Chúa Nhật (18-08-2019) – Trang suy niệm

17/08/2019

Lời Chúa Hôm Nay

Chúa Nhật Tuần XX Mùa Thường Niên Năm C

BÀI ĐỌC I: Gr 38, 4-6. 8-10

“Ngài đã sinh ra tôi làm người bất thuận sống trên vũ trụ”.

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Trong những ngày ấy, các thủ lãnh tâu vua rằng: “Chúng tôi xin bệ hạ cho lệnh giết người này, vì nó cố ý nói những lời làm lũng đoạn tinh thần chiến sĩ còn sống sót trong thành này và toàn dân. Thực sự tên này không tìm hoà bình cho dân, mà chỉ tìm tai hoạ”. Vua Sêđêcia phán rằng: “Đấy nó ở trong tay các ngươi, vì nhà vua không thể từ chối các ngươi điều gì”. Họ liền bắt Giêrêmia và quăng xuống giếng của Melkia con Amêlec, giếng này ở trong sân khám đường, họ dùng dây thả Giêrêmia xuống giếng. Giếng không có nước, chỉ có bùn, nên ông Giêrêmia sa xuống bùn.

Abđêmêlech ra khỏi đền vua và đến tâu vua rằng: “Tâu bệ hạ, những người này chỉ toàn làm những điều ác đối với tiên tri Giêrêmia, họ ném ông xuống giếng cho chết đói dưới đó, vì trong thành hết bánh ăn”. Vậy vua truyền dạy Abđêmêlech người Êthiôpi rằng: “Hãy đem ba mươi người ở đây theo ngươi, và kéo tiên tri Giêrêmia ra khỏi giếng trước khi ông chết”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 39, 2. 3. 4. 18

Đáp: Lạy Chúa, xin cấp tốc trợ phù con (c. 14b).

Xướng:

1) Tôi đã cậy trông, tôi đã cậy trông ở Chúa, Người đã nghiêng mình về bên tôi, và Người đã nghe tiếng tôi kêu cầu. – Đáp.

2) Người đã kéo tôi ra khỏi hố diệt vong, khỏi chỗ bùn nhơ; Người đã đặt chân tôi trên đá cứng, và đã làm vững bước chân tôi.- Đáp.

3) Và Người đã đặt trong miệng tôi một bài ca mới, bài ca mừng Thiên Chúa chúng ta; nhiều người đã chứng kiến và tôn sợ, và họ sẽ cậy trông vào Chúa. – Đáp.

4) Phần con, khốn khổ cơ bần, nhưng mà có Chúa ân cần chăm nom. Người là Đấng phù trợ và giải thoát con, ôi lạy Chúa, xin Ngài đừng chậm trễ. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: Dt 12, 1-4

“Chúng ta hãy kiên quyết xông ra chiến trận đang chờ đợi ta”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, cả chúng ta, chúng ta cũng có một đoàn thể chứng nhân đông đảo như đám mây bao quanh, chúng ta hãy trút bỏ tất cả những gì làm cho chúng ta nặng nề và tội lỗi bao quanh chúng ta. Chúng ta hãy cương quyết xông pha chiến trận đang chờ đợi ta. Chúng ta hãy nhìn thẳng vào Đức Giêsu, Đấng khơi nguồn đức tin và làm cho nó nên hoàn tất; vì trông mong niềm vui đang chờ đón mình, Người đã chịu khổ giá, bất chấp sự hổ thẹn, và rồi lên ngự bên hữu ngai Thiên Chúa. Anh em hãy tưởng nghĩ đến Đấng đã liều thân chịu cuộc tấn công dữ dội của những người tội lỗi vào chính con người của Ngài, ngõ hầu anh em khỏi mỏi mệt mà thất vọng. Vì chưng, trong khi chiến đấu với tội lỗi, anh em chưa đến nỗi phải đổ máu. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 8, 12

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta sẽ được ánh sáng ban sự sống”. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 12, 49-53

“Thầy không đến để đem bình an, nhưng đem sự chia rẽ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên. Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất. Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba người chống lại hai, và hai người chống lại ba: cha chống đối con trai, và con trai chống đối cha; mẹ chống đối con gái, và con gái chống đối mẹ; mẹ chồng chống đối nàng dâu, và nàng dâu chống đối mẹ chồng”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

18/08/2019 – CHÚA NHẬT TUẦN 20 TN – C

Lc 12,49-53

KHÔNG KHOAN NHƯỢNG VỚI TỘI

“Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao ? Thầy bảo cho anh em biết : không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ.” (Lc 12,51)

Suy niệm: Người Rô-ma có câu: “Muốn có hoà bình, phải chuẩn bị chiến tranh” (Si vis pacem, para bellum). Cũng thế, theo Lời Chúa dạy hôm nay, đời sống thiêng liêng là một cuộc chiến không khoan nhượng với tội lỗi. Muốn kết hợp với Chúa thực sự thì con người phải dám đoạn tuyệt với tất cả những gì là tội lỗi, là cản trở cho dù đó là những sự, những người thân thiết nhất với mình. Có vượt qua phản đề này ta mới có thể tìm được tự do và an bình đích thực. Các vị thánh nêu gương cho chúng ta trong cuộc chiến này đặc biệt thánh Phan-xi-cô Át-xi-di, thánh Tê-rê-xa A-vi-la…

Mời Bạn: Thiên niên kỷ mới đã qua gần hai thập niên, biết bao nhiêu kỳ vọng cho một thế giới hoà bình, nhưng ước mơ vẫn còn là mơ ước. Thế giới vẫn sống trong bất ổn dù chiến tranh nguyên tử, chiến tranh lạnh được coi  là kết thúc. Tại sao vậy? Vì mầm mống chiến tranh vẫn còn đó khi mỗi người vẫn chưa dám khai chiến với cái xấu đang ẩn nấp trong mỗi cá nhân, cộng đồng, quốc gia.

Chia sẻ: Cộng đoàn bạn đang sống có đấu tranh với cái xấu để nên tốt không?

Sống Lời Chúa: Bạn hãy chiến thắng chính mình bằng cách khiêm tốn xin lỗi người anh chị em đang bất hoà với mình, đền bù những thiệt hại mà mình đã vô tình hay cố ý gây ra.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, chính những bất công và tội lỗi làm chúng con chia rẽ, chống đối nhau. Xin giúp mỗi chúng con can đảm sửa mình theo Lời Ngài để biết cách xây dựng gia đình, xã hội và Giáo Hội. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

18 THÁNG TÁM

Thiên Chúa Sử Dụng Chúng Ta Để Xây Dựng Công Cuộc Sáng Tạo Mới

Con người hiện đại chắc chắn ý thức về vai trò của mình. Nhưng “nếu … sự độc lập của các thực tại trần thế có nghĩa là các tạo vật không lệ thuộc Thiên Chúa và con người có thể sử dụng chúng mà không cần qui hướng về Đấng Tạo Hóa thì không một ai nhìn nhận Thiên Chúa lại không thấy rằng lập trường đó hết sức sai lầm. Thực vậy, không có Tạo Hóa, tạo vật đều tiêu tan… Quên mất Thiên Chúa, mọi tạo vật đều trở nên mờ tối” (MV 36).

Chúng ta nhớ lại một bản văn cho phép chúng ta nắm bắt khía cạnh khác của sự phát triển thế giới bởi con người. Công Đồng nói: “Thánh Thần Chúa, Đấng điều khiển những biến chuyển thời gian và canh tân bộ mặt trái đất với sự quan phòng kỳ diệu, đang hiện diện trong cuộc tiến hóa này” (MV 26). Thánh Thần sử dụng chúng ta để xây dựng cuộc sáng tạo mới bằng cách giúp chúng ta vượt qua tội lỗi và những sự dữ khác trong cuộc sống chúng ta. Rồi chúng ta có thể tái tạo bộ mặt trái đất và hoàn thành định mệnh của chúng ta. Nhờ Thánh Thần Chúa để vượt qua sự dữ, điều đó có nghĩa là chọn lựa sự tiến bộ luân lý của con người, chứ không chỉ là những tiến bộ vật chất và thể lý. Khi ấy phẩm giá của con người có thể được bảo vệ. Con người có thể đưa ra một câu trả lời cho những đòi hỏi thiết yếu nhất của một thế giới đích thực có nhân tính. Bằng cách này, Nước Thiên Chúa sẽ dần dần lớn lên trong lịch sử của con người, tìm thấy bản sắc tâm linh của mình và cho con người thấy những dấu hiệu của sự hiện diện của Thiên Chúa.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 18/8

Chúa Nhật XX Thường niên

Gr 38, 4-6.8-10; Dt 12, 1-4; Lc 12, 49-53.

LỜI SUY NIỆM: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bừng lên!”

          Chúa Giêsu đang tâm sự với mỗi người trong chúng ta, và Người đang ước muốn toàn thể nhân loại cùng cọng tác với Người để thực hiện điều Người đang mong ước là: Lửa yêu mến Chúa Cha và yêu thương con người; được thể hiện trên trần gian này. Nhưng con người mãi dầu tư vào vũ khí và chiến tranh để tiêu diệt lẫn nhau, không tôn trọng vào bảo vệ sự sống của con người. Trong kinh doanh khai thác thiên nhiên, vì tư lợi đã làm cho Khí hậu và Môi trường sinh thái ngày càng ô nhiễm, chồng chất gánh nặng và bệnh tật cho người nghèo. Để đáp lại ước muốn của Chúa Giêsu; Giáo Hội Chúa đang xây dựng những cây cầu hòa bình để các bên xung đột có cơ dịp gặp gỡ, đối thoại tìm ra hòa bình hòa giải với nhau. Giáo Hội đang đưa ra những thông điệp giúp nhau tìm ra phương cách khắc phục những hậu quả tai hại về Môi Trường, để bảo vệ sự sống và tôn trọng, gìn giữ và săn sóc Thiên Nhiên.

          Lạy Chúa Giêsu. Xin Chúa ban cho toàn thể cộng đoàn dân Chúa luôn biết quan tâm và học tập những sứ điệp, thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô, để cọng tác với nhau làm cho lửa tình yêu Chúa yêu người được bùng cháy khắp mọi nơi.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

18 Tháng Tám

Ngài Là Sự Bình An Của Chúng Ta 

Năm 1899, cuộc xung đột biên giới giữa hai nước Chile và Argentina suýt đưa tới một cuộc chiến tranh khốc liệt… Mùa Phục Sinh năm 1900, quân đội của hai bên đã sẵn sàng giao tranh với nhau.

Trong suốt tuần thánh năm đó, vị tổng giám mục Buenos Aires của Argentina đã đưa ra một lời kêu gọi tha thiết về Hòa Bình. Sứ điệp của ngài đã không mấy chốc được truyền sang Chile. Các giám mục của nước này cũng hưởng ứng nhiệt liệt lời kêu gọi. Giáo hội của hai bên đã làm áp lực để hai chính phủ ngồi vào bàn hội nghị với nhau qua trung gian của vua Edward thứ 7 của Anh quốc.

Không mấy chốc, một hòa ước đã được hai nước ký kết. Ðể nói lên thiện chí xây dựng hòa bình, quân đội Argentina đã gom góp lại một số khí giới và nung lên để rồi đúc thành một tượng Chúa Giêsu. Bức tượng đã được đặt tên là “Ðức Kitô của dãy núi Andes”. Andes là dãy núi nơi đã có cuộc xung đột giữa hai quốc gia. Cánh tay phải của bức tượng được mở rộng để ban phép lành, còn cánh tay trái cầm thánh giá.

Chính phủ Argentina đã quyết định đưa bức tượng lên đỉnh núi ở cao độ gần 4 ngàn thước. Xe lửa di chuyển bức tượng đến chân núi. Sau đó, người ta dùng chính các chiến xa do lừa kéo để đưa bức tượng lên núi. Và cuối cùng, khi đến gần đỉnh núi, chính các quân nhân là những người hoàn thành công tác còn lại.

Sau khi đã dựng bức tượng, người ta viết dưới bệ của bức tượng như sau: “Những ngọn núi này sẽ sụp xuống và biến thành cát bụi nếu nhân dân của Chile và Argentina quên đi lời giao hòa mà họ đã long trọng ký kết dưới chân Ðức Kitô”. Trên mặt khác của chân tượng, người ta cũng đọc thấy câu trích từ thư của thánh Ephesô như sau: “Chính Ngài là sự bình an của chúng ta. Ngài đã làm cho đôi bên bị chia rẽ nên một”.

Giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1990 đã được quyết định trao tặng cho tổng thống Gorbachov của Liên Xô. Cả thế giới đã nhìn nhận vai trò của ông trong việc đạp đổ bức tường ô nhục Bá Linh và các chế độ cộng sản tại Ðông Âu, cũng như góp phần dập tắt cuộc chiến tranh giữa hai khối cộng sản và tư bản.

Hòa bình mà tổng thống Gorbachov góp phần kiến tạo phải chăng không là kết quả của một sự “đạp đổ”: chỉ khi nào những bức tường của kỳ thị, của bách hại, của hận thù, của độc tôn bị đạp đổ thì Hòa Bình mới thực sự chớm nở…

Người La Mã ngày xưa thường nói: Nếu muốn Hòa Bình, hãy chuẩn bị chiến tranh. Còn cuộc chiến nào gay go, khốc liệt cho bằng cuộc chiến để đạp đổ những bức tường của hận thù, của bạo động, của bất khoan dung trong tâm hồn của mỗi người chúng ta. Chúng ta chỉ thực sự có bình an trong tâm hồn và người người mới thực sự có Hòa Bình khi những bức tường ấy được đạp đổ trong chúng ta.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chủ Nhật 20 Thường Niên, Năm C

Bài đọc: Jer 38:4-6, 8-10; Heb 12:1-4; Lk 12:49-53.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Người làm chứng cho sự thật phải trả giá.

            Thế gian đầy dẫy sự gian trá. Để diệt trừ sự gian trá cần có những con người biết sự thật, nói sự thật, sống sự thật, và làm chứng cho sự thật. Những con người như thế sẽ bị thế gian truy tố, vì họ phơi bày sự gian trá của thế gian; nhưng cũng chính vì sự can đảm của họ, nhiều người lầm đường lạc lối đã quay trở về với chính lộ để được giải thoát.

            Các bài đọc hôm nay muốn nêu bật tầm quan trọng của sự thật và giá phải trả của những con người dám hiên ngang làm chứng cho sự thật. Trong bài đọc I, ngôn sứ Jeremiah bị những nhà lãnh đạo của Judah ném xuống giếng bùn cho chết, vì họ không thể nghe những lời tiên đoán của ông về sự sụp đổ của thành Jerusalem, của Đền Thờ, và toàn nước sẽ phải lưu đày; nhưng họ đã không giết chết được ông vì vẫn có người muốn nghe sự thật và giải thoát cho ông. Xấu hổ thay, người đó lại là một viên quan thái giám người Ethiopia, một người Dân Ngoại. Trong bài đọc II, tác giả Thư Do-thái khuyên các tín hữu hãy kiên trì chạy đua trong trận chiến đức tin để làm chứng cho sự thật. Ông khuyên họ hãy noi gương của các chứng nhân đi trước, và nhất là noi gương của Đức Kitô, tuy Người đã bị chết treo trên Thập Giá, nhưng giờ đây đang ngự bên hữu Thiên Chúa trong vinh quang để cầu bầu cho họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tâm sự với các môn đệ, Ngài đã ném lửa của sự thật vào thế gian, và Ngài ước mong cho lửa này bùng lên trong lòng mọi người. Để được như thế, Ngài phải chịu một phép rửa bằng máu; đó chính là cái chết của Người trên Thập Giá.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Ngôn sứ Jeremiah bị giam trong giếng bùn vì nói lời của Thiên Chúa.           

1.1/ Các thủ lãnh làm hại Jeremiah vì họ không muốn nghe sự thật.

            Con người sống bằng hy vọng và lạc quan, họ mong muốn bình an và phát triển, thế mà ngôn sứ Jeremiah lại cứ tiên đoán chiến tranh, tù đày và chết chóc. Đó là lý do các thủ lãnh của Judah đến thưa với vua Zedekiah: “Xin ngài cho giết con người ấy đi, vì những luận điệu của ông ta đã làm nản lòng các binh sĩ còn lại trong thành này, cũng như toàn dân. Thật vậy, con người ấy chẳng mưu hoà bình cho dân này, mà chỉ gây tai hoạ.”

            Nhưng con người không thể “lạc quan miền thượng,” nghĩa là lạc quan trong khi chẳng có lý do gì để lạc quan. Các nhà lãnh đạo Do-thái không thể mưu cầu một nền hòa bình tạm bợ, hay một nền hòa bình đặt trên sự giả dối; vì sớm muộn rồi sự giả dối đó cũng bị lộ tẩy, và chiến tranh bắt đầu tàn phá. Sự thật mà ngôn sứ Jeremiah muốn nói với họ ở đây là họ phải diệt trừ tội lỗi và quay trở về với Thiên Chúa, thì họ mới có bình an nhờ sự bảo vệ của Ngài.

            Vua Zedekiah là một ông vua nhu nhược. Vua có thể chưa nhận ra sự thật, hay không dám bênh vực cho sự thật vì sợ sẽ bị họ chống đối, nên vua Zedekiah nói với họ: “Đây ông ta đang ở trong tay các ngươi; nhà vua cũng chẳng có thể làm gì trái ý các ngươi được.”

            Những nhà lãnh đạo không muốn tay họ vấy máu ngôn sứ Jeremiah, nên họ nghĩ ra một cách là quăng ông xuống giếng bùn cho chết vì đói khát và bệnh tật. “Họ liền điệu ông Jeremiah đi, và bỏ xuống một cái hầm nước của hoàng tử Malchiah, trong sân vệ binh. Họ lấy dây thừng thả ông Jeremiah xuống. Vì trong hầm không có nước, mà chỉ có bùn, nên ông bị lún sâu.”           

1.2/ Ông Ebedmelech bênh vực và giải thoát ngôn sứ Jeremiah: Ông Ebedmelech người Ethiopia là quan thái giám của Zedekiah, ông có lẽ đã nghe những lời than ai oán và những lời cầu xin của ngôn sứ Jeremiah vọng lên từ đáy giếng, nên ông đã động lòng trắc ẩn, lòng thương xót giữa con người với con người. Đây chính là lý do ông Ebedmelech đi ra khỏi đền vua và thưa với vua rằng: “Thưa đức vua, chúa thượng tôi, những người này làm toàn những chuyện tai ác cho ngôn sứ Jeremiah. Họ đã thả ông xuống hầm, và ông đang chết đói ở dưới ấy, vì trong thành không còn bánh nữa.”

            Ngôn sứ Jeremiah bị bao vây bởi đau khổ dưới giếng bùn: đói khát, lạnh lẽo, bệnh tật, sợ hãi bị bỏ rơi, bị đe dọa bởi tử thần. Đây là lúc niềm tin của ông nơi Thiên Chúa bị thử thách. Đây là lúc mà Lời Chúa lúc đầu ngọt ngào bao nhiêu giờ trở nên cay đắng cho lòng ông bấy nhiêu, đến nỗi ông đã than thở những lời u oán trong bài Ai-Ca thứ ba. Dẫu vậy, ông vẫn tin Thiên Chúa sẽ giải thoát ông khỏi tay thù địch và khỏi chết.

            Tại sao vua Zedekiah bây giờ lại truyền cho Ebedmelech đi cứu ngôn sứ Jeremiah? Vua là người nhu nhược, nhưng khi thấy niềm tin và sự can đảm của viên quan thái giám, nhà vua thức tỉnh và nhận ra tội lỗi của mình. Vua liền truyền cho ông Ebedmelech: “Ngươi hãy đem theo ba mươi người ở đây, đi kéo ngôn sứ Jeremiah lên khỏi hầm, kẻo ông chết mất.”

2/ Bài đọc II: Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá.

2.1/ Chúng ta được bao vây bởi các nhân chứng đức tin trong lịch sử.

            Tác giả hình dung cuộc đời của các tín hữu giống như một cuộc chạy đua trong vận động trường. Trong cuộc thi chạy đua, người tín hữu có những khán giả cổ vũ cho mình là các nhân chứng đức tin của lịch sử trên đám mây nhìn xuống. Để có thể chạy cách hiệu quả, con người cần:

            (1) Trút bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình: Để có sức chạy dài, lực sĩ cần trút bỏ mọi gánh nặng không cần thiết; vì một trọng lượng mang theo mình, cho dù nhỏ đến đâu chăng nữa, cũng sẽ trở nên nặng nhọc vì đường dài. Tương tự trong cuộc chạy đua đức tin, các tín hữu cần dứt bỏ những thói quen xấu; vì một tội lỗi, cho dù nhỏ đến đâu chăng nữa, cũng sẽ ngăn cản các tín hữu không hoàn tất cuộc đua.

            (2) Hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta ở đàng trước: Khác với cuộc đua trong thao trường, mọi người hoàn tất trong cuộc đua đức tin, đều được lãnh nhận phần thưởng. Vì thế, điều quan trọng trong cuộc chạy đua đức tin, không lệ thuộc vào việc chạy nhanh, nhưng lệ thuộc vào sự kiên trì hoàn tất cuộc đua.

2.2/ Chúng ta hãy luôn hướng tới Đức Giêsu, Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin.

            Con người chiến đấu là cho một mục đích. Vì mục đích này, con người có thể vượt qua mọi gian nan khổ cực trong cuộc đời. Noi gương Chúa Giêsu, người nhập thể và chịu khổ hình là để ý của Thiên Chúa được vẹn toàn. Nói cách khác, vì niềm vui là mang lại ơn cứu độ cho con người, mà Ngài “đã cam chịu khổ hình thập giá, khinh thường ô nhục, và nay đang được ngự bên hữu ngai Thiên Chúa.” Chúng ta cũng vậy, vì hy vọng sẽ đạt được ơn Cứu Độ mà Chúa Giêsu đã chịu khổ hình để mang lại, chúng ta sẵn sàng vượt qua mọi gian khổ của cuộc đời như Chúa.

            Trong cuộc đời, nhiều khi chúng ta cảm thấy những người được chúng ta giúp, đã không biết ơn thì chớ, lại còn phê bình hay đối xử tàn nhẫn với chúng ta, mặc dù chúng ta đã cố gắng hết mực. Những lúc mang tâm trạng như thế, chúng ta hãy nhìn lên cây Thánh Giá để được an ủi; vì có một người cũng đã mang tâm trạng như thế cho tội lỗi của chúng ta. Cả cuộc đời của Chúa Giêsu là cuộc đời giảng dạy và ban phát ơn lành; thế mà con người đáp trả lại bằng những khinh thường, nhục mạ, mão gai, roi đòn, và đóng đinh trên Thập Giá. So sánh với những gì Chúa Giêsu phải trải qua, đau khổ của chúng ta không thể nào so sánh được với những đau khổ của Ngài. Vì thế, tác-giả Thư Do-thái khuyên các tín hữu: “Anh em hãy tưởng nhớ Đấng đã cam chịu để cho những người tội lỗi chống đối mình như thế, để anh em khỏi sờn lòng nản chí. Quả thật, trong cuộc chiến đấu với tội lỗi, anh em chưa chống trả đến mức đổ máu đâu.”

3/ Phúc Âm: Lời sự thật sẽ gây chia rẽ           

3.1/ “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!”   Lửa có ít nhất 3 công dụng: soi sáng, thanh tẩy (luyện kim), và sưởi ấm.

            (1) Chúa Giêsu soi sáng con người bằng Lời Chúa;

            (2) Sống Lời Chúa sẽ giúp con người thanh tẩy tất cả sai trái và tật xấu trong tâm hồn;

            (3) Cảm nghiệm được tình thương Thiên Chúa sẽ giúp con người có sức mạnh xóa tan đi những hố sâu chia rẽ và sưởi ấm lại tình người.

            Lửa mà Chúa Giêsu đã ném vào mặt đất mà muốn cho bùng lên là Sự Thật và Tình Yêu của Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói tiếp: “Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!” Phép Rửa Chúa Giêsu đề cập đến ở đây chính là Phép Rửa bằng Máu, là Cuộc Thương Khó của Ngài. Phép Rửa này chỉ hoàn tất khi Ngài giang tay chết trên Thập Giá để chứng tỏ tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người.

3.2/ Thầy đến để đem sự chia rẽ?

            Lời tuyên bố của Chúa Giêsu sẽ làm không ít người ngạc nhiên: “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban bình an cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ.” Nhiều người sẽ hỏi: “Tại sao Thiên Chúa của bình an lại đem chia rẽ?”

            Bình an của Thiên Chúa khác với bình an của con người và cách để có bình an của Thiên Chúa cũng khác với cách của con người. Bình an của trái đất là bình an giả tạo vì đặt trên những hiểu biết của con người; và chiến tranh có thể tái phát bất cứ lúc nào nếu có sự xung đột giữa những hiểu biết của con người. Thiên Chúa ban bình an cho con người không theo kiểu của thế gian: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.” (Jn 14:27). Bình an của Thiên Chúa chỉ thực sự có được khi mọi người nhận ra sự thật trong Mầu Nhiệm Cứu Độ và tình thương của Thiên Chúa dành cho con người.

            Vì sự thật của Thiên Chúa khác với sự thật của con người nên những lời dạy của Chúa Giêsu sẽ tạo nên sự chia rẽ: có những người tin vào Lời Chúa giảng dạy như các Tông Đồ và môn đệ; có những người sẽ phản đối và không tin như một số Kinh-sư, Biệt-phái, và Luật-sĩ. Hậu quả là họ tìm cách để tiêu diệt Chúa và các Tông Đồ. Cũng vậy, khi Lời Chúa được gieo trong cùng một mái nhà: sẽ có những người trong gia đình tin; sẽ có những người không tin. Hậu quả là gia đình bị chia rẽ. Nhưng nếu mọi người trong gia đình đều nhận ra sự thật và tin vào Lời Chúa, lúc ấy gia đình mới thực sự có bình an, và không một quyền lực nào có thể phá tan sự bình an đích thực này.           

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

            – Sự thật mất lòng nhưng chỉ có sự thật mới giải thoát. Chúng ta hãy để cho Lời Chúa thấm nhập vào tận tâm hồn để thanh tẩy tất cả những tính hư tật xấu trong con người.

            – Chúng ta là những ngôn sứ của sự thật. Chúng ta phải can đảm nói và làm chứng cho sự thật, cho dù có phải trả giá bằng những giận ghét, oán hờn, và ngay cả cái chết.

            – Có thông phần đau khổ chúng ta mới được thông phần vinh quang với Đức Kitô trong Nước của Thiên Chúa. Chúng ta tin chắc sự thật sẽ toàn thắng.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************