Chúa Nhật (10-03-2024) – Trang suy niệm

09/03/2024

Lời Chúa Hôm Nay

Chúa Nhật IV Mùa Chay – Năm B

BÀI ĐỌC I: 2 Sb 36, 14-16. 19-23

“Cơn thịnh nộ và lòng từ bi của Chúa được tỏ bày qua sự lưu đày và giải phóng của dân tộc”.

Trích sách Sử Biên Niên quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, tất cả những đầu mục tư tế và dân chúng đều bất trung, bắt chước những sự ghê tởm của các dân ngoại. Họ làm dơ bẩn đền thờ Chúa đã được Chúa thánh hoá tại Giêrusalem.

Chúa là Thiên Chúa tổ phụ họ, đã luôn luôn đêm ngày sai sứ giả đến với họ, vì Người thương xót dân Người và đền thờ của Người. Nhưng họ nhạo báng các sứ giả Chúa, coi thường lời Chúa, và nhạo báng các tiên tri, đến nỗi, sau hết, cơn thịnh nộ của Chúa đã đổ lên dân Người, và vô phương cứu chữa. Quân thù đã đốt đền thờ Chúa, phá huỷ tường thành Giêrusalem, phóng hoả tất cả các lâu đài và thiêu huỷ mọi đồ vật quý giá. Nếu có ai thoát khỏi lưỡi gươm, thì bị dẫn về Babylon để làm nô lệ nhà vua và con cái vua, cho đến thời vua nước Ba-tư thống trị; như thế ứng nghiệm lời Chúa dùng miệng tiên tri Giêrêmia mà phán, cho đến khi đất nước được mừng ngày Sabbat; vì trong tất cả những ngày xáo trộn, họ sẽ không giữ được ngày Sabbat trọn bảy mươi năm trường.

Năm thứ nhất triều đại Cyrô, vua xứ Ba-tư, để lời Chúa dùng miệng tiên tri Giêrêmia phán trước được thực hiện, thì Chúa thúc đẩy tâm hồn hoàng đế Cyrô, vua xứ Ba-tư, nhà vua ra lệnh truyền rao khắp đất nước, và ban chiếu chỉ rằng: “Đây hoàng đế Cyrô, vua xứ Ba-tư tuyên bố: Chúa là Thiên Chúa trời đất đã ban cho trẫm mọi nước trên mặt đất, và chính Người đã ra lệnh cho trẫm xây cất cho Người một đền thờ ở Giêrusalem trong xứ Giuđa. Ai trong các ngươi thuộc về dân Chúa? Thiên Chúa sẽ ở với nó, và nó hãy tiến lên”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 136, 1-2. 3. 4-5. 6

Đáp: Lưỡi tôi dính vào cuống họng, nếu tôi không nhớ đến ngươi (c. 6a).

 1) Trên bờ sông Babylon, chúng tôi ngồi khóc nức nở, khi tưởng nhớ đến núi Sion. Trên những cây dương liễu miền đó, chúng tôi treo các cây lục huyền cầm của chúng tôi.  

2) Vì nơi này, quân canh ngục đòi chúng tôi vui vẻ hát lên. Họ giục chúng tôi rằng: “Hãy vui mừng; hãy hát cho chúng ta nghe điệu ca Sion!”.  

3) Lẽ nào chúng tôi ca hát ngợi khen Thiên Chúa trên đất khách quê người? Hỡi Giêrusalem, nếu tôi lại quên ngươi, thì cánh tay tôi sẽ bị khô đét.  

4) Lưỡi tôi dính vào cuống họng, nếu tôi không nhớ đến ngươi. Nếu tôi không đặt Giêrusalem trên tất cả mọi niềm vui thoả.  

BÀI ĐỌC II: Ep 2, 4-10

“Anh em chết bởi tội và được cứu rỗi bởi ân sủng”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, Thiên Chúa là Đấng giàu lòng từ bi, vì lòng yêu thương cao cả mà Người đã yêu thương chúng ta, đến nỗi khi tội lỗi làm cho chúng ta phải chết, thì Người làm cho chúng ta sống lại trong Đức Kitô, nhờ ơn Ngài mà chúng ta được cứu rỗi; Người đã cho chúng ta được cùng chung sống lại và đồng ngự trị trên nước trời trong Đức Giêsu Kitô, để tỏ cho hậu thế được thấy sự phong phú dồi dào của ơn Chúa mà lòng nhân lành Chúa đã ban cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô? Vì chưng, bởi ơn Chúa, anh em được cứu rỗi nhờ đức tin. Điều đó không phải do anh em, vì đó là ân huệ của Chúa; cũng không phải do việc làm, để không ai được tự phụ. Vì chúng ta là thụ tạo của Người, đã được tạo thành trong Đức Giêsu Kitô, để làm các việc lành mà Chúa đã dự liệu, hầu chúng ta đem ra thực hành. Đó là lời Chúa.

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Ga 3, 16

Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban Con Một Mình, để tất cả những ai tin Con Ngài, sẽ được sống đời đời.

PHÚC ÂM: Ga 3, 14-21

“Thiên Chúa đã sai Con Ngài đến để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: “Như Môsê đã treo con rắn lên ở sa mạc thế nào, thì Con Người cũng sẽ phải treo lên như vậy, để tất cả những ai tin ở Người, sẽ không bị huỷ diệt, nhưng được sống đời đời. Vì Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Ngài giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa; và đây án phạt là sự sáng đã đến thế gian, và người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng, vì hành động của họ xấu xa. Thật vậy, ai hành động xấu xa thì ghét sự sáng, và không đến cùng sự sáng, sợ những việc làm của mình bị khiển trách; nhưng ai hành động trong sự thật thì đến cùng sự sáng, để hành động của họ được sáng tỏ là họ đã làm trong Thiên Chúa”. Đó là lời Chúa.

Hoặc có thể lấy các Bài Đọc năm A của Chúa Nhật này.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

10/03/2024 – CHÚA NHẬT TUẦN 4 MC – B

Ga 3,14-21

HÃY CHIÊM NGẮM THÁNH GIÁ

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,16)

Suy niệm: Gia đình là tổ ấm. Thật bất hạnh cho những ai không có gia đình! Thế nhưng, có những người không muốn quay trở lại với gia đình mình, không muốn nhìn mặt những người thân. Thời gian kéo dài càng làm cho sự xa cách trầm trọng hơn, người ta càng khó tìm về tổ ấm. Trong mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, Chúa Giê-su trên thánh giá chính là tình yêu của Thiên Chúa tỏ bày với chúng ta, “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” của Ngài. Thế mà, có những người không dám nhìn lên thánh giá, không dám đối diện với thánh giá để chiêm ngắm tình yêu này! Mặc cảm tội lỗi đã từng khiến Phê-rô xin Chúa hãy tránh xa ông, thì nay, cũng chính thứ mặc cảm đó đưa đẩy người ta xa Chúa, không dám đối diện với thánh giá. Tuy nhiên, Chúa vẫn cứ đến với Phê-rô và với con người tội lỗi hôm nay, vì Ngài là Tình yêu. Thánh giá vẫn cứ là dấu chỉ tình yêu Thiên Chúa dành cho thế gian.

Mời Bạn: Mùa Chay giúp cho bạn nhiều cơ hội nhìn ngắm và suy niệm thánh giá, như Đàng Thánh Giá. Bạn sẵn sàng thu xếp công việc để tham dự những cử hành như thế chưa? Bạn cảm nghiệm gì khi chiêm ngắm Chúa Giêsu trên thánh giá?

Sống Lời Chúa: Suy gẫm một chặng trong 14 chặng Đàng Thánh Giá.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con không xin Chúa tránh xa con, nhưng chỉ xin cho con can đảm nhìn ngắm Chúa trên thánh giá. Ở đó, con sẽ hiểu tình Chúa yêu. Ở đó, con yêu Chúa như Chúa đã chiếm đoạt con, dám sống như Chúa, vì tình yêu Chúa nung nấu trái tim con.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy Niệm

Trong Tin Mừng theo thánh Gioan,
Đức Giêsu nhiều lần nhận mình là ánh sáng (Ga 8,12; 9,5; 12,46).
Ngài là ánh sáng đã đến trong thế gian (Ga 1,9).
Tiếc thay, thế gian lại yêu bóng tối và ghét ánh sáng.
Bóng tối dễ làm người ta bị vấp, vì không thấy đường đi.
Nhưng nhiều người vẫn thích bóng tối hơn,
vì bóng tối che giấu những âm mưu của họ.
Sau khi được Thầy Giêsu đãi miếng bánh trong bữa ăn,
Giuđa liền đi ra, lúc đó trời đã tối (Ga 13,30).
Sau khi Đức Giêsu bị bắt vào buổi tối ở Vườn Dầu,
Ngài đã bị các thượng tế vội vã đem ra xét xử suốt đêm đó.
Mãi đến sáng họ mới chuyển Ngài cho Philatô (Ga 18,28).
Trong cuộc Khổ Nạn, có vẻ bóng tối thắng thế.
Thật ra thì bóng tối không thắng được ánh sáng (Ga 1,5).  
“Tên thủ lãnh thế gian không làm gì được Thầy” (Ga 14.30).
Sự phục sinh của Đức Giêsu là chiến thắng của ánh sáng.

Không phải chỉ từ khi làm người, Ngôi Lời mới là ánh sáng.
Ngài là ánh sáng từ vĩnh cửu, chiếu soi cả nhân loại (Ga 1,4.9).
Khi đối diện với Đức Giêsu, con người đứng trước một lựa chọn:
tin hay không tin, đón nhận hay từ chối ánh sáng.
Có những người không tin Đức Giêsu
không phải vì đức tin nghịch với lý trí, nhưng vì lối sống của họ.
Ai làm điều ác thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng,
vì họ sợ điều ác của họ bị phơi bày (Ga 3,20).
Ai làm theo sự thật thì đến cùng ánh sáng,
vì họ muốn việc họ làm được thấy là đúng ý Chúa (Ga 3,21).
Đến với Giêsu là đến với ánh sáng.
Ai có cuộc sống càng gần với sự thật, sự thiện,
thì càng dễ đón nhận ánh sáng và tin vào Giêsu.
Mặt khác, ai càng tin vào và bước theo Giêsu,
thì càng không ở lại, không đi trong bóng tối (Ga 8,12; 12,46).

Như thế để được sự sống đời đời, cần tin vào Đức Giêsu.
Nhưng đó không phải là một đức tin trên lý thuyết suông,
mà là một đức tin luôn làm cho đời mình được tỏa sáng.
Tin vào Đấng là ánh sáng đòi chúng ta phải từ khước bóng tối,
bóng tối sự dữ, bóng tối dối trá, bóng tối của ý định gian tà.
Vào ngày tận thế, người chết sẽ ra khỏi mồ.
“Ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống,
ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án” (Ga 5,29).
Mặt khác, muốn làm cho nhiều người tin Đức Giêsu,
chúng ta phải xây dựng một thế giới tốt lành, huynh đệ.
Một thế giới càng ít điều xấu xa, đen tối, ám muội,
thì càng dễ đón nhận và tin vào Giêsu.

Lời Chúa hôm nay mời chúng ta đến với ánh sáng,
dứt khoát từ bỏ bóng tối, dù bóng tối cho ta sự an toàn.
Hơn nữa, Lời Chúa còn mời chúng ta ngước nhìn lên.
Người Do-thái xưa đã ngước nhìn lên con rắn đồng treo ở cột,
để được chữa lành khỏi cái chết vì rắn cắn.
Ngày nay, chúng ta được mời ngước nhìn lên Người Con Một
đang được giương cao trên thập giá.
Chẳng ai yêu Người Con ấy bằng Thiên Chúa Cha.
Nhưng Cha lại tặng chính Người Con mình yêu dấu
cho thế gian tội lỗi, đang thù nghịch và chống đối mình.
Phải yêu thế gian này biết chừng nào, Cha mới làm như vậy.
Đơn giản là Cha muốn cứu loài người khỏi họa diệt vong.
Người Con Một là bàn tay Cha đưa ra cho nhân loại.
Ai nắm lấy bàn tay ấy với lòng tin thì được sống.

Mùa Chay đã gần hết, lời mời trở nên khẩn trương hơn.
Chỉ mong chúng ta được sức sống hơn nhờ nhìn lên…
và được ngời sáng hơn nhờ đến cùng ánh sáng.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giê su,
ánh sáng và bóng tối thì dễ phân biệt,
còn bóng mờ thì khó nhận ra hơn.
Con đã mạnh dạn khước từ bóng tối
nhưng khi nhìn thật sâu vào lòng mình,
con vẫn thấy có nhiều bóng mờ tác động.
Con an tâm ở lại trong bóng mờ,
vì thấy đó chưa phải là một tội.
Nhưng con cũng áy náy,
vì biết rằng bóng mờ là nơi
ánh sáng Chúa chưa thấm nhập trọn vẹn.
Con không muốn bóng mờ thành ánh sáng,
vì con vẫn muốn giữ lại
một điều gì đó rất quý đối với con.

Xin giải phóng con khỏi những tình cảm lệch lạc
để con được tự do yêu mến và phụng sự Chúa hơn.
Xin chinh phục những bóng mờ trong lòng con
để con được thuộc trọn về Chúa.
Xin kéo con ra khỏi thái độ lấp lửng nước đôi,
để dứt khoát đặt Chúa trên mọi sự.
Ước gì con có đủ can đảm để dám nhìn thẳng vào
những bóng mờ trong đời con.
Và ước gì con được trở nên trong suốt
nhờ để cho ánh sáng Chúa
tràn ngập mọi vùng mờ tối nơi con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

10 THÁNG BA

Cái Giá Của Ơn Giao Hòa

Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc, đã trả giá cân xứng cho tội lỗi chúng ta. “Người là sự bình an của chúng ta” (Ep 2,14). Người là sự giao hòa của chúng ta.

Đó là lý do tại sao cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Kitô – được biểu trưng một cách bí tích trong Thánh Lễ – thường được gọi là phụng vụ “hy lễ hòa giải”. Đây là lời của Kinh Nguyện Thánh Thể III: “Xin Cha nhìn đến Đấng mà cuộc tử nạn của Người đã giao hòa chúng con với chính Cha”. Giao hòa với Thiên Chúa và với anh chị em, đó là việc thiết yếu. Chính Đức Giêsu đã dạy rằng trước khi dâng của lễ, cần phải giao hòa với anh em trước đã (Mt 5,23).

Thánh Phao-lô viết: “Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi van nài anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa” (2Cr 5,20). Giáo Hội tha thiết lặp lại lời kêu gọi ấy của Thánh Tông Đồ. Giáo Hội kêu gọi tất cả chúng ta tiến tới sự thánh thiện đích thực trong Đức Kitô. Thánh Phao-lô tiếp tục: “Vì chúng ta, nên Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi – để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2Cr 5,21).

Tiếng gọi mời con người hòa giải với Thiên Chúa không đơn thuần chỉ là một sứ điệp hay thậm chí một tiếng kêu van. Sứ điệp ấy mạnh mẽ không kém so với sứ điệp của Gio-an Tẩy Giả trên bờ sông Gio-đan, hay so với sứ điệp của các ngôn sứ trong Cựu Ước. Song nó không chỉ là một sứ điệp. Đó là một hành động đầy năng lực. Đó là một hành động phát xuất từ tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con. Đó là một hy tế, một sự trả giá lớn lao. Chúng ta đã được chuộc về với một giá đắt. Chúng ta hãy tôn vinh và cảm tạ Thiên Chúa vì lòng thương xót của Ngài (1Cr 6,20; 7,23)

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 10/3

CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY

Sb 36, 14-16. 19-23; Ep 2, 4-10; Ga 3, 14-21..

Lời Suy Niệm: “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.” (Ga 3,14)

          Chúa Giêsu đang mời gọi từng người hãy biết nhìn lên Thánh Giá và tin vào Người, vì chính Người là Đấng cứu độ trần gian. Khi Người bị dương cao lên khỏi mặt đất, Người sẽ kéo những kẻ tin vào Người lên cùng Người, và sẽ được đưa vào Nước Trời để hưởng sự sống đời đời với Người.

          Lạy Chúa Giêsu, nhân loại với sức tự nhiên của mình, không thể vào được Nước Trời. Xin cho chúng con luôn biết tin vào Chúa. Chỉ có Chúa là Đấng từ trời mà đến, mới dẫn lối cho chúng con biết đường về trời, để được sống muôn đời. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

10 Tháng Ba

Gieo Gió Gặt Bão 

Ðêm 17/5/1987, một chiến đấu cơ do Pháp chế tạo đã được Iraq sử dụng để phóng đi hai hỏa tiễn Exocet cũng do Pháp chế tạo. Không rõ do tính toán hay tai nạn, hai hỏa tiễn này đã đâm bổ xuống hàng không mẫu hạm Satark của Mỹ đang đậu trong vùng vịnh Ba Tư. 37 người Mỹ đã vong mạng trọng vụ ấy!

Người Ả Rập thường nói: “Kẻ thù của kẻ thù của tôi là bạn tôi”. Có lẽ người Mỹ và nhiều nước Tây phương cũng xử sự theo châm ngôn ấy. Trong cuộc chiến kéo dài 8 năm của Iran và Iraq, đa số các nước Tây phương kể cả Liên Xô đều đứng về phía Iraq.

Liên Xô là nước cung cấp cho I raq nhiều vũ khí nhất. Từ giữa năm 1983 đến năm 1988, Iraq đã mua của thế giới một số vũ khí trị giá khoảng 34 tỷ Mỹ kim. Cùng với chiến xa T-72 và hỏa tiễn Scud-B, Liên Xô là nước đã bán cho thế giới đến 50% khí giới.

Ðể đổi lấy dầu của Iraq, Pháp đã bán cho nước này số khí giới trị giá khoảng 16 tỷ Mỹ kim. Ngày nay, 133 chiến đậu cơ Mirage F.I và hỏa tiễn Exocet mà Iraq đã đưa vào cuộc chiến ở vùng vịnh Ba Tư đều do Pháp cung cấp.

Năm 1984, Hoa Kỳ đã tái lập ngoại giao với Iraq và loại Iraq ra khỏi sổ những nước chuyên gây các cuộc khủng bố trên thế giới. Sự tín nhiệm của Hoa Kỳ đối với Iraq cũng khiến cho những nước Tây phương khác như Tây Ðức cung cấp cho Iraq chuyên viên, kỹ thuật và nguyên liệu nhờ đó Iraq đã có thể chế tạo các vũ khí hóa học và nguyên tử.

Vô tình hay hữu ý, các nước Tây phương đã củng cố cho nền độc tài của Saddam Hussein và đưa ông đến cuộc thách thức hiện nay. Một nhà chính trị người Iraq hiện lưu vong tại Pháp đã nói như sau: “Chúng tôi đã lên tiếng về chế độ độc ác của Hussein. Nhưng đó chỉ là tiếng kêu trong sa mạc. Vì bức tường của những lợi lộc kinh tế, chúng tôi đã không được lắng nghe. Kết quả cho thấy là một nhà độc tài như ong được nuôi trong tay áo, nay đang hiện nguyên hình thành một quái vật”.

Câu chuyện trên đây có thể giúp chúng ta rút ra một bài học về những hậu quả mà người ta phải gánh chịu về những việc làm của mình. Chúng ta vẫn thường nói: “Gieo gió thì gặt bão”… Các nước Tây phương ngày nay hẳn phải đấm ngực để chịu đựng cơn bão táp mà chính họ là người đã đóng góp vào để tạo nên. Khí giới do Tây phương cung cấp ngày nay đã quay lại chống họ.

Thánh Phaolô trong thư gửi cho giáo đoàn Galata đã kêu gọi chúng ta, thay vì gieo trong xác thịt, hãy gieo trong thần khí.

Gieo trong xác thịt tức là gieo rắc hận thù, chết chóc, là nuôi dưỡng ích kỷ, là gây đố kỵ, chia rẽ: những hạt giống ấy chỉ nảy nở bằng cây của tang thương, đau khổ và hủy diệt cho chính mình cũng như cho người khác.

Gieo trong thần khí chính là sống quảng đại, phục vụ, hòa nhã, yêu thương, cảm thông, nhẫn nhục, tha thứ… Hạt giống của thần khí có thể là hạt giống nhỏ bé và âm thầm như hạt cải, nhưng sẽ trở thành cây to lớn. Không có một nghĩa cử nào, dù nhỏ mọn đến đâu, mà không mang lại hoa trái Bình An cho tha nhân và cho chính bản thân.

Chiến tranh trên quy mô thế giới, chiến tranh giữa nước này với nước nọ, chiến tranh trong cùng một quốc gia: Ở mọi quy mô, chiến tranh nào cũng là cơn bão táp mà chính con người tự góp gió để thổi lên.

Nơi nào có bất hòa, thì nơi đó có chiến tranh. Nơi nào lợi lộc được đặt lên trên mọi giá trị khác, thì nơi đó đã có chiến tranh.

Người môn đệ của Ðức Kitô, Nguyên Ủy của Hòa Bình, luôn được mời gọi để xây dựng Hòa Bình và Hòa Bình chớm nở khi con người bắt đầu gieo trồng hạt giống của Yêu Thương.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật IV – Năm B – Mùa Chay 

Bài đọc: II Chro 36:14-17, 19-23; Eph 2:4-10; Jn 3:14-21.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tình thương Thiên Chúa cứu chuộc con người.

             Con người thường đặt câu hỏi khi phải đối diện những tai ương tàn khốc: “Tại sao một Thiên Chúa tốt lành lại để con người phải chịu những hậu quả thảm khốc như thế?” Nếu không tìm được câu trả lời thích đáng, họ sẽ từ chối tin vào Thiên Chúa vì hai lý do: hoặc không có Thiên Chúa hoặc Thiên Chúa không có lòng thương xót.

             Các Bài Đọc hôm nay cung cấp cho chúng ta câu trả lời thích đáng. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Sử Biên Niên II tường trình cách vắn gọn tiến trình giáo dục con người của Thiên Chúa. Hình phạt chỉ là cách cuối cùng để con người nhận ra lầm lỗi của mình và để ngăn ngừa con người khỏi hư mất đời đời. Trong Bài Đọc II, Thánh Phaolô xác quyết Thiên Chúa đã tỏ lòng nhân hậu với con người qua biến cố Đức Kitô. Ngài sẵn sàng hy sinh Người Con Một để chúng ta có thể đạt được Ơn Cứu Độ là sự sống muôn đời. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nói rõ: Thiên Chúa đã quá yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Mình. Mục đích của Ngài không là để kết án thế gian, nhưng để thế gian nhờ Người Con mà được Ơn Cứu Độ.  

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC: 

1/ Bài đọc I: Tiến trình giáo dục của Thiên Chúa.

1.1/ Ngài dạy dỗ và cảnh cáo con người:

            – Con người phạm nhiều tội và nhiều lần. Sách Sử Biên Niên chỉ nói cách tổng quát các tội: “Tất cả các thủ lãnh của các tư tế và dân chúng mỗi ngày một thêm bất trung bất nghĩa, học theo mọi thói ghê tởm của chư dân và làm cho Nhà Đức Chúa đã được thánh hiến ở Jerusalem ra ô uế.”

            – Sai nhiều ngôn sứ đến cảnh cáo: Con người đã được Thiên Chúa dạy dỗ qua Lề Luật, họ đã biết những gì họ phải làm và hậu quả họ phải chịu nếu không giữ cẩn thận các Lề Luật. Tuy nhiên, vì tình thương, “Thiên Chúa vẫn không ngừng sai sứ giả của Người đến cảnh cáo họ, vì Người hằng thương xót dân và thánh điện của Người. Nhưng họ nhạo cười các sứ giả của Thiên Chúa, khinh thường lời Người và chế giễu các ngôn sứ của Người.”

1.2/ Ngài sửa phạt dân như lời Ngài đã cảnh cáo:

            – Sau khi Thiên Chúa kiên nhẫn dạy dỗ dân qua Lề Luật và các Ngôn-sứ, và họ cố chấp không chịu nghe lời, Thiên Chúa dùng Vua Canđê như chiếc roi để sửa phạt dân: “Đức Chúa để cho vua Canđê tiến lên đánh họ; vua này dùng gươm giết các thanh niên ngay trong Thánh Điện của họ, chẳng chút xót thương bất kể thanh niên thiếu nữ, kẻ đầu xanh cũng như người tóc bạc. Đức Chúa trao tất cả họ vào tay vua Canđê. Quân Canđê đốt Nhà Thiên Chúa, triệt hạ tường thành Jerusalem, phóng hoả đốt các lâu đài trong thành và phá huỷ mọi đồ đạc quý giá. Những ai còn sót lại không bị gươm đâm, thì vua bắt đi đày ở Babylon; họ trở thành nô lệ của vua và con cháu vua, cho đến thời vương quốc Ba-tư ngự trị.”

            – Mục đích của việc sửa phạt là để cho dân nhận ra tội lỗi và hậu quả của nó, chứ không phải để thỏa mãn tính nóng giận mà để cho chết. Nếu Thiên Chúa không sửa phạt, dân chúng sẽ chết hết trong tội của họ. Khi Thiên Chúa sửa phạt, một số sẽ nhận ra tội lỗi, và bắt đầu cuộc hành trình trở lại với Ngài, để được Ngài xót thương. Như vậy, hình phạt cần thiết để tạo nên sự thống hối ăn năn, và để ngăn ngừa dân khỏi các hình phạt nặng nề hơn, nhất là cái chết.

1.3/ Thiên Chúa sửa phạt rồi lại xót thương:

            – Thiên Chúa xót thương vì Ngài là Cha: Khi dân biết nhận ra tội của họ và thực lòng ăn năn thống hối, Thiên Chúa tha thứ và cứu dân khỏi hình phạt họ đang chịu. Ngài xót thương vì Ngài là Cha, và không một người cha nào muốn con mình phải hư mất. Ngài hòan lại tất cả những gì con cái Israel đã mất: quê hương, Đền Thờ, và Lời Hứa với các Tổ-phụ.

            – Thiên Chúa có tòan quyền trên tất cả quyền lực của thế gian: Điều này chứng tỏ qua các sự kiện: Ngài dùng Vua Babylon như chiếc roi để sửa phạt dân; khi dùng xong, Ngài bẻ gãy chiếc roi bằng việc trao đế quốc Babylon vào tay Cyrus, Vua Ba-tư. Chính Vua này lại trở thành khí cụ Chúa dùng để phóng thích dân Do-thái, cho về để tái thiết lại quốc gia và Đền Thờ. Điều này đã được Thiên Chúa báo trước qua lời ngôn sứ Jeremiah; để khi xảy ra, dân chúng biết đó không phải là chuyện tình cờ, nhưng đã được xếp đặt trước bởi Thiên Chúa, để họ tin vào Ngài.

2/ Bài đọc II: Thiên Chúa tỏ lòng nhân hậu với chúng ta trong Đức Kitô Giêsu.

2.1/ Thiên Chúa tỏ tình yêu cho con người qua Đức Kitô:

            – Đức Kitô đến để lấp đầy khỏang cách xa lạ giữa con người và Thiên Chúa: Tội lỗi làm con người mặc cảm và xa lánh Thiên Chúa; Đức Kitô đến để mời gọi con người quay về với tình yêu Thiên Chúa.

            – Ngài nâng cao địa vị và phẩm giá con người: “Họ là con Thiên Chúa và Ngài yêu thương họ.” Tội lỗi làm mất đi các đặc quyền con người được hưởng như một người con của Thiên Chúa. Đức Kitô đến để phục hồi cho con người quyền làm con. Dụ ngôn Người Cha nhân hậu dẫn chứng rõ ràng điều này.

            – Ngài hướng lòng con người lên những điều tốt lành thánh thiện và giải thóat con người khỏi xiềng xích của tội, Ngài cho con người cảm nghiệm được tình thương Thiên Chúa.

            – Ngài cứu con người khỏi chết và cho con người được cùng sống lại với Đức Kitô. Chính do Đức Kitô mà con người đạt được đích điểm Thiên Chúa đã phác họa cho con người.

2.2/ Chúng ta được cứu độ là do bởi ân sủng của Thiên Chúa:

            – Hòan tòan là do bởi ân sủng của Thiên Chúa: Con người không thể làm gì để đạt Ơn Cứu Độ, vì tất cả đều phạm tội, và như một hậu quả, tất cả đều đáng phải chết. Nhưng tại sao con người không phải chết là hòan tòan do lòng thương xót của Thiên Chúa: Ngài cho Người Con Một của mình để chết thay cho nhân lọai. Điều Thiên Chúa mong muốn là con người hãy tin vào Người Con; và qua niềm tin này, con người sẽ nhận được Ơn Cứu Độ: “Quả vậy, chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa; cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện.”

            – Chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa: “Chúng ta được dựng nên trong Đức Kitô Giêsu, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta.” Như nguyện ước của các cha mẹ khi sinh con ra đời, họ muốn con nên người và đạt được mọi kỳ vọng họ đặt nơi con. Để giúp con đạt được những kỳ vọng này, họ sẵn sàng hy sinh tất cả. Thiên Chúa cũng thế, Ngài cho con người ra đời là muốn tất cả đạt tới Ơn Cứu Độ. Để giúp con người đạt đích, Ngài sẵn sàng hy sinh tất cả, ngay cả việc cho đi chính Ngài qua Mầu Nhiệm Thập Giá.

3/ Phúc Âm: Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người.

3.1/ Nhờ Đức Kitô chịu khổ hình, con người được hưởng ơn Cứu Độ: Chúa Giêsu dùng biến cố “rắn lửa cắn dân chết” trong Sách Dân Số, để loan báo trước về Cuộc Khổ Nạn của Người:

            – Như nọc độc của rắn làm dân phải chết, nọc độc của tội cũng làm dân phải chết (Num 21:4-9). Như ông Moses đã giương cao con rắn trong sa mạc, Chúa Kitô cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để cứu chuộc con người.

            – Điều kiện để được chữa khỏi nọc độc của rắn là phải nhìn lên con rắn đồng trong sa mạc; điều kiện để được sống muôn đời là nhìn lên Cây Thập Giá và phải tin vào Đức Kitô. Khi nhìn lên Thập Giá, con người phải hiểu được tình thương Thiên Chúa dành cho con người; khi Ngài cho Người Con Một là Ngài cho chính Ngài: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.”

3.2/ Thiên Chúa không kết án thế gian, con người lên án chính mình:

            – Tình thương không có chỗ cho buộc tội, kết án: Mục đích của việc Chúa Cha sai Người Con tới là để gánh tội và chết cho con người: “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.” 

            – Con người kết án chính mình khi từ chối tình yêu Thiên Chúa, và không tin vào Đức Kitô: “Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.”

3.3/ Bản án của con người: “Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa.”

            – Ánh sáng và bóng tối: Ánh sáng là chính Đức Kitô, là Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa. Khi Đức Kitô đến, Ngài buộc con người phải làm quyết định: tin hay không tin vào Ngài. Bóng tối là tội lỗi, là những cám dỗ bất chính của Satan.

            – Con người có tự do lựa chọn: Họ có thể chọn ra ngòai ánh sáng hay ở trong bóng tối, chọn Thiên Chúa hay chọn ma quỉ. Khi con người chọn đàng nào, con người phải chấp nhận hậu quả của nó. Chọn ánh sáng sẽ dẫn con người tới Ơn Cứu Độ; chọn bóng tối sẽ làm cho con người phải chết muôn đời. Con người lên án chính mình bằng ngoan cố ở trong bóng tối.

            – Theo Gioan, Thiên Chúa chẳng cần phán xét con người, họ phán xét chính mình. Con người cũng chẳng cần phải đợi Ngày Phán Xét; chính lúc con người lựa chọn ở trong bóng tối là con người tuyên án cho chính mình (Realized eschatology, “phán xét ngay hiện tại” là thế). Phán xét tương lại hòan tòan tùy thuộc vào phán xét hiện tại.

            – Kẻ làm điều gian ác thích ở trong bóng tối, vì sợ nếu ra ngòai ánh sáng, các tội lỗi của mình sẽ bị lật tẩy. Điều này chúng ta dễ nhận ra vì đa số các tội ác xảy ra ban đêm và những chỗ vắng vẻ không người, như lời Tin Mừng hôm nay: “Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách.”

            – Ngược lại, người làm điều chân thật lại thích ở trong ánh sáng để tránh mọi nguy hiểm do bóng tối mang lại: “Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa.” 

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG: 

            – Tiến trình giáo dục của con người giúp chúng ta nhận ra tiến trình giáo dục của Thiên Chúa. Hình phạt chỉ là cách thế sau cùng Thiên Chúa dùng trong tiến trình giáo dục.

            – Ngay cả khi xử dụng hình phạt, tình thương của Thiên Chúa vẫn chiếu sáng. Nếu không có hình phạt, con người sẽ không nhận ra lỗi lầm của mình.

            – Cần nhìn tòan thể Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa trước khi con người có thể phê bình cách thức của Ngài dùng. Nếu chỉ nhìn vào một biến cố, con người dễ mất niềm tin nơi Ngài. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************