi;
nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.”
Ðức Giêsu ám chỉ đến cái chết và sự phục sinh của Ngài.
Ðền thờ ở đây là chính thân thể Ðức Giêsu.
Thân thể được phục sinh của Ngài sẽ là Ðền Thờ mới,
nơi nhân loại thờ phượng Thiên Chúa cách đích thực

Ðức Giêsu đã thanh tẩy Ðền thờ Giêrusalem.
Ngài cũng muốn thanh tẩy các nhà thờ của chúng ta.
Ngài muốn chúng thực sự là nơi thờ phượng,
nơi lắng đọng để con người gặp gỡ Thiên Chúa.
Có khi thánh lễ của chúng ta trở nên máy móc, buồn tẻ.
Có khi lại ồn ào, nặng tính trình diễn.
Dù sao thánh lễ vẫn cần một cái hồn, một sức sống
lan tỏa từ Chúa Giêsu phục sinh.

Ðể tâm đến việc sửa nhà thờ là cần, nhưng không đủ.
Mỗi Kitô hữu cần để tâm xây dựng con người mình,
bởi lẽ đó là đền thờ của Cha và Con (x. Ga 14,23).
Chính thân xác ta cũng là đền thở của Thánh Thần (x. 1Cr 6,19).

Có những đền thờ thánh thiêng đã trở nên phàm tục.
Ðam mê vô độ của thân xác đã trục xuất Thánh Thần.
“Hãy đem tất cả những thứ này ra khỏi đây !”
Chúa Giêsu hôm nay cũng giận dữ như thế
khi thấy con người của chúng ta bị vấy bẩn,
đền thờ của Ba Ngôi bị nhơ nhớp.
Tha nhân quanh ta cũng là những đền thờ.
Có nhiều đền thờ bị xuống cấp, tước đoạt và sụp đổ…

Mùa chay là mùa tu sửa các đền thờ,
để mọi đền thờ đều dẫn đến Ðền Thờ Giêsu.

 

Cầu Nguyện

Lạy Cha,
thế giới hôm nay cũng như hôm qua
vẫn có những người bơ vơ lạc hướng
vì không tìm được một người để tin;
vẫn có những người đã chết từ lâu
mà vẫn tưởng mình đang sống;
vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế,
ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;
vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn,
bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống;
vẫn có những người bị sống bên lề xã hội,
dù không phải là người phong…
Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ
và biết chạnh lòng thương như Con Cha.
Nhưng trước hết,
xin cho chúng con
nhìn thấy chinh bản thân chúng con.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

7 THÁNG BA

Tình Yêu Thiên Chúa Là Tình Yêu Vô Giới Hạn

Tất cả chúng ta đều rất quen thuộc với dụ ngôn Người Con Đi Hoang. Dụ ngôn này nói lên sự thật về mối quan hệ giữa Thiên Chúa và con người. Đây là một câu chuyện không thể nào quên – một câu chuyện đánh động chúng ta hết sức sâu sắc.

Trong Thông Điệp Dives in misericordia, cũng như trong Tông Huấn Reconciliatio et paenitentia, dụ ngôn này trở thành một điểm qui chiếu nòng cốt của các giáo huấn cho Giáo Hội hôm nay. Những giáo huấn ấy nêu bật một điểm luôn luôn có tầm hết sức quan trọng trong toàn bộ sứ điệp Tin Mừng: việc con người hoán cải và trở về với Thiên Chúa. Theo Thánh Phao-lô, trở về có nghĩa là trở nên một tạo vật mới trong Đức Kitô. Thiên Chúa, giống như người cha trong dụ ngôn, niềm nở tiếp đón tất cả những con trai con gái đi hoang của Ngài. Vì thế, khi một người được sinh lại trong Đức Kitô, người ấy trở thành một con người mới.

Chúa Cha đã trao ban cho chúng ta Con Một Yêu Dấu của Ngài là Đức Kitô, để mỗi người trong chúng ta – dù đi hoang đàng – đều có khả năng trở thành một con người mới trong Đức Kitô. Được đổi mới một cách thâm sâu trong hữu thể mình, chúng ta có thể tìm thấy con đường về nhà Cha. Con đường ấy chính là tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa đối với chúng ta.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 7/3

Chúa Nhật III Mùa Chay

Xh 20, 1-17; 1Cr 1, 22-25; Ga 2, 13-25.

LỜI SUY NIỆM: “Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên bò, bồ câu và những người đang ngồi đổi tiền. Người liền lấy giây làm roi mà xua đuổi tất cả chiên cũng như bò, ra khỏi Đền Thờ; còn tiền những người đổi bạc, Người đổ tung ra và lật nhào bàn ghế của họ.”

          Chúa Giêsu là Đấng nhân từ và đầy lòng thương xót, Người luôn tìm đến những người tội lỗi và đau khổ để cứu giúp, nhưng khi Người thấy Nhà Cha của Người bị những con người xúc phạm, thì Người đã dùng đến bạo lực để đánh đuổi tất cả một cách dứt khoát.

          Lạy Chúa Giêsu, tâm hồn của chúng con đã là Đền Thờ của Chúa ngự. Xin ban thêm ơn sức mạnh đức tin cho chúng con, để chúng con luôn biết tôn trọng, gìn giữ, để không trở thành sào huyệt của bọn cướp.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 07-03: Thánh PERPÊTUA Và PHÊLIXIA

Tử đạo (thế kỷ III)

Perpêtua và Phêlixita, cùng với các bạn chịu chết với các Ngài năm 203 tại Carthage, là những khuôn mặt sống động đặc biệt trong số các thánh tử đạo vào các thế kỷ đầu. Chúng ta có được những tường thuật chính xác về cuộc tử đạo của các Ngài nhờ vào tài liệu đương thời, bao gồm những nhật ký của chính thánh Perpêtua, một trang sử của vị tử đạo khác và một câu chuyện do nhân chứng đầu tiên, có lẽ là Tertulianô viết lại.

Dưới cuộc bách hại của Septimô Sêvêrô. Một phụ nữ trẻ thuộc gia đình danh giá tên là Vibia Perpêtua đã bị bắt cùng với hai thanh niên là Saturnunô và Secundôiô, với hai người nô lệ là Revecatô và Phêlicitê. Tất cả đều đang học với một giáo dân tên là Saturô. Thấy các học viên của mình bị bắt, Saturô cũng tự nộp mình để khỏi phải xa lìa họ.

Cha của Perpêtua là một người thờ ngẫu tượng nài nỉ con mình trung thành với ngoại giáo. nhưng chỉ vào một cái bình, thánh nữ trả lời : – Thưa cha, người ta có thể gọi vật này bằng cái tên nào khác hơn là cái bình không ? Đối với con cũng vậy con không thể cho mình một cái tên nào khác ngoài danh hiệu là Kitô hữu.

Người cha liền lao vào con như muốn móc mắt và ông đánh đập Perpêtua tàn nhẫn. Rồi ông rút lui. Nhiều ngày sau thánh nữ không gặp lại ông. Trong những ngày đó Perpêtua cùng với các bạn còn đang dự tòng đã được rửa tội.

Khi người ta dìm vào nước, thánh nữ đã chỉ nguyện xin một lời này là: được sức mạnh để chịu đựng nên các đau khổ của cuộc tử đạo. Bây giờ họ bị dồn chung vào một phòng chật hẹp tối om. Đút lót tiền bạc, họ được rộng rãi hơn một chút, Perpêtua mẹ của một đứa bé còn đang bú đã phải đau khổ nhiều vì xa con. Đứa bé kiệt sức. Người ta trả nó lại cho mẹ và người mẹ vui sướng quên hết mọi đau đớn. Ngục tù đã trở nên cung diện đối với Ngài. Các thi kiến thánh nữ được thấy, an ủi Ngài nhiều và nâng cao niềm hy vọng của Ngài ngay khi còn ở trần gian này.

Người ta biết rằng: các tù nhân sắp bị xét xử. Người cha của Perpêtua thất vọng. Ông đến thăm con gái mình và thốt ra những lời van xin nghe muốn đứt ruột: – “Con ơi, hãy thương mái tóc bạc của cha, hãy thương cha. Hãy nhớ tới đôi tay cha đây đã dưỡng nuôi con. Hãy tưởng tượng tới mẹ con, anh em con, con của con nữa, không có con nó sống sao được. Bỏ đi con, điều dốc quyết làm cho chúng ta mất tất cả”.

Tất cả điều này thật là độc dữ đối với Perpêtua. Thánh nữ nói:- Thưa cha, tại tòa án sẽ xẩy ra điều Chúa muốn, bởi vì chúng ta không thuộc về mình.

Người cha còn cho người đem đứa trẻ tới năn nỉ lần nữa :- Hãy thương đến con của con.

Trong khi đó các tù nhân tuyên bố rằng họ đều sẵn sàng hy sinh tất cả cho Thiên Chúa. Họ bị giải tới nhà tù gần hí trường, Perpêtua đã cầu nguyện ngày đêm cho một người em chết vì ung thư. Trong một thị kiến Ngài đã thấy nó trong một nơi tối tăm, bây giờ lên một nơi ngập đầy ánh sáng.

Phêlicitê hạ sinh một đứa con trai. Khi Ngài rên xiết vì đau đớn, một người lính gác ngục chế nhạo người rằng: – Nếu không chịu nổi đau đớn lúc này, làm sao cô chịu nổi các thú dữ ?

Phêlicitê trả lời: – Hôm nay tôi khổ vì tôi nhưng khi tôi chết vì đạo, sẽ có một người khác trong tôi chịu khổ cho tôi, bởi vì tôi chịu cực khổ vì Ngài.

Trong khi chờ đợi cái chết độc dữ đã được dành sẵn, các tù nhân vẫn giữ được cái tính hài hước lành mạnh và vui tươi của họ, thánh Perpêtua nói: – Còn sống chúng ta luôn vui tươi, trong cuộc sống khác, chúng ta sẽ hân hoan mãi.

Ngày vui chơi đến, họ phải diễn trò cho thiên hạ. Người cha của Perpêtua tàn héo vì sầu muộn, nhưng thánh nữ luôn có thị kiến. Khi các thánh tử đạo tiến vào hí trường, các Ngài tỏ vẻ vui tươi phấn khởi. Perpêtua thì ca hát. Trước mặt dân chúng, Ngài đã trả lời quan tòa: – Ngài xét xử chúng tôi, nhưng Thiên Chúa xét xử Ngài.

Quan tòa truyền đánh đòn các Ngài, nhưng các Ngài lại cảm thấy hạnh phúc vì được giống Chúa Kitô thày mình. Thú dữ được thả ra, những người trẻ bị cắn xé, Perpêtua và Phêlicitê bị lột áo. Các Ngài đòi lại và người ta chấp nhận cho các Ngài đặc ân này. Các Ngài bị gói vào trong một cái lưới. Một con bò cái hung hãn xông vào Perpêtua, hất tung Ngài lên trời, rớt xuống đất Ngài vẫn còn sống và Ngài cúi nhìn người nữ tì Phêlicitê của mình đang nằm sõng sượt trên mặt đất, và giúp nàng chỗi dậy. Dân chúng trong một lúc hết hung hăng đã xin trả tự do cho các vị tử đạo. Perpêtua tin rằng: mình vừa thức dậy từ một cơn mơ. Phải thấy những vết thương đã chịu, Ngài mới tin là sự thật, Ngài nói với Rusticus và em mình rằng: – Hãy vững tin, đừng kinh ngạc vì những đau khổ của chúng tôi.

Đám dân chúng dễ bị khích động và thất thường lại đòi giết những người này. Ngài hôn chuc bình an và đưa thân cho lý hình. Người phải giết Perpêtua run rẩy, lưỡi gươm của anh ta trật đường, làm bị thương bên sườn Ngài. Chính Perpêtua phải hướng dẫn tay của lý hình và giúp đỡ để hắn đẩy mũi giáo vào cổ họng mình.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

07 Tháng Ba

Dachau 

Dachau: đó là một địa danh mà dân Âu châu không bao giờ xóa bỏ khỏi ký ức của họ. Nơi tập trung và sát hại hàng triệu người Do Thái dưới thời Ðức Quốc xã, Dachau vừa là hỏa ngục của hận thù, độc ác nhưng cũng là khung trời rực sáng những vì sao của yêu thương, tin tưởng.

Edmond Michelet, văn sĩ Pháp bị giam tại đây và sau này trở thành bộ trưởng Tư Pháp, đã viết lại ký sự của những ngày bị giam trong địa ngục Dachau. Ông kể lại rằng: mỗi buổi sáng, các linh mục bị giam tù lén lút cử hành Thánh lễ. Các tù nhân Công giáo, bất chấp mọi đe dọa đến mạng sống, chen chúc sát cánh bên nhau để tham dự Thánh lễ.

Phẩm phục của linh mục chủ tế chỉ là một mảnh áo tù rách rưới thảm thương. Cái tách uống nước được dùng làm chén thánh, hộp thuốc ho được dùng làm bình đựng bánh lễ.

Sau Thánh lễ, một số người được chia công tác mang Mình Thánh đến cho những người đang hấp hối được giam riêng trong phòng đặc biệt… Edmond Michelet kể lại rằng: hình ảnh ông vẫn luôn ghi nhớ đó là nụ cười rạng rỡ của những người đang tiến đến cõi chết.

Vào khoảng cuối năm 1944, một nghi lễ đặc biệt đã diễn ra ngay trong trại Dachau. Một phó tế người Ðức, bị lao phổi, đang hấp hối… Các linh mục đang bị giam bèn nghĩ đến chuyện phong chức linh mục cho thầy… Một vị giám mục cùng bị giam đã chấp thuận tiến hành nghi thức. Người ta làm mọi cách để che mắt người lính canh. Một người Do Thái đã chấp nhận chơi đàn vĩ cầm để đánh lạc hướng sự chú ý của công an, vị giám mục người Pháp, trong bộ đồng phục rách rưới của tù nhân, đã phong chức linh mục cho một chủng sinh người Ðức.

Vị tân linh mục đã cử hành Thánh lễ đầu tiên ít ngày sau đó. Và đó cũng là Thánh lễ cuối cùng của Ngài… Trong quyển nhật ký của Ngài, người ta đọc thấy hai chữ: Tình Yêu, Ðền Bù…

Tình yêu mạnh hơn sự chết. Chân lý này sáng ngời một cách mãnh liệt ngay trong những nơi mà hận thù chết chóc ngự trị như luật tối thượng của cuộc sống. Hận thù càng dâng cao, chết chóc càng đe dọa người ta càng thấy những tấm gương của hy sinh, xả kỷ và tin tưởng.

Dạo tháng 6 năm 1989, một số linh mục, giám mục người Ba Lan đã hành hương đến trại tập trung Dachau để kỷ niện 50 năm ngày thế chiến thứ hai bùng nổ và nhất là để tưởng niệm gương hy sinh của gần 3,000 linh mục thuộc 9 quốc tịch khác nhau bị giam giữ tại đây. Trên ngôi mồ chôn lớn nhất, một Thánh lễ đã được cử hành không phải để gợi lại hận thù, nhưng họ còn được mời gọi để chỉ thấy Yêu Thương và tha thứ giữa hận thù.

Ðó cũng chính là lời mời gọi của Ðức Kitô trong Thánh lễ mà Giáo hội cử hành mỗi ngày. Chúng ta không tưởng niệm những độc ác dã man trong cái chết của Chúa, chúng ta không gợi lại hận thù trong cuộc tử nạn của Ngài, nhưng chỉ nhìn thấy Yêu thương và tha thứ vô bờ của Ngài. Ngài mời gọi chúng ta hãy chỉ nhìn thấy yêu thương và tha thứ giữa hận thù, hãy múc lấy yêu thương và tha thứ để đáp trả lại hận thù…

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật III Mùa Chay, Năm B

Bài đọc: Exo 20:1-17; I Cor 1:22-25; Jn 2:13-25.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Làm thế nào để thanh tẩy và làm đẹp đền thờ tâm hồn?

             Ít có người trong chúng ta thích ở dơ dáy bẩn thỉu, và khó chịu khi phải ở chung với người như thế; vì sợ bệnh tật và thiệt hại cho sức khỏe. Để tránh ở dơ, chúng ta phải dành thời giờ để tắm rửa, dọn dẹp, và lau chùi. Trong đàng thiêng liêng cũng thế, chúng ta không thể chất chứa tội trong tâm hồn; vì chúng sẽ tàn phá và đưa chúng ta dần dần đến chỗ chết. Hơn nữa, Thiên Chúa không thể ở trong những tâm hồn tội lỗi. Để có thể rước Thiên Chúa vào lòng và ở lại trong tâm hồn, chúng ta cần thường xuyên xét mình để nhận ra những tội lỗi, và mau chạy đến với BT Giải Tội để làm hòa và lãnh nhận ơn tha thứ. Mùa Chay là dịp thuận tiện để chúng ta thanh tẩy những tính hư tật xấu trong tâm hồn, nhiều người gọi Mùa Chay là mùa xuân của tâm hồn. Nhưng làm sao chúng ta có thể nhận ra những tội lỗi để thanh tẩy?

            Các Bài Đọc hôm nay cung cấp cho chúng ta những cách thức để nhận ra tội lỗi. Trong Bài Đọc I, Sách Xuất Hành trình bày cách thức xét mình bằng Thập Giới: 3 giới răn đầu tiên đặc biệt chú trọng tới mối liên hệ với Thiên Chúa, 7 giới răn sau chú trọng tới mối liên hệ với tha nhân. Trong Bài-đọc II, Thánh Phaolô chọn Chúa Kitô chịu đóng đinh trên cả hai thần: thần khôn ngoan của người Hy-lạp, và thần thích biểu dương uy quyền của người Do-thái. Trong Phúc Âm, vì lòng nhiệt thành, khi thấy Nhà Cha của Ngài ra ô uế, Chúa Giêsu đã đánh đuổi những con buôn ra khỏi Đền Thờ. Ngài trách mắng họ: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.”  

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC: 

1/ Bài đọc I: Thập Giới giúp con người sống mối liên hệ tốt đẹp với Thiên Chúa và tha nhân.

1.1/ Ba điều giúp con người sống mối liên hệ với Thiên Chúa:

            (1) Phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng và trên hết mọi sự: Chỉ có một Thiên Chúa mà thôi; tất cả các thần khác là do con người tạo nên: Thần Tài, Thần Mặt Trời, Vệ Nữ, Thần Mammon. Lời của Thiên Chúa cảnh cáo những ai muốn thờ hai thần hay làm tôi hai chủ: “Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ: vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương. Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông. Còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời.”

            (2) Chớ kêu tên Thiên Chúa cách vô cớ: Ngươi không được dùng danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì Đức Chúa không dung tha kẻ dùng danh Người một cách bất xứng.

            (3) Giữ ngày Chủ Nhật: Người Do-thái giữ ngày thứ bảy, và gọi đó là ngày Sabbath; vì Thiên Chúa đã hòan tất việc tạo dựng và nghỉ ngơi trong ngày đó. Họ tuyệt đối không làm việc xác trong ngày đó. Chúng ta giữ ngày Chủ Nhật, vì là ngày Chúa Giêsu sống lại. Vì kế sinh nhai, Giáo Hội cho phép người nghèo và những người không thể nghỉ được làm việc; nhưng không có nghĩa là tất cả được phép. Con người cần được nghỉ ngơi và cần dành thời giờ cho Thiên Chúa. Khi đã có đủ ăn, con người cần lo lắng cho những giá trị tinh thần nhiều hơn, và cho anh chị em có cơ hội làm việc để sinh sống. Thần Mammon rất dễ lợi dụng ngày này.

1.2/ Bảy điều giúp sống mối liên hệ với tha nhân: Các điều này cần thiết; tuy nhiên, khi có xung đột, phải giữ ba điều trên trước.

            (4) Thảo kính cha mẹ.

            (5) Ngươi không được giết người.

            (6) Ngươi không được ngoại tình.

            (7) Ngươi không được trộm cắp.

            (8) Ngươi không được làm chứng gian hại người.

            (9) Ngươi không được ham muốn vợ người ta.

            (10) Ngươi không được ham muốn bất cứ vật gì của người ta.

2/ Bài đọc II: Đức Kitô chịu đóng đinh là sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

2.1/ Khôn ngoan của người đời: Mỗi dân tộc đều có những đặc điểm mà họ rất hãnh diện; chẳng hạn, người Trung-hoa tự hào vì tài bắt chước, không một sản phẩm nào mà họ không làm giả được. Thánh Phaolô cũng đưa ra hai dân tộc rất tự hào về truyền thống của họ, là Do-thái và Hy-lạp:

            – Người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ: Họ đã từng thách thức Chúa Giêsu tỏ uy quyền bằng cách làm phép lạ để họ có thể tin vào Ngài. Trong Phúc Âm Gioan hôm nay, họ cũng thách thức Chúa Giêsu: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?”

            – Người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan: Triết học của Plato và Aristotle, hùng biện như Demosthenes. Họ khao khát biết sự thật và nguồn gốc của mọi sự để thuyết phục con người tin họ.

            Thánh Phaolô hãnh diện tuyên xưng: Nhưng chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh: điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và Dân-ngoại cho là điên rồ. Ô nhục vì chỉ có kẻ cướp của giết người mới phải chịu án tử Thập Giá; điên rồ vì Thiên Chúa không thể chịu đau khổ, một Thiên Chúa chịu đau khổ không còn là Thiên Chúa uy quyền nữa.

2.2/ Khôn ngoan của Thiên Chúa: “Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người.”

            – Khôn ngoan không chỉ là học cho biết những lý thuyết cao xa, những điều bí ẩn, kỳ diệu; nhưng không sinh lợi ích gì cho con người. Khôn ngoan đích thực là học biết thánh ý của Thiên Chúa để đạt được mục đích của cuộc đời. Qua Đức Kitô, con người biết được những kế họach của Thiên Chúa, và cách thức làm sao để đạt được mục đích của cuộc đời. Thánh Thomas Aquinas, một nhà thần học lỗi lạc của Dòng Đa-minh tuyên bố: “Tôi học dưới chân Thánh Giá được nhiều điều hơn bất cứ nơi nào khác.”

            – Sức mạnh không chỉ đo lường bằng vũ lực hay quyền năng, nhưng làm sao có thể lay chuyển được lòng người; ví dụ, sức mạnh của anh hùng phải nhường bước trước giọt nước mắt của phụ nữ. Thập Giá Đức Kitô có sức làm mềm những con tim chai đá nhất, và cải hóa họ về cho Thiên Chúa. Qua Thập Giá, Đức Kitô đánh bại quyền lực của quỉ thần và sự chết, và đưa con người về cho Thiên Chúa.           

3/ Phúc Âm: Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.

3.1/ Lòng nhiệt thành của Chúa Giêsu cho Nhà Cha của Ngài: Tại sao Chúa Giêsu đuổi họ? Hai lý do chính:

            (1) Đền Thờ là nơi cầu nguyện: là chỗ con người tiếp xúc với Thiên Chúa. Người nói với những kẻ bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.”

            (2) Họ dùng Lề Luật tôn giáo để kiếm lợi nhuận kinh tế: Đây là cả một hệ thống kinh tài dựa trên các luật con người dâng lễ vật để đền tội. Khi lên Đền Thờ dâng lễ vật đền tội, con người phải dâng những lễ vật thanh sạch và không tì tích. Để bảo đảm điều này, các con vật phải được khám xét bởi các chuyên gia của Đền Thờ. Thử tưởng tượng trường hợp của những người phải mang lễ vật và đi mấy ngày đàng mới tới Jerusalem, đến khi thanh tra những con vật mình mang lên lại không đủ tiêu chuẩn, mà không có lễ vật thì tội không được tha. Họ đành phải bỏ tiền mua các con vật của các chuyên gia hay người nhà của họ, nhiều khi đắt gấp cả chục lần. Để có quầy hàng trong khu vực Đền Thờ, họ lại phải là người nhà hay quen biết với các thượng-tế, kinh sư, và các tư tế.

3.2/ Làm thế nào để thanh tẩy và trang hòang đền thờ tâm hồn? Trong cuộc đối thọai giữa Chúa Giêsu và các nhà lãnh đạo Do-thái, Ngài nhấn mạnh đến Đền Thờ là chính thân thể của Ngài. Nếu Đền Thờ Jerusalem không thể vừa là chỗ thờ phượng, vừa là chỗ để làm thương mại; đền thờ tâm hồn của mỗi người cũng không thể vừa là chỗ cho Thiên Chúa vừa là chỗ cho ma quỉ. Vì Thánh Phaolô nhấn mạnh: “thân thể anh em là đền thờ của Chúa Thánh Thần” và “thân thể anh em là chi thể của Đức Kitô.”

            Để có thể thanh tẩy tâm hồn, điều trước tiên con người phải làm là quyết tâm chỉ thờ một Thiên Chúa mà thôi: Không thờ phượng hai thần, không làm tôi hai chủ. Bài Đọc I nói rõ: “Thiên Chúa là Thiên Chúa ghen tương.” Ngài không chấp nhận ở chung với bất cứ thần nào.

            – Thánh Teresa Hài Đồng nói: “Thiên Chúa nhận tất cả những gì chúng ta cho Ngài, nhưng sẽ không cho tất cả những gì của Ngài cho chúng ta, cho tới khi Ngài nhìn thấy chúng ta đang cho Ngài tất cả những gì chúng ta có.”

            – Thánh Gioan Thánh Giá nói: “Đừng để ý tới bất cứ tạo vật nào nếu anh muốn giữ hình ảnh của Thiên Chúa rõ ràng và đơn nhất trong linh hồn anh, nhưng hãy trút đi tất cả những gì liên quan tới chúng và chạy xa khỏi chúng, và anh sẽ đi trong ánh sáng của Thiên Chúa.” Còn biết bao các thần tạo vật mà chúng ta đang làm nô lệ cho nó trong cuộc đời. Hãy mạnh dạn để quăng đi tất cả để có thời gian và dành cho Thiên Chúa chỗ ưu việt nhất trong cuộc đời.

            – Nếu chúng ta chọn thanh tẩy tâm hồn, chúng ta biết rằng chúng ta càng thanh tẩy tâm hồn bao nhiêu, tiến trình thanh tẩy càng dễ dàng bấy nhiêu. Trong đời sống nội tâm có một ảnh hưởng dây chuyền, chúng ta càng đi sâu vào, chúng ta càng ao ước được trở nên trong sạch hơn để chúng ta càng sống thân tình với Thiên Chúa hơn.

 ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

            – Chúng ta phải thờ phượng và kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự.

            – Chúng ta phải học nơi Thập Giá của Đức Kitô hơn là bất cứ nơi nào trong thế giới này, vì Ngài là sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

            – Chúng ta phải thường xuyên thanh tẩy tâm hồn, để nhiệt thành và dứt khóat quét sạch các nhơ bẩn, bụi bặm của tội lỗi, để xứng đáng trở nên Đền Thờ cho Thiên Chúa ngự. Chỉ có những tâm hồn trong sạch mới được nhìn thấy Thiên Chúa (Phúc thứ 6). Thánh Thomas Aquinas quả quyết một tâm hồn trong sạch có thể chiêm ngưỡng Thiên Chúa từ đời này.

            – Chúng ta phải dứt khóat không làm tôi hai chủ, chỉ thờ phượng một mình Thiên Chúa mà thôi. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************