Chúa Nhật (12-03-2023) – Trang suy niệm

11/03/2023

Lời Chúa Hôm Nay

Chúa Nhật Tuần III Mùa Chay Năm A

BÀI ĐỌC I: Xh 17, 3-7

“Xin cho chúng tôi nước để chúng tôi uống”.

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, dân chúng khát nước, nên phàn nàn với ông Môsê rằng: “Tại sao ông dẫn dắt chúng tôi ra khỏi Ai-cập, để cho chúng tôi cùng con cái và đoàn súc vật chúng tôi phải chết khát như vầy”. Môsê kêu lên cùng Chúa rằng: “Con sẽ phải làm gì cho dân này? Còn một chút nữa là họ ném đá con rồi”. Chúa liền phán bảo Môsê: “Ngươi hãy tiến lên, đi trước dân chúng và dẫn các bậc kỳ lão Israel đi theo, tay ngươi cầm gậy mà ngươi đã dùng mà đánh trên nước sông. Này đây, Ta sẽ đứng trước mặt ngươi, trên tảng đá Horeb, ngươi sẽ đánh lên tảng đá, từ tảng đá nước sẽ chảy ra cho dân uống”. Môsê làm các điều nói trên trước mặt các bậc kỳ lão Israel. Ông đặt tên nơi đó là “Thử Thách”, vì con cái Israel đã phàn nàn và thách thức Chúa mà rằng: “Chúa có ở với chúng tôi hay không?”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9

Đáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: “Các ngươi đừng cứng lòng!” (c. 8).

1) Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Đá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người! – Đáp.

2) Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lạy, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Đấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta,và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người. – Đáp.

3) Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: “Đừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta”. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: Rm 5, 1-2. 5-8

“Lòng mến Chúa đổ xuống lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần là Đấng đã được ban cho chúng ta”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, khi được đức tin công chính hoá, chúng ta được hoà thuận với Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng cho chúng ta nhờ đức tin mà tiến đến ân sủng, đứng vững ở đó, và được hiển vinh trong niềm hy vọng vinh quang của con cái Chúa. Nhưng cậy trông không làm hổ thẹn, vì lòng mến Chúa đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần là Đấng đã được ban cho chúng ta. Ngay từ khi chúng ta còn yếu hèn, Chúa Kitô theo kỳ hẹn mà chịu chết vì chúng ta là kẻ tội lỗi. Ít có ai chết thay cho người công chính, hoạ chăng mới có người dám chết vì kẻ lành. Nhưng Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta. Đó là lời Chúa.

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Ga 4, 42 và 15.

Lạy Chúa, Chúa thật là Đấng cứu chuộc thế gian; xin ban cho con nước hằng sống, để con không còn khát nữa. 

PHÚC ÂM: Ga 4, 5-42 (bài dài)

“Mạch nước vọt đến sự sống đời đời”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu tới một thành gọi là Sykar thuộc xứ Samaria, gần phần đất Giacóp đã cho con là Giuse, ở đó có giếng của Giacóp. Chúa Giêsu đi đường mệt, nên ngồi nghỉ trên miệng giếng, lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu.

Một người đàn bà xứ Samaria đến xách nước, Chúa Giêsu bảo: “Xin bà cho tôi uống nước” (lúc ấy, các môn đệ đã vào thành mua thức ăn). Người đàn bà Samaria thưa lại: “Sao thế! Ông là người Do-thái mà lại xin nước uống với tôi là người xứ Samaria?” (Vì người Do-thái không giao thiệp gì với người Sa-maria).

Chúa Giêsu đáp: “Nếu bà nhận biết ơn của Thiên Chúa ban và ai là người đang nói với bà: ‘Xin cho tôi uống nước’, thì chắc bà sẽ xin Người, và Người sẽ cho bà nước hằng sống”.

Người đàn bà nói: “Thưa Ngài, Ngài không có gì để múc, mà giếng thì sâu, vậy Ngài lấy đâu ra nước? Phải chăng Ngài trọng hơn tổ phụ Giacóp chúng tôi, người đã cho chúng tôi giếng này và chính người đã uống nước giếng này cũng như các con cái và đoàn súc vật của người?”

Chúa Giêsu trả lời: “Ai uống nước giếng này sẽ còn khát, nhưng ai uống nước Ta sẽ cho thì không bao giờ còn khát nữa, vì nước Ta cho ai thì nơi người ấy sẽ trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời”. Người đàn bà thưa: “Thưa Ngài, xin cho tôi nước đó để tôi chẳng còn khát và khỏi phải đến đây xách nước nữa”. Chúa Giêsu bảo: “Bà hãy đi gọi chồng bà rồi trở lại đây”. Người đàn bà đáp: “Tôi không có chồng”. Chúa Giêsu nói tiếp: “Bà nói ‘tôi không có chồng’ là phải, vì bà có năm đời chồng rồi, và người đàn ông đang chung sống với bà bây giờ không phải là chồng bà, bà đã nói đúng đó”.

Người đàn bà nói: “Thưa Ngài, tôi thấy rõ Ngài là một tiên tri. Cha ông chúng tôi đã thờ trên núi này, còn các ông, các ông lại bảo: phải thờ ở Giêrusalem”.

Chúa Giêsu đáp: “Hỡi bà, hãy tin Ta, vì đã đến giờ người ta sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải ở trên núi này hay ở Giêrusalem. Các người thờ Đấng mà các người không biết, còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ từ dân Do-thái mà đến. Nhưng đã đến giờ, và chính là lúc này, những kẻ tôn thờ đích thực, sẽ thờ Chúa Cha trong tinh thần và chân lý, đó chính là những người tôn thờ mà Chúa Cha muốn. Thiên Chúa là tinh thần, và những kẻ tôn thờ Người, phải tôn thờ trong tinh thần và trong chân lý”.

Người đàn bà thưa: “Tôi biết Đấng Messia mà người ta gọi là Kitô sẽ đến, và khi đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự”. Chúa Giêsu bảo: “Đấng ấy chính là Ta, là người đang nói với bà đây”.

Vừa lúc đó các môn đệ về tới. Các ông ngạc nhiên thấy Ngài nói truyện với một người đàn bà. Nhưng không ai dám hỏi: “Thầy hỏi bà ta điều gì, hoặc: tại sao Thầy nói truyện với người đó?” Bấy giờ người đàn bà để vò xuống, chạy về thành bảo mọi người rằng: “Mau hãy đến xem một ông đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Phải chăng ông đó là Đấng Kitô?” Dân chúng tuôn nhau ra khỏi thành và đến cùng Ngài, trong khi các môn đệ giục Ngài mà rằng: “Xin mời Thầy ăn”. Nhưng Ngài đáp: “Thầy có của ăn mà các con không biết”. Môn đệ hỏi nhau: “Ai đã mang đến cho Thầy ăn rồi chăng?” Chúa Giêsu nói: “Của Thầy ăn là làm theo ý Đấng đã sai Thầy và chu toàn công việc Ngài. Các con chẳng nói: còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt đó ư? Nhưng Thầy bảo các con hãy đưa mắt mà nhìn xem đồng lúa chín vàng đã đến lúc gặt. Người gặt lãnh công và thu lúa thóc vào kho hằng sống, và như vậy kẻ gieo người gặt đều vui mừng. Đúng như câu tục ngữ: Kẻ này gieo, người kia gặt. Thầy sai các con đi gặt những gì các con không vất vả làm ra; những kẻ khác đã khó nhọc, còn các con thừa hưởng kết quả công lao của họ”.

Một số đông người Samaria ở thành đó đã tin Người vì lời người đàn bà làm chứng rằng: “Ông ấy đã nói với tôi mọi việc tôi đã làm”. Khi gặp Người, họ xin Người ở lại với họ. Và Người đã ở lại đó hai ngày, và vì nghe chính lời Người giảng dạy, số những kẻ tin ở Người thêm đông hẳn, họ bảo người đàn bà: “Giờ đây, không phải vì những lời chị kể mà chúng tôi tin, nhưng chính chúng tôi đã được nghe lời Người và chúng tôi biết Người thật là Đấng Cứu Thế”. Đó là lời Chúa.

HOẶC ĐỌC BÀI VẮN NÀY: Ga 4, 5-15. 19b-26. 39a. 40-42

Khi ấy, Chúa Giêsu tới một thành gọi là Sykar thuộc xứ Samaria, gần phần đất Giacóp đã cho con là Giuse, ở đó có giếng của Giacóp. Chúa Giêsu đi đường mệt, nên ngồi nghỉ trên miệng giếng, lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu.

Một người đàn bà xứ Samaria đến xách nước, Chúa Giêsu bảo: “Xin bà cho tôi uống nước” (lúc ấy, các môn đệ đã vào thành mua thức ăn). Người đàn bà Samaria thưa lại: “Sao thế! Ông là người Do-thái mà lại xin nước uống với tôi là người xứ Samaria?” (vì người Do-thái không giao thiệp gì với người Samaria).

Chúa Giêsu đáp: “Nếu bà nhận biết ơn của Thiên Chúa ban và ai là người đang nói với bà: ‘Xin cho tôi uống nước’, thì chắc bà sẽ xin Người, và Người sẽ cho bà nước hằng sống”.

Người đàn bà nói: “Thưa Ngài, Ngài không có gì để múc, mà giếng thì sâu, vậy Ngài lấy đâu ra nước? Phải chăng Ngài trọng hơn tổ phụ Giacóp chúng tôi, người đã cho chúng tôi giếng này, và chính người đã uống nước giếng này cũng như các con cái và đoàn súc vật của người?”

Chúa Giêsu trả lời: “Ai uống nước giếng này sẽ còn khát, nhưng ai uống nước Ta sẽ cho thì không bao giờ còn khát nữa, vì nước Ta cho ai thì nơi người ấy sẽ trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời”. Người đàn bà thưa: “Thưa Ngài, xin cho tôi nước đó để tôi chẳng còn khát, và khỏi phải đến đây xách nước nữa”.

Và người đàn bà nói với Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, tôi thấy rõ Ngài là một tiên tri. Cha ông chúng tôi đã thờ trên núi này, còn các ông, các ông lại bảo: phải thờ ở Giêrusalem”. Chúa Giêsu đáp: “Hỡi bà, hãy tin Ta, vì đã đến giờ người ta sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải ở trên núi này hay ở Giêrusalem. Các người thờ Đấng mà các người không biết, còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ từ dân Do-thái mà đến. Nhưng đã đến giờ, và chính là lúc này, những kẻ tôn thờ đích thực, sẽ thờ Chúa Cha trong tinh thần và chân lý, đó chính là những người tôn thờ mà Chúa Cha muốn. Thiên Chúa là tinh thần, và những kẻ tôn thờ Người, phải tôn thờ trong tinh thần và trong chân lý”.

Người đàn bà thưa: “Tôi biết Đấng Messia mà người ta gọi là Kitô sẽ đến, và khi đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự”. Chúa Giêsu bảo: “Đấng ấy chính là Ta, là người đang nói với bà đây”.

Một số đông người Samaria ở thành đó đã tin Người vì lời người đàn bà làm chứng. Khi gặp Người, họ xin Người ở lại với họ. Và Người đã ở lại đó hai ngày, và vì nghe chính lời Người giảng dạy, số những kẻ tin ở Người thêm đông hẳn, họ bảo người đàn bà: “Giờ đây, không phải vì những lời chị kể mà chúng tôi tin, nhưng chính chúng tôi đã được nghe lời Người và chúng tôi biết Người thật là Đấng Cứu Thế”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

12/03/2023 – CHÚA NHẬT TUẦN 3 MC – A

Ga 4,5-42

GẶP GỠ ĐỨC KI-TÔ, BIẾN ĐỔI CUỘC ĐỜI MÌNH

“Đấng Mê-si-a chính là tôi, người đang nói với chị đây.” (Ga 4,14)

Suy niệm: Chúa Giê-su khéo léo dẫn người phụ nữ Sa-ma-ri đi từ cơn khát tự nhiên đến cơn khát siêu nhiên, từ nước uống thường đến nước hằng sống. Ngài biến đổi chị từ chỗ đang là người cho nước thành người đi xin nước. Sau cùng, chị nhận ra Chúa là Đấng Mê-si-a, và chị tin vào Ngài. Câu chuyện Tin Mừng cho thấy Chúa luôn tỏ mình với những ai thành tâm đi tìm Chúa: “Thật vậy, Cha đã thương cứu giúp mọi người, để những ai tìm Cha đều gặp Cha” (Kinh Nguyện Thánh Thể IV). Một việc tưởng như tầm thường như xin một ngụm nước lại trở thành cơ hội cho người ta tìm và gặp Chúa, Đấng Cứu Độ.

Mời Bạn: Trong cuộc sống chúng ta có biết bao nhiêu cơ hội để gặp Chúa và được biến đổi. Chúa đến trong những phút giây thoáng qua, qua những biến cố nhỏ bé tầm thường của đời bạn. Một sự quan tâm nho nhỏ đến tha nhân, một lời nói tử tế, một cử chỉ thân ái với những người đang sống quanh bạn, tất cả đều có thể trở thành cơ hội để bạn gặp gỡ Chúa và để Ngài biến đổi bạn. Ý thức như vậy, bạn sẽ thấy cuộc đời đầy ý nghĩa, chứ không vô nghĩa.

Chia sẻ: với nhau về một lần “chợt nhận” ra Chúa đi qua đời bạn, đã “chụp” lấy bạn, đã biến đổi bạn, như Sao-lô trên đường Đa-mát, như Gia-kêu trên cây sung, như Lê-vi bên bàn thu thuế…

Sống Lời Chúa: Hôm nay, tôi “tỉnh thức” để nhận ra Chúa đang tỏ mình cho tôi qua những người và sự việc xảy đến với tôi hằng ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa xin dạy con luôn biết quan tâm đến tha nhân và yêu thương họ, để qua họ con gặp được Chúa và để Chúa biến đổi đời con.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

SUY NIỆM 

TÔI SẼ VUN XỚI

Giáo Hội cho đọc Bài Tin Mừng này trong Mùa Chay

vì qua bài đọc này, Đức Giêsu khẩn thiết mời ta hối cải.

Ai cũng biết hối cải, hoán cải hay sám hối là quan trọng.

Nhưng chúng ta vẫn thường nghĩ

hối cải không phải là chuyện của mình

nhưng là chuyện của người khác, của những kẻ tội lỗi.

Khi Đức Giêsu đang giảng về hoán cải (Lc 12,57-59),

có mấy người đến kể cho Ngài nghe một chuyện kinh khủng.

Đó là chuyện quan Philatô giết một số người vùng Galilê,

lấy máu của họ hòa với máu của các con vật họ đang dâng.

Mà chuyện ấy lại xảy ra ngay trong khuôn viên Đền thờ.

Không rõ mấy người kể chuyện có mục đích gì.

Họ có muốn Đức Giêsu lên tiếng chống lại Philatô không?

Họ có coi những ai bị giết là tội nhân, bị Chúa phạt không?

Đức Giêsu không muốn giải thích tại sao có tai họa đó.

Ngài chỉ mạnh mẽ loại bỏ lối suy nghĩ cho rằng

những người Galilê đã chết bi thảm là những kẻ có tội

nặng hơn những người Galilê còn đang sống (Lc 13,2).

Hơn nữa, Ngài muốn qua biến cố đau thương này

đưa người ta ra khỏi sự tự mãn và bình an giả tạo,

để thay vì quay ra các nạn nhân, thì quay vào lòng mình.

Mọi thảm kịch xảy ra đều là lời mời gọi để tôi hoán cải.

 

Đức Giê su còn kể thêm chuyện một tai nạn lao động.

Tháp Si-lô-ác đè chết mười tám người ở Giêrusalem.

Những tai nạn chết chóc vẫn cứ xảy ra hàng ngày quanh ta.

Nếu ta còn được an toàn, thì không phải vì ta thánh hơn,

nhưng vì Chúa còn cho ta thời giờ để hối cải.

Dụ ngôn cây vả sau đây minh họa cho ta thấy điều đó.

 

Ông chủ đã trồng một cây vả trong vườn nho của mình.

Ông biết rõ chỗ đứng của cây vả trong vườn.

Nó cũng có chỗ đứng trong lòng của ông.

Ông phải chờ nhiều năm mới được phép ăn trái của nó:

chờ ba năm sau khi nó bói những trái đầu tiên,

chờ thêm một năm để dành trái dâng cho Chúa (Lv 19,23-25).

Tiếc thay, khi ông được phép ăn trái thì lại không có.

Năm nào, vào mùa vả, ông cũng đến, tìm trái mà không thấy.

Ông tiếp tục chờ, kiên nhẫn chờ đủ ba năm.

Chẳng ai dám bảo là ông nóng nảy hay độc ác

khi ông nói với người làm vườn: “Anh chặt nó đi!”

Chặt đi cây vả mà ông quan tâm và yêu mến

là một quyết định khó khăn, nhưng hợp lý.

Ông đã hy vọng, đã chờ và đã thất vọng nhiều lần.

Ông đành phải ra lệnh chặt đi khi thất vọng thành tuyệt vọng.

Chặt đi để dành đất màu cho các cây khác, vậy thôi.

 

Không ai có thể ngờ được một mệnh lệnh như thế

lại có thể bị can ngăn bởi sự can thiệp của người làm vườn.

Anh này lịch sự xin ông chủ đừng chặt ngay.

Anh xin cho cây vả được sống thêm một năm nữa.

Chẳng những thế anh còn hứa sẽ chăm chút cho cây.

“Tôi sẽ vun xới chung quanh và bón phân cho nó.”

Anh còn niềm hy vọng tuy nhỏ nhoi, nhưng chưa bao giờ tắt.

Anh hy vọng sang năm nó sẽ có trái.

Nếu không, chặt đi cũng chẳng muộn (Lc 13,8-9).

Dụ ngôn cây vả không ra trái đã kết thúc ở đó.

Không thấy ông chủ nói gì, chắc ông đồng ý với anh.

Cũng không rõ cây vả năm sau có ra trái không.

 

Có thể coi ông chủ của cây vả là hình ảnh của Thiên Chúa.

Một Thiên Chúa sáng tạo, quan tâm và hy vọng nơi con người.

Một Thiên Chúa chờ đợi và thất vọng vì con người.

Một Thiên Chúa có tình yêu bị từ chối, nên đành đoạn tuyệt.

Tuy nhiên, đây cũng là một Thiên Chúa mềm mại,

có thể đổi ý, chứ không máy móc.

Có thể coi người làm vườn là hình ảnh của Đức Giêsu.

Một Đấng xin Cha trì hoãn để cây vả được sống thêm.

Một Đấng tận tâm tạo điều kiện tốt để cây vả sinh trái.

Cuối cùng chỉ còn chuyện của cây vả, của chúng ta.

Chúng ta là cây vả có trách nhiệm sinh trái nhiều và ngon.

Cả ông chủ và người làm vườn đều đang chờ, một năm nữa…

 

LỜI NGUYỆN

 

Lạy Chúa, con cám ơn Chúa

về tất cả những điều Chúa đòi hỏi nơi con trong suốt cuộc đời.

Chúc tụng Chúa về thời đại con đang sống.

Chúc tụng Chúa về những giờ phút sướng vui

và những ngày tủi thân buồn bã.

Chúc tụng Chúa về cả những gì

Chúa đã không cho con được hưởng.

 

Lạy Chúa, xin đừng sa thải

người tôi tớ bất xứng và lười biếng của Chúa đây.

Ôi lạy Chúa khôn ngoan, nhân hậu và yêu thương,

xin đừng đuổi con xa Chúa.

Xin giữ con để con luôn phụng sự Chúa trong suốt đời con.

Xin giữ con để con phục vụ bất cứ điều gì Chúa muốn.

Dù khi mỏi mệt, dù khi chán chường,

con xin Chúa vẫn luôn kiên nhẫn,

để không bao giờ mỏi mệt về con,

và giữ con luôn luôn phụng sự Chúa.

 

Xin Chúa đến giúp con,

ban cho con ơn bắt đầu và lại bắt đầu,

cho con biết cậy trông

cả những khi cùng đường tuyệt vọng,

cho con tin chắc rằng Chúa sẽ thắng,

một chiến thắng huy hoàng nơi con.

Karl Rahner

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

12 THÁNG BA

Đánh Thức Một Nỗi Khát Thâm Sâu Hơn

Bên bờ giếng ở Xy-kha, Đức Giê-su đã đề xuất trao ban nước hằng sống cho người phụ nữ Sa-ma-ri-ta-nô. Mỏi mệt vì chuyến đi, Người ngồi xuống bên thềm giếng. Các môn đệ đã đi vào thành phố mua thức ăn. Một người phụ nữ Sa-ma-ri-ta-nô đến giếng lấy nước; Đức Giêsu xin chị một ít nước uống. Chị ngạc nhiên, vì thường tình chẳng một người Do Thái nào lại xin bất cứ gì từ một phụ nữ Sa-ma-ri-ta-nô. Đã bao thế kỷ rồi, người Do Thái và người Sa-ma-ri-ta-nô sống trong sự thù địch với nhau. Tuy nhiên, Đức Giêsu cho chị thấy rằng Người không dung nạp thành kiến, cũng không ủng hộ quan điểm của người Do Thái rằng một rabbi không nên nói chuyện với một phụ nữ cách công khai. Người không quan tâm đến sự kỳ thị quốc gia và chủng tộc, cũng không màng đến sự phân biệt nam nữ.

Đức Giêsu xin nước – và Người dẫn dắt người phụ nữ ấy đến nước hằng sống. Thành ngữ “nước hằng sống” trong ngôn ngữ của các ngôn sứ nhằm hướng chỉ đến ân phúc cứu độ trong thời Mê-si-a (Is 12,3). Nhưng vì không hiểu được ý nghĩa này, người phụ nữ tưởng rằng Đức Giêsu muốn nói đến một thứ nước kỳ lạ có sức giúp cơ thể chị không bao giờ cảm thấy khát nữa. Đó là cách mà Đức Giêsu đánh thức nơi người phụ nữ khát vọng về ơn huệ của Người: “Người phụ nữ thưa với Đức Giêsu: ‘Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi không còn bị khát nữa và khỏi phải mất công tới đây lấy nước” (Ga 4,15).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 12/3

CHÚA NHẬT III MÙA CHAY

Xh 17, 3-7; Rm 5, 1-2. 5-8; Ga 4, 5-42.

LỜI SUY NIỆM: “Có một người phụ nữ Samari đến lấy nước. Đức Giêsu nói với người ấy: Chị cho tôi xin chút nước uống!” (Ga 4, 7)

          Cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với người phụ nữ Samari với câu mở đầu: “Chị cho tôi xin chút nước uống!” (Ga 4, 7) Với Lời này của Chúa Giêsu, đã làm sụp đổ bao bức tường ngăn cách giữa người Do-Thái và người Samari: đã làm cho người nữ Samari ngạc nhiên: “Ông là người Do-thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông nước uống sao?” (c.9); Với hình ản đối thoại của Chúa Giêsu và người phụ nữ Samari, đã làm cho các môn đệ của Chúa ngạc nhiên. (Các ông ngạc nhiên vì thấy Người nói chuyện với một phụ nữ” (c.27). Nhưng trong đối thoại giữa Chúa Giêsu với người Phụ nữ Samari, Chúa Giêsu đã dẫn đưa con người đến việc thờ phượng Thiên Chúa: “Thiên Chúa là Thần Khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật.” (c.24)

          Lạy Chúa Giêsu, Con đang khát Chúa và Chúa cũng đang khát chúng con. Xin Chúa trao ban Nước Hằng Sống cho chúng con, nhờ đó nơi chúng con có đầy nước của Chúa, có thể san sẻ cho những người chung quanh chúng con như lòng mong đợi của Chúa nơi chúng con. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

12 Tháng Ba

Chúng Ta Không Phải Là Thiên Thần 

Một cuốn phim Mỹ có tựa đề “Chúng ta không phải là Thiên Thần” do hai tài tử nổi tiếng là Robert de Niro và Sean Penn thủ diễn, đã kể lại một cuộc vượt ngục rất kỳ thú của hai tử tội bị giam trong một trại khổ sai nằm giữa biên giới Hoa Kỳ và Canada.

Hai tử tội này có lẽ đã từng phạm những tội ác như cướp của giết người. Nhưng từ một ngục thật kiên cố, họ không bao giừo có ý định trốn thoát. Thế rồi, một hôm, một người tử tội đang được đưa lên ghế điện, bỗng cướp súng hạ sát một số viên cai ngục và tìm đường tẩu thoát. Trên đường trốn chạy, hắn đã cưỡng bách hai người tù cùng trốn thoát. 

Sau một đêm đào tẩu giữa núi rừng phủ đầy tuyết, hai người tử tội đã mon men tìm đến một ngôi làng. Một lão bà đã ngộ nhận là hai linh mục nổi tiếng trong vùng. Bất đắc dĩ họ đành phải đội lốt linh mục và được một tu viện gần đó tiếp đãi nồng hậu.

Giữa lúc đó, cảnh sát lại đi lùng khắp nơi để tìm cách bắt lại ba kẻ đào thoát. Người tử tội đã giết các viên cai ngục để trốn thoát nay bị sa lưới lại. Hôm đó là một ngày rước kiệu trọng thể kính Ðức Mẹ do tu viện nói trên tổ chức. Nhờ lớp áo nhà tu, một trong hai tên tù đã lẻn vào nhà giam để giải thoát kẻ vừa bị bắt lại. Người tù hung hãn cũng được khoác lên người chiếc áo dòng và nép mình trong chiếc kiệu vĩ đại có tượng Ðức Mẹ…

Giữa những tiếng cầu kinh sốt sắng của mọi người, hắn xuất hiện trước công chúng và dùng súng uy hiếp mọi người. Một em bé gái câm trong đám rước kiệu đã bị hắn bắt làm con tin. Trong khi mọi người ngã rạp xuống đường vì sợ hãi, thì một trong hai vị linh mục giả đã nhào lên chiếc kiệu để giải thoát em bé gái câm. Cuộc xô xát đã làm cho người tù hung hãn bị trúng đạn, nhưng em bé gái câm và tượng Ðức Mẹ lại bị quăng xuống dòng sông giá buốt…

Không chút do dự, vị linh mục giả còn lại đã nhào xuống dòng sông và cứu sống em bé. Mở mắt nhìn vị ân nhân, em bé bỗng nhận ra người tù vượt ngục mà hình ảnh được dán đầy trong khu phố…
Trong đoạn kết thúc cuốn phim, một người đã xin được tiếp tục tu trong tu viện, còn người cứu sống em bé tiếp tục làm lại cuộc đời với người mẹ của em…

“Chúng ta không phải là Thiên Thần”. Thiên thần một lần vấp ngã là vĩnh viễn trầm luân. Con người không phải là Thiên Thần, cho nên vấp ngã có chồng chất, vẫn còn có cơ may để trỗi dậy và làm lại cuộc đời.
Cuộc phiêu lưu của người tù trên đây có lẽ cũng là hình ảnh của chính cuộc đời chúng ta. Chúng ta không là Thiên Thần, cho nên sau bao nhiêu lần vấp ngã, Chúa vẫn còn tiếp tục cho chúng ta một cơ may khác để bắt đầu lại. Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về con người. Lịch sử của loài người phải chăng đã không là những mò mẫm, té ngã và chỗi dậy không ngừng ư? Thiên Chúa không bỏ cuộc vì con người, cho nên con người cũng không nên thất vọng về mình.

Thất bại có ê trề, tình người có bạc bẽo, đau khổ có chồng chất, tội lỗi có đè nặng đến đâu: Thiên Chúa lúc nào cũng ban cho chúng ta tia sáng của Hy Vọng để mời gọi chúng ta trỗi dậy và tiếp tục tiến bước. Ngài mời gọi chúng ta hãy chiêm ngắm chính cái chết của Con Ngài trên thập giá. Loài người xem đó là tận cùng của số kiếp, nhưng Thiên Chúa lại nhìn vào đó như là khởi đầu của nguồn ơn cứu thoát…

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật III – Năm A – Mùa Chay 

Bài đọc: Exo 17:3-7; Rom 5:1-2, 5-8; Jn 4:5-42 (hoặc 4:5-15, 19b-26, 39a, 40-42).

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa kiên nhẫn hoán cải tâm hồn con người.

Trong hành trình đức tin, nhiều người nghĩ họ tin vào Thiên Chúa là do ý muốn và công sức của họ; nhưng thực ra, Thiên Chúa luôn đi bước trước trong việc hoán cải tâm hồn con người, Ngài cho họ cơ hội gặp gỡ, dùng Lời Chúa bên ngoài và thúc đẩy của ơn thánh bên trong, để giúp họ nhận ra tình yêu Ngài dành cho họ, và họ tin vào Ngài. Nếu Thiên Chúa không tỏ tình yêu trước, chẳng ai có thể tin vào Ngài để được cứu độ.

Trong 3 tuần lễ liên tiếp của Chủ Nhật thứ ba, thứ tư, và thứ năm của Mùa Chay, Giáo Hội muốn dùng 3 bài Phúc Âm của thánh Gioan, chương 4, 9, và 11, để giáo dục niềm tin của các tân tòng. Mục đích là để giúp họ nhận ra 3 điều chính: Thứ nhất, Thiên Chúa kiên nhẫn đi tìm họ để giúp họ tuyên xưng niềm tin vào Ngài qua nước của bí-tích Rửa Tội qua câu truyện Chúa Giêsu hoán cải người phụ nữ xứ Samaria. Thứ hai, sau khi họ đã trở thành tín hữu, Ngài sẽ tiếp tục giáo dục để họ nhận ra những sự thật khác về Thiên Chúa và về cuộc đời, qua câu truyện Chúa Giêsu mở mắt cho anh mù từ lúc mới sinh. Sau cùng, Ngài sẽ cho họ được sống lại từ cõi chết như Ngài đã cho anh Lazarus đã chết 4 ngày được sống lại.

Các bài đọc hôm nay muốn nêu bật sự kiên nhẫn và tình thương tha thứ của Thiên Chúa trong việc hoán cải tâm hồn con người. Trong bài đọc I, khi dân chúng không có nước để uống trong sa mạc, họ kêu trách Moses và đe dọa trở về đất nô lệ Ai-cập. Thiên Chúa truyền lệnh cho Moses đập vào tảng đá ở núi Horeb khiến cho nước trào ra cho dân chúng uống. Trong bài đọc II, thánh Phaolô xác quyết Thiên Chúa vẫn thương con người ngay khi họ vẫn còn là tội nhân, Ngài đã ban cho con người Đức Kitô để chịu chết và tha tội cho con người, để mở lối cho con người vào hưởng mọi ân sủng, và để chỉ đường cho con người vào chốn trường sinh của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu kiên nhẫn hướng dẫn người phụ nữ Samaria để chị nhận ra và tin tưởng vào Ngài là Đấng Thiên Chúa sai đến. Sau khi được soi sáng, chị trở thành nhà rao giảng Tin Mừng đầu tiên cho dân của chị, và chị đưa mọi người đến với Chúa Giêsu để được Ngài hướng dẫn.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: “Có Đức Chúa ở giữa chúng ta hay không?”

1.1/ Con người luôn kêu trách Thiên Chúa khi gặp trái ý: Hành trình của dân Do-thái 40 năm trong sa mạc có thể được so sánh với hành trình của mỗi người chúng ta trên đường tiến về quê trời. Thiên Chúa đã làm rất nhiều ơn lành cho con người, nhưng họ không bao giờ thấy đủ. Khi dân Do-thái thấy không có nước uống trong sa mạc, họ đã kêu trách ông Moses rằng: “Ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập để làm gì? Có phải là để cho chúng tôi, con cái chúng tôi, và súc vật của chúng tôi bị chết khát hay không?” Ông Moses kêu lên cùng Đức Chúa: “Con phải làm gì cho dân này bây giờ? Chỉ một chút nữa là họ ném đá con!”

1.2/ Thiên Chúa luôn kiên nhẫn sửa dạy con người: Ngài vừa mới làm bao nhiêu phép lạ trước mắt họ để đưa họ ra khỏi đất nô lệ của Ai-cập. Họ cần hiểu rằng: Nếu Thiên Chúa đã đưa họ ra khỏi Ai-cập, Ngài cũng có uy quyền để cung cấp cho họ những thứ cần thiết trên đường. Ngài đã cho họ có bánh ăn, manna, và giờ đây Ngài cũng sắp cho họ có nước uống.

Manna và nước uống cần thiết cho cuộc sống thể lý của con người; nhưng theo các thánh giáo-phụ, đây chỉ là hình ảnh của thức ăn thiêng liêng mà Thiên Chúa sẽ ban cho con người trong tương lai. Manna tượng trưng cho Mình (thịt) của Chúa Giêsu, và nước uống tượng trưng cho Máu của Ngài. Tảng Đá đây chính là thân thể của Ngài, và khi người lính cầm đòng đâm thâu cạnh sườn của Chúa Giêsu khi Ngài sinh thì trên Thập Giá, tức thì Máu cùng Nước chảy ra.

Thịt và Máu của Chúa Giêsu chính là lương thực thần thiêng mà Ngài ban cho con người qua bí-tích Thánh Thể, để nuôi dưỡng và cung cấp sức mạnh cho con người đời trên hành trình tiến về quê trời. Điều này đã được Gioan cắt nghĩa chi tiết trong chương 6. Chúa Giêsu cắt nghĩa cho người phụ nữ Samaria trong bài Phúc Âm của Gioan tuần này, khi Ngài nói: “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.” Chúng ta có thể hiểu Nước chính là Máu của Chúa ban cho con người qua bí-tích Thánh Thể.

2/ Bài đọc II: Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.

2.1/ Những điều con người được lãnh nhận từ Đức Kitô: Theo thánh Phaolô, con người được cứu độ là do hoàn toàn tình thương của Thiên Chúa, chứ không do bởi bất cứ một việc lành nào con người làm. Trong trình thuật hôm nay, thánh Phaolô liệt kê 5 ơn lành con người được lãnh nhận từ Đức Kitô.

(1) Được trở nên công chính: Con người được trở nên công chính là do bởi việc đặt niềm tin nơi Đức Kitô. Lề luật không có sức mạnh làm con người trở nên công chính.

(2) Được bình an với Thiên Chúa nhờ hòa giải: Tội lỗi gây ra sự xáo trộn trong mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa. Đức Kitô chịu chết để xóa tan tội lỗi cho con người, và làm cho con người được hòa giải với Thiên Chúa.

(3) Được hưởng muôn vàn ân sủng của Thiên Chúa: Cái chết của Đức Kitô mang lại cho con người muôn vàn ân sủng của Thiên Chúa qua các bí-tích Ngài thiết lập, bắt đầu từ sự kiện người lính cầm đòng đâm thâu cạnh sườn của Chúa Giêsu trên Thập Giá.

(4) Được hy vọng hưởng vinh quang của Thiên Chúa: Một khi đã được tẩy sạch khỏi tội lỗi và được thánh hóa bằng các ân sủng, con người trở thành những người con thánh thiện, xứng đáng được chia sẻ vinh quang với Thiên Chúa trong Nước Trời.

(5) Được sự hiện diện của Thánh Thần: Để giúp con người nhận ra những sự thật và tình yêu của Thiên Chúa, Ngài ban cho chúng ta một Đấng Phù Trợ khác là Chúa Thánh Thần sau khi Đức Kitô về trời.

2.2/ Thiên Chúa chứng tỏ tình thương của Ngài cho con người qua Đức Kitô: Để chứng minh Thiên Chúa là người đi bước trước trong hành trình đức tin của con người, Phaolô đưa ra hai bằng chứng rõ ràng:

(1) Đức Kitô đã chết vì con người khi họ chưa biết Ngài: “Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Kitô đã chết vì chúng ta.”

(2) Đức Kitô đã chết vì con người khi họ còn là tội nhân: “Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi.”

3/ Phúc Âm: “Chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian.”

3.1/ Thiên Chúa đi tìm con người, bất kể hoàn cảnh và thời gian: Giờ thứ sáu của Do-thái là mười hai giờ trưa của chúng ta. Giờ này đa số mọi người ở trong nhà để ăn trưa và nghỉ ngơi. Chúa Giêsu chịu đựng nắng nôi, vất vả đi tìm chiên lạc để dắt về cho Thiên Chúa. Để chinh phục người phụ nữ Samaria, trước hết Chúa Giêsu phải vượt bức tường kỳ thị chủng tộc, vì người Do-thái không muốn có bất cứ sự liên hệ gì với người Samaria, họ coi người Samaria như những Dân Ngoại. Một bằng chứng cho sự kỳ thị này được tìm thấy trong Tin Mừng Lucas, khi dân Samaria không chịu tiếp đón Chúa Giêsu, hai ông Giacôbê và Gioan xin Chúa Giêsu để hai ông khiến lửa từ trời xuống thiêu rụi dân thành đó (Lk 9:53-54). Kế đến, Chúa Giêsu phải vượt bức tường xét đoán của các môn đệ khi Ngài nói chuyện với một phụ nữ. Những điều này được bày tỏ qua câu hỏi ngạc nhiên của người phụ nữ Samaria, sau khi Chúa Giêsu mở đầu cuộc đối thoại bằng việc xin nước uống: “Ông là người Do-thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samaria, cho ông nước uống sao?”

3.2/ Chúa Giêsu mặc khải về “Nước Hằng Sống:” Chúa Giêsu xin nước uống chỉ là để mở đầu câu truyện, và để mặc khải cho người phụ nữ về một điều quan trọng của Thiên Chúa. Ngài trả lời: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: “Cho tôi chút nước uống”, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống.”

Chị phụ nữ không nhận ra điều Chúa Giêsu muốn nói về “Nước Hằng Sống.” Chúa Giêsu không dùng mạo từ để xác định nước mà chị phụ nữ đang nói tới. Chị tưởng Chúa Giêsu muốn nói về “nước giếng,” với mạo từ xác định, nên chị ấy nói: “Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống? Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Giacóp, người đã cho chúng tôi giếng này? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy.”

Chúa Giêsu phân biệt giữa “Nước Hằng Sống” và “nước này.” Ngài nói với chị: “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.” Chúa Giêsu có thể muốn đề cập tới hai điều ở đây: Thứ nhất, Nước Rửa Tội. Nước của bí-tích Rửa Tội sẽ tẩy trừ mọi tội lỗi của con người; không những thế, nó còn ban cho con người mọi ân sủng cần thiết cho cuộc sống đời đời. Thứ hai, Máu của Ngài trong bí-tích Thánh Thể sẽ nuôi dưỡng và thánh hóa con người để họ trở nên những người xứng đáng lãnh nhận Nước Trời. Chương 6 của Gioan sẽ dành đặc biệt để nói về Mình Thánh Chúa.

Chị phụ nữ tuy không hiểu rõ Chúa Giêsu muốn nói gì, nhưng có lẽ vì muốn tránh mỏi mệt mỗi ngày khi phải kín nước, nên xin Chúa Giêsu: “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước.”

3.3/ Chúa Giêsu mặc khải chính mình cho người phụ nữ: Để giúp chị tin vào Ngài, Chúa Giêsu bày tỏ uy quyền của Ngài qua việc cho chị biết: Ngài đã nhìn thấu cuộc đời của chị. Ngài bảo chị ấy: “Chị hãy gọi chồng chị, rồi trở lại đây.” Người phụ nữ đáp: “Tôi không có chồng.” Đức Giêsu bảo: “Chị nói: “Tôi không có chồng” là phải, vì chị đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị đã nói đúng.”

Thấy người lạ nói “trúng tim đen” của mình, chị phụ nữ giật mình và tuyên xưng: “Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ… Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo: Jerusalem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa.”

Chúa Giêsu mặc khải về sự thờ phượng thật trong thần khí và trong chân lý: Khi quốc gia Do-thái bị tách làm hai dưới thời vua Jeroboam, nhà vua cho xây một đền thờ tại Bethel, thuộc Samaria. Mục đích là để cho dân khỏi xuống Jerusalem để bị ảnh hưởng bởi vua của miền Nam. Chúa Giêsu phán: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Jerusalem. Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do-thái. Nhưng giờ đã đến – và chính là lúc này đây – giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật.” Người phụ nữ thưa: “Tôi biết Đấng Messiah, gọi là Đức Kitô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự.” Chúa Giêsu mặc khải chính mình cho người phụ nữ: “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây.”

Hành trình đức tin của người phụ nữ khởi hành từ chỗ nhìn Chúa Giêsu như một người Do-thái thù nghịch, đến chỗ thú nhận “Ngài là một ngôn sứ.” Sau cùng đến chỗ tin Ngài là Đấng Messiah, khi chị mời gọi mọi người đến với Chúa Giêsu: “Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao?”

3.4/ Tin Thiên Chúa là phải thi hành thánh ý của Ngài: Trong khi đó, các môn đệ thưa với Người rằng: “Rabbi, xin mời Thầy dùng bữa.” Người nói với các ông: “Thầy phải dùng một thứ lương thực mà anh em không biết.” Các môn đệ mới hỏi nhau: “Đã có ai mang thức ăn đến cho Thầy rồi chăng?” Đức Giêsu nói với các ông: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người.”

Các môn đệ loay hoay lo lắng tìm của ăn phần xác, trong khi Chúa Giêsu vất vả tìm kiếm lương thực phần linh hồn. Lương thực đó không gì khác hơn là làm theo thánh ý Thiên Chúa, mà thánh ý Thiên Chúa là làm sao cho mọi người được cứu độ. Chúa Giêsu chỉ cho các môn đệ thấy kết quả truyền giáo của Ngài: “Nào anh em chẳng nói: Còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt? Nhưng này, Thầy bảo anh em: Ngước mắt lên mà xem, đồng lúa đã chín vàng đang chờ ngày gặt hái! Ai gặt thì lãnh tiền công và thu hoa lợi để được sống muôn đời, và như thế, cả người gieo lẫn kẻ gặt đều hớn hở vui mừng. Thật vậy, câu tục ngữ “kẻ này gieo, người kia gặt” quả là đúng!” Đồng lúa đã chín vàng đây là dân thành Samaria, và chị phụ nữ có thể được coi là nhà truyền giáo đầu tiên trong Tin Mừng Gioan.

3.5/ Niềm tin có được thực sự là do Thiên Chúa, con người chỉ là khí cụ Thiên Chúa dùng để mời gọi người khác bắt đầu hành trình đức tin của họ. Khi nghe lời làm chứng của người phụ nữ, có nhiều người Samaria trong thành đó đã tin vào Đức Giêsu, và họ ra giếng gặp Ngài.

Vậy, khi đến gặp Người, dân Samaria xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày. Số người tin vì lời Đức Giêsu nói còn đông hơn nữa. Họ bảo người phụ nữ: “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian.”

Người khác chỉ có thể dùng lời nói hay việc làm khơi dậy niềm tin trong con người chúng ta. Để có thể sở hữu một niềm tin chắc chắn và một mối liên hệ mật thiết với Thiên Chúa, chúng ta cần đích thân chạy đến với Ngài, và đào sâu mối liên hệ với Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện không ngừng.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Không phải chúng ta tự ý đi tìm Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã đi bước trước để chuẩn bị mọi sự cho chúng ta. Điều này chứng tỏ tình thương vô biên của Thiên Chúa.

– Tình thương của Thiên Chúa được biểu tỏ trọn vẹn và hoàn hảo qua Đức Kitô. Chúng ta hãy chạy đến và đào sâu mối liên hệ với Ngài qua Lời Hằng Sống và các bí-tích.

– Con người có trí khôn và tự do. Chúng ta hãy bắt chước Chúa Giêsu để hoán cải con người bằng cách chỉ cho họ thấy tình thương tha thứ của Thiên Chúa, chứ không bằng bất cứ một sự ép buộc nào.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************