Ngày thứ ba (06-07-2021) – Trang suy niệm

05/07/2021

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Ba Tuần XIV Mùa Thường Niên Năm lẻ

BÀI ĐỌC I:   St 32, 22-32 (Hr 23-33)

“Tên ông sẽ được gọi là Israel, vì ông có sức mạnh chống lại Thiên Chúa”.

Trích sách Sáng Thế.

Trong những ngày ấy, Giacóp chỗi dậy sớm, đem hai vợ, hai người đầy tớ gái, và mười một người con đi sang qua khe suối Giabốc. Sau khi dẫn họ và đem tất cả của cải qua bên kia suối, ông ở lại một mình, và đây, có một người vật lộn với ông cho đến sáng. Người ấy thấy mình không thể vật ngã Giacóp được, nên đá vào gân đùi ông, và lập tức gân ấy khô bại. Người ấy nói với ông rằng: “Hãy buông ta ra, vì đã hừng đông rồi”. Ông trả lời: “Tôi chỉ buông ông ra khi nào ông chúc lành cho tôi”. Vậy người ấy hỏi: “Ông tên gì?” Ông trả lời: “Tôi tên là Giacóp”. Người ấy lại nói: “Tên ông sẽ không còn gọi là Giacóp nữa, nhưng sẽ gọi là Israel, vì nếu ông có sức mạnh chống lại Thiên Chúa, ắt ông sẽ còn mạnh sức thắng được loài người”. Giacóp hỏi người ấy: “Xin ông cho tôi biết ông tên gì?” Người ấy đáp: “Tại sao ông lại hỏi tên ta?” Bấy giờ người ấy chúc lành cho Giacóp chính nơi ấy. Giacóp đặt tên cho nơi ấy là Phanuel, và bảo rằng: “Tôi đã thấy Chúa nhãn tiền mà mạng sống tôi vẫn an toàn”.

Khi ông đã ra khỏi Phanuel, thì mặt trời liền mọc lên, nhưng ông đi khập khễnh một chân. Vì lẽ đó, con cái Israel không ăn gân đùi cho đến ngày nay, vì gân đùi Giacóp bị khô bại: bởi thiên thần đã đá vào gân đùi ông, nên ông bị bại. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 16, 1. 2-3. 6-7. 8b và15

Đáp:  Phần con, nhờ công chính, sẽ được thấy thiên nhan (c. 15a).

Xướng:

1) Lạy Chúa, xin nghe điều chính nghĩa của con; xin để ý đến lời con kêu cứu, lắng tai nghe con thốt ra từ cặp môi chân thành! – Đáp.

2) Từ cái nhìn của Chúa hãy diễn ra sự phán quyết về con: vì mắt Ngài thấy rõ điều chân chính. Nếu Ngài lục soát lòng con, nếu ban đêm Ngài thăm viếng, nếu Ngài thử con trong lửa, Ngài sẽ không gặp điều gian ác ở nơi con. – Đáp.

3) Con kêu van Ngài, bởi Ngài nhậm lời con; lạy Chúa, xin lắng tai về bên con, xin nghe rõ tiếng con. Xin tỏ ra đức từ bi lạ lùng của Chúa, là Đấng giải thoát khỏi bọn đối phương những ai tìm nương tựa tay hữu của Ngài. – Đáp.

4) Xin che chở con trong bóng cánh tay Ngài. Phần con, nhờ công chính, sẽ được thấy thiên nhan; khi thức giấc, con no thoả nhìn chân dung Chúa. – Đáp.

ALLELUIA: Ga 10, 27

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng biết Ta”. – Alleluia. 

 PHÚC ÂM: Mt 9, 32-38

“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, người ta đem đến Chúa Giêsu một người câm bị quỷ ám. Khi đã trừ quỷ, thì người câm nói được, đám đông dân chúng kinh ngạc và nói rằng: “Chưa bao giờ thấy xảy ra như vậy trong dân Israel”. Nhưng các người biệt phái nói rằng: “Ông ta đã nhờ tướng quỷ mà trừ quỷ”.

Và Chúa Giêsu đi rảo khắp các thành phố làng mạc, dạy dỗ trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ, vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn. Người liền bảo môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

06/07/2021 – THỨ BA TUẦN 14 TN

Th. Ma-ri-a Gô-rét-ti, trinh nữ, tử đạo

Mt 9,32-38

TẤM LÒNG CỦA ĐỨC GIÊ-SU

Bấy giờ, Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” (Mt 9,37-38)

Suy niệm: Đứng trước đau khổ của nhân loại, Chúa Giê-su không cầm được xúc động. Ngài thương dân chúng bơ vơ như chiên không có người chăn. Chúa chữa lành những người bệnh hoạn tật nguyền. Nhưng không chỉ có thế, Ngài còn giảng dạy họ nhiều điều để mở ra cho nhân loại con đường cứu độ để hưởng hạnh phúc Nước Trời. Cũng từ tấm lòng thương xót, Chúa đã chọn gọi các tông đồ để họ tham gia cộng tác với Ngài để tiếp nối sứ mạng cứu thế. Trên cánh đồng truyền giáo lúa đã chín vàng, Chúa Giê-su kêu gọi các môn đệ cầu xin Thiên Chúa, vị chủ ruộng sai các thợ gặt lành nghề, không ai khác hơn là chính các môn đệ cho vụ mùa bội thu.

Mời Bạn: Chính trong tầm nhìn cứu thế đó, Chúa cũng mời gọi mỗi người chúng ta tham gia, cộng tác. Có nhiều cách tham gia, nhiều cách cộng tác: bằng lời cầu nguyện, bằng việc tông đồ, bác ái, bằng đời sống gương sáng chứng nhân. Sự đóng góp của mỗi người theo khả năng, dù nhỏ bé, cũng góp phần cho Nước Thiên Chúa mau hiển trị.

Chia sẻ: Trong cộng đoàn, trong giáo xứ, bạn có tham gia hoạt động nào phục vụ cộng đoàn và loan báo Tin Mừng không?

Sống Lời Chúa: Sứ mạng loan báo Tin Mừng là bản chất của Hội Thánh cũng là của mỗi người Ki-tô hữu, bạn luôn nhớ cầu nguyện cho Nước Chúa trị đến và sẵn sàng loan báo Tin Mừng Chúa Ki-tô cho những ai thành tâm thiện chí.

Cầu nguyện: Lạy Chúa xin ban cho con một trái tim nồng cháy để con biết kính mến Chúa và yêu thương anh em của mình như Chúa đã yêu. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm

Phép lạ Đức Giêsu chữa người câm là phép lạ cuối
của chuỗi mười phép lạ trong hai chương 8 và 9 của Tin Mừng Mátthêu.
Mátthêu đã kể lại phép lạ này với rất ít chi tiết.
Người ta coi bệnh câm của anh này là do quỷ ám.
Khi quỷ bị trục xuất thì người câm nói được.
Không thấy Đức Giêsu đã làm gì hay nói gì để trừ quỷ.
Nhưng quyền năng của Ngài được lộ ra khi người câm cất tiếng nói.

Có hai phản ứng ngược nhau trước phép lạ.
Đám đông thì kinh ngạc và nói : “Ở Israel, chưa hề thấy thế bao giờ.”
Họ đứng trước một điều hết sức mới mẻ khiến họ ngỡ ngàng (c. 33).
Người câm nói được là một dấu chỉ cho thấy Nước Trời đã gần,
thời đại thiên sai đã đến, Đấng Thiên sai đã ở kề bên.
Đức Giêsu đã làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia tiên báo:
“miệng lưỡi người câm sẽ reo hò” (35, 6).
Nhưng những người Pharisêu lại nghĩ khác.
Họ không phủ nhận quyền năng trừ quỷ của Đức Giêsu,
nhưng họ lại cho rằng Ngài đã bắt tay với quỷ vương để trừ quỷ (c. 34).
Đây là phản ứng đầu tiên có tính thù nghịch công khai của người Pharisêu.

Phần còn lại của bài Tin Mừng là một bản tóm lược
về các hoạt động của Đức Giêsu: dạy dỗ, rao giảng, và chữa bệnh (c. 35).
Tất cả cuộc sống của Ngài như dành trọn cho đám đông.
Đôi chân Ngài đi khắp các thành thị, làng mạc và hội đường.
Đôi môi Ngài không ngớt đem tin vui đến cho những người mong đợi.
Đôi tay Ngài chạm đến những bệnh tật yếu đau của con người.
Nhưng trên hết vẫn là chuyện Đức Giêsu chạnh lòng thương (c. 36).
Chạnh lòng thương là nhói đau ở chỗ sâu bên trong của ruột gan mình.
Thấy thì thương: đó luôn là cái nhìn của Đức Giêsu trước đám đông.
Ngài thấy họ như chiên không có người chăn dắt, lãnh đạo.
Chính vì thế họ bị rơi vào tình cảnh vất vưởng lầm than.
Đức Giêsu không đau xót về chuyện bệnh tật thân xác của đám đông.
Ngài quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu tâm linh của con người.
Con người đánh mất ý nghĩa cuộc sống, thấy bơ vơ, cô độc, tuyệt vọng.
Con người loại trừ Thiên Chúa, để rồi rơi vào sa đọa, chán chường.
Đức Giêsu đến như người mục tử chăm sóc mọi mặt cho đoàn dân.

Cách đây hai ngàn năm, Đức Giêsu đã than về chuyện ơn gọi.
Đồng lúa thì bao la mênh mông, mà thợ gặt thì ít.
Ngài mời các môn đệ của mình cầu nguyện nài xin với Thiên Chúa.
Đồng lúa là của Thiên Chúa, thợ gặt cũng là của Thiên Chúa sai đến.
Nước Việt Nam chúng ta cũng cần bao thợ gặt.
Có bao nhiêu tỉnh thành làng mạc còn thiếu linh mục, thiếu nữ tu.
Số linh mục mới chịu chức không đủ bù cho các vị về hưu và qua đời.
Làm sao để các bạn trẻ thấy con người hôm nay và chạnh lòng thương?
Làm sao để họ muốn dấn bước lo cho đám đông như Giêsu?

Lời nguyện

Lạy Cha là người chủ ruộng tốt lành,
đồng lúa đã chín vàng chờ ngày gặt hái.

Xin Cha sai những người thợ lành nghề và tận tụy
đến làm việc trong cánh đồng bao la của Cha.

Xin Cha gieo vào lòng các bạn trẻ hôm nay
những ước mơ lớn lao, những lý tưởng cao cả.

Xin cho họ
biết quên hạnh phúc và tương lai của mình
để yêu tha nhân bằng trái tim rộng mở.

Ước gì họ nghe được tiếng kêu của người bị áp bức,
cảm được cơn đói khát Lời Chúa và tình thương,
thấy được những mất mát của bao người đau khổ,
và chạm đến sự trống vắng của tâm hồn lạc hướng.

Xin Cha sai Thánh Thần đến với các bạn trẻ
để họ quảng đại đáp lại tiếng gọi của Chúa Giêsu,
sống như Ngài đã sống
và tiếp tục làm những gì
Ngài đã làm trên trần gian.

Cũng xin Cha
gìn giữ gia đình và giáo xứ chúng con,
thanh lọc bầu khí của trường học và xã hội,
để tất cả trở thành những môi trường tốt
giúp các bạn trẻ dễ dàng tìm gặp ý Cha. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

6 THÁNG BẢY

Đâu Là Vai Trò Của Chúng Ta Trong Tư Cách Là Thụ Tạo?

Con người có một vai trò đặc biệt trong việc phát triển thế giới. Và đó vốn là vai trò của con người ngay từ thuở ban sơ. Vai trò đó cho thấy con người là gì trong tư cách là người con được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Ngài. Theo Sách Sáng Thế, con người được dựng nên để “thống trị tạo vật” và để bắt mọi tạo vật “qui phục” mình (St 1,28).

Bằng cách tham dự vào quyền cai trị của Thiên Chúa trên thế giới, xét như là một chủ thể có lý trí và tự do song vẫn đồng thời là một tạo vật, một cách nào đó chính con người trở nên một “sự quan phòng”, theo cách diễn tả tuyệt vời của Thánh Tô-ma (Tổng Luận Thần Học I,22,2&4). Con người được mời gọi để bảo vệ và cai quản mọi tạo vật với một tình yêu và mối quan tâm mục tử. Cũng chính vì thế mà con người mang một trách nhiệm đặc biệt đối với Thiên Chúa và đối với tạo vật.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 06/7

Thánh Antôn Maria Gôretti, trinh nữ tử đạo

St 32, 22-32; Mt 9, 32-38. 

LỜI SUY NIỆM: Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ Người nói với các môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”

          Hôm nay Chúa Giêsu cũng đang nói với mỗi người trong chúng ta: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” Khi nghe Lời này; mỗi người có thấy được sự cần thiết và vai trò quan trọng của người thợ gặt? Có như vậy, chúng ta mới có nhiệt tâm trong cầu nguyện và cọng tác, trợ giúp Giáo Hội đào tạo những thợ gặt chuyên nghiệp.

          Lạy Chúa Giêsu. Đâu đâu cũng đang cần linh mục và tu sĩ để dẫn đưa người tín hữu đi đúng con đường về Nước Trời. Xin Chúa ban cho các gia đình Công Giáo đều là những vườn ươm ơn gọi, để ngày càng có nhiều người hy sinh tận hiến cho Chúa, để phục vụ Giáo Hội.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 06-07: Thánh MARIA GORETTI

Đồng Trinh Tử Đạo (1890 – 1902)

Thánh Maria Goretti sinh ngày 16 tháng 10 năm 1890 tại Ancona. Cha mẹ Người là những người nhà quê thất học. Vì hoàn cảnh nghèo túng, năm 1899, gia đình Ngài dời về sống trong một nông trại ở làng Auziô, gần Neturô. Đây là một gia đình nghèo khó nhưng giầu lòng tin đến độ chuyển núi dời non. Cha Ngài vào một hợp tác và sống chung trong một nhà với một gia đình khác, ông cần cù vở đất trồng trọt để nuôi sáu người con. Còn mẹ thánh nữ, bà rất mệt nhọc trong việc săn sóc đoàn con bé bỏng.

Nhưng gia đình can đảm và thân mật này đã bị giao động khi người cha bất ngờ qua đời. Bà góa phụ Assunta không biết nương tựa vào đâu và quyết định tiếp nối công việc nặng nhọc vừa khởi sự. Bà giao các con nhỏ cho trưởng nữ mới 10 tuổi săn sóc. Maria, người con gái ấy là một đứa trẻ hiền lành can đảm biết vâng phục. Thánh nữ thật là một nguồn an ủi cho người mẹ hiền lành, nhưng cương quyết với các con. Dù còn trẻ thánh nữ đã sớm trở thành một người nội trợ mới.

Hàng xóm của bà Assunta, là gia đình Serenrlli, họ là những người có tinh thần phục vụ. Nhưng Alessandrô lại chơi với các bạn bè xấu và ham đọc sách nguy hiểm. Nhiều lần anh ta giúp đỡ Maria trong những việc nặng nhọc. Người ta có thể nghĩ là Alessandrô đã cải tính sửa nết. Maria thì biết ơn và còn quá trong trắng để mà nghi ngờ. Nhưng Alessandrô đã không ngần ngại đưa ra những đề nghị bỉ ổi, lại còn đe dọa cô không được nói với ai, không hiểu biết gì, Maria Goretti cảm thấy nguy hiểm phạm tội, và đã thú thực hết với mẹ. Run sợ cho tâm hồn còn tinh trong của con bị hoen ố, bà Assunta đã dạy cho Maria cách thắng vượt sự dữ, đề phòng cho cô khỏi mắc cơn nguy hiểm mà cô chưa biết đến. Maria Goretti hứa sẽ không bao giờ nhượng bộ.

Maria mới 12 tuổi, nhưng đã nẩy nở xinh đẹp. Alessandrô thúc bách, nhưng người thiếu nữ đã biết giữ gìn và chống cự lại. Thảm cảnh diễn ra ngày 5 tháng 7 năm 1902. Sáng hôm đó, đợi cho mọi người đi khỏi, Alessandrô tới gần ve vãn cô gái. Cầm dùi trong tay, anh còn đe dọa: – Nếu cô không chịu, tôi sẽ giết cô.

Cô gái la lớn: – Không, đó là việc tội Chúa cấm ! Anh sẽ phải vào hỏa ngục.
Không còn kềm được bản năng , Alessandrô lao vào con mồi, đâm cô hơn 14 nhát.

Tiếng kêu la của kẻ hung bạo và của nạn nhân vang tới mọi người lân cận. Bà Assunta vội đưa người con hấp hối của mình tới nhà thương ở Nettunô. Dọc đường Maria nói với mẹ:
– Mẹ ơi ! Anh đã muốn con phạm tội với anh con đã cự tuyệt.

Linh mục tới đầu giường cô và nhắc lại cái chết của Chúa Giêsu trên thánh giá với lưỡi đòng, sự hối cải của người trộm lành… rồi Ngài hỏi: – Marietta, con có tha thứ không ?
– Dạ tha, vì tình yêu Chúa Giêsu, chớ gì anh được lên thiên đàng với con.

Alessandrô bị kết án 30 năm khổ sai. Tính hung hăng của anh càng tăng làm các bạn tù khiếp sợ. Tám năm sau, một đêm đã làm biến đổi tất cả. Tội nhân mơ thấy Maria sáng chói giữa vườn huệ và hái trao chàng một bông. Hôm sau anh viết lời thú tội, tự thú tất cả cho Đức giám mục và kể lại cả giấc mơ cho Ngài. Anh đã hối hận. Từ ngày đó, thái độ của anh rất gương mẫu. Năm 1929 anh được phóng thích. Năm 1937, quì dưới chân bà Assunta, anh hỏi: – Bà có tha thứ cho con không ?

Và người mẹ thánh nữ trả lời: – Nó đã tha cho con rồi, tôi làm khác sao được ?
Lễ Giáng sinh năm ấy, hai người cùng tiến lên bàn thờ rước lễ.

Maria Goretti được phong chân phước ngày 27 tháng 4 năm 1927. Đến ngày 24 tháng sáu năm 1930, trước mặt người mẹ đã 87 tuổi, Maria Goretti được đức giáo hoàng Piô XII suy tôn lên bậc hiển thánh.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

06 Tháng Bảy

Thiên Chúa Trong Ánh Mắt

Theo một câu chuyện cổ tích của người Nhật Bản, ngày xưa, có một đôi vợ chồng sống rất hạnh phúc bên cạnh một đứa con gái nhỏ. Người chồng là một hiệp sĩ samourai, nhưng anh chỉ sống khiêm tốn trong một khu vườn nhỏ ở đồng quê. Người vợ là một người trầm lặng đến độ nhút nhát. Chị không bao giờ muốn ra khỏi nhà.

Một hôm, nhân dịp lễ đăng quang của Nhật hoàng, với tư cách là một hiệp sĩ, người chồng cảm thấy có bổn phận phải về kinh đô để bái lạy quân vương. Sau khi đã làm xong nghĩa vụ của một hiệp sĩ, anh ghé ra chợ mua quà cho vợ con. Riêng cho người vợ, anh mua một tấm gương soi mặt bằng bạc…

Ðón nhận món quà, ngời đàn bà bỡ ngỡ vô cùng: chị chưa bao giờ trông thấy một tấm gương, chị chưa một lần nhìn thấy mặt mình. Do đó, vừa nhìn thấy mặt mình trong gương, người vợ mới ngạc nhiên hỏi chồng: “Người đàn bà này là ai?”. Người đàn ông mỉm cười đáp: “Mình không đoán được đó là gương mặt kiều diễm của mình sao?”.

Một thời gian sau, người đàn bà lâm bệnh nặng. Trước khi chết, bà cầm tay đứa con gái và nói nhỏ: “Mẹ không còn sống trên mặt đất này nữa. Sáng chiều, con hãy nhìn vào tấm gương này và sẽ thấy mẹ”.

Sau khi người mẹ qua đời, sớm tối, lúc nào đứa con gái ngây ngô cũng nhìn vào tấm gương và nói chuyện với chính hình ảnh của nó. Nó nói chuyện với hình trong tấm gương như với chính mẹ nó.

Ngày kia, bắt gặp đứa con gái đáng nói chuyện với chính mình nó trong tấm gương, người cha tra hỏi, đứa con gái mới trả lời: “Ba nhìn kìa, mẹ con không có vẻ mệt mỏi và xanh xao như lúc bị bệnh. Mẹ lúc nào cũng trẻ và cũng mỉm cười với con”.

Nghe thế, người đàn ông không cầm nổi nước mắt, nhưng không muốn cho nó biết sự thật, ông nói với nó: “Nếu con nhìn vào gương để thấy mẹ con, thì ba cũng nhìn vào con để thấy mẹ con”.

Tha nhân chính là tấm gương phản chiếu gương mặt của chúng ta. Khi chúng ta lạc quan, khi chúng ta vui tươi, khi chúng ta yêu đời, khi chúng ta hòa nhã chúng ta sẽ nhận ra nét đó trên khuôn mặt của những người xung quanh. Trái lại, khi chúng ta cau có, khi chúng ta giận dữ, khi chúng ta buồn phiền, khi chúng ta thất vọng, chúng ta cũng sẽ thấy được những nét ấy trên gương mặt của người khác…

Tha nhân cũng chính là hình ảnh của Thiên Chúa. Nếu đứa con có thể nhìn thấy gương mặt khỏe mạnh, vui tươi của người mẹ trong tấm gương, nếu người cha nhìn thấy hình ảnh của người vợ trong đứa con, thì với ánh mắt của tin yêu chúng ta cũng có thể nhìn thấy gương mặt Tình Yêu của Thiên Chúa trong mọi người.

Có Thiên Chúa trong ánh mắt, nhìn thấy Thiên Chúa trong mọi người, chúng ta sẽ thấy rằng đời có ý nghĩa, tha nhân không phải là hỏa ngục đáng xa lánh…

Chúng ta hãy nhìn vào tấm gương của tha nhân với nụ cười của trẻ thơ để luôn luôn nhận ra được bộ mặt Tình Yêu của Thiên Chúa trong mọi người.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Ba – Tuần 14 – TN1 – Năm lẻ

Bài đọc: Gen 32:23-33; Mt 9:32-38.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa kiên trì cứu độ con người.

Người Hy-lạp và một số tôn giáo lớn, mặc dù tin có một Đấng dựng nên và điều khiển mọi sự, nhưng họ không tin Đấng Tạo Hóa quan tâm đến đời sống vất vả và cực khổ của con người. Lý do: Họ tin Đấng Tạo Hóa không bao giờ thay đổi. Nếu Đấng Tạo Hóa quan tâm hay nhận lời cầu xin của con người, Ngài đã bị con người thay đổi. Ngược lại, chúng ta tin Thiên Chúa luôn quan tâm và săn sóc cho mọi nhu cầu của con người. Thiên Chúa có uy quyền đến độ, tuy Ngài đáp ứng những lời cầu xin của con người, vẫn không thay đổi trong sự quan phòng vũ trụ của Ngài.

Các Bài Đọc hôm nay chứng minh Thiên Chúa quan tâm đến cuộc sống con người và luôn kiên trì để dạy dỗ và chữa lành con người. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Sáng Thế tường thuật biến cố Thiên Chúa hiện ra và vật lộn với tổ-phụ Jacob suốt đêm. Biến cố này muốn nói Thiên Chúa kiên trì trong việc cứu độ con người, và con người luôn phải bám lấy Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu vất vả ngược xuôi để dạy dỗ, rao giảng Tin Mừng, và chữa lành mọi vết thương hồn xác cho con người. Ngài thương dân vất vả tả tơi như chiên không người chăn, và dạy các môn đệ phải luôn cầu nguyện để Thiên Chúa gởi đến các mục tử tốt lành chăn dắt chiên.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Jacob vật lộn với Thiên Chúa.

1.1/ Mối thù hận giữa Esau và Jacob: Để hiểu trình thuật hôm nay, chúng ta cần phải biết mối thù hận giữa hai anh em sinh đôi, Esau và Jacob. Tuy Esau là anh vì sinh ra trước; nhưng bà mẹ Rebekah đã lập kế hoạch để Jacob tước đoạt quyền trưởng nam và lời chúc lành từ cha là Isaac. Esau tức giận về kế hoạch này và tìm cách trả thù. Esau cùng với 400 thuộc hạ của ông đang trên đường đi gặp Jacob, và Jacob đang trên đường chạy trốn Esau, anh mình. Ông rất lo lắng cho số phận của ông và gia đình, nên ông đã cầu nguyện với Thiên Chúa: “Xin giải thoát con khỏi tay anh con, khỏi tay anh Esau, vì con sợ anh ấy, sợ anh ấy đến đánh chúng con, đánh cả mẹ lẫn con” (Gen 32:12).

(1) Cuộc vật lộn suốt đêm giữa Jacob và người lạ mặt: “Đêm đó, ông Jacob dậy, đem theo hai bà vợ, hai người nữ tỳ và mười một đứa con, và ông lội qua sông Jabbok. Ông đem họ theo, đưa họ qua sông, rồi đưa tài sản của ông qua. Ông Jacob ở lại một mình; và có một người đến vật lộn với ông cho đến lúc rạng đông.”

Cuộc vật lộn giữa con người với thần minh thường xảy ra trong các truyện thần thoại. Trong các câu truyện như thế, thần minh thường là người trấn giữ các con sông, thường có mặt lúc ban đêm, và thường bị buộc phải tiết lộ tông tích hay những điều bí mật cho con người. Tất cả những yếu tố này đều có trong trình thuật hôm nay. Điều này nói lên tác giả Sách Sáng Thế có thể bị ảnh hưởng bởi những truyện này, với mục đích để chuyển giao ý định của Thiên Chúa cho con người.

(2) Kết quả cuộc vật lộn: “Thấy không thắng được ông, người đó bèn đánh vào khớp xương hông của ông, và khớp xương hông của ông Jacob bị trật đang khi ông vật lộn với người đó.” Người lạ yêu cầu: “Buông ta ra, vì đã rạng đông rồi.” Nhưng ông đáp: “Tôi sẽ không buông ngài ra, nếu ngài không chúc phúc cho tôi.” Người đó hỏi ông: “Tên ngươi là gì?” Ông đáp: “Tên tôi là Jacob.” Ông Jacob hỏi: “Xin cho tôi biết tên ngài.” Người đó nói: “Sao ngươi lại hỏi tên ta?” Và người đó chúc phúc cho ông tại đấy.

Người lạ mặt từ chối mặc khải tên mình cho Jacob; nhưng sự kiện người đó chúc lành cho Jacob mặc khải phần nào tông tích của Ngài. Jacob có thể đoán ra được qua việc ông đặt tên cho nơi đó là Peniel, có nghĩa “mặt của Thiên Chúa.” Hơn nữa, lời giải thích sau đó cũng chứng minh Jacob biết đó là Thiên Chúa: Ông Jacob đặt tên cho nơi đó là Penuel, “vì ông nói: tôi đã thấy Thiên Chúa mặt đối mặt, mà tôi đã được tha mạng.”

1.2/ Hậu quả của cuộc vật lộn:

(1) Thiên Chúa đổi tên và chúc lành cho Jacob: Thiên Chúa đổi tên cho Jacob thành Israel, có nghĩa: “người đã đấu với Thiên Chúa và với người ta, và ngươi đã thắng.” Động từ thi đấu dùng ở đây là “sarah” được dùng ở thời quá khứ với tiếp vĩ ngữ là “yisra-el.” Mối liên hệ giữa Thiên Chúa và Israel được ví như một cuộc vật lộn, và Israel sẽ thắng dù không xứng đáng. Đổi tên ai là trao cho người đó cho một sứ vụ. Thiên Chúa trao cho Jacob sứ vụ là tổ-phụ của một dân riêng. Dân riêng này mang tên của ông là Israel, dân luôn được Thiên Chúa chúc lành.

(2) Jacob bị trật xương hông: Tuy Jacob thắng thế, nhưng ông phải trả giá cho cuộc vật lộn chứ không hoàn toàn bình an vô sự: ông phải đi khập khiễng vì bị trật xương hông. Việc dân Do-thái không ăn gân đùi có lẽ là một truyền thống xa xưa, vì người Do-thái không còn thói quen này nữa.

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu kiên trì chữa lành và dạy dỗ con người.

2.1/ Chúa Giêsu đi khắp nơi để chữa lành và rao giảng Tin Mừng: Trong 3 năm công khai rao giảng, Chúa Giêsu đã lang thang khắp miền Palestine để rao giảng Tin Mừng và chữa lành các vết thương hồn xác cho con người. Tuy thế, Ngài cũng gặp biết bao chống đối từ các kinh-sư, luật sĩ, và nhà cầm quyền Rôma. Trình thuật hôm nay là một trường hợp điển hình.

(1) Hai phản ứng trước phép lạ Chúa Giêsu trục xuất quỉ ám ra khỏi người câm:

+ Dân chúng kinh ngạc, nói rằng: “Ở Israel, chưa hề thấy thế bao giờ!” Người chất phác thành thật thấy sao nói vậy; họ không bị ảnh hưởng bởi thành kiến và các tính toán lợi nhuận.

+ Nhưng người Pharisees lại bảo: “Ông ấy dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.” Họ buộc tội Chúa có liên hệ với quỷ vương để khỏi phải tin và giữ những gì Chúa dạy; hơn nữa, họ không muốn toàn dân tin theo Chúa vì họ sẽ mất uy quyền, thế lực, và những lợi nhuận vật chất.

(2) Phản ứng của Chúa Giêsu: Chẳng quan tâm đến những lời phê bình của họ, Chúa Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. Ba việc tông đồ Ngài làm gương cho chúng ta:

+ Dạy dỗ: để dân chúng biết đâu là sự thật từ biết bao điều sai trái trong thế gian.

+ Rao giảng Tin Mừng: loan báo tình yêu vô biên của Thiên Chúa dành cho con người, và chỉ đường cho con người biết sống làm sao để đạt được hạnh phúc muôn đời bên Ngài.

+ Chữa lành mọi vết thương hồn xác: Chúa Giêsu cảm thương với những đau khổ hồn xác của con người. Ngài muốn mặc lấy để cứu chữa hay cất đi tất cả khổ đau mà con người phải chịu.

2.2/ Chúa Giêsu lo lắng nhân loại không đủ người dẫn dắt: Không phải chỉ lo cho thế hệ đương thời, Ngài còn lo cho các thế hệ tương lai. Chỉ một câu vắn vỏi, nhưng đã lột tả hết sự quan tâm của Chúa Giêsu: “Khi Đức Giêsu nhìn thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt.” Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Thiên Chúa luôn quan tâm đến cuộc sống của mỗi người chúng ta. Ngài tìm đủ mọi cách để săn sóc, dạy dỗ, và chữa lành mọi vết thương hồn xác của chúng ta.

– Chúng ta phải kiên trì với Thiên Chúa trong đau khổ và thử thách. Một khi đã được chữa lành, chúng ta phải cộng tác với Thiên Chúa trong việc săn sóc, dạy dỗ, và chữa lành tha nhân.

– Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt quá ít ỏi. Trong Năm Thánh Linh Mục, chúng ta hãy tìm mọi cách để gia tăng ơn gọi linh mục và tu sĩ; để có nhiều thợ rành nghề làm việc cho Chúa.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************