Ngày thứ ba (07-11-2023) – Trang suy niệm

06/11/2023

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Ba Tuần XXXI Thường Niên

BÀI ĐỌC I: Rm 12, 5-16

“Kẻ này là chi thể của người kia”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, chúng ta tuy nhiều người, nhưng cũng chỉ là một thân thể trong Đức Kitô, và tương quan với mỗi người, kẻ này là chi thể của người kia. Nhưng chúng ta được những ân huệ khác nhau tuỳ theo ân sủng đã ban cho chúng ta: nếu là ơn nói tiên tri, thì hãy xử dụng sao cho xứng đối với đức tin; nếu là chức phận giúp việc, thì hãy chuyên cần giúp việc; nếu là thầy dạy, hãy lo dạy dỗ; nếu là khuyên bảo, hãy lo khuyên bảo; nếu là người phân phát, hãy có lòng chân thành; nếu là người cai quản, hãy cần mẫn; nếu là kẻ thương giúp, hãy vui vẻ.

Đức ái không được giả hình. Hãy chê ghét điều ác và trìu mến điều lành. Hãy thương yêu nhau trong tình bác ái huynh đệ: Hãy nhân nhượng tôn kính nhau. Hãy siêng năng, chớ biếng nhác: hãy sốt mến trong tâm thần và phụng sự Chúa. Hãy hân hoan trong niềm cậy trông, nhẫn nại trong gian truân và kiên tâm cầu nguyện. Hãy giúp đỡ các thánh khi họ thiếu thốn, và ân cần tiếp khách đỗ nhà. Hãy chúc phúc cho những kẻ bắt bớ anh em: Hãy chúc phúc, chứ đừng chúc dữ. Hãy vui mừng với kẻ vui mừng, và khóc lóc với kẻ khóc lóc. Hãy đồng tâm hiệp ý với nhau: đừng tự cao tự đại, một hãy ưa thích những sự hèn kém. Đừng tự đắc cho mình là khôn. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 130, 1. 2. 3

A+B= Lạy Chúa, xin giữ linh hồn con trong bình an của Chúa.

A= Lạy Chúa, lòng con không tự đắc, và mắt con chẳng liếc nhìn cao, con cũng không lo nghĩ những việc lớn lao hay là những điều quá tầm trí mọn.

B= Nhưng con lo giữ linh hồn cho thinh lặng và thanh thản. Như trẻ thơ sống trong lòng thân mẫu, linh hồn con cũng như thế ở trong con.

A= Ít-ra-en hãy cậy trông vào Chúa, tự bây giờ và cho tới muôn đời. 

ALLELUIA: Tv 147, 12a và 15a

– Giêrusalem, hãy ngợi khen Chúa, Đấng đã sai lời Người xuống cõi trần ai. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 14, 15-24

“Anh hãy ra ngoài đường ngoài ngõ, và cố ép người ta vào cho đầy nhà tôi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, một người đồng bàn thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Phúc cho kẻ sẽ được ăn tiệc trong nước Thiên Chúa”. Người phán cùng kẻ ấy rằng: “Có một người kia dọn tiệc linh đình, và đã mời nhiều thực khách. Tới giờ dự tiệc, ông sai đầy tớ đi báo cho những kẻ được mời để họ đến, vì mọi sự đã dọn sẵn sàng rồi. Nhưng mọi người đồng thanh xin kiếu. Người thứ nhất nói với ông rằng: ‘Tôi mới tậu một thửa ruộng, tôi cần phải đi xem đất, nên xin ông cho tôi kiếu’. Người thứ hai nói: ‘Tôi mới mua năm đôi bò, và tôi phải đi thử chúng, nên xin ông cho tôi kiếu’. Người khác lại rằng: ‘Tôi mới cưới vợ, bởi đó tôi không thể đến được’.

“Người đầy tớ trở về thuật lại những điều đó cho chủ mình. Bấy giờ chủ nhà liền nổi giận, bảo người đầy tớ rằng: ‘Anh hãy cấp tốc đi ra các công trường và các ngõ hẻm thành phố mà dẫn về đây những người hành khất, tàn tật, đui mù và què quặt’. Người đầy tớ trở về trình rằng: ‘Thưa ông, lệnh ông ban đã được thi hành, thế mà hãy còn dư chỗ’. Ông chủ lại bảo người đầy tớ rằng: ‘Anh hãy ra ngoài đường ngoài ngõ và cố ép người ta vào cho đầy nhà tôi. Vì tôi bảo cho các người biết: không một ai trong những kẻ đã được mời, sẽ được nếm bữa tiệc của tôi’”. Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

07/11/2023 – THỨ BA TUẦN 31 TN

Lc 14,15-24

NGƯỜI ĐƯỢC DỰ TIỆC LỚN

“Mau ra các nơi công cộng và đường phố trong thành, đưa các người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt vào đây.” (Lc 14,21)

Suy niệm: Nước Trời như bữa tiệc lớn, thật diễm phúc cho ai được mời tham dự. Thế nhưng những vị khách được mời dự bữa tiệc đó lại xin kiếu. Họ đều mắc bận: nào là thăm thửa đất mới mua, cày thử mấy cặp bò mới tậu, nào là mới cưới vợ, tất cả đều trở thành lý do chính đáng để từ chối. Mối bận tâm đến của cải, đến ‘thế sự’ đối với họ là quá lớn đến nỗi việc dự tiệc Nước Trời không còn chỗ đứng. Họ chẳng khác nào những người trong câu chuyện thành Xơ-đôm, vì không thể dứt bỏ chuyện “ăn uống, mua bán, trồng trọt, xây dựng” nên đã không thoát khỏi hiểm hoạ bị tiêu diệt (x. Lc 17,28-29). Trái lại, “những người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt” là hình ảnh của “những người nghèo của Thiên Chúa” không bị vướng bận vì “mải mê thế sự”, có thể sẵn sàng đến dự bữa tiệc lớn. Họ thật diễm phúc vì quả thật Nước Trời là của họ (x. Lc 6,20).

Mời Bạn: Tâm hồn bạn có đang đầy ắp những bận tâm lo lắng sự đời đến nỗi không thể đến dự bữa tiệc thánh của Chúa? Và bạn có ‘bận’ đến nỗi không có thời gian dành gia đình, cho người nghèo khó đau khổ đang cần bạn chia sẻ? Bạn hãy xếp lại những bận tâm đó, sẵn sàng ‘một tấm lòng không’ để dành chỗ cho Chúa và để phục vụ tha nhân.

Sống Lời Chúa: Tâm niệm lời Chúa: “Trước tiên hãy tìm kiếm Nước Thiên, còn những gì khác Người sẽ ban thêm cho” (Mt 6,33).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã mời gọi chúng con vào dự tiệc Nước Trời. Xin cho chúng con biết quy hướng cuộc đời mình vào hạnh phúc đời đời mà Chúa hứa ban.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Bài Tin Mừng hôm nay vẫn nằm trong bối cảnh của bữa tiệc
do một ông Pharisêu chức sắc mời Đức Giêsu vào ngày sabát (Lc 14, 1).
Những lời Ngài nói trong bữa tiệc đã đánh động một người cùng bàn.
Ông chia sẻ với Đức Giêsu về niềm hạnh phúc
của người được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa (c. 15),
ở đó có mặt các tổ phụ và thiên hạ từ khắp tứ phương (Lc 13, 28-29).
Chính vì thế Đức Giêsu đã muốn kể một dụ ngôn về Nước Trời.

Nước Trời giống như một đại tiệc do một người khoản đãi.
Ông đã mời nhiều quan khách đến dự.
Khi đến giờ đãi tiệc, ông còn sai đầy tớ đi mời họ lần nữa.
“Mời quý vị đến, vì mọi sự đã sẵn sàng rồi” (c. 17).
Tiếc thay lời mời ấy, đại tiệc ấy, lại bị mọi người coi nhẹ.
Ai cũng có lý do để xin kiếu từ.
Kẻ thì kiếu vì cần phải đi xem miếng đất mới mua (c. 18).
Kẻ thì kiếu vì phải đi kiểm tra năm cặp bò mới tậu (c. 19).
Kẻ khác lại xin kiếu vì phải ở nhà với người vợ mới cưới (c. 20).
Có vẻ các lý do đưa ra đều có lý phần nào.
Nhưng thực sự chúng có phải là những lý do chính đáng
để từ chối đại tiệc mà mình đã được mời cách trân trọng hay không?
Vấn đề chỉ là chọn lựa.
Xem đất mới mua, xem bò mới tậu, ở nhà với vợ mới cưới,
những điều ấy hẳn cần thiết và quan trọng.
Nhưng có quan trọng bằng chuyện đi dự tiệc không?
Nếu đi dự tiệc để diễn tả sự hiệp thông của tình bạn
thì có thể hoãn các chuyện khác không, để chọn điều có giá trị hơn?

Chúng ta hiểu được sự nổi giận của ông chủ,
khi thấy bữa tiệc dành để khoản đãi các khách quý lại bị đổ vỡ.
Ông thấy chính mình bị xúc phạm, tình bạn bị coi thường.
Ông quyết định dành bữa tiệc này cho những ai không phải là khách quý,
những người thuộc giới hạ lưu, nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù (c. 21).
Và khi phòng tiệc vẫn còn chỗ trống, ông đã khẩn khoản lôi kéo vào
cả những người ở ngoài đường hay trong vườn nho (c. 23).
Cuối cùng, người được mời trước thì bị loại, vì họ tự loại chính họ (c. 24).
Còn những người có vẻ không xứng đáng lại được ngồi vào bàn.

Chẳng ai xứng đáng được dự bàn tiệc Nước Thiên Chúa
nếu Thiên Chúa không mời.
Nhưng chẳng ai bị loại trừ khỏi bàn tiệc cánh chung
nếu họ không cố ý từ chối lời mời đó.
Chẳng ai có thể tự cứu mình mà không cần đến Thiên Chúa,
nhưng con người có thể làm mình bị trầm luân mãi mãi
chỉ vì thái độ khép kín của mình trước ơn Chúa ban.
“Tôi xin kiếu”, đó là câu nói của nhiều người Kitô hữu hôm nay.
Chúng ta xin kiếu một cách quá dễ dàng,
chẳng để ý gì đến nỗi thất vọng và đau đớn của người đãi tiệc.
Lời mời của Thiên Chúa bị từ chối chỉ vì những chuyện không đâu.
Chuyện tất bật làm ăn, chuyện vui chơi giải trí, chuyện mời mọc của bạn bè.
Có nhiều chuyện thấy có vẻ quan trọng hơn, khẩn trương hơn,
đến nỗi có người bỏ tham dự thánh lễ Chúa Nhật.
Hãy chọn Thiên Chúa và biết quý những gì Ngài muốn ban cho ta.
Đại tiệc Thiên Chúa đã dọn sẵn rồi,
không chỉ ở đời sau, mà ngay ở đời này.
Ngài mong ta đến để dự tiệc, hay đúng hơn để chia sẻ một tình bạn.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
nhiều bạn trẻ đã không ngần ngại
chọn những cầu thủ bóng đá,
những tài tử điện ảnh
làm thần tượng cho đời mình.

Hôm nay
Chúa cũng muốn biết chúng con chọn ai,
và chúng con thật sự đắn đo
trước khi chọn Chúa.

Bởi chúng con biết rằng
chọn Chúa là lội ngược dòng,
theo Chúa là bước vào con đường hẹp:
con đường nghèo khó và khiêm nhu,
con đường từ bỏ và phục vụ.

Hôm nay, chúng con chọn Chúa
không phải vì Chúa giàu có,
tài năng hay nổi tiếng,
nhưng vì Chúa là Thiên Chúa làm người.
Chẳng ai đáng chúng con yêu mến bằng Chúa.
Chẳng ai hoàn hảo như Chúa.

Ước gì chúng con can đảm chọn Chúa
nhiều lần trong ngày,
qua những chọn lựa nhỏ bé,
để Chúa chiếm lấy toàn bộ cuộc sống chúng con,
và để chúng con
thông hiệp vào toàn bộ cuộc sống của Chúa. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

7 THÁNG MƯỜI MỘT

Một Cộng Đoàn Yêu Thương

Cộng đoàn Kitôhữu được sinh ra từ Lời Chúa và cắm rễ sâu trong mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Nhưng có một yếu tố thứ ba nữa làm nên đời sống cộng đoàn, đó là tình yêu được Chúa Thánh Thần đổ tràn trong lòng chúng ta (Rm 5,5). Thật vậy, cộng đoàn sẽ ra sao nếu thiếu vắng tình yêu? Đời sống cộng đoàn chúng ta sẽ ra sao nếu chúng ta không thi hành điều mà Công Đồng gọi là “luật” của Dân mới của Thiên Chúa: yêu thương như Chúa Kitô yêu chúng ta (LG. 9)? Đời sống cộng đoàn chúng ta sẽ ra sao nếu chúng ta không có mối hiệp thông trọn vẹn với giám mục của mình và với Giáo hội trên toàn cầu?

Nhưng tình yêu ấy phải hữu hình. Nó phải là đặc trưng cho mọi khía cạnh đời sống chúng ta trong tư cách là một cộng đoàn. Mối hiệp thông thiêng liêng phải trở thành một mối hiệp thông của các quan hệ phong phú giữa người với người. Chúng ta phải có một cung cách đích thực Kitôhữu trong quan hệ với nhau. Như tôi đã từng khẳng định, thật vô cùng quan trọng việc một giáo xứ trở thành tiêu điểm sum họp vừa mang tính nhân bản vừa mang tính Kitô giáo, để tạo lập một đời sống cộng đoàn trọn vẹn.

Các cộng đoàn chúng ta được mời gọi cảm nếm trước nền văn minh tình thương. Và, căn cứ vào mẫu thức của các cộng đoàn Kitôhữu đầu tiên, thì chúng ta phải thể hiện được một đời sống xã hội phong phú đặc trưng bởi tình huynh đệ đích thực. Mối quan hệ của chúng ta phải được định hình bởi bởi tinh thần hiếu hòa và dâng hiến. Chúng ta cần một tinh thần cộng tác và hòa giải – để chữa lành những vết thương. Chúng ta cần một đời sống thiêng liêng vững mạnh có sức kết hiệp chúng ta với tình yêu của Thiên Chúa cũng như với tình yêu của anh chị em chung quanh mình.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 07-11

Rm 12, 5-16a; Lc 14, 15-24.

Lời suy niệm: “Những khách đã được mời trước kia, không ai sẽ được dự tiệc của tôi.”

          Trong thế giới người Kitô hữu ngày hôm nay cũng lắm người đang vin vào nhiều lý do, để không tham dự vào những buổi cử hành phụng vụ của Giáo Hội; hoặc không chịu tham gia vào các sinh hoạt của các hội đoàn Công Giáo Tiến Hành. Đặc biệt những người làm cha mẹ, và cả những người có trách nhiệm về tinh thần cũng đang muốn cho con cái mình tham gia những buổi học thêm về văn hóa hơn, mà không chịu sắp xếp lại chương trình học thêm của con em mình, để có giờ tham dự các Thánh lễ, kinh nguyện, các buổi học giáo lý, và tham gia các sinh hoạt của giáo xứ.

          Lạy Chúa Giêsu. Lời Chúa đang nói thẳng với chính chúng con. Xin cho chúng con biết sắp xếp thời gian cuộc sống, để luôn sẵn sàng đáp lại lời mời gọi của Chúa, của Giáo Hội để đời sống đức tin của chúng con ngày càng vững mạnh và trưởng thành; được gần Chúa; để được ơn cứu độ của Chúa. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

07 Tháng Mười Một

Nỗi Khao Khát Của Hạt Muối

Khao khát duy nhất của hạt muối là được xem thấy biển. Bằng mọi giá, nó muốn khám phá thế nào là biển… Ngày kia, nó ra đi… Vừa đến bờ biển, nó khám phá ra một cái gì mênh mông, xanh ngắt và sống động. Nó thốt lên:

– Biển ơi, hãy nói đi, ngươi là ai?

Một đợt sóng trả lời:

– Hãy chạm đến ta, rồi ngươi sẽ hiểu.

Hạt muối trườn mình xuống nước. Ô kìa, nó cảm thấy ngây ngất, niềm vui tột cùng làm nó cảm thấy như không còn đứng vững được nữa. Nó cảm thấy như đang hòa lẫn từ từ trong nước. Niềm vui dâng trào. Nó lại hỏi một lần nữa:

– Biển ơi, hãy nói đi, ngươi là ai?

Một đợt sóng cuối cùng ôm ghì lấy nó và nó từ từ tan biến trong nước. Nó chợt reo vui lần cuối cùng:

– Bây giờ ta mới hiểu thế nào là biển: biển là một phần của chính ta.

Hạt muối chỉ có thể hiểu được thế nào là biển khi nó được hòa tan trong nước. Có chìm ngập trong biển, có đi vào biển mới hiểu được thế nào là biển… Thiên Chúa cao cả hơn lý trí của con người. Chúng ta không thể chỉ biết Thiên Chúa bằng lý trí… Hãy để cho Thiên Chúa chiếm ngự, hãy để cho Thiên Chúa ôm chầm lấy ta, ta mới có thể biết được Ngài là ai. Tình tri giao giữa Thiên Chúa và con người chỉ có thể nảy nở bằng thinh lặng, hòa nhập trong cảm mến, tri ân.

(Lẽ Sống)