“Đấng Kitô phải chịu khổ hình!”.
“Đừng đặt quyền năng của Chúa Kitô Phục Sinh ngang hàng với những mánh khoé của các pháp sư, để Ngài có vẻ như không phải là chính mình. Như thế, khác nào cứ cho là Ngài đã ăn mà không có răng, đi mà không có chân, bẻ bánh mà không có tay, nói mà không có lưỡi; và để lộ một bên hông không có xương sườn!” – Thánh Jêrôme.
Kính thưa Anh Chị em,
Chiều ngày Phục Sinh, Chúa Giêsu hiện ra cho các tông đồ, họ kinh hồn bạt vía, tưởng mình thấy ma. Bởi lẽ, với họ, Ngài đã chết. Và nhất là vì thiếu hiểu biết Thánh Kinh, họ không thể tin! Họ quên lời Thầy đã nói, “Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại!”. Ơn gọi của Ngài là ơn gọi cứu độ, Ngài đến ‘để khổ đau’, để chuộc lại và Chúa Cha quyền năng làm sao có thể để cho sự chết là tiếng nói cuối cùng!
Chúa Giêsu Kitô đã chết và sống lại. Đó chính là Mầu Nhiệm Vượt Qua! Nhiều lần, chúng ta nghe những lời này nhưng không hiểu hết. Mầu Nhiệm Vượt Qua là nội dung các tông đồ rao giảng cho thế giới. Rằng, Giêsu Kitô, Đấng Chúa Cha sai đến ‘để khổ đau’, chết đi vì tội lỗi con người và đã sống lại, tiêu diệt tội lỗi, chiến thắng nó hầu cứu độ con người.
Phêrô đã mạnh mẽ loan báo Mầu Nhiệm này, “Đấng ban sự sống thì anh em giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại từ cõi chết!” – bài đọc một; Gioan cũng cao rao cùng một nội dung, “Chính Ngài là của lễ đền tội chúng ta; không nguyên đền tội chúng ta mà thôi, nhưng còn đền tội cho cả thế gian!” – bài đọc hai.
Trọng tâm toàn bộ các sách Tin Mừng là Ơn Cứu Độ con người phát xuất từ Đấng Cứu Độ Giêsu, một Giêsu đã chết vì con người và đã sống lại để con người có thể tái hưởng Nước Thiên Chúa. Không ai vào đó đơn giản vì họ là người tốt; đúng hơn, bất cứ ai vào Nước Thiên Chúa cũng chỉ nhờ hành động cứu độ chết và sống lại của Chúa Kitô.
Tin Mừng nói, Chúa Giêsu “mở trí cho các ông hiểu Thánh Kinh”. Phải, hiểu biết Thánh Kinh là điều tối quan trọng! “Ai không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô!” – Jêrôme. Ngài đã mở ra những bí ẩn của Thiên Chúa mặc khải trong Thánh Kinh; chỉ cho họ hiểu rằng, ơn gọi của Ngài cũng như của chính họ không thể loại trừ lời mời được gọi ‘để khổ đau’. Mặc dầu khổ đau không tự nó cứu thoát; nhưng nó là con đường dẫn đến vinh quang khi chúng ta thông phần vào thập giá của Ngài.
Anh Chị em,
“Đấng Kitô phải chịu khổ hình!”. Không ai muốn khổ hình, nhưng một nghịch lý là không ai không gặp khổ đau. Hãy đón nhận chúng như Chúa Kitô! Bạn và tôi không thể đón nhận Chúa Kitô mà không đón nhận thập giá của Ngài, bạn cũng không nhận lấy thập giá nếu ở đó không có Chúa Kitô. Thiên Chúa Cha muốn chúng ta nên một với Con Ngài, kết hợp với hy tế của Ngài trong mọi biến cố đời mình để cùng Ngài, trở nên hy tế cho tha nhân. Một số tín hữu nghĩ, họ sẽ làm được một việc lớn lao nào đó cho Chúa, nhưng tất cả những gì Chúa cho phép họ làm là ‘chịu khổ đau’. Mỗi người đều có một câu chuyện khác với người khác, nhưng mọi người đều có chung câu chuyện khổ đau. Nhưng ai biết thông phần vào thập giá Chúa Kitô, mặc dù ‘nước sâu’, tất cả đều có thể ‘qua bờ bên kia!’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con tìm an nhàn; cho con biết, với Chúa, con chỉ cứu độ được con, cứu độ anh chị em con nhờ thông phần vào sự chết và sự sống lại của Ngài!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)