Chúa Nhật (26-09-2021) – Trang suy niệm

25/09/2021

Lời Chúa Hôm Nay

Chúa Nhật Tuần XXVI Mùa Thường Niên Năm B

BÀI ĐỌC I: Ds 11, 25-29

“Ngươi phân bì giùm ta làm chi? Ước gì toàn dân được nói tiên tri”.

Trích sách Dân Số.

Trong những ngày ấy, Chúa ngự xuống trong đám mây, và phán cùng Môsê, đồng thời lấy thần trí trong Môsê mà phân phát cho bảy mươi vị bô lão. Khi Thần Trí ngự trên các ông, các ông liền nói tiên tri, và về sau các ông không mất ơn ấy.

Vậy có hai vị ở lại trong lều trại, một người tên là El-đad, và người kia tên là Mê-đad. Thần Trí đã ngự trên hai ông: vì hai ông được ghi tên vào sổ, nhưng không đến ở trong nhà xếp. Khi hai ông nói tiên tri trong lều trại, thì có đứa trẻ chạy đến báo tin cho ông Môsê rằng: “El-đad và Mê-đad đang nói tiên tri trong lều trại”. Tức thì Giosuê, con ông Nun, tuỳ tùng của ông Môsê, và là kẻ được chọn trong số đông người, liền thưa rằng: “Hỡi ông Môsê, xin hãy cấm chỉ các ông ấy đi”. Ông Môsê đáp lại rằng: “Ngươi phân bì giùm ta làm chi? Chớ gì toàn dân được nói tiên tri và Chúa ban Thần Trí Người cho họ”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 18, 8. 10. 12-13. 14

Đáp: Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can (c. 9a). 

Xướng:

1) Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt. – Đáp.

2) Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thật, công minh hết thảy. – Đáp.

3) Dù tôi tớ Chúa quan tâm về những điều luật đó, lại hết sức ân cần tuân giữ, nhưng có nhiều chuyện lầm lỗi, nào ai hay? Xin rửa con sạch những lỗi lầm không nhận thấy. – Đáp.

4) Cũng xin ngăn ngừa tôi tớ Chúa khỏi tính kiêu căng, đừng để tính đó làm chủ trong mình con. Lúc đó con sẽ được tinh toàn và thanh khiết, khỏi điều tội lỗi lớn lao. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: Gc 5, 1-6

“Của cải các ngươi bị mục nát”.

Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.

Này đây, hỡi những người giàu có, các ngươi hãy than khóc kêu la, vì các tai hoạ sắp giáng xuống trên các ngươi. Của cải các ngươi bị mục nát, áo quần các ngươi đã bị mối mọt gặm. Vàng bạc của các ngươi đã bị ten sét, và ten sét sẽ là bằng chứng tố cáo các ngươi, và sẽ ăn thịt các ngươi như lửa đốt. Các ngươi đã tích trữ cho các ngươi cơn thịnh nộ trong ngày sau hết. Này tiền công thợ gặt ruộng cho các ngươi mà các ngươi đã gian lận, tiền đó đang kêu gào và tiếng kêu gào của người thợ gặt đã lọt thấu đến tai Chúa các đạo binh. Các ngươi đã ăn uống say sưa ở đời này, lòng các ngươi đã tận hưởng khoái lạc trong ngày sát hại. Các ngươi đã lên án và giết chết người công chính, vì họ đã không kháng cự lại các ngươi. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 15, 15b

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: ” Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết”. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mc 9, 37-42. 44. 46-47

“Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con. Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Gioan thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo chúng ta, và chúng con đã ngăn cấm y”. Nhưng Chúa Giêsu phán: “Đừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi liền đó lại nói xấu Thầy. Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con. Ai nhân danh Thầy mà cho các con một ly nước vì lẽ các con thuộc về Đấng Kitô, Thầy bảo thật các con: kẻ đó sẽ không mất phần thưởng đâu. Nhưng nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn.

“Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi: thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hoả ngục, trong lửa không hề tắt. Và nếu chân con làm dịp tội cho con, hãy chặt chân đó đi: thà con mất một chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai chân mà phải ném xuống hoả ngục. Và nếu mắt con làm dịp tội cho con, hãy móc mắt đó đi, thà con còn một mắt mà vào nước Thiên Chúa, còn hơn là có đủ hai mắt mà phải ném xuống hoả ngục, nơi mà dòi bọ rúc rỉa nó không hề chết và lửa không hề tắt”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

26/09/2021 – CHÚA NHẬT TUẦN 26 TN – B

Mc 9,38-43.45.47-48

LÁNH XA DỊP TỘI

“Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ cả hai tay mà phải sa hoả ngục, vào lửa không hề tắt.” (Mc 9,43)

Suy niệm: Trong cơ thể con người có một bộ phận hầu như vô dụng, đó là khúc ruột thừa. Dù thế, nếu nó bị nhiễm trùng mà không kịp thời cắt bỏ đi thì có khi gây ra tử vong. Cắt bỏ một phần chi thể có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng để bảo vệ sự sống của toàn thân, đó là một việc làm hoàn toàn hợp đạo lý. Trong đời sống thiêng liêng cũng thế. Lối nói thậm xưng ngoa ngữ trong Phúc Âm rất quen thuộc trong ngôn ngữ thường ngày của chúng ta muốn nhấn mạnh rằng cuộc sống đời đời trên Thiên Đàng đáng giá đến mức nó đáng được đánh đổi bằng những gì ta coi là quí giá nhất, thiết thân nhất trên cõi đời này. Và muốn loại bỏ tội lỗi cách hiệu quả thì phải đánh chặn nó từ xa, tận gốc khi nó mới chỉ là một ý tưởng manh nha, và phải dứt bỏ quyến luyến đối với những gì lôi kéo ta đến chỗ phạm tội.

Mời Bạn: Những kiểu nói “chặt tay”, “chặt chân”, “móc mắt” nếu những bộ phận ấy “làm cớ cho ta sa ngã” có ý nói chúng ta phải dám từ bỏ một cách triệt để, dứt khoát tất cả những gì có thể trở thành dịp tội cho ta: những cuốn sách, bộ phim khiêu dâm bạo lực, những quan hệ bất chính, những trò chơi giải trí không lành mạnh…

Chia sẻ: Cùng nhau quyết tâm phát động chiến dịch xoá bỏ mọi dịp tội ra khỏi nhà bạn.

Sống Lời Chúa: Thái độ quyến luyến đối với dịp tội là mầm mống nguy hiểm nhất đưa tới tội lỗi. Bạn đang quyến luyến bất chính đối với điều gì? Hãy quyết tâm dứt bỏ nó.

Cầu nguyện: Đọc kinh “Ăn năn tội”.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm

Chúng ta sống trong một thế giới có nhiều gương xấu.
Gương xấu lan nhanh nhờ các phương tiện truyền thông,
tạo nên một bầu khí ô nhiễm thấm vào buồng phổi.
Ngay trong Hội Thánh cũng có kẻ gây gương xấu,
khiến cho đức tin một số người gặp khủng hoảng.
Ðức Giêsu tỏ thái độ không khoan nhượng đối với kẻ này:
“… thà buộc cối đá lớn vào cổ nó
mà ném xuống biển còn hơn”.
Có thể chúng ta đã ít nhiều gây gương xấu.
Cha mẹ làm ăn bất chính khiến con cái mất niềm tin.
Nhà tu hành mê say vật chất khiến tín hữu thất vọng.
Những phe phái chia rẽ khiến giới trẻ nghi ngờ tình yêu.
Có biết bao duyên cớ đẩy đưa một người sa ngã.
Nhiều khi chúng ta, vì vô tình hay thiếu khôn ngoan,
không biết hạn chế tự do của mình,
nên đã làm tổn thương lương tâm của những người yếu đuối.

Tôi có thể gây dịp tội khiến anh em tôi sa ngã,
nhưng chính thân xác tôi lại có thể là dịp tội cho tôi.
Ðức Giêsu đòi ta chặt tay, chặt chân, móc mắt,
nếu những bộ phận đó làm ta phạm tội.
Hội Thánh không bao giờ hiểu đòi hỏi này theo nghĩa đen
(nếu thế thì khó mà có một Kitô hữu lành lặn!)
Nhưng chúng ta lại không được coi thường
tính chất mạnh mẽ và quyết liệt của đòi buộc này.
Chẳng ai trong chúng ta ngạc nhiên
nếu thấy có người dám chịu cắt bỏ một phần thân thể
hầu cứu lấy sinh mạng của mình.
Người khôn là người dám từ bỏ một điều quý
để giữ lại một điều quý hơn.
Chỉ ai coi cuộc sống vĩnh cửu là điều quý nhất,
người ấy mới dám hy sinh mắt và tay chân,
những gì vốn là tốt, nhưng nay lại thành vật cản trở.

Có bao điều thiết thân, gắn liền với đời ta,
nhưng nay đã trở thành vật cản trở.
Cả những điều ấy, ta cũng phải cắt đứt, đoạn tuyệt.
Chấp nhận đoạn tuyệt là chấp nhận đớn đau.
Bỏ một tật xấu, một thói quen, một kế hoạch
có khi còn đau hơn móc mắt hay chặt tay.
Nếu chúng ta can đảm thắng vượt nỗi đau,
chúng ta sẽ được tự do thanh thoát.
Nếu cần một cuộc giải phẫu để cứu lấy thân xác
thì cũng cần nhiều cuộc giải phẫu cho linh hồn.
Giải phẫu không phải chỉ là cắt bỏ,
mà còn là thay thế:
thay ước muốn nơi trái tim, thay lối nghĩ nơi bộ óc,
thay cái nhìn nơi đôi mắt, thay cách hành động nơi tay.

Ðức Giêsu đưa ra những đòi hỏi tận căn.
Ðể vươn tới Tuyệt Ðối thì cần hy sinh cái tương đối.
Ước gì chúng ta ra khỏi thái độ lấp lửng, nửa vời,
và dứt khoát chọn Thiên Chúa là Tuyệt Ðối.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,
sống cho Chúa thật là điều khó.
Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.
Chúa đòi con cho Chúa tất cả
để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.

Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa
để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.
Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà
để cây đời con sinh thêm hoa trái.
Chúa cương quyết chinh phục con
cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.

Xin cho con dám ra khỏi mình,
ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan
để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa,
dù phải chịu mất mát và thua thiệt.

Ước gì con cảm nghiệm được rằng
trước khi con tập sống cho Chúa
và thuộc về Chúa
thì Chúa đã sống cho con
và thuộc về con từ lâu. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

26 THÁNG CHÍN

Được Vững Mạnh Nhờ Việc Đặt Tay

Bí tích Thêm Sức mà chúng ta lãnh nhận làm cho mối quan hệ của chúng ta với chân lý Phúc Âm thêm vững chắc hơn. Chúng ta trở nên trưởng thành trong Đức Kitô. Chúng ta đã nhận hiểu chân lý này. Giờ đây chúng ta hãy ước ao được vững mạnh hơn trong chân lý ấy. Cùng với Giáo Hội, chúng ta hãy đến với Thần Chân lý, hầu đức tin mà chúng ta tuyên xưng có thể khắc sâu trong tâm hồn chúng ta. Ước gì đức tin ấy được khẳng quyết mạnh mẽ trong mọi việc làm và lời nói của chúng ta.

Phép Rửa là một bí tích với biểu hiệu nước. Phép Rửa được thực hiện qua việc tẩy rửa cơ thể, tượng trưng cho năng lực tha tội và biến đổi con người đang ở trong tình trạng nô lệ tội lỗi trở thành con cái Thiên Chúa. Dầu thánh hiến hay dầu thánh là bí tích của những ai vốn nhận biết Đức Kitô và bây giờ tiến tới làm chứng cho Đức Kitô như các Tông Đồ đã làm sau ngày lễ Ngũ Tuần.

Đó là lý do tại sao trong Nghi Thức Thêm Sức có việc giám mục đặt tay trên đầu. Ngài trao ban bí tích này bằng việc xức dầu Thánh trên trán chúng ta. Giám mục là chủ sự lễ nghi Thêm Sức bởi vì ngài có ơn gọi đặc biệt – trong Đức Kitô – đối với toàn thể giáo dân trong giáo phận của ngài. Ngài được kêu gọi để làm mục tử chăn dắt các tín hữu của ngài trong tư cách là người tiếp tục sứ vụ đã được bắt đầu từ các Tông Đồ.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

 NGÀY 26/9

Chúa Nhật XXVI Thường Niên

Ds 11, 25-39; Gc 5, 1-6; Mc 9, 38-43. 45. 47-48.

LỜI SUY NIỆM:  “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô; thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.”

          Đây là một lời khẳng định của Chúa Giêsu đối với những ai thực hiện: “Bác ái với môn đệ của Người” Nhưng liền đó Chúa Giêsu cũng đòi hỏi phải quyết liệt dứt khoát với tội lỗi.

          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con biết vâng nghe Lời Chúa dạy ngay hôm nay là biết thực thi đức bác ái và biết dứt khoát với tội lỗi; không trở nên gương mù gương xấu cho người anh em; đặc biết đối với những người có tâm hồn đơn sơ và với các trẻ nhỏ; để chúng con được sống đời đời với Chúa.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

NGÀY 26-09 THÁNH COSMA VÀ THÁNH ĐAMIANÔ – TỬ ĐẠO

Theo truyền thuyết thánh Cosma và Damianô là hai anh em sinh đôi. Sinh tại Ả rập. Các Ngài sớm mồ côi cha. Mẹ các Ngài là một góa phụ nhân đức, đã không tiếc gì để giáo dục con cái về trí thức và đạo đức. Bà gửi hai con theo học ở Syria. Tại đây Cosma và Damianô nổi tiếng là lương thiện, vô vị lợi và trong trắng. Nhiệt thành với đức tin, các Ngài dự tính học nghề thuốc. Khoa này vào thời ấy bị coi rẻ. Nhưng các Ngài tin rằng khi chữa lành thể xác con người các Ngài có thể góp phần vào việc chữa trị tật bệnh linh hồn.

Thiên Chúa đã chúc lành cho dự tính của các Ngài và ban cho các Ngài được thông thạo về nghề thuốc. Chữa bệnh hoàn toàn miễn phí, các Ngài càng ngày càng trở nên danh tiếng vì những cuộc chữa lành nhờ lời cầu nguyện. Những cuộc chữa lành lạ lùng này lôi cuốn được nhiều người, kể cả các lương dân đến với các Ngài. Tuy nhiên, chính vì tiếng tăm lừng lẫy này đã đưa tới cái chết vì đạo của các Ngài.

Các hoàng đế Điôclêtianô và Maximianô quyết tận diệt Kitô gióa, đã sai tổng trấn Lysias đến Ege để ép buộc các Kitô hữu phải dâng hương tế thần. Ai không tuân lệnh sẽ bị sát hại. Các lương dân tố cáo với quan tổng trấn rằng có hai người rất thạo nghề thuốc nhưng lại là thù địch chí tử của các thần minh. Nếu họ tiếp tục hành nghề các đền thờ sẽ trống vắng và cả nước sẽ theo Kitô giáo hết. Nghe tin này quan tổng trấn truyền bắt giam hai Ngài. Sau khi bắt các Ngài phải dâng hương tế thần mà không được, ông ra lệnh hành hạ các Ngài. Nhờ ơn Chúa, hai thánh Cosma và Damianô đã nhẫn nại chịu đựng, lại còn tỏ ra hân hoan nữa. Quan lính trói các Ngài rồi bỏ xuống biển, nhưng các thiên thần đã đến tháo cởi xiềng xích và cứu các Ngài bình an vô sự.

Nghe tin này, quan tổng trấn truyền lập giàn thiêu. Nhưng giữa ngọn lửa cháy bừng, hai thánh nhân vẫn không hề hấn gì. Cuối cùng quan tổng trấn ra lệnh xử trảm. Hai thánh Cosma và Damianô khẩn khoản nài xin Chúa thương nhận lễ dâng của các Ngài. Lần này nhưng Ngài được nhận lời. Sau những nhát chém đầu tiên, đầu các Ngài lìa xác và nhận phúc tử đạo.

Danh tiếng của hai thánh Cosma và Damianô lan tràn khắo Giáo hội vì những cuộc chữa lành bệnh tật các Ngài thực hiện. Hoàng đế Justinô I khuyến khích lòng sùng kính hai thánh nhân. Một nguyện đường được xây dựng ở Aege miền Cilicia để ghi nhớ nơi các Ngài chịu chết vì đạo. Tại Roma, Đức Symmachô (498 – 514) xây nguyện đường. Đức Felix IV (526 – 530) xây một đại giáo đường kính các Ngài.

Cùng với thánh Luca, hai thánh Cosma và Damianô được đặt làm thánh bổn mạng các y sĩ và các nhà giải phẫu.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

26 Tháng Chín

Xin Ðược Ðánh Giày

Một linh mục thuộc giáo phận New York bên Hoa Kỳ chuyên lo mục vụ cho các tù nhân đã kể lại kinh nghiệm như sau:

Một hôm, người được mời đến thăm một thanh niên da đen sắp sửa bị đưa lên ghế điện vì đã giết người bạn gái của mình. Như thường lệ, mỗi khi gặp một tử tội sắp bị hành quyết, vị linh mục thường khuyên nhủ, giải tội và trao ban Mình Thánh Chúa.

Sau khi đã nhận lãnh các bí tích cuối cùng, người thanh niên da đen bỗng trầm ngâm suy nghĩ như muốn nói một điều gì rất quan trọng. Cuối cùng, với tất cả cố gắng của một người biết mình sắp sửa lìa cõi đời này, anh ta mới thốt lên với tất cả chân thành:

“Thưa cha, con đã làm hư hỏng cả cuộc đời. Con chưa hề học được một điều gì hữu ích ngoài một điều duy nhất: đó là đánh giày.. Xin cha cho con được phép đánh bóng đôi giày của cha. Như thế, con hài lòng vì nhận được sự tha thứ của Chúa, bởi vì con không biết làm gì để tạ ơn Chúa trước khi con gặp lại người bạn gái của con trên Thiên Ðàng”.

Và không đợi cho vị linh mục trả lời, người thanh niên đã cúi gập người xuống và bắt đầu đánh bóng đôi giày của vị linh mục… Cử chỉ ấy khiến cho vị linh mục nhớ lại hình ảnh của người đàn bà đã quỳ gối bên chân Chúa Giêsu, đổ dầu trên đầu, trên chân của Ngài và dùng tóc của bà để lau chân Ngài. “Tội của con dù có nhiều đến đâu cũng được tha thứ, bởi vì con đã yêu nhiều”.

Theo quan niệm công bình và thưởng phạt của chúng ta, kẻ có tội ắt phải đền tội. Tòa án của loài người thường cân lường tội trạng của người có tội để tìm ra một hình phạt cân xứng.

Chúng ta không thể áp dụng một thứ cán cân như thế vào trong mối tương quan giữa tội lỗi của chúng ta với sự công thẳng của Thiên Chúa. Nơi Thiên Chúa chỉ có một trái cân duy nhất: đó là lòng nhân từ. Thiên Chúa yêu thương chúng ta và muốn phủ lấp tất cả tội lỗi của chúng ta bằng lòng nhân từ vô biên của Ngài.

Do đó, khi nói đến ăn chay đền tội, chúng ta không thể cân lường tội lỗi của chúng ta để rồi tìm ra một lượng đền tội cho cân xứng. Có hy sinh nào tương xứng được với tội trạng của chúng ta? Có án phạt nào cân xứng với sự xúc phạm của chúng ta?

Thiên Chúa không chờ đợi nơi chúng ta điều gì khác hơn bằng chính Tình Yêu của chúng ta. Với tình yêu, thì dù một cử chỉ nhỏ mọn cũng trở thành một lễ dâng đẹp lòng Chúa. Những gì chúng ta dâng lên Chúa, không phải là của cải chúng ta có, những bố thí chúng ta làm cho người khác, những khổ chế chúng ta tự áp đặt cho bản thân… mà chính là lòng yêu mến của chúng ta.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật 26 – Năm B – Thường Niên. 

Bài đọc: Num 11:25-29; Jas 5:1-6; Mk 9:38-43, 45, 47-48.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải diệt trừ mọi ghen tị và tham lam. 

            Tính phe đảng, ghen tị, và tham lam, làm con người dễ quên đi mục đích và khai trừ những ai không có cùng quan niệm hay không thuộc nhóm của mình. Người tín hữu phải nhớ điều quan trọng hàng đầu là làm cho Tin Mừng được lan rộng khắp nơi; còn cách thức làm sao để thực hiện điều này là tùy vào ơn riêng Thiên Chúa ban cho mỗi người. Cần tránh thái độ chỉ có người của mình hay cách của mình mới quan trọng. Đừng ghen tị khi người khác được bằng mình hay hơn mình. Vì một người không thể làm hết, và cũng không có sức để chịu đựng tất cả; do đó, Thiên Chúa cần nhiều thợ nhiệt thành để làm việc trong vườn nho của Ngài.

            Các Bài Đọc hôm nay muốn dạy con người phải diệt trừ tính phe đảng, ghen tị, và tham lam. Trong Bài Đọc I, ông Moses ước mong ơn Thánh Thần được ban cho mọi con cái Israel, để họ đừng than phiền, kêu trách Thiên Chúa, và kêu trách ông nữa. Trong Bài Đọc II, thánh Giacôbê quan niệm của cải trong trời đất là của Thiên Chúa ban cho mọi người; không ai có quyền vơ vét và tích trữ của cải cho mình đến nỗi để người khác phải chịu thiệt thòi và túng thiếu. Trong Phúc Âm, khi Gioan nói với Chúa Giêsu ông ngăn cấm một người đã lấy danh Chúa Giêsu trừ quỉ, vì người đó không ở trong nhóm môn đệ của Chúa. Ngài trả lời ông: đừng ngăn cản họ vì “ai không chống đối chúng ta là thuộc về chúng ta.”

 KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC: 

1/ Bài đọc I: Thánh Thần Thiên Chúa hoạt động ở mọi nơi và trong mọi người.

1.1/ Thần Khí được ban cho cả bảy mươi kỳ mục, Eldad và Medad.

            (1) Bảy mươi kỳ mục: Tổng số dân chúng khi ra khỏi Ai-cập cả gần triệu người. Họ tiếp tục đòi hỏi, than phiền, và trách mắng ông Moses về việc thiếu bánh ăn, nước uống, thịt, rau cải… Ông Moses đã quá mệt mỏi khi nghe những lời than phiền của dân chúng, nên ông tâm sự với Đức Chúa, ông không thể tiếp tục vác gánh nặng từ dân nữa. Thiên Chúa hiểu nỗi đau khổ và gánh nặng của Moses; nên Ngài bảo ông chọn 70 kỳ-mục (những người lớn tuổi trong dân) để họ cùng chia sẻ gánh nặng với ông (Num 11:17). Trình thuật hôm nay tường thuật: “Đức Chúa ngự xuống giữa đám mây và nói chuyện với ông Moses. Người lấy một phần Thần Khí đang đậu trên ông mà đặt trên bảy mươi kỳ mục.”

            (2) Endad và Medad: Thánh Thần của Thiên Chúa không chỉ hoạt động trên 70 kỳ-mục; nhưng bấy giờ có hai người ở lại trong trại, một người tên là Eldad, một người tên là Medad. Các ông đã được ghi trong danh sách kỳ mục, nhưng đã không đến Lều. Thánh Thần đậu xuống trên các ông và các ông bắt đầu phát ngôn trong trại.

1.2/ Sự ghen tị của ông Joshua: Khi thấy những điều này xảy ra, một người thanh niên chạy đi báo tin cho ông Moses rằng: “Ông Endad và ông Medad đang phát ngôn trong trại!”

            (1) Phản ứng của ông Joshua: Ông Joshua con ông Nun, từng theo hầu ông Moses từ hồi còn nhỏ, lên tiếng nói với ông Moses: “Thưa thầy, xin thầy ngăn cản họ!”

            (2) Phản ứng của ông Moses: Ông Moses hiểu Thánh Thần, cũng giống như Thiên Chúa, hoạt động và điều khiển mọi người trong mọi nơi, chứ không phải chỉ trên những người Moses đã chọn; nên ông trả lời ông Joshua: “Anh ghen dùm tôi à? Phải chi Đức Chúa ban Thánh Thần trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ!”

            Chúng ta thường có khuynh hướng giới hạn hoạt động của Thiên Chúa hay của Thánh Thần nơi một số người hay chỉ trong Giáo Hội; nhưng hoạt động của Thiên Chúa cũng như của Thánh Thần bao trùm cả vũ trụ này. Kinh Thánh nhiều lần chứng minh quyền lực Thiên Chúa hoạt động trên các vua Dân Ngoại như Ai-cập, Assyria, Babylon, và Ba-tư… khiến họ phải thi hành thánh ý Ngài; và Thánh Thần hoạt động trên những người Dân Ngoại chưa chịu Phép Rửa, như gia đình Cornelius, viên sĩ quan người Rôma (Acts 10).

2/ Bài đọc II: Của cải Thiên Chúa ban trong vũ trụ, phải được chia sẻ cho mọi người.

2.1/ Kẻ tham lam sẽ phải đền tội: Một khuynh hướng xấu xa nơi con người là lòng tham lam vô đáy. Kẻ tham lam muốn thu tích của cải cho mình bằng mọi cách, mà không cần biết mình sẽ gây đau khổ và thiệt hại cho người khác thế nào. Thánh Giacôbê đã chứng kiến kẻ giầu bóc lột người nghèo trong cộng đồng của ngài, nên ngài tuyên cáo họ: ”Giờ đây, hỡi những kẻ giàu có, các người hãy than van rên rỉ về những tai hoạ sắp đổ xuống trên đầu các ngươi. Tài sản của các ngươi đã hư nát, quần áo của các ngươi đã bị mối ăn. Vàng bạc của các ngươi đã bị rỉ sét; và chính rỉ sét ấy là bằng chứng buộc tội các người; nó sẽ như lửa thiêu huỷ xác thịt các ngươi. Các ngươi đã lo tích trữ trong những ngày sau hết này.”

2.2/ Những tội gây ra bởi lòng tham lam của con người: Kẻ tham lam không chỉ phạm tội vơ vét của cải; nhưng còn kéo theo nhiều tội khác nữa.

            + Lỗi đức công bằng: ”Các ngươi đã gian lận mà giữ lại tiền lương của những thợ đi cắt lúa trong ruộng của các ngươi. Kìa, tiền lương ấy đang kêu lên oán trách các ngươi, và tiếng kêu của những thợ gặt ấy đã thấu đến tai Chúa các đạo binh.”

            + Tiêu xài xa hoa vào những việc bất chính: Trong khi người nghèo không có của ăn, kẻ giàu có phung phí tiền bạc trong những sòng bạc và những cuộc truy hoan. Thánh Giacôbê trách cứ hành động bất công của họ: ”Trên cõi đất này, các ngươi đã sống xa hoa, đã buông theo khoái lạc, lòng các ngươi đã được no đầy thoả mãn trong ngày sát hại.”

            + Giết hại người công chính: Để thỏa mãn lòng tham, kẻ gian ác loại trừ tất cả những ai dám ngăn cản, phê bình, hay tố cáo lối sống của họ: ”Các ngươi đã kết án, đã giết hại người công chính, và họ đã chẳng cưỡng lại các ngươi.”

3/ Phúc Âm: Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.

3.1/ Cần có tâm hồn rộng lượng bao dung: Một hôm, ông Gioan nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.” Sở dĩ, môn đệ Gioan nói những lời này, vì ông muốn  đặc quyền trừ quỉ chỉ giới hạn trong thành phần môn đệ của Chúa Giêsu; vì nếu bất cứ ai cũng làm được, nhóm môn đệ của Chúa Giêsu sẽ không còn gì đặc biệt nữa.

            (1) Cần loại trừ tính phe đảng, độc tài: Đức Giêsu bảo: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.” Nguyên lý Chúa đưa ra là một người không thể mâu thuẫn với chính mình: hoặc có hoặc không, chứ không thể chọn cả hai một lượt. Để một người trừ được quỉ, họ phải có một đức tin vững mạnh nơi Chúa Giêsu và phải nhân danh Ngài mà nói, thì mới trừ được. Nếu một người không có đức tin, và không nhân danh Chúa, họ không bao giờ họ có thể trừ được quỉ. Đức tin có được hay mất đi phải có thời gian lâu dài; chứ không một sớm một chiều mà có hay mất được. Vì thế, khi họ trừ được quỉ là họ đã có đức tin vào Thiên Chúa, tại sao cần phải ngăn cấm họ.

            Hơn nữa, mục đích của Chúa Giêsu khi chọn các môn đệ là để huấn luyện các ông loan truyền Tin Mừng, chứ không chú trọng đến danh nghĩa và quyền lợi của cá nhân hay của nhóm. Ngài ban cho các ông quyền trừ quỉ để khơi dậy niềm tin, chứ không phải là đặc quyền để bảo vệ. Tính phe đảng nhiều khi làm con người không còn biết chú trọng đến mục đích, nhưng chú trọng đến tiếng tăm, quyền lợi, và dễ dàng khai trừ người khác.

            (2) Con người có tự do để chấp nhận sự thật: Chúng ta cần biết rộng lượng để chấp nhận tự do của con người. Khi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu chỉ có thể trình bày sự thật để thuyết phục con người tin vào Ngài, đồng thời kèm theo những phép lạ; nhưng nếu họ cứng lòng, Chúa Giêsu không bắt họ phải tin vào Ngài. Chúng ta cũng thế, chúng ta cũng chỉ có thể trình bày sự thật, hay phân tích cái lợi và cái hại của việc không sống theo sự thật, rồi để tha nhân có quyết định muốn theo hay không. Chúng ta không thể bắt người khác làm theo ý mình.

            (3) Trên con đường tìm kiếm sự thật, có nhiều cách để dẫn con người đến sự thật và khơi dậy niềm tin của con người vào Thiên Chúa; chứ không phải chỉ có một cách. Hãy để Thiên Chúa làm việc trong tha nhân và cho họ có thời gian để nhận ra sự thật. Cần tránh thái độ võ đoán: chỉ có cách của chúng ta mới làm cho con người nhận ra sự thật hay mới được cứu độ.

3.2/ Bác ái và gương sáng là hai cách hiệu quả để rao giảng Tin Mừng.

            (1) Phải biết chia cơm sẻ áo cho mọi người: “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.” Đạo của Chúa Giêsu là đạo bác ái yêu thương. Người môn đệ của Chúa không thể mến Chúa mà không yêu người. Tiêu chuẩn Chúa dùng để phán xét người môn đệ là đức bác ái (x/c Mt 25). Nếu ai làm cho tha nhân là làm cho chính Chúa, người đó sẽ được hưởng cuộc sống đời đời.

            (2) Phải làm gương lành cho người khác: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.” Cùng một tư tưởng như trên: ai không làm cho tha nhân, là không làm cho chính Chúa. Hậu quả là họ sẽ không được hưởng hạnh phúc với Ngài. Nếu đã không làm điều tốt cho tha nhân, họ còn ngăn cản tha nhân đến với Chúa bằng gương xấu họ làm, chắc chắn họ phải sống xa Thiên Chúa.

3.3/ Phải đoạn tuyệt mọi tội lỗi: Năm câu kế tiếp có vấn đề về văn mạch: câu 44 và câu 46 được các nhà chú giải coi giống như câu 48: “nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt.” Năm câu được sắp xếp như sau: “Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt.” Có ít nhất hai cách để hiểu đoạn văn này:

            (1) Theo những người theo chủ thuyết Fundamentalism, những người hiểu theo nghĩa đen, Chúa Giêsu muốn con người phải cắt bỏ các phần thân thể, nếu họ muốn được vào Nước Trời.

            (2) Con người phải nhận ra nguy hiểm của tội: Tội lỗi làm con người có nguy cơ sa hỏa ngục; vì thế, cần phải tìm mọi cách để diệt trừ tội lỗi. Nếu hiểu theo nghĩa đen như trên, con người chắc chẳng còn gì để cắt hay loại bỏ nữa, vì con người vẫn thường xuyên phạm tội. Chúa Giêsu muốn con người nhận ra nguy hiểm của tội, vì tội có thể làm con người sa hỏa ngục, và không đạt được cuộc sống đời đời.

 ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

            – Thánh Thần của Thiên Chúa hoạt động ở mọi nơi và trong mọi người. Chúng ta đừng bao giờ giới hạn hoạt động của Thánh Thần nơi mình, nơi một cộng đoàn, hay chỉ trong Hội Thánh mà thôi.

            – Mục tiêu quan trọng của cuộc đời là làm sao cho Nước Chúa trị đến, và ý Chúa được thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Để được như thế, chúng ta cần sự cộng tác của tất cả mọi người.

            – Của cải trong vũ trụ là của Thiên Chúa ban cho mọi người. Chúng ta đừng tham lam thu tích của cải để tích trữ cho mình; trong khi bao anh chị em phải đói khát.

            – Chúng ta có bổn phận làm gương sáng cho mọi người bằng cuộc sống nhân đức. Chúng ta cũng phải cố gắng để tránh mọi tội và đừng tạo gương mù làm lung lạc đức tin của tha nhân. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************