Chúa Nhật (27-06-2021) – Trang suy niệm

26/06/2021

Lời Chúa Hôm Nay

Chúa Nhật Tuần XIII Mùa Thường Niên Năm B

BÀI ĐỌC I: Kn 1, 13-15; 2, 23-25 (Hl 1, 13-15; 2, 23-24)

“Bởi ác quỷ ghen tương, nên tử thần đột nhập vào thế gian”.

Trích sách Khôn Ngoan.

Thiên Chúa không tạo dựng sự chết, chẳng vui mừng khi người sống phải chết. Người tác thành mọi sự cho có. Người tạo dựng mọi sự trên mặt đất đều lành mạnh, chúng không có nọc độc sự chết, và không có địa ngục ở trần gian.

Vì chưng, công chính thì vĩnh cửu và bất tử. Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, để sống vĩnh viễn. Nhưng bởi ác quỷ ghen tương, nên tử thần đột nhập vào thế gian: kẻ nào thuộc về nó thì bắt chước nó. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 29, 2 và 4. 5-6. 11-12a và 13b

Đáp: Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con (c. 2a).

Xướng:

1) Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con, và không để quân thù hoan hỉ về con. Lạy Chúa, Chúa đã đưa linh hồn con thoát xa âm phủ; Ngài đã cứu con khỏi số người đang bước xuống mồ. – Đáp.

2) Các tín đồ của Chúa, hãy đàn ca mừng Ngài, và hãy cảm tạ thánh danh Ngài. Vì cơn giận của Ngài chỉ lâu trong giây phút, nhưng lòng nhân hậu của Ngài vẫn có suốt đời. – Đáp.

3) Lạy Chúa, xin nhậm lời và xót thương con. Lạy Chúa, xin Ngài gia ân cứu giúp con. Chúa đã biến đổi lời than khóc thành khúc nhạc cho con; Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con sẽ tán tụng Chúa tới muôn đời. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: 2 Cr 8, 7. 9. 13-15

“Sự dư thừa của anh em bù đắp lại sự thiếu thốn của những anh em nghèo khó”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, cũng như anh em vượt trổi về mọi mặt: về lòng tin, về hùng biện, về sự hiểu biết, về mọi hình thức nhiệt thành, cũng như về lòng bác ái của anh em, thì anh em cũng phải vượt trổi trong việc phúc đức này.

Vì anh em biết lòng quảng đại của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta: mặc dù giàu sang, Người đã nên thân phận nghèo khó, để nhờ việc nghèo khó của Người, anh em nên giàu có. Nhưng không lẽ để cho kẻ khác được thư thái, mà anh em phải túng thiếu, nhưng phải làm sao cho đồng đều. Trong hoàn cảnh hiện tại, sự dư giả của anh em bù đắp lại chỗ thiếu thốn của họ, để sự dư giả của họ bù đắp lại sự thiếu thốn của anh em, hầu có sự đồng đều như lời đã chép rằng: “Kẻ được nhiều, thì cũng không dư; mà kẻ có ít, cũng không thiếu”. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 6, 64b và 69b

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, lời Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có những lời ban sự sống đời đời. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mc 5, 21-43 hoặc 21-24. 35-43

“Hỡi em bé, Ta bảo em hãy chỗi dậy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu đã xuống thuyền trở về bờ bên kia, có đám đông dân chúng tụ họp quanh Người, và lúc đó Người đang ở bờ biển. Bỗng có một ông trưởng hội đường tên là Giairô đến. Trông thấy Người, ông sụp lạy và van xin rằng: “Con gái tôi đang hấp hối, xin Ngài đến đặt tay trên nó để nó được khỏi và được sống”. Chúa Giêsu ra đi với ông ấy, và đám đông dân chúng cũng đi theo chen lấn Người tứ phía.

Vậy có một người đàn bà bị bệnh xuất huyết đã mười hai năm. Bà đã chịu cực khổ, tìm thầy chạy thuốc, tiêu hết tiền của mà không thuyên giảm, trái lại bệnh càng tệ hơn. Khi bà nghe nói về Chúa Giêsu, bà đi lẫn trong đám đông đến phía sau Người, chạm đến áo Người, vì bà tự nhủ: “Miễn sao tôi chạm tới áo Người thì tôi sẽ được lành”. Lập tức, huyết cầm lại và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. Ngay lúc ấy, Chúa Giêsu nhận biết có sức mạnh đã xuất phát tự mình, Người liền quay lại đám đông mà hỏi: “Ai đã chạm đến áo Ta?” Các môn đệ thưa Người rằng: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy tứ phía, vậy mà Thầy còn hỏi ‘Ai chạm đến Ta?’!” Nhưng Người cứ nhìn quanh để tìm xem kẻ đã làm điều đó. Bấy giờ người đàn bà run sợ, vì biết rõ sự thể đã xảy ra nơi mình, liền đến sụp lạy Người và thú nhận với Người tất cả sự thật. Người bảo bà: “Hỡi con, đức tin của con đã chữa con, hãy về bình an và được khỏi bệnh”.

Người còn đang nói, thì người nhà đến nói với ông trưởng hội đường rằng: “Con gái ông chết rồi, còn phiền Thầy làm chi nữa?” Nhưng Chúa Giêsu đã thoáng nghe lời họ vừa nói, nên Người bảo ông trưởng hội đường rằng: “Ông đừng sợ, hãy cứ tin”. Và Người không cho ai đi theo, trừ Phêrô, Giacôbê và Gioan, em Giacôbê. Các Ngài đến nhà ông trưởng hội đường và Chúa Giêsu thấy người ta khóc lóc kêu la ồn ào, Người bước vào và bảo họ: “Sao ồn ào và khóc lóc thế? Con bé không chết đâu, nó đang ngủ đó”. Họ liền chế diễu Người. Nhưng Người đuổi họ ra ngoài hết, chỉ đem theo cha mẹ đứa bé và những môn đệ đã theo Người vào chỗ đứa bé nằm. Và Người cầm tay đứa nhỏ nói rằng: “Talitha, Koumi”, nghĩa là: “Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy chỗi dậy!” Tức thì em bé đứng dậy và đi được ngay, vì em đã được mười hai tuổi. Họ sửng sốt kinh ngạc. Nhưng Người cấm ngặt họ đừng cho ai biết việc ấy và bảo họ cho em bé ăn. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

27/06/2021 – CHÚA NHẬT TUẦN 13 TN – B

Mc 5,21-43

HIỆU LỰC ĐỨC TIN

“Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa.” (Mc 5,35)

Suy niệm: Mặc những lời phê phán,  can ngăn của đám đông vây quanh Chúa Giê-su, ông trưởng hội đường và người đàn bà bị băng huyết vẫn tiếp tục “làm phiền” Ngài. “Làm phiền” Ngài là phải thôi, vì cả hai đều đang phải đối diện gay gắt với chuyện sinh-bệnh-lão-tử của phận người. Đứa con gái hấp hối, người cha chỉ còn biết chạy đến với Chúa; mười hai năm bị tán gia bại sản vì bệnh băng huyết, người đàn bà cũng chỉ còn biết bám vào cái phao duy nhất là Chúa. Nhờ tin vào Chúa, cả hai đã được như ý: con gái ông được hồi sinh, bệnh tật bà được chữa khỏi. Chúa cũng muốn ta “làm phiền” kiểu này; vì cho thấy một niềm tin chân thành, không hoa mỹ cầu kỳ, nhất là bất chấp những khó khăn, cản trở. Lắm khi dư luận, nhất là dư luận trái chiều, khiến ta bỏ đi những cơ hội tốt nhất thể hiện lòng tin và lòng mến.

Mời Bạn: Qua câu chuyện Chúa chữa lành hai bệnh nhân trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, chúng ta học nơi họ bài học đức tin, biết chạy đến với Chúa, khẩn cầu, tin tưởng nơi Ngài, bất chấp mọi cản ngăn, phiền toái. Đồng thời cũng xác tín thêm rằng sự sống thể lý nào cũng có giới hạn, Chúa có thể ban cho ta sự sống viên mãn, vĩnh cửu hơn gấp bao lần sự sống thể lý. Đó là niềm hy vọng bền lâu của ta khi theo Chúa mỗi ngày.

Sống Lời Chúa: “Hữu sự vái tứ phương.” Song nên cẩn trọng để tránh chạy theo mê tín dị đoan, nhất là khi có người thân bệnh hoạn. Luôn nhớ ta là Ki-tô hữu, người tin vào Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con tín thác vào Chúa. Xin thương giúp đỡ con trong mọi hoàn cảnh, để con luôn trung tín hy vọng nơi Chúa thôi. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm
Giữa đám đông chen lấn chung quanh Ðức Giêsu,
có những người đụng vào áo Ngài.
Nhưng chỉ có một cái đụng cố ý,
đụng lén như sợ bị bắt quả tang.
Ðó là cái đụng của một người phụ nữ,
mười hai năm mắc bệnh băng huyết,
mười hai năm tìm thầy chạy thuốc mà không khỏi,
mười hai năm bị coi là ô nhơ:
không được đụng đến người khác,
không được tham dự nghi lễ ở Ðền thờ.
Người phụ nữ đụng vào áo Ðức Giêsu
bằng tay và bằng lòng tin,
một lòng tin đơn sơ mà mạnh mẽ.
“Dầu tôi chỉ đụng vào áo Ngài, tôi sẽ được khỏi”.
Cái đụng của lòng tin đã cứu bà khỏi bệnh.

Trong đời sống Kitô hữu,
chúng ta đã nhiều lần đụng vào Chúa.
Ðụng đến Lời Ngài, đụng đến Mình Máu Thánh Ngài.
Ðụng bằng tay, bằng miệng, bằng rung động của trái tim.
Có những lần đụng chạm hời hợt vì thói quen,
không để lại một âm vang nào,
không đem lại một biến đổi nào trong cuộc sống.
Nhưng cũng có lần, như người phụ nữ,
ta run rẩy đụng vào Ngài, dù biết mình ô nhơ tội lỗi.
Hay nói đúng hơn,
vì biết mình ô nhơ tội lỗi mà ta cả dám đụng vào Ngài.
Ðụng vào Ðấng Thánh để được nên trong sạch.

Chúng ta cần đụng đến Ðức Giêsu mỗi ngày
và chúng ta cũng cần được Ngài đụng đến.
Ông trưởng hội đường xin Ngài đặt tay trên con mình.
Ngài đã cầm tay cô bé để kéo cô ra khỏi cái chết.
Như con gái của ông trưởng hội đường,
chúng ta cần được Chúa cầm tay và bảo: “Hãy trỗi dậy”.
Trỗi dậy khỏi bệnh tật và cái chết.
Trỗi dậy và đi lại, ăn uống như người bình thường.
Trỗi dậy và sống vui tươi, tự do như con cái Thiên Chúa.

Hai phép lạ xảy ra nhờ có lòng tin.
Ðức Giêsu xác nhận lòng tin vững vàng của người phụ nữ:
“Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con” (c.34).
Ngài nâng đỡ lòng tin đang chao đao của Giairô:
“Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi” (c.36).
Cần có lòng tin khi đụng chạm Chúa Giêsu.
Cần nhạy cảm để nhận ra cái đụng nhẹ của Ngài.

Khi đụng vào Thân Mình Ngài nơi bí tích Thánh Thể,
ta được mời gọi đụng đến nỗi khổ của anh em,
là những chi thể của Nhiệm Thể Ngài.
Khi đụng đến Lời Chúa nơi những trang Tin Mừng,
ta được mời gọi chạm đến Lời Chúa nơi mọi biến cố.
Chỉ cần để Chúa đụng đến bạn một lần thôi,
đời bạn sẽ hoàn toàn đổi mới.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

dân làng Nazareth đã không tin Chúa

vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.

Các môn đệ đã không tin Chúa

khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.

Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa

chỉ vì Chúa sống như một con người,

Cũng có lúc chúng con không tin Chúa

hiện diện dưới hình bánh mong manh,

nơi một linh mục yếu đuối,

trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn.

Dường như Chúa thích ẩn mình

nơi những gì thế gian chê bỏ,

để chúng con tập nhận ra Ngài

bằng con mắt đức tin.

Xin thêm đức tin cho chúng con

để khiêm tốn thấy Ngài

tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

27 THÁNG SÁU

Trong Sự Chăm Sóc Ân Cần Của Cha

Ngay từ thuở ban đầu, sự quan phòng của Thiên Chúa được xem như một chân lý nền tảng của đức tin. Huấn quyền của Giáo Hội luôn luôn khẳng định điều ấy, tuy rằng mãi đến Công Đồng Vatican I chân lý này mới được tuyên bố chính thức về mặt tín lý. Công Đồng nói về sự quan phòng của Thiên Chúa nơi tạo vật: “Mọi sự mà Thiên Chúa đã sáng tạo, Ngài gìn giữ và dẫn dắt bằng sự quan phòng của Ngài – sự quan phòng ấy bao trùm từ chân trời này tới chân trời kia và cai quản tất cả một cách tốt đẹp” (Kn 8,1), “Tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mắt Ngài (Dt 4,13), kể cả những gì sẽ xảy ra do sáng kiến tự do của các thụ tạo” (DS 3003).

Bản văn của Vatican I nhằm đáp ứng cho những nhu cầu cụ thể của các tín hữu Công Giáo sống trong thế kỷ 19. Trước hết, Công Đồng muốn xác nhận giáo huấn vốn sẵn có của Giáo Hội về sự quan phòng, một giáo huấn bất biến có liên kết chặt chẽ với toàn bộ sứ điệp Thánh Kinh. Chúng ta nhận ra điều này trong những bản văn Cựu Ước và Tân Ước đã được trích dẫn trong bản văn của Công Đồng.

Qua việc xác nhận giáo thuyết này, Công Đồng chống lại những sai lạc của thuyết duy vật và thuyết tự nhiên thần giáo (deism) của thế kỷ 19. Thuyết duy vật phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa. Thuyết tự nhiên thần giáo tuy nhìn nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa và sự sáng tạo thế giới song lại chủ trương rằng Thiên Chúa không hoạt động trong thế giới mà Ngài đã sáng tạo. Vì thế, có thể nói rằng thuyết này (deism) trực tiếp chống lại chân lý về sự quan phòng của Thiên Chúa.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 27/6

Chúa Nhật XIII Thường Niên

Kn 1, 13-15; 2, 23-24; 2Cr 8, 7. 9. 13-15; Mc 5, 21-43.

LỜI SUY NIỆM: Có một ông trưởng hội đường tên là Gia-ia đi tới. Vừa thấy Đức Giêsu, ông ta sụp xuống dưới chân Người, và khẩn khoản nài xin: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống.”

          Lời Chúa trong ngày Chúa Nhật hôm nay trình bày về hai câu chuyện, chuyện thứ nhất là ông trưởng hội đường cầu xin cho đứa con gái ông được sống, và câu chuyện người đàn bà mang bệnh băng huyết đã mười hai năm. Chắc chắn cả hai trường hợp của hai hoàn cảnh này, người ta đã đã chạy hết chỗ này, đến người khác rồi mà không được việc; Cuối cùng họ mới chạy đến với Chúa Giêsu, và tất cả họ đều được chữa lành và được cứu sống. Điều này giúp cho mỗi người trong chúng ta nhận ra: Mọi sự bất toàn nơi con người; nếu biết chạy đến với Chúa với niềm tin thì Chúa sẽ làm cho thành toàn

          Lạy Chúa Giêsu, Xin cho chúng con luôn đặt trọn niềm tin vào quyền năng yêu thương của Chúa, để mọi sự bất toàn nơi chúng con được Chúa làm nên tốt đẹp cho chúng con.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 27-06: Thánh CYRILLÔ ALEXANDRINÔ

Giám Mục, Tiến Sĩ Hội Thánh (+444)

Năm 412 thánh Cyrillô kế vị cậu Ngài là Theophilô làm giám mục Alexandria. Khi ấy Ngài đã vào khoảng trung tuần. Người ta không biết gì về cuộc sống Ngài trước đó, trừ trường hợp, Ngài có mặt trong vụ kết án thánh Gioan Kim Khẩu năm 408. Hiển nhiên là Ngài đã có thời sống như một ẩn sĩ trong sa mạc và đã được giáo dục kỹ lưỡng về văn chương Hy Lạp.

Vào thế kỷ V, các giáo phụ Alexandria đã trở thành những giám mục giàu có và uy quyền nhất trong đế quốc. Trở thành Kitô, người Ai cập vẫn còn mang những gì còn lại trong tâm tình dân tộc của mình. Các giám mục tự mô tả như là những Đấng kế vị thánh Marcô, nhưng cũng kế nhiệm các thượng tế Amen Ra và có phong cách nào đó của Pharao.

Suốt 15 năm đầu làm giám mục, thánh Cyrillo đã đập tan thế hệ cầm quyền và những nhà đổi tiền Do thái ở Alexandria. Việc thực thi đức ái của Ngài đối với người nghèo khó, bệnh hoạn cũng như lòng thương cảm sâu xa của Ngài với mọi tội nhân hối cải, luôn kèm theo một chút cứng rắn. Chắc chắn là các kẻ thù của Ngài cũng là kẻ thù của Thiên Chúa. Nhiệt tâm với các linh hồn và say mê bảo vệ đức tin Kitô giáo, Ngài sẵn sàng dùng đến mọi phương tiện trong tay như là của cải, tài khích lệ quần chúng và lực lượng các thầy dòng.

Điều này giúp chúng ta hiểu được tại sao cuộc tranh luận về Kitô học mà Ngài giữ một vai trò lớn lao đã có màu sắc pha trộn chính trị lâu dài như vậy.

Năm 438, thày dòng Nestôriô trở thành thượng phụ Constantinople. Dường như ông ta đã làm giám mục tại triều đình có tham vọng mãnh liệt, tin vào hiệu quả lớn mạnh do đời sống cầu nguyện của mình và có ý tiêu diệt mọi lạc thuyết. Đàng khác, không chắc rằng ông đã muốn trở thành lạc giáo. Vào đầu thế kỷ V, các thần học gia đền nhận rằng: đức Kitô vừa là Thiên Chúa vừa là con người. Dầu vậy chưa có định tín về mối tương quan giữa Thiên tính và nhân tính của Người như thế nào. Thánh Cyrillo chủ trương rằng: cả hai bản tính kết hợp mật thiết với nhau, đến độ Mẹ Chúa Kitô cũng được gọi là Mẹ Thiên Chúa. Nestôriô thì phân biệt rằng Mẹ Con Trẻ Giêsu chỉ được gọi là Mẹ Chúa Kitô mà thôi. Mỗi bên đều tố cáo bên kia là lạc giáo.

Thánh Cyrillo liên kết với các tu sĩ Đông phương Ngài còn được Đức giáo hoàng nâng đỡ và cử làm Vị đại diện ở Đông phương. Với mệnh lệnh này, năm 430 Ngài kết án Nestôriô là lạc giáo tại một hội nghị ở Alexandria. Mùa hè năm 431, Ngài triệu tập và chủ tọa cộng đồng chung ở Ephesô. Nestôriô không những bị kết án mà còn bị truất phế nữa. Đức trinh Nữ được tuyên xưng là Mẹ Thiên Chúa.

Công đồng Ephêsô được Đức giáo hoàng chuẩn nhận. Nhưng hoàng đế lại không công nhận vì thánh Cyrillo đã không đợi 43 giám mục có thiện cảm với Nestôriô tới họp. Thánh Cyrillo bị bắt ở Tiểu Á và bị giam tù trong hai tháng. Thánh phụ Antiôkia và các người dưới quyền cắt đứt hiệp thông với Ngài. Thánh nhân trốn về Ai cập và năm 433 kết hợp lại được với Antiôkia. Từ đó Ngài lại thúc đẩy hoàng đế chấp nhận các sắc lệnh của công đồng Ephêsô. Hoàng đế vẫn nghi ngờ Ngài cho đến khi Ngài qua đời vào năm 444. Thánh Cyrillo vẫn còn dấn thân vào cuộc tranh luận Kitô học này cho đến chết.

Không có nhà thần học Hy Lạp nào lớn hơn thánh Cyrillo. Ngài có khả năng tổng hợp và nhận định có thể so sánh được với thánh Augustinô. Không có thánh nhân nào bị phê bình tàn khốc như thánh nhân, nhưng ít có thánh nhân nào đã hăng hái như Ngài. Cả những người ghen ghét cũng không thề chất vấn về sự cao cả của Ngài. Bên dưới sự hăng hái của Ngài là cả một tình yêu mạnh mẽ đối với đức Kitô với niềm tin mãnh liệt vào lòng thương xót của Người. Đức giáo hoàng Celestinô xưng tụng Ngài là đấng bảo vệ Giáo hội và Đức tin”.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

27 Tháng Sáu

Con Chim Trong Bàn Tay 

Người Ba Tư có kể câu chuyện ngụ ngôn như sau:

Ngày xưa, tại quảng trường của một thành phố nọ, có một nhà hiền triết xuất hiện và tuyên bố giải đáp được tất cả mọi thắc mắc của bất cứ ai đến vấn kế.

Một hôm, giữa đám người đang say mê lắng nghe nhà hiền triết, có một mục tử từ trên núi cao đến. Nghe tiếng đồn về sự thông thái và khôn ngoan của nhà hiền triết, anh muốn chứng kiến tận mắt, nghe tận tai và nhất là để hạ nhục nhà hiền triết giữa đám đông.

Anh tiến đến gần nhà hiền triết, trong tay bóp chặt một con chim nhỏ. anh đặt câu hỏi như sau: ‘Thưa ngài, trong tay tôi có cầm một con chim. Ngài là bậc thông thái biết được mọi sự. Xin ngài nói cho tôi biết con chim tôi đang cầm trong tay sống hay chết?”.

Nhà hiền triết biết đây là một cái bẫy mà người mục tử tinh ranh đang giăng ra. Nếu ông bảo rằng con chim đang còn sống, thì tức khắc người mục tử sẽ bóp cho nó chết trước khi mở bàn tay ra. Còn nếu ông bảo rằng con chim đã chết thì lập tức con người khôn manh ấy sẽ mở bàn tay ra và con chim sẽ bay đi.

Sau một hồi thinh lặng, trước sự chờ đợi hồi hộp của đám đông, nhà hiền triết mới trả lời như sau: “Con chim mà ngươi đang cầm trong tay ấy sống hay chết là tùy ở ngươi. Nếu ngươi muốn cho nó sống thì nó sống, nếu ngươi muốn cho nó chết thì nó chết”.

Ai trong chúng ta cũng khao khát hạnh phúc. Ai trong chúng ta cũng mong ước được cuộc sống an bình, vui tươi. Nhưng lắm khi chúng ta chạy theo chiếc bóng mờ ảo của hạnh phúc hơn là hưởng nếm chính hạnh phúc đang cầm trong tầm tay của chúng ta. Hạnh phúc đích thực chính là con chim mà mỗi người chúng ta đang có ở trong lòng tay. Con chim ấy sống hay chết là tùy ở mỗi người chúng ta. Chúng ta được hạnh phúc, chúng ta được an bình hay không là do chính chúng ta.

Hạnh phúc đích thực của chúng ta, niềm vui đích thực của chúng ta chính là Thiên Chúa. Nếu chúng ta để cho Thiên Chúa chiếm ngự, nếu chúng ta để cho Thiên Chúa lấp đầy, thì cho dẫu ngoại cảnh có làbầu trời đen tối đi nữa, chúng ta vẫn cảm thấy an bình, hạnh phúc.

Ý thức được sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn, để cho Chúa chiếm trọn tâm tư, lấy Chúa làm tất cả trong cuộc sống, chúng ta sẽ có được niềm vui đích thực.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật 13 – Năm B – Thường Niên

Bài đọc: Wis 1:13-15, 2:23-24; II Cor 8:7, 9, 13-15; Mk 5:21-43.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa có toàn quyền trên đau khổ và sự chết.

             Theo Sách Sáng Thế, Thiên Chúa dựng nên mọi sự đều tốt lành, và Ngài mong muốn cho mọi loài tồn tại; nhưng con người luôn phải đương đầu với đủ loại đau khổ và cái chết. Câu hỏi được đặt ra: Đâu là nguyên nhân của đau khổ và cái chết? Sách Sáng Thế tường thuật biến cố cám dỗ và sự sa ngã của con người trong vườn Địa Đàng. Vì con người lạm dụng quyền tự do để bất tuân lệnh Thiên Chúa và nghe lời quỷ dữ, nên tội lỗi và sự chết đã đột nhập vào thế gian và tác hại trên con người.

            Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh ý hướng và quyền năng của Thiên Chúa trong việc tạo dựng và quan phòng vũ trụ. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Khôn Ngoan xác quyết: Thiên Chúa dựng nên mọi sự đều tốt lành và tiền định cho muôn loài được trường tồn; nhưng quỉ dữ cám dỗ con người và là nguyên nhân của đau khổ và sự chết. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô kêu gọi các tín hữu Corintô giúp đỡ Giáo Hội tại Jerusalem để duy trì sự sống trong trận đói đang xảy ra tại đây. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chứng tỏ Ngài có toàn quyền trên đau khổ và sự chết qua việc chữa lành người phụ nữ bị loạn huyết và cho con gái ông Jairus sống lại. 

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC: 

1/ Bài đọc I: Thiên Chúa sáng tạo con người và cho họ được trường tồn bất diệt.

1.1/ Thiên Chúa muốn con người được sống trường sinh bất tử: Tác giả Sách Khôn Ngoan, dựa theo trình thuật tạo dựng thế giới và con người trong Sách Sáng Thế, quả quyết: Thiên Chúa dựng nên mọi sự đều tốt lành, không một loài nào là xấu hay mang những nọc độc trong người. Vì Thiên Chúa tạo dựng, nên mọi loài hiện hữu; nếu Thiên Chúa không tạo dựng, không loài nào có cả. Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài, và muốn cho con người được sống trường sinh bất tử. Ngài không sáng tạo cái chết, cũng chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong.

1.2/ Lý do tại sao con người phải chết: Tác giả Sách Khôn Ngoan ý thức rõ sự hiện hữu của cái chết và cố gắng đi tìm nguyên nhân của nó, vì Thiên Chúa không tạo dựng nên cái chết. Ông tìm ra nguyên nhân là: “Chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian. Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết.”

            Sách Sáng Thế tường thuật rõ ràng cám dỗ của quỉ dữ và sự sa ngã của con người trong vườn Địa Đàng. Vì lý do này mà tội lỗi đã xâm nhập con người và làm cho họ phải chết. Sách Sáng Thế cũng tường thuật sự lan tràn của tội lỗi nơi con người: Cain giết Abel, em ông; Lụt Hồng Thủy là hậu quả của tội lỗi con người đã xúc phạm đến Thiên Chúa quá nhiều; việc xây tháp Babel không thành vì Thiên Chúa làm cho con người không hiểu nhau…

            Không những nọc độc của tội lan tràn và cư ngụ trong con người, mà tất cả các tạo vật của Thiên Chúa đều bị ảnh hưởng bởi tội của con người. Trước khi phạm tội, con người sống chung với muôn thú. Sau khi phạm tội, chúng rời xa con người. Nọc độc của rắn lửa hay bò cạp, phản ứng hung hăng của muông thú, các thiên tai, động đất, bão lụt … đều là những hậu quả từ sự phạm tội của con người.

2/ Bài đọc II: Người tín hữu phải có tinh thần tương thân, tương ái.

            Bối cảnh lịch sử của Bài Đọc II là Phaolô muốn tổ chức cuộc lạc quyên để giúp các tín hữu tại Jerusalem, đang chịu một nạn đói dữ dội. Thánh Phaolô muốn các tín hữu Corintô hiểu lý do tại sao họ phải đóng góp; ông muốn họ rộng lượng giúp đỡ các anh/chị/em đang lâm cảnh túng thiếu.

2.1/ Chúng ta phải giúp đỡ mọi người trong cảnh túng thiếu: Ngài cho họ ít là hai lý do để đóng góp:

            (1) Đã nhận lãnh nhưng không, cũng phải cho đi nhưng không: Ngài nói: “Cũng như anh em từng trổi vượt về mọi mặt: về đức tin, lời giảng, sự hiểu biết, lòng nhiệt thành trong mọi lãnh vực, và về lòng bác ái mà anh em đã học được nơi chúng tôi, thì anh em cũng phải trổi vượt về lòng quảng đại trong dịp lạc quyên này nữa.” Thánh Phaolô muốn các tín hữu biết ngài đã hy sinh rất nhiều thời gian, tài năng, và sức khỏe để giúp các tín hữu Corintô có đức tin và hiểu biết về Thiên Chúa. Để trả ơn, họ phải hăng hái đóng góp cho các tín hữu tại Jerusalem.

            (2) Gương của Đức Kitô: Ngài nói: “Quả thật, anh em biết Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có.” Ví dụ: Chúa chọn mang kiếp phàm nhân để chịu đau khổ, hầu mang lại ơn cứu độ cho con người. Chỉ cần một ơn cứu tử này thôi, con người có hy sinh tất cả những gì mình có cũng chưa báo đền được. Đó là chưa kể biết bao ơn lành Đức Kitô mang lại cho con người qua cái chết của Ngài.

2.2/ Tha nhân sẽ giúp lại khi chúng ta lâm cảnh khốn khó: Con người ích kỷ thường kiếm đủ mọi lý do để biện minh cho việc từ chối đóng góp: phải mua cái này, đang cần cái kia, phải để dành cho con cái ăn học, cần tiết kiệm để lo cho tuổi già hay khi bệnh tật … Thánh Phaolô biết rõ những điều này, nên ngài cắt nghĩa: “Vấn đề không phải là bắt anh em sống eo hẹp để cho người khác bớt nghèo khổ. Điều cần thiết là phải có sự đồng đều. Trong hoàn cảnh hiện tại, anh em có được dư giả, là để giúp đỡ những người đang lâm cảnh túng thiếu, để rồi khi được dư giả, họ cũng sẽ giúp đỡ anh em, lúc anh em lâm cảnh túng thiếu. Như thế, sẽ có sự đồng đều, hợp với lời đã chép: Kẻ được nhiều thì không dư, mà người được ít thì không thiếu.”

            Lịch sử xoay vần, không ai sung sướng mãi, cũng như không ai khổ cực mãi. Kinh ngiệm của biến cố 30 tháng tư năm 1975 là một trường hợp điển hình: Cả thế giới xúc động về những đau khổ của người tỵ nạn Việt-nam phải đổ xô ra biển cả để tìm đường sinh sống, nên đã giúp đỡ đồng bào ta có nơi ăn, chốn ở, và định cư nơi quốc gia đệ tam. Giờ đây, hầu hết chúng ta đã ổn định cuộc sống, chúng ta phải góp phần phát triển các quốc gia đã giúp đỡ chúng ta: những người bản xứ nghèo, những người di dân mới tới, những đồng bào bị thiên tai bão lụt trong nước. Làm ngơ trước những nhu cầu này là vô ơn với Thiên Chúa và những người ân nhân của chúng ta. Hơn nữa, cuộc đời chúng ta chưa hết, mọi sự khó đếu có thể xảy ra, ai sẽ giúp đỡ khi chúng ta lâm nạn?

3/ Phúc Âm: Chúa Giêsu có toàn quyền trên sự chết và sự đau khổ.

3.1/ Chúa làm cho con gái ông Trưởng Hội Đường Jairus được sống lại: Trình thuật Chúa chữa con gái của ông được xen kẽ bởi trình thuật Chúa chữa người đàn bà bị loạn huyết. Chúng ta sẽ phân tích 3 phản ứng trong trình thuật này:

            (1) Phản ứng của ông Jairus Trưởng Hội Đường: Niềm tin của ông được biểu lộ qua hành động ông sụp xuống dưới chân Ngài và khẩn khỏan nài xin: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống.” Là một Trưởng Hội Đường, ông Jairus phải là người có danh giá và địa vị; thế mà ông lại sụp lạy công khai một nhà rao giảng mà các kinh sư và luật sĩ khinh thường. Thấy niềm tin và lòng thương xót của ông dành cho con, Chúa Giêsu chấp nhận về nhà ông để chữa lành em bé.

            (2) Phản ứng của Chúa Giêsu: Ngài muốn ông Jairus phải tiếp tục tin tưởng, ngay trong khi vừa nghe hung tin về cái chết của con gái mình: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi.” Để dạy các môn đệ luôn tin tưởng và can đảm đối diện với cái chết, Ngài không cho ai đi theo mình, trừ ông Phêrô, ông Giacôbê và em ông này là ông Gioan.Người bắt tất cả những kẻ không có lòng tin ra ngoài hết, rồi dẫn cha mẹ đứa trẻ và những kẻ cùng đi với Người, vào nơi nó đang nằm. Người cầm lấy tay nó và nói: “Talitha qum,” nghĩa là: “Này bé, hãy trỗi dậy đi!” Lập tức em bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi. Mọi người hiện diện sững sờ, kinh ngạc. Đức Giêsu ngiêm cấm họ không được để một ai biết việc ấy, và bảo họ cho con bé ăn.

            (3) Phản ứng của những người chung quanh: Họ không tin Chúa Giêsu có uy quyền làm cho người chết sống lại. Vì thế, có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo: “Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?” Khi thấy Chúa Giêsu và các môn đệ tiến vào nhà và Ngài bảo họ: “Sao lại náo động và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” Họ chế nhạo Người.

3.2/ Chúa chữa lành một bà bị băng huyết 12 năm: “Có một bà kia bị băng huyết đã mười hai năm, bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều đến tán gia bại sản, mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác.”

            (1) Phản ứng của bà bị băng huyết: Bà đã nghe đồn về Chúa Giêsu, và đây là cơ hội ngàn năm một thuở để Bà xin Chúa cứu. Tại sao Bà không can đảm đến xin Ngài chữa lành mà lại sờ vào tua áo của Ngài? Có ít nhất hai lý do ngăn cản Bà: Thứ nhất, đây là thứ bệnh đàn bà, có lẽ Bà cảm thấy xấu hổ khi phải thú nhận bệnh của Bà trước đám đông chăng? Hơn nữa, Bà cũng muốn tránh cho Chúa khỏi phải trở nên không sạch, vì Lề Luật ngăn cấm không cho đụng tới những người có bệnh như thế. Thứ hai, Chúa Giêsu đang bận rộn trên đường đi chữa bệnh, và cả một đám đông chen lấn theo sau Ngài; làm sao một phụ nữ yếu đuối như Bà có thể chen lại đám đông? Vì thế, Bà tự nhủ: “Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu.” Với niềm tin đó, Bà chạy theo và sờ vào tua áo Chúa; tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh.

            (2) Phản ứng của Chúa Giêsu: Ngay lúc đó, Đức Giêsu thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra, Người liền quay lại giữa đám đông mà hỏi: “Ai đã sờ vào áo tôi?” Và Đức Giêsu ngó quanh để tìm người đã làm điều đó. Đây là giây phút giao linh giữa người được tin và người tin. Giống như tình yêu, hai kẻ yêu nhau không cần phải nói; chỉ một hành động được làm từ một trong hai người, họ có thể hiểu tình yêu người khác dành cho mình. Người đàn bà loạn huyết sợ phát run lên, vì Bà không ngờ hành động bí mật của Bà bị phát hiện. Bà đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người. Tưởng rằng Ngài sẽ la mắng Bà, nhưng Chúa Giêsu nói với Bà: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.”

            Trình thuật này phải giúp chúng ta tin tưởng vững mạnh vào Ngài khi mang bệnh phần hồn cũng như phần xác. Chúa thấu hiểu sức mạnh của lòng tin chúng ta dành cho Ngài, và Ngài sẽ ban ơn cần thiết để chữa lành. Ngài cũng thấu hiểu mọi bí mật trong tâm hồn chúng ta; vì thế, chúng ta hãy thú nhận và đừng giấu diếm chi cả. Chúng ta sẽ hưởng được bình an thực sự khi làm như thế.

            (3) Phản ứng của các môn đệ: Các môn đệ dùng sự suy nghĩ của con người để thưa với Chúa: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: ”Ai đã sờ vào tôi?” Khi nói như thế, các môn đệ đã tỏ vẻ khinh thường Thầy mình, và không hiểu những gì xảy ra trong lãnh vực đức tin. Phản ứng của Chúa Giêsu hôm nay phải dạy chúng ta biết thận trọng khi phán xét những điều thuộc lãnh vực tinh thần. Đừng bao giờ lấy sự khôn ngoan con người để phán xét những sự thuộc về Thiên Chúa; nhưng phải biết khiêm nhường và lấy đức tin để hiểu những sự thuộc về Thiên Chúa và phán xét tha nhân. 

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

            – Thiên Chúa có toàn quyền trên sự chết và sự đau khổ

            – Chúng ta phải cộng tác với Thiên Chúa trong việc bảo vệ sự sống và tiêu diệt sự chết.

            – Để bảo vệ sự sống, chúng ta phải can đảm sống theo nền “văn minh tình thương” và loại bỏ nền “văn hóa sự chết,” như lời ĐGH Gioan-Phaolô II kêu gọi. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************