Chúa Nhật (16-06-2019) – Trang suy niệm

15/06/2019

Lời Chúa Hôm Nay

Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi

BÀI ĐỌC I: Cn 8, 22-31

“Khi địa cầu chưa sinh nở, sự khôn ngoan đã được sinh thành”.

Trích sách Châm Ngôn.

Đây sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa phán: “Chúa đã tạo thành nên ta là đầu sự việc của Người, trước cả những sự việc Người đã làm rất xa xưa. Ta đã được thiết lập tự thuở đời đời, ngay tự đầu tiên, khi địa cầu chưa sinh nở. Ta đã được sinh thành khi chưa có vực sâu, khi chưa từng có những dòng suối nước. Trước khi Chúa củng cố những ngọn núi cao, trước khi có những quả đồi, ta đã sinh ra rồi. Khi Người chưa tạo tác địa cầu, đồng ruộng, cũng chưa tạo nên hạt bụi đầu tiên của cõi trần ai. Khi Người xếp đặt muôn cõi trời, có ta ở đó, khi Người vạch ra vòng đai trên mặt vực sâu, khi Người định chỗ cho mây trời trên cõi cao xa, và những suối nước tự vực sâu vọt lên mạnh mẽ, khi Người đặt cương giới cho biển cả để nước đừng có vượt quá cõi bờ, khi Người đặt nền tảng cho trái đất, bấy giờ ta làm việc ở sát bên Người. Và mọi ngày ta làm cho Người sung sướng, luôn luôn nhàn du ở trước nhan Người. Ta nhàn du trên quả địa cầu, và gặp thấy hạnh phúc ở giữa con cái loài người”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 8, 4-5. 6-7. 8-9

Đáp: Lạy Chúa, lạy Chúa chúng con, lạ lùng thay danh Chúa khắp nơi hoàn cầu (c. 2a).

Khi con ngắm cõi trời, công cuộc tay Chúa tạo ra, vầng trăng và muôn tinh tú mà Chúa gầy dựng, thì nhân loại là chi mà Chúa nhớ tới? con người là chi mà Chúa để ý chăm nom? – Đáp.

Chúa dựng nên con người kém thiên thần một chút, Chúa trang sức con người bÄng danh dự với vinh quang; Chúa ban cho quyền hành trên công cuộc tay Ngài sáng tạo, Chúa đặt muôn vật dưới chân con người. – Đáp.

Nào chiên, nào bò, thôi thì tất cả, cho tới những muông thú ở đồng hoang, chim trời với cá đại dương, những gì lội khắp nẻo đường biển khơi. – Đáp

BÀI ĐỌC II: Rm 5, 1-5

“Thánh Thần ban cho chúng ta lòng mến Chúa”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, khi được đức tin công chính hoá, chúng ta được bình an trong Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng cho chúng ta dùng đức tin mà tiến đến ân sủng, và đứng vững ở đó, và được hiển vinh trong niềm hy vọng vinh quang của con cái Chúa. Không những thế, chúng ta còn được vinh hiển trong gian nan, khi biết rằng gian nan rèn nhẫn nại, nhẫn nại rèn nhân đức, còn nhân đức rèn cậy trông. Nhưng cậy trông không đưa đến thất vọng, vì lòng mến Chúa được Thánh Thần, Đấng ban cho chúng ta, đổ xuống lòng chúng ta. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Kh 1, 8

Alleluia, alleluia! – Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần; sáng danh Thiên Chúa, Đấng đang có, đã có và sẽ đến. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Ga 16, 12-15

“Tất cả những gì Cha có, đều là của Thầy; Thánh Thần sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lĩnh hội được. Khi Thần Chân lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật, vì Người không tự mình mà nói, nhưng Người nghe gì thì sẽ nói vậy, và Người sẽ bảo cho các con biết những việc tương lai. Người sẽ làm vinh danh Thầy, vì Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con. Tất cả những gì Cha có đều là của Thầy, vì thế Thầy đã nói: Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con”. Đó là lời Chúa

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

16/06/2019 – CHÚA NHẬT TUẦN 11 TN – C

Chúa Ba Ngôi

Ga 16,12-15

MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA VÀ GIỚI HẠN CỦA CON NGƯỜI

“Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi.” (Ga 16,12)

Suy niệm: Để diễn tả sự bất lực của con người khi đứng trước mầu nhiệm không thể đạt thấu của Thiên Chúa, tác giả thánh vịnh đã thốt lên: “Kìa vực thẳm kêu gào vực thẳm” (Tv 42,8). Lời đó nói lên cảm nghiệm của người chưa đi xuống đến đáy vực thẳm này đã lại thấy mở ra một vực thẳm khác. Một trong những “vực thẳm” tức là những “điều” mà bây giờ các tông đồ “không có sức chịu nổi” chính là mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, trung tâm của niềm tin Công Giáo, một điều chưa một ai dám khẳng định rằng mình có thể hiểu và giải thích được. Thật vậy, Chúa biết rằng với trí hiểu của loài người thì các tông đồ không thể hiểu hết dù cho Chúa có giải thích cách nào đi nữa. Chỉ khi nào “Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn.”

Mời Bạn: Nhưng đã ngót hai ngàn năm rồi, mà “sự thật” về Chúa Ba Ngôi mãi mãi vẫn là một mầu nhiệm…! Trong thân phận thọ tạo, chúng ta chỉ có thể hiểu được những gì thuộc khả năng giới hạn của mình. Vì thế chúng ta chỉ có thể khiêm tốn cúi đầu tôn thờ Chúa, và nghe theo hướng dẫn của Chúa Thánh Thần qua việc sống Lời Chúa và thực thi giới răn yêu thương Chúa đã dạy. Đó là cách thức mỗi ngày đi sâu vào sự hiểu biết mầu nhiệm cao cả này.

Sống Lời Chúa: Thực hiện tình yêu của Chúa Ba Ngôi cách cụ thể trong gia đình hay cộng đoàn mình đang sống qua việc phục vụ nhau bằng tình yêu và khả năng Chúa ban cho mỗi người.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hiệp nhất chúng con nên một trong tình yêu Chúa, như tình yêu trong Chúa Ba Ngôi.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

16 THÁNG SÁU

Có Thể Tin Tưởng Dù Ngay Giữa Khổ Đau

“Vì sao Thiên Chúa đã tạo nên chúng ta?” Câu hỏi ấy đã được đặt ra trong sách giáo lý Kitô giáo hay trong giáo huấn về đời sống Kitôhữu. Trong ánh sáng đức tin kiên vững của Giáo Hội, chúng ta (cả người trưởng thành lẫn thanh thiếu niên) cần phải tâm niệm những lời này: “Thiên Chúa đã tạo nên ta để ta hiểu biết và yêu mến Ngài trong cuộc sống này và để sống với Ngài mãi mãi trong cuộc sống đời sau”.

Đó là một chân lý lớn lao và chắc chắn về Thiên Chúa. Ngài là Cha Trên Trời của chúng ta và là Đấng hướng dẫn cuộc sống chúng ta bằng sự tiếp xúc êm ái và đầy yêu thương của Ngài. Ngài muốn chúng ta sống với Ngài mãi mãi.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 16/6

Chúa Nhật IX Thường Niên

Lễ Chúa Ba Ngôi

Cn 8, 22-31; Rm 5, 1-5; Ga 16, 12-15

LỜI SUY NIỆM: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn.”

        Ở đây mỗi người Kitô hữu được Chúa Giêsu giới thiệu một “Đấng Bảo Trợ” như là vị hướng dẫn đến với sự thật toàn vẹn; Đấng Bảo Trợ sẽ giúp cho mỗi thế hệ hiểu sâu sắc những gì Chúa Giêsu muốn cho chính thời đại của họ.

Lạy Chúa Giêsu. Ngày Lễ Chúa Ba Ngôi là ngày lễ của gia đình con cái Thiên Chúa. Xin cho tất cả chúng con được ở trong tình yêu vô biên của Ngài.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

16 Tháng Sáu

Hãy Ðến Với Ta 

Tại Roma có một ngôi thánh đường cổ tên là Dominus sub aquis, nghĩa là Chúa ở dưới nước… Du khách đến Roma thường đến viếng thăm ngôi thánh đường này, vì phía trên bàn thờ, có một tượng thánh giá rất đặc biệt: bất cứ ai đến quỳ trước tượng thánh giá và cầu nguyện với tất cả thành tâm đều nhận được sức mạnh và niềm an ủi thâm sâu…

Người ta kể lại rằng tác giả của tượng thánh giá bằng cẩm thạch này đã mát rất nhiều năm mới hoàn thành được tác phẩm. Hơn hai lần, mỗi khi treo bức tượng lên để ngắm nhìn, ông lại cho kéo xuống và đập phá đi vì ông cho rằng tác phẩm vẫn chưa diễn đạt được điều ông mong muốn…

Sau nhiều năm bỏ dở, ông lại bắt tay vào công trình lần thứ ba. Nhưng chính lúc ông miệt mài chú tâm vào công việc thì cũng là lúc ông gặp nhiều thử thách nhất. Nhiều người ganh tỵ nên tìm cách hạ uy tín của ông. Vợ con ông qua đời trong những hoàn cảnh thật đau thương. Người nghệ sĩ chỉ còn biết kêu cầu xin Chúa giúp ông chịu đựng được mọi gian lao thử thách.

Ai cũng tưởng rằng cơn thử thách đã khiến ông bỏ cuộc. Trái lại, ông càng miệt mài chú tâm vào công trình. Người nghệ sĩ dồn tất cả niềm đau của mình lên khuôn mặt của Ðức Kitô. Bức tượng của Chúa Giêsu trên thập giá không là một phiến đá lạnh lùng, xa lạ, mà trở thành niềm đau đậm nét của một tâm hồn. Bức tượng đã trở nên sống động và có sức thu hút do chính tâm tình mà người nghệ sĩ đã muốn tháp thập vào đó.

“Hỡi tất cả những ai gồng gánh nặng nề, hãy đến với Ta và Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho”.

Lời mời gọi trên đây của Chúa Giêsu hẳn phải đem lại cho chúng ta an ủi đỡ nâng, nhất là trong những lúc chúng ta gặp đau khổ, thử thách. Chúa Giêsu như muốn nói với chúng ta rằng Ngài đang có đó, Ngài có mặt trong từng phút giây của cuộc sống chúng ta, Ngài mang lấy tất cả những sầu đau, buồn tủi của chúng ta. Mãi mãi, Ngài vẫn là Ðấng Cứu Chuộc chúng ta. Mãi mãi, Ngài đến với chúng ta như đến với những người phong hủi, những kẻ bệnh tật, kẻ tội lỗi, phường thu thuế… Ngài đón nhận tất cả mọi khổ nhọc, khó khăn của chúng ta. Và bởi vì Ngài mang lấy mọi khổ đau của con người, cho nên Ngài cũng tự đồng hóa với con người, nhất là những người nghèo khổ, bất hạnh. Trên những khuôn mặt gần như không còn hình tượng của con người nữa, chúng ta phải nhận diện được chính Ngài. Ngài đã từng nói với chúng ta: “Ai cho những kẻ bé mọn nhất, dù chỉ một chén nước lã thôi, họ đã cho chính Ta vậy”.

Trút lên Ngài tất cả gánh nặng của khổ đau, được ngài nâng đỡ bổ sức, chúng ta cũng hãy mang lại an ủi đỡ nâng cho mọi người xung quanh. Sự đau khổ nào cũng có sức liên kết con người. Kết hiệp với Ðức Kitô trên thập giá, chúng ta cũng dễ dàng liên đới, cảm thông với mọi người đang đau khổ…

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật Lễ Ba Ngôi, Năm C

Bài đọc: Pro 8:22-31; Rom 5:1-5; Jn 16:12-15.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa

Sách Bổn Việt Nam xưa cho chúng ta sự hiểu biết sai về Ba Ngôi Thiên Chúa: “Chúa Cha dựng nên ta, Chúa Con cứu chuộc ta, và Chúa Thánh Thần thánh hóa ta.” Thực ra, cả Ba Ngôi Thiên Chúa đều hòa hợp trong công trình tạo dựng, cứu chuộc, và thánh hóa con người. Chúng ta có thể tách rời Ba Ngôi để phân tích; nhưng phải tổng hợp cả Ba Ngôi lại để thấu hiểu Mầu Nhiệm, vì chúng ta chỉ có một Chúa.

Làm sao để hiểu mầu nhiệm Ba Ngôi? Các Giáo Phụ dùng hai cách: nghiên cứu thần học và dựa trên những gì Thiên Chúa đã làm cho con người. Các ngài “phân biệt theologia (thần luận) với oikonomia (công trình). Thuật ngữ thứ nhất chỉ mầu nhiệm đời sống nội tại nơi Thiên Chúa Ba Ngôi. Thuật ngữ thứ hai chỉ mọi công cuộc Thiên Chúa dùng để tự mặc khải và thông ban sự sống của Người. Nhờ công trình mà chúng ta được biết thần luận; nhưng đối lại, thần luận soi sáng toàn thể công trình. Các công trình của Thiên Chúa mặc khải cho chúng ta biết Người; và đối lại, mầu nhiệm đời sống nội tại của Thiên Chúa giúp chúng ta hiểu các công trình của Người. Cũng như trong các tương quan nhân loại, con người biểu lộ mình qua hành động; càng biết một người, chúng ta càng hiểu rõ hành động của họ hơn (C 236).

Mỗi Bài Đọc hôm nay giúp chúng ta nhìn những khía cạnh khác nhau của Ba Ngôi Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Châm Ngôn nhân cách hóa sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa với mục đích cho chúng ta hiểu về nguồn gốc và sự liên hệ giữa Thiên Chúa và sự Khôn Ngoan. Thiên Chúa “dựng nên” sự Khôn Ngoan từ nguyên thủy, trước khi dựng nên bất cứ một tạo vật nào; sau đó, Thiên Chúa cùng với sự Khôn Ngoan dựng nên muôn vật. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô cho chúng ta thấy công trình cứu chuộc con người là sự cộng tác của Ba Ngôi Thiên Chúa: Chúa Cha sáng tạo Kế Hoạch, Chúa Con thi hành, và Chúa Thánh Thần làm con người nhận ra và tin vào Kế Hoạch Cứu Độ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mặc khải về Chúa Thánh Thần mà Chúa Cha và Ngài sẽ gởi đến cho các môn đệ sau khi Ngài về trời. Chúa Thánh Thần sẽ làm cho các môn đệ thấu hiểu những mặc khải của Chúa Giêsu và sẽ hướng dẫn các ông từ từ đến sự thật toàn vẹn mà các ông không thể thấu hiểu trong một lúc vì trí khôn hạn hẹp của con người.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Ta đã được tấn phong từ đời đời, từ nguyên thuỷ, trước khi có mặt đất.

1.1/ Sự liên hệ và nguồn gốc của sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa:

(1) Sự liên hệ: Tác giả Sách Châm Ngôn nhân cách hóa sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa như sau: “Đức Chúa đã dựng nên ta như tác phẩm đầu tay của Người, trước mọi công trình của Người từ thời xa xưa nhất.”

Đây chỉ là một kiểu nói để diễn tả sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa; nhưng kiểu nói này gây nhiều ngộ nhận. Thứ nhất, sự Khôn Ngoan đã phải ở với Thiên Chúa ngay từ đầu. Nói theo kiểu con người: phải có khôn ngoan trước khi có sáng tạo. Thứ hai là động từ “dựng nên:” Nếu sự Khôn Ngoan đã ở với Thiên Chúa ngay từ đầu, động từ “dựng nên” phải hiểu theo nghĩa nào? Chúng ta không thể hiểu như dựng nên vũ trụ muôn loài. Bè rối Arians dựa vào câu này để chứng minh Ngôi Lời được tạo dựng, chứ không tự mình mà có. Tác giả chỉ có ý nói sự Khôn Ngoan đã ở với Thiên Chúa trước khi sáng tạo vũ trụ và con người.

(2) Nguồn gốc của Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa được tác giả diễn tả như sau: “Ta đã được thành hình từ đời đời, từ nguyên thuỷ, trước khi có mặt đất. Khi chưa có các vực thẳm, khi chưa có mạch nước tràn đầy, ta đã được sinh ra. Trước khi núi non được đặt nền vững chắc, trước khi có gò nổng, ta đã được sinh ra, khi Đức Chúa chưa làm ra mặt đất với khoảng không, và những hạt bụi đầu tiên tạo nên vũ trụ. Đã có ta hiện diện khi Người thiết lập cõi trời, khi Người vạch một vòng tròn trên mặt vực thẳm, khi Người làm cho mây tụ lại ở trên cao và cho các mạch nước vọt lên từ vực thẳm, khi Người định ranh giới cho biển, để nước khỏi tràn bờ, khi Người đặt nền móng cho đất.” Tất cả những câu này tác giả dùng chỉ nhằm diễn tả một điều: sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa có trước tất cả mọi sự.

1.2/ Sự liên hệ của Khôn Ngoan với các tạo vật: “Ta hiện diện bên Người như tay thợ cả. Ngày ngày ta là niềm vui của Người, trước mặt Người, ta không ngớt vui chơi, vui chơi trên mặt đất, ta đùa vui với con cái loài người.”

Từ ngữ “thợ cả=amôn” được dùng để chỉ sự sáng tạo tài khéo của sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa trong việc tạo dựng. Nhờ sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa mà muôn vật được tạo thành; và không có sự Khôn Ngoan, chẳng gì được tạo thành.

Trong lời Giới Thiệu của Tin Mừng Gioan, chúng ta tìm thấy nhiều điểm tương đồng khi so sánh sự Khôn Ngoan của Sách Châm Ngôn với Ngôi Lời của Tin Mừng Gioan: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành” (Jn 1:1-3).

Về sự liên hệ giữa Thiên Chúa và Chúa Giêsu: Khi tông đồ Philíp nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.” Đức Giêsu trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philíp, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha?” Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình” (Jn 14:8-10).

Nếu chúng ta nhìn Ngôi Lời như sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa, Ngôi Lời luôn ở với Thiên Chúa và là Thiên Chúa. Chúng ta không thể tách rời sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa ra khỏi Thiên Chúa. Chỉ trong mầu nhiệm Nhập Thể, Ngôi Lời mới mang lấy thân xác loài người để mặc khải cho con người biết sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa.

2/ Bài đọc II: Công trình cứu độ con người là của Ba Ngôi Thiên Chúa

2.1/ Chúa Cha là tác giả của công trình cứu độ: Cả Gioan cũng như Phaolô đều cho chúng ta cái nhìn rất rõ về Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa (Jn 6:35-40; Rom 3:21-24). Chúa Cha là tác giả của Kế Hoạch này. Mục đích của Kế Hoạch là để giải phóng con người khỏi làm nô lệ cho tội lỗi, giao hòa con người với Thiên Chúa, và cho con người được hưởng ơn cứu độ.

2.2/ Chúa Con thực thi công trình cứu độ: Chúa Giêsu được Chúa Cha sai xuống trần gian để mặc khải Kế Hoạch Cứu Độ cho con người, và mang Kế Hoạch tới thành công bằng việc chấp nhận trải qua Cuộc Thương Khó, cái chết, và sự Phục Sinh vinh hiển.

Đứng trước Chúa Giêsu, con người có tự do để lựa chọn: tin hay không tin vào Ngài. Nếu con người chọn để tin vào Đức Kitô, họ sẽ được sạch tội và trở nên công chính. Một khi được trở nên công chính, con người được giao hòa với Thiên Chúa. Đức Kitô đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa.

2.3/ Chúa Thánh Thần giúp chúng ta trung thành với niềm hy vọng vào sự sống đời đời:

Tha tội chỉ là một khía cạnh của Kế Hoạch Cứu Độ, khía cạnh khác là thánh hóa con người bằng ơn thánh của các bí tích và sự hướng dẫn của Thánh Thần.

Đức tin của chúng ta cần được thử thách trong những ngày chúng ta sống trên dương gian này. Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, Ngài không để chúng ta chiến đấu một mình, vì Ngài biết chúng ta sẽ không thể chống lại quyền lực của quỉ thần và của thế gian; nên Ngài đã ban ơn thánh và Thánh Thần để hoạt động trong tâm hồn chúng ta. Gian truân cần thiết để thử thách đức tin như vàng cần thử lửa để biết vàng thật. Đức tin được thử thách sẽ giúp người tín hữu quen chịu đựng và kiên trì trong mọi thử thách. Khi người tín hữu kiên trì mong đợi niềm hy vọng vào Nước Trời như thế, họ chứng minh cho Thiên Chúa biết họ xứng đáng được hưởng cuộc sống đời đời.

3/ Phúc Âm: Chúa Giêsu mặc khải Thánh Thần cho các môn đệ.

3.1/ Thánh Thần giúp con người thấu hiểu những mầu nhiệm của Thiên Chúa: Trước Cuộc Thương Khó, Chúa Giêsu biết các môn đệ sẽ chao đảo về sự ra đi của Ngài, nên Ngài mặc khải và nhắc lại những gì cần thiết để các ông vững tin vào Ngài; nhưng Ngài biết trí khôn hạn hẹp của các ông không thể thấu hiểu tất cả những gì Ngài muốn nói.

Một trong những mặc khải tối quan trọng Ngài để lại cho các ông là họ sẽ có sự hiện diện của Thánh Thần mà Chúa Cha và Ngài sẽ gởi đến. Hai điều Thánh Thần sẽ làm được Chúa Giêsu tiên báo hôm nay:

(1) Khi nào Thánh Thần sự thật đến, Ngài sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn: Thánh Thần là Thần Sự Thật, Ngài sẽ hướng dẫn các môn đệ theo sự thật và sẽ làm cho các ông hiểu tất cả mọi sự thật hay sự thật toàn vẹn.

(2) Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến: Thánh Thần không nói thêm điều gì mới lạ; nhưng sẽ nhắc lại những gì Chúa Giêsu đã nói và làm cho các môn đệ thấu hiểu những lời này.

3.2/ Sự hòa hợp giữa Ba Ngôi Thiên Chúa: Mỗi ngôi tuy có nhiệm vụ riêng; nhưng đều nhắm tới một mục đích là mang ơn cứu độ cho con người. Không có điều gì gọi là của riêng hay mâu thuẫn bất đồng giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Con người là tài sản chung của Ba Ngôi Thiên Chúa.

– Hòa hợp trong sự thật: Sự thật chỉ có một và đến từ Chúa Cha. Chúa Con thấy và nói những gì từ Chúa Cha. Chúa Thánh Thần thấy và nói những gì từ Chúa Con.

– Hòa hợp trong sự liên hệ: Ai có Chúa Con, người ấy cũng có Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Ai không có một, thì cũng không có cả ba.

– Hòa hợp trong sự chúc tụng: Ai tôn vinh Cha, người đó cũng tôn vinh Con. Ai từ chối Con, người đó cũng từ chối Cha và Thánh Thần.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Con người chúng ta là đối tượng cứu độ của Ba Ngôi Thiên Chúa. Các Ngài đã hòa hợp để tạo dựng, cứu chuộc, và thánh hóa chúng ta. Hãy sống xứng đáng với tình yêu Thiên Chúa.

– Gia đình chúng ta là biểu hiện của mầu nhiệm Ba Ngôi. Chúng ta cố gắng bắt chước tính luôn yêu thương và hòa hợp của Ba Ngôi trong mọi công việc.

– Trí khôn của chúng ta rất hạn hẹp trong việc hiểu biết các mầu nhiệm của Thiên Chúa, nhất là mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Khi chưa hiểu, chúng ta đừng vội nản chí; nhưng hãy biết khiêm nhường cầu nguyện để xin Thánh Thần của Thiên Chúa giúp chúng ta thấu hiểu.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************