Không bao giờ là của con

02/06/2020

“Của Chúa, trả cho Chúa”.

Kính thưa Anh Chị em,

Trở lại mùa thường niên, chúng ta dõi theo Chúa Giêsu trên bước đường rao giảng của Ngài. Qua những nẻo đường, Ngài gặp gỡ con người, rao giảng Nước Trời, tỏ lòng thương xót và chữa lành họ khỏi mọi tật nguyền xác hồn; ở đó, cũng sẽ có bao kẻ chống đối Ngài.

Tin Mừng hôm nay thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Ngài với những người biệt phái và người thuộc nhóm Hêrôđê. Họ đặt cho Ngài một vấn đề gai góc, có nên nộp thuế cho hoàng đế không và Ngài kết luận, “Của César trả cho César; của Chúa, trả cho Chúa”.

Thời Chúa Giêsu, mỗi người Palestine phải nộp thuế cho hoàng đế; nhưng lập trường của các phe thì khác nhau, người đồng ý, kẻ bất đồng. Những kẻ chống đối đặt cho Ngài một câu hỏi đầy mưu mô vì nếu Ngài bảo, cứ nộp thuế, họ coi Ngài là ủng hộ đế quốc để bóc lột dân; nếu bảo đừng, Ngài bị lên án là kẻ chống hoàng đế. Vậy mà Ngài vẫn bình tĩnh trả lời và vận dụng câu hỏi của họ để đưa ra một giáo huấn quan trọng, vượt trên sự tranh cãi của các bên. Ngài nói, “Đưa tôi xem một đồng tiền”; họ đưa cho Ngài một đồng xu và nhìn vào đó, Ngài hỏi, “Hình tượng và danh hiệu này là của ai?”. Họ chỉ có thể trả lời, “Của César”. Từ đó, Ngài tóm tắt, “Vậy thì, cái gì của César, trả cho César; cái gì của Chúa, trả cho Chúa”. Thật tuyệt vời.

Khi khôi phục lại cho hoàng đế những gì thuộc về ông, Chúa Giêsu muốn nói việc trả thuế không phải là một việc thuộc về ngẫu tượng, nhưng là một việc đúng với thẩm quyền trần thế; quan trọng hơn, Ngài nhắc lại chiều kích tối thượng của Thiên Chúa, yêu cầu con người trả lại cho Chúa những gì thuộc về Người. Không quy về Chúa, con người sẽ chạy theo ngẫu tượng.

Về mặt biểu tưởng, Ngài giúp họ nghĩ về một hình ảnh khác được khắc ghi nơi con người, đó là hình ảnh Thiên Chúa; trước hết, con người thuộc về Thiên Chúa. Thánh Phêrô nói, “Anh em không biết sao, anh em là dòng dõi được tuyển chọn, hàng tư tế vương giả, chủng tộc thánh thiện, dân riêng của Chúa”. Từ câu hỏi nền tảng, “Tôi thuộc về ai?” dẫn đến bao câu hỏi quan trọng khác. Linh hồn tôi, thân xác tôi, trí khôn tôi, thời giờ của tôi và những gì tôi có từ con cái cho đến của cải… tất cả thuộc về ai? Dĩ nhiên, thuộc về Chúa.

Một người kia sắp từ giã cõi đời, mơ thấy Thượng Đế đến gần, trong tay Ngài có một chiếc valise. Thượng Đế bảo, “Nầy con, đã đến lúc đi rồi”. Ngạc nhiên, người ấy hỏi, “Bây giờ sao? Sớm quá? Con có nhiều dự định”; “Rất tiếc nhưng đã đến giờ đi rồi”. Người ấy hỏi, “Ngài có gì trong chiếc valise vậy?”; “Những gì thuộc về con”. “Những gì thuộc về con? Ý Ngài muốn nói đồ đạc, tiền bạc của con?”; “Những cái đó đã không phải của con, chúng thuộc trần gian”. “Có phải nó là ký ức của con?”; “Ký ức đã không bao giờ thuộc về con, chúng thuộc vào thời gian”. “Những tài năng của con?”; “Tài năng đã không bao giờ là của con, chúng tuỳ thuộc vào những tình huống”. “Bạn bè và gia đình con?”; “Rất tiếc, họ đã không bao giờ là của con, họ thuộc vào con đường con đã đi qua”. “Có phải là thân xác con?”; “Thân xác đã không bao giờ là của con, nó thuộc vào cát bụi”. “Có phải là linh hồn con?”; “Không, linh hồn là của Ta”. Đầy sợ hãi, ngươi ấy nhận chiếc valise từ Thượng Đế, mở ra và thấy nó trống trơn. Một giọt nước mắt lăn dài trên má, người ấy thốt lên, “Con đã chẳng có gì cả sao?”; Thượng Đế trả lời, “Đúng, chỉ một chút thời gian ngắn ngủi con đã sống là của con”. 

Anh Chị em,

Ngày hôm qua là lịch sử, ngày mai là mầu nhiệm nhưng ngày hôm nay là một quà tặng. Đó là lý do tại sao “present” trong tiếng Anh vừa có nghĩa là quà tặng, vừa có nghĩa là hiện tại.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con tưởng con giàu, hoá ra con quá nghèo; xin cho con biết, không có Chúa, con sẽ nghèo hơn và có Chúa, con có tất cả”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Gp. Huế)