Chúa Nhật (18-08-2024) – Trang suy niệm

17/08/2024

Lời Chúa Hôm Nay

CHÚA NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN – NĂM B

BÀI ĐỌC I: Cn 9, 1-6

“Các ngươi hãy ăn bánh của ta, và hãy uống rượu ta đã pha cho các ngươi”.

Bài trích sách Châm Ngôn.

Sự khôn ngoan đã xây nhà mình và dựng bảy cột trụ, đã giết các sinh vật, pha rượu, dọn bàn tiệc, và sai những nữ tỳ lên các nơi cao trong thành mà công bố rằng: “Ai ngây thơ, hãy đến cùng ta”. Và bảo những kẻ mê muội rằng: “Các ngươi hãy đến ăn bánh của ta, và uống rượu ta đã pha cho các ngươi. Các ngươi hãy bỏ sự ngây dại đi, thì sẽ được sống, và hãy bước theo đường lối khôn ngoan”.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 33, 2-3. 10-11. 12-13. 14-15

Đáp: Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao (c. 9a).

1) Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui.

2) Các thánh nhân của Chúa hãy tôn sợ Chúa, vì người tôn sợ Chúa chẳng thiếu thốn chi; bọn sang giàu đã sa cơ nghèo đói, nhưng người tìm Chúa chẳng thiếu chi thiện hảo.

3) Các đệ tử ơi, hãy lại đây, hãy nghe ta, ta sẽ dạy cho các con biết tôn sợ Chúa. Ai là người yêu quý cuộc đời, mong sống lâu để hưởng nhiều phúc lộc.

4) Hãy giữ lưỡi đừng nói ra điều ác, và ngậm môi cho khỏi thốt ra lời gian ngoa. Hãy lo tránh ác và hành thiện, hãy tìm kiếm và theo đuổi bình an.

BÀI ĐỌC II: Ep 5, 15-20

“Anh em hãy ăn ở khôn ngoan theo thánh ý Chúa”.

Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, anh em hãy xét coi phải ăn ở thế nào cho thận trọng, đừng như những kẻ dại dột, song như những người khôn ngoan: biết lợi dụng thời giờ, vì thời buổi này đen tối. Vì thế anh em chớ ăn ở bất cẩn, nhưng hãy hiểu biết thế nào là thánh ý Thiên Chúa. Anh em chớ say sưa rượu chè, vì rượu sinh ra dâm dục, nhưng hãy tiếp nhận dồi dào Chúa Thánh Thần, cùng nhau hát lên những thánh vịnh, những ca vãn và những bài ca đạo đức và hết lòng ca tụng Chúa. Hãy luôn luôn cảm tạ Thiên Chúa là Cha trong mọi nơi mọi sự, nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 14, 23

All. All. – Chúa phán: “Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy”. – All.

PHÚC ÂM: Ga 6, 51-59

“Thịt Ta thật là của ăn, và Máu Ta thật là của uống”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân Do-thái rằng: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”. Vậy người Do-thái tranh luận với nhau rằng: “Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?” Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha, là Đấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Đây là bánh bởi trời xuống. Không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết, ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời”.

Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

18/08/2024 – CHÚA NHẬT TUẦN 20 TN – B

Ga 6,51-58

THÁNH THỂ: SÁNG KIẾN TÌNH YÊU

“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.” (Ga 6,51)

Suy niệm: ĐTC Phan-xi-cô trong một buổi tiếp kiến chung (11/05/2011) suy niệm: Thiên Chúa đã có sáng kiến mạc khải Ngài là tình yêu nơi Đức Giê-su Ki-tô; còn Đức Giê-su thì mạc khải tình yêu Thiên Chúa nơi bí tích Thánh Thể. Quả thật, Chúa Giê-su đã nói: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu” (Ga 15,13); và Ngài đã thực hiện đúng như thế khi hiến thân mình chịu chết trên thập giá để cho chúng ta được sống, rồi Ngài lại biến đổi bánh và rượu thành Thân Mình Chúa để chúng ta rước lấy và trở nên “một xương một thịt” với Ngài, nhờ đó chúng ta được sống và sống muôn đời. Thiên Chúa quyền năng vô biên nhưng không thể có sáng kiến nào tuyệt vời hơn sáng kiến tình yêu này nơi Thánh Thể Chúa Ki-tô.

Mời Bạn: Mỗi khi tham dự Thánh Lễ và lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể, chúng ta đón nhận chính Đức Ki-tô hằng sống nơi mình. Nhưng đó mới chỉ là khởi đầu. Phải nhờ đời sống cầu nguyện, sự sống của Chúa mới thấm nhuần mọi ngõ ngách trong chúng ta và làm cho chúng ta trở nên một với Chúa ngày càng thân thiết hơn.

Sống Lời Chúa: Mỗi khi rước Chúa vào lòng, bạn dành thời gian dâng lên Ngài những tâm tình tha thiết nhất.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con tạ ơn Chúa đã ban cho con Bánh hằng sống là chính Thân Mình Chúa. Xin cho con luôn khao khát được kết hợp với Chúa. Và xin Chúa ở lại với con để con được nên một với Chúa luôn mãi. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:
Cả các Kitô hữu cũng ngỡ ngàng trước bí tích Thánh Thể.
Ăn thịt và uống máu người mình yêu
là điều khủng khiếp chẳng ai dám nghĩ tới.
Nhưng Ðức Giêsu lại muốn nuôi cả nhân loại
bằng Thịt và Máu Ngài.
Và thực sự Ngài đã nuôi ta bằng cái chết thập giá –
ở đó Ngài đã hy sinh Máu Thịt mình.
Ðúng hơn, Ngài nuôi chúng ta bằng sự sống của Ngài:
sự sống được trao đi qua cái chết tự nguyện,
và sự sống được lấy lại qua phục sinh vinh quang.

Ðức Giêsu ban cho ta Tấm Bánh (c.51).
Ngài còn tự nhận mình là Tấm Bánh (cc.48.51):
Tấm Bánh có sự sống và Tấm Bánh ban sự sống.
Tôi là Tấm Bánh: đó là định nghĩa của Ðức Giêsu về mình.
Ðịnh nghĩa này có làm ta ngạc nhiên không?
Bánh là cái gì ăn được và đem lại sự sống.
Bánh không sống cho mình, nhưng cho người khác.
Chấp nhận là bánh có nghĩa là chấp nhận mất mình,
mà chỉ khi mất mình như thế,
bánh mới thật là bánh, mình mới thật là mình.
Thật ra bánh vẫn hiện diện và nên một với người ăn.
Ðức Giêsu là Tấm Bánh đặc biệt.
Khi tôi ăn, Ngài thành tôi và biến tôi thành Ngài.
Một sự ở lại hai chiều, một sự hiệp thông sâu thẳm.

“Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi
thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy” (c.56).
Rước lễ là đón lấy dòng sự sống, chấp nhận sống nhờ.
Ðức Giêsu sống nhờ Cha
và chúng ta sống nhờ Ðức Giêsu (c.57).
Như cành nho sống nhờ thân cây nho,
chúng ta cũng sống nhờ,
nghĩa là sống trong và sống cho Chúa.

Trong nhiều thế kỷ, Hội Thánh đã từng có thái độ
nhìn và thờ lạy Thánh Thể hơn là cầm lấy mà ăn.
Ðộng từ ăn được nhắc đến 8 lần trong bài Tin Mừng này,
như một lời mời gọi tha thiết của Ðức Giêsu.
Ngày nay, người ta rước lễ nhiều hơn trước.
Tiếc thay lắm khi cuộc gặp gỡ này khá vội vã,
thiếu chuẩn bị và cũng thiếu đối thoại thân tình.
Tôi lên rước lễ chỉ vì mọi người trong hàng ghế đã lên.
Phút thinh lặng sau rước lễ cũng bị cắt ngắn.
Tôi phải về ngay vì phải lấy xe, vì nhà thờ đóng cửa…
Chính vì thế rước lễ chẳng gây được âm vang nào nơi tôi.
Nó trở thành một thói quen, một nghi thức thuần tuý.
Tôi lên ăn một vật thánh, thay vì đón một người.
Ít khi có vị khách quý nào
bị thường xuyên tiếp đón lạnh nhạt như thế!
Rốt cuộc chẳng có cuộc gặp gỡ nào xảy ra,
nên tôi vẫn cứ là tôi như trước.

Hãy dự lễ như người đi dự tiệc Lời Chúa, Mình Chúa.
Chỉ ai biết ăn, biết thưởng thức và nghiền ngẫm,
người ấy mới gặp được sự sống và gặp được Giêsu.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Chúa đến với chúng con
dưới dạng tấm bánh bình thường.

Tấm bánh chẳng nói gì, chỉ biết lặng lẽ chờ đợi.
Tấm bánh hiện diện là để phục vụ cho con người.
Tấm bánh quá đỗi mong manh, nhỏ bé,
có thể bị ẩm mốc làm hư hoại,
và tan rất mau sau khi được nhận lãnh.

Lạy Chúa Giêsu, có cái gì tương tự
giữa phận làm người và phận làm bánh của Chúa.
Xin cho chúng con biết cách
đến với con người hôm nay:
đơn sơ, khiêm hạ,
không chút vinh quang hay quyền lực.

Nhờ ăn tấm bánh của Chúa,
chúng con cũng trở nên tấm bánh ngon,
được bẻ ra để đáp ứng khẩu vị của nhiều người.

Ước gì chúng con dám rước Chúa
đi vào mọi vùng mờ tối của lòng mình,
để sự hiện diện của Chúa trong con được lớn lên.

Và ước gì chúng con trở thành
những Nhà tạm di động,
đem Chúa đến cho đồng bào
và quê hương chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

18 THÁNG TÁM

Thiên Chúa Sử Dụng Chúng Ta Để Xây Dựng Công Cuộc Sáng Tạo Mới

Con người hiện đại chắc chắn ý thức về vai trò của mình. Nhưng “nếu … sự độc lập của các thực tại trần thế có nghĩa là các tạo vật không lệ thuộc Thiên Chúa và con người có thể sử dụng chúng mà không cần qui hướng về Đấng Tạo Hóa thì không một ai nhìn nhận Thiên Chúa lại không thấy rằng lập trường đó hết sức sai lầm. Thực vậy, không có Tạo Hóa, tạo vật đều tiêu tan… Quên mất Thiên Chúa, mọi tạo vật đều trở nên mờ tối” (MV 36).

Chúng ta nhớ lại một bản văn cho phép chúng ta nắm bắt khía cạnh khác của sự phát triển thế giới bởi con người. Công Đồng nói: “Thánh Thần Chúa, Đấng điều khiển những biến chuyển thời gian và canh tân bộ mặt trái đất với sự quan phòng kỳ diệu, đang hiện diện trong cuộc tiến hóa này” (MV 26). Thánh Thần sử dụng chúng ta để xây dựng cuộc sáng tạo mới bằng cách giúp chúng ta vượt qua tội lỗi và những sự dữ khác trong cuộc sống chúng ta. Rồi chúng ta có thể tái tạo bộ mặt trái đất và hoàn thành định mệnh của chúng ta. Nhờ Thánh Thần Chúa để vượt qua sự dữ, điều đó có nghĩa là chọn lựa sự tiến bộ luân lý của con người, chứ không chỉ là những tiến bộ vật chất và thể lý. Khi ấy phẩm giá của con người có thể được bảo vệ. Con người có thể đưa ra một câu trả lời cho những đòi hỏi thiết yếu nhất của một thế giới đích thực có nhân tính. Bằng cách này, Nước Thiên Chúa sẽ dần dần lớn lên trong lịch sử của con người, tìm thấy bản sắc tâm linh của mình và cho con người thấy những dấu hiệu của sự hiện diện của Thiên Chúa.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 18/8

CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN

Cn 9, 1-6; Ep 5, 15-20; Ga 6, 51-58.

Lời Suy Niệm: “Tôi là Bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.” (Ga 6,51)

          Mọi con người đều phải chết, đây là án phạt bởi tội. Tội cắt lìa chúng ta ra khỏi sự sống của Thiên Chúa. Nhưng với tình yêu thủy chung của Thiên Chúa, Thiên Chúa không muốn con người phải chết đời đời trong tội. Ngài đã sai Con Một của Ngài đến với con người để giao hòa lại với Ngài, để phục hồi sự sống đã bị đánh mất. Và Chúa Giêsu đã mời gọi những ai muốn “được sống”, những ai muốn “được sống đời đời” thì phải đón nhận Mình Máu Thánh của Ngài như là của ăn của uống nuôi sống đời mình. Sự sống trong Người, và Người sống trong mình. “Ai ăn Thịt và uống Máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy”(Ga 6,56).

          Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn biết dọn mình để lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể, để được sống trong tình yêu, và thể hiện tình yêu trong cuộc sống của chúng con. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

18 Tháng Tám

Ngài Là Sự Bình An Của Chúng Ta 

Năm 1899, cuộc xung đột biên giới giữa hai nước Chile và Argentina suýt đưa tới một cuộc chiến tranh khốc liệt… Mùa Phục Sinh năm 1900, quân đội của hai bên đã sẵn sàng giao tranh với nhau.

Trong suốt tuần thánh năm đó, vị tổng giám mục Buenos Aires của Argentina đã đưa ra một lời kêu gọi tha thiết về Hòa Bình. Sứ điệp của ngài đã không mấy chốc được truyền sang Chile. Các giám mục của nước này cũng hưởng ứng nhiệt liệt lời kêu gọi. Giáo hội của hai bên đã làm áp lực để hai chính phủ ngồi vào bàn hội nghị với nhau qua trung gian của vua Edward thứ 7 của Anh quốc.

Không mấy chốc, một hòa ước đã được hai nước ký kết. Ðể nói lên thiện chí xây dựng hòa bình, quân đội Argentina đã gom góp lại một số khí giới và nung lên để rồi đúc thành một tượng Chúa Giêsu. Bức tượng đã được đặt tên là “Ðức Kitô của dãy núi Andes”. Andes là dãy núi nơi đã có cuộc xung đột giữa hai quốc gia. Cánh tay phải của bức tượng được mở rộng để ban phép lành, còn cánh tay trái cầm thánh giá.

Chính phủ Argentina đã quyết định đưa bức tượng lên đỉnh núi ở cao độ gần 4 ngàn thước. Xe lửa di chuyển bức tượng đến chân núi. Sau đó, người ta dùng chính các chiến xa do lừa kéo để đưa bức tượng lên núi. Và cuối cùng, khi đến gần đỉnh núi, chính các quân nhân là những người hoàn thành công tác còn lại.

Sau khi đã dựng bức tượng, người ta viết dưới bệ của bức tượng như sau: “Những ngọn núi này sẽ sụp xuống và biến thành cát bụi nếu nhân dân của Chile và Argentina quên đi lời giao hòa mà họ đã long trọng ký kết dưới chân Ðức Kitô”. Trên mặt khác của chân tượng, người ta cũng đọc thấy câu trích từ thư của thánh Ephesô như sau: “Chính Ngài là sự bình an của chúng ta. Ngài đã làm cho đôi bên bị chia rẽ nên một”.

Giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1990 đã được quyết định trao tặng cho tổng thống Gorbachov của Liên Xô. Cả thế giới đã nhìn nhận vai trò của ông trong việc đạp đổ bức tường ô nhục Bá Linh và các chế độ cộng sản tại Ðông Âu, cũng như góp phần dập tắt cuộc chiến tranh giữa hai khối cộng sản và tư bản.

Hòa bình mà tổng thống Gorbachov góp phần kiến tạo phải chăng không là kết quả của một sự “đạp đổ”: chỉ khi nào những bức tường của kỳ thị, của bách hại, của hận thù, của độc tôn bị đạp đổ thì Hòa Bình mới thực sự chớm nở…

Người La Mã ngày xưa thường nói: Nếu muốn Hòa Bình, hãy chuẩn bị chiến tranh. Còn cuộc chiến nào gay go, khốc liệt cho bằng cuộc chiến để đạp đổ những bức tường của hận thù, của bạo động, của bất khoan dung trong tâm hồn của mỗi người chúng ta. Chúng ta chỉ thực sự có bình an trong tâm hồn và người người mới thực sự có Hòa Bình khi những bức tường ấy được đạp đổ trong chúng ta.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật 20 – Năm B – Thường Niên.

Bài đọc: Pro 9:1-6; Eph 5:15-20; Jn 6:51-58.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Khao khát được “trường sinh bất tử.”

             Con người khôn ngoan không bao giờ muốn chết, nhưng muốn được sống “trường sinh bất tử;” nhưng cái chết là một thực tại và nó luôn đe dọa mạng sống con người. Tại sao khao khát trường sinh có thể nói là một bản năng của con người mà cái chết lại cướp đi bản năng đó. Con người có hy vọng gì để đạt được nỗi khao khát trường sinh không?

            Hy vọng lớn lao và may mắn cho con người: Niềm tin và đạo lý Công Giáo dạy: (1) Nỗi khao khát trường sinh là một khao khát có thật vì Thiên Chúa, Đấng dựng nên con người, muốn con người được trường sinh bất tử. (2) Vì tội lỗi mà con người phải chết; nhưng Thiên Chúa đã có sẵn Kế Hoạch Cứu Độ để giải phóng con người khỏi tội lỗi và sự chết.

            Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh nỗi ước ao được sống trường sinh của con người. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Châm Ngôn nhân cách hóa sự khôn ngoan và nêu lên một điều kiện để con người được sống: phải “ăn bánh và uống rượu” do khôn ngoan làm ra. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô khuyên các tín hữu Ephesô phải biết sống như những người khôn ngoan bằng cách theo sự hướng dẫn của Thánh Thần để tìm ra và làm theo thánh ý Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mặc khải cho con người bí quyết để được trường sinh bất tử: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết.”  

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC: 

1/ Bài đọc I: Hãy đến mà ăn bánh của ta và uống rượu do ta pha chế!           

1.1/ Đức Khôn Ngoan chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng: Tác giả Sách Châm Ngôn đã nhân cách hóa khôn ngoan như một người phụ nữ, bằng cách diễn tả các đặc tính của khôn ngoan như sau: 

           + Khôn ngoan luôn chắc chắn và bền vững: “Đức Khôn Ngoan đã xây cất nhà mình, dựng lên bảy cây cột.” Nhà được dựng bằng 7 cột là nhà chắc chắn, không gì có thể lay chuyển được.

            + Khôn ngoan chuẩn bị bữa ăn sẵn sàng bằng cách: “hạ thú vật, pha chế rượu, dọn bàn ăn.” Khách được mời tham dự không tốn công của, và không thiếu bất cứ gì.

            + Khôn ngoan mời tất cả mọi người, không trừ ai cả: Nàng sai đầy tớ đi mời khách đến dự tiệc, và chính Đức Khôn Ngoan còn lên các nơi cao trong thành phố và kêu gọi mọi người.            

1.2/ Nàng Khôn Ngoan đi tìm kiếm con người.

             (1) Hai hạng người mà Nàng Khôn Ngoan tìm kiếm:

            + ngây thơ (aifrôê): là những người thiếu khôn ngoan và dễ bị người khác đánh lừa.

            + khờ dại (frenôê): là những người thiếu hiểu biết, nên họ dễ làm liều.

            (2) Mục đích của Nàng Khôn Ngoan: “Các con sẽ được sống; hãy bước đi trên con đường hiểu biết.” Nàng sẽ dạy cho con người hiểu biết thánh ý Thiên Chúa để con người được sống.

            (3) Điều kiện: “Hãy đến mà ăn bánh của ta và uống rượu do ta pha chế!” Muốn được sống, con người phải ăn bánh và uống rượu do chính Nàng Khôn Ngoan làm.

            Ngôi Lời (ho lógos) được Gioan đồng nhất với Đức Kitô, Ngài là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, và nhờ Ngài mà muôn vật được tạo thành.

2/ Bài đọc II: So sánh người khôn ngoan và người khờ dại: 

            Thánh Phaolô khuyên nhủ các tín hữu Êphesô: “Anh em hãy cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình, đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan.” Ngài giúp các tín hữu xét mình để nhận ra sự khác biệt giữa hai hạng người:

2.1/ Người khôn ngoan: là những người:

            + Sống theo sự hướng dẫn khôn ngoan của Thánh Thần.

            + Biết tận dụng thời buổi hiện tại, vì chúng ta đang sống những ngày đen tối. Quan niệm của người Do-thái về thời gian: hiện tại rất xấu và tương lai rất tốt; giao thời giữa hai thời gian là cuộc khủng hoảng. Thánh Phaolô có lẽ nghĩ các tín hữu đang sống trong buổi giao thời.

            + Biết tìm thánh ý Chúa: “anh em đừng hoá ra ngu xuẩn, nhưng hãy tìm hiểu đâu là ý Chúa.”

            + Hiểu biết khôn ngoan sẽ dẫn tới các hành động khôn ngoan: “Hãy cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa. Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, hãy nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha.” 

2.2/ Người khờ dại là những người:

            + Sống theo ý muốn xác thịt: say sưa rượu chè, và rượu chè đưa tới truỵ lạc.

            + Không biết lợi dụng thời giờ Chúa ban cho: phí thời giờ vào các việc vô ích, không đem lại lợi ích tương lai cho đương sự.

            + Vì không biết thánh ý Thiên Chúa nên người khờ dại chỉ biết làm theo ý riêng mình; Người chỉ biết làm theo ý mình sẽ không đạt được đích mà Thiên Chúa mong muốn cho cuộc đời của họ.

3/ Phúc Âm: Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.

3.1/ Phân tích từ ngữ Hy-lạp: Lời tuyên bố của Chúa Giêsu sau đây cần được nghiên cứu từng từ ngữ và cách cấu trúc: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”

            + Cụm từ “Ergô, eimi” theo sau bởi một thành ngữ xảy ra 7 lần trong Gioan, và túc từ theo sau đều mặc khải một sứ vụ đặc biệt của Đức Kitô như: Ta là Bánh Hằng Sống; Mục Tử Tốt Lành; Cửa Chuồng Chiên; Cây Nho; Sự Sống Lại và là sự sống; Ánh Sáng Thế Gian; Đường, Sự Thật, và là Sự Sống.

            + Túc từ “ho artos ho zôê” có thể mang nhiều nghĩa khác nhau tùy theo cách dịch:

                        (1) Có thể dịch là “bánh hằng sống hay bánh trường sinh,” có nghĩa bánh không bao giờ hư nát. Khi áp dụng vào Chúa Giêsu, có nghĩa Chúa là Bánh Hằng Sống.

                        (2) Hay có thể dịch là “bánh mang sự sống thần linh.” Khi áp dụng vào Chúa Giêsu, có nghĩa, Ngài là bánh mang sự sống thần linh cho con người như trong (Jn 6:33).

                        (3) Hay cũng có thể dịch là “bánh đang sống.” Khi áp dụng vào Chúa Giêsu, có nghĩa Ngài là Bánh đang sống.

            Theo văn mạch và nội dung, nghĩa thứ (2) có lẽ thích hợp hơn cả; mặc dù hai nghĩa kia vẫn đúng với Chúa Giêsu.

            + Cụm từ: “từ trời xuống” nhắc nhở cho con người biến cố Thiên Chúa cho manna rơi xuống từ trời làm lương thực cho con cái Israel suốt 40 năm trong sa mạc. Manna là hình ảnh báo trước của Bí-tích Thánh Thể. Bánh mang lại sự sống đời đời có thực và có nguồn gốc từ trời.

            + “Bánh tôi sẽ ban tặng:” nhấn mạnh đến việc cho đi cách nhưng không như trong Bài Đọc I: mọi sự đã được chuẩn bị sẵn sàng, ăn mà không phải tốn tiền!

            + Bánh Hằng Sống chính là thịt (sárx) của Chúa Giêsu. Ngay từ đầu Tin Mừng, Gioan đã dùng danh từ này để nói về mầu nhiệm Nhập Thể: Và Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm (sárx) và đã cư ngụ giữa chúng ta.

            + Phản ứng của người Do-thái: Điều họ tranh luận ở đây không phải về nguồn gốc của Chúa Giêsu, nhưng là thịt của Ngài: Làm sao một người đang sống có thể lấy thịt của mình cho kẻ khác ăn? Trừ phi người đó phải chết! Điều khó khăn nữa là người Do-thái không có thói quen ăn thịt người.

3.2/ Sự cần thiết của bí-tích Thánh Thể: Đức Giêsu nói với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình.”

            + Công thức “amen amen = thật, tôi bảo thật” báo hiệu trước một chân lý sẽ được mặc khải trong Tin Mừng Gioan. Chân lý Chúa Giêsu mặc khải ở đây là “Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình.” Nếu Chúa Giêsu không mặc khải chân lý cho con người, sẽ không có ai biết được.

            + Hai động từ ăn (esthíô) và uống (pinô) mà Gioan dùng ở đây là hai động từ căn bản dùng trong việc ăn uống của con người: như ăn bánh và uống nước.

            + Chúa Giêsu phân biệt hai sự sống: thể lý (psyche) và thần linh (zôê). Nếu không ăn thịt và uống máu Chúa, con người vẫn có sự sống thể lý; nhưng không có sự sống thần linh.

            + Sự sống muôn đời (zôê aiônion): Sự sống thần linh sẽ dẫn con người đến sự sống muôn đời: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết.” Như Chúa Giêsu khi mang thân xác con người, mặc dù con người vẫn phải chết cách thể lý, nhưng sẽ được sống lại vinh hiển, và sẽ không bao giờ phải chết nữa.

            + Thịt và Máu Chúa là lương thực nuôi sống con người: “vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống.” Hai danh từ dùng để so sánh: của ăn (brôsin) và của uống (pôsin) là hai danh từ dùng để chỉ lương thực căn bản của con người.

            + Sự sống thần linh là sự sống của chính Thiên Chúa: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy.” Chúa Giêsu và người rước Chúa trở nên một, như thánh Phaolô tuyên bố: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi; mà là chính Đức Kitô sống trong tôi.”

            + Sự sống thần linh giúp con người hiểu biết sự khôn ngoan và các mầu nhiệm của Thiên Chúa mà trí khôn con người không hiểu thấu được. Sự khôn ngoan có được là do Thánh Thần của Đức Kitô hướng dẫn con người. Sự sống thần linh giúp cho con người có sức mạnh để đáp ứng lời mời gọi nên trọn lành của Đức Kitô mà sức riêng con người không thể làm được. Ví dụ, con người có được tình yêu nguyên thủy của Thiên Chúa để yêu thương kẻ thù, làm ơn và cầu nguyện cho người ghét mình.

3.3/ Hậu quả của việc lãnh nhận bí-tích Thánh Thể: Nếu ăn sẽ sống, không ăn sẽ chết.

            + Chúa Giêsu sống bằng chính sự sống của Chúa Cha: “Như Chúa Cha là Đấng Hằng Sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy.” Trong mầu nhiệm Nhập Thể, chúng ta tuyên xưng Chúa Giêsu mang hai bản tính: Thiên Chúa và nhân loại: bản tính Thiên Chúa không bao giờ chết, bản tính nhân loại chết khi Chúa Giêsu tắt thở trên Thánh Giá; nhưng được phục sinh ngay vì bản tính Thiên Chúa. Người rước Mình và Máu Đức Kitô cũng mang hai sự sống thể lý và thần linh. Hai sự sống này không tiêu diệt nhau nhưng bổ xung cho nhau.

 ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG: 

            – Để được sống trường sinh bất tử, chúng ta phải khôn ngoan tìm ra thánh ý của Thiên Chúa và vâng lời làm theo những gì Ngài dạy.

            – Chúng ta phải tin vào những gì Đức Kitô mặc khải về bí-tích Thánh Thể và thường xuyên lãnh nhận Bí-tích này. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************