Chúa Nhật (29-09-2024) – Trang suy niệm

28/09/2024

Lời Chúa Hôm Nay

CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN

BÀI ĐỌC I: Ds 11, 25-29

“Ngươi phân bì giùm ta làm chi? Ước gì toàn dân được nói tiên tri”.

Bài trích sách Dân Số.

Trong những ngày ấy, Chúa ngự xuống trong đám mây, và phán cùng Môsê, đồng thời lấy thần trí trong Môsê mà phân phát cho bảy mươi vị bô lão. Khi Thần Trí ngự trên các ông, các ông liền nói tiên tri, và về sau các ông không mất ơn ấy. Vậy có hai vị ở lại trong lều trại, một người tên là El-đad, và người kia tên là Mê-đad. Thần Trí đã ngự trên hai ông: vì hai ông được ghi tên vào sổ, nhưng không đến ở trong nhà xếp. Khi hai ông nói tiên tri trong lều trại, thì có đứa trẻ chạy đến báo tin cho ông Môsê rằng: “El-đad và Mê-đad đang nói tiên tri trong lều trại”. Tức thì Giosuê, con ông Nun, tuỳ tùng của ông Môsê, và là kẻ được chọn trong số đông người, liền thưa rằng: “Hỡi ông Môsê, xin hãy cấm chỉ các ông ấy đi”. Ông Môsê đáp lại rằng: “Ngươi phân bì giùm ta làm chi? Chớ gì toàn dân được nói tiên tri và Chúa ban Thần Trí Người cho họ”.

Ðó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 18, 8. 10. 12-13. 14

Ðáp: Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can (c. 9a).

1) Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt.

2) Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thật, công minh hết thảy.

3) Dù tôi tớ Chúa quan tâm về những điều luật đó, lại hết sức ân cần tuân giữ, nhưng có nhiều chuyện lầm lỗi, nào ai hay? Xin rửa con sạch những lỗi lầm không nhận thấy.

4) Cũng xin ngăn ngừa tôi tớ Chúa khỏi tính kiêu căng, đừng để tính đó làm chủ trong mình con. Lúc đó con sẽ được tinh toàn và thanh khiết, khỏi điều tội lỗi lớn lao.

BÀI ĐỌC II: Gc 5, 1-6

“Của cải các ngươi bị mục nát”.

Bài trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.

Này đây, hỡi những người giàu có, các ngươi hãy than khóc kêu la, vì các tai hoạ sắp giáng xuống trên các ngươi. Của cải các ngươi bị mục nát, áo quần các ngươi đã bị mối mọt gặm. Vàng bạc của các ngươi đã bị ten sét, và ten sét sẽ là bằng chứng tố cáo các ngươi, và sẽ ăn thịt các ngươi như lửa đốt. Các ngươi đã tích trữ cho các ngươi cơn thịnh nộ trong ngày sau hết. Này tiền công thợ gặt ruộng cho các ngươi mà các ngươi đã gian lận, tiền đó đang kêu gào và tiếng kêu gào của người thợ gặt đã lọt thấu đến tai Chúa các đạo binh. Các ngươi đã ăn uống say sưa ở đời này, lòng các ngươi đã tận hưởng khoái lạc trong ngày sát hại. Các ngươi đã lên án và giết chết người công chính, vì họ đã không kháng cự lại các ngươi.

Ðó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 15, 15b

All. All. – Chúa phán: ” Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết”. – All.

PHÚC ÂM: Mc 9, 37-42. 44. 46-47

“Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con. Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Gioan thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo chúng ta, và chúng con đã ngăn cấm y”. Nhưng Chúa Giêsu phán: “Ðừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi liền đó lại nói xấu Thầy. Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con. Ai nhân danh Thầy mà cho các con một ly nước vì lẽ các con thuộc về Ðấng Kitô, Thầy bảo thật các con: kẻ đó sẽ không mất phần thưởng đâu. Nhưng nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn. “Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi: thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hoả ngục, trong lửa không hề tắt. Và nếu chân con làm dịp tội cho con, hãy chặt chân đó đi: thà con mất một chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai chân mà phải ném xuống hoả ngục. Và nếu mắt con làm dịp tội cho con, hãy móc mắt đó đi, thà con còn một mắt mà vào nước Thiên Chúa, còn hơn là có đủ hai mắt mà phải ném xuống hoả ngục, nơi mà dòi bọ rúc rỉa nó không hề chết và lửa không hề tắt”.

Ðó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

29/09/2024 – CHÚA NHẬT TUẦN 26 TN – B

          Mc 9,38-43.45.47-48

BAO DUNG THAY CHO LOẠI TRỪ

Đức Giê-su bảo: “Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.” (Mc 9,40)

Suy niệm: Gio-an đòi loại trừ những người nhân danh Thầy Giê-su để trừ quỉ nhưng lại “không thuộc nhóm chúng ta.” Chúa Giê-su bác bỏ quan điểm đó và dạy các môn đệ có một cái nhìn bao dung: Sứ mạng tại thế của Chúa Giê-su là xây dựng Nước Thiên Chúa. Khác với nước thế gian có ranh giới, có lãnh thổ, Nước Thiên Chúa không bị giới hạn bởi đất đai, màu da, hay chủng tộc, nhưng được loan báo cho mọi người thành tâm thiện chí, những người đứng về phía sự thật (Ga 19,37). Vì thế, chỉ có sự dữ là kẻ thù phải loại trừ, còn mọi người đều được đón nhận vào Nước Thiên Chúa với điều kiện họ đứng về phía sự thật.

Mời Bạn: Tiếp nối sứ mạng của Chúa Giê-su, sứ mạng của Giáo Hội là làm cho Nước Thiên Chúa được loan báo đến cho mọi người. Trong một thế giới đa nguyên về ý thức hệ, văn hóa và tôn giáo, việc sống tinh thần bao dung của Chúa Ki-tô là rất quan trọng. Thay vì loại trừ người khác chỉ vì họ không thuộc về nhóm của mình, chúng ta được mời gọi để nhận ra trong thế giới đầy dẫy khác biệt này vẫn có đông đảo những người đứng về phía sự thật, những người ủng hộ Chúa Ki-tô bởi vì họ không chống lại Ngài.

Chia sẻ: Chúng ta đang có những thái độ, cách cư xử hẹp hòi, thiếu khoan dung nào khiến cho Tin Mừng không đến được với anh em lương dân?

Sống Lời Chúa: Làm một việc phục vụ với ý cầu nguyện cho công cuộc rao giảng Tin Mừng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết đón nhận những dị biệt của anh em và để nhờ đó làm cho hạt giống Tin Mừng được gieo vãi và nảy nở trong mọi tâm hồn.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

SUY NIỆM

KHÔNG CHỐNG LÀ ỦNG HỘ

Con người thích liên kết với nhau thành nhóm,
khi có chung một ngành nghề, một sở thích, một lý tưởng…
Các quốc gia cũng thích lập những liên minh
để giúp nhau bảo vệ lợi ích của đất nước mình.
Khi có những người gắn bó với nhau trong một nhóm
thì tự nhiên có những người đứng ngoài nhóm đó.
Ta dễ coi những ai ở ngoài nhóm là người xa lạ.

Ông Gioan và cả Nhóm Mười Hai thật sự không vui
khi thấy có một người lấy danh Thầy Giêsu mà trừ quỷ.
Họ khó chịu vì tại sao người này dám làm như vậy.
Chỉ ai ở trong nhóm của Thầy Giêsu mới có quyền đó. 
Bởi thế họ đã cấm anh ta và mách với Thầy chuyện này.
Thầy Giêsu hiểu nỗi ấm ức của cả Nhóm,
nhưng Thầy coi đây là một cơ hội để giúp họ mở lòng. 
Các ông chỉ thấy anh trừ quỷ là người ở ngoài Nhóm,
nhưng họ lại không thấy anh này có sự gắn bó với Thầy.
Anh ấy đã tin vào sức mạnh của Danh Giêsu trên ma quỷ,
và đã thành công trong việc trừ quỷ cho người ta,
điều mà trước đây chín môn đệ không làm được (Mc 9,18).
Thầy Giêsu bảo các môn đệ cứ để anh ta yên.
Anh ấy không phải là kẻ thù, nói xấu chống lại Thầy.
Anh ấy là bạn của cả Nhóm, dù không ở trong Nhóm.
Thầy Giêsu đã phá vỡ nơi trái tim của các môn đệ
những hẹp hòi, độc quyền, những tự hào kiêu hãnh.
Thầy mở họ ra trước một thế giới bạn bè đông vô kể.
Có bao người không phải là kitô hữu hay công giáo
mà vẫn làm được những điều tốt đẹp lớn lao
nhờ được Thánh Thần Chúa âm thầm ban ơn soi sáng.
Chúng ta phải coi những người ấy là bạn.

Có người ngoài Nhóm trừ quỷ nhân danh Đức Giêsu,
cũng có người ngoài cho anh em uống một chén nước,
vì anh em thuộc về Đấng Kitô, vì anh em là kitô hữu.
Đức Giêsu nói người ấy sẽ được Thiên Chúa thưởng.
Như thế có nhiều người tốt ở ngoài Công giáo.
Ta sẽ gặp lại họ trên thiên đàng,
những người này được thưởng vì họ đã gắn bó với Giêsu,
theo những cách thức mà chính họ không hề biết.

Cộng đoàn tín hữu nào cũng có những người bé nhỏ.
Họ là những người không có vai vế hay học thức cao.
Họ dễ bị lôi kéo, bị tổn thương hay bị quên lãng.
Đức Giêsu đặc biệt quan tâm đến họ.
Ngài đòi không ai được khinh những người bé nhỏ,
vì họ cũng có thiên thần riêng của mình (Mt 18,10). 
Ngài mời mọi người đón tiếp trẻ nhỏ (Mc 9,37),
và cho những người anh em bé nhỏ nhất của ngài
được ăn uống viếng thăm, được ân cần săn sóc (Mt 25).
Chính thái độ này sẽ định đoạt cuộc sống vĩnh hằng,
sẽ khiến họ được Chúa cho đứng bên hữu hay bên tả. 
Đức Giêsu còn mạnh mẽ bảo vệ người bé nhỏ.
Không ai được làm cớ cho một người bé nhỏ vấp ngã,
nghĩa là làm họ mất đức tin hay phạm tội (Mc 9,42).
Người gây cớ sẽ phải chịu hình phạt rất nặng nề,
vì đã làm một người yếu đuối mất ơn cứu độ.

Thầy Giêsu mở rộng tầm nhìn của Nhóm Mười Hai,
để họ thấy những người ở ngoài và tín hữu ở trong,
những người đang làm phép lạ và đang cho họ ly nước,
những thiểu số bị phân biệt đối xử trong cộng đoàn.
Nhóm Mười Hai sẽ là những người lãnh đạo Giáo Hội.
Thầy mời họ đón nhận và không loại trừ một ai,
để vòng tay Giáo Hội mở ra đến vô cùng,
để từ bây giờ, mọi người đã bắt đầu vào Nước Thiên Chúa.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa là Cha của gia đình nhân loại,
Chúa đã sáng tạo mọi người bình đẳng về nhân phẩm.
Xin hãy đổ vào lòng chúng con tình huynh đệ,
và gợi lên nơi chúng con ước mơ làm mới lại 
các cuộc gặp gỡ, đối thoại, công lý và hòa bình.
Xin hãy thúc đẩy chúng con tạo ra 
những cộng đồng lành mạnh hơn,
và một thế giới cao quý hơn, 
thế giới không có đói nghèo, chiến tranh hay bạo lực.

Xin cho trái tim của chúng con mở ra 
trước mọi dân tộc và quốc gia trên mặt đất.
Xin giúp chúng con nhận ra sự thiện mỹ
mà Chúa đã gieo nơi lòng từng người chúng con,
nhờ đó chúng con rèn đúc mối dây hiệp nhất,
chia sẻ những dự án và những giấc mơ chung. Amen.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

29 THÁNG CHÍN

Một Cuộc Bắt Đầu Mới Trong Đức Kitô

Chiều hôm trước ngày chịu tử nạn Thập Giá, Đức Kitô đã nói với các tông đồ: “Thánh Thần… sẽ làm chứng về Thầy; và cả anh em nữa cũng sẽ là những chứng nhân…” (Ga 15,26-27, RSV).

Những lời này cũng còn nhắm nói với từng người đến lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức. Bí tích này là một dấu chỉ của một cuộc bắt đầu mới trong Đức Kitô. Ý thức về sức mạnh của Chúa Thánh Thần và ý thức về di sản tông truyền phong phú vẫn còn tiếp tục trong Giáo Hội từ thế hệ này sang thế hệ khác, các bạn trẻ không thể tách mình ra khỏi ân huệ này. Không, các bạn không đứng ngoài!

Nguyện xin Chúa Thánh Thần tác động trong tâm hồn các bạn, như Ngài đã tác động trong tâm hồn các tông đồ xưa khi các ngài được sai đi loan báo Tin Mừng. Các bạn hãy ý thức về ân sủng của Thiên Chúa mà các bạn đã lãnh nhận! Hãy kiên vững trong đức tin của các bạn và hãy mạnh mẽ tuyên xưng đức tin ấy! Hãy sống theo những chân lý của đức tin ấy! Hãy nhớ rằng Thiên Chúa muốn được tôn thờ cách đích thực. Ngài muốn các bạn tôn thờ Ngài trong Thánh Thần và chân lý (Ga 4,23).

Quả thực, đây là một mầu nhiệm vĩ đại. Thiên Chúa là Thánh Thần!

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 29/9

Chúa Nhật XXVI Thường Niên

Ds 11, 25-29; Gc 5, 1-6; Mc 9, 38-43.45.47-48.

LỜI SUY NIỆM: Ông Gioan nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.” Đức Giêsu bảo: “Đừng ngăn cấm người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy.” (Mc 9,38-39)

          Qua đoạn Tin Mừng này. Giáo Hội muốn mỗi người trong chúng ta phải đón nhận những lời khuyên dạy của Chúa Giêsu. Trước hết đối với những người có thiện chí phục vụ vì yêu thương con người , dù họ là ai, chúng ta không nên ngăn cản họ; điều thứ hai là mọi cử chỉ bác ái đối với con người, cho dù nhỏ đến đâu cũng được Thiên Chúa ghi nhận và thưởng công; điều thứ ba là  phải biết tránh xa những phương tiện và cơ hội có thể đưa đến phạm tội  Và điều quan trọng hơn hết đó là không làm cớ, làm gương xấu cho người khác phạm tội nhất là đối các trẻ nhỏ.

          Lạy Chúa Giêsu. với ân sủng của Chúa ban. Xin cho chúng con sống tốt đẹp trước nhan thánh Chúa và với  mọi ngươi đang sống xung quanh chúng con.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

29 Tháng Chín

Người Ăn Cắp Cừu

Tại một miền quê bên Mỹ, vào thời kỳ lập quốc. Có hai anh em nhà kia bị bắt quả tang đang ăn cắp cừu. Dân trong làng đã mở tòa án nhân dân để trừng phạt.

Sau khi nghị án, mọi người đã đồng thanh cho khắc trên trán của tội nhân hai chữ viết tắt S.T có nghĩa là “Người ăn cắp cừu”.

Một trong hai người ăn trộm không chịu nổi sự sỉ nhục đã trốn sang một vùng đất khác để chôn chặt dĩ vãng của mình. Nhưng anh không thể xóa nhòa được hai chữ viết tắt trên trán của mình. Bất cứ một người lạ mặt nào cũng đều tra hỏi anh về ý nghĩa của hai chữ ấy. Lại một lần nữa, không chịu nổi sự nhục nhã, anh đã rời bỏ nơi cư ngụ mới để tiếp tục lang thang và cuối cùng mòn mỏi trong cay đắng, anh đã bỏ mình nơi đất khách quê người.

Nếu người anh của mình đã bị sự nhục nhã gặm nhấm đến độ phải trốn suốt cả đời mình, thì người em lại tự nói với mình: “Tôi không thể bỏ trốn chỉ vì ăn cắp mấy con cừu. Tôi phải ở lại đây và tôi phải tạo lại sự tin cẩn nơi những người xung quanh và nơi chính tôi”.

Với quyết tâm đó, anh đã trở lại trong xứ của mình. Và không mấy chốc, anh đã xây dựng cho mình một sự nghiệp cũng như danh thơm của một người thanh liêm chính trực.

Nhưng cho dù năm tháng có qua đi, hai chữ S.T vẫn còn ghi đậm trên vầng trán của anh… Ngày kia, có một người lạ mặt hỏi một cụ già trong làng về ý nghĩa của hai chữ viết tắt ấy. Cụ già suy nghĩ một hồi rồi trả lời: “Tôi không nhớ rõ lai lịch của hai chữ viết tắt ấy, nhưng cứ nhìn vào cuộc sống của người đó, tôi nghĩ rằng hai chữ viết ấy có nghĩa là Thánh thiện”.

Một thi sĩ người Ấn Ðộ đã gửi tặng cho Ðài Phát Thanh Chân Lý những vần thơ sau đây:

“Hãy tin nơi bạn, vì bạn là hình ảnh của Thiên Chúa.

Hãy tin ở công việc của bạn vì một công việc chính trực là một lời cầu nguyện.

Hãy tin ở ngày hôm nay vì mỗi phút chứa đựng một dịp may để phụng sự Chúa. 

Hãy tin ở những người xung quanh của bạn vì bạn hữu là điều quan trọng cho một cuộc sống hạnh phúc.

Hãy tin ở hiện tại vì hôm qua đã qua đi và ngày mai sẽ không bao giờ đến.

Hãy tin ở lòng thương của Chúa vì Ngài tha thứ cho bạn. Và bạn hãy tha thứ cho chính mình”.

Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về chúng ta và Ngài mời gọi chính chúng ta cũng đừng thất vọng về chính mình. Mỗi một may mắn là một dịp để chúng ta dâng lời cảm tạ và chúc tụng Chúa. Mỗi một thất bại va đau khổ là khởi đầu của một nguồn ơn dồi dào hơn. Mỗi một vấp phạm là bàn đạp để chúng ta vươn cao hơn. Bởi vì trong tất cả mọi sự, Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật 26 – Năm B – Thường Niên. 

Bài đọc: Num 11:25-29; Jas 5:1-6; Mk 9:38-43, 45, 47-48.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải diệt trừ mọi ghen tị và tham lam. 

            Tính phe đảng, ghen tị, và tham lam, làm con người dễ quên đi mục đích và khai trừ những ai không có cùng quan niệm hay không thuộc nhóm của mình. Người tín hữu phải nhớ điều quan trọng hàng đầu là làm cho Tin Mừng được lan rộng khắp nơi; còn cách thức làm sao để thực hiện điều này là tùy vào ơn riêng Thiên Chúa ban cho mỗi người. Cần tránh thái độ chỉ có người của mình hay cách của mình mới quan trọng. Đừng ghen tị khi người khác được bằng mình hay hơn mình. Vì một người không thể làm hết, và cũng không có sức để chịu đựng tất cả; do đó, Thiên Chúa cần nhiều thợ nhiệt thành để làm việc trong vườn nho của Ngài.

            Các Bài Đọc hôm nay muốn dạy con người phải diệt trừ tính phe đảng, ghen tị, và tham lam. Trong Bài Đọc I, ông Moses ước mong ơn Thánh Thần được ban cho mọi con cái Israel, để họ đừng than phiền, kêu trách Thiên Chúa, và kêu trách ông nữa. Trong Bài Đọc II, thánh Giacôbê quan niệm của cải trong trời đất là của Thiên Chúa ban cho mọi người; không ai có quyền vơ vét và tích trữ của cải cho mình đến nỗi để người khác phải chịu thiệt thòi và túng thiếu. Trong Phúc Âm, khi Gioan nói với Chúa Giêsu ông ngăn cấm một người đã lấy danh Chúa Giêsu trừ quỉ, vì người đó không ở trong nhóm môn đệ của Chúa. Ngài trả lời ông: đừng ngăn cản họ vì “ai không chống đối chúng ta là thuộc về chúng ta.”

 KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC: 

1/ Bài đọc I: Thánh Thần Thiên Chúa hoạt động ở mọi nơi và trong mọi người. 

1.1/ Thần Khí được ban cho cả bảy mươi kỳ mục, Eldad và Medad.

            (1) Bảy mươi kỳ mục: Tổng số dân chúng khi ra khỏi Ai-cập cả gần triệu người. Họ tiếp tục đòi hỏi, than phiền, và trách mắng ông Moses về việc thiếu bánh ăn, nước uống, thịt, rau cải… Ông Moses đã quá mệt mỏi khi nghe những lời than phiền của dân chúng, nên ông tâm sự với Đức Chúa, ông không thể tiếp tục vác gánh nặng từ dân nữa. Thiên Chúa hiểu nỗi đau khổ và gánh nặng của Moses; nên Ngài bảo ông chọn 70 kỳ-mục (những người lớn tuổi trong dân) để họ cùng chia sẻ gánh nặng với ông (Num 11:17). Trình thuật hôm nay tường thuật: “Đức Chúa ngự xuống giữa đám mây và nói chuyện với ông Moses. Người lấy một phần Thần Khí đang đậu trên ông mà đặt trên bảy mươi kỳ mục.”

            (2) Endad và Medad: Thánh Thần của Thiên Chúa không chỉ hoạt động trên 70 kỳ-mục; nhưng bấy giờ có hai người ở lại trong trại, một người tên là Eldad, một người tên là Medad. Các ông đã được ghi trong danh sách kỳ mục, nhưng đã không đến Lều. Thánh Thần đậu xuống trên các ông và các ông bắt đầu phát ngôn trong trại. 

1.2/ Sự ghen tị của ông Joshua: Khi thấy những điều này xảy ra, một người thanh niên chạy đi báo tin cho ông Moses rằng: “Ông Endad và ông Medad đang phát ngôn trong trại!”

            (1) Phản ứng của ông Joshua: Ông Joshua con ông Nun, từng theo hầu ông Moses từ hồi còn nhỏ, lên tiếng nói với ông Moses: “Thưa thầy, xin thầy ngăn cản họ!”

            (2) Phản ứng của ông Moses: Ông Moses hiểu Thánh Thần, cũng giống như Thiên Chúa, hoạt động và điều khiển mọi người trong mọi nơi, chứ không phải chỉ trên những người Moses đã chọn; nên ông trả lời ông Joshua: “Anh ghen dùm tôi à? Phải chi Đức Chúa ban Thánh Thần trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ!”

            Chúng ta thường có khuynh hướng giới hạn hoạt động của Thiên Chúa hay của Thánh Thần nơi một số người hay chỉ trong Giáo Hội; nhưng hoạt động của Thiên Chúa cũng như của Thánh Thần bao trùm cả vũ trụ này. Kinh Thánh nhiều lần chứng minh quyền lực Thiên Chúa hoạt động trên các vua Dân Ngoại như Ai-cập, Assyria, Babylon, và Ba-tư… khiến họ phải thi hành thánh ý Ngài; và Thánh Thần hoạt động trên những người Dân Ngoại chưa chịu Phép Rửa, như gia đình Cornelius, viên sĩ quan người Rôma (Acts 10).

 

2/ Bài đọc II: Của cải Thiên Chúa ban trong vũ trụ, phải được chia sẻ cho mọi người. 

2.1/ Kẻ tham lam sẽ phải đền tội: Một khuynh hướng xấu xa nơi con người là lòng tham lam vô đáy. Kẻ tham lam muốn thu tích của cải cho mình bằng mọi cách, mà không cần biết mình sẽ gây đau khổ và thiệt hại cho người khác thế nào. Thánh Giacôbê đã chứng kiến kẻ giầu bóc lột người nghèo trong cộng đồng của ngài, nên ngài tuyên cáo họ: ”Giờ đây, hỡi những kẻ giàu có, các người hãy than van rên rỉ về những tai hoạ sắp đổ xuống trên đầu các ngươi. Tài sản của các ngươi đã hư nát, quần áo của các ngươi đã bị mối ăn. Vàng bạc của các ngươi đã bị rỉ sét; và chính rỉ sét ấy là bằng chứng buộc tội các người; nó sẽ như lửa thiêu huỷ xác thịt các ngươi. Các ngươi đã lo tích trữ trong những ngày sau hết này.”

2.2/ Những tội gây ra bởi lòng tham lam của con người: Kẻ tham lam không chỉ phạm tội vơ vét của cải; nhưng còn kéo theo nhiều tội khác nữa.

            + Lỗi đức công bằng: ”Các ngươi đã gian lận mà giữ lại tiền lương của những thợ đi cắt lúa trong ruộng của các ngươi. Kìa, tiền lương ấy đang kêu lên oán trách các ngươi, và tiếng kêu của những thợ gặt ấy đã thấu đến tai Chúa các đạo binh.”

            + Tiêu xài xa hoa vào những việc bất chính: Trong khi người nghèo không có của ăn, kẻ giàu có phung phí tiền bạc trong những sòng bạc và những cuộc truy hoan. Thánh Giacôbê trách cứ hành động bất công của họ: ”Trên cõi đất này, các ngươi đã sống xa hoa, đã buông theo khoái lạc, lòng các ngươi đã được no đầy thoả mãn trong ngày sát hại.”

            + Giết hại người công chính: Để thỏa mãn lòng tham, kẻ gian ác loại trừ tất cả những ai dám ngăn cản, phê bình, hay tố cáo lối sống của họ: ”Các ngươi đã kết án, đã giết hại người công chính, và họ đã chẳng cưỡng lại các ngươi.”

3/ Phúc Âm: Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.

3.1/ Cần có tâm hồn rộng lượng bao dung: Một hôm, ông Gioan nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.” Sở dĩ, môn đệ Gioan nói những lời này, vì ông muốn  đặc quyền trừ quỉ chỉ giới hạn trong thành phần môn đệ của Chúa Giêsu; vì nếu bất cứ ai cũng làm được, nhóm môn đệ của Chúa Giêsu sẽ không còn gì đặc biệt nữa.

            (1) Cần loại trừ tính phe đảng, độc tài: Đức Giêsu bảo: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.” Nguyên lý Chúa đưa ra là một người không thể mâu thuẫn với chính mình: hoặc có hoặc không, chứ không thể chọn cả hai một lượt. Để một người trừ được quỉ, họ phải có một đức tin vững mạnh nơi Chúa Giêsu và phải nhân danh Ngài mà nói, thì mới trừ được. Nếu một người không có đức tin, và không nhân danh Chúa, họ không bao giờ họ có thể trừ được quỉ. Đức tin có được hay mất đi phải có thời gian lâu dài; chứ không một sớm một chiều mà có hay mất được. Vì thế, khi họ trừ được quỉ là họ đã có đức tin vào Thiên Chúa, tại sao cần phải ngăn cấm họ.

            Hơn nữa, mục đích của Chúa Giêsu khi chọn các môn đệ là để huấn luyện các ông loan truyền Tin Mừng, chứ không chú trọng đến danh nghĩa và quyền lợi của cá nhân hay của nhóm. Ngài ban cho các ông quyền trừ quỉ để khơi dậy niềm tin, chứ không phải là đặc quyền để bảo vệ. Tính phe đảng nhiều khi làm con người không còn biết chú trọng đến mục đích, nhưng chú trọng đến tiếng tăm, quyền lợi, và dễ dàng khai trừ người khác.

            (2) Con người có tự do để chấp nhận sự thật: Chúng ta cần biết rộng lượng để chấp nhận tự do của con người. Khi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu chỉ có thể trình bày sự thật để thuyết phục con người tin vào Ngài, đồng thời kèm theo những phép lạ; nhưng nếu họ cứng lòng, Chúa Giêsu không bắt họ phải tin vào Ngài. Chúng ta cũng thế, chúng ta cũng chỉ có thể trình bày sự thật, hay phân tích cái lợi và cái hại của việc không sống theo sự thật, rồi để tha nhân có quyết định muốn theo hay không. Chúng ta không thể bắt người khác làm theo ý mình.

            (3) Trên con đường tìm kiếm sự thật, có nhiều cách để dẫn con người đến sự thật và khơi dậy niềm tin của con người vào Thiên Chúa; chứ không phải chỉ có một cách. Hãy để Thiên Chúa làm việc trong tha nhân và cho họ có thời gian để nhận ra sự thật. Cần tránh thái độ võ đoán: chỉ có cách của chúng ta mới làm cho con người nhận ra sự thật hay mới được cứu độ.

3.2/ Bác ái và gương sáng là hai cách hiệu quả để rao giảng Tin Mừng.

            (1) Phải biết chia cơm sẻ áo cho mọi người: “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.” Đạo của Chúa Giêsu là đạo bác ái yêu thương. Người môn đệ của Chúa không thể mến Chúa mà không yêu người. Tiêu chuẩn Chúa dùng để phán xét người môn đệ là đức bác ái (x/c Mt 25). Nếu ai làm cho tha nhân là làm cho chính Chúa, người đó sẽ được hưởng cuộc sống đời đời.

            (2) Phải làm gương lành cho người khác: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.” Cùng một tư tưởng như trên: ai không làm cho tha nhân, là không làm cho chính Chúa. Hậu quả là họ sẽ không được hưởng hạnh phúc với Ngài. Nếu đã không làm điều tốt cho tha nhân, họ còn ngăn cản tha nhân đến với Chúa bằng gương xấu họ làm, chắc chắn họ phải sống xa Thiên Chúa.

3.3/ Phải đoạn tuyệt mọi tội lỗi: Năm câu kế tiếp có vấn đề về văn mạch: câu 44 và câu 46 được các nhà chú giải coi giống như câu 48: “nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt.” Năm câu được sắp xếp như sau: “Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt.” Có ít nhất hai cách để hiểu đoạn văn này:

            (1) Theo những người theo chủ thuyết Fundamentalism, những người hiểu theo nghĩa đen, Chúa Giêsu muốn con người phải cắt bỏ các phần thân thể, nếu họ muốn được vào Nước Trời.

            (2) Con người phải nhận ra nguy hiểm của tội: Tội lỗi làm con người có nguy cơ sa hỏa ngục; vì thế, cần phải tìm mọi cách để diệt trừ tội lỗi. Nếu hiểu theo nghĩa đen như trên, con người chắc chẳng còn gì để cắt hay loại bỏ nữa, vì con người vẫn thường xuyên phạm tội. Chúa Giêsu muốn con người nhận ra nguy hiểm của tội, vì tội có thể làm con người sa hỏa ngục, và không đạt được cuộc sống đời đời.

 ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

            – Thánh Thần của Thiên Chúa hoạt động ở mọi nơi và trong mọi người. Chúng ta đừng bao giờ giới hạn hoạt động của Thánh Thần nơi mình, nơi một cộng đoàn, hay chỉ trong Hội Thánh mà thôi.

            – Mục tiêu quan trọng của cuộc đời là làm sao cho Nước Chúa trị đến, và ý Chúa được thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Để được như thế, chúng ta cần sự cộng tác của tất cả mọi người.

            – Của cải trong vũ trụ là của Thiên Chúa ban cho mọi người. Chúng ta đừng tham lam thu tích của cải để tích trữ cho mình; trong khi bao anh chị em phải đói khát.

            – Chúng ta có bổn phận làm gương sáng cho mọi người bằng cuộc sống nhân đức. Chúng ta cũng phải cố gắng để tránh mọi tội và đừng tạo gương mù làm lung lạc đức tin của tha nhân. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************