“Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy!”.
Cuộc sống là một quá trình liên tục làm quen với những điều không ngờ! Cũng thế, sự hiện diện và hoạt động của Chúa Phục Sinh trong thế giới là một quá trình liên tục không ngờ. Vì ‘liên tục’ là thuộc tính của lòng xót thương nơi Ngài. Hãy nhìn xem và trải nghiệm!
Kính thưa Anh Chị em,
Lời Chúa Chúa Nhật Lòng Thương Xót phản ánh sự liên tục trong việc thực thi quyền năng của Chúa Phục Sinh. Lời Ngài nói với Tôma, “Hãy nhìn xem tay Thầy!” khác nào nói, “Hãy tin!” chứng tỏ tình yêu Ngài, “Muôn ngàn đời, Chúa vẫn trọn tình thương!” – Thánh Vịnh đáp ca.
“Hãy nhìn xem!”. Từ những ngày đầu mãi cho đến thế kỷ thứ IV, Hội Thánh vẫn quy tụ, dẫu không có một nhà thờ nào, “Các tín hữu thường hội họp tại hành lang Salômon” – bài đọc một. Đó là khu công cộng được che chở khỏi các yếu tố; ở đó, Chúa Phục Sinh có mặt. Các tông đồ được ban quyền năng ‘còn hơn cả Thầy’; đến nỗi người ta khiêng những kẻ ốm đau ra đường, “Để ít nữa khi Phêrô đi ngang qua, chiếc bóng ông cũng phủ trên một bệnh nhân nào đó và tất cả được chữa lành!”. Luca muốn nói, “Hãy nhìn xem!”, Thiên Chúa không ngừng xót thương, Ngài chỉ thay đổi phương thức và cách thế!
Cũng thế, bị lưu đày ở đảo Patmos, Gioan vẫn rao giảng ‘Đấng là Đầu và là Cuối’ – bài đọc hai. Là một mục tử trải nghiệm sâu sắc, Gioan truyền đạt cho các Giáo Hội những bản văn được gọi là Khải Huyền. “Hãy nhìn xem!”, Chúa Phục Sinh luôn ở với Hội Thánh; lòng thương xót của Ngài vẫn thể hiện tỏ tường ngay giữa chốn Gioan lưu đày.
Với bài Tin Mừng, Gioan cho biết, Chúa Phục Sinh – Đấng đi qua các cửa đã khoá. Tuy nhiên, hơn cả cửa khoá, chính sự sợ hãi khiến các tông đồ bị giam cầm! Vậy mà, bất kể nguồn gốc của nỗi sợ là gì, Chúa Phục Sinh vẫn mời gọi “hãy nhìn xem” lòng thương xót của Ngài, Đấng vượt qua cái chết, và nay, đang sống, đang vượt qua ‘mọi loại hình cánh cửa khoá chặt’ của bất cứ nỗi sợ nào nơi con cái Ngài!
Đặc biệt với Tôma, một người ‘bi quan bẩm sinh’ – “Chúng ta cùng đi và chết với Người!” – và hôm nay, “Nếu tôi không nhìn thấy dấu đinh, lỗ đinh… tôi không tin”. Lịch sử đã gán cho Tôma một ‘bản rap tệ’; nhưng Chúa Giêsu thật dịu dàng với ‘bản rap tệ’ này. Ngài chiều chuộng và tưới gội Tôma bằng tất cả tình yêu. Và như thế, qua Tôma, Ngài muốn nói, Ngài không đợi cho đến khi chúng ta hoàn hảo để tìm kiếm chúng ta. Trái lại, ai càng xa cách, Ngài càng tìm kiếm; ai càng cứng cỏi, Ngài càng xót thương, “Phúc cho ai không thấy mà tin!”.
Anh Chị em,
“Hãy nhìn xem tay Thầy!”. “Phúc âm gọi Tôma là Didymus – Song Sinh – và trong điều này, ông thực sự là anh em song sinh của chúng ta. Vì đối với chúng ta, biết rằng Thiên Chúa hiện hữu là chưa đủ. Một Thiên Chúa đã phục sinh nhưng vẫn xa cách không lấp đầy cuộc sống chúng ta; một Thiên Chúa ở xa không thu hút đủ chúng ta, dù Ngài công bằng và thánh thiện đến đâu. Không, chúng ta cần “nhìn thấy Thiên Chúa”, chạm tay vào Ngài và biết rằng Ngài đã phục sinh và đã phục sinh vì chúng ta. Làm sao có thể nhìn thấy Ngài? Như các tông đồ: qua các vết thương của Ngài!” – Phanxicô.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, hãy đến với con hôm nay, tại đây, sau cánh cửa khoá chặt trong nỗi sợ hãi và nghi ngờ của con. Con tin, với lòng thương xót Chúa, con sẽ vượt qua tất cả!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)