Chúa Nhật (31-01-2021) – Trang suy niệm

30/01/2021

Lời Chúa Hôm Nay

Chúa Nhật Tuần IV Mùa Thường Niên Năm B

BÀI ĐỌC I: Đnl 18, 15-20

“Ta sẽ gầy dựng một tiên tri và Ta sẽ đặt lời Ta vào miệng người”.

Trích sách Đệ Nhị Luật.

Môsê nói với dân chúng rằng: “Chúa là Thiên Chúa các ngươi, sẽ gầy dựng giữa các ngươi và giữa những anh em các ngươi, một tiên tri như ta: các ngươi sẽ nghe lời người, như các nguơi đã xin cùng Chúa là Thiên Chúa các ngươi ở Horeb khi có cuộc đại hội, và các ngươi nói rằng: Tôi không muốn nghe tiếng Chúa là Thiên Chúa tôi nữa, tôi không muốn thấy ngọn lửa vĩ đại này nữa, kẻo tôi phải chết. Và Chúa phán cùng tôi: sự họ đã nói, là tốt. Ta sẽ gầy dựng giữa anh em của họ một tiên tri như ngươi; Ta sẽ đặt vào miệng người những lời của Ta, người sẽ nói cho họ biết tất cả những điều Ta sẽ truyền cho người. Và nếu kẻ nào không nghe lời của Ta mà người sẽ nói nhân danh Ta, chính Ta sẽ xét xử nó. Nhưng tiên tri nào tự phụ, nhân danh Ta mà nói lời Ta không truyền phải nói, hoặc nhân danh các thần khác mà nói, thì sẽ chết”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9.

Đáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: các bạn đừng cứng lòng (c. 8).

Xướng: 1) Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Đá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người. – Đáp.

2) Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lạy, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Đấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người. – Đáp.

3) Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: “Đừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta”. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: 1 Cr 7, 32-35

“Người nữ đồng trinh lo lắng việc Chúa, để nên thánh”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, tôi ước mong anh em khỏi phải lo lắng. Người không có vợ thì lo lắng việc Chúa, và tìm cách làm đẹp lòng Chúa. Nhưng người đã có vợ thì lo lắng việc đời này, và tìm cách làm đẹp lòng vợ mình, và họ bị chia xẻ. Cũng thế, người phụ nữ không có chồng và đồng trinh thì lo lắng việc Chúa, để nên thánh phần xác và phần hồn. Còn người phụ nữ đã có chồng thì lo lắng việc đời này, và tìm cách làm đẹp lòng chồng mình. Tôi nói thế vì ích lợi cho anh em, chứ không phải để gài bẫy anh em đâu, nhưng là để hướng dẫn anh em đến đời sống đoan chính và hoàn toàn khắng khít với Chúa. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 1, 14 và 12

Alleluia, alleluia! – Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta; những ai đón nhận Người, Người sẽ ban cho quyền làm con cái Thiên Chúa. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mc 1, 21-28

“Ngài giảng dạy người ta như Đấng có uy quyền”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

(Đến thành Capharnaum) ngày nghỉ lễ, Chúa Giêsu vào giảng dạy trong hội đường. Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Đấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ.

Đang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: “Hỡi ông Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai, là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Chúa Giêsu quát bảo nó rằng: “Hãy im đi và ra khỏi người này!” Thần ô uế liền dằn vặt người ấy, thét một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy. Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Cái gì vậy? Đấy là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả thần ô uế và chúng vâng lệnh Người”. Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Galilêa. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

31/01/2021 – CHÚA NHẬT TUẦN 4 TN – B

Mc 1,21-28

TIN VÀO SỨC MẠNH LỜI CHÚA

“Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh.” (Mc 1,27)

Suy niệm: Người ta nói rằng triết gia Socrates dạy học trong 40 năm, Platon trong 50 năm, Aristotle trong 40 năm, còn Đức Giê-su chỉ vỏn vẹn trong ba năm. Thế nhưng, tác động ba năm sứ vụ của Ngài vượt xa ảnh hưởng 130 năm giảng dạy của những người được xem là các triết gia vĩ đại nhất của thời cổ đại. Tin Mừng hôm nay cho thấy một trong những tác động của Ngài trên cử tọa tại hội đường Ca-phác-na-um. Ngài giảng dạy giáo lý mới mẻ với uy quyền tự mình, chứ không dựa trên sách vở truyền thống. Kèm theo lời giảng dạy là sức mạnh của lời Ngài: chỉ cần một mệnh lệnh ngắn gọn, quỷ phải xuất ra khỏi người bị ám, đem lại an vui cho con người. Chẳng lạ gì cử tọa vừa ngạc nhiên, thích thú, thán phục, và bị chinh phục trước sức mạnh của lời ấy. 

Mời Bạn: “Ngay cả Đức Ki-tô cũng không làm theo ý mình. Ngài hoàn toàn chịu hao tổn vì lòng nhiệt thành với Nhà Cha mình. Là con người, Ngài luôn hành động cho Chúa. Là Thiên Chúa, Ngài luôn hoạt động cho con người” (G. Bull). Đọc Tin Mừng, bạn có được đánh động trước lời của Chúa Giê-su không? Mong bạn nhìn ngắm Ngài, và thêm lòng tin tưởng, cậy trông, để vững bước theo Ngài trên đường đời.

Sống Lời Chúa: Tôi thay đổi cái nhìn mới về đời Ki-tô hữu qua việc dành thời gian sống với Chúa thân mật hơn, để sống với tha nhân thân ái hơn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, bao người bị lôi cuốn, mê hoặc bởi cuộc đời của Chúa, và nhờ vậy đã trở nên thánh. Xin cho con cũng biết dành nhiều thời gian, năng lực, quan tâm cho việc tìm hiểu và yêu mến Chúa hơn. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy Niệm

Một ông thợ ở Nadarét được mời giảng trong hội đường.
Mác-cô không cho ta biết Ðức Giêsu đã giảng gì.
Chỉ biết nội dung của lời giảng thì mới mẻ,
và cách giảng thì khác hẳn với các kinh sư.
Kinh sư thì giải thích Kinh Thánh với thẩm quyền.
Còn Ðức Giêsu giải thích Kinh Thánh với uy quyền.
Ngài chẳng phải dựa vào sách vở, vào truyền thống có sẵn.

Một cách mới mẻ và đầy uy quyền,
Ðức Giêsu loan báo Triều đại Thiên Chúa đã đến,
triều đại của Xa-tan phải bị đẩy lui.
Quả vậy, sự hiện diện của Ngài trong hội đường ngày hôm ấy
đã khiến cho thần ô uế phải chường mặt ra và khiếp sợ.
Ðức Giêsu ra lệnh: “Hãy câm đi và xuất khỏi người này.”
Thần ô uế chẳng muốn từ bỏ căn nhà nó đã ở.
Nó chỉ ra sau khi đã vật vã người ấy và thét lên.
Ðức Giêsu đã chiến thắng và giải phóng ta khỏi nô lệ.
Ngài khai mở Nước Thiên Chúa trên mặt đất.
Nhưng cuộc chiến với Xa-tan còn kéo dài đến tận thế.
Chúng ta phải cộng tác để Nước Chúa mau thành tựu.

Quỷ thường được vẽ như một con vật xấu xí đáng sợ.
Nếu thế thì ta rất dễ nhận ra nó,
và nó cũng khó lòng cám dỗ được ta.
Trong thực tế, quỷ mang dáng dấp xinh đẹp và hấp dẫn.
Nó tấn công ta bằng những thủ đoạn tinh tế, ngọt ngào.
Nó nắm rõ điểm yếu nhất của từng cá nhân, tập thể.
Xưa nay, người bị quỷ nhập thực sự chắc không nhiều.
Nhưng hẳn nhiều người bị quỷ lèo lái mà không biết.
Kitô giáo không bịa ra quỷ để hù dọa tín đồ.
Quỷ là những mãnh lực xấu xa, cố kéo ta xa Chúa.
Chúng chống lại Thiên Chúa và hạnh phúc đích thực của con người.
Quỷ phỉnh phờ con người bằng thứ hạnh phúc giả tạo.
“Nếu ông sấp mình thờ lạy tôi, tôi sẽ cho tất cả”.
Làm gì có hạnh phúc vững bền khi ta quay lưng với Thiên Chúa!

Chúng ta tự hào mình không bị quỷ ám.
Nhưng thế giới hôm nay vẫn bị ám ảnh bởi nhiều thứ khác:
tham vọng và dục vọng, sợ hãi và oán thù, ích kỷ và hưởng thụ…
Có những điều vốn không xấu cũng trở thành ngẫu tượng:
tiền bạc, tiện nghi, thời trang, công việc làm ăn, phim ảnh…
Cái ám nào cũng làm ta bớt tự do, bớt là mình.
Cái ám từ ngoài vào, ở lại trong ta và không chịu ra.
Cái ám khi trở thành tuyệt đối thì làm ta trở nên ô uế.
Nó bắt ta phải nghĩ, phải sống như theo một lập trình.
Ta không thể làm khác, không thắng được bản năng và thói quen.
Ta thấy mình bất lực, nên cần Ðấng Thánh của Thiên Chúa.
“Hãy xuất ra khỏi người này”:
Hôm nay Chúa muốn nói với tà thần ở trong tôi như vậy.
Tôi cầu xin Ngài trục xuất khỏi tôi điều gì?
“Hãy xuất ra khỏi thế giới này”:
Nhờ ơn Chúa, tôi cũng phải ra lệnh cho ma quỷ như vậy.

 

 Cầu Nguyện

Lạy Cha,
thế giới hôm nay cũng như hôm qua
vẫn có những người bơ vơ lạc hướng
vì không tìm được một người để tin;
vẫn có những người đã chết từ lâu
mà vẫn tưởng mình đang sống;
vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế,
ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;
vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn,
bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống;
vẫn có những người bị sống bên lề xã hội,
 dù không phải là người phong..

Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ
và biết chạnh lòng thương như Con Cha.

Nhưng trước hết,
xin cho chúng con nhìn thấy chính bản thân chúng con.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

31 THÁNG GIÊNG

Hợp Tác Và Liên Đới

Nếu như trong quá khứ có một khuynh hướng xem lao động như chuẩn mực duy nhất đo lường giá trị con người, thì trong thời đại chúng ta lại thấy xuất hiện một nhãn quan mới: đánh giá con người theo chức năng. Theo cách nhìn này, lao động chỉ có ý nghĩa thông qua thu nhập trong một nghề nghiệp nào đó. Trước một trào lưu như vậy, chúng ta càng phải khẩn cấp hơn bao giờ hết để nắm bắt lại niềm xác tín rằng “lao động là một chiều kích căn bản của hiện sinh con người trên trái đất” (Laborem exercens 4). Nhưng đồng thời cũng phải nhận thức rằng lao động không phải là cứu cánh cuối cùng. Vâng, lao động phải luôn luôn phụ thuộc vào con người – và chính con người mới là mục tiêu và là cứu cánh cuối cùng của lao động (Laborem exercens 6).

Xuất phát từ sự thật đó, một yêu cầu quan trọng đặt ra cho tất cả mọi người: yêu cầu phải cộng tác và liên đới với nhau. Người ta vốn phải luôn luôn cần sự giúp đỡ và cộng tác của nhau để có thể cùng nhau thăng tiến. Liên đới có luật của nó: không ai có thể áp đặt nó lên một người khác. Trái lại, mỗi bên đều sẵn lòng đón nhận sự cộng tác của bên kia trong một đường lối xây dựng. Điều này áp dụng cả cho những doanh nghiệp cá thể lẫn cho toàn bộ tiến trình sản xuất. Nó cũng áp dụng – theo một nghĩa rộng – cho tất cả đời sống xã hội.

Khi nhìn lao động và sản xuất trong tinh thần hợp tác và liên đới, chúng ta có thể nhận ra những vai trò thiết yếu của mỗi bên liên hệ. Các chủ xí nghiệp và các vị lãnh đạo đảm nhận vai trò đưa ra các quyết định để bảo vệ mối thống nhất, sự hợp tác và điều hành hoạt động của xí nghiệp.

Những người lao động độc lập thì tự nhận lấy các trách nhiệm, những mối ràng buộc và những rủi ro trong công việc. Họ đem lại sự uyển chuyển cho toàn tiến trình sản xuất và họ được đền bù thích đáng bởi nguyên tắc phụ trợ. Theo nguyên tắc này, cả nhà nước lẫn xã hội đều không thể hạn chế sáng kiến và sự lựa chọn tự do của của cá nhân (Huấn thị của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Tự Do và Giải Phóng theo Kitô giáo, số 73).

Về phần mình, những công nhân trực thuộc các xí nghiệp không chỉ có quyền nhận được món tiền lương công bằng – tức bảo đảm mức sống cho bản thân họ và gia đình họ; nhưng một cách liên đới trách nhiệm, họ cũng tham gia vào các sáng kiến và các quyết định có ảnh hưởng đến đời sống của xí nghiệp, nghĩa là các quyết định có ảnh hưởng đến chính tương lai của họ. Hơn nữa, họ sẽ làm việc bằng một cung cách sao cho luôn luôn bảo đảm tôn trọng phẩm giá và khả năng sáng tạo của mình. Như vậy, họ có thể thực sự cảm nhận được vai trò làm chủ của mình trong môi trường lao động (Laborem exercens 14 – 15).

Chúng ta biết rằng mọi quyền đều gắn liền với bổn phận. Nguyên tắc công bằng và bình đẳng không chỉ chi phối đến các mối quan hệ giữa chúng ta với nhau, nhưng cũng chi phối cả đến sự đóng góp của mọi người vào thiện ích chung. Nếu chúng ta muốn một xã hội công bằng hơn và một cuộc sống có chất lượng hơn, mọi người chúng ta đều phải biết nhìn xa hơn những ích lợi nhất thời của riêng mình. Chúng ta phải sẵn lòng dự phần vào trách nhiệm chung, vì thiện ích của mọi người.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 31/1

Chúa Nhật IV Thường Niên

Đnl 18, 15-20; 1Cr 7, 32-35; Mc 1, 21-28.

LỜI SUY NIỆM: Đức Giêsu và các môn đệ vào thành Ca-phác-na-um. Ngay ngày Sa-bát, Người vào hội đường giảng dạy. Thiên hạ sửng sốt về lời dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.”

          Hội đường là một nhà trường để dạy đạo; trong hội đường cũng là nơi dân Thiên Chúa đến cầu nguyện, đọc Lời Chúa, Sách Luật và được một vị Kinh sư giảng dạy những lời ấy. Khi Chúa Giêsu đến trong hội đường Người giảng dạy, không như các Kinh sư đã từng giảng dạy, vì những lời của những Kinh sư họ thường phải dẫn chứng những lời giảng dạy ấy có nguồn gốc từ một ai đó có thể giá hay là dựa vào một Sách nào đó đã có sự tín nhiệm. Còn Chúa Giêsu, khi Người giảng dạy thì đó là những mạc khải mới lạ, với đầy uy quyền và có tính cách khẳng định, tác động mạnh trên mọi kẻ nghe Người; như là: “Quả thật, tôi bảo cho các ông biết”.

          Lạy Chúa Giêsu. Lời Chúa là Lời Hằng Sống, luôn là mới lạ để làm thăng tiến đời sống con người; giúp gặp được Chúa Cha. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn biết dành thời giờ trong ngày đọc và suy niệm Lời Chúa, cũng như tích cực tham gia mọi sinh hoạt phụng vụ để được các thừa tác viên của Giáo Hội hướng dẫn, soi sáng tăng thêm sự hiểu biết về Lời Chúa.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 31-01: Thánh GIOAN BOSCÔ

Linh mục (1815-1888)

Ngày 16 tháng 8 năm 1815, Gioan chào đời trong một túp lều tranh thuộc tỉnh Turinô. Cha Ngài qua đời lúc Ngài được hai tuổi. Mẹ Ngài là bà Magarita một mình nuôi nấng ba người con trai. Bà tập cho con quen với công việc nặng nhọc, với đời cầu nguyện. Bà thường lập lại với các con bà: – Chúa thấy hết, Chúa thấy hết.

Và con cái bà biết rằng chính nhờ tình yêu mà Người ta làm đẹp lòng Chúa, Gioan sau này sẽ nói: – Nếu tôi trở thành linh mục đó là nhờ mẹ tôi.

Cậu bé đã tỏ ra có ơn gọi làm tông đồ. Ngoài đồng cỏ, Ngài đã đổi phần bánh ngon miệng của mình lấy mẩu bánh đen của một mục đồng nghèo. Mẹ Ngài trách cứ Ngài vì đã làm bạn với những người xấu. Gioan đáp lại: – Khi con chơi với chúng nó, chúng nó bớt khùng hơn.

Lúc chín tuổi, Gioan đã có một giấc mơ lạ lùng: một đám đông trẻ con tinh nghịch vây quanh Ngài, chúng nó nói phạm thượng. Bất chợt chúng hiện hình thành bọn lang sói. Nhưng đức Trinh Nữ đã nói với Gioan: – Đừng dùng bạo lực, nhưng hãy ngọt ngào nếu con muốn chiếm được tình nghĩa với chúng.

Ngài còn nói: – Đó là môi trường làm việc cùng con. Sau này con sẽ làm cho con cái mẹ, điều Mẹ sắp làm cho những con thú này.

Và rồi những con vật dữ tợn trên biến thành chiên ngoan Gioan đã kẻ lại giấc mơ trên. Một người anh đã nói với Ngài: – Mầy sẽ là thằng chăn chiên. Và người anh khác nói tiếp: – Hay là tướng cướp.

Vì tình yêu Chúa, cậu bé tưởng tượng ra mình là một thằng múa rối. Ngày Chúa nhật bọn trẻ xếp vòng tán thưởng nhà nhào lộn và leo giây đại tài, cha mẹ chúng, cũng tới nữa, những lúc đổi trò, mọi người phải lần chuỗi. Nhà nhào lộn trở thành nhà giảng thuyết, lập lại bài giảng của cha sở.

Một linh mục già cho Gioan cuốn sách văn phạm latinh và dạy Gioan học. Một trong các anh ghen tỵ. Gioan ôm sách đi tìm việc làm trong một nông rại. Hai năm sau trở về nhà, Gioan phải chân không cuốc bộ hai mươi cây số ngàn để tới trường học mỗi ngày. Sau này ở trường Chieri, Ngài làm gia nhân khi có giờ rảnh để khỏi tốn tiền mẹ. Ngài thành lập một hội vui để lôi kéo bạn bè vào đường thiện hảo, lành mạnh.

Gioan được thụ phong linh mục. Theo phong tục Italia, người ta gọi Ngài là Don Boscô. Mẹ Ngài đã nhắn nhủ: – Đùng lo nghĩ tới mẹ nữa mà chỉ cầu nguyện cho mẹ thôi. Lo lắng duy nhất của con là phần rỗi các linh hồn.

Ngài theo học ở Turinô, viếng thăm các tù nhân và đã kinh ngạc khi thấy bao nhiêu là thanh thiếu niên ở đó, thấy trong các đường phố những đứa trẻ này bị bỏ mặc cho sự cùng khổ và tật xấu của chúng. Phương pháp cứu vớt tuổi trẻ này. Trong thánh đường, một ông quản xua đuổi đứa trẻ lêu lổng. Gioan nhắc nhở ông ta rằng: nó lại không muốn nhận biết Thiên Chúa tốt lành sao ?

Chính Don Boscô sẽ dạy nó đọc chữ và giải thích giáo lý cho nó. Hôm sau đứa trẻ trở lại với bạn bè của mình. Hội bảo trợ đầu tiên được thành lập. Trong hai tháng số trẻ lên tới cả trăm. Nhưng tụ họp chúng ở đâu ? Khắp nơi người ta đều xua đuổi chúng, và người ta lại không cho rằng Don Boscô điên rồi sao ? Ngài thuê một căn nhà trong khu phố nghèo đói nhất và phải trả tiển nửa tháng một lần, Mẹ Ngài lo lắng: – Con không có lấy một xu.

Thánh nhân trả lời: – Nếu mẹ có tiền lại chẳng cho con sao ? Mẹ có tin là Chúa quan phòng giầu có vô cùng lại không tốt bằng mẹ sao ?

Ngài tập họp những trẻ xấu nết lại và dọn cho chúng ruớc lễ vỡ lòng, khu vực đốn mạt sắp trở thành nơi có tinh thần Kitô giáo nhất thành phố. Ngài không hề mất tin tưởng. Không có gì làm Ngài nản chí được. Ngài dẫn về cho mẹ mình những đứa vô lại chiêu tập trong một hàng quán. Đêm về những đứa vô lại này biến mất, mang theo cả chăn nệm, Ngài đưa về một thàng nhãi bị trui đến tận xương tủy. Chẳng mấy chốc căn phòng đã có tới bảy đứa như vậy.

Don Boscô mua một căn nhà. Trẻ nội trú đông nhung nhúc. Một ngày sống bắt đầu với thánh lễ, sau đó là đi học hay tập nghề. Chính lúc này mà thánh nhân muốn giúp đỡ từ những người nghèo tới các công tử. Các nhà sắp được xây dựng khắp nơi, cả đến Mỹ Châu.

Đối với các trẻ em nam, Gioan đã thiết lập một dòng gồm các linh mục mang danh là Salésien, để kính thánh Phanxicô Salê mà Ngài đã lấy châm ngôn của thánh nhân làm của mình.

– Lạy Chúa xin cho các linh hồn vì phần còn lại có đang giá gì cho con đâu ?
Và thánh nhân khuyên nhủ hãy làm điều đó: – Trong vui tươi hoan hỉ không ngừng.

Cùng với chị thánh Maria Mazzarello, Ngài cũng thiết lập một dòng tu mang danh hiệu các nữ tu Đức Mẹ phù hộ. Công cuộc các chị cũng sẽ lan rộng trên khắp thế giới. Mệnh lệnh của Ngài là: – Hãy tin tưởng cầu nguyện và can đảm tiến tới không ngừng.

Don Boscô đi thực hiện các công trình tại Pháp. Các sự lạ xảy ra vô số trên đường Ngài đi qua. Ơ Marseille Ngài gặp một đứa trẻ bệnh hoạn, Ngài bảo nó đọc một kinh kính Mừng và chữa lành cho nó. Cả đứa trẻ lẫn mẹ nó khóc nức nở vì biết ơn. Dọc đường xe Ngài bị vây chặt đến độ người đánh xe đã phải kêu lên: – Kéo theo một con quỉ, còn hơn chở một vị thánh.

Ở Paris Ngài được tiếp đón tưng bừng. Đức Hồng y xin Ngài chúc lành. Thi sĩ Victor Hugô hai lần muốn gặp Ngài. Người ta ngạc nhiên khi thấy Ngài rất đơn sơ vui vẻ và hiền hậu. Ngài giảng dạy nhiều. Các viện mồ côi, trường huấn nghệ, hội bảo trợ mọc lên khắp nước Pháp. Người ta nói Ngài dừng lại một chút, Người trả lời rằng: lên thiên đàng ta sẽ ngừng, hoặc, ma quỉ không có ngừng. Don Boscô muốn đưa cả thế giới về với Chúa Kitô. Các giấc mơ cho Ngài biết rằng: ước muốn của Ngài sẽ được thực hiện. Trong một giấc mơ Ngài thấy những người hoang dại quỳ gối trước mặt các tu sĩ Salésiens. Suốt đời Ngài không dứt các giấc mơ, các lời tiê đoán và các thị kiến.

Gioan phải trả cho định mệnh siêu nhiên của Ngài bằng những dằn vặt mà chỉ mình Ngài biết được. Một vị Hồng y đã phải lo lắng thấy mặt Ngài xanh mét kiệt sức. Thánh nhân cho Ngài biết là ma quỉ quấy phá mình cả đêm. Nhưng những người thân cận không hề biết gì những đau khổ của Ngài. Ngài nói: – Vì hồn tôi đã uống những chén đắng, tôi có quyền thêm vào những lo âu của con cái tôi bằng một gợn sóng đau khổ không ?

Bọn ác nhân giận dữ vì việc lành Ngài đã làm, đã tìm cách sát hại Ngài. Nhưng sức mạnh của sự dữ không nghĩa lý gì. Vượt qua mọi trở ngại tưởng như không thể lướt thắng nổi, Don Boscô còn hoạt động nhiều hơn nữa. Y sĩ tuyên bố rằng: phép lạ lớn lao nhất là Don Boscô còn sống được.

Cuối cùng Gioan cảm thấy rằng: thân xác Ngài không còn chiến đấu nổi nữa. Ngài sắp qua đời. Ngài nói với các linh mục của mình khi họ tới thăm: – Hãy nói với các con cái của tôi rằng: tôi đợi chúng tất cả trên thiên đàng.

Ngài còn nói như lời dặn dò thân thiết nhất: – Hãy cổ võ việc siêng năng rước lễ và lòng tôn sùng Đức Trinh Nữ:

Người ta còn nghe thấy Ngài nói trong cơn mê sảng: – Mẹ, mẹ ơi, ngày mai… Mẹ hãy mở cửa thiên đàng cho con.

Thánh Don Boscô qua đời, đoàn con cái xếp hàng hôn bàn tay đã tận tình cứu giúp họ. Ngày 30 tháng giêng năm 1888.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

Chủ Nhật IV Thường Niên, Năm B

Bài đọc: Deut 18:15-20; I Cor 7:32-35; Mk 1:21-28.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Vai trò của ngôn sứ 

            Ngôn sứ hay tiên tri là người nói thay cho Thiên Chúa, chứ không phải là những người nói trước về tương lai. Trong Cựu Ước, ngôn sứ chỉ là một thiểu số nhỏ, được Thiên Chúa tuyển chọn giữa dân để nói thay cho Ngài, nhất là trong thời miền Bắc và miền Nam bị rơi vào tay ngọai bang và bị lưu đày.

            Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong vai trò của vị ngôn sứ. Trong Bài Đọc I, tác-giả Sách Đệ Nhị Luật cho biết lịch sử tại sao có ngôn sứ, và vai trò quan trọng trong sứ vụ trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Trong Bài Đọc II, Thánh Phaolô giải thích cho cộng đòan Corintô biết lý do cụ thể của những người không có gia đình, họ có nhiều thời giờ hơn để làm những chuyện của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu là vị Ngôn Sứ Tối Cao, vì Ngài là chính Lời của Thiên Chúa. Ngài giảng dạy như một ngôn sứ có uy quyền chứ không giống các Kinh-sư; và Ngài có quyền trục xuất thần ô uế ra khỏi con người. 

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:  

1/ Bài đọc I: Lời tiên tri về vị ngôn sứ Thiên Chúa hứa ban:           

1.1/ Sự cần thiết của ngôn sứ: Truyền thống Do-Thái tin khi một người nhìn thấy Thiên Chúa, người đó sẽ phải chết. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa không xuất hiện để nói với dân, nhưng Ngài dùng những nhà lãnh đạo như Moses và Aaron, để thực thi những gì Thiên Chúa muốn. Để chứng nhận uy tín của những người lãnh đạo này, Thiên Chúa cho dân thấy một phần quyền năng của Ngài như khi dân Israel được triệu tập ở Horeb trong ngày đại hội. Nhưng dân chúng không thể chịu đựng nổi, dù chỉ một phần uy quyền của Thiên Chúa, nên họ nói với Moses: “Chúng tôi không dám nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi nữa, chúng tôi không dám nhìn ngọn lửa lớn này nữa, kẻo phải chết.”

            Vì lý do này, con người có lời hứa của Thiên Chúa: “Từ giữa anh em, trong số các anh em của anh em, Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi để giúp anh em; anh em hãy nghe vị ấy.” Nói cách khác, ngôn sứ là người được chọn giữa con người, để trở thành trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Lời hứa này ám chỉ tất cả các ngôn sứ trong Cựu Ước Thiên Chúa gởi đến cho con người. Tuy nhiên, đó cũng là lời hứa về Đức Kitô, vị Ngôn Sứ tòan hảo của Thiên Chúa. Ngài cũng là người giữa con người, nhưng có uy quyền và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Ngài là người trung gian hòan hảo giữa Thiên Chúa và con người.

1.2/ Mối liên hệ bộ ba giữa Thiên Chúa, ngôn sứ, và con người: Một sự hiểu biết về mối liên hệ này sẽ giúp chúng ta nhận ra bổn phận và trách nhiệm của từng người:

            (1) Thiên Chúa và ngôn sứ: Thiên Chúa chọn ngôn sứ và gởi ông đến với dân để giúp họ, ông không tự chọn mình để làm ngôn sứ. Bổn phận của ngôn sứ là nói những gì Thiên Chúa muốn nói với dân như lời Thiên Chúa phán: “Ta sẽ đặt những Lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy.”

            (2) Ngôn sứ và con người: Con người phải vâng nghe những gì ngôn sứ nói với họ; vì “kẻ nào không nghe những lời của Ta, những lời người ấy nói nhân danh Ta, thì chính Ta sẽ hạch tội nó.” Lời của Thiên Chúa là lời của ngôn sứ; bất tuân lời ngôn sứ là bất tuân Thiên Chúa, và con người sẽ phải chịu trách nhiệm trước Thiên Chúa. Con người dễ khinh thường các ngôn sứ, lý do vì ngôn sứ cũng là người yếu đuối như họ; chẳng lạ gì mà con người hay có thái độ, “gần chùa gọi bụt bằng anh!” Con người không được quên họ là ngôn sứ của Thiên Chúa.

            (3) Ngôn sứ và Thiên Chúa: Ngôn sứ phải nói những gì Thiên Chúa nói; vì “ngôn sứ nào cả gan nhân danh Ta mà nói lời Ta đã không truyền cho nói, hoặc nhân danh những thần khác mà nói, thì ngôn sứ đó phải chết.” Ngôn sứ phải chịu trách nhiệm trước Thiên Chúa, vì ông có trách nhiệm nói Lời của Thiên Chúa. Các ngôn sứ dễ có khuynh hướng không nói Lời của Thiên Chúa, vì những lý do sau:

            – Con người không muốn nghe sự thật vì sự thật mất lòng. Họ thích nghe những gì vui vẻ, tếu táo, không đòi suy nghĩ, và nhất là không khơi dậy mặc cảm tội lỗi nơi những việc họ đang làm. Khán giả cũng không thích ngôn sứ nói đến tội lỗi, chết chóc, chiến tranh, hy sinh, từ bỏ, chịu đau khổ, vác Thánh Giá; vì thế, vị ngôn sứ dễ tránh né những chủ đề này.

            – Sợ những hậu quả xảy ra: không trở nên nổi danh, bị khán giả ghét bỏ, và có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu động chạm đến nhà cầm quyền và các thế lực mạnh.

            – Dùng danh Thiên Chúa để mưu cầu lợi lộc: nói khôi hài để được khán giả ưa thích, nói vuốt đuôi để được thăng quan tiến chức, và nói văn chương để tỏ cho khán giả tài năng của mình.

2/ Bài đọc II: Làm đẹp lòng Thiên Chúa hay đẹp lòng người đời?

2.1/ Ngôn sứ có bổn phận làm đẹp lòng Thiên Chúa: Truyền thống Do-Thái rất chú trọng đến đời sống gia đình, và coi đó như một bổn phận thánh. Chỉ có một trường hợp miễn trừ cho một người không phải kết hôn là để có nhiều thời giờ nghiên cứu Lề Luật của Chúa. Trong cộng đòan tín hữu Côrintô, có lẽ cũng có sự so sánh giữa 2 ơn gọi: độc thân để làm việc cho Chúa và ơn gọi gia đình; ơn gọi nào tốt hơn? Thánh Phaolô cho các tín hữu một cái nhìn thiết thực qua hai ví dụ:

            (1) Các nam tu: “Đàn ông không có vợ thì chuyên lo việc Chúa, họ tìm cách làm đẹp lòng Người; còn người có vợ thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng vợ, thế là họ bị chia đôi.”

            (2) Các nữ tu: “Cũng vậy, đàn bà không có chồng và người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người cả hồn lẫn xác. Còn người có chồng thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng chồng.”

            Lý luận căn bản của Thánh Phaolô: Vì người độc thân không phải lo nghĩ đến người phối ngẫu nên họ có thời giờ và dành mọi tập trung lo việc của Thiên Chúa. Người có gia đình phải dành thời giờ và lo lắng cho người phối ngẫu, nên họ sẽ có ít giờ hơn để lo việc của Thiên Chúa, và tâm trí họ bị chia đôi. Đấy là chưa kể thời giờ phải lo cho các con nữa.

2.2/ Hãy chu tòan bổn phận trong ơn gọi của mình: Điều quan trọng không ở chỗ là tranh luận xem ơn gọi nào quan trọng hơn ơn gọi nào; nhưng ở chỗ mọi người hãy chu tòan ơn gọi của mình. Nếu ở bậc độc thân mà không chịu lo việc của Thiên Chúa, cũng chẳng làm lợi gì cho Ngài. Bậc nào cũng phải cộng tác với nhau và góp phần vào việc làm vinh quang Thiên Chúa.

3/ Phúc Âm: Chúa Giêsu là ngôn sứ kiểu mẫu của Thiên Chúa.

3.1/ Uy quyền giảng dạy: “Đức Giêsu và các môn đệ đi vào thành Capernaum. Vào ngày Sabbath, Người vào hội đường giảng dạy. Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.” Trình thuật không nói rõ sự khác biệt giữa Chúa Giêsu và các Kinh-sư, nhưng chúng ta có thể dựa vào những trình thuật khác, nhất là xung đột ý kiến giữa Ngài và họ, để liệt kê một số điều như sau:

            (1) Chúa Giêsu chú trọng đến tâm hồn bên trong như: kính sợ Thiên Chúa, lòng thương xót, thực thi ý Thiên Chúa, và bảo vệ sự sống; trong khi các Kinh-sư chú trọng đến việc giữ các lễ nghi và Lề Luật hời hợt bên ngòai: giữ ngày Sabbath và các luật thanh tẩy (Mk 2:23-24).

            (2) Chúa Giêsu không sợ nói và đối diện sự thật (Mk 3:23-27); trong khi các Biệt-phái và Kinh-sư luôn tìm cách che đậy những toan tính gian ác trong tâm hồn (Mk 3:2-6).

3.2/ Uy quyền trên các thần ô uế: Truyền thống Do-Thái tin có nhiều quỉ thần trong thế giới, và chúng thường sống trong những nơi nhơ bẩn, hoang dã, và huyệt mả. Chúng thường đe dọa những khách độc hành, đàn bà có thai, cô dâu chú rể, và trẻ em ra ngòai ban đêm. Chúng thường họat động nhiều vào giữa trưa và khỏang thời gian giữa mặt trời lặn và mặt trời mọc. Có nhiều thứ quỉ thần khác nhau, và chúng thường chuyển những tính xấu của chúng tới những người chúng sở hữu như quỉ mù, phong cùi, dâm dục … Chúa Giêsu nhiều lần khai trừ quỉ thần ra khỏi con người như trình thuật hôm nay, và ngày xưa, “chức trừ quỉ” là một trong 7 chức thánh được ban cho các linh mục.

            (1) Chúa Giêsu không sợ áp lực của khán giả: Trình thuật kể ngay sau khi Chúa Giêsu giảng dạy xong; lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên rằng: “Ông Giêsu Nazareth, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” Chúng ta không ngạc nhiên về điều này, vì sứ vụ của Chúa Giêsu và sứ vụ của quỉ thần hòan tòan đối nghịch nhau: Ngài đến để giải thóat con người khỏi mọi quyền lực của tội; trong khi các quỉ thần cố gắng giữ con người làm nô lệ cho tội.

            (2) Chúa Giêsu trục xuất quyền lực ô uế đang ở trong khán giả: Ngài quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. Điều khác biệt giữa Chúa Giêsu và các nhà trừ quỉ khác, Ngài dùng uy quyền của chính Ngài biểu tỏ qua mệnh lệnh ngắn và đơn giản; chứ không nhân danh một thứ quyền lực khác, và phải xử dụng một công thức cố định.

            (3) Khán giả được chữa lành: Khi chứng kiến những gì Chúa Giêsu làm, mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!”

 ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG: 

            – Chúng ta đều là những ngôn sứ của Thiên Chúa. Bổn phận của chúng ta là phải tìm hiểu, nói, sống, và làm chứng cho sự thật.

            – Chúng ta sẽ phải đương đầu với những quyền lực chống lại sự thật của thế gian và ma quỉ. Hậu quả có thể là không được chấp nhận, phỉ báng, tù đày, và ngay cả nguy hiểm tính mạng.

            – Chúng ta không được sợ hãi, để rồi thay vì nói sự thật của Thiên Chúa, chúng ta nói những gì khán giả muốn nghe. Hãy nhớ chúng ta phải chịu trách nhiệm trước mắt Thiên Chúa; Ngài sẽ đòi nợ máu chúng ta về sự hư đi của những người chúng ta đã không có can đảm nói sự thật cho họ.

            – Chúng ta phải tôn trọng những người có bổn phận rao giảng Tin Mừng, cho dẫu họ nói những gì chúng ta không muốn nghe, nhưng là sự thật của Thiên Chúa. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************