Kiến tạo lịch sử

26/11/2024

“Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết!”.

“911” – “Nine One One” – cách gọi tắt của người Mỹ mỗi khi họ tưởng nhớ ‘ngày tận thế’ 11/9/2001, ngày mà toà tháp đôi Trung Tâm Thương Mại Thế Giới ở New York – biểu tượng phồn vinh của Hoa Kỳ – chìm trong khói và lửa, dẫn đến cái chết của 2.996 người.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay cho thấy mọi thứ có thể đổi dời như biến cố “911”, có thể trải qua ‘khoảnh khắc tận thế’ của nó; nhưng Thiên Chúa thì không. Ngài còn mãi! Chúa là Chủ của lịch sử “vật đổi sao dời” và Ngài kêu gọi chúng ta cùng Ngài ‘kiến tạo lịch sử’ đó.

Trước vẻ đẹp của một Giêrusalem tráng lệ, Chúa Giêsu nói, “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết!”. Như những người thưởng lãm vẻ đẹp của đền thờ, bạn và tôi có thể bị mê hoặc bởi những lấp lánh của ‘đền thờ các loại’. Vậy mà, đức tin, thời gian và kinh nghiệm dạy rằng, mọi thứ luôn đổi thay, kể cả các mối tương quan! Phải, các mối tương quan không bao giờ ‘tĩnh’, chúng luôn ‘dịch’; hoặc chặt chẽ hơn, hoặc đang ‘sờn mòn’ hay ‘rời ra’ ở các đường nối. Điều này cũng đúng cho mối tương quan của chúng ta với Chúa Kitô. Tất cả những việc chúng ta làm sẽ đưa chúng ta đi sâu vào trái tim Ngài hơn hoặc khiến chúng ta xa rời Ngài. “Chính mức độ tương quan của chúng ta với Chúa Kitô sẽ quyết định mức độ chúng ta cộng tác với Ngài trong việc ‘kiến tạo lịch sử’, một lịch sử cứu độ!”.

Cuộc phán xét cuối cùng – bài đọc một – là thời gian để chúng ta suy ngẫm về các mối tương quan của mình với Chúa và với nhau. “Những chiếc liềm sắc bén” không nhằm gây sợ hãi, nhưng giúp chúng ta chuẩn bị và trên hết, sẵn sàng. Khoảnh khắc tận thế của mỗi người có thể đến như trộm trong đêm; nhưng nếu sẵn sàng thì không có gì khiến chúng ta lo sợ, kể cả ngày “Chúa ngự đến xét xử trần gian” – Thánh Vịnh đáp ca.

“Sự tàn phá Giêrusalem được Chúa Giêsu báo trước không phải là ẩn dụ về sự kết thúc của lịch sử mà là mục đích của lịch sử. Và thái độ của Kitô hữu là gì? Không thể tiếp tục làm nô lệ cho sợ hãi và lo lắng; thay vào đó, họ được kêu gọi sống lịch sử, ‘kiến tạo lịch sử’, ngăn chặn sức mạnh huỷ diệt của cái ác với sự chắc chắn rằng, hành động tốt lành của Thiên Chúa luôn đi kèm với sự dịu dàng quan phòng và trấn an của Ngài. Đức tin khiến chúng ta bước đi với Chúa Giêsu trên những con đường quanh co của thế giới, với niềm xác tín, sức mạnh của Thánh Thần sẽ bẻ cong các thế lực của sự dữ, khuất phục chúng trước sức mạnh của tình yêu. Tình yêu thì cao cả hơn, mạnh mẽ hơn, vì đó là Thiên Chúa: Thiên Chúa là Tình Yêu!” – Phanxicô.

Anh Chị em,

“Sẽ có ngày bị tàn phá hết!”. Ở mức độ cá nhân và thực tế hơn, chúng ta có thể lo lắng về những đổi thay. Nhưng một lần nữa, hãy biết rằng, trở nên sợ hãi và lo lắng không có ích gì. Thay vào đó, chúng ta nên cố gắng sống trọn vẹn từng ngày và làm cho nó có ích cho bản thân và cho người khác bằng cách củng cố các mối tương quan, quan trọng nhất – với Chúa Kitô – và với người. Có như thế, chúng ta cộng tác với Thiên Chúa, xây dựng hoà bình, xây dựng thế giới và cùng Ngài ‘kiến tạo lịch sử’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, chớ gì lịch sử đời con khác nào lịch sử đời Chúa, một lịch sử cứu độ!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)