Chúa Nhật (17-11-2024) – Trang suy niệm

16/11/2024

Lời Chúa Hôm Nay

Chúa Nhật XXXIII Thường Niên Năm B

KÍNH TRỌNG THỂ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

BÀI ĐỌC I: Kn 3, 1-9

“Chúa chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu”.

Bài trích sách Khôn Ngoan.

Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài. Ðối với con mắt của người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thật ra các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài có chịu khổ hình, lòng trông cậy của các ngài cũng không chết. Sau một giây lát chịu khổ nhục, các ngài sẽ được vinh dự lớn lao; vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa, và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu.

Khi đến giờ Chúa ghé mắt nhìn các ngài, các người công chính sẽ sáng chói và chiếu toả ra như ánh lửa chiếu qua bụi lau. Các ngài sẽ xét sử các dân tộc, sẽ thống trị các quốc gia, và Thiên Chúa sẽ ngự trị trong các ngài muôn đời. Các ngài đã tin tưởng ở Chúa, thì sẽ hiểu biết chân lý, và trung thành với Chúa trong tình yêu, vì ơn Chúa và bình an sẽ dành cho những người Chúa chọn.

Ðó là Lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6

Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan (c. 3).

1) Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như Người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan.

2) Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: “Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng”. Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.

3) Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận của con, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan.

4) Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo; họ trở về hân hoan, vai mang những bó lúa.

BÀI ĐỌC II: 1 Cr 1, 17-25

“Vì tiếng nói của Thập Giá là sức mạnh của Thiên Chúa ban cho chúng ta”.

Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, Ðức Kitô không sai tôi đi rửa tội, mà là rao giảng Tin Mừng, không phải bằng lời nói khôn khéo, kẻo Thập giá của Ðức Kitô ra hư không.

Vì chưng lời rao giảng về Thập giá là sự điên rồ đối với những kẻ hư mất; nhưng đối với những người được cứu độ là chúng ta, thì điều đó là sức mạnh của Thiên Chúa. Vì như đã chép rằng: “Ta sẽ phá huỷ sự khôn ngoan của những kẻ khôn ngoan, sẽ chê bỏ sự thông thái của những người thông sáng. Người khôn ngoan ở đâu? Người trí thức ở đâu? Người lý sự đời này ở đâu?” Nào Thiên Chúa chẳng làm cho sự khôn ngoan của đời này hoá ra điên rồ đó sao? Vì thế gian tự phụ là khôn, không theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa mà nhận biết Thiên Chúa, thì Thiên Chúa đã muốn dùng sự điên rồ của lời rao giảng để cứu độ những kẻ tin. Vì chưng, các người Do-thái đòi hỏi những dấu lạ, những người Hy-lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, còn chúng tôi, chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho người Do-thái, một sự điên rồ đối với các người ngoại giáo. Nhưng đối với những người được gọi, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, thì Ngài là Chúa Kitô, quyền năng của Thiên Chúa, và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, vì sự điên dại của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự khôn ngoan của loài người, và sự yếu đuối của Thiên Chúa thì vượt hẳn sức mạnh của loài người.

Ðó là lời Chúa.

ALLELUIA: 1 Pr 4, 14

All. All. – Nếu anh em bị sỉ nhục vì danh Chúa Kitô, thì phúc cho anh em, vì Thánh Thần Chúa sẽ ngự trên anh em. – All.

PHÚC ÂM: Mt 10, 17-22

“Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại biết”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì. Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì: vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con. Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ”.

Ðó là lời Chúa.

Chúa Nhật XXXIII Thường Niên Năm B

BÀI ĐỌC I: Đn 12, 1-3

“Khi ấy dân ngươi sẽ được cứu thoát”.

Trích sách Tiên tri Đaniel.

Khi ấy, tổng lãnh sứ thần Micae sẽ chỗi dậy can thiệp cho con cái dân ngươi, đó sẽ là thời kỳ khốn khổ chưa từng xảy đến từ khi có các dân tộc cho tới bây giờ. Trong thời kỳ ấy dân ngươi, hễ ai đã có ghi tên trong sách, sẽ được cứu thoát.

Nhiều kẻ an giấc trong bụi đất sẽ chỗi dậy; có người sẽ được hưởng phúc trường sinh, có kẻ phải tủi nhục muôn đời.

Những người thông minh sẽ sáng chói như ánh sáng vòm trời, và những kẻ khuyên dạy sự công chính cho nhiều người, sẽ nên như các vì tinh tú tồn tại muôn ngàn đời. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 15, 5 và 8. 9-10. 11

Đáp: Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa (c. 1).

1) Chúa là phần gia nghiệp và phần chén của con, chính Người nắm giữ vận mạng của con. Con luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt con, vì Chúa ngự bên hữu con, con sẽ không nao núng.  

2) Bởi thế lòng con vui mừng và linh hồn con hoan hỉ, ngay cả đến xác thịt của con cũng nằm nghỉ an toàn, vì Chúa chẳng bỏ rơi linh hồn con trong âm phủ, cũng không để thánh nhân của Người thấy điều hư nát.  

3) Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh: sự no đầy hoan hỉ ở trước thiên nhan, sự khoái lạc bên tay hữu Chúa tới muôn muôn đời!  

BÀI ĐỌC II: Dt 10, 11-14. 18

“Người đã làm cho những kẻ được thánh hoá nên hoàn hảo đến muôn đời”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Trong khi mọi tư tế hằng ngày đứng gần bàn thờ chu toàn chức vụ mình và hiến dâng cũng ngần ấy của lễ nhiều lần, nhưng không bao giờ xoá được tội lỗi, còn Người khi dâng xong của lễ duy nhất đền tội, đã ngự bên hữu Thiên Chúa đến muôn đời, và từ đây, Người chờ đợi cho đến khi thù địch bị đặt làm bệ dưới chân Người. Vì chưng, nhờ việc hiến dâng duy nhất mà Người đã làm cho những kẻ được thánh hoá nên hoàn hảo đến muôn đời. Vậy nơi nào tội lỗi được thứ tha, thì không còn việc dâng của lễ đền tội nữa. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Kh 2, 10c

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ngươi hãy giữ lòng trung thành cho đến chết, thì Ta sẽ ban cho ngươi triều thiên sự sống”. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Mc 13, 24-32

“Người sẽ quy tụ những người được tuyển chọn từ khắp bốn phương trời”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Trong những ngày ấy, sau cảnh khốn cực, mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng sẽ mất sáng, các ngôi sao sẽ từ trời rơi xuống và các sức mạnh trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người ngự đến trên đám mây với đầy quyền năng và vinh quang. Và bấy giờ Người sẽ sai các thiên thần của Người đi quy tụ những kẻ đã được tuyển chọn từ khắp bốn phương, từ chân trời cho đến cùng kiệt trái đất. Nhìn vào cây vả, các con hãy tìm hiểu dụ ngôn này. Khi nó đâm chồi nảy lộc, các con biết rằng mùa hè gần đến. Cũng vậy, khi các con nhìn thấy tất cả những điều đó xảy ra, thì các con hãy biết là Người đã tới gần ngoài cửa rồi. Thầy bảo thật các con: Thế hệ này sẽ chẳng qua đi trước khi mọi sự đó xảy đến. Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đi.

“Còn về ngày đó hay giờ đó, thì không một ai biết được, dù các thiên thần trên trời, dù Con Người cũng chẳng biết, chỉ có mình Cha biết thôi”. Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

17/11/2024 – CHÚA NHẬT TUẦN 33 TN – B

Kính trọng thể Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Mc 13,24-32

NIỀM VUI VÀ HY VỌNG LỚN LAO

“Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.” (Mc 13,26)

Suy niệm: Chúa sẽ lại đến. Đó là điều chắc chắn, nhưng khi nào và như thế nào, thì không ai biết. Mỗi khi xảy ra tai ương, như chiến tranh, động đất, bão lũ… hoặc những hiện tượng thiên nhiên khác thường, người ta lại lo lắng bất an, vì nghĩ rằng “ngày ấy” đã đến. Họ mặc định rằng ngày tận thế là ngày u ám đáng kinh sợ, ngày của huỷ diệt. Trái lại, đối với những ai mong đợi ngày Đức Ki-tô lại đến, thì “ngày ấy” lại là niềm vui và niềm hy vọng lớn lao vì đó là lúc “anh em sắp được cứu độ” (Lc 21,28).

Mời Bạn: Vậy chúng ta phải chuẩn bị cho ngày đó như thế nào? Một ngày kia thánh Gio-an Bốt-cô hỏi học trò mình: “Đa-minh Sa-vi-ô, nếu ngày mai con chết, con sẽ làm gì?” Đa-minh Sa-vi-ô trả lời: “Con vẫn chơi đùa, ăn uống bình thường bởi vì ngày nào con cũng chuẩn bị sẵn sàng để được gặp Chúa.” Vâng! “Phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn”, chu toàn bổn phận hằng ngày của mình, “đừng để mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời” (Lc 21,36.34).  Với tâm thế đó, chúng ta sẽ không còn sợ hãi mà trái lại đón chờ ngày Chúa lại đến trong bình an, vui tươi và hy vọng.

Sống Lời Chúa: Chu toàn công việc bổn phận hằng ngày của mình trong tinh thần phục vụ khiêm tốn với tâm niệm: “Tôi chỉ là người tôi tớ vô dụng, tôi chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (x. Lc 17,10).

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con mong đợi Chúa lại đến, xin cho chúng con biết dùng những giây phút hiện tại để thờ phượng Chúa và phục vụ tha nhân, ngõ hầu mai ngày chúng con được kết hợp hạnh phúc với Chúa mãi mãi trên Nước Trời. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm

Khi một người biết mình sắp lìa đời,
người ấy thường nghĩ đến những người thân yêu phải xa cách.
Đức Giêsu cũng vậy.
Trong lời cầu nguyện với Cha trước giờ ra đi,
Ngài đã nói nhiều với Cha về các môn đệ (Ga 17,9-19).
Đây là những kẻ mà Ngài yêu đến tột cùng và kỳ cùng (Ga 13,1).
Sắp đến giờ chia tay, Thầy trò mỗi người một ngả.
Thầy thì bỏ thế gian mà “đến cùng Cha” (Ga 17,11.13).
Trò thì vẫn còn ở trong thế gian, bị thế gian thù ghét (Ga 17,11.14).
Đức Giêsu biết rõ sức mạnh của thế gian, của bóng tối,
sức mạnh mà Ngài sắp phải đối đầu.
và các môn đệ cũng sẽ phải đối diện, khi không có Ngài ở bên.

Đức Giêsu chia sẻ với Cha nỗi lo của mình về các môn đệ.
Khi còn ở với họ, Ngài đã gìn giữ họ, đã canh giữ (Ga 17,12).
Giờ đây, Ngài nài xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần (Ga 17,11b.15).
Ngài lo cho họ trong cuộc chiến với tên thủ lãnh thế gian (Ga 16,11),
dù Ngài từng nói với họ: “Thầy đã thắng thế gian !” (Ga 16,33).
Đức Giêsu biết đàn chiên rồi sẽ bị tấn công, bị cướp bóc.
Nhưng nhiệm vụ của Cha và Con là bảo vệ,
để không ai cướp được chiên khỏi tay mình (Ga 10,28-29).

Nếu các môn đệ bị thế gian thù ghét, đó đâu phải là chuyện lạ,
vì nó đã thù ghét Thầy trước rồi (Ga 15,18.24).
Bị thế gian khai trừ, chống đối, bị ngược đãi, và bị giết:
đó là thân phận của người môn đệ (Ga 15,20-21; 16,1-2; 17,14).
Đó là thân phận của người không “thuộc về thế gian.”
Thế gian ghét những ai không thuộc về nó.
Người môn đệ được Thầy Giêsu chọn ra khỏi thế gian (Ga 15,19),
rồi lại được Thầy sai vào trong thế gian (Ga 17,18).
Đức Giêsu không xin Cha đem họ ra khỏi thế gian (Ga 17,15),
chỉ mong họ ở trong thế gian mà không thuộc về nó (Ga 17,14.16),
nhưng thuộc trọn về Cha và về Con (Ga 17,6.10).
Nhờ sống giữa thế gian, họ mới làm cho thế gian tin
và nhận biết rằng chính Cha đã sai Con (Ga 17,21.23).

Những lời Đức Giêsu cầu xin với Cha đã ứng nghiệm
nơi cuộc sống và cái chết của các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam.
Chẳng ai biết được chính xác số kitô hữu
đã chịu đau khổ và chịu chết trên mảnh đất quê hương này.
Họ gồm cả nam nữ, trẻ già, linh mục, giám mục và giáo dân,
là lính hay quan, là người Việt hay nhà truyền giáo ngoại quốc.
Họ chết vì đủ kiểu tra tấn, xử trảm, xử giảo, hay chết rũ tù.
Trước khi đón nhận cái chết, họ đã chọn Đức Giêsu là Chúa.
Chọn lựa này khiến họ không thể đưa chân bước qua thập tự,
dù bước qua là thoát gông cùm, được chức quyền, bổng lộc.
Rõ ràng họ không chọn thuộc về thế gian,
không lung lay trước những mời mọc và hứa hẹn của nó.
“Vì danh Thầy” họ chịu những gì Thầy đã chịu (Ga 15,20).
Chúa Cha và Chúa Con đã gìn giữ và che chở họ,
không phải để họ tránh khỏi cái chết thảm khốc,
nhưng để họ can đảm đón nhận cái chết với nhiều tình yêu.
Nhờ ơn Chúa, các vị tử đạo đã thắng được mọi nỗi sợ.
Họ thường tiến ra pháp trường với sự đĩnh đạc an vui.
Vui vì biết cái chết chóng qua sẽ đưa họ ở bên Thầy mãi mãi.

Lúc nào chúng ta cũng phải sống trong thế gian.
Thế gian của các vị tử đạo là thế gian thời phong kiến.
Thế gian hôm nay có nhiều quyến rũ hơn, ru ngủ hơn.
Không có bách hại gay go, nhưng có nhiều cám dỗ ngọt ngào.
Lắm khi chúng ta bước qua thập giá mà không hay.
Xin Cha làm chúng ta nên thánh trong thế gian này (Ga 17,17),
để sau khi sống cuộc vượt qua của riêng mình,
ta được cùng ở với Chúa Giêsu trong nhà Cha (Ga 17,24).

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, vị tử đạo tuyệt vời,
Chúa đưa chúng con vào thế giằng co liên tục.
Chúa vừa chọn chúng con ra khỏi thế gian,
lại vừa sai chúng con vào trong thế gian đó.
Thế gian này vàng thau lẫn lộn.
Có khi vàng chỉ là lớp mạ bên ngoài.

Xin cho chúng con
giữ được bản lãnh của mình,
giữ được vị mặn của muối,
và sức tác động của men,
để đem đến cho thế gian
một linh hồn, một sức sống.
Chúng con chẳng sợ mình bỏ đạo,
chỉ sợ mình bỏ sống đạo
vì bị quyến rũ bởi bao thú vui trần thế.

Xin cho chúng con đừng bao giờ quên rằng
chúng con mang dòng máu của các vị tử đạo,
những người đã đặt Chúa lên trên mạng sống.

Lạy Chúa Giêsu, nếu thế gian ghét chúng con,
thì xin cho chúng con cảm thấy niềm vui
của người được diễm phúc nên giống Chúa.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

17 THÁNG MƯỜI MỘT

Ân Sủng

Thánh Hóa Tình Cảm Nhân Loại

Sự đồng ý đón nhận nhau giữa một người nam và một người nữ khi họ cử hành hôn nhân Kitô giáo không chỉ là một diễn tả tình cảm nhân loại mà hai người cam kết trọn đời. Họ nói ‘vâng’ với nhau trong đức tin, một đức tin mà họ dứt khoát chọn lựa cho cả đời mình. Mầu nhiệm này của cuộc hôn nhân giữa họ là một phản ảnh của sự kết hợp thần nhiệm và của tình yêu phu phụ giữa Đức Kitô và Giáo Hội.

Vì thế, hôn nhân giữa hai Kitôhữu trước hết là một hành vi của đức tin. Tình cảm nhân loại của họ được chuyển hóa và được làm cho nên thánh thiện nhờ ân sủng. Vì họ đã ký thác tình yêu và cuộc hôn nhân của họ cho Thiên Chúa, nên Ngài nhất định sẽ bảo vệ và nuôi dưỡng nó bằng ân phúc của Ngài. Chính Đức Kitô cho biết rằng ở đây không chủ yếu là tự họ ràng buộc với nhau, mà đúng hơn chính Cha trên trời đang ràng buộc họ với nhau. Và công việc quan trọng đệ nhất của họ là liệu sao để không phá vỡ sự kết hợp thánh thiện này.

Một đôi vợ chồng sẽ thành công trong việc bảo vệ cuộc hôn nhân của mình nếu họ nhớ rằng chính Thiên Chúa đã trở thành người bảo vệ sự kết hợp giữa họ. Và khi họ trải qua những khó khăn trong cuộc sống hôn nhân, họ sẽ chạy đến với Thiên Chúa trong lòng tin tưởng vững vàng vào sự quan phòng và vào tình yêu thương của Ngài.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 17/11

CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN

Đn 12, 1-3; Hr 10, 11-14. 18; Mc 13, 24-32.

Lời Suy Niệm: Thầy bảo thật anh em: Thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xãy ra. Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.” (Mc 13,30)

          Càng đến gần cuối năm phụng vụ, Giáo Hội muốn con cái của mình hướng về “Ngày Chúa Quang Lâm”. Điều này chính Chúa Giêsu cũng đã nói rõ những dấu hiệu tiên báo cho ngày đó, nhưng điều quan trọng là chính Người cho biết: “Còn về ngày giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên thần trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi.” Giúp cho người Kitô hữu không còn phải tin vào bất cứ ai tiên báo về ngày tận thế của thế giới này.

          Lạy Chúa Giêsu, Tin Mừng là những điều Chúa đã truyền dạy chúng con sống để cùng nhau hưởng hạnh phúc Nước Trời. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn sống đức tin, tin vào Tin Mừng như lời Đức Mẹ đã dạy: “Người bảo gì các anh cứ việc làm theo.” (Ga 2, 5) Bởi vì Đức Mẹ đã sống và đã cảm nghiệm qua “Bài ca Magnificat” (Lc 1, 46-55). Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 17-11

Thánh ELISABETH Nước Hungaria

Nữ Tu (1207 – -1231)

Em bé 4 tuổi mặc ái nhung đeo vàng, người ta dẫn tới Thuringia, là con vua Hungaria. Tên Ngài là Elisabeth và vừa được đính hôn với hoàng tử Luy (Louis) mười một tuổi con của Landgrave miền Thuringia, và theo thói thường Ngài lớn lên tại cung điện Thuringia.

Elisabeth xem ra đã được tiền định với niềm vui, được cầu nguyện hãm mình và mỗi ngày hy sinh một điều thích thú. Nếu trong cuộc chơi mà thành công rực rỡ, Ngài không quá vui và ngừng lại. Một phần những cái người ta cho Ngài thường là tới tay người nghèo. Nhưng Ngài sớm thấy một đau khổ khác, không phải mọi người đều vui lòng khi thấy Ngài lớn lên trong đạo đức, tốt lành và quảng đại như vậy. Công chúa Sophia, mẹ của Luy tức giận vì sự hoàn thiện này.

Khi bà dẫn Elisabeth với cô con gái mình tới nhà thờ, cả hai trang điểm như công chúa thì Elisabeth lại cởi vương miện bằng đá ra mà nói không muốn mang nó đến trước Thiên Chúa phải đội mão gai. Thế là công chúa và con mình khinh bỉ và tuyên bố rằng: Ngài bất xứng để làm vợ của bá tước. Nhưng khi Luy đã trở lại triều đình chàng ngây ngất vì vị hôn thê trẻ của mình. Chàng chọn làm châm ngôn những đức tính: đạo đức, trong sạch và công bình. Chàng đã cử hành hôn phối sớm hết sức có thể, lúc chàng 20 và nàng 14.

Năm sau họ có con đầu lòng và 2 năm sau nữa sinh con thứ. Các đày tớ của thánh nữ nói về Ngài: “Bà kêu đến Chúa trong mọi hành vi, bà sống khiêm tốn, rất bác ái và say mê cầu nguyện”. Ngày sống của nữ bá tước được phân phối cho công việc cầu nguyện, làm việc bác ái, cùng với các phụ nữ dệt len cho người nghèo. Rảo quanh các làng quê phân phát các đồ cứu trợ. Luy, một hiệp sĩ hào hùng, rất lịch thiệp, là bạn trung thành nâng đỡ Elisabeth trong đường thánh thiện Ngài đeo đuổi. Ông yêu vợ có khuôn mặt và tâm hồn dịu hiền của mình. Người ta thích kể lại một huyền thoại làm đẹp cuộc đời thánh nữ như sau:

Vào một ngày mùa đông. Luy đi săn về gặp vợ cong mình xuống dưới sức nặng các đồ ăn giấu trong vạt áo. Ông hỏi: – Em mang gì đó ?

Vạch áo ra ông chỉ thấy những bó hoa hồng trắng rất đẹp không mùa xuân nào có được. Vị bá tước xúc động vì phép lạ, Ngài ưu ái người vợ lý tưởng của mình hơn nữa.

Còn chính thánh nữ thì tăng gấp việc bác ái. Ngài săn sóc các bệnh nhân nghèo, cấp đồ ăn cho họ, băng bó các vết thương. Vào một ngày thứ năm tuần thánh, Ngài đã hôn chân các người cùi Ngài tập hợp lại. Dưới những chiếc áo sang trọng, Ngài dấu một chiếc áo nhặm. Không ai nghi ngờ sự khắc khổ của Ngài. Isentrude, người đày tớ theo Ngài và có nhiệm vụ đánh thức Ngài ban đêm để cầu nguyện làm chứng: “Ngài hoàn thành những công trình bác ái trong tâm hồn vui tươi và không đổi nét mặt”.

Chính Elisabeth đã nói về những người nhân đức mà mặt mày ủ dột: “Họ có vẻ muốn làm khiếp đảm Thiên Chúa nhân lành. Trong khi Ngài yêu thích những kẻ cho một cách vui tươi”.

Luy phải ra trận. Đây là lúc nữ bá tước đau đớn nhất và tăng gấp lời cầu nguyện và đánh tội. Thánh nữ vẫn thường bối rối lo sợ có những bất công mà lãnh Chúa thường gặp phải. Gặp buổi đói ăn, thánh nữ nhiệt thành nâng dỡ người nghèo. Phân phát hết lúa gạo dự trữ, Ngài hy sinh cả nữ trang và đá quí, Ngài thiết lập những nhà thương. Dân chúng gọi Ngài là “mẹ”. Khi chồng trở về, thánh nữ thường cười nói: – Em đã dâng cho Thiên Chúa cái thuộc về Ngài bảo vệ của cải của chúng ta,

Nhưng đã đến lúc những thử thách lớn lao đưa Elisabeth tới đỉnh cao thánh thiện. Luy tham gia đoàn quân thánh giá và vong mạng năm 1227. Vài ngày sau thánh nữ sinh hạ người con thứ ba. Ngài như điên lên vì đau đớn, nhưng đã chứng tỏ lòng đai độ từ bỏ thánh nữ đã có từ buổi thiếu thời. Hình ảnh cổ truyền còn diễn tả thánh nữ, bị người em bất xứng của Luy xua đuổi và cấm dân chúng không được cho trú ngụ, khóc lóc ôm con nhỏ đi vào đường mòn sỏi đá giữa mùa đông lạnh lẽo với hai người con níu bên tay…

Thực tế là người em rể đã một thời không cho Ngài được thừa hưởng của cải của chồng Ngài. Elisabeth từ chối mọi thỏa hiệp với ông ta và không muốn nhận được cấp dưỡng bằng cái Ngài coi là của cắp của dân nghèo. Ngài thích được rẫy bỏ hơn và tự kiếm kế sinh nhai. Như thế với lương tâm Kitô giáo Ngài đã chọn được nên nghèo khó. Thực vậy, Ngài đã phải trú ngụ trong một chuồng heo cũ và đã biết khốn cực là gì. Người đày tớ theo Ngài kể rằng: – “Bị bắt bớ bởi những chư hầu của chồng, thiếu mọi thứ của cải và vì thiếu thốn, Ngài đã phải gửi con đến những miền xa để chúng được nuôi dưỡng ở đó.

Dầu vậy, Ngài vẫn cảm tạ Chúa và đã bóc lột Ngài như thế, và trong một nguyện đường các anh em hèn mọn Ngài đã đặt tay lên bàn thờ thề hứa từ bỏ tất cả.

Cậu của Ngài là giám mục miền Bamberg rất muốn Ngài tái giá và còn gọi Ngài tới lâu đài Haute Francoine nơi đặt các xương cốt của chồng Ngài. Nhận xương cốt, Ngài nguyện vâng phục và tạ ơn Thiên Chúa.

“Lạy Chúa, con yêu biết bao. Nhưng Chúa biết con không hối tiếc việc hy sinh người yêu của con cho Chúa. Anh đã tự hiến mình cho Chúa, con cũng hiến dâng anh con cho Chúa để yểm trợ thánh địa. Nếu được con cho cả thế giới để đổi lấy anh, rồi chúng con cùng đi ăn xin với nhau. Nhưng con xin chứng tỏ rằng: nếu trái với ý Chúa, con sẽ không muốn chuộc lại sự sống của anh, cả đến sợi tóc đi nữa… Nguyện ý Chúa thành sự trong chúng con”.

Người góa phụ trẻ không muốn có phần gì đối với vinh hoa trần thế nữa, đã mặc áo dòng ba Phanxicô và dùng tiền của chồng để lại để điều hành một nhà thương là nơi bà ngồi ăn chung với các bệnh nhân nghèo khó. Sau cùng Ngài ở trong một ngôi nhà bằng cây vách đất. Ngài dệt vải để nuôi thân và chịu những hy sinh cực khổ hơn nữa.

Cha giải tội của Ngài là Conrad thấy sự diụ hiền của Ngài có vẻ tạo nên cảm tình của hai người bạn từ hồi trẻ và nay theo Ngài, nên không cho Ngài giữ họ gần mình nữa. Thay vào đó là một đứa trẻ vô giáo dục và một bà điếc lác khó chịu. Elisabeth đối xử với họ cách âu yếm như với bạn bè và dành lấy những công việc gớm ghiếc nhất. Một đứa trẻ bất toại Ngài săn sóc bắt Ngài thức dậy mỗi đêm sáu lần và chính Ngài giặt giũ áo quần hôi hám của nó. Khi đứa trẻ chết, Ngài thayvào đó một dứa trẻ phong cùi và nói: – Tôi không đang cởi giây giầy cho em. Đối với tôi Chúa Giêsu đang ở vào đại vị của em.

Đứa trẻ chết, lại một người bị bịnh trứng tóc sống bên Ngài. Vị hướng dẫn còn dùng đến những cư xử nghiệt ngã lạ lùng. Nhà chép sử nói rằng: “ông ta có thể đánh vào mặt Ngài, nhưng thánh nữ đủ mạnh để chịu dựng như một người đang chiêm niệm. Ngài qua những giờ ngây ngất và nét mặt trở bên rực sáng.

Nhưng Elisabeth yếu dần và qua đời lúc mới 24 tuổi, vào ngày 19 tháng 10 năm 1231. Từng đoàn người lũ lượt hành hương kính viếng mộ Ngài và đã có rất nhiều phép lạ xảy ra tại đó. Bốn năm sau Đức giáo hoàng Gregoriô IX đã tôn phong Ngài lên bậc hiển thánh.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

17 Tháng Mười Một

Trong Mọi Sự, Hãy Nghĩ Ðến Cùng Ðích

Một ngày nọ, triết gia Diogene của Hy Lạp đã đến giữa chợ Athène và dựng lên một căn lều có ghi đậm hàng chữ như sau: “Ở đây có bán sự khôn ngoan”.

Một bậc khoa cử tình cờ đi qua căn lều đọc được lời rao báo, mới cười thầm trong bụng… Muốn biết đằng sau căn lều ấy có những gì, ông mới sai người đầy tớ cầm tiền để dò la và mua cho được cái mà người bán gọi là sự khôn ngoan.

Người đầy tớ cầm tiền ra đi làm theo lời căn dặn của chủ… Anh đưa cho Diogene 3 hào và nói rằng chủ của anh muốn có sự khôn ngoan. Cầm lấy 3 hào bỏ vào túi, triết gia Diogene nói với người đầy tớ một cách trang trọng như sau: “Anh hãy về đọc lại cho chủ anh nghe câu này: Trong tất cả mọi sự, hãy nghĩ đến cùng đích”.

Vị khoa cử thành Athène vô cùng thích thú vì lời khôn ngoan này. Ông đã cho viết trước cửa nhà như khuôn vàng thước ngọc để chính ông suy niệm mỗi ngày và tất cả những ai đi qua trước nhà ông đều có thể đọc thấy…

“Trong tất cả mọi sự, hãy nghĩ đến cùng đích”.

Có lẽ đó cũng là khuôn vàng thước ngọc mà Giáo Hội muốn ngỏ với mọi người chúng ta trong những ngày tháng cuối cùng của năm Phụng Vụ này. Mỗi năm qua đi: đó là hình bóng của đời người và lịch sử của thế giới này.

“Trong tất cả mọi sự, hãy nghĩ đến cùng đích”. Người lực sĩ nghĩ đến phần thưởng đang chờ đợi mình. Người học sinh nghĩ đến ngày đỗ đạt thành tài… Ðiểm đến thúc đẩy con người hăng say làm việc.

Thời Noe, mọi người ăn uống, vui chơi và cười nhạo khi ông cho đóng tàu để phòng nạn Hồng Thủy. Ðối với họ, chuẩn bị để đương đầu với tai nạn, chuẩn bị để làm một cuộc hành trình dài là một chuyện viển vông, là điều ngu xuẩn…

Hãy vui hưởng cuộc sống, hãy sống như thể con người sẽ không bao giờ chết: đó là thái độ của nhiều người trong chúng ta. Sống như thế là sống không định hướng, sống như thế là sống không mục đích. Thánh Phaolô đã gọi những người đó là những người chỉ biết thờ cái bụng của mình…

Cái chết là cửa để bước vào cuộc sống mai hậu. Và cuộc sống mai hậu ấy tùy thuộc vào những tích chứa, những xây dựng của chúng ta trong cuộc sống tại thế này. Nếu trong cuộc sống này, chúng ta hướng tất cả mọi hoạt động của chúng ta vào cùng đích ấy, nếu chúng ta hành động, suy nghĩ như thể chúng ta sẽ ra đi tức khắc, thì chắc chắn khi bước qua ngưỡng cửa ấy, chúng ta sẽ không ngỡ ngàng, thất vọng…

Nhưng dĩ nhiên, không phải từ sức mình, chúng ta có thể xây dựng cho mình tương lai vĩnh cửu ấy. Sự sống trường sinh là ân ban nhưng không của Chúa. Thiên Chúa chỉ chờ đợi nơi chúng ta sự ưng thuận và đáp trả tích cực mà thôi… Ước gì từng suy nghĩ, từng hành động, từng gặp gỡ, từng hơi thở của chúng ta đều là một đáp trả tích cực của chúng ta đối với lời mời gọi vào sự sống bất diệt của Chúa. Ước gì trong tất cả mọi sự, sự khôn ngoan hướng dẫn chúng ta chính là cõi phúc trường sinh mà Chúa đã hứa ban cho chúng ta. Ước gì trong từng bước lữ hành về cõi phúc ấy, chúng ta có thể nếm được niềm vui và hạnh phúc đích thực ngay trong cuộc sống này…

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật 33 – Năm B – Thường Niên 

Bài đọc: Dan 12:1-3; Heb 10:11-14, 18; Mk 13:24-32.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Ngày Đức Kitô đến lần thứ hai

Trong những ngày cuối năm, chúng ta được nghe Phụng Vụ Lời Chúa nhắc nhở rất nhiều về Ngày Đức Kitô đến lần thứ hai để xét xử con người. Khi nghe những báo trước về Ngày Tận Thế, con người có thể có ba thái độ: Thứ nhất, có người tin Lời Chúa và bắt đầu chuẩn bị cho Ngày ấy tới như Thiên Chúa nói, bằng cách khử trừ tội lỗi và luyện tập để sống thánh thiện. Thứ hai, có người cho là Ngày ấy còn xa, cứ việc ăn chơi cho thỏa chí; khi nào Ngày ấy gần xảy ra sẽ ăn năn cũng không muộn. Sau cùng, có những người cho đó là chuyện hoang đường bầy ra để dọa nạt trẻ con. Đối với họ, chết là hết; bao lâu còn sống cần phải thụ hưởng tối đa những gì thế gian dâng tặng.

Các Bài Đọc hôm nay nêu bật những báo hiệu về Ngày Tận Thế và những gì con người cần làm để chuẩn bị cho Ngày ấy. Trong Bài Đọc I, tiên tri Daniel báo hiệu đó là Ngày khốn khổ chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại. Ngày ấy, Tổng Lãnh Thiên Thần Michael sẽ bảo vệ những người được Thiên Chúa chọn, và mọi người sẽ sống dạy để chịu phán xét và lãnh nhận thưởng phạt tùy theo công việc họ làm khi còn sống. Trong Bài Đọc II, tác giả Thư Do-thái nhắc nhở cho con người về hiệu quả Hiến Lễ của Đức Kitô. Tuy chỉ xảy ra một lần, nhưng có sức mạnh tẩy trừ mọi tội của con người, và làm cho con người được trở nên tinh tuyền thánh thiện mỗi ngày một hơn. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cũng báo trước cho các môn đệ hai điều: về những điềm trời xảy ra trước Ngày Tận Thế: các hành tinh của Thái Dương Hệ sẽ thôi chiếu sáng và đêm tối sẽ bao trùm mặt đất; và ngày ấy chắc chắn sẽ đến; nhưng không ai biết được ngày và giờ nào; vì thế, con người phải luôn biết chuẩn bị.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Đó sẽ là thời ngặt nghèo chưa từng thấy, từ khi có nhân loại cho đến bây giờ.

1.1/ Những điều sẽ xảy ra khi Ngày Tận Thế đến: Sách tiên-tri Daniel được viết rất lâu sau Thời Lưu Đày, khoảng 165 BC, sau cái chết của Antiochus IV Epiphanes, người Hy-lạp. Đây là thời kỳ mà con cái Israel bị đe dọa bởi áp lực quân sự và văn hóa Hy-lạp. Mục đích của Sách là để khuyến khích con cái Israel đứng vững trước những tai tọa sắp xảy ra và trung thành với Lề Luật của Thiên Chúa. Sách Maccabees và Khôn Ngoan cũng được viết trong thời kỳ này. Tuy nhiên, như truyền thống của Giáo Hội tin tưởng, Sách có thể áp dụng cho thế hệ thời tiên-tri Daniel, nhưng cũng có thể áp dụng cho những thời đại sau này. Trình thuật của Marcô trong Phúc Âm và đặc biệt Sách Khải Huyền chịu ảnh hưởng thể văn khải huyền của Sách Tiên-tri Daniel.

Tác giả liệt kê những điều sau đây sẽ xảy ra: Thứ nhất là sự xuất hiện của Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, người được Thiên Chúa sai đến để che chở cho dân trong thời kỳ khốn khổ sau hết. Trong Sách Khải Huyền, TLTT Michael cũng xuất hiện để chiến đấu chống lại con rồng, tượng trưng cho quyền lực của Satan (x/c Rev 12:7). Thứ hai là thời kỳ khốn khổ chưa từng thấy, từ khi có các dân cho đến bây giờ. Sau cùng, những ai có tên trong Cuốn Sách của Thiên Chúa sẽ được thoát nạn. Truyền thống Do-thái tin tưởng Thiên Chúa có một Cuốn Sách ghi tên tất cả những ai được Thiên Chúa coi là bạn hữu hay công chính (Cf. Exo 32:32-33, Psa 69:28). Sách Khải Huyền đề cập rất nhiều lần đến “Cuốn Sách” hay “Sổ Trường Sinh,” trong đó ghi tên tất cả những người sẽ được cứu thoát (Rev 3:5, 13:8, 17:8, 20:12, 15; 22:7, 9, 10, 18, 19). Sách này chỉ có Con Chiên, đã bị giết nhưng vẫn đang sống, mới có thẩm quyền để mở mà thôi.

1.2/ Ai nấy sẽ chỗi dậy và phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình: Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Cựu Ước mặc khải về thân xác loài người sẽ sống lại. Trước đó, truyền thống Do-thái tin hạnh phúc Thiên Chúa ban chỉ giới hạn ở đời này qua việc sống lâu, có sức khỏe, đông con cháu, và của cải vật chất. Quan niệm về thân xác sống lại cũng được đề cập đến trong các Sách viết vào thời gian này như (x/c II Mac 7:9, 12:43 và Wis 2-5). Trong Tân Ước, Chúa Giêsu và các thánh ký cắt nghĩa rõ ràng hơn về sự sống lại này (x/c Mk 12:18, Jn 11:23-24, Acts 7:59-60, I Thes 4:13, I Cor 15:12-20). Thân xác loài người sống lại là để chịu phán xét và thưởng phạt.

(1) Người công chính sẽ được ban thưởng từ Thiên Chúa: Hai điều Thiên Chúa ân thưởng cho những người trung thành là: hưởng phúc trường sinh (x/c Jn 6:39-40) và các người khôn ngoan sẽ trở nên rực rỡ. Những ai giúp cho người khác nên công chính cũng sẽ “chiếu sáng muôn đời như những vì sao.”

(2) Kẻ tội lỗi sẽ “chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời.” Tân Ước đề cập nhiều lần tới chốn tối tăm và lửa muôn đời không hề tắt. Sách Khải Huyền cũng đề cập tới một Sách khác bên cạnh Sách Trường Sinh. Sách này ghi chép các việc làm của kẻ dữ, và họ sẽ bị phán xét theo những điều ghi chép này (Rev 20:12).

2/ Bài đọc II: Nơi nào đã có ơn tha tội, thì đâu cần lễ đền tội nữa.

Mục đích của tác giả trong trình thuật hôm nay là nêu bật hiệu quả Hiến Lễ của Đức Kitô trong việc thanh tẩy tội lỗi và thánh hóa con người, qua việc so sánh với hy lễ của các tư tế trong Cựu Ước.

2.1/ Hy lễ của các tư tế: “Vị tư tế nào cũng phải đứng trong Đền Thờ lo việc phụng tự mỗi ngày và dâng đi dâng lại cũng ngần ấy thứ lễ tế; mà những lễ tế đó chẳng bao giờ xoá bỏ được tội lỗi.” Hy lễ của các tư tế không thể so sánh với Hiến Lễ của Đức Kitô vì chỉ có thể tha những tội nhẹ hay vô tình, và phải lặp đi lặp lại mỗi khi con người phạm tội. Hy lễ để đền tội trong Đền Thờ của Cựu Ước chấm dứt với Hiến Lễ của Chúa Giêsu trên đồi Golgotha. Một lý do nữa là sau khi Chúa Giêsu chịu chết ít lâu, Đền Thờ Jerusalem cũng bị tiêu hủy bởi quân đội Rôma, và không bao giờ được tái thiết nữa. Câu hỏi có thể được đặt ra cho người Do-thái không tin Đức Kitô: làm sao tội họ có thể được tha thứ nếu không còn chỗ để dâng hy lễ đền tội?

2.2/ Hiến lễ của Đức Kitô: “Còn Đức Kitô, sau khi dâng lễ tế duy nhất để đền tội cho nhân loại, Người đã lên ngự bên hữu Thiên Chúa đến muôn đời. Và từ khi đó, Người chờ đợi ngày các kẻ thù bị đặt làm bệ dưới chân. Quả thật, Người chỉ dâng hiến lễ một lần, mà vĩnh viễn làm cho những kẻ Người đã thánh hoá được nên hoàn hảo. Mà nơi nào đã có ơn tha tội, thì đâu cần lễ đền tội nữa.”

Nhờ hiệu quả của Hiến Lễ của Chúa Giêsu trên đồi Golgotha, Ngài lập ra Bí-tích Rửa Tội để tẩy sạch tội lỗi con người. Sau đó, nếu còn phạm tội, con người có thể chạy đến với Bí-tích Giao Hòa để xưng thú và nhận ơn tha thứ. Đây là món quà vô giá cho con người: Nếu Bí-tích Hòa Giải có sức mạnh tha mọi tội, ngay cả tội trọng cho con người; tại sao con người không biết lợi dụng khử trừ tội lỗi, để không phải trả lời Thiên Chúa trong Ngày Phán Xét? Người xưa phải mua lễ hy sinh để đền tội và phải hành hương lên Đền Thờ Jerusalem, chúng ta ngày nay chỉ cần một bước vào Tòa Cáo Giải của giáo-xứ để xưng tội là được Thiên Chúa xóa sạch mọi tội.

Hơn nữa, Hiến Lễ của Đức Kitô còn được tái diễn trên bàn thờ mỗi ngày để tha mọi tội nhẹ và ban ơn thánh cho con người trong giai đoạn hiện tại. Tại sao con người không biết dùng để thanh tẩy mỗi ngày và lãnh nhận ơn thánh để trở nên hoàn hảo hơn?

3/ Phúc Âm: Thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra.

3.1/ Những gì sẽ xảy ra trước Ngày Tận Thế: Trình thuật hôm nay tiếp liền trình thuật chiến tranh sẽ xảy ra và các tai ương dồn dập tới. Chúa Giêsu nói với dân chúng: “Nhưng trong những ngày đó, sau cơn gian nan ấy, thì mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển.” Các hành tinh của thái dương hệ sẽ không còn chiếu sáng thường được đề cập tới trong sách Tiên-tri như (Amo 8:9, Joel 2:10, 3:15, Eze 32:7, 8, Isa 13:10, 34:4).

Sau những sự kiện này, là sự xuất hiện của Con Người, như Chúa Giêsu tiên báo với dân chúng: ”Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Lúc đó, Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời.”

3.2/ Con người phải biết đọc điềm trời đất để biết Ngày Tận Thế tới: “Anh em cứ lấy thí dụ cây vả mà học hỏi. Khi cành nó xanh tươi và đâm chồi nảy lộc, thì anh em biết là mùa hè đã đến gần. Cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, anh em hãy biết là Con Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi. Thầy bảo thật anh em: thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra.”

Trong cuộc đời, ngoài những điềm trong vũ trụ, con người còn được Thiên Chúa cho chứng kiến sự ra đi của những người thân trong gia đình, bạn bè, và những người chung quanh. Những sự ra đi này nhắc nhở cho con người biết sẽ đến ngày ra đi của mình, và con người không biết lúc nào vì trong những người đã ra đi không phải chỉ có những người lớn tuổi, mà còn đủ mọi hạng tuổi. Sự giả định mình chỉ chết khi lớn tuổi không có gì vững chắc cả; vì thế, cách tốt nhất là luôn chuẩn bị như ngày hôm nay là ngày tận thế của đời mình và sống làm sao để khỏi ân hận.

3.3/ Không ai biết được khi nào Ngày Tận Thế sẽ xảy ra: “Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay Người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi.” Chúa Giêsu muốn dạy con người hai điều:

(1) Ngày Tận Thế chắc chắn sẽ xảy ra, vì Ngài xác tín: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.” Khi nào xảy ra, không ai biết được, ngoại trừ Chúa Cha.

(2) Nếu những sự huy hoàng của thế gian sẽ qua, con người đừng bấu víu hay dựa vào phù du của thế gian; nhưng hãy biết tìm kiếm những giá trị vĩnh cửu trên trời.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta cần phân biệt hai ngày tận thế: của cuộc đời chúng ta và của toàn thể vũ trụ. Khi chúng ta xuôi tay nằm xuống, đó là ngày tận thế của cuộc đời chúng ta. Ngày này cũng nghiêm trọng như Ngày Tận Thế của vũ trụ vậy, vì đó là ngày chấm dứt việc thay đổi lập trường hay lập công đền tội.

– Khi Thiên Chúa phán điều gì, mọi việc đều xảy ra như thế. Chúng ta đừng đánh bạc cuộc đời chúng ta, kẻo khi bừng tỉnh đã quá muộn màng và phải hư đi cả đời.

– Nhiều người chúng ta đã quá khinh thường và lơ là với hai Bí-tích vô cùng quan trọng trong cuộc đời. Bí-tích Hòa Giải có sức mạnh tha thứ mọi tội chúng ta phạm để khỏi lo lắng trả lời tội đã phạm với Chúa trong Ngày Phán Xét. Bí-tích Thánh Thể tha mọi tội nhẹ và giúp con người càng ngày càng trở nên thánh thiện hơn.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************