Chúa Nhật (08-09-2019) – Trang suy niệm

07/09/2019

Lời Chúa Hôm Nay

Chúa Nhật Tuần XXIII Mùa Thường Niên Năm C

BÀI ĐỌC I: Kn 9, 13-18

“Ai có thể suy tưởng được sự Thiên Chúa muốn”.

Trích sách Khôn Ngoan.

Ai trong loài người có thể biết được ý định của Thiên Chúa? Hay ai có thể suy tưởng được sự Thiên Chúa muốn? Vì những ý tưởng của loài hay chết thì mập mờ, và những dự định của chúng tôi đều không chắc chắn. Vì xác hay hư nát làm cho linh hồn ra nặng nề, và nhà bụi đất làm cho lý trí hay lo lắng nhiều điều ra nặng nề.

Chúng tôi ước lượng cách khó khăn các việc dưới đất, và khó nhọc tìm thấy những sự trước mắt. Còn những sự trên trời, nào ai khám phá ra được? Ai hiểu thấu Thánh ý của Chúa, nếu Chúa không ban sự khôn ngoan, và không sai Thánh Thần Chúa từ trời cao xuống. Như thế, mọi đường lối những kẻ ở dưới đất được sửa lại ngay thẳng, và loài người học biết những sự đẹp lòng Chúa.

Vì, lạy Chúa, những ai sống đẹp lòng Chúa từ ban đầu, thì được ơn cứu độ nhờ sự khôn ngoan. Đó là lời  Chúa.

ĐÁP CA: Tv 89, 3-4. 5-6. 12-13. 14 và 17

Đáp: Thân lạy Chúa, Ngài là chỗ chúng con dung thân, từ đời nọ trải qua đời kia (c. 1).

Xướng:

1) Thực ngàn năm ở trước thiên nhan, tựa hồ như ngày hôm qua đã khuất, như một đêm thức giấc cầm canh. Chúa khiến cho con người trở về bụi đất, Ngài phán: “Hãy trở về gốc, hỡi con người”. – Đáp.

2) Chúa khiến họ trôi đi, họ như kẻ mơ màng buổi sáng, họ như cây cỏ mọc xanh tươi. Ban sáng cỏ nở hoa và xanh tốt, buổi chiều nó bị xén đi và nó héo khô. – Đáp.

3) Xin dạy chúng con biết đếm ngày giờ, để chúng con luyện được lòng trí khôn ngoan. Lạy Chúa, xin trở lại, chớ còn để tới bao giờ? xin tỏ lòng xót thương tôi tớ của Ngài. – Đáp.

4) Xin cho chúng con sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng con mừng rỡ hân hoan trọn đời sống chúng con. Xin cho chúng con được hưởng ân sủng Chúa là Thiên Chúa chúng con, sự nghiệp tay chúng con làm ra, xin Ngài củng cố, xin Ngài củng cố sự nghiệp tay chúng con làm ra. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: Plm 9b-10. 12-17

“Con hãy tiếp nhận nó không phải như một người nô lệ, nhưng như một người anh em rất thân mến”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gởi cho Philêmon.

Con thân mến, Phaolô già nua, và hiện đang bị cầm tù vì Đức Giêsu Kitô, cha nài xin con cho Ônêsimô, đứa con cha đã sinh ra trong xiềng xích.

Cha trao nó lại cho con. Phần con, con hãy đón nhận nó như ruột thịt của cha. Cha cũng muốn giữ nó lại để thay con mà giúp đỡ cha trong lúc cha bị xiềng xích vì Tin Mừng. Nhưng vì chưa biết ý con, nên cha không muốn làm gì, để việc nghĩa con làm là một việc tự ý, chớ không vì ép buộc. Vì biết đâu nó xa con một thời gian để rồi con sẽ tiếp nhận muôn đời, không phải như một người nô lệ, nhưng thay vì nô lệ, thì như một người anh em rất thân mến, đặc biệt đối với cha, huống chi là đối với con, về phần xác cũng như trong Chúa. Vậy nếu con nhận cha là bạn hữu, thì xin con hãy đón nhận nó như chính mình cha vậy. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 10, 27

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Con chiên Ta thì nghe Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta”. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 14, 25-33

“Ai không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có nhiều đám đông cùng đi với Chúa Giêsu, Người ngoảnh lại bảo họ rằng: “Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta.

“Có ai trong các ngươi muốn xây tháp mà trước tiên không ngồi tính toán phí tổn cần thiết, xem có đủ để hoàn tất không? Kẻo đặt móng rồi mà không thể hoàn tất, thì mọi người xem thấy sẽ chế giễu người đó rằng: ‘Tên này khởi sự xây cất mà không hoàn thành nổi’.

“Hoặc có vua nào sắp đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên không ngồi suy nghĩ xem mình có thể đem mười ngàn quân ra đương đầu với đối phương dẫn hai mươi ngàn quân tiến đánh mình chăng? Bằng chẳng nổi, thì khi đối phương còn ở xa, vua ấy sai một phái đoàn đến cầu hoà. Cũng thế, bất kỳ ai trong các ngươi không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

08/09/2019 – CHÚA NHẬT TUẦN 23 TN – C

Lc 14,25-33

BỎ MÌNH, VÁC THẬP GIÁ MÀ THEO CHÚA GIÊ-SU

Chúa Giê-su nói với những người cùng đi với Ngài: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14,26-27)

Suy niệm: Chúa Giê-su căn dặn các môn đệ trong một khung cảnh thật ý nghĩa : “Có rất đông người cùng đi đường với Đức Giê-su”. Hiển nhiên, không phải cứ cùng đi đường với Đức Giê-su mà đã là môn đệ của Ngài, mà còn phải “từ bỏ hết những gì mình có” và “vác thập giá mình theo Chúa”. Nếu chỉ làm phúc bố thí, hoạt động công tác xã hội, nếu chỉ đi lễ, đọc kinh… mà chưa xoá bỏ dấu ấn của cái tôi -từ bỏ ý riêng mình,- và đóng lên những công việc đó dấu ấn của Thiên Chúa -vác thập giá mình mỗi ngày,- thì những việc đó chưa phải là việc của người môn đệ Chúa.

Mời Bạn: hãy luôn tự nhủ mình rằng những việc tôi đã làm có lớn lao mấy đi nữa, nếu như không được đóng dấu ấn “bỏ–mình”+“vác–thập–giá–theo–Đức–Kitô”, thì dù tôi đã đứng trước ngưỡng cửa thiên đàng đi nữa, Thiên Chúa cũng lắc đầu với tôi: “Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta” (Mt 7,23).

Sống Lời Chúa: Mỗi tối kiểm điểm ngay cả những công việc tốt nhất bạn đã làm để phân định ra những động lực ích kỷ nào đã xen lẫn vào những việc đó khiến bạn đánh mất đi phẩm chất người môn đệ Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con thanh tẩy chính mình khỏi những động cơ xấu xa ích kỷ, để mỗi việc con làm đều giúp con từ bỏ chính mình triệt để hơn và vác thập giá theo Chúa cách trung thành hơn.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

8 THÁNG CHÍN

Một Hành Trình Đức Tin

Đức Giê-su Kitô nói với chúng ta: “Ta là đường, là sự thật, và là sự sống” (Ga 14,6). Lời ấy qui chiếu đến cuộc lữ hành của chúng ta trong đức tin. Chúng ta đang tiến về với Thiên Chúa trên con đường đức tin. Con đường mà chúng ta đang bước đi chính là Đức Kitô.

Đức Kitô là Con Thiên Chúa, và Ngài cùng chia sẻ một bản tính thần linh với Chúa Cha. Vốn là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Aùnh Sáng bởi Aùnh Sáng, nhưng Ngài đã làm người để trở thành con đường dẫn chúng ta đến cùng Cha. Trong cuộc sống dương thế của Người, Chúa Giêsu luôn nói về Cha. Người dẫn dắt ý nghĩ và tâm tư của những người lắng nghe Người hướng về Chúa Cha. Có thể nói, Người chia sẻ với họ mối tương quan cha-con với Thiên Chúa. Đặc biệt, Nguời dạy các môn đệ cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha.

Vào cuối sứ mạng dương thế của Người, chính hôm trước khi chịu khổ nạn và chịu chết, Đức Giêsu nói với các tông đồ : “Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở. Vả chăng, Thầy đã nói với anh em rồi, rằng Thầy đi dọn chỗ cho anh em.” (Ga 14,2). Nếu Phúc Âm mạc khải rằng đời sống con người là cuộc hành hương đi về nhà Cha, thì đồng thời đó cũng là một lời mời gọi đức tin. Vâng, chúng ta đang bước đi như những khách hành hương. Chúng ta được mời gọi bước đi trong hành trình đức tin.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 08/ 9

Chúa Nhật XXIII thường niên

Kn 9, 13-18; Plm 9b-10.12-17; Lc 14, 25-33.

LỜI SUY NIỆM: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được. Từ bỏ hết những gì mình có”

          Chúa Giêsu đang tiến về Giêrusalem, các môn đệ và cả đám đông đang hào hứng nghĩ đến ngày vinh quang trần thế của Người sắp đến. Nên Chúa Giêsu muốn xóa ngay những tư tưởng đó. Chúa đã công khai công bố những điều kiện theo Người là phải: “từ bỏ hết những gì mình có”

          Lạy Chúa Giêsu. “Từ bỏ hết những gì mình có” là một điều rất khó khăn với chúng con. Nhưng chúng con tin, những gì Chúa đòi hỏi chúng con thực hiện theo Lời Chúa dạy, đều có ơn ban của Chúa kèm theo để nâng đỡ chúng con. Xin Chúa thương ban cho chúng con đức tin mạnh, đức cậy bền và đức kính mến sốt sắng, để chúng con bước theo Chúa cho đến trọn dời.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

NGÀY 08-09 LỄ SINH NHẬT ĐỨC TRINH NỮ MARIA

Giáo hội không mừng ngày sinh của các thánh. Ngày sinh của con cái Adam là một ngày u buồn tràn đầy nước mắt, và cái di sản thảm khốc của tội lỗi mà chúng ta mang theo khi vào đời. Nhưng trong lịch sử phụng vụ công giáo, chúng ta thấy có ba lễ mừng sinh nhật: của chính đức Giêsu, của Trinh Nữ Maria và của thánh Gioan Tẩy giả. Đối với thánh Gioan Tẩy giả, vì được thánh hoá ngay từ khi còn trong lòng mẹ, việc chào đời của Ngài là một biến cố vui mừng đặc biệt. Riêng với Đức Trinh nữ Maria, những lễ kính Ngài là “Những lễ kính nhớ biến cố sinh ơn cứu rỗi, trong đó Giêsu và Mẹ Maria đi liền với nhau, như lễ sinh nhật Đức Maria, ngày mà hy vọng và vầng cứu rỗi ló dạng trên trần gian” (Marialis cultus. 7): bởi vậy, nhưng ngày lễ sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria, Giáo hội hân hoan ca tụng.

– “Lạy Đức Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa, việc Mẹ sinh ra loan báo niềm vui cho cả thế gian. Vì từ lòng mẹ phát sinh mặt trời công chính là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con. Đấng xóa bỏ án phạt mà ban chúc lành, tiêu diệt sự chết và ban sự sống đời đời cho chúng con” (ad Bened, ad laudes)

Niềm vui mừng trong ngày sinh của Đức Trinh Nữ Maria phát xuất từ niềm mong đợi lâu đời của nhân loại tội lỗi. Chính Thiên Chúa đã trao ban cho nhân loại chúng ta niềm hy vọng này khi Chúa phán với con rắn cám dỗ:

– “Ta sẽ đặt hận thù giữa ngươi và người đàn bà, giữa dòng dõi ngươi và giòng giống nó. Giòng giống nó sẽ đạp đầu ngươi, còn ngươi sẽ táp lại gót chân” (St 3,15).

Lời hứa ấy còn được lập lại nhiều lần để nuôi dưỡng niềm tin của dân Chúa. Chẳng hạn Isaia báo trước hình ảnh Đấng sẽ sinh ra Đấng cứu thế: – “Này cô nương sẽ thụ thai và sinh con và bà sẽ gọi tên là Emmanuel” (Is 7,14).

Đấng Cứu Thế sẽ được sinh ra bởi một người mẹ đồng trinh (x. Lc 1,270. Như vậy Thiên Chúa đã dự liệu cho con Ngài. Một người mẹ đặc biệt. Maria còn được giữ cho khỏi vương nhiễm tội nguyên ngay từ buổi hình thai, để xứng đáng tước vị Mẹ Thiên Chúa. Theo truyền sử, cha mẹ Ngài là ông Gioanchim và nà Anna, những người đạo đức thuộc dòng dõi vương giả David, và tư tế Aaron, nhưng lại son sẻ.

Dầu sao đi nữa, chính Maria có một nét đẹp lạ lùng của ơn thánh. Giáo hội ca tụng Mẹ: – Ôi Maria ! Mẹ đẹp tuyệt vời. Hơn hết mọi người.

Ngày Đức Trinh nữ Maria chào đời, mọi người thán phục. Hơn nữa biến cố này còn là khởi đầu cho ngày cứu rỗi, vì Ngài như “sao mai” dẫn lối loài người, như “rạng đông” báo hiệu mặt trời. Vì vậy ngay từ thế kỷ VI, cả Giáo hội Đông phương cũng như Tây Phương đã cử hành lễ mừng kính sinh nhật Mẹ. Đến thế kỷ X lễ mừng được phổ biến phắp nơi và trở thành một trong các lễ chính mừng kính Đức Mẹ. Vào thế kỷ XII, lễ này còn kéo dài thành tuần bát nhật, theo lời hứa của các Đức hồng Y họp mật nghị để bầu giáo hoàng. Các Ngài hứa sẽ thiết lập tuần bát nhật, để tạ ơn Đức Mẹ nếu có thể vượt qua được các chia rẽ vì cuộc vận động của vua Frédéric và sự bất mãn của dân chúng. Đức giáo hoàng Célestinô V đắc cử cai quản có 18 ngày nên chưa thực hiện được lới hứa. Giữa thế kỷ XIII, Đức Innocentê đã hoàn thành lời hứa này.

Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria loan báo niềm vui cho toàn thế giới, chúng ta cùng chiêm ngắm và tha thiết nguyện cầu cho được niềm vui thiêng liêng từ biến cố này.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

08 Tháng Chín

Cuốn Sách Một Chữ

Người ta kể chuyện rằng: ngày kia một văn sĩ bỗng nảy sinh ra một ý kiến ngộ nghĩnh. Ông ta muốn viết một cuốn sách. Mà cuốn sách ấy, ông muốn làm sao cho nó không được dài quá một trang. Cuốn sách một trang này lại phải làm sao cho nó không được dài quá một dòng. Dòng ấy phải làm sao cho nó chỉ vỏn vẹn có một chữ.

Chữ độc nhất ấy, cố nhiên, phải làm sao diễn tả được hết mọi tư tưởng cao xa, tốt đẹp của văn sĩ.

Ý nghĩ ấy ngày đêm ám ảnh ông ta, làm cho ông ta mất ăn, mất ngủ. Làm thế nào viết được cuốn sách một chữ ấy?

Cuối cùng nhà văn kia đành ngồi khoanh tay bó gối, thở dài thất vọng… Tất cả những danh từ trên thế giới, không đủ cung cấp tài kiệu, và ý nghĩa cho công việc ông ta dự định thực hiện.

Nhưng, cuốn sách một chữ ấy Thiên Chúa đã viết được. Chữ độc nhất, hàm súc mọi ý nghĩa, vừa hùng hồn, sâu rộng, vừa nhẹ nhàng ý nhị để diễn tả được những kỳ công kiệt tác trong vũ trụ. Tất cả những gì là tươi mát, là xinh đẹp, tất cả những gì là đáng quý chuộng, đáng yêu thương, đáng đòi hỏi, đáng tìm kiếm, đáng ước ao, đáng khát vọng.

Chữ ấy là: Maria, tên của người Trinh Nữ đã được thiên Chúa tuyển chọn và tô điểm cho cân xứng với thiên chức làm Mẹ Ngôi Hai Nhập Thể, cân xứng để trở nên vườn địa đàng thật hoàn hảo, thật sặc sỡ, thật kiều diễm để trong cung lòng của Maria, Thiên Chúa sẽ cử hành một lễ cưới long trọng, không phải giữa một người với một người, nhưng là giữa Thiên Chúa và nhân loại.

Ngày hôm nay toàn thể Giáo Hội hân hoan mừng ngày chào đời của công trình tuyệt hảo ấy của Thiên Chúa. Hân hoan vì với tiếng khóc và nụ cười của em bé mang tên Maria này, vầng đông của lịch sử và công trình cứu rỗi của toàn thể nhân loại đã ló dạng.

Một ngày nọ, thánh Gioan Maria Vianney, cha sở họ Ars, gặp trong nhà thờ một người đàn bà có vẻ đang đau khổ nhiều. Bà ta vừa trở thành góa phụ. Ông chồng đã rơi từ cầu xuống sông và bị chết đuối. Ông ta đã chết khi chưa kịp ăn năn thống hối. Do đó, đối với bà, ông chồng chắc chắn đã mất linh hồn.

Cha Vianney đã nhẹ nhàng đến gần, và được Chúa soi sáng, cha đã nói:

– Chồng bà đã được cứu thoát. Qúa ngạc nhiên và tỏ vẻ không tin, bà ta lại hỏi: 

– Thưa cha, làm sao lại có thể như vậy? Cha Vianney cắt nghĩa:

– Có Chúa ở giữa chiếc cầu và dòng sông. Chồng bà đã cùng rơi với Chúa và khi rơi, ông đã làm hòa với Ngài.

– Nhưng làm sao có thể như vậy được? Bà vợ hỏi lại:

– Ðó là một ơn của Ðức Mẹ. Cha Vianney trả lời và cắt nghĩa tiếp:

– Vì một hôm, trên đường từ đồng về nhà, chồng bà đã hái một đóa hoa đem chưng trước tượng Ðức Mẹ ở bên đường. Ðức Mẹ có thể quên được cử chỉ tốt đẹp này sao?

Mừng ngày sinh nhật của Mẹ Maria hôm nay, chúng ta hãy quyết hái nhiều chiếc hoa xinh đẹp dâng kính Mẹ. Nhất là chúng ta hãy tiếp tục làm những việc đạo đức thông thường dâng kính mẹ, như: lần hạt Mân Côi, đọc kinh truyền tin, nguyện kinh cầu. Nhưng chúng ta hãy làm những việc đạo đức thông thường ấy một cách phi thường. Có nghĩa là: miệng đọc, lòng suy và cố gắng đem ra thực hành trong đời sống, để cuộc đời của Ðức Mẹ, vốn đã trở nên một với cuộc đời của Chúa Giêsu, cũng được thể hiện trong cuộc sống của mỗi người trong chúng ta.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật 23 Thường Niên, Năm C

Bài đọc: Wis 9:13-18; Plm 1:9b-10, 12-17; Lk 14:25-33.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người cần có Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa.

 Khôn ngoan là một tĩnh từ mang nhiều hiểu lầm vì tính áp dụng quá rộng của nó: Thiên Chúa khôn ngoan, nhà khoa học khôn ngoan, người thợ kim hoàn khôn ngoan vì làm đồ giả như đồ thật, tên trộm khôn ngoan vì đánh lừa được chủ nhà. Đâu là sự khác biệt mà tĩnh từ khôn ngoan được áp dụng cho các thành phần này?

Trước hết, chúng ta cần phân biệt Đức Khôn Ngoan với sự hiểu biết: Đức Khôn Ngoan chỉ áp dụng cho Thiên Chúa và những sự thuộc về Ngài; trong khi hiểu biết nên áp dụng cho những sự thuộc về loài người. Hiểu biết cũng có nhiều loại: hiểu biết chung cho tất cả phạm vi của loài người được gọi là kiến thức (knowledge), hay cho những phạm vi chuyên môn gọi là khoa học (science)

Các bài đọc hôm nay chú trọng đặc biệt đến Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa và sự cần thiết của Đức Khôn Ngoan trong cuộc đời con người, để họ biết sống thế nào cho đẹp lòng Thiên Chúa và đạt được mục đích của cuộc đời. Trong bài đọc I, tác giả Sách Khôn Ngoan phân tích sự khác biệt giữa Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa và những hiểu biết của con người, và những lợi ích do Đức Khôn Ngoan mang lại. Trong bài đọc II, thánh Phaolô muốn cho Philemon nhận ra sự khác biệt to lớn khi một người biết sống theo sự dạy dỗ khôn ngoan của Thiên Chúa. Họ có thể biến một người vô tích sự thành một người hữu ích cho tha nhân. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đòi con người phải có Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa thì mới có thể đáp ứng những đòi hỏi để trở thành môn đệ của Ngài được. Nếu một người chỉ sống theo những hiểu biết của thế gian, họ sẽ không bao giờ có thể trở thành môn đệ của Ngài.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Đức khôn ngoan của Thiên Chúa và trí khôn của con người

1.1/ Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa và sự hiểu biết của con người

Trước tiên, tác giả Sách Khôn Ngoan xác tín: “Lạy Chúa, nào có ai biết được ý định của Thiên Chúa? Nào có ai hiểu được Đức Chúa muốn điều chi?” Có nhiều lý do cho sự không hiểu biết của con người: Thứ nhất, trí khôn con người có giới hạn, vì con người “là loài phải chết, tư tưởng không sâu, lý luận không vững.” Linh hồn con người bị chi phối bởi thân xác, mà thân xác bị chi phối bởi khí hậu, ăn uống, hoàn cảnh, và nhất là những đòi hỏi về các ham muốn, lo âu và dục vọng. Thứ hai, con người chỉ có thể hiểu biết những gì thuộc thế giới hữu hình, chứ không hiểu biết được thế giới vô hình. Tác giả thú nhận: “Những gì thuộc hạ giới, chúng con đã khó mà hình dung nổi, những điều vừa tầm tay, đã phải nhọc công mới khám phá được, thì những gì thuộc thượng giới, có ai dò thấu nổi hay chăng?” Sự thật của cuộc đời là thế, người tài giỏi lắm cũng chỉ biết những gì thuộc phạm vi của mình; ví dụ, trong nghành y khoa còn phải chia ra các phân khoa như: tim, phổi, thần kinh, xương, da…; trong ngành kỹ sư cũng chia ra các phân khoa như: điện đường, điện tử, cơ khí, cầu cống… Làm sao có thời giờ để quán thông mọi sự trong trời đất?

1.2/ Con người cần được Thiên Chúa ban cho Đức Khôn Ngoan.

(1) Theo tác giả, Đức Khôn Ngoan là quà tặng của Thiên Chúa ban cho con người trong khi sự hiểu biết là do cố gắng hay kinh nghiệm mà con người đạt được.

Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa không lệ thuộc vào trí khôn của con người, vì có người rất hiểu biết nhưng lại không có Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa; trong khi có người ít hiểu biết nhưng lại có Đức Khôn Ngoan của Ngài; dĩ nhiên cũng có những người hiểu biết nhiều và sở hữu Đức Khôn Ngoan. Chính Đức Kitô đã nêu lên sự kiện này khi cầu nguyện cùng Thiên Chúa: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho” (Mt 11:25; Lk 10:21). Thực ra, Thiên Chúa ban tặng Đức Khôn Ngoan cho mọi người, sở dĩ có những người không có là vì họ quá kiêu ngạo, họ không nghĩ họ cần Đức Khôn Ngoan là những mặc khải và giáo huấn của Thiên Chúa.

(2) Những lợi ích mà Đức Khôn Ngoan mang lại cho con người: Tác giả liệt kê 3 lợi ích mà Đức Khôn Ngoan mang lại cho con người: thứ nhất, họ được đẹp lòng Thiên Chúa; thứ hai họ biết sống theo trật tự của Thiên Chúa quan phòng nên họ được thành công và có sự bình an; sau cùng, họ đạt được ơn cứu độ là sự sống đời đời.

2/ Bài đọc II: Kẻ xưa kia là vô dụng, thì nay đã thành người hữu ích cho cả anh lẫn tôi.

2.1/ Phaolô huấn luyện Onesimus theo đường lối và cách thức của Thiên Chúa.

Onesimus là một người nô lệ của Philemon, sống tại Colossae. Vì một lý do nào đó, ông đã bỏ trốn chủ qua Rôma và đã gặp lại Phaolô đang lúc ngài bị giam tù lỏng. Sau một thời gian ở với Phaolô và được huấn luyện, ông đã thay đổi hoàn toàn và được chịu phép Rửa bởi Phaolô. Luật Rôma rất nghiêm nhặt đối với người nô lệ bỏ chủ chạy trốn, ông có thể bị tử hình. Phaolô tuy rất muốn giữ Onesimus ở với mình trong khi tù đày và già yếu; nhưng ông không muốn làm gì mà không có sự đồng ý của Philemon, chủ của Onesimus.

Phaolô coi Onesimus như người con ruột của mình, “đứa con tôi đã sinh ra trong cảnh xiềng xích.” Phaolô xin Philemon nhận lại Onesimus, không phải như nhận lại một người nô lệ; nhưng như một người ruột thịt của ông, và như một người anh em trong Đức Kitô. Có thể nói Phaolô đã làm một cuộc cách mạng khi xin tha chết cho Onesimus, và xin Philemon đối xử với ông không như một người nô lệ.

2.2/ Thay vì một người nô lệ, thì được một người anh em rất thân mến.

Phaolô muốn Philemon hoàn toàn tự do trong việc nhận lại Onesimus, và nếu Philemon đồng ý, gởi Onesimus lại để ở với Phaolô: “Phần tôi, tôi cũng muốn giữ nó ở lại với tôi, để nó thay anh mà phục vụ tôi trong khi tôi bị xiềng xích vì Tin Mừng.”

Chỉ trong thời gian ngắn, Phaolô đã cảm hóa được Onesimus, đến nỗi có thể nói với Philemon “không phải được lại một người nô lệ, nhưng thay vì một người nô lệ, thì được một người anh em rất thân mến; đối với tôi đã vậy, phương chi đối với anh lại càng thân mến hơn biết mấy, cả về tình người cũng như về tình anh em trong Chúa.” Điều này là một chứng minh cho thấy cách giáo dục con người hay nhất là giáo dục theo đường lối và cách thức khôn ngoan của Chúa Giêsu là yêu thương hết mình và sống theo sự thật. Con người sẽ đáp trả khi họ được yêu thương thành thật và được tôn trọng phẩm giá như một con người.

3/ Phúc Âm: Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.

3.1/ Những điều kiện để làm môn đệ của Đức Kitô:

Trình thuật cho biết có rất đông người cùng đi đường với Đức Giêsu. Có lẽ những người này cũng muốn theo Người làm môn đệ, nên Người quay lại bảo họ: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.”

Có ba điều kiện Chúa Giêsu đòi nơi người môn đệ:

(1) Bỏ cha mẹ và những người thân thuộc: Làm môn đệ của Đức Kitô là lãnh sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Ngài. Nếu người môn đệ nào quá lo lắng cho cha mẹ và gia đình, ông sẽ không còn thời gian để chu toàn sứ vụ được trao; vì thế, đòi hỏi của Chúa Giêsu là điều hợp lý. Tuy nhiên, việc từ bỏ đây không có nghĩa phải chấm dứt các mối liên hệ gia đình, nhưng phải dám hy sinh cho một sứ vụ, nhất là khi có xung đột.

(2) Bỏ chính mình: có lẽ đây là điều khó khăn hơn cả, vì người môn đệ bị đòi phải bỏ ý riêng và như thế toàn thể con người mình, để sống hoàn toàn theo ý Thiên Chúa. Nếu người môn đệ hiểu Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa sẽ mang lại những lợi ích và nhất là ơn cứu độ, việc bỏ ý riêng mình là điều cần thiết và nên làm.

(3) Vác thập giá mà theo Chúa: con người thường có khuynh hướng chạy trốn đau khổ để tìm những sự an nhàn và dễ dãi. Người môn đệ bị đòi để sống theo Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa để vào Nước Trời qua cửa hẹp, vì đường rộng rãi thênh thang chỉ dẫn tới sự diệt vong.

3.2/ Hai ví dụ của khôn ngoan: Để dẫn chứng sự hợp lý của những đòi hỏi trên, Chúa Giêsu đưa ra hai ví dụ.

(1) Người xây tháp canh: Đây là một dự án đòi nhiều vật lực và nhân lực; vì thế, người xây phải ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: “Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc.”

(2) Vua giao chiến: Ngày nay cũng như ngày xưa, thăng bằng lực lượng là điều cần thiết phải làm trước khi giao chiến. Nhà lãnh đạo tài giỏi sẽ thăm dò mọi cách để biết lực lượng của đối phương: nếu cán cân lực lượng quá nghiêng về đối phương, ông sẽ phải hạ mình xuống để sai sứ giả cầu hòa để tránh tử vong cho mình, cho binh lính, và cho dân chúng; nếu biết lực lượng của mình mạnh hơn địch, ông sẽ an tâm giao chiến và nắm chắc phần thắng.

Trên con đường làm môn đệ của Đức Kitô cũng vậy, người môn đệ bị đòi phải gạt những hiểu biết theo tính toán con người của mình qua một bên để sống theo Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa. Nếu ngoan cố cứ sống theo cách riêng của mình, người môn đệ sẽ bỏ Đức Kitô nửa đường và không theo Ngài tới cùng được. Chúa Giêsu kết luận: “Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Kiến thức có được do trí khôn con người không đủ giúp con người đạt tới ơn cứu độ. Chúng ta cần cầu xin cho có được Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa. Để có được, chúng ta cần khiêm nhường nhìn nhận những giới hạn của mình.

– Hãy giáo dục chính mình, con cái, và tha nhân theo đường lối và cách thức của Thiên Chúa: đó là yêu thương hết mình và luôn sống theo sự thật.

– Chúng ta phải dẹp bỏ mọi khôn ngoan tính toán theo cách thức con người và chấp nhận những điều kiện Chúa Giêsu đòi hỏi thì mới có thể trở thành môn đệ của Ngài được.

– Chúng ta cần tránh thái độ “ếch ngồi đáy giếng,” chỉ biết những gì trong giếng và bầu trời bằng miệng giếng, để rồi chối từ tất cả những gì ngoài cái giếng nó ở!

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************